Vỏ quýt dày và móng tay nhọn - Chương 01

Nếu hỏi bất kỳ thành viên nào của lớp 12D rằng ai là kẻ đáng ghét nhất thì tất cả sẽ đều có chung một câu trả lời.

Khuê “khỉ”.

Cái biệt danh không mấy đẹp đẽ này được đặt cho Khuê không phải vì cô xấu, ngược lại, cô có gương mặt và vóc dáng rất ưa nhìn. Mọi việc bắt nguồn từ trận cãi nhau nho nhỏ cuối lớp mười, giữa Khuê và Mỹ Chi, lớp phó văn thể mỹ. Sau một hồi cãi không lại thì Chi đã buột mồm:

- Người đâu lúc nào cũng nhăn nhó khó chịu như khỉ ăn ớt.

Và thế là Khuê chính thức chết tên từ hôm đó.

Nhắc tới Hà Minh Khuê, tự Khuê “khỉ” thì không chỉ học sinh mà đến giáo viên cũng lắc đầu ngao ngán. Nói dễ nghe là do cô quá cá tính, còn nói thẳng thắn hơn thì…

- Con đấy có vấn đề về thần kinh.

- Nhìn cái mặt khó đăm đăm chả ai muốn dây.

Một trong những câu chuyện nổi tiếng nhất về Khuê là buổi sinh hoạt mừng 26/3. Giang, bí thư đoàn trường phát biểu một bài rất tâm huyết và cảm xúc về trách nhiệm của thanh niên đối với Tổ quốc. Anh chàng vừa kết thúc, mọi người còn chưa kịp vỗ tay thì Khuê giơ tay, cầm mic hỏi rất dõng dạc trước toàn trường:

- Vậy bạn Bí thư tính đi nghĩa vụ quân sự xong rồi về thi đại học hay học đại học xong thì sẽ đi nghĩa vụ?

Mặt Giang tái mét, ấp úng chưa biết nói sao. Thời buổi này, thực khó để đám thanh niên thành phố hiểu được từ nghĩa-vụ trong “nghĩa vụ quân sự”. Trả lời câu hỏi của Khuê kiểu gì cũng dở. May cho hắn, thầy hiệu phó đã vội đỡ lời, lấp liếm rằng dự định của mỗi người là chuyện riêng tư không cần chia sẻ.

- Nhưng thưa thầy, tuổi nghĩa vụ quân sự là mười tám tới hai lăm. Đây là giai đoạn quan trọng, tiền đề cho cả đời người, vì vậy việc lên kế hoạch là rất cần thiết. Nên học đại học trước hay sau, nên đi làm lấy ít kinh nghiệm rồi đi hay đi về rồi mới tìm việc? Thầy cô và bạn Bí thư Đoàn trường cần tư vấn định hướng cho các bạn chứ ạ? Làm sao để vẹn toàn cả trách nhiệm với Tổ quốc và sự nghiệp bản thân?

- Bạn là con gái mà, có phải đi nghĩa vụ đâu? - Giang cuống quá liền giở giọng cùn.

- Tôi là một công dân, tôi có trách nhiệm quan tâm đến những việc liên quan tới đất nước.

Nhìn cả thầy lẫn trò trên sân khấu ấp úng như gà mắc tóc, gượng gạo đổi chủ đề, cả trường phá lên cười. Chúng đã bấm bụng nhịn khổ sở từ câu hỏi đầu tiên của Khuê. Ai chẳng biết nhà bí thư Giang rất giàu, tốt nghiệp cấp ba xong sẽ thẳng tiến du học rồi vào một công ty đa quốc gia làm việc. Trong lộ trình tuyệt mỹ đó đào đâu ra khung giờ cho “nghĩa vụ quân sự”? Thầy hiệu phó ra mặt bênh cũng bị Khuê cho chìm thuyền cùng. Lần đầu tiên đám 12D bớt phần nào ác cảm với cô nàng.

