Vân Đài Loại Ngữ - Quyển 9 - Chương 04

[26a] Sách Thập di ký chép: Vua Hoàng-đế biến cái bè (bó bằng tre) làm chiếc thuyền. Như thế thì lúc chưa có thuyền chèo, người xưa chưa từng không thông hành.

Tích Mộc anh độ quân (dùng những hũ bằng gỗ chở quân đưa qua sông)[1384], sách Tam tài đồ hội chép: Kết buộc những hũ lại làm bè, mỗi hũ chứa được 3 thạch[1385], sức chứa được một người, những hũ cách nhau 5 tấc, ở dưới thì lấy dây buộc liền lại, cột binh-khí ở trên, hình dài mà vuông, ở trước thì đặt đầu bè, ở sau thì để lương thực[1386], hai bên tả hữu thì để chèo.

Quảng-tây đến Hồ-bắc, người ta thường đi mộc mã thuyền, làm bằng cây chương hay cây bàng, đầu đuôi thì thấp, ở giữa hơi cao, trên mui có kê cái sàng bằng tre, hai bên có kê ván để đi lại được, gọi là giang kiều, bề dài có hơn 4 trượng, bề rộng được 7 thước.

Ở Hồ-bắc và Giang-nam, người ta thường đi tuyên lâu hoàng khoái thuyền (thuyền đi nhanh sơn vàng có lầu to), kê lầu chia [26b] phòng, khắc vẽ bằng sơn đỏ, có hai cây cột buồm, hai bên có kê ván làm giáng kiều để đi lại được, dài hơn 8 trượng, rộng 13 thước.

Hoài-dương đến Yên-kinh người ta thường dùng phi-thuyền (thuyền bay), cửa và song có chạm khắc sơn dầu. dài hơn 6 trượng, rộng 9 thước.

Sách Ngoại sử chép: Người xưa thấy cỏ bồng lăn chuyển mà chế ra cái xe để ngồi lên mà đi. Đó là lấy hình tượng ở vật mà sáng-chế.

Sách Thương quân thư[1387] chép: Hoa hồng bay theo gió đi ngàn dặm, là cái thế nương theo gió.

Lý-Bạch[1388] có thơ về cỏ bồng và chú-thích rằng: Hoa cỏ bồng như trái cầu rất nhẹ, có gió thì lăn chuyển.

Phần Bộ lý khách đàm trong sách Thuyết-phu chép: Lâm-công đi sứ nước Liêu, thấy một cành vừa hoa vừa lá mọc thành khóm trên mặt đất, hễ gặp gió hoa ấy lăn chuyển, hỏi thì người ta bảo là chuyển bồng hoa (hoa cỏ bồng lăn chuyển).

Mã-Long[1389] đời Tấn làm biển sương xa (xe thùng giẹp), bởi vì xe thùng giẹp thì có thể chạy ở đường hẹp.

[27a] Sách Sơ học ký chép: Đồ trang-sức để thắng ngựa gồm có các loại: hàm, lặc, tiêu, ky, khống.

Hàm là cái hàm thiết ở trong miệng ngựa.

Lặc là dây buộc đầu ngựa mà dẫn đi.

Tiêu là miếng sắt ở bên miệng bao lấy miệng ngựa.

Ky là dây cột đầu ngựa để giữ lấy con ngựa mà chế ngự.

Cương là dây cương cột con ngựa khiến nó không ra ngoài cương hạn.

Lại nói: Đích (dây cương ngựa) và khống (dây cột đầu ngựa) có nghĩa là khống chế con ngựa.

Cái bành kê ở chỗ ngồi trên lưng voi gọi là la-nga, có treo vật nhỏ bằng đồng, lúc voi đi, vật nầy rung động có tiếng kêu gọi là đồng linh (chuông nhỏ bằng đồng).

Thiên Ngọc tảo trong kinh Lễ chép: Khoáng 纊 là kiển 繭, uẩn 縕 là bào 袍.

