Vân Đài Loại Ngữ - Quyển 8 - Chương 3

Học-sĩ Dương-Vinh[1086] triều nhà Minh dâng sớ nói mười việc, chỉ-trích Phủ bộ pháp ty chứa chất nhiều điều tệ hại.

Vua Thành-tổ (1403- 1424) khen ngợi việc đó, nhưng cẩn-mật dạy bảo Dương-Vinh rằng:

- Ngươi là bề tôi tâm phúc, nếu ngươi dâng lên lời nói ấy e rằng càng khiến người ta nghi-ngờ, chẳng bằng khiến một quan ngự-sử thận trọng cẩn-mật nói việc ấy.

Do đó Dương-Vinh nhờ quan Giám-sát ngự-sử Đặng-Trực vào tâu việc ấy.

Quan Thượng-thư Dương-Sĩ-Kỳ[1087] nói:

- Từ trước đến nay Bộ binh xin giao cho quan triều cận chăn ngựa, như thế là có thương tổn đến quốc-thể [14a] thì không nên.

Vua Nhân-tông (1424- 1425) phán: “Phải đấy” . Rồi liền phê bãi bỏ việc ấy.

Thế mà tờ nội phê đã hai ngày rồi mà không được chuyển ra.

Quan thượng thư Dương-Sĩ-Kỳ lại nói đến việc ấy nữa. Vua triệu Dương-Sĩ-Kỳ vào dạy rằng:

- Trẫm há nhẫn lòng quên việc ấy hay sao? Lúc đầu nghe ngươi nói, Trẫm liền sai người đi xem xét bọn Lý-Khánh[1088] và Lữ-Chấn[1089] thấy họ đang giao mồm giận ngươi.

Trẫm nghĩ ngươi cô-lập e sợ cho ngươi sẽ bị họ làm hại, cho nên không muốn nhân lời ngươi tâu mà bãi bỏ lịnh ấy. Nay đã có danh nghĩa rồi. Ngươi ra chỉ-thị cho quan Án-sát sứ Trần-Trí làm một tờ sớ. Vua khiến căn-cứ vào đấy mà thảo tờ sắc bãi bỏ.

Từ xưa bậc vua hiền đã vì kẻ bề tôi cẩn mật bày kế, mỗi việc gì cũng đều ủy khúc chu-đáo cẩn-mật không muốn lậu những điều không hòa hợp để gây oán thù.

Có việc gì thì các quan thị tụng phải thông cảm hiểu cái ý ấy.

Sách Đàm-lục của Đinh-Vị chép: Đinh-Vị thường nói: “Các quan ở hai bên vua khi tấu phúc việc công, nên cẩn-thận không [14b] xúc-phạm đến những gì quan-hệ đến điều vua quyết đoán. Đáng quý là làm những việc gì cũng quy công ơn cho vua” .

Thường có một quan-liêu thẩm-phán ở Hình-viện, nhân dâng trình một vụ án của một quan viên ăn hối-lộ, Vua Chân-tông (998- 1022) vừa đọc án thì trù-trừ muốn tha-thứ cho một lần.

Chưa được lời phán của vua, viên thẩm-phán ấy liền tâu:

- Đó là con trai của Ngụy-Chấn.

Vua Chân-tông liền bừng bừng nổi giận bảo:

- Là con trai của Ngụy-Chấn mà còn nhận của hối-lộ làm điều phi-pháp?

Vua phê bản án ấy: “Y pháp thi-hành” .

Bèn xử tử người ấy.

Về sau có một quan Tri-viện thấy dấu xe trước đã đổ, mỗi khi tâu việc thì sợ hãi nhận lấy thánh-chỉ[1090].

Lại chợt có viên quan khoa-từ phạm tội hối-lộ, nhiều bản án đã dâng trình.

Vua Chân-tông hỏi:

- Như thế nào?

Tấu quan bèn thưa:

- Người ấy tất cho là đáng tội. Nghe nói người ấy khóc tuôn nước mắt nói rằng: “Đã làm hoen-ố [15a] khoa danh[1091] của Bệ-hạ ban cho, đã làm phụ lòng tín-nhiệm của Bệ-hạ, khiến không còn mặt mũi nào trông thấy Bệ-hạ, không còn mặt mũi nào trông thấy triều-đình, chỉ chờ cái chết mà thôi” .

Vua Chân-tông nghe nói, đặc-biệt tha cho tội chết mà cho an trí.

Những điều quan sát mà trông chừng ý vua là như thế, cũng là một phương-pháp để giải cứu cho người.

