Vân Đài Loại Ngữ - Quyển 9 - Chương 05

Sách Tuy khấu ký lược chép: Thời triều vua Hy-tông (1621- 1627) nhà Minh, bài đồng-dao (ca-dao của con trẻ) có câu:

天地兵起

徧地皆煙

Thiên hạ binh khởi

Biến địa giai yên

Dịch nghĩa

Thiên bạ dấy binh,

Khắp mặt đất đều là khói.

Dịch thơ

Khắp thiên-hạ quân binh đều khởi,

Cùng mọi nơi lửa khói bốc lên.

Chẳng bao lâu, người đất Mân có thứ gọi là yên tửu có thể trị bịnh hàn (lạnh). Đó cũng là [34b] kỳ lạ quá.

Sách Thuyết-linh chép: Thuốc lá (yên diệp) sản-xuất từ đất Mân. Người ở biên-giới bị bịnh hàn, nếu không có thứ này thì không trị được. Vùng quan-ngoại, thuốc lá rất quý, đến nỗi có người đem một con ngựa đổi lấy một cân thuốc lá.

Năm Quý-vị (1643) trong niên-hiệu Sùng-trinh, vua Tống Tư-tông hạ lịnh cấm thuốc lá. Người nào trồng riêng cây thuốc thì bị tội đồ.

Nhưng phép thì nhẹ mà lợi thì to, nhân-dân không tuân theo chiếu lịnh của vua.

Rồi nhà vua lại ra lịnh: Ai phạm tội trồng cây thuốc thì bị chém đầu. 

Nhưng binh-sĩ ở biên-giới mắc bịnh hàn không trị được. Chẳng bao lâu nhà vua phải đình chỉ lịnh cấm ấy.

Vùng Chiết-giang khắp nơi đều trồng cây thuốc lá, tuy là trẻ con bé tí-ti mà không đứa nào là không hút thuốc lá. Phong-tục đổi hẳn.

Sách ấy lại chép: Cây thuốc lá sản-xuất ở Lữ-Tống (Luçon), vốn tên là đạm ba cô (tobacco).

Sách Xích kinh hoặc vấn chép: Nuốt thuốc hít khói có thể làm cho người ta say.

Nước Nam ta lúc đầu không có cây thuốc lá ấy. Từ năm Canh-tý tức niên-hiệu Vĩnh-thọ thứ 3 (1660) đời vua Lê Thần-tông nhằm niên-hiệu Thuận-trị thứ 16[1420] đời vua Thanh Thế-tổ, người Ai-lao mới đem đến, nhân-dân nước ta bắt đầu trồng cây thuốc lá. Quan dân đàn bà con gái tranh nhau hút thuốc lá, đến nỗi có câu: [35a] “Có thể ba ngày không ăn, chớ không thể một giờ không hút thuốc lá” .

Ba ngày có thể không ăn,

Hút thì không thể cấm ngăn một giờ.

Năm Ất-tỵ niên-hiệu Cảnh-trị thứ 3 (1665) đời vua Lê Huyền-tông, triều-đình đã hai lần xuống lịnh chỉ nghiêm cấm, lùng bắt những người trồng thuốc, bán thuốc và lén hút thuốc, nhưng rốt cuộc không dứt tuyệt được.

Người ta phần nhiều khoét cột tre làm ống điếu và chôn điếu sành xuống đất[1421]. Tro than thuốc lá lắm lần gây thành hỏa-hoạn. Lâu dần lịnh cấm bãi bỏ, Nay thì việc hút thuốc lá đã thành thói thông-thường.

Gần đây, năm Mậu dần (1758) đời Càn-long nhà Thanh bên Trung-quốc, Ngô-Nghi-Lạc làm sách Bổn-thảo tùng tân đã lắm lần liệt thuốc lá vào loại độc-dược (thuốc độc) vì tính của nó cay mà ấm trị được bịnh phong hàn tê thấp trệ khí, ngăn đàm và sơn lam chướng khí. Hơi thuốc lá hút vào miệng thì không theo thường độ, chốc lát chạy khắp thân-thể khiến người ta thấy khoan-khoái khắp người. Người ta lấy thuốc lá thay rượu thay trà mà không chán. Cho nên thuốc lá có một tên nữa là tương tư thảo (loài cỏ mà người ta tưởng nhớ), nhưng lửa khói hun đốt làm hao huyết tổn thọ mà người ta không tự [35b] hiểu biết.

