Mùa mưa ở Singapore - Chương 01

Chương 1

Người ta bắt đầu treo đèn lên rồi. Cả khu Chinatown ửng hồng lên như một thiếu nữ Trung Hoa vừa vận xiêm y đỏ, tô son điểm phấn lại, uyển chuyển khoe khuôn mặt tươi như hoa, lấp lánh dưới những ánh đèn vàng. Nếu Chinatown là một thiếu nữ bằng xương bằng thịt, tôi đoán sẽ chẳng mấy chàng trai dám chạm đến bởi sự lung linh và huyền bí của nó. Nhưng đã được thực sự chạm đến rồi, tôi e là người ta sẽ chẳng ngại ngần hơn rất nhiều.

Tôi bày đồ nghề ra, ngồi chơ vơ trên chiếc ghế, thấp bé như một viên gạch xây nhà. Góc tôi ngồi, bê cạnh hàng bác Cheng, bác bán những bức tranh cổ về Singapore từ những ngày xa xưa, từ cái thời đất nước này chỉ mới là một làng chài của người Mã Lai vào thế kỉ XIX. Bác Cheng, người đàn ông xấp xỉ năm mươi tuổi, ấy vậy mà râu tóc bạc trắng, bộ râu dài đến ngang cổ, bác tự hào về nó lắm. Bác Cheng là người có tâm hồn nghệ sĩ và lãng mạn nhất mà tôi từng được biết từ trước đến giờ. Những người như thế, chẳng bao giờ giàu được, bác Cheng rất nghèo. Nhưng người như thế lại thấy hài lòng và sung sướng trong hoàn cảnh của chính họ. Tôi cũng là một họa sĩ nghiệp dư, ở đây hay gọi là “họa sĩ đường phố”, tôi cũng nghèo, cái nghèo bắt nguồn từ gia phả, từ đời ông bà truyền sang cha mẹ, đến đời tôi, lại thêm đam mê cái nghiệp này, học hành chẳng được cao, bản thân cũng lãng mạn, mong manh, dồn ứ lại bê trong là cả một sự bất lực và bế tắc, nhưng lúc nào cũng tỏ ra quá ư cao ngạo. Thực tế, tôi chẳng có gì, ngoài những bức tranh. Thực tế, tôi biết mình chẳng khá lên được.

Khu Chinatown bắt đầu nhộn nhịp, những gương mặt hòa lẫn với nhau. Tôi ngồi chống cằm, đưa đẩy những bức chân dung mẫu cho người đi lại dễ thấy. Tôi vẽ chân dung, tôi vẽ những gương mặt. Bức chân dung đầu tiên tôi vẽ là mẹ, khi ấy tôi mới lên sáu tuổi. Lúc ấy mẹ đã hôn lên trán tôi, và nhất dịnh tôi sẽ trở thành một nữ họa sĩ nổi tiếng. Sau đấy, mẹ đã âm thầm tìm hiểu để mang về cho tôi những cuốn sách về hội họa đắt tiền, mẹ như thấy trước tài năng của tôi và động viên tôi cố gắng từng chút một. Và bức chân dung đó, mẹ luôn giữ bên mình, giờ tôi chẳng biết nó đang ở đâu nữa… Cứ nhớ đến thế, từng đoạn phim ký ức cứ tua lại chầm chậm, mí mắt tôi bắt đầu nặng dần. Tôi cúi mặt cho từng dòng ký ức trôi qua. Đêm đến, tôi thở dài trong sự chán nản trước khi nhắm nghiền đi mắt.

Một cô gái đứng trước mặt tôi, nghiêng nghiêng đầu, mái tóc ngắn, được vén gọn gang hai bên tai, đôi mắt to và sáng, cô ấy cười với tôi, nụ cười như một bong hoa sen đang nở:

- Bạn vẽ mất bao lâu?

- Mười lăm phút. – Tôi trả lời.

Cô ấy gật đầu, tôi chỉ vào chiếc ghế nhựa nhỏ, có lưng dựa. Cô gái ngồi xuống đấy, khẽ vén váy sang một bên. Tôi ngắm nhìn cô ấy một phút, chỉ hướng cho cô gái nhìn và bắt đầu những phân đoạn nhỏ cho tổng thể gương mặt. Một vài người qua lại tò mò và thích thú đứng lại xem, những lúc như vậy, tôi sẽ bắt đầu đông khách hơn. Họ lại giơ tay chỉ trỏ, bảo tôi vẽ thật tài tình. Tôi khẽ cười, vung những nét bút, ánh mắt nhìn lên, rồi lại nhìn xuống bản vẽ… Những gương mặt, cứ đến, đi vào trong đôi mắt tôi mười lăm phút, rồi lại trôi đi, dễ dành như ăn bữa cơm hằng ngày vậy.

Cô gái cầm bức tranh, cười rất mãn nguyện:

- Bạn vẽ đẹp quá!

- Nghề của tôi mà.

- Bao nhiêu vậy?

- Hai mươi lăm đô (đô Sing).

Cô gái cầm bức tranh, quay người đi, một người khác lại ngồi vào chiếc ghế đó. Tôi lại vung vẩy cây bút vẽ, không suy nghĩ gì mấy. Bác Cheng đứng ở gian hàng bên cạnh, nhìn sang cười hóm hỉnh. Rất nhiều lần như vậy, bác Cheng và tôi thường trao đổi với nhau về những kỹ thật và am hiểu hội họa sâu sắc, mặc dù bạc không phải là một họa sĩ.

Cả khu phố nhộn nhịp, tiếng người qua lại, kẻ mua người bán, những đèn lồng, đỏ hồng treo thật biệt lập. Những người khách đến, không làm tôi thấy vui hơn, từ bao năm nay vốn đã như vậy, dường như tôi cũng chẳng có thói quen đếm tiền thường xuyên, tôi nhét tiền vào một hộp sắt nhỏ, hàng ngày lấy ra từ đấy, và vẫn thấy mình sống đủ qua ngày

Cuộc sống như một đoàn tàu, chạy chậm, đều mãi, không dừng lại bao giờ.