Đinh-Vị lại chép: Sĩ đại-phu không nên tranh danh đua tiến đến nỗi phải hạnh-kiểm có điều khiếm-khuyết, làm oen-ố tung-tích một đời.

Xưa Trương-Khứ-Hoa[1092] dưới triều vua Thái-tổ (960- 975) xin thi. Ông được mấy người bạn tri kỷ đều là danh thần ở quán các bầu-cử.

Vua Thái-tổ giận hỏi Trương-Khứ-Hoa:

- Ngươi có ít nhiều văn-chương, có bằng Đào-Cốc không?

Trương-Khứ-Hoa tâu:

- Không bằng.

- Ngươi có dám thi đua với Đậu-Nghi[1093] chăng?

- Không dám.

- Ngươi có dám thi đua với Trương-Đạm[1094] chăng?

Trương-Khứ-Hoa chần-chờ không đáp.

Vua Thái-tổ bèn khiến Trương-Đạm cùng thi đua.

Thi xong, bài thi của Trương-Khứ-Hoa được chấm hay hơn [15b] của Trương-Đạm.

Trương-Đạm là chú út của Trương-Khứ-Hoa.

Từ đó Trương-Khứ-Hoa không đặng vào quán các.

Quan Thị-trung Tào-Lợi-Dụng[1095] đời nhà Tống, đương thời bà Chương-hiến Thái-hậu, ở vào địa-vị cựu thần có huân công, được Thái-hậu nể sợ.

Hễ Nội-cung có giáng ân trạch thì quan Thị-trung Tào-Lợi-Dụng đều giữ lại không thi hành. Nhưng việc giữ lại đã nhiều. Cho nên có người ân trạch bị giữ lại đã ba lần mà nội-cung lại giáng ân trạch cho nữa thì quan Thị-trung mới bất đắc dĩ thi-hành.

Lâu dần, người tiểu-nhân (người hèn mọn) dò biết được, hễ cầu đã ba lần giáng ân trạch mà không đặng thi-hành thì phải xin nữa.

Thái-hậu nói:

- Quan thị-trung đã không thi-hành.

Người xin bèn thong-thả xin rằng:

- Hạ thần đã nói với bà vú hay người thân-tín trong nhà quan Thị-trung nói giùm với quan, mà quan đã hứa cho rồi.

Do đó Thái-hậu lại giáng ân trạch cho nữa. Quan Thị-trung Tào-Lợi-Dụng không biết chi cả, chỉ thấy đã giữ lại ba lần thì bất đắc dĩ miễn cưỡng thi-hành.

Do đó Thái-hậu căm giận [16a] nghiến răng. Cho nên có cái họa Tào-Nhuế cho Tào-Lợi-Dụng.

Bài Quy điền lục của Âu-dương-Tu có chép việc nầy.

Âu-dương-Tu lại nói: “Bậc đại-thần công cao quyền trọng, khi tai họa đưa đến thì không phải trí lự của họ có thể phòng ngừa được” .

Tôi nói được việc nầy chỉ vì Tào-Lợi-Dụng không khéo xử.

Nếu việc giữ lại không thi-hành là phải, thì cứ tâu bày biện-luận xác-định là không thể thi-hành được, sao lại còn miễn cưỡng thi-hành?

Nếu không trở-ngại gì lớn-lao thì cứ thi-hành cho thuận-tiện. Đã luận thi-hành thì hà tất lại luận giữ lại.

Nếu có hại cho lẽ phải mà liệu mình không thể tranh nổi, thì phải thấy thời-cơ mà rút-lui để toàn thân thế danh-dự, như thế cũng được.

Sao lại cứ giữ mãi ý-kiến không vững, không biện-bạch việc hồ-đồ, cẩu-thả noi theo mãi? Việc giữ lại không thi-hành không đủ là trọng. Việc ban cho không đủ là ơn. Giữ chức-vụ cao, ở địa-vị trọng, lấy thân mình đương lấy nỗi oán hận của mọi người mà không biết dẹp bỏ rút lui thì chỉ mở [16b] mối cho thiên-hạ gièm pha.

Chu-Cảm đời Tống có soạn một quyển sách Khả-đàm, trong ấy có mấy đoạn kể việc của người đương thời, có thêm phần bình-luận, đều có quan-hệ đến hành-vi của sĩ-phu đáng được xem xét giới răn. Nay xin lược chép ra sau đây để biết cư-xử lúc nói-năng lúc im lặng, cử-động lúc thù-tạc không thể nào không cẩn-thận được.

