Ngược Xuôi (Back and Forth)- Chương 07+ 08

Chương 7

Mới đó mà hai ba năm đã qua đi, chuyện nhà Ngô Sĩ Liên giờ đã là một chuỗi thường nhật. Nhưng cũng có một chút thay đổi trong mấy năm qua. Vì các học trò của Ngô tiên sinh này có vẻ không thông minh bằng tôi cho lắm, nên sau năm đầu, tôi đã được phụ đạo riêng vào buỗi tối, rồi sáng vẫn ra đồng như thường ngày. Bởi tôi là con gái, nên nhiều khi có cảm giác Ngô Sĩ Liên có phần thiên vị mấy vị học trò nam của ông hơn, ít ra thì ông cũng dạy họ nhiều hơn về chính trị, cũng như trí làm người được tàng ẩn trong từ câu từng chữ của Tứ Thư Ngũ Kinh. Vậy nên lâu lâu tôi vẫn đứng nghe lóm lúc rỗi rãi. Mà về thời cổ đại lâu như vậy rồi, dần dần tôi cũng bị nhiễm mấy sách xưa, tự xưng mình là ta, rồi người đối diện là ngươi trong ý nghĩ, thật là coi thường người khác mà!

Chữ Hán chỉ là bắt đầu, chữ Nôm mới là chữ tôi thật sự thích thú. Chỉ tiếc là cách sử dụng chữ Nôm chưa bao giờ được thống nhất, mà chỉ học xong chữ Hán may ra mới hiểu được chữ Nôm, khiến cho loại chữ này thật sự lâm vào vị trí rất bất lợi so với chữ Quốc Ngữ vào thế kỉ mười chín, hai mươi. Tuy tôi đã rất cố gắng, nhưng chữ Hán thời này không thể nói là dễ. Mà thêm vào đó, đã học chữ Hán tự của Nhật vốn đã có một phần giản thể rồi, nhiều lúc một số chữ tôi lại còn viết sai chính tả, khiến cho Ngô Sĩ Liên cũng không mấy vừa lòng. Thế là chỉ có luyện thêm thôi.

Từ khi làm con gái nuôi của Ngô Từ, cuộc sống có vẻ khá lên một chút. Đằng nào thì Ngô Từ cũng được Lê Lợi nuôi lớn lên, có công trong cuộc chiến, bây giờ lại làm Thái Bảo trong triều. Gia đình Ngô Từ – Duyên Ý Dụ Vương cũng sống tận tâm với gia tộc Lê Lợi mấy đời liền, nên Đại nhân rất được trọng vọng, còn được ban cho cả quốc tính. Cứ hai ba tháng khi Ngô đại nhân và Phu nhân Đinh thị Ngọc Kế đến thăm tôi, đối xử tôi như con gái ruột, gia đình Ngô Sĩ Liên luôn nhận được giúp đỡ về mặt nào đó. Ngô phu nhân dạo gần đây thấy có vẻ khỏe lên, trông kĩ lại thì bà chắc cũng đã rất đẹp thời son trẻ.

Gia đình Ngô Sĩ Liên sắp có một thành viên mới. Nhìn chị dâu bụng dần to lên, tôi cũng có phần háo hức. Tuy nhiên, vì chị bụng to, nhiều việc bếp núc tôi đành phải gánh. Con gái nông thôn tám chín tuổi đã có thể lo chuyện cơm nước đàng hoàng, nhưng mà một người hậu đậu như tôi thì chị khá lo, luôn nhìn tôi nấu mà như ngồi trên đống lửa. Tôi thật buồn cười mỗi khi nhìn mặt chị như vậy, nhiều lúc còn có cảm giác muốn chọc thêm đùa chị. Tuy vậy mà sau mấy ngày từ khi đảm trách trách nhiệm chợ búa bếp núc, tôi mới biết được chuyện này cũng khá khó khăn. Bị lừa ngoài chợ thì không vì chị đã dặn dò cẩn thận ai nên mua, ai không nên, nhưng mà gánh hai cái đòn gánh này đi suốt buổi, tôi thật đau không thề nói nổi. Vậy nên tôi tức mình, đan làn đi chợ bằng lá cọ khô, xách tay cho nó tiện. Thật cũng cảm ơn mấy lớp công nghệ thời cấp hai quá chừng.

