Vân Đài Loại Ngữ - Quyển 8 - Chương 7

Không cố-chấp thành-kiến, không che đỡ điều sai kém của mình, chỉ theo lẽ phải mà thôi, theo điều thiện rất dễ-dàng như khối tròn dễ lăn chuyển cho nên gọi là chuyển viên.

Dẹp lòng hồ-nghi, bỏ cái ý không quyết-đoán. Điều mà ta nắm giữ là phải thì muôn người không thể đoạt lấy được, cho nên gọi là chấp trì (nắm giữ chặt).

Lòng mừng lòng giận không lộ ra, khí giận dữ không lay động, mênh-mông ngàn khoảnh không bến bờ, ấy là khí lượng của bậc đại-thần, cho nên gọi là thâm trầm.

Không chất chứa vẻ uy-nghi[1216], không giữ lòng sâu kín[1217], để lòng thông suốt sáng tỏ, cho nên gọi là khai minh.

Miệng đọc muôn quyển sách, bụng chứa việc ngàn xưa, hiểu rõ pháp-chế của tiên-vương, cho nên lấy văn-chương định nghiệp cả, lấy lễ-nhạc giúp cuộc thái-bình, cho nên gọi là học cổ (học việc đời xưa).

Hiểu nhân-tình, thông việc đời, không theo ý mình[1218] cho trái tục, không nệ cổ để hại kim, không rơi vào [38b] ý-kiến quanh co của bọn nhà nho hủ-lậu, cho nên gọi là thông kim (thông-thạo việc đời nay).

Thương yêu dân đen[1219], mến tiếc nhân-tài, bao dung tất cả, độ-lượng lớn-lao như trời đất cho nên gọi là quảng ái (thương yêu rộng-rãi).

Bít cửa riêng, dứt việc xin yết-kiến, không tặng biếu lễ-vật, cửa sân của bậc đại-thần trong lặng như nước, cho nên gọi là công-liêm (công-bình thanh-liêm).

Xem xét chỗ căn-bản ở mình, trong một lúc tức giận, quơ tay xốc áo cho sướng việc trước mắt, sợ việc không yên tất sinh ra những biến khác, như điều hòa dây đàn và nêm canh, sao cho không gấp không hoãn, không ngọt không đắng, cho nên gọi là điều đình (thương lượng cho yên).

Hoặc sự cơ chợt ứng, ngoại-vật lôi kéo, cổ-nhân có nói: “Đương đoán bất đoán, phản thụ kỳ loạn” 當斷不斷,反受其亂. = Phải quyết-đoán mà không quyết-đoán, trái lại phải chịu họa loạn.

Thấy rõ sự nghi, rút gươm bẻ tên, mưu kế phải thi-hành thì việc gần-gũi riêng không thể lôi kéo, lời bàn nghị của mọi người không thể dao-động, lợi hại không thể thắng mình, cho nên gọi là quyết liệt.

Nước nhà vô sự là phúc, háo danh ham công, làm bận rộn thì [39a] ngày sau khó gánh chịu tội lỗi.

Tôn trọng phong-độ thanh tĩnh, giúp phép-tắc chỉnh-tề, sống yên-ổn với quốc-gia vô sự, cho nên gọi là giản tĩnh (giản-dị thanh-tĩnh).

Có khi những mối hại to phải trừ, như phong-hóa suy-đồi, thế-tục bại-hoại, phép-tắc hư-hỏng, người đời ngoan-cố, tình-thế phải thẩm xét một phen để sửa trị nghiêm-chỉnh, thế mà cứ noi theo việc hoang-dâm yến-ẩm, thân mình thì hưởng dật-lạc, lao-khổ thì chờ người sau, cho nên thiên-hạ càng ngày tất phải bại-hoại.

Vậy phải khích-lệ tinh-thần, nỗ lực, bỏ mối tệ, lấp nguồn họa để truyền lại cho đời sau mối lợi vô cùng, cho nên gọi là chấn chỉnh.

Mùa xuân ấm-áp, khí thu nghiêm khốc tuy gọi là đi đôi với nhau, nhưng khí nghiêm khốc của mùa thu là để giúp cho mùa xuân, đó là đạo Trời. Hễ khí nghiêm khốc của mùa thu quá thịnh thì khí dương hòa bị chuyển-động mà không phát tiết được, đó là họ Thân[1220], họ Hàn[1221] sở dĩ đã làm hại thiên-hạ.

