Ngược Xuôi (Back and Forth)- Chương 09+ 10
Chương 9
Ờ đây thắm thoắt mà đã qua hai năm, giờ là năm Thuận Thiên thứ 6 (1433). Nhiều lần Dụ Vương (Ngô Từ) về, tôi có gợi chuyện hỏi ông về các trận chiến thời xưa, nhất là chuyện của Trần Nguyên Hãn tướng quân, cũng biết được dì và em tôi chắc đã bị xếp vào làm nô tỳ cho một trong những vị quan nào đó, còn ông cũng không biết gì thêm. Khi được hỏi vì sao tôi quan tâm quá, tôi cũng chỉ trả lời qua loa là có chút tò mò. Bởi có lần tôi buột miệng than thương cho họ, Ngô Từ đã nói thẳng với tôi: “Con không được phát biểu lung tung, nhất là trước mặt bất kì ai khác. Hoàng Thượng là đấng cửu đỉnh, nhà ta tuy được hưởng phúc phần bây giờ, nhưng cũng có thể vì một lời nói nhỏ nào đó mà gây họa, tốt nhất là nên biết im lặng và biết ơn vua.” Tôi gật đầu, nhưng trong bụng đầy đau khổ, đã sớm thấy cái xã hội này thật bất công, được hưởng phúc đấy, nhưng ai cũng nơm nớp lo sợ cho gia đình mình biết đâu ngày nào cũng phải vạ?
Vì cái sự này mà tôi ngày càng chú tâm hơn vào học hành và nhạc cụ, thật chán ghét các sự việc khác, nói năng cũng ít hơn. Mấy năm gần đây tôi cũng có gửi thư hỏi thăm gia đình Ngô Sĩ Liên, lúc nào nhận được thư phản hồi, tôi cũng có sách để học thêm. Mỗi lần được thư của họ, tôi cũng mừng thay cho gia đình họ chưa bước vào cái thế giới quan liêu này. Bởi tôi có cảm giác quyền lực là một cái lưới được treo lên cao, các con cá mắc vào đây vùng vẫy, tìm cách đánh lẫn nhau để tìm cơ hội vượt qua ngưỡng lưới, để có thể rớt xuống biển, để lại được tự do. Nhưng biết đâu được, rớt ra khỏi ngưỡng lưới lại rơi xuống đất? Lại chết một cách thảm hại? Sáo và đàn tôi cũng đã thông thuộc hơn, còn có thể thổi các bản nhạc hiện đại. Đương nhiên là chỉ đánh lúc một mình, mong muốn không có ai nhớ mấy bản này kẻo không lại có sự thay đổi về sau.
Tháng tám tôi, nhà vua có ghé qua Tây Kinh thăm lăng tẩm. Tôi vốn không có diễm phúc được diện kiến thánh giá, nhưng cũng không lấy đó làm phiền. Chẳng phải ông là người đã giết thầy tôi sao? Tuy chỉ có một ngày làm cha, nhưng tôi cũng đã thấy được chí khí của ông. Nhìn thấy người hoàng thượng đó, liệu tôi có kìm hãm được cái sự buồn phiền của việc thấy cha chết, mẹ và em bị bắt ra khỏi lồng ngực không? Tuy ông cũng thấy có lỗi, đã ra chiếu không cho sự dụng bọn nịnh thần dâng cáo hại cha tôi nữa, nhưng lòng tôi không khỏi thấy bất công, bọn họ chẵng phải vẫn còn sống sao? Những ngày ông đến, niềm oán tức của tôi muốn lên đến tận điểm, phát bệnh nằm nhà.
Lê Thái Tổ về kinh rồi, hạ bệ Lê Tư Tề xuống làm Quận Vương, cho Lê Nguyên Long lên cai quản việc nước. Chiếu thư chủ yếu nói: “Trẫm đây tài mọn, đức mỏng, kính vâng mạng trời, ở ngôi đến nay đã được sáu năm. Bây giờ đã đến lúc mệt mỏi, không siêng chăm được chính sự. Hoàng thái tử, tuổi tuy thơ ấu, nhưng tính nhân từ hiếu thảo bấy lâu đã thấy tỏ lộ ra ngoài, được mọi người hòa thuận tin theo, đáng hưởng ngôi báu. Vậy có tể trao cho kiếm và ấn để thay trẫm coi quản việc nước”[1].Tôi thật không biết ông nghĩ gì, nhưng một người con trai mới mười một tuổi, ở thế giới của tôi vẫn còn đang học lớp 5, làm sao có thể lên điều khiển cả một đất nước trong thời kì này? Nghĩ vậy, nhiều lúc tôi thấy thật nực cười, lại thấy nhớ nhà da diết.