Vua Thần-tông nói: “Những biểu-chương của Hùng-Bổn[1096] đều đóng ấn đoan chính cẩn-thận, màu đỏ tươi sáng, trước sau không có khác nhau tí nào” . Do đó Hùng-Bổn được vua tri ngộ cất nhắc lên dùng cho đến chức Lưỡng-chế[1097].

Ngày gần đây, vào ngày sinh-nhật của quan Trưởng-sử, các chức liêu tá đều vẽ Thọ-tinh[1098] để hiến dâng. Theo lệ thì thơ phú chỉ được nhận, còn tranh họa thì được trả lại, chỉ dùng làm lễ-nghi có khác nhau mà thôi.

Vương-An-Thạch từ khi cầm quyền (là Tể-tướng) ra nhậm chức ở Từ-châu, trong ngày sinh-nhật, các thuộc-lại vẽ tranh Thọ-tinh để mừng thọ. Có người không vẽ [17a] tranh Thọ-tinh thì có bức tranh mừng thọ bọc lụa hồng, nghĩ bụng thế nào tranh cũng được trả lại.

Vương-An-Thạch bỗng sai người mở những tranh họa ra treo ở sảnh-đường, và biên tên họ phẩm hàm của người dâng tặng.

Trong số ấy, người nào không có tranh Thọ-tinh thì dùng tranh Phật hay quỷ thần thay vào.

Chỉ có một võ quan tên Thôi-Bạch dâng bức tranh vẽ hai con mèo.

Đã đến trước những bức tranh ấy, võ quan ấy thẹn-thùng sợ-hãi bối-rối.

Đấy, những tiểu-tiết cũng không thể không cẩn-thận giữ-gìn.

Người xưa không dối-trá ở nơi ẩn-khuất tối-tăm, chính là nói như việc nầy.

Vương-Quýnh, dung-mạo đẹp-đẽ có tài khí và tư-tưởng[1099], lúc trẻ tuổi không giữ-gìn cẩn-thận, bị bọn điếm-đàng bày chuyện nói nhảm và phổ vào nhạc-phủ. Nay bài Lục-yêu[1100] hát rằng: Kỳ tuấn Vương gia lang (nghĩa là = Chàng kỳ tuấn nhà họ Vương) tức là Vương-Quýnh.

Trong niên-hiệu Nguyên-phong (1078- 1085), Thái-Trì-Chính tiến-cử Vương-Quýnh nói có thể cho làm chức Giám-ty. Vua Thần-tông (1068- 1085) chợt bảo: “Người ấy là Kỳ tuấn Vương gia [17b] lang (tức Vương-Quýnh) chăng?

Trì-Chính khấu đầu tạ tội.

Đỗ-Kỳ-Công thôi làm Tể-tướng trở về làng, không bận tâm về áo mão nữa.

Một hôm ở khách trọ tỉnh Hà-nam, ông đội mão đạo-sĩ, mặc áo thâm, ngồi ở cuối chiếu.

Lúc ấy quan phủ-doãn đi ra, lính ở nha không biết ông là quan cựu Tể-tướng, bắt ông đến.

Những con em thiếu-niên của các Vương-công[1101] lấy làm lạ khi thấy Đỗ-Kỳ-Công không đứng dậy vái chào, liền quát hỏi:

- Túc-hạ trước đã nhiệm chức nơi nào?

Đỗ-Kỳ-Công đáp:

- Đồng Trung-thư môn hạ Bình chương sự (tức là quan Tể-tướng đời Tống).

Khách trọ và chỗ ngồi hẳn là không thể biết khắp cả, thông-thường mình nên ngồi ở chỗ thấp, nhất là không nên nói bàn bậy-bạ và hỏi đến tên họ của ai, sợ trước mặt con em của người, mình nói đến tên và điều không hay của phụ-huynh của người, có khi chính người biết được thì tất phải chuốc lấy tai-họa.

Thói tục nói: “Nói sướng mồm lại là cái hại lớn” .

[18a] Thẫm-Khởi[1102] làm quan Đãi-chế. Các con của ông có yết-kiến Thư-vương. Thư-vương yêu mến, hứa sẽ cất nhắc cho.