Thể lòng háo sinh (ham sống), ban-bố nguyên khí, vì quốc-gia giữ lấy tinh thành, thích trang kính, giữ tâm tình cho ngay thẳng, cẩn-thận khi ở một mình. Đó là phương cách [39b] của bậc đại-thần dùng để biết rõ việc cát hung[1222].

Lại nói: Bậc đại-thần giữ nước lấy lẽ công của muôn đời trong thiên-hạ mà xử lý việc lớn-lao, chớ lấy ý mình mà chen vào, chớ lấy lòng riêng mà lẫn vào, lượng độ mong được rộng-rãi, khí chất mong được ôn-hòa, thể cách mong được trọng-hậu, hơn hết phải xét kỹ ở chỗ xa gần thân sơ.

Nghê-Nghĩa-phủ đời Tống nói: “Mỗi khi đi ra phố ra chợ hoặc ở trọ gặp lữ-khách ở Hà-đông, Hà-bắc, Thiểm-tây, tôi phải hỏi việc của họ, ý cũng muốn biết việc các thứ trà rượu muối phèn và tạp-hóa có canh cải tăng thêm điều lệ gì không và để có thể biết việc kinh, việc quyền, việc tiện lợi, việc bất tiện đã thi-hành trong tỉnh như thế nào” .

Bậc tiền-bối dụng tâm là như thế.

[40a] Tôi thường đọc phần Vương thị đàm lục trong sách Thuyết-phu thấy biên thư-mục mà các quan to trong niên-hiệu Gia-hựu (1056- 1064) đã đọc, mà thấy được học-thuật của các bậc hiền-năng đời trước thật là tinh-thông sâu rộng, và công-nghiệp của họ thật là viễn đại, nay chép đầy đủ như sau:

1) Tập tư lự kiến văn khả ký sự 集思慮見聞可記事 (Sách biên tập những việc đáng ghi nhớ đã suy nghĩ và được nghe thấy).

2)Tập chư ty sự lệ văn tự 集諸司事例文字 (Sách biên tập những giấy tờ về sự lệ ở các ty).

3) Sao kỷ bổn triều thi vi sự tiết 抄紀本朝施爲事節 (Sách sao chép chi-tiết các việc đã thi-hành của bổn triều).

4) Tầm cầu chư lộ cổ kim chiến đấu hành sư phương lược 尋求諸路古今戰鬥行師方畧 (Sách tìm kiếm những phương-lược hành-quân chiến-đấu từ xưa tới nay ở các lộ).

5) Biên lục cực biên sơn xuyên địa đồ 編錄極邊山川地圖 (Sách biên chép địa-đồ núi sông miền biên-giới xa-xôi).

6) Lục cổ kim phàm hưng lợi công tư sự 綠古今凡興利公私事 (Sách biên chép những việc thuộc công thuộc tư về hưng lợi từ xưa đến nay).

[40b] 7) Lục cổ kim trị thủy phương lược địa đồ 綠古今治水方畧地圖 (Sách chép địa-đồ và phương-lược trị thủy từ xưa đến nay).

8) Lục Tam ty tiền cốc văn tự, cứu vấn mỗi niên khoa số dữ nhất niên chi dụng đa thiểu súc tích phong pháp chi số 綠三司錢榖文字,究問每年科數與一年之用多少蓄積豐乏之數 (Sách chép những giấy tờ về tiền về thóc ở Tam ty, xét hỏi số thuế mỗi năm và số chi dụng nhiều ít chất chứa dư thiếu trong một năm).

9) Phỏng vấn binh tịch nội ngoại thực tăng giảm đa thiểu số 訪問兵藉内外寔增減多少數 (Sách hỏi về số quân trong bộ sổ ở trong ở ngoài thực sự đã tăng giảm nhiều hay ít).

10) Lục luật lịnh hình thống văn thư 錄律令刑統文書 (Sách chép văn thư về luật lịnh hình thống).

11) Phỏng vấn nội ngoại dưỡng mã số đa thiểu 訪問内外養馬數多少 (Sách hỏi về số ngựa nuôi ở trong và ở ngoài nhiều hay ít).

12) Lục thủy lục chu xa chuyển vận phương lược 錄水陸舟車轉運方畧 (Sách chép phương-lược chuyển-vận của thuyền và xe theo đường thủy đường bộ).

[41a] 13) Lục binh gia văn tự 錄兵家文字 (Sách chép những giấy tờ của nhà dụng binh).

14) Lục khí giới hình chế pháp độ 錄器械刑制法度 (Sách chép về khí-giới hình-chế và pháp-độ).