Tháng sau, Lê Thái Tổ mất, ông được an táng tại Vĩnh Lăng tại Lam Sơn, Tây Kinh. Và cuộc đời tôi lại một lần nữa thay đổi vì một cuộc gặp gỡ định mệnh, khiến tôi ở thế tiến thoái lưỡng nan, tâm thần bất ổn trong mấy năm liền.
[1] Trích Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục, Quyển 15
Chương 10
Mấy ngày này trời mưa thật to, những cơn mưa mùa đông thật ảm đạm. Tháng nhà vua mất, cũng có cơn mưa dài dăng dẳng thêm nữa, có phải là khóc cho vị vua cứu nước chăng? Từ đó đến nay cũng ít mưa, vậy mà dạo này mưa lại quay lại. Mấy ngày này, do trời mưa và lạnh nên tôi không có dịp lên núi thổi sáo nữa. Trời mưa tầm tã rất có thể làm đất sạt lở trên núi, phu nhân không an tâm cho tôi đi. Vậy là tôi ở nhà luyện chữ, và đánh đàn. Ngày mưa này, chợt nhớ đến bài hát của F.T Island mà hồi xưa tôi rất thích: “Meeting”, lại tự hỏi không biết người ngày ấy có khỏe không? Liệu bây giờ ra sao rồi? Lúc bồi hồi, tôi ngâm nhẹ theo bản nhạc trong đầu, rồi từ đấy tập tành dò nốt đánh đàn sắt.
Ngọc Dao tò mò nhìn tôi đánh bản đàn, rồi tìm giấy viết lại nốt đã dò được, lúc đánh thuộc rồi lại đốt bản nhạc đi. Nó hỏi tôi: “Đã soạn ra được bản nhạc hay vậy rồi, sao lại đốt đi, hay chị không muốn cho em học?”. Tôi nhìn nó cười, chỉ bảo: “Đây là bí mật của chị, còn em muốn học cũng được, chỉ là phải hứa với chị không được dạy cho ai, lúc đánh chỉ nên đánh cho chị nghe hoặc người nào em thấy tin tưởng, tuyệt đối đừng để cho ai dò ra bản nhạc. Khi chị dạy cho em rồi, đây sẽ là bản nhạc bí mật của hai chúng ta.” Ngọc Dao mấy ngày mưa này cũng buồn, nghe vậy cười hì hì đáp: “Chuyện bí mật như thế này, em hứa chắc chắn sẽ giữ bí mật cho chị, chị dạy em đi.”
Tôi cười, rồi chỉ cho cô em gái này từng nốt nhạc. Bản nhạc được tấu lên, nghe thật êm ái. Tuy Ngọc Dao thông minh lanh lợi, nhưng bản nhạc vốn cho ghita và piano này khi chuyển âm vào đàn sắt cũng dùng nhiều ngón tay một lúc, lúc soạn ra, tôi cũng không ngờ nó phức tạp như thế, vậy là mất ba ngày, tôi mới dạy xong cho nó. Dạy xong, tôi còn vắt óc ra soạn bản song tấu cho hai đàn, thấy dễ hơn nhiều, liền dạy cho Ngọc Dao, vậy là hai chị em cùng song tấu. Đương nhiên, bản này cũng phải hủy đi. Nhân dịp mấy ngày mưa ngớt, mọi người lo tấp nập chuyện vua băng hà đang được chuyển đến Lam Sơn an táng, tôi xé bản nhạc ra làm mấy mảnh, xếp làm máy bay, tính lên đỉnh núi thường thổi sáo thả cho vui.
Tính rủ Ngọc Dao đi, nhưng nó lại bệnh cảm, phu nhân chắc sẽ lo lắng, tôi quyết định thôi. Vậy là một tay cầm tay nải nhỏ có sáo và bản nhạc này, tôi bước đi lộ trình quen thuộc. Leo trên con đường vẫn còn ẩm ướt vì mưa, hít thở không khí trong lành, tôi cảm thấy cơ thể như được thanh tẩy. Lâu lâu còn có một cơn gió nhẹ lướt qua khuôn mặt, tôi nhắm mắt lại để có thể cảm nhận được một thiên nhiên tươi đẹp bao quanh. Lên đến đỉnh, tôi mới phát hiện giày và quần áo có chút lấm lem vì đất, hôm nay trốn mẹ vội đi nên tôi không kịp thay đồ thường đi bộ. Thôi kệ, mặc đồ như thế này có ai ở trên núi ngắm đâu mà lo, về chắc chỉ bị phu nhân quở trách mấy câu thôi, mọi người cũng đâu có quan tâm đến tôi lắm trong ngày hôm nay đâu, tôi nghĩ. Lấy giấy đã gấp ra, tôi phóng những chiếc máy bay nhỏ, nhìn chúng phóng thật xa vế các hướng, cảm giác như là một cô bé đang trốn mẹ đi chơi, thật là vui vẻ lúc này.