Tuy không nói ra nhưng ai cũng biết nhờ Khuê, buổi sinh hoạt 26/3 năm ấy kết thúc sớm hơn dự kiến rất nhiều.

Người ta nói, vuốt mặt phải nể mũi nhưng Khuê khỉ không những đối xử như thể người ta không có mũi mà còn không có mồm, có răng luôn. Vuốt tuột cái, trơn nhẵn. Cô chẳng thèm để ý bí thư Giang còn là lớp trưởng lớp mình, hàng ngày ra đụng vào chạm.

Cũng chẳng thèm nhớ chuyện Giang là người thù rất dai.

……

- Hôm vừa rồi bà nhận thông tin cô Hương ốm, cả lớp tự học hai tiết cuối mà sao bà lên lớp bảo mọi người đi về? - Giang đập bàn quát, mặt đỏ gay. - Tôi vừa bị cô chủ nhiệm mắng vì chuyện đó xong.

- Thầy phụ trách bảo cô ốm, không dạy hai tiết cuối, không về thì sao?

- Ngồi trên lớp tự học. - Hắn dằn từng tiếng.

- Mất thời gian, trời thì nóng. Nếu chỉ ngủ, buôn chuyện, đánh bài, lướt facebook hay kể cả học sinh chăm ngoan thích tự học như ông thì ở lớp, về nhà hay ra quán cafe khác gì nhau?

- Bà…

- Thôi, ông bị mắng thì nghe đi, tôi nghe mắng và viết bản kiểm điểm phần tôi rồi. Đừng lèm bèm nữa.

- Bà nói ai lèm bèm? - Hắn nghiến răng.

- Nói ông chứ ai, cứ lèo nhèo mãi chuyện bị mắng mấy câu. Ai bảo lười, sai tôi đi lấy sổ đầu bài. Tôi diễn đạt lại thông tin theo ý tôi hiểu thôi. Muốn lấy được tin chính xác đầu tiên thì lần sau tự lết xuống văn phòng đi nhớ.

……

Thực ra, Khuê không chỉ gây sự với Giang, cô nàng nổi tiếng là ưa gây chuyện với “cả thế giới”.

Có một hôm, trong giờ ra chơi, hội “hot face” rủ nhau chụp ảnh sống ảo. Mỗi đứa cầm quyển sách chụp một lượt đủ các tư thế, dùng vô số apps để ra được những bức ảnh “deep” nhất, nuột nà nhất. Mỗi thành viên nhóm này đều có hơn ngàn followers trên cả Facebook lẫn Instagram, cơ bản được coi là “người nổi tiếng”.

- Đây này, cầm quyển sách mở khoảng một phần ba, mặt tập trung vào… thế…

- Nhưng cùng post thì buồn cười nhỉ.

- Cách ngày ra, coi như tao đọc xong cho chúng mày mượn, sách hay thì đọc chung chứ sao.

- Đúng đúng…

Cả đám ồn ào bàn tán, quên tiệt vấn đề là có một người-không-nổi-tiếng đang ngủ ngay bàn dưới. Khuê nhăn nhó mở đôi mắt đỏ quạch. Đêm hôm qua cô mải đọc truyện ngủ muộn nên giờ chỉ muốn được yên thân ngủ một lát.

- Này…

Các hot girl liền im bặt. Chẳng ai muốn dây vào Khuê khỉ, không phải đầu cũng phải tai. Tránh voi chẳng xấu mặt nào, nhất là khi đây không chỉ là voi, đây là ma mút.

- Mấy bà chụp ảnh với quyển gì đấy? - Cô nàng nheo mắt hỏi.

- Trên đường băng. - Một đứa trong nhóm giơ quyển sách lên. - Đang hot lắm đấy.

- Ủa, đây là truyện sex mà. - Khuê tỉnh bơ nói.

- Bà đùa à?