15) Lục cổ kim hữu di lợi ư dân sự 錄古今有遺利於民事 (Sách chép những việc đã truyền mối lợi cho dân từ xưa đến nay).

16) Lục tiền đại sở hướng hữu ích quốc gia sự 錄前代所向有益國家事 (Sách chép những việc có ích cho quốc-gia mà đời trước đã tiến-hành).

17) Lục cổ kim danh thần vi chính lược sự 錄古今名臣爲政略事 (Sách chép việc các bề tôi nổi tiếng đã bày mưu-lược chính-trị từ xưa đến nay).

18) Tầm phỏng Lễ Nhạc văn tự 尋訪禮樂文字 (Sách chép việc tìm hỏi những giấy tờ về Lễ Nhạc).

19) Lục lịch đại bổn triều thực hóa doanh vi sự lược 錄歷代本朝殖貨營爲事略 (Sách chép sơ-lược những việc kinh-doanh về kinh-tế của các đời và của bổn triều).

20) Lục bổn triều chư tướng lâm địch chế trí phương lược 錄本朝諸將臨敵制置方略 (Sách chép những mưu-lược của các tướng lãnh bổn triều đã bày ra lúc gặp quân địch).

[41b] 21) Lục bổn triều chư tể-tướng sở thi vi 錄本朝諸宰相所施爲 (Sách chép những việc đã thi-hành của các vị tể-tướng bổn triều).

22) Lục hướng lai hành văn thư trung lợi hại sự tiết 錄向來行文書中利害事節 (Sách chép những chi-tiết lợi hại trong việc hành văn thư từ trước đến nay).

23) Lục chư tại quan sở tàng gia thư mục lục 錄諸在官所藏家書目錄 (Sách chép mục-lục các sách của các quan tàng-trữ ở nhà).

24) Lục chư tại quan sở vi phương lược 錄諸在官所爲方畧 (Sách chép những phương-lược của các vị ở chức quan đã làm).

25) Lục sảnh đài cố sự 錄省臺故事 (Sách chép những chuyện xưa ở Sảnh đài).

26) Quan thông điển hội yếu chư thư 觀通典會要諸書 (Sách nói về việc xem xét các sách Thông điển Hội yếu).

Chính-sách mà xưa nay gọi là Hưng-lợi trừ hại 興利除害 (Chấn-hưng việc lợi-ích, tiêu-trừ việc tai-hại) chẳng qua là khuyến-khích việc làm ruộng trồng dâu, sửa sang bờ ao, khai thông ngòi rạch, chớ không có gì khác lạ, Nhưng nếu mình không đích thân làm lấy lại giao cho các lại-dịch không [42a] chịu yên-ổn làm thong-thả, cứ đốc-thúc làm cho mau gấp thì trái lại chỉ gây phiền rối mà thôi.

Cho nên Sở-Tài nói: “Hưng nhất lợi bất như trừ nhất hại. Sinh nhất sự bất như giảm nhất sự” 興一利不如除一害.生一事不如減一事. = Dựng một điều lợi không bằng trừ một điều hại. Sinh một việc không bằng bớt một việc.

Vỗ-về trị yên biên-thùy, chế-ngự các giống người Man, người Lão, không gì hơn là tùy theo chỗ đất trọng yếu mà đóng binh phòng giữ và tùy theo chỗ binh đồn tụ mà đặt lũy, làm thành cái thế răng chó mà dựa vào nhau và cái thế kỷ giác[1223] để nhờ vào nhau.

Còn lương-thực thì liệu lường lẽ tiện-nghi mà cấp cho, có khi cấp cho tiền và thóc ở kho, có khi cấp cho ruộng ở xa hay ruộng đất bỏ hoang để làm mùa, có khi cấp cho muối.

Về quân đồn-thủ phòng giữ biên-thùy thì tùy theo lẽ tiện-nghi mà chọn lấy, có khi chuyên dùng thổ-binh, có khi dùng cả quan binh và thổ-binh. Đó là kế hay để lâu dài tốt đẹp về sau.

Thân-công nói: “Làm chính-trị không ở nói nhiều mà cốt ở ra sức thực-hành. Đường lối nuôi dân quý ở cho dân được an [42b] dưỡng nghỉ-ngơi. Nhưng khi nghe được nỗi đau khổ của dân, nhà cầm quyền phải lập tức giải trừ, khi thấy được việc oan uổng của dân, nhà cầm quyền phải lập tức làm cho dân được yên lành thoát khỏi.

Tất cả những giấy tờ về điều-hành phu dịch phải giảm bớt thì dân sống mới thoải mái.