Một hôm Thẫm-Khởi ăn mặc sang trọng dạo chơi đi ngang tướng phủ. Thư-vương nghe Thẫm-Khởi ở cửa phủ, gọi vào cùng ăn uống, trước hết bảo hãy cởi dây đai ra. Thẫm-Khởi không chịu. Bất đắc dĩ Thư-vương mới lấy tay vén áo của Thẫm-Khởi lên, thấy thêu có chân châu kết theo, khen luôn miệng: “Tốt! Tốt!” .

Từ đó Thẫm-Khởi không được gặp Thư-vương. Thẫm-Khởi bị bỏ rơi.

Trong niên-hiệu Chính-hòa (1111- 1117) Đài-Chương nói có một triều-sĩ được người ta gọi là Ôn-điềm cư-sĩ, có nghĩa là: Uống không cần chọn rượu ngon, việc ân-ái trong phòng the không cần chọn người.

Mấy việc nầy bình thường người ta dễ phạm, một khi bị chỉ trích thì không ai thoát được, cho nên kể ra đây cho các thiếu-niên anh-tuấn răn ngừa.

Nệm nhung[1103] thì quan văn ở cấp bậc Lưỡng-chế, quan võ ở cấp bậc Tiết-độ sứ trở lên mới được dùng. Mỗi năm cứ tháng 9 đem ra ngồi [18b], tháng 3 thì đem cất.

Trong niên-hiệu Chính-hòa (1111- 1117), có một vị quan ở chức Khanh-giám đã lâu, trong ý cho rằng thế nào cũng sẽ thăng vào Lưỡng-chế, mới mua sẵn một cái nệm nhung mà mang tiếng quá nóng-nảy tiến chức, vì thế mà bị bãi chức.

Vương-An-Lễ[1104] ưa giận hờn[1105], không chịu kém thua ai. Trong niên-hiệu Thiệu-thánh (1094- 1096) khởi quân Thái-nguyên, đi qua cửa khuyết để từ biệt vua.

Lúc ấy Khu-mật-viện[1106] thiếu trống. Vương-An-Lễ dũng chí muốn vào đấy mà các sĩ-phu cũng mong-mỏi vào đấy nữa.

Khi sắp đến kinh-đô, Vương-An-Lễ phúc đáp những bức thơ của các quan gởi đến đón mừng bằng những phong thơ mỏng với lời-lẽ ngạo-mạn và lễ-độ đơn-giản.

Có khi ở trước mặt vua, Vương-An-Lễ kể hạnh-kiểm trong trắng của mình.

Khi tấu đối xong, Vương-An-Lễ được vua thúc-giục đến nhiệm-sở mới thì rầu rầu không mãn ý được mấy tháng thì mất.

Thư-sinh[1107] phải thanh-bạch kiệm-ước, đó là phong thái xưa nay, không nên gượng theo kẻ phàm tục khoe-khoang xa-xỉ đua đòi học làm thể-diện.

Vương Kinh-công[1108] gả con gái cho Thái-Biện, hôn lễ chưa thành mà tiếng đồn xa-xỉ đã nghe lọt [19a] ra ngoài.

Vua Thần-tông (1068- 1085) hỏi:

- Khanh là nhà đại nho, dùng cẩm tú (gấm thêu) mà gả con gái đấy chăng?

Vương Kinh-công không đáp làm sao cả, về nhà hỏi phu-nhân thì quả nhiên đúng như thế, bèn đem cẩm tú ấy làm trướng thờ Phật. Hôm sau lại vào tâu đối sợ hãi tạ tội.

Trương-Bí túc-trực ở sử-quán.

Vua Thái-tông hỏi:

- Sao khách ăn ở nhà ngươi đông thế?

Trương-Bí tâu:

- Đó là những thân-thích bạn cũ thiếu-thốn thường qua ăn cơm.

Vua sai người rình bữa ăn, đột-nhập lấy đem đi, thì quả đó là cơm thô với canh rau.

Vua khen Trương-Bí là người trong sạch cần-kiệm mà lại hay thi ân đức giúp đỡ người, và từ đấy vua lấy lễ kính trọng Trương-Bí.

Ai bảo những việc tầm-thường nhỏ-nhặt mà không thấu đến bậc chí tôn (vua) hay sao?

Trong sách Thế-thuyết, Biện-Vọng-Chi[1109] nói:

“Trong người của Si-công có ba điều trái ngược nhau:

1) Ngay thẳng thờ vua mà ưa kẻ dưới nịnh mình.

2) Trị mình thì trong sạch đứng-đắn mà quá mưu tính lợi hại.

3) Mình thích đọc sách mà ghét [19b] người có học-vấn.