Trầm-hương[1422], tốc-hương[1423], đàn hương[1424], quế, long-não[1425], giáng-chân[1426], kỳ-nam[1427], uất-kim[1428], tường-vi, các thứ hương nầy phần nhiều sản-xuất ở cõi phương nam.

Phạm-Thành-Đại[1429] đời Tống nói: “Phương nam thịnh về hỏa (lửa), khí nóng bốc lên, tính chất tự nhiên của vạn vật ở đấy đều có mùi cay mà thơm” .

Thẫm-Tác-Triết[1430] cũng nói: “Hỏa thịnh ở phương nam, thực có thể sinh thổ, vị của thổ là ngọt và thơm. Ở phương nam thì được vượng khí của hỏa (lửa) bồi dưỡng, anh hoa phát tiết ra ngoài, cho nên cây cỏ đều thơm ngát.

Sách Quế hải ngu hành chí[1431] chép: Bài-hương sản-xuất ở Nhật-nam, hình-trạng như bạch-mao-hương, thơm ngát như xạ-hương[1432], cũng dùng để hợp chung các thứ hương. Các thứ cỏ thơm không có thứ nào thơm bằng cây bài hương này.

Theo tục ngày xưa, các thứ nhang hợp nhiều loại hương đều có pha bài-hương.

Sách Quế hải ngu hành chí có chép: Rêu cau, mọc trên cây cau cũng như những rêu cỏ bám ở thân cây tùng đốt một mình thì rất hôi. Người Giao-châu dùng để hòa-hợp với các thứ hương khác làm nhang bột thì có thể được mùi vị ôn hòa thơm ngát, công dụng cũng như giáp-hương. Nay các thứ nhang[1433] đều dùng thứ nầy vì nó có thể dẫn khói cho nghi-ngút thấu triệt.

Sách Quế hải ngu hành chí lại chép: Hương cảm-lãm tức là nhựa cây cảm-lãm (cây trám), hình-trạng giống như kẹo dẻo màu đen.

Người ở Giang-đông lấy nhựa cây hoàng-liên[1434] và nhựa cây phong (cây bàng) làm lãm hương (hương cảm-lãm) bởi vì nó cùng một loại với cây cảm-lãm (cây trám).

Nhưng hương cảm-lãm (cây trám) riêng có mùi thơm ngào-ngạt thoát tục, phẩm cách của nó hơn hẳn hương hoàng-liên và hương cây phong (cây bàng).

Theo sách Bổn-thảo, nhựa cây cảm-lãm (cây trám) như chất keo đen, đốt lên thì thơm ngào-ngạt.

Tục ngày nay, người ta dùng nhựa cây cảm-lãm chế-tạo hắc [36b] tuyến hương.

Sách Quế hải ngu hành chí chép: Hương-châu (nhang vò thành hột như hột châu) sản-xuất ở Giao-chỉ. Người ta lấy hương bột vò thành hình-trạng như hột tiểu ba-đậu, cho xen kẽ với hột lưu-ly, lấy chỉ màu xâu chung vào, làm thành tràng hạt của đạo-nhân. Nay nước ta không chế-tạo thứ nhang này nữa, nhưng hương châu (nhang hột) bán ở chợ Dương-châu rất khéo-léo.

Mặc-Tử nói:“Vua Vũ chế-tạo ra phấn” .

Sách Bác-vật chí chép: Vua Trụ đốt chì và thiếc làm ra phấn.

Theo tục nước Nam ta, người ta lấy sáp ong xắt thành miếng hòa với dầu sở hay dầu mè, để vào trong nồi, chưng cách thủy, rồi lấy ra để nguội nhồi bóp hàng trăm lần, nặn thành bánh, ướp với bông hoa thơm có tiếng, lại nhồi bóp nữa khá lâu cho thành nhuyễn [37a] mịn, đầy khí-vị thơm-tho cho phụ-nữ dùng trang-điểm trong khuê các.

Lúc chưng cách thủy, bỏ vào chu-sa thì nó có màu tươi hồng, bỏ vào sáp trắng thì có màu trắng hơi tối, thường dùng để tặng sứ-giả thiên-triều (Trung-quốc).

Đầu niên-hiệu Khang-hy (1662- 1722) quan Dương lang-trung Triệu-Kiệt sang nước ta, được tặng mấy bình sáp ấy, với bức thư nói rõ là sáp thơm.