Tính lại dựa theo lịch sử, đây đã là năm Thuận Thiên thứ 4 (1431). Thăng Long đã bị đổi tên thành Đông Đô rồi Đông Kinh, còn Tây Kinh nằm ở Thanh Hóa là nguyên quán của vua. Ở đây lâu một chút, tôi mới nghe ra rằng thời này có hai phe cánh về người nối nghiệp vua, một bên ủng hộ con trưởng là Quốc Vương Lê Tư Tề, vốn đã có công cùng cha cứu nước, bên còn lại ủng hộ Hoàng Thái Tử Lê Nguyên Long, vốn có mẹ đã tự nguyện quyên sinh cho thần để giúp vua đánh tan giặc Minh, rốt cục vẫn khiến cho huynh đệ tương tàn. Nhiều người có liên quan cũng bị liên lụy trong vòng xoáy này.

Ở đây lâu như vậy rồi, tôi thật nhớ tiếng nhạc. Những giai điệu thật đẹp ở thế kỉ hai mốt luôn theo từng bước chân tôi nhờ chiếc máy mp3 giờ đã không còn. Nhiều lúc tôi thấy thời này thật tẻ ngắt. Nhân lúc Ngô Từ đến thăm, tôi vòi ông một nhạc cụ rất đỗi bình thường, một cây sáo. Chọn sáo bởi nó tương đối dễ thổi, mà theo các chuyện kiếm hiệp xưa tôi luyện, mấy vị anh hùng giang hồ thường hay chơi nhạc cụ thổi như tiêu hay sáo, tỏ rõ khí thế ung dung ngao du sơn thủy. Hôm nay ông và vợ đến thăm, có mang cho tôi cây sáo bằng ống tre. Nhìn thấy tôi mặt háo hức, ông cũng cười xoa đầu tôi, nói tôi ra ngoài sân chơi với mẹ nuôi, còn ông thì vào nói chuyện với Ngô Sĩ Liên.

Trước tôi có chơi một loại sáo Recorder hồi cấp một mà người Tàu dịch ra là trực địch[1]. Lần này dùng sáo, chắc có khả năng đoán nốt rồi thổi cái gì đó. Tôi thổi tu tu cho Ngô phu nhân nghe, thật là chói tai lúc đầu, nhưng mà Ngô phu nhân có vẻ vui lắm. Bà hỏi thăm tôi sức khỏe thế nào, tôi vẫn đáp vẫn còn một chút khó thở, chỉ cần chạy nhiều một chút là bệnh cũ lại tái phát. Điều này là do Ngô Từ dạy, để bà đừng quá mong chờ tôi về nhà. Nhưng hôm nay bà lại khác, bà ôm tôi vào lòng, thì thầm: “Con dạo này đã lớn lên nhiều rồi! Chỉ cần hai ba năm nữa là có thể gả chồng rồi đấy.” Tôi hơi ngạc nhiên, nhưng thủ thỉ với bà rằng: “Con chưa lớn mà, mà lớn vẫn muốn mãi làm con gái nhỏ, không muốn lấy chồng đâu!” Bà cười, ôm lấy tôi chặt hơn, nhưng mặt hơi có chút bận tâm một chút, lại nói: “Ừ, con còn nhỏ quá, lại còn ốm yếu nữa…”

Chỉ mới nói tới vậy thôi, Ngô Từ ra nhìn hai mẹ con, lại hỏi: “Hai người thủ thỉ gỉ ở đây?” Tôi lí lắc trả lời: “Bí mật, không nói thầy nghe đâu!” Ngô Từ nhìn tôi đang trong lòng phu nhân, cúi xuống hỏi: “Con có muốn về Tây Kinh ở với mẹ và em không?” Tôi tròn mắt ngạc nhiên, cách mấy năm liên không đả động đến chuyện này, nay lại nhắc lại… Ngô Từ lại nói: “Ngô phu nhân đang mang thai, cũng khá nặng nề rồi, con ở đây còn thêm nhiễu đến hai người nữa. Thầy sẽ cho một người hầu đến đây giúp đỡ phu nhân, còn con đi về nhà ở được không? Thầy cũng đã hỏi ý kiến Ngô Sĩ Liên rồi.” Tôi nhìn ông: “Anh ấy đồng ý sao?” Ngô Từ trả lời: “Còn tùy ý con nữa, sức khỏe của con…” Tôi quay lại nhìn Ngô phu nhân, lại thấy ánh mắt da diết của bà, lòng chợt động. Tôi trả lời: “Để em bé sinh xong đã con sẽ trả lời, còn người hầu thầy cứ đưa đến đây càng sớm càng tốt.” Ngô Từ nhìn tôi gật đầu, nói: “Phu nhân, cũng đã đến lúc ta cần phải về rồi. Bà chào con đi.”Phu nhân nựng tôi một chút rồi thả cho xuống, hai người cha mẹ nuôi đi ra xe.