Họ Trần chú-thích: Khoáng là bông mới, uẩn là bông cũ. Cái áo có dồn bông mới gọi là kiển, cái áo có dồn bông cũ gọi là bào.

Sách Luận- [27b] ngữ có câu: Ý tệ uẩn bào 衣弊縕袍 (= mặc áo bông rách).

Chu-Tử chú-thích: Uẩn là dồn lót sợi gai. Bào là áo có dồn lót.

Sách Tiểu nhĩ nhã của Khổng-Phụ chép: Ma (gai) trữ (đay) cát (sắn) gọi là vải. Bố là tên thông-dụng gọi vải.

Xơ bông thứ mịn gọi là khoáng 纊.

Lụa thứ tinh gọi cảo 縞.

Cảo thứ thô gọi tố 素.

Sắn thứ mịn gọi si 絺, thứ thô gọi khích 綌.

Sách Thông-giám có câu: Mộc miên tạo ác 木棉皂幄 (= Màn đen bằng bông).

Chú-thích rằng: Ở Giang-nam có rất nhiều câu mộc miên (cây bông), mùa xuân trong tháng 2 tháng 3 thì gieo hột, mỗi tháng xới đất bốn bề chung quanh ba lần. Vào mùa hạ cây lần lần tươi tốt, vào mùa thu cây trổ hoa vàng và kết trái. Lúc chín, trái nứt ra bốn phía. Xơ ở trong lòi ra như bông. Người bổn-thổ lấy ống sắt cán lấy bông bỏ hột, lấy tre làm cây cung nhỏ độ 4 thước 5 tấc, căng dây bắn bông [b8a] cho nhuyễn đều, rồi cuốn làm ống nhỏ lấy cái xe mà kéo chỉ, tự nhiên kéo ra thứ sợi như tơ ổ kén, không cần nhọc công đánh sợi, rồi dệt làm vải.

Vải từ Mân Quảng đem đến thì càng đẹp nhặt vuông-vắn và đều nhau.

Người Mán ở Nhật-nam dệt bông làm khăn, ở trên có lộ chữ nhỏ, có chen lộn hoa cỏ càng khéo-léo, tức là khăn bạch điệp.

Sách Độn trai nhàn lãm chép: Từ Mân-Lĩnh trở về phía nam có nhiều cây mộc miên, người bổn-thổ đua nhau trồng cây nầy có đến mấy ngàn gốc, hoa cây nầy dùng để dệt vải, gọi là vải cát bối.

Các nước ở Lâm-ấp lại sản-xuất cây cát bối, khi chín hoa cây nầy giống như lông ngỗng, kéo sợi làm chỉ mà dệt làm khăn không khác gì vải gai.

Sách Ngô-lục của Trương-Bột lại chép: Huyện An-định ở Giao-chỉ có cây mộc-miên, cao hơn một trượng, trái giống như chén rượu, da mỏng, trong ruột có xơ màu trắng có thể làm vải.

Xét ra vật mà người xưa gọi vải (bố) là dệt bằng gai và [28a] bằng sắn.

Đời sau mới bắt đầu được giống cây mộc-miên (cây bông) từ Nam-phiên mới đủ may mặc khắp bốn biển. Mối lợi thật rộng-rãi lớn-lao.

Sách Sơ-học ký chép: Sam 衫 tức là giao 茭, áo không có tay, hoặc gọi là xiêm 襜, hoặc gọi là đan nhu 單襦.

Sách Tập-lãm chú dẫn ở sách Cương-mục chép: Bạch 帛 (lụa)[1390] thứ mịn gọi lăng 綾[1391]. Tăng 繒 (lụa)[1392] như hột lúa mạch gọi quyến 絹[1393]. Canh tơ chỉ vải gọi thi 絁 (the)[1394]. Canh vải chỉ vải gọi bố 布 (vải).

Sách Hậu-hán chí của Lưu-Chiêu chép: Nhà Tần đứng đầu chư-hầu đã thêm cho các võ tướng cái giáng phạ 絳帕 (khăn đội đầu màu đỏ) làm đồ trang-sức trên đầu để phân biệt sang hèn- về sau lần lần trở thành cái nhan-đề (cái khăn hộ trán)[1395].