Nhóm Triệu-Kiệt trở về Tàu đem thử sáp nầy tặng cho quan Đô ngự-sử Tống-Lạc, nói là chất mỡ trên cây có thể dùng bôi lên tóc của phụ-nữ.

Tống-Lạc nhân đó làm bài Quân lang lý bút ghi chép việc ấy và nói: “Có lẽ là dầu tô-hợp”[1435].

Tôi thường đọc sách Thuyết-phu đến chỗ nầy bất giác phải bật cười[1436], nhân đó nghĩ rằng: những điều ghi chép trong sách cũng có chỗ chưa biết rõ mà đã ức-đoán như loại chuyện nầy.

Sách Quế hải ngu hành chí chép: Bào hoa, người Nam gọi là hoa du (hoa bưởi), xuân đến thì nở hoa, nhụy tròn mà trắng như [37b] hột châu to, khi tách ra thì giống như hoa trà, mùi hương thơm dịu, người ở phiên trấn hái để xông hương, mùi vị đậm-đà.

Theo tục nước nhà ngày nay người ta hái hoa bưởi, theo phép nấu rượu nấu nước hoa, gọi là nước hoa (hoa thủy).

Lấy nước hoa nầy thấm sơ sơ vào đầu tóc thì thấy khoan-khoái.

Những bậc vương-công dùng thứ nước hoa này để tặng biếu nhau.

Sách Mân bộ sớ chép: Trái bưởi to mà thô, trong loài cam quít, là phẩm-vật rẻ nhất, hoa cũng to lạ thường, khoảng tháng 3 tháng 4 mùi hương thơm nồng.

Sách Trà kinh[1437] chép: Trà là loài cây tốt ở phương Nam, cây như cây qua-lô, lá như lá chi-tử, hoa như hoa bạch tường-vi, trái như trái cây banh-lư, nhụy như nhụy hoa đinh-hương, mùi vị rất hàn (lạnh).

Sách Quảng bác vật chép: Cao-lư là tên riêng của một thứ trà, lá to mà nhụy nhỏ, người Nam dùng [38a] nó để uống.

Sách Trà kinh của Lục-Vũ đời Đường chép: Người phương Nam có cây qua-lô cũng giống như lá trà non mà nhụy đắng, làm cho nát ra pha trà mà uống thì suốt đêm không ngủ. Ở Giao-châu và Quảng-châu người ta rất quý thứ nầy, hễ có khách đến nhà, thì trước hết bày thứ nầy ra đãi khách.

Đào-Hoằng-Cảnh[1438] nói: “Minh-khê xử sĩ cũng quý trọng thứ trà nầy” .

Lý-Thì-Trân[1439] nói: “Cao-lư không phải trà. Bỏ một miếng to vào bình thì thấy có mùi vị rất đắng, bỏ chút ít vào bình thì trái lại thấy có mùi vị ngọt, ngậm mà nuốt thì hết đau ở họng.

Nghiên bắc tạp chí chép: Lý-Trọng-Tân học-sĩ nói: “Trà ở Giao-chỉ như rêu xanh, vị cay gắt, gọi là đăng ” .

Những núi Am-thiền, Am-giới, Am-các ở huyện Ngọc-sơn tỉnh Thanh-hoa đều sản-xuất thứ trà đăng này. Cây trà nầy mọc liên tiếp che khắp rừng, người bổn-thổ hái lá, làm cho nát ra, phơi khô trong bóng mát, nấu mà uống, tính nó [38b] hơi hàn, có thể làm cho mát tim phổi, giải khát và ngủ ngon.

Hoa và nhụy càng tốt nữa, có mùi hương tự-nhiên.

Thôn ấy gọi là xã Vân-trai, giáp Bạng-thượng chuyên-nghiệp buôn bán thứ trà nầy, nhân đó tục gọi là trà Bạng.

Những loại trà sản-xuất ở làng Đồng-lạc huyện Kim-hoa, ở làng Lương-quy huyện Đông-ngạn, ở làng Chi-nê huyện Mỹ-lương, ở làng Tuy-lai làng Thượng-lâm huyện Chương-đức, ở làng Lệ-mỹ làng An-đạo huyện Phù-khang cũng là thứ thượng hạng.

Đậu xanh sao sơ qua bỏ vào nước sôi, chốc lát có màu thật xanh thì hương vị không kém gì thứ trà mới.