Ba điều nầy từ trước đến nay thường tình người ta hay mắc phải mà khó tự thắng mình được, cho nên có thể không giới răn hay sao?

Theo thói tục người ta hay luận rằng: “Giữ chính-trực thì trái thời mà thân nguy. Theo gian tà thì hợp thời mà thân yên” . Nhưng từ trước đến nay thấy chép trong sử truyện những người chính-trực dẫu có trái thời nhưng thường chung cuộc không khốn-đốn mãi, còn người gian tà thì chưa từng đã được yên-ổn.

Chỉ theo một mối mà nói, việc nhỏ như Giả Tổn-Chi, việc to như Dương Tố[1110], Quách-Sùng-Thao[1111]. Những vị nầy, trong lòng thì không có chủ-trương, phản phúc không có nương tựa vào đâu, cuối cùng đã để lại tiếng chê cười muôn đời.

Giả-Tổn-Chi lấy tài hùng-biện làm chức Đãi-chiếu, kể những điều dở của Thạch-Hiển cho vua nghe. Về sau sợ bị Thạch-Hiển ghét lại tâu những điều hay của Thạch-Hiển [20a] mong đẹp lòng Thạch-Hiển[1112].

Thạch-Hiển biết Giả-Tổn-Chi là người tráo-trở tâu lên vua. Vua ghét Giả-Tổn-Chi ôm lòng dối-trá bèn làm tội Giả-Tổn-Chi.

Trịnh-Ung[1113] là bề tôi cũ trong niên-hiệu Nguyên-hựu (1086- 1092) đời vua Tống Triết-tông vốn không hòa hợp với Chương-Đôn[1114]. Vua ưa thích thấy người ta nói ông ta chuyên dùng bạch thiếp để biếm trích những bậc hiền tài, bèn bảo rằng: “Xưa Vương-An-Thạch thường có như thế” .

Chương-Thuần mừng, liền đem nỗi lòng ra bẩm bạch. Vua được hiểu rõ, riêng ghét ông ta, liền đuổi ra làm quan ở ngoài.

Dương-Tố thì công danh trùm cả một đời, e sợ các bậc đại-thần nghi-kỵ, mới theo lời Vũ-Văn-Thuật xin vua phế Thái-tử, lập Tấn-vương cho thuận ý của Hoàng-hậu để kết hợp thành bè phái mà nương nhờ, cuối cùng bị Tùy Dương-đế ghét, giết cả họ.

Sùng-Thao lo ngại cho mình vì có công to mà bị hiềm ghét, mới dùng lời của con em xin vua lập bà họ Lưu làm Hoàng-hậu để đón ý vua và làm mưu kế tự an. Nhưng về sau mắc tội lại do bà họ Lưu gây cho.

Mấy người ấy không phải là không biết [20b] đó là bậy, nhưng thiết-tha với những mưu kế cho bản thân họ, muốn toan tính tránh tai vạ, và mê tâm thi-hành. Xét ra tai vạ không bao giờ không do đó mà ra.

Rồi sau mới biết theo lẽ phải, noi đạo thường thì tự nhiên giữ-gìn được phúc lớn[1115], còn trái lẽ phải phi nghĩa thì rốt cuộc không phải là mưu-đồ tốt đẹp.

Phải thay! lời hỏi của Bá-Thường-Khiên[1116]: “Theo đường lối chính-đáng mà thi-hành thẳng-thắn thì không được dung, theo đường lối kín-đáo mà thi-hành thẳng-thắn thì cuối cùng cũng không nỡ. Nay muốn thân không khốn cùng mà đường lối không kín-đáo thì có đường lối nào không? ” .

Đấng thánh-nhân của chúng ta (Khổng-Tử) đã bảo cho biết, đại ý nói: “Nếu không phải là người xứng-đáng thì đường lối không thi-hành được. Phải chọn người hiền-năng rồi sau mới bảo cho: Không thể không có chế-độ, không thể sính ý là mình đã hiểu biết xem xét thấu đáo, không thể quá cứng rắn, không thể khinh dể, chớ bỏ bớt phong-tục mà xua theo lợi, thấy phép tắc mà không thể cưỡng bức đời, trần bày đạo lý (đường lối) mà không dối với đời.

Đó toàn là những điều mà thánh-nhân đã lấy [21a] lý-lẽ chính đáng của thời-trung[1117] mà dạy người.

Sự thật nếu người nào được như vậy thì còn có điều hối tiếc gì nữa?