Ném hết rồi tôi mới lấy sáo ra, đứng nhìn vùng đất phía dưới rồi thổi. Mấy ngày liền đánh cùng một bản nhạc, giai điệu của tôi không hiểu sao cũng thành giai điệu bản nhạc ấy. Nốt nhạc cứ ra khỏi ống, bay bay vào không gian xung quanh. Đỉnh núi thoai thoải, gió đưa nhè nhẹ, bản nhạc như hòa vào trong không khí, thật là một cảm giác thú vị chưa từng có. Đây cũng là lần đâu tiên tôi thổi không sai nốt nào trong lần đầu tiên thổi một bản mới, chắc có lẽ bản nhạc này đã thấm sâu vào trí óc tôi. Đang thổi say xưa, tôi bỗng nghe tiếng xột xoạt đằng sau. Giật mình, tôi dừng thổi, quay phắt lại, nhanh quá mà mất đà, loạng quạng muốn rớt xuống núi.
Đằng sau là một nhóm con trai choai choai. Đứng đầu là một cậu nhóc khoảng mười một, mười hai tuổi, mặc áo gấm dài màu xanh ngọc nhạt, tóc búi cao trên đỉnh đầu bằng một chiếc trâm cùng mũ nhỏ, trông như mấy cậu anh em trai nhà tôi lúc thăm nhà, chắc cũng là con nhà quí tộc. Sau cậu này là một nhóm bốn năm các cậu khác, lớn hơn cậu đến mấy tuổi, cũng mặc đồ khá giả nhưng xếp thành hàng ngũ rất chỉnh tề, như thể là quân lính bảo vệ.
Tôi đang muốn ngã ngửa ra, cậu nhoài người đưa tay ra nắm lấy cây sáo của tôi kéo vào, khiến tôi lại loạng choạng muốn va vào người cậu, nhưng chân trước đã theo phản xạ đặt lên trước, giúp tôi giữ thăng bằng. Nhìn kĩ lại, các cậu đứng sau, người thì đang chuẩn bị giữ lấy cậu này phòng khi bị ngã, người thì đã sẵn sàng tuốt đao kiếm bên hông. Cũng thật hên cho tôi vốn có tính ghét chạm vào người khác, nếu không không biết biến thành mấy khúc rồi.
“Cô có sao không?” là điều mà cậu nhóc hỏi tôi. Đây là lần đầu tiên một người con trai không trong gia đình nói chuyện với tôi, giọng nói trong trẻo đặc trưng của một đứa con trai lớp sáu hay bảy. Bỗng nhiên tôi lại nhớ về người ấy khi lần đầu cậu tôi được sắp xếp ngồi cạnh tôi, người tôi cứng đờ vì ngạc nhiên. Tôi nhìn cậu kĩ càng, khuôn mặt thanh tú trông thật quá chín chắn cho người bằng tuổi cậu mà tôi chưa hề nhìn qua bất kì khuôn mặt tương tự nào suốt mấy năm qua ở đây. Đã năm năm rồi ờ cái thế giới này tôi không nói chuyện nhiều với con trai cùng lứa nên nhất thời có chút lúng túng. Nhìn cậu ta chằm chằm một hồi cho đến khi một trong mấy cậu đứng sau tiến lên nói: “Ơ kìa, cô này câm rồi hay sao mà không trả lời câu hỏi của bạn ta?”, tôi mới giật mình nhận ra mình có phần hơi kì quặc. “Không sao!” Tôi trả lời, mắt cụp xuống nhìn xuống tay, mới thấy cây sáo đang được cả tôi và cậu kia nắm mỗi người một đầu.
