Và Khi Tro Bụi - Chương 09

9. Sophie 

Nhà của cô Sophie nằm cạnh một con suối chảy qua làng. Chung quanh nhà có một hàng rào gỗ thấp. Trong sân có những gốc hồng đã cắt cành để qua đông. Trên tường nhà có những dây leo bây giờ không có lá.

Khi mở cửa nhìn thấy tôi, cô rất ngạc nhiên trong một thoáng ngắn. Nhưng cô rất thân thiện. Tôi nói:

“Tên tôi là An Mi. Tôi quen một người học trò cũ của cô. Không hẳn quen, nhưng... tôi muốn hỏi vài chuyện về anh ấy...”

“Anh ấy tên gì?”

“Trước đây anh ấy ở căn nhà cuối đường Moosweg.”

“Michael Kempf.”

Sophie ân cần mời tôi vào nhà. Căn phòng thoang thoảng mùi hoa oải hương, lẫn một chút mùi trầm. Cô mời tôi ngồi xuống một chiếc sofa mềm và thấp, với rất nhiều gối chung quanh ghế và trên mặt đất. Phòng có treo nhiều tấm vải thêu. Trên mặt bàn, mặt tủ, thành cửa sổ, trên mặt đất, đầy những món trang trí nho nhỏ. Chân đèn cầy, hộp đốt trầm, tượng vũ nữ, hoa khô, bình lọ bằng sứ, những hộp tráng men có vẽ hoa... Nếu là chủ của chúng, tôi sẽ không bao giờ biết đặt chúng nơi đâu để căn phòng không có vẻ lỉnh kỉnh vụn vặt. Nhưng ở đây, hình như mọi thứ đều đúng chỗ. Không gian êm ái và mời mọc.

Tôi nhớ hôm người trực đêm đến nhà Sophie cô mở nhạc Schumann. Hôm nay cũng có nhạc, nhưng là một loại nhạc thiền êm dịu và vô tận. Người chơi đánh lên những tiếng đàn rồi để chúng vang mãi, những tiếng đàn lắng dần, chập chùng lên nhau và tan vào nhau, không bao giờ có chỗ ngắt câu, không bao giờ có lúc xôn xao hay buồn bã.

Sophie mang ra trà ướp hoa cam và bánh thơm mùi bơ và hạt dẻ mới nướng.

Tôi thấy cảm động. Tôi là người lạ mà được tiếp đãi thế này sao?

Sophie nói chuyện bâng quơ về thời tiết, về những tấm vải cô mang về từ Ấn độ.

Cuối cùng cô mới hỏi:

“Cái gì đưa em tới nhà chị?”

Tôi hơi lúng túng vì từ chị em thân mật.

“Tôi... em có tình cờ đọc câu chuyện của một người trước đây là học trò của chị. Chuyện có nhắc đến chị. Em muốn hỏi ý kiến chị về đôi điều trong đó.”

“Em đưa chị xem được không?”

Giọng Sophie êm ái, như mùi hoa cam trong nước trà chị pha. Chị làm tôi thấy yên lòng. Tôi nghĩ, làm sao từ chối được.

Nhưng lúc mở túi để lấy ra quyển sổ, tôi chợt thấy lòng buồn nao nao. Tôi có một cảm giác mơ hồ hình như tôi đang làm một việc sai. Người trực đêm không viết một truyện ngắn hay truyện dài để cho mọi người đọc, mà là một câu chuyện rất riêng, rất không hoàn hảo, riêng dành cho một người lạ. Người là ấy là tôi.

Nhưng tôi lại nghĩ, ban đầu người trực đêm đã có ý định kể cho cô Sophie nghe mọi việc. Vậy thì tôi mở những trang người trực đêm viết trong quyển sổ cho Sophie xem không có gì sai.

Lúc Sophie đọc, tôi ra đứng cạnh cửa sổ nhìn ra ngoài. Bên ngoài có một con đường nhỏ. Phía bên kia con đường là giòng suối. Tôi không nhìn thấy nước chảy, chỉ nhìn thấy những cây mọc chen trong đá bên bờ kia của giòng nước.

Đọc xong Sophie không đưa lại cho tôi quyển sổ mà đặt nó lên cái kệ bên chỗ chị ngồi.

Sophie hỏi:

“Chị mở máy sưởi như vầy có đủ ấm cho em không?”