Sau chuyện này tôi có hỏi lại Ngô Sĩ Liên, nhưng anh ta khuyên tôi không nên đến nhà Ngô Từ mà ở. Bởi chuyện xuất thân của tôi là con cháu đời trước mà bị phát hiện, không những gia đình ông ta bị liên lụy, mà còn có nhiều người khác nữa. Nhưng ngày càng tôi càng để ý, thật ra đúng là tôi rất phiền cho chị dâu. Từ khi có một người giúp việc nữ đến ở chung nhà, rõ là công việc đồng áng tốt hơn hẳn. Cô gái này tay chân nhanh nhẹn, cơ bắp chắc chắn, chẳng những chợ búa bếp núc nhanh gọn nhẹ, tưới nước gánh phân cho ruộng cũng tốt hơn đứa trẻ mười một mười hai như tôi nhiều. Tối cô ngủ với tôi, rất thích được tôi kể chuyện cổ tích cho nghe. Lời nói thì gọi Ngô Sĩ Liên là lão gia, chị dâu là phu nhân, còn tôi là tiểu thư cứ như là phim tàu chính gốc vậy. Hồi đầu cả nhà còn cười, nhưng nghe dần dần cũng quen, không sửa cho chị ta gọi ông, bà, cô nữa.

Chị dâu sinh được bé gái đầu lòng, tôi rất thích, nhưng có lẽ ông anh họ không thích lắm. Nhưng nghĩ lại cũng là tôi nghĩ cho anh ta không thích mà nói thế. Thời này tình cảm không được biểu hiện dồi dào lắm. Ngay cả đến đầu thế kỉ hai mươi, trong các gia đình nho giáo cũng vậy mà. Em bé sinh ra rồi, tôi lại nhớ đến dì và em gái tôi. Tuy rằng chỉ gặp nhau trong một ngày, nhưng Trần thị Lan đây vẫn phải có một trách nhiệm nào đó với gia đình chứ.

Một buổi tối đương buỗi luyện chữ, tôi hỏi anh họ về tin tức gia đình tôi, nhưng Ngô Sĩ Liên thật không biết gì nhiều. Cũng chỉ nghe ngóng biết Nguyễn Trãi tuy đã được thả nhưng bị giáng chức, tước quốc tính, gia đình ở Đông Kinh cũng khá khó khăn. Lại nghĩ gia đình Ngô Từ đã có công giúp đỡ Lê Lợi mấy đời, tôi ở nơi đó tuy là chỗ nguy hiểm, nhưng lại là chỗ khó tìm, lại có khả năng hỏi thăm tin tức rất nhiều. Cuối cùng ra quyết định sẽ theo Ngô Từ. Tôi báo chuyện này cho Ngô Sĩ Liên nghe, tuy lúc đầu ngài không thích, nhưng nghe tôi giải thích cặn kẽ là phải tìm cách cứu dì và em, anh tôi cũng phải gật đầu. Chuyện thân thế của tôi, ngoài trừ anh và tôi đây, không ai biết hết, nên chỉ cần hai người giữ bí mật là có thể an tâm rồi.

Vậy là tháng sau, khi Ngô Từ đến, tôi sắp xếp hành lí, đi cùng hai vợ chồng về Thanh Hóa. Ngô Sĩ Liên có tặng tôi một quyển sách, dặn phải luyện chữ thường xuyên, lâu lâu viết thư về nhà. Quyển sách này mấy đêm liền được Ngô Sĩ Liên giảng cấp tốc, còn tôi thì dùng than mài nhọn thành ngòi, cuốn giấy quanh làm bút chì, bí mật tốc kí ghi lại cách phát âm, tóm tắt bài học bằng quốc ngữ, định sẽ dùng trong năm tới.