Nhà Hán hưng-thịnh, nối tiếp cái đề, lại thêm cái khăn the [29a] liền với cái đề để đội, gọi là cái trách 績 (khăn bọc tóc).

Đến đời vua Hán Hiếu Văn đế (179-158 trước Tây-lịch) người ta làm cao cái đề, dựng cái khăn làm cái đuôi bao liền ra phía sau gáy, người trên kẻ dưới, người sang kẻ hèn đều đội được, quan văn thì đội thứ có tai dài, quan võ thì đội thứ tai ngắn.

Vũ Linh-vương nước Triệu bắt chước y-phục của rợ Hồ, lấy cái hoàng kim đương[1396] để trang-sức trên đầu, phía trước có giắt cái đuôi con điêu[1397] để phân biệt người sang kẻ hèn.

Nước Tần diệt nước Sở nước Triệu, lấy cái mão của vua nước Triệu ban cho quan thị-thần (quan hầu-cận), cho nên quan Thị-trung, quan Thường-thị triều nhà Tần đều đội mão vũ-biền có thêm cái kim-đương, phụ thêm con ve[1398] làm văn-vẻ và đuôi con điêu làm trang-sức.

Phần Giác cân tư đệ trong sách Tấn-thư chép: Khăn làm bằng vải sắn, hình dáng giống như tấm vải tấm lụa[1399] mà đội ngang. Ngày xưa người cao sang và kẻ thấp hèn ăn mặc khác nhau.

Hồ-Tam-Tỉnh nói: “Phúc cân 幅巾 là khăn bịt đầu làm bằng tấm vải lụa chít ngang. Giác cân là khăn bịt đầu [29b] chít thành cái mỏ (cái sừng)” .

Vua Vũ-đế nhà Chu bắt đầu chế ra bóc đầu quan (mũ vuông có bốn góc và hai cánh chuồn).

Có người hỏi Chu Văn-công[1400]:

- Vì sao y-phục của ông rộng như thế?

Ông đáp:

- Cũng vì lần lần mà trở thành như thế.

Tôi thường thấy người nhà Đường vẽ 18 vị học-sĩ đội mão bóc đầu (mão vuông có hai cánh chuồn) mặc áo rất hẹp, vẽ Bùi Tấn-công[1401] và những người khác mặc hơi rộng, vẽ nhóm Vương-Dịch cuối đời Đường mặc áo lại rộng, đến nay người ta mặc áo lại càng rộng nữa.

Sách Quý nhĩ lục chép: Vua Tống Hiếu-tông hỏi Vương-Biện[1402]:

- Tại sao sứ giả phương Bắc múa nhảy trong sân rất đẹp mắt như vậy, còn người ở đây nhảy múa đều không bằng?

Vương-Biện tâu:

- Ống tay áo của người phương Bắc hẹp, nhưng cái quần công (công thường) [30a] thì hơi lớn, một khi cử động thì đẹp mắt.

Ống tay người phương nam ở trong ở ngoài đều rộng, khi cử-động cánh tay thì trông không đẹp mắt.

Người phương Bắc làm đại lễ mới mặc áo rộng tay ấy.

Nhà Tấn chuộng màu trắng. Các triều-đại trải qua noi theo như thế.

Thiên-tử và quan sĩ đại phu cho đến kẻ thứ dân đều mặc áo trắng.

Các nhà sư thì mặc áo đen.

Các đạo-sĩ thì mặc áo vàng.

Xem trong sách Hoằng minh tập những bức thư của Lương Vũ-đế trả lời cho các nhà sư và những biện-luận của các nhà sư nhà đạo-sĩ thì có thể thấy được việc đó.

Vua Văn-tuyên nước Tề, vì lời sấm có câu: Hắc y dương vi thiên-tử 黑衣當爲天子 (Người mặc áo đen phải làm vua), muốn giết hết các nhà sư.