Theo sách Gia-ngữ, Lão-Tử nói: “Kẻ thông-minh hay xem-xét sâu-xa thì gần với sự chết (sẽ bị giết) vì họ ưa chê cười bàn luận người. Người biện-luận cao-xa rộng-rãi thì nguy-hiểm cho thân họ, vì họ ưa khui bới điều xấu của người” .

Ký-Diễm làm quan Thượng-thư nước Ngô, hay hài tội các quan, tuyển hạch tam thự[1118], muốn phân-biệt kẻ hay người dở, chia riêng người giỏi kẻ ngu.

Lục-Tốn[1119] nói với Ký-Diễm rằng: “Nay là lúc vua Cao-tổ bỏ kẻ dở dùng người giỏi, việc phê-bình mỗi đầu tháng ở đất Nhữ-nam và Dĩnh-Xuyên[1120] khi xưa e rằng chưa dễ mà thi-hành được” .

Ký-Diễm không nghe theo. Do đó tiếng oán hận chồng chất. Người ta đua nhau nói Ký-Diễm chuyên dùng sự thương ghét mà không do công-lý.

Ký-Diễm vì thế mà mang họa.

Thôi-Hạo[1121] làm tướng nước Ngụy, muốn chỉnh-đốn nhân-luân, phân-minh tộc họ.

Lư-Huyền[1122] nói với Thôi-Hạo rằng: “Sáng-lập chế-độ và pháp-luật tất phải có lúc. Thích làm việc đó há được mấy người? [21b] Phải suy nghĩ đôi ba lần cho cẩn-thận đã” .

Thôi-Hạo không nghe. Do đó các nhà quyền quý trong kinh-đô đều nhôn-nhao oán hận gièm chê Thôi-Hạo bêu xấu cho quốc-gia. Thôi-Hạo bèn mắc tội.

Tử-Ngọc cứng-cỏi mà vô lễ. Vi-Giả[1123]biết là Tử-Ngọc tất phải thất bại.

Dương-Xử-Phủ nhất thiết đều cương cường háo thắng. Ninh-Doanh biết là Dương-Xử-Phủ sẽ không sống trọn cuộc đời.

Cho nên những ai quá cứng-cỏi thì người ta có thể đoán biết trước như thế.

Nói nhiều thì hiềm-khích không ai thân ái. Vì thế mà Phó-Hà[1124] biết trước sự thất bại của Hà-Án và Đặng-Tích.

Đẹp-đẽ mà không chân-thật, ham muốn mãi mà không chán, vì thế mà Vi-Trung biết trước sự nguy khốn của Trương-Hoa và Bùi-Ngổi.

Hoài-Nam-Tử nói: “Bơi lội giỏi thì hay chết chìm. Cỡi giỏi thì hay ngã ngựa. Người ta ham thích về nghề gì thì trái lại hay mang họa về nghề ấy” .

Thân-Đồ-Gia[1125] đời Hán thấy quan Thái-trung Đại-phu Đặng-Thông[1126] vô lễ, mới vời đến [22a] phủ Thừa-tướng quở trách nặng-nề và muốn đem ra chém.

Vua Văn-đế sai sứ tạ tội cho Đặng-Thông.

Về sau, thấy quan Nội-sử Triều-Thố[1127] khoét tường nhà tông-miếu vào lấy trộm, Thân-Đồ-Gia lại làm tờ tấu xin giết Triều-Thổ.

Triều-Thố nghe được tin thì trước đã vào cung tự thú tội với vua rồi trở về.

Vua Cảnh-đế thấy tờ tấu của Thân-Đồ-Gia liền bảo: “Triều-Thố vô tội. Đó là Trẫm sai hắn làm việc đó” .

Thân-Đồ-Gia uất hận hối tiếc là bị lừa, hộc máu mà chết.

Triệu-Quảng-Hán[1128] thấy Hoắc-Quang đã mất, trong lòng hiểu biết ý thầm kín của thiên-tử, sai lại viên xông vào nhà Hoắc-Vũ tìm rượu, và lấy búa phá cửa.

Con gái của Hoắc-Quang làm Hoàng-Hậu khóc với vua Tuyên-đế (73-49 trước Tây-lịch). Lòng vua cho là phải, gọi Triệu-Quảng-Hán đến hỏi.

Về sau Triệu-Quảng-Hán đem lại tốt xông vào phủ Thừa-tướng thu bắt các nô-tỳ.

Vua giận Triệu-Quảng-Hán làm nhục đại-thần. Triệu-Quảng-Hán cuối cùng bị tội.