- Mấy bà đọc rồi mà không biết hả? Nội dung chủ yếu kể về trải nghiệm làm chuyện đó trên máy bay. - Cô nói xong, lầm bầm tiếp. - Dạo này truyện sex trá hình xuất bản nhiều ghê, hết Năm mươi sắc thái rồi giờ lại Trên đường băng…

Hội hot face chưa hề đọc nội dung cuốn sách, chỉ là thấy đề “best seller”, giá lại mềm nên mua về sống ảo, nhưng nghe Khuê nói vậy thì nhìn nhau, không ai bảo ai lặng lẽ giải tán. Chỗ ảnh đã chụp và chỉnh sửa xong để nguyên lại máy, chẳng ai còn nhu cầu đăng lên nữa. Lâu lâu sắp xếp được ít ảnh ưng ý thì lại gặp tai nạn vớ phải quyển sách nhạy cảm nên cả hội đâm nản.

Tất nhiên, câu chuyện đùa đó chẳng giấu được lâu, ngay hôm sau đám hot face đã tìm Khuê “hạch tội”.

- Tôi đùa thôi mà, tưởng các bà đọc rồi. - Cô cười trừ, phẩy tay. - Nhưng quyển đó chán, nhìn chung không được đánh giá cao đâu, post lên người ta cũng bảo các bà không biết lựa sách đọc thôi.

- …

- Chiều qua tôi ngồi trên thư viện thành phố, đẹp lắm, các bà mà vào đó tha hồ sống ảo… - Khuê ân cần mách nước. - À, tìm bộ Kim Bình Mai mà chụp cùng. Bộ đấy nhiều tập, mỗi bà cầm một tập chụp là vô tư đăng lên cùng lúc.

- Kim Bình Mai à? Có nổi tiếng không?

- Tác phẩm văn học kinh điển của Trung Quốc, ngoại truyện của Thuỷ Hử đấy, không nổi tiếng thì sao?

Có lẽ không cần nói gì thêm về cơn bão bình luận để lại trên Instagram của các hot face sau khi đăng ảnh chụp kèm bộ sách “kinh điển” này.

………………

Ai nấy đều biết Khuê học tốt nhưng chưa bao giờ cô nàng là học trò cưng của bất cứ giáo viên nào, chủ yếu cũng vì thứ tính cách không giống ai.

Trong một buổi ngữ văn, sau hai tiết say sưa phân tích tác phẩm Vợ chồng A Phủ, cô Hương dành ít phút cho học sinh thảo luận. Thường thì sẽ chẳng ai nói gì và tiết học có thể kết thúc sớm một chút. Nhưng đó là điều xảy ra ở lớp khác, không phải 12D.

- Thưa cô, - Khuê giơ tay. - em không hiểu rốt cuộc thì Mị khổ gì và có gì đúng?

- Hả? - Cô Hương nhíu mày. - Em nói thế ý là gì?

- Đặt tác phẩm dưới bối cảnh thời xưa, vốn chẳng ai được tự do lựa chọn vợ chồng, phụ nữ đã kết hôn là “xuất giá tòng phu”. Đằng này Mị lại mơ tưởng những chuyện rất vô lý như đi chơi đêm, uống rượu, xong trách cứ chồng vì bắt buộc mình sống như một người trưởng thành có trách nhiệm. Cuối cùng thì bỏ trốn theo người khác. Như bình thường là phải cạo đầu bôi vôi thả trôi sông chứ ạ.

- Này, em có hiểu tác phẩm không? - Bà giáo tái mặt. - Chúng ta phải hiểu tác phẩm nói về thân phận khốn khổ của những người bị áp bức và tư tưởng vượt thời đại thể hiện qua nhân vật Mị.