Vua Văn-đế nhà Chu tự mặc áo đen để ứng vào lời sấm ấy, lại khiến quân và dân đều mặc áo đen.

Đến vua Văn-đế nhà Tùy mới bắt đầu mặc áo vàng. Từ đấy lấy màu vàng làm y-phục của vua.

Đầu đời Đường các quan ưa mặc ba màu: đỏ, vàng và tía.

Vua Thái-tông bắt đầu phân định phẩm [30b] phục, lấy màu tía màu đỏ màu lục màu xanh là thứ-tự.

Kẻ bề tôi không mặc màu vàng để kiêng tránh màu của vua.

Nhưng trong sách Họa-sử[1403] của Mễ-Phất thấy chép: Người được tiến-cử còn đội mão da hươu, mặc áo màu vàng ngắn đến đầu gối, có may nách với ống tay to, mặc quần dài trắng.

Sách Di mưu lục chép: Đầu đời Tống, người ta còn theo chế-độ cũ của nhà Đường, người làm quan thì mặc áo đen, người không làm quan thì mặc áo trắng, thường dân thì mặc áo vải.

Tục nước Nam ta lấy vải nhuộm màu chàm, kế đến nhuộm bằng thứ vũ dư lương[1404] thêm vào tí keo, lấy chày mà giã rồi phơi khô gọi là áo thanh cát (áo sắn xanh).

Thứ áo nầy có ba loại:

1) Thứ màu lửa tươi sáng.

2) Thứ màu hơi sáng.

3) Thứ màu hoa quỳ.

Không kể là quan hay dân, là sang hay hèn đều mặc thông-thường, chỉ phân-biệt ở khổ dài hay ngắn.

[31a] Phần Ai-lao khảo trong sách Uyên-giám chép: Gấm dệt bằng sợi gai theo loại lan-can. Vải dệt có hoa cây ngô-đồng.

Lời chú-thích dẫn sách Hậu Hán-thư: Lan-can là thứ vải mịn dệt thành văn vẻ như lăng như gấm có hoa cây ngô-đồng, dệt làm vải khổ rộng 5 thước, sạch-sẽ trắng tinh, không dính dơ.

Sách Hoa-dương quốc chí[1405]chép: Lan-can như nói vải gai, tức nay là khăn lèo.

Trong-Giản-Chi đời Đường nói: “Năm cuối đời vua Quang-Vũ nhà Hán, nước Ai-lao nội thuộc vào Trung-Quốc, nhà Hán đặt Vĩnh-quận để thống-trị, đánh thuế muối, vải, nỉ để nộp vào Trung-quốc.

Nước ấy phía tây thông với nước Đại-Tần, phía nam thông với nước Giao-chỉ, đem những món lạ-lùng trân quý vào dâng cống hàng năm không thiếu. Nước Ai-lao giàu có khéo-léo có thể biết được.

Sách Quế hải ngu hành chí[1406] chép: Lụa thái[1407] sản-xuất ở động Lưỡng-Giang giống như vải gai, có thứ lăng có hoa gọi là [31b] hoa thái, nay người trong nước gọi là trung thái, ý bảo là thứ ấy.

Sách ấy lại chép: Màn lê (lê mạc) sản-xuất ở Hải-nam. Người ở động vùng ấy được thứ gấm lụa của Trung-quốc, tước lấy sợi tơ màu pha trộn với chỉ vải mà dệt thành, lấy bốn bức kết liền lại thành tấm màn.

Thứ vải dệt bằng cỏ lê có đường xanh đường hồng, cũng là thứ vải bằng sợi bông.

Nay thứ khăn mà nước Ai-lao đem bán cũng giống loại ấy, toàn là dệt thành sọc có đường năm màu rất đẹp khéo, mỗi tấm dài đến hơn 20 thước, giá đến sáu bảy quan, dùng làm màn thì đẹp nhất.

Thứ lụa không có hoa cũng tốt.

Sách Nhạc dương phong thổ ký[1408] chép: Y-phục của đàn bà ở Giang-tây, trên thì lấy lụa (bạch) làm dây thắt lưng kết buộc ở trước ngực và sau lưng.