Đó là thứ trà mà Tạ-Tại-Hàng người đời Minh đã khen là: Chỉ tạm thời để uống chút ít cho đỡ khát[1440]. Chỉ có nước hoa cúc thì hương vị hơn cả, thung-dung ngồi uống một mình tinh-thần [39a] thấy sảng-khoái, có hứng thú thanh cao siêu dật thoát trần.

Sách Thế-bổn chép: Nghi-Địch chế ra rượu, Giao biến ra ngũ vị (ngọt, chua, đắng, cay, mặn).

Chiến quốc sách chép: Bà phi của vua Vũ là Nghi-Địch[1441] làm rượu dâng lên vua Vũ.

Sách Thuyết-văn chép: Đỗ-Khang[1442] làm rượu.

Nhưng sách Tố-vấn có nói đến rượu. Ấy là thời vua Hoàng-đế đã có rượu rồi.

Bài Tửu-phú (bài phú nói về rượu) của Trâu-Dương đời Hán có đoạn như sau:

清者爲酒, 濁者爲醴.麯肖丘之麥, 釀野田之米.流光繹繹, 甘滋泥泥.

醴酒旣成, 綠瓷旣啟,且筐且漉, 載蒭載侑.庶人以爲歡, 君子以爲禮.

Thanh giả vi tửu, trọc giả vi lễ. Khúc[1443] Tiêu-khâu chi mạch, nhượng Dã-điền chi mễ. Lưu quang dịch dịch[1444] cam tư nễ nễ[1445].

Lễ tửu ký thành, lục từ ký khải, thả khuông thả lộc, tái sưu[1446] tái hựu[1447]. Thứ nhân dĩ vi hoan, quân tử dĩ vi lễ.

Dịch nghĩa

Rượu trong là tửu (rượu cay), rượu đục là lễ (rượu ngọt). Làm men bằng lúa mạch ở Tiêu-khâu, gầy rượu bằng nếp ở Dã-điền, (rượu cay) trong sáng long-lanh, (rượu ngọt) ngọt và đục mùi vị dồi-dào.

Rượu ngọt rượu cay đã thành. Bình xanh đã mở, lại gạn lại lọc, lại gạn lại mời. Người bình-dân uống cho vui, người quân-tử dùng làm lễ.

Như vậy thì trước lúc chưa có cách nấu rượu, phép làm rượu của người xưa có thể biết được.

[39b] Sách Cư gia tất dụng tập làm trong khoảng nhà Tống nhà Nguyên có chép phép nấu rượu của Nam-phiên, tên phiên là A-lý-khất, không là rượu chua, rượu ngọt, rượu lạt và rượu mùi vị bất chính đều đựng vào một cái bình, phía trên đặt lệch một cái bình không, hai miệng đối nhau. Trước hết làm một cái lỗ ở một bên cái bình không, tháp vào một cái ống tre làm cái mỏ. Ở dưới lại đặt một cái bình không nữa, miệng cái bình này tiếp lấy cái mỏ của ống tre trên. Ở ven miệng bình lấy mảnh sành trắng chèn nhét cho kín, hoặc mảnh ngói cũng được. Lấy xơ giấy nhồi với vôi trét kín cho dầy độ bốn ngón tay, đặt vào trong cái nồi to mới ấy, rồi lấy xơ giấy nhồi với vôi trét cho đầy, chất vôi bị đốt thì cứng.

Lấy độ hai ba cân lửa than nấu ở ven bình khiến rượu trong bình sôi, bốc hơi lên cái bình không, theo cái ống tre, nhỏ giọt vào cái bình không.

Rượu nầy màu [40a] rất trong trắng không khác gì nước trong.

Cất như thế, thứ chua có mùi vị cay và ngọt, thứ lạt có mùi vị ngọt.

Cất rượu bằng cách nầy có thể lấy được một phần ba (1/3) rượu ngon.

Với phép nầy, các thứ rượu nấu bằng đèn sáp đều có thể cất được.

Rượu của người xưa dùng đều gầy nên, chớ không có nấu để cất.

Rượu cất bắt đầu từ nước Xiêm-la, vào thời Nguyên bắt đầu đưa vào Trung-quốc, tên phiên là A-lý-khất.

Sách Quảng-đông tân ngữ luận về rượu có nói: Lấy một thứ nếp to nấu trong cái bình bằng thiếc, lược hèm và cặn ra, lấy chất nước làm thành rượu, tính rất nóng, uống vào thì hư tỳ cháy thận. 