- Vượt thời đại ạ? Đến cả thời hiện đại này mà vợ tự ý bỏ nhà theo trai cũng đâu có được chấp nhận. Em đồng ý là Mị khổ, hành động của Mị có thể thông cảm nhưng đâu thể đưa lên như tượng đài để ngưỡng mộ. Giả sử ai cũng học theo Mị thì còn cần gì đăng ký kết hôn hay luật đâu cần bảo vệ những người chồng người vợ hợp pháp nữa?

- …

- Em rất hâm mộ tác giả Tô Hoài, nhưng theo em, Vợ chồng A Phủ không phải tác phẩm xuất sắc nhất của ông để đem vào chương trình dạy. Ví dụ như Chuyện cũ Hà Nội thì sao ạ?

- Thì em lên Bộ Giáo dục mà ý kiến!

Kết quả buổi tranh luận hôm đó, Khuê phải viết bản kiểm điểm tội “hỗn láo với giáo viên”, bổ sung thêm một tờ vào tập bản kiểm điểm dày cả gang tay trong suốt ba năm trung học.

Nhưng nỗi bức xúc của cô giáo dạy văn chưa là gì so với thầy dạy giáo dục công dân. Cả trường ai cũng biết ông Dũng là người cực kỳ gia trưởng, và thường xuyên mang quan điểm cá nhân của mình vào giảng dạy.

Ngày đầu xuất hiện ở 12D, theo thói quen, ông đã “phủ đầu” bằng một bài về thiên chức phụ nữ, rằng người phụ nữ khôn ngoan là dù thành công đến đâu vẫn phải tề gia nội trợ, chu đáo các việc trong ngoài gia đình.

- Thưa thầy, - Khuê giơ tay. - có phải theo ý thầy, mục tiêu tối thượng của mọi phụ nữ đều là một gia đình nhỏ với chồng và con không ạ?

- Đúng vậy. - Ông Dũng gật đầu không do dự. - Xã hội phát triển, nhiều thứ thay đổi nhưng thiên chức tự nhiên vẫn là giá trị cao nhất.

- Em đồng ý là người ta phải chịu trách nhiệm với quyết định của mình, ví dụ như chấp nhận kết hôn thì cố gắng làm tròn bổn phận. Nhưng người ta có quyền lựa chọn kết hôn hoặc không chứ ạ? Tại sao lại dùng từ “thiên chức” trong khi tự nhiên có khi chẳng hề quan tâm việc con người ta làm gì với bản thân mình? Kết hôn hay độc thân, có con hay không, đồng tính hay dị tính, đó là quyết định riêng của mỗi người. Tự nhiên cho ta bộ óc tư duy độc lập thì chẳng lý gì lại bắt ép chúng ta phải làm những thứ trái với mong muốn.

Ông thầy ngơ ra trong giây lát, chưa kịp thích nghi việc học sinh dám đứng lên trả treo với mình. Ngay sau khi bình tĩnh lại, nhờ kinh nghiệm lâu năm, ông liền đáp trả bằng bài thuyết giảng khác về văn hoá truyền thống, về đạo làm vợ đã tồn tại hàng ngàn năm.

- Thưa thầy, - Khuê không nao núng đáp lại. - Việt Nam mình ngày xa xưa còn từng có chế độ mẫu hệ. Rồi Mẹ Sọ Dừa uống nước có bầu, mẹ Âu Cơ chia tay chồng khi cảm thấy không hợp, và họ vẫn được tôn vinh chứ không ai bỉ bôi cả. Tư tưởng gia trưởng là từ đạo Khổng mà ra. Đạo Khổng lại của Trung Quốc. Nếu cứ răm rắp làm theo thì chẳng phải chúng ta đang đi ngược lại nỗ lực chống đồng hoá hàng ngàn năm nay của cha ông hay sao ạ?

Chuông báo hết giờ vang lên cắt ngang cuộc tranh luận còn dang dở, nhưng điều đó không có nghĩa là mọi chuyện kết thúc. Phần đông giáo viên không ưa Khuê nhưng ít ai ra mặt, cùng lắm chỉ khắt khe hơn với cô một chút so với bình thường. Thầy Dũng thì ngược lại. Ông quyết không bỏ qua cho đứa học sinh ngỗ nghịch, liền hạ quyết tâm “uốn nắn” để cô biết trên biết dưới.