Mặt tôi đang nóng ran như con gái bị người ta chọc, và tôi có thể cảm nhận được rất nhiều cặp mắt đang nhìn tôi chăm chăm. “Trời ơi, mình đang ngượng vì nhìn con trai hay sao?” Đột nhiên tôi lại nhớ về những năm tháng học trung học đến khi lên đại học, tôi vẫn thích chơi với các cậu con trai, tính cách rất phóng khoáng và khó chịu những cô nàng đỏng đảnh đỏm dáng ‘ngựa’ trong lớp. Kí ức trỗi dậy khiến tôi lấy lại tinh thần: “Chỉ là mấy thằng nhóc con!” tôi nghĩ. Ngẩng đầu lên sau mấy giây, tôi đã không còn cảm giác nóng mặt, nhoẻn miệng cười nói: “Xin cậu làm ơn thả tay ra!”
Lần này đến lượt cậu nhóc kia sững sờ một vài dây, rồi vội thả tay ra khỏi đầu kia của cây sáo như mới phát hiện tôi muốn nói gì, miệng thở ra: “À…”. “Cô kia, bạn tôi mới cứu cô kia mà, sao lúc đầu cô giả câm rồi bây giờ lại muốn đẩy ra thế?” Có tiếng nhạo hơi cười cợt của một trong mấy anh tùy tùng vang lên. “Muốn chọc ta chắc!” tôi lại nghĩ, “chưa đến tuổi đâu nhóc ạ!”. Vẫn giữ thái độ vui vẻ, tôi lại cười mỉm: “À vâng, là tôi thất lễ, xin cảm ơn cậu đã giúp tôi!”. Ánh mắt tôi nhìn thẳng vào cậu vẫn đối diện tôi một cái nhìn thân thiện. “Nếu được, xin chào các anh, tôi xin phép về nhà!”. Cậu nhóc nhìn tôi ngạc nhiên, chắc vì bị ánh mắt tôi trấn áp, lại có một tiếng đùa từ phía sau: “Cô gì ơi, đang thổi sáo hay chưa hết khúc mà, cô thổi tiếp cho bọn này nghe với!”
“Bọn ranh kia, đành rằng bọn bay không biết ta là con gái của Dụ Vương, nhưng ngọn núi này vốn chỉ có ta lai vãng tới, ít ra hôm nay ta đến sớm hơn, núi đã sớm là của ta. Vậy mà bọn nhóc này lại ngang nhiên tới làm ta hết hồn, giờ còn yêu cầu vớ vẩn nữa chứ?” tôi thoáng tức nghĩ, nhưng mà lại bình tĩnh ngay, hơi đâu gây chuyện với bọn nhóc con này làm gì. Tôi lại hòa nhã, mắt quét qua tất cả năm người con trai trước mặt để xác định ai nói câu này, rồi làm ra vẻ chân thành nói: “Khúc nhạc bình dân không được nhã nhặn cho lắm, để cho các anh nghe thấy được tôi thật thấy thất lễ, không dám làm phiền thêm. Còn gia đình tôi chắc cũng đang chờ, nên tôi xin phép về nhà trước.”. “Làm gì có, cô nói quá rồi, cô thồi nghe hay lắm, hay thổi thêm cho bọn này nghe với! Như là trả ơn cậu bạn ta cứu cô đi!”. Trong đầu tôi lại xẹt qua lại các luồng suy nghĩ chớp nhoáng làm sao chạy thoát khỏi bọn này, cứ dây dưa mỗi người một câu có khi lại khiến tôi tức mình đâu không…
Tôi đang im lặng suy nghĩ thì có tiếng gọi từ xa “Ngọc Xuân tiểu thư” như báo hiệu thuyền cứu hộ đã đến. Các cậu kia hơi hoang mang nhìn nhau khi có người đến tìm tôi, là chú lính làm sư phụ dạy tôi học sáo. Tôi như reo lên: “Chú Năm, chú sao lại lên đây?”. “Hôm nay là ngày quan trọng, nhiều người đến nhà mà tìm không ra cô nên vương gia và phu nhân kêu tôi đi tìm.” Chú lính vửa nói vừa nhìn năm cậu con trai lạ, hơi nheo mắt như đang suy đoán xem có phải tôi đang bị bắt nạt hay không. Cậu nhóc đứng đầu chắc cũng biết thế các cậu đứng như đang muốn chèn tôi ra khỏi sườn núi, liền ra hiệu cho cả nhóm lùi, tách ra khỏi tôi xa một chút ngay lập tức. Tôi lựa thế chạy ngay tới chỗ chú, quay lại nói với các cậu nhanh chóng: “Xin lỗi, xem ra tôi phải về nhanh rồi!”, rồi cười với chú Năm như phân bua không có chuyện gì to tát xảy ra cả, tôi chạy theo chú về nhà.