Sách ấy lại nói: Phép nấu rượu bắt đầu từ đời Nguyên. Có người Xiêm-la lấy thứ rượu cất pha vào thứ hương lạ gọi là rượu A-thích-cát.

Người nhà Nguyên biết trọn phép nấu rượu của người Phiên-di.

Tục nước Nam ta ngày nay làm rượu hoàn-toàn dùng phép nầy.

Thứ [40b] rượu gọi là ướp men chỉ là một thứ rượu ngọt.

Sách Ẩm thiện tiêu đề chép:

Rượu trong gọi nhưỡng 釀.

Rượu đục gọi quyến 眷.

Rượu đậm gọi thuần 醇.

Rượu lạt gọi ly 醨.

Rượu gầy hai lần gọi nại 耐.

Rượu gầy một đêm gọi lễ 醴.

Rượu ngon gọi tứ 醑.

Rượu chưa lược gọi phôi 醅.

Rượu màu hồng gọi thể 醍[1448].

Rượu màu lục gọi linh 醽.

Rượu màu trắng gọi ta 醝.

Sách Điền gia tạp chiêm thư chép: Tháng 9 sương xuống, nhà hàng rượu mở cửa buôn bán. Ngạn-ngữ có câu:

霜橙螃蟹月

Sương trừng bàng giải nguyệt

Nghĩa là

Tháng có sương có cam có cua.

Câu này có thể đối với câu:

黄橘土鰕天

Hoàng quất thổ hà thiên

Nghĩa là

Mùa có quít vàng có con rươi.

Sách ấy lại nói: Đầu mùa đông hòa dịu ấm-áp gọi là tháng 10, tháng tiểu xuân, lại gọi là mùa phơi thóc, lúc ấy lúa đã chín, đúng là mùa nhà nông vui say nghỉ-ngơi.

Tô Đông-pha có câu thơ:

一年好景君須記

最是橙黄橘綠辰

Nhất niên hảo cảnh quân tu ký

Tối thị trừng hoàng [41a] quất lục thì.

Dịch nghĩa

Một năm cảnh đẹp anh nên nhớ,

Hơn hết là lúc cam vàng quít xanh.

Dịch thơ

Một năm cảnh đẹp anh nên nhớ,

Nhất lúc cam vàng với quít xanh.

Vua Đường Thái-tông (627- 649) sai sứ-giả đến nước Ma-yết-đà lấy cách-thức làm đường, xuống chiếu cho các nhà làm đường ở Dương-châu ép mía lấy nước nấu đường đúng như cách-thức ấy. Màu sắc và mùi vị đường chế ra ngon hơn của đường Tây-vực. Đường cát[1449] bắt đầu có từ đấy.

Trong niên-hiệu Đại-lịch đời vua Đường Đại-tông (763- 775) có vị Hòa-thượng họ Trâu đến Toại-ninh, trú ngụ ở núi Tản-sơn vùng Tiểu-khê, dạy người dân họ Hoàng cách thức làm đường cát trắng[1450]. Đường phèn[1451] bắt đầu có từ đây.

Sách Đường-phổ của Hồng-Mại đời Tống chép: Mía có bốn màu:

1) Hồng chá (mía hồng) chỉ dùng ăn sống.

2) Phiên chá (mía thơm) sách Bổn thảo gọi là địch giá (mía lau) có thể làm đường cát.

3) Tây chá (mía Tây-vực) có thể làm đường cát trắng, màu lợt, người bản thổ không quý trọng lắm.

4) Đỗ chá (mía Đỗ) màu tía, mềm, mùi vị rất hậu chuyên dùng làm đường cát trắng.

Trong một hũ đường chế thành, phẩm chất [41b] và màu sắc cũng có chỗ không đồng nhau.

Về phẩm:

- Thứ chồng chất thành đống như hòn giả sơn là thượng hạng.

- Thứ đóng kết thành nhánh là hạng nhì.

- Thứ đóng như hũ như bồn là hạng ba.

- Thứ đóng thành khối nhỏ là hạng tư.

- Thứ cặn như cát là hạng chót.

Về màu sắc:

- Thứ màu tía là thượng hạng.

- Thứ màu hổ-phách sậm là hạng nhì.

- Thứ màu vàng lợt là hạng ba.

- Thứ màu trắng lợt là hạng chót.