Đáng buồn cho ông thầy khi đối phương lại là Khuê khỉ mà không phải ai khác.

Một ngày gần cuối học kỳ một, các giáo viên đang nghỉ ngơi, tán gẫu ở phòng hội đồng sau buổi học thì Khuê xuất hiện. Cô đi thẳng đến trước mặt hiệu trưởng, dưới hàng chục cặp mắt theo dõi, bao gồm cả thầy Dũng, dõng dạc nói:

- Thưa thầy, em muốn khiếu nại công khai về việc bị trù dập ạ.

Cả phòng hội đồng xôn xao. Chưa bao giờ có tiền lệ học sinh dám làm một việc động trời thế này. Thầy hiệu trưởng còn chưa kịp phản ứng, Khuê đã lấy ra một tờ giấy đọc to:

- Hồi đầu năm em có tranh luận với thầy Dũng dạy giáo dục công dân trong khuôn khổ bài giảng của thầy. Em đã rất vô tư, thẳng thắn và tuyệt đối không dùng từ ngữ xúc phạm hay thô lỗ. Vậy nhưng, từ đó tới nay là gần hết học kì một, em đã bị gọi lên bảng kiểm tra miệng năm lần, bài kiểm tra một tiết, mười lăm phút luôn thấp hơn các bạn hai đến ba điểm, thường xuyên bị nhắc nhở dù không làm gì sai, chưa kể thầy hay bóng gió mỉa mai em là “sai lầm của tạo hoá”, “nỗi xấu hổ của gia đình”.

- Này, - Ông Dũng đập bàn quát to. - chị ăn nói cho đàng hoàng, đừng có giở thói mất dạy ra đây.

- Em có bằng chứng. Lý do gì mà gọi một học sinh lên kiểm tra miệng những năm lần trong một học kỳ mà lần nào em cũng thuộc bài ạ? Lý do gì điểm kiểm tra giấy của em luôn thấp hơn mặt bằng chung dù em vẫn làm đúng ạ? Em có mang hết xuống đây, nếu cần em sẽ đăng lên mạng xã hội, nhờ các thầy cô dạy giáo dục công dân trường khác chấm lại để so sánh. Còn chuyện thầy thường xuyên réo tên em để cho vào ví dụ, xa gần mắng mỏ, chì chiết, nhiều bạn có thể làm chứng.

- Em đang tố cáo một việc rất nghiêm trọng, em có biết không? - Thầy hiệu trưởng trầm giọng.

- Thưa thầy, em luôn tranh luận mọi thứ một cách thẳng thắn. Người khác có thể ghét em vì điều đó, em hiểu. Nhưng ghét bỏ không có nghĩa là được phép lạm dụng quyền lực hành hạ người yếu thế hơn, nhất là trong môi trường giáo dục. Có đúng không ạ?

Tất nhiên, là đồng nghiệp thì thầy hiệu trưởng lẫn những giáo viên khác phải đứng về phía thầy Dũng, lấp liếm rằng những bằng chứng kia chưa đủ giá trị. Nhưng như thế đã là quá đủ. Dù cố gạt đi thì dư âm vụ scandal còn kéo dài nhiều ngày, thậm chí nhiều năm sau đó. Thầy Dũng vẫn tiếp tục giảng dạy ở 12D nhưng không bao giờ còn dám thoải mái nêu những quan điểm riêng tư ngoài chương trình học. Đối với cô học trò cá biệt thì chỉ biết nuốt giận lờ đi, xem cô như chết rồi.

12D nói chung và Hà Minh Khuê nói riêng, trở thành nỗi ám ảnh khó nói của tất cả các giáo viên bộ môn.