Chương 8

Cũng nhờ làm con gái của Thái Bảo  mà tôi được sống như cậu ấm cô chiêu một phần nào đó trong phủ của Ngô Từ. Lúc tôi mới đến đây, kinh ngạc vì sự đồ sộ của tòa nhà gạch so với nhà đất của Ngô Sĩ Liên một trời một vực nên mãi mới ngậm được miệng. Vẫn biết lúc này còn có nhiều giặc cỏ quấy nhiễu, đất nước còn nghèo sau chiến tranh, nhưng phủ của Ngô Từ cũng cho tôi biết được sự hậu đãi của Lê Lợi đối với gia đình này ra sao. Nhưng trước hết, tôi con đối mặt với một thử thách hơn nữa, cô em gái nuôi Ngô thị Ngọc Dao.

Tuy xa nhau đã hơn ba năm, nhưng Ngọc Dao và Ngọc Xuân trước vẫn là chị em tốt có nhau. Ngọc Xuân bị bệnh nặng, có khả năng lây nhiễm nên bị tách biệt từ đó. Đến khi Ngọc Xuân chết đi, vì để con đỡ đau buồn, Ngô Từ cũng không nói với Ngọc Dao mà chỉ nói với phu nhân. Phu nhân phát điên lên vì cho rằng Ngô Từ lừa bà không cho gặp con, Ngọc Dao được giao cho người hầu thân cận trông nom cho tới khi tôi được nhận làm con tại nhà Ngô Sĩ Liên.

Lúc trước khi đến đây, Ngô Từ có đưa thư kể chi tiết tình cảm của hai chị em để tôi biết trước. Ông cũng cho tôi biết một chút về mười mấy anh em trong nhà, nhưng phần lớn đã đi làm quan, lấy chồng hoặc ở tại phủ ông ở kinh đô. Nhưng chuyện kể chỉ là chuyện ông biết, sao biết được hai chị em có bí mật gì? Tôi vốn biết qua mặt nàng này rất khó. Nên lúc đến hơi có cảm giác căng thẳng. Ngọc Dao cũng nhận ra ngay sự khác biệt. Cô bé bằng tuổi này nhận ra ngay tôi thiếu một cái gì đó. Nhưng nói gì thì nói, tuổi thật của tôi cũng đã ngoài hai mươi trước khi bước vào cuộc đời này. Và cái sự mọt sách của tôi trước đây đã có một chút hữu ích, tôi biết rất nhiều chuyện. Trước đây có lần tôi làm tín đồ của Anderson, bất kể chuyện của ông không phải đơn thuần cho một cô nữ sinh cấp hai đọc. Từ cấp một tôi đã đọc truyện của anh em nhà Grim và ngàn lẻ một đêm, còn chưa kể các chuyện cổ tích Việt từ tấm cám đến sự tích dưa hấu. Đêm tôi vào ngủ chung với Ngọc Dao, rả rích kể chuyện cho cô bé nghe. Dần dần cô cũng quen với con người Ngọc Xuân mới này, cũng có chút thân thiết hơn với tôi.

Trong phủ của Ngô Từ ở đây chỉ có phu nhân và hai bọn tôi, Ngô Từ thường xuyên vào cung vì chuyện chính sự. Ngoài vị phu nhân này, ông còn có thêm một bà vợ hai, chính là cháu gái của phu nhân, con cháu đầy nhà, tôi cũng chưa được biết rõ chi tiết. Vì gia đình Ngô Từ cũng từ tầng lớp lao động mà ra, ngoài chuyện nô tỳ và người hầu nói chuyện cư xử theo cung cách người tàu (lại đại nhân, phu nhân, tiểu thư), tôi cũng thường được ra ngoài chơi. Tuy nhiên, tính hiếu học sau mấy ngày ỳ thân đã được phát huy, tôi lại lấy sách ra luyện chữ. Lúc chán thì lại lấy sáo ra thổi. Lúc buồn thì cùng Ngọc Dao và nô tỳ ra phố chợ mua bánh ngắm người. Cuộc sống nói chung là khá giống với quý cô đài các.