Những tờ cáo-thị bề bộn niêm yết chỉ gây tổn phí, xét ra thật là vô ích” .

Theo truyện Quách-Thác-Đà[1224], Liễu-Tử-Hậu cho việc đốc-thúc cày cấy gặt hái nuôi tằm dệt vải là phiền-nhiễu.

Nay sách Tang-thuyết đời Minh có chép bài ca-dao về việc quan ra bảng hiểu dụ dân Mán vâng theo thi-hành phép trồng dâu và cho là phiền-nhiễu. Như thế cũng là thấu hiểu sự tình. Bài thơ ca-dao ấy như sau:

上司出榜安獞猺

軍民激變法不饒

爲頭最禁打煙灶

狼虎身上鎔脂膏

布人得榜心獨快

竹筒傳來青絲帯

昂昂意氣似敕頒

借馬星馳下村寨

倚官托勢情萬千

籠鷄沽酒相後先

竹筒一棒没痛癢

户户又科濟榜錢

夷入文字何曾識

鄉老落來遮屋壁

1) Thượng ty xuất bảng an Đồng Diêu

Quân dân kích biến pháp bất nhiêu

Vi đầu tối cấm đả yên táo

Lang hổ thân thượng dung chi cao

Thị nhân đắc bảng tâm độc khoái

Trúc đồng truyền lai thanh ty đái

Ngang ngang[1225] ý khí tự sắc ban

Tá mã tinh trì[1226] hạ thôn trại

Ỷ quan thác thế tình vạn [43a] thiên

Lung kê cô tửu tương hậu tiên

Trúc đồng nhất bổng một thống dượng

Hộ hộ hựu khoa tế bảng tiền

Di nhân văn tự hà tằng thức?

Hương lão lạc lai cha ốc bích

Dịch nghĩa

1) Quan trên ra bảng yết-thị vỗ yên giống người Đồng[1227] người Diêu[1228].

2) Quân-đội và nhân dân bị phẫn kích mà biến động thì pháp-luật không tha-thứ.

3) Việc cấm trước nhất là bắt dân làm bếp.

4) Dùng chó sói và cọp để thắng mỡ.

5) Người ở chợ được bảng thì lòng riêng khoan-khoái.

6) Ống tre truyền lại có mang sợi tơ xanh.

7) Ý khí ngất-ngưởng như được sắc vua ban.

8) Mượn ngựa chạy mau về thôn trại.

9) Nương vào quan cậy vào thế hàng muôn ngàn tâm tình.

10) Nhốt gà mua rượu cùng nhau, kẻ trước người sau.

11) Cái ống tre ấy bưng lên thì không đau-đớn mệt nhọc gì.

12) Nhưng nhà nhà đều phải trả tiền công đưa bảng.

13) Người rợ nào đã từng biết chữ?

14) Mấy ông già trong làng sẽ hạ xuống để dùng ngăn che vách nhà.

Dịch thơ

Thượng ty ra bảng vỗ-vành,

Quân dân biến động, luật đành chẳng tha.

Bắt làm bếp ắt là cấm ngặt,

Sói cọp thì đều bắt thắng dầu.

Dân thành được bảng mừng nhau,

Ống tre truyền lại, xanh màu dây tơ.

Ý ngất-ngưởng như vua sắc tứ,

Mượn về thôn, ngựa cứ chạy nhanh.

Nương quan cậy thế, mặc tình,

Nhốt gà mua rượu đua tranh nhau cùng.

Ống tre bưng thì không mệt lã,

Mọi nhà tiền bảng trả tức thì.

Người di chữ nghĩa biết chi,

Cụ già che vách gỡ đi xuống dùng.

Vua tôi nhà Minh có làm bài Bình Man bi ký (bài ký khắc trên bia đá về việc dẹp yên người Man) như sau:

蠻獞異類者也.其暴虎,其貪狼而其捷猿揉也.

惟在乎治之者得其要,御之者有其備,蓋天下之事英雄於兵,天下之才英雄於將,

夫統數十萬熊羆之志士,使之觸刃冒流矢,非仁不能以懷,非威不能以戢,非斷不能以行,非智不能以謀,非信不能以服.又必如珠之走盤,如環之無端,不膠於一定,不扭於一偏,則兵未戰而先勝矣.

Man Đồng dị loại giả dã. Kỳ bạo hổ, kỳ tham lang nhi kỳ tiệp viên nhu dã.