Tôi gật đầu. Chị bảo tôi bỏ giầy ra, rút chân duỗi lên sofa cho thoải mái. Tôi làm như chị bảo. Chị đến nhấc hai chân tôi lên, ngồi xuống ở cuối ghế và đặt hai chân tôi lên lòng chị. Chị nắm hai bàn chân tôi và xoa nhẹ, cũng với đôi tay mềm mại và ấm mà chị đã xoa chân cho người trực đêm hôm nào. Nhạc lãng đãng không bờ, mùi trầm hương, lòng bàn tay mềm của chị làm cho tôi muốn tan ra trong một nỗi dịu êm tôi chưa biết bao giờ. Đã bao năm rồi tôi sống trên những chuyến xe lửa. Chị Sophie nói:

“Nếu mệt thì em ngủ đi. Em không có gì vội, chị cũng không có gì vội...”

Chị Sophie nói:

“Đức Phật nói rằng đời là bể khổ. Nhưng cái bể khổ thực sự không ở bên ngoài. Ta không ngụp lặn vô vọng trong cái vùng nước có tên là bể khổ. Bể khổ nằm bên trong chúng ta. Hạnh phúc tự bên trong, đau cũng khổ tự bên trong.

Khi người ta thấy khổ, người ta nói: cha tôi không yêu tôi, người này làm khổ tôi, người kia ác với tôi. Không ai nói: Dục vọng của tôi làm khổ tôi. Ham muốn và thù hận dằn vặt tôi.”

“Chị có biết cha của Michael không?”

“Anh ấy cũng dạy học như chị. Chị dạy văn. Anh ấy dạy vật lý ở cùng trường. Ai cũng nghĩ anh ấy là một người thầy đàng hoàng và dễ mến.”

“Chị Sophie, em đến gặp chị để hỏi bốn điều: Michael Kempf có quay về đây không? Anh ấy còn sống không? Cha anh ấy còn sống không? Cha anh ấy có giết vợ không?”

“Dĩ nhiên là không.”

“Đó là câu trả lời cho câu nào trong bốn câu hỏi trên?”

“Dĩ nhiên là cha của Michael không giết vợ. Ông ấy còn sống, tuy không khỏe lắm.”

“Tại sao anh ấy viết như vậy?”

“Michael viết như vậy lúc anh còn nhỏ. Chỉ là trí tưởng tượng của một đứa trẻ con.
Những sự thật của cuộc đời không ly kỳ như những sự thật trong truyện và trong phim. An Mi à, em đến đây cũng chỉ vì em tưởng là câu chuyện nó như vậy, nhưng sự thật nó bình thường hơn rất nhiều. Cha của Michael lấy một người vợ không đứng đắn và nghiện rượu. Bà ta ở xứ này buồn quá, buổi tối không có quán rượu bán suốt đêm. Bà ấy bỏ đi, chỉ có vậy.”

“Nếu vì buồn chán và thiếu rượu uống, bà ta đã đi sau một hoặc hai năm, chứ tại sao mãi đến năm đó mới bỏ đi? Năm đó Michael đã được bao nhiêu tuổi rồi?”

“Mười ba.”

“Có người đàn bà nào có thể bỏ rơi những đứa con của mình? Không từ giã, đi rồi cũng không gửi thư và gọi điện thoại về gặp con?”

“Có những người đàn bà mà em không bao giờ hiểu nổi tâm linh của họ đâu.”

“Còn đứa em Marcus, tại sao Marcus lại bỏ trốn vào rừng lúc nửa đêm?”

“Đâu có Marcus nào trốn vào rừng lúc nửa đêm đâu. Mẹ của Michael dẫn Marcus theo bà ấy. Đi Tây ban nha, hay đi Mỹ... Ai biết được. Có lẽ đó là điều làm cho Michael đau lòng nhất. Cậu không thể tin là mẹ cậu dắt em cậu đi và bỏ cậu lại như vậy. Nên cậu tưởng tượng ra câu chuyện cha giết mẹ đêm đó. Đứa bé thầm mong rằng chẳng thà mẹ chết, còn hơn là mẹ bỏ rơi nó. Nó không phân biệt được điều nó thầm mong và sự thật.”

“Dù chỉ là một đứa bé, cậu cũng phải biết rằng cậu quá sức bất công với cha. Cậu có tội với cha. Rồi làm sao hai cha con có thể sống với nhau ngần ấy năm được?”

“Em chưa có con, nên em không biết trẻ con. Chị cũng chưa có con, nhưng chị làm nghề dạy học. Khi thấy mình quá bất lực trong thế giới thật, chúng tạo ra một thế giới riêng. Trong thế giới này, chúng là chủ và quyết định được mọi việc. Một ông chủ nhỏ chưa trưởng thành về đạo đức. Với chúng bất công là mẹ cho em ăn hai cái bánh mà không cho anh ăn hai cái bánh. Chúng chưa hiểu nghĩ xấu cho cha là bất công.”