Sách ấy nói: Dây thắt lưng ấy được kết buộc vào lúc Gia-Cát Vũ-hầu bảy lần bắt bảy lần tha Mạnh-Hoạch. Người ta sợ oai của ông mà không dám cởi bỏ, nhân đó lâu ngày thành [32a] tục lệ.

Sách ấy lại nói: Mã-Viện[1409] mất ở đất Hồ-đầu. Nhân-dân tưởng nhớ đến ông, chỗ nào ông đến đều có lập đền thờ.

Đến nay người đàn bà ở đấy đều dùng vuông vải trắng chít đầu, quật hai chéo cột ở sau ót, nói là để tang cho Phục-ba tướng-quân Mã-Viện.

Nhân-dân ở vùng Đỉnh-phong đều như thế.

Sách Hoãn thủy tục đàm chép: Nhân-dân ở vùng hốc núi đất Thục đều chít khăn trắng, tương truyền là để tang cho Gia-Cát Vũ-hầu.

Tục nước Nam ta không kiêng kỵ đồ trắng, đàn bà đều chít khăn trắng. Thấy ai chít khăn hồng, người ta cùng bảo là quái dị. Đại ý họ thích mộc mạc.

Nhưng nước Nam ta biên-giới phía tây-nam liên-tiếp với đất Vân-nam của Trung-quốc, thượng-lưu sông Lô tức cảnh-vực tỉnh Tuyên-quang, hoặc giả lúc đầu nhân-dân ở đấy đã để tang cho Gia-cát Vũ-hầu, cũng chưa có thể biết được.

[32b] Sách Hán-thư chép: Bọn Phàn-hầu Thái-Tích-Phương mắc tội đánh bạc bác yếm, được tha.

Nhan-Sư-Cổ[1410] nói: Bác là lối đánh cờ lục yếm[1411]. Yếm là cách đánh bạc theo lối ý tiền[1412].

Truyện Lương-ký chép: Lương-ký đánh ý tiền (đánh me) rất giỏi.

Chú-thích rằng: Ý tiền tức là quỹ ức, một tên để gọi nữa là xạ ý, lại gọi là xạ số tức than tiền.

Sách Tư hạ lục của người nhà Đường chép: Lối chơi đánh đố tiền là cứ đùa bốn đồng bỏ ra một lần, tức là lối chơi mà sử truyện gọi là ý tiền, tục gọi là than tiền, cũng gọi là than phố, lúc chơi những đồng tiền nầy không được làm cho nhập đôi để tránh gian lận.

Người ta nói nhanh tên lối đánh nầy, cho nên nói sai âm, than phố đọc sai ra tột (tàm + hốt = tột) bồ (bồ âm bồ).

Sách Tân thoái lục[1413] lại chép thơ của Lão-Đỗ[1414] có hai câu:

長年三老哥聲裡

白晝攤錢高浪中

Trưởng niên[1415] tam lão ca thanh lý[1416]

Bạch trú than tiền cao lãng trung.

Dịch nghĩa

Ba lão lái đò sống mãi trong tiếng hát tiếng hò,

Giữa ban ngày đánh me với nhau trong những ngọn sóng to.

Dịch thơ

Ba lái đò vui trong hò hát,

Trong sóng cao đánh bạc ban ngày.

Than tiền là đánh bạc, đánh me.

[33a] Thiên Thiên lạc chí dư trong sách Thuyết linh[1417] chép: Nhà họ Đường họ Vi ưa đánh bài lá. Cách đánh bài lá này đã có từ niên-hiệu Hàm-thông (860-873) đời vua Đường Ý-tông, tức nay là bài lá (làm bằng miếng mỏng), lúc đầu đều sơn màu đỏ, há phải là cái ý còn sót lại về con lúc-lắc có sáu mặt sơn đỏ kẻ chữ vàng[1418] của người xưa chăng?