Duy tại hồ trị chi giả đắc kỷ yếu, ngự chi giả hữu kỳ bị, cái thiên-hạ chi sự anh-hùng ư binh, thiên-hạ chi tài anh-hùng ư tướng.

Phù thống số thập vạn hùng bi chi chí sĩ, sử chi xúc nhận mạo lưu thỉ, phi nhân bất năng dĩ hoài, phi uy bất năng dĩ trấp, phi đoán bất năng dĩ hành, phi trí bất năng dĩ mưu, phi tín bất năng dĩ phục. Hựu tất như chu thi tẩu bàn, như hoàn chi vô đoan, bất giao ư nhất định, bất nứu ư [43b] nhất thiên, tắc binh vị chiến nhi tiên thắng hĩ.

Dịch nghĩa

Người Man người Đồng là khác loài (với chúng ta). Chúng hung bạo như cọp, chúng tham-tàn như sói, mà chúng nhanh-nhẹn như vượn như khỉ.

Người cai-trị chúng phải nắm được phần chủ-yếu, người chế-ngự chúng phải có sự phòng-bị, bởi vì việc trong thiên-hạ là anh-hùng về binh, tài trong thiên-hạ là anh-hùng về tướng.

Nầy, thống-lãnh mấy mươi vạn chí-sĩ dũng mãnh như gấu đen gấu trắng, khiến chúng xông vào lưỡi bén (của gươm đao), mạo-hiểm vào tên bay, nếu không có nhân thì không thể làm cho chúng luyến mến, nếu không oai thì không thể ngăn nổi chúng, nếu không quyết-đoán thì không thể thi-hành, nếu không có trí thì không thể mưu tính, nếu không đáng tin cậy thì không thể làm cho chúng phục-tùng, lại phải như viên ngọc châu lăn trên mâm, như chiếc vòng không có đầu mối, không gắn chặt vào một nơi nhất định, không quen lệch ở [43b] một bên, được như thế thì binh chưa chiến-đấu mà đã thắng trước rồi.

Lời nói nầy thật là hiểu thấu phép cầm binh chế-ngự biên-thùy.

Sách Uyên-giám loại hàm có chép một đoạn về âm đức[1229] trích phần Thiên quan thư trong sách Sử-ký như sau:

Trước cung Tử-vi bày ngay ở miệng sao Đẩu có ba ngôi sao, từ phía bắc quay đầu sang phía tây như ẩn như hiện gọi là Âm-đức tinh (sao Âm-đức).

Sách Hán-thư chép: Người có âm đức thì Trời lấy phúc báo đền cho.

Mai-Thừa[1230]truyện có câu: Tích đức lũy hành, bất tri kỳ thiện, hữu thì nhi dụng 積德累行,不知其善,有辰而用. Tích đức làm phúc mãi, tuy không biết là lành, nhưng cũng có lúc được nhờ.

Sách Thuyết-uyển có câu: Hữu âm đức tất hưởng kỳ lộc vinh dĩ cập tử tôn 有陰德必享其禄榮以及子孫. Có âm đức thì hưởng được lộc và vinh cho đến con cháu.

Về việc nầy được thấy chép như sau:

- Việc Hà-Tỷ-Can[1231] giữ phép nhân thứ cứu khổ được mấy ngàn người.

- Việc Đặng-Huấn[1232] sửa-sang hồ Thạch-cữu, mỗi năm cứu sống được mấy ngàn người.

- Việc Đậu-Vũ-Quân[1233] ra sức làm việc thiện.

- Việc Vương-Hựu[1234] minh oan cho Phù-Ngạn-Khanh vô tội.

- Việc Mã-Tùng-Chính trả người thiếp về nhà mà không đòi nợ.

- Sự-tích Lưu-Đại-Hạ[1235] giấu việc sai [44a] sứ sang Tây-dương.

- Việc Nguy-Khỏa[1236] gả người thiếp của cha.

- Việc Hàn-Quyết[1237] lập con mồ-côi.

- Việc Tôn-Thúc-Ngao[1238] chém rắn.

- Việc Dương-Bảo[1239] thả chim sẻ.

- Việc Hoàng-Kiêm-Tế góp lúa bán giá rẻ cứu dân.

- Việc Tào-Bân[1240] cứu nhân-dân một thành được toàn tính mạng.

- Việc Viên-An[1241] xét lý đưa người ra khỏi ngục sở quận và chưa từng lấy tội ăn hối-lộ tra hỏi người.

Con cháu dòng-dõi về sau của những vị ấy đều sang cả trải qua nhiều đời.

Đạo trời (báo ứng) thật sáng tỏ vậy.