Thổi sáo chán chê mà chỉ được mấy nốt tàm tạm, tôi năn nỉ phu nhân cho đi học âm luật. Vậy là có thầy được mời đến nhà, Ngọc Dao cũng được hưởng sái học chung với tôi. Nhưng cái chính là ông ta không dạy cho tôi thổi sáo mà lại dạy gảy đàn sắt (một thứ đàn cổ của tàu). Thật ra thì tôi cũng khá thích loại đàn này vì nó có khả năng đánh được nhiều nốt hơn sáo, nhưng cái chính là người đánh hay thích đánh một vèo mấy nốt liền khiến cho cả bản nhạc hơi nhão thời nay. Loại nhạc dân gian thì thật tôi nghe nhiều cái không hiểu. Nghe loại nhạc đã được thương mại hóa như nhạc Mỹ, nhạc Hàn, hoặc loại nhạc khác người như nhạc Anh, nhạc Nhật rồi thì làm sao thấu hiểu cho hết được từng tình cảm trong từ nốt chứ? Thời này tên các nốt nhạc cũng khác và bản nhạc cũng khác khiến tôi hơi đau đầu lúc đầu, nhưng rồi cũng quen.

Vậy là ngày ngày tôi đành phải từ bỏ sáo lại rồi học đàn tranh. Từ từ cũng có kết quả. Lúc không có nhiều người để ý, tôi vẫn thường đánh thử giai điệu một số bản nhạc mà tôi thích thời hiện đại. Không biết ở thời hiện đại, âm nhạc có biết bao nhiêu thay đổi, không biết nhóm nhạc tôi yêu thích còn hay không nữa. Nhiều lúc lại nhớ nhà, vậy nên tôi đàn cho vơi đi nỗi nhớ. Biết được nguyên tắc đàn rồi, tôi hỏi đến đàn bầu, nhớ tiếng đàn này làm rung động lòng người như nghe tiếng nước rơi giữa hồ vậy. Và thật ra có nhiều bản nhạc dân gian như “Bèo dạt mây trôi” rất thích hợp để dùng đàn bầu. Được thầy dậy cũng khá, tôi cũng mau chóng bắt được âm luật và cách đàn.

Học được luật rồi, thì tôi phát hiện mình bị tiếng đàn bầu làm cho bị trầm cảm, ăn không ngon, ngủ không yên. Tiếng đàn não nề nhất vào ngày mưa, phu nhân cũng lo lắng cho tôi, luôn luôn kề bên. Ngô đại nhân về, không biết phu nhân thủ thỉ gì mà cuối cùng lí do tôi học nhạc cuối cùng cũng được giải quyết: Ngô đại nhân cũng tìm ra một chú lính trong đội quản lí lương thực của ông để dạy cho tôi mấy khúc sáo. Thật là hay tuyệt!

Nhưng chú lính này nhìn tôi, lướt lên xuống một hồi, rồi bảo tôi là người quá gầy yếu, ngày đêm không tập luyện cho đủ sức, nên khi thổi sáo sẽ mau mệt và nốt không ra khỏi. Vậy là bài tập nhập môn là sáng dậy đi bộ lên núi rồi xuống, rồi các bài thở bụng. Ngày đầu thức dậy lúc canh 3 sáng, tôi thấy thật mệt mỏi, đi về nhà, mồ hôi nhớp nháp, thở không ra hơi. Đến phong cảnh vùng núi Thanh Hóa vốn đẹp nên thơ trong cái thời không khách du lịch này tôi cũng không để ý lắm, chỉ mau chóng đi theo chú lính kia.

Cứ đi bộ như vậy hơn tháng liền, chú mới bắt đầu dạy tôi cách đặt môi vào thổi cho đúng, và đó là lần đầu tiên tôi đứng trên đỉnh núi nhìn xuống vùng đất bao la, thổi một nốt sáo nghe vang vọng cả vùng. Tâm hồn tôi như bị chấn động, như đang muốn phá vỡ cơ thể này đi vào thế giới xung quanh, thật xa, thật xa về nơi nào đó. Dần dần chú lính không đi chung với tôi nữa, và tôi cũng đã học được các nốt căn bản, cũng đã có thể thổi những bài đơn giản. Tôi thật thích cái cảm giác vào mùa đông giá lạnh, thổi một bản nhạc ấm áp cho chính mình nghe mà không sợ phiền người khác, với tiếng sáo vang vọng như cho cả môi trường xung quanh cùng nghe. Cái cảm giác như tôi có cả thiên hạ trong tay, khác hẳn với khi tập luyện thổi sáo ở nhà, lúc nào cũng nghe lời than phiền của con em gái. Mặc dù tôi rất muốn đánh đổi điều này để về nghe lời than phiền ấy.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3