“Nhưng mà cái câu chuyện Michael nghĩ ra cho mình nó buồn bã quá.”

“Michael đang bước qua tuổi dậy thì. Ở tuổi này trẻ con không sợ buồn bằng sợ chán. Nó nghĩ ra một bi kịch, vì chỉ trong bi kịch mới có người hùng. Trong đó nó thấy mình quan trọng.”

Vậy là không có một bi kịch nào. Đáng lẽ tôi phải thấy yên lòng cho Michael. Nhưng một nỗi hụt hẫng lạ lùng loang ra trong tôi.

Chị Sophie vuốt những lọn tóc của tôi giữa những ngón tay của chị.

“Em đến đây, tưởng như mình tìm thấy một điều gì đó, nhưng thực ra là không. Không có gì cả. Chỉ là một câu chuyện nhàm chán của một người đàn bà nhàm chán chồng và bỏ đi. Đứa con trai ở lại tiếp tục sống với cái máy truyền hình. Tuổi thơ nó trống không nên nó lôi những kinh nghiệm cùng những thêu dệt của người khác trên truyền hình xuống và gán vào cho chính nó, cho mẹ nó và em nó, cho đời có chút hương phấn. Cuối vở bi kịch thì người hùng phải đi tìm cái chết tất yếu. Nó muốn thử đi tìm cái chết để xem như thế thì cuộc sống có ý nghĩa hơn không.”

“Cảm ơn chị đã giải thích cho em hiểu.”

Tôi không còn gì để hỏi nữa. Chỉ còn cặp mắt của Marcus.

“Marcus không đi theo mẹ. Em đã gặp nó trong viện mồ côi.”

Tôi đặt những bức ảnh của Marcus lên bàn. Sophie đến ngồi bên tôi để xem ảnh. Tôi nói:

“Những bức ảnh này em chụp ở một nhà nuôi trẻ mồ côi phát triển không bình thường. Marcus có đôi mắt của Michael. Chỉ có anh em ruột mới có đôi mắt giống nhau như vậy.”

Sophie mỉm cười. Tôi không hiểu nụ cười đó và tôi chợt hoang mang. Tôi chỉ mới gặp Michael có một lần, vào một buổi tối ở khách sạn Carmina cách đây hai năm. Làm sao tôi chắc chắn nhớ rõ đôi mắt của anh như thế?

Sophie nói:

“Chị không thấy cậu này giống Michael dù là một chút xíu nào. Dĩ nhiên đây không phải là em trai của Michael.”

Tôi không biết nói gì thêm. Câu chuyện của người trực đêm chỉ có vậy. Tôi đã tìm kiếm gì trong hai năm qua? Một thằng bé chiêm bao một vở bi kịch, và tôi đuổi theo những chiếc bóng của giấc chiêm bao đó.

Tôi đã tìm thấy gì sau hai năm lặn lội? Một đôi mắt của một cậu bé tình cờ có tên là Marcus. Một đôi mắt không quen biết, không liên quan gì đến người trực đêm và không liên quan gì đến tôi.

Tôi lặng nghe trong người một nỗi mất mát lạ lùng. Một điều gì trong tôi vừa rơi xuống, vỡ ra, rồi những mảnh vỡ ấy lại rơi nữa trong một vùng trống, tối, và không có âm thanh. Sophie quay sang tôi, cúi hôn lên vai tôi. Rồi chị đứng dậy, đi đốt một ít hương trầm, thắp nến, lấy thêm trà và mật ong.

Chị dẫn tôi lên lầu, cho tôi xem căn phòng nơi chị ngồi thiền mỗi sáng, và đôi khi vào buổi chiều. Giữa phòng có những miếng thảm nhỏ để ngồi, đối diện, trên một cái bàn thấp, là một tượng Phật gương mặt yên lành, mắt không nhắm và không mở. Cửa sổ trông về hướng suối. Từ đây, cao hơn, tôi có thể nhìn thấy giòng nước.

Tôi vừa muốn vùi đầu vào mớ chăn gối êm ái nhà chị Sophie mà khóc, vừa muốn bỏ về và không bao giờ đặt chân đến ngôi nhà này nữa. Tất cả mọi thứ ở đây đều yên lành và đáng yêu. Giọng nói và bàn tay của chị Sophie thật bao dung, mềm mại và chậm rãi. Vậy mà trong một đôi khoảnh khắc, vẫn có một thứ gì đó tôi không biết tên làm gợn lên trong tôi một nỗi hoang mang mơ hồ. Có lẽ vì tôi không quen với hạnh phúc. Một thiên đường ấm áp làm cho con chim chỉ quen bay dưới bầu trời tuyết thấy mình nhỏ nhoi và lạc lõng thêm.