Sách Quy điền lục của Âu-dương-Tu chép: Cách đánh bài lá khoảng giữa đời Đường đã có. Trong lúc yến hội người đời Đường thích đánh bài lá. Cuối đời Đường bài lá lần lần bị bỏ và không truyền lại nữa.

Chỉ có Dương-Đại-Niên thích đánh bài lá. Dương-Đại-Niên lấy những tấm giấy màu làm quân bài, gọi là hồng hạc (chim hạc hồng), tạo hạc (chim hạc đen) bầy riêng cách đánh hạc cách.

Lúc trẻ Âu-dương-Tu cũng thích chơi hai cách đánh bài ấy.

Về sau mất căn-bổn về cách đánh bài ấy, đời bấy giờ tuyệt-nhiên không có ai biết cách đánh bài ấy nữa.

Thế thì bài lá ngày xưa và bài giấy ngày nay khác nhau.

Cách đánh bài giấy tưởng rằng bắt đầu từ giữa đời Tống, cũng lấy miếng mỏng đặt tên quân bài.

Phần Diệp tử phổ trong sách Thuyết-phu chép về cách đánh bài rất rõ-ràng, phép biến-hóa lúc đánh bài thì nhiều nhất.

Sách ấy có lời rằng [33b]: Bài lá bắt đầu từ Côn-sơn. Lúc đầu người ta dùng những tên người trong truyện Thủy-hử làm quân đánh nhau chơi:

Môn chữ thập 十 có 11 lá, như vạn vạn là tượng Tống-Giang. Thiên vạn là tượng Võ-Tòng.

Môn chữ vạn 萬 có 9 lá, như cửu vạn là tượng Lôi-Hoành, Bát vạn là tượng Sách-Siêu.

Môn chữ sách 索 có 9 lá.

Môn chữ văn 文 có 11 lá.

Hai môn này không có tượng nhân vật trong truyện Thủy-Hử.

Có lối Thinh hổ sắc (tục gọi là Đả Ngô, có lối xả tam trương, có lối xả ngũ chương (tục gọi là Đả linh) đều là cách đánh bài biến hóa.

Lại có lối Vận hoa kinh, Vận chưởng kinh, Mã mậu bài kinh đều là nói về việc đánh bài, như nói:

Lợi tắc tốc vãng 利則速往 = Lợi thì đến gấp.

Bại tắc cải đồ 敗則改圖 = Thua thì đổi mưu đồ.

Mỹ bất dục tận 美不欲盡 = Đẹp thì không muốn hết.

Cầm bất dục tảo 擒不欲早 = Bắt thì không muốn vội.

Tiểu khả đơn chiến 小可單戰 = Bé thì nên đánh đơn.

Đại mạc cô hành 大莫孤行 = Lớn thì không nên đi một mình.

Cầm quý cập thời 擒貴及辰 = Bắt quý phải kịp thời.

Diệt diệc hữu tự 滅亦有序 = Tiêu diệt phải có thứ tự.

Trạch thiểu giả ngu 擇少者愚 = Chọn lấy cái ít là ngu.

Bị đa giả chuyết 備多者拙 = Phòng bị nhiều là vụng.

Đấy là những [34a] phép hay.

Sách ấy lại nói: Được và thua tuy nhỏ mọn nhưng dấu hiệu đã thấy trước. Điềm khốn-đốn hay hanh-thông đã quyết-đoán không sai, rất hiệu-nghiệm.

Sách Tuy khấu ký lược[1419] chép: Thời cuối niên-hiệu Vạn-lịch (1573- 1619) đời Minh, nhân-dân thích đánh bài lá, vẽ hình dáng, biên tên họ bọn trộm cướp ở Sơn-đông dưới thời nhà Tống vào tấm lá bài mà dùng đánh bạc, thạnh-hành nhất là thời niên-hiệu Sùng-trinh (1628- 1643) đời vua Minh Tư-tông.

Phép đánh bài ấy lấy việc còn hay mất hàng trăm quan làm ăn hay thua. Có lối gọi sấm 闖, hiến 獻, gọi đại thuận. Lúc đầu không biết khởi từ đâu, về sau đều hiệu-nghiệm.