Sách Mân hộ sớ của người nhà Minh chép: Lấy mật đường mía đem quết cho vào hũ nấu thành đường đỏ, nấu một lần nữa cho khô thành đường cát trắng, nấu một lần nữa thì thành đường phèn.

Sách Tuyền nam tạp chí chép cách thức làm đường cát trắng: Dùng nước mía nấu thành đường đen, nấu nữa thành màu trắng, đập trứng ngỗng quậy vào khiến cặn cáu đều nổi lên.

Sách Quảng đông tân ngữ chép: Ngày nay thường dùng là thứ mía trắng trừ được chứng cách-nhiệt[1452], mía màu tía gọi là côn- [42a] lôn chá (mía Côn-lôn) có thể dùng để chắp cánh tay gãy và xương gãy, mía thứ nhỏ mà khô gọi là trúc chá (mía tre) là địch chá (mía lau), một thứ mía mọc thành bụi như lau sậy, da cứng đốt ngắn không thể ăn, chỉ dùng để ép lấy nước làm đường.

Về mía, tháng 2 mỗi năm, ghim cái gốc nghiêng nghiêng mà trồng. Gốc mía trồng nghiêng nghiêng thì nhiều tượt mọc lên, đợi mía ra tượt mới trồng thành cây, mỗi ngày về chiều thì lau phấn, lột bẹ, mía mới tươi tốt cao lớn.

Vào tiết đông-chí thì ép mía. Lúc ép mía bậc thượng-nông (phú-nông) một người làm một lò[1453], bậc trung-nông năm người làm một lò, bậc hạ-nông (bần-nông) tám người làm một lò lấy gỗ cây lệ-chi (cây vải) làm hai cây trục. Hai cây trục đặt kề nhau như để xay, bề cao và bề lớn đều ba bốn thước. Giữa hai cây trục có chừa một kẽ hở trống để đút cây mía vào. Ba con bò thắng vào cái cần dài, kéo chạy chung quanh để xoay chuyển hai cây trục, thì nước mía tuôn ra được lược vào cái mâm, chảy xuống thùng rồi sau mới được nấu thành đường.

Thứ đục [42b] và đen gọi là đường miếng đen, thứ trong và vàng gọi là đường miếng vàng, thứ tam thanh gọi là đường cát đỏ, thứ song thanh gọi là đường cát trắng.

Sách Thuyết-linh chép: ở Điên-tây (phía tây tỉnh Vân-nam) có nhiều mật, cho nên cau, hương-phụ, cam, mộc-qua (trái đu-đủ), hương-truyền, mai, lý (trái mận), xuyên-khung, dưa, cà phần nhiều được người ta giầm mật để đãi khách.

Tục ngày nay có rất nhiều thứ mứt giầm mật, nhưng người ta chưa có lấy cau, hương-phụ, xuyên-khung làm mứt.

Sách Lễ-ký chép: Khi công-tước thiết tiệc các quan đại-phu, vạc và mâm thớt đã đưa vào rồi, đầu bếp từ phòng phía đông trao cho món nước tương (làm bằng thịt), công-tước đích thân bày lấy, bởi vì món nước tương là món chủ-yếu. Nay ở Trung-quốc yến tiệc cũng như thế. Chủ-nhân đỡ lấy món nước tương của đầu bếp bưng ra và đặt vào tiệc.

[43a] Món gói rồi đem chưng gọi là bánh (bính). Bánh có để mè (vừng tức hồ-ma) gọi là hồ-bính (bánh mè).

Lấy bột gạo nhồi với nước rồi hấp chín gọi là cao 餻 (bánh bằng bột).

Nắn cục bột có góc rồi hấp chín gọi là tống 粽 là giác thử 角黍 (bột nếp có góc).

Lư-Tuần[1454] nước Tấn tặng cho Lưu-Dụ[1455] món bánh ích trí, tưởng cũng như loại bánh theo tục ngày nay có để vào thảo-quả và hồi-hương.

Sách Chư lục chép: Bánh giác-thử bắt đầu có từ trong niên-hiệu Thiên-bảo (724-756) đời vua Đường Huyền-tông. Các cung-nhân giỡn chơi lấy cây giác cung (cung bằng sừng) nhỏ bắn bánh, bắn trúng thì được ăn, cho nên gọi là giác-thử.

Nghi ngờ rằng lúc bấy giờ người ta gá ép câu chuyện cho phù-hợp với tên bánh.