Ngược Xuôi (Back and Forth)- Chương 11+ 12
Chương 11
Trong lúc về, tôi có nói chung chung cho chú là bọn họ không có ác ý, chỉ là giúp tôi một chút. Chú không nói gì nhiều, mặc tôi phân bua, xong củng dặn tôi chưa nên nói với phu nhân vội để người lo lắng kẻo không lại không cho tôi lên núi nữa. Tôi cũng biết phu nhân lo lắng cho tôi như con ruột, lại thêm phần lo lắng vì sức khỏe của Ngọc Xuân nên cũng đành gật đầu. Về đến nhà, phu nhân nhăn mặt nhìn quần áo lem luốc của tôi, rồi đốc thúc tôi mau tắm rửa thay đồ. Mấy ngày nay, linh cữu Thái Tổ đã được mang về Lam Sơn, chỉ chờ ngày tốt là sẽ làm lễ an táng. Gia đình tôi cũng đã tụ tập khá đầy đủ với các anh chị em cùng vợ hai Ngô Từ về thăm nhà. Đằng nào thì Dụ Vương cũng như là người nhà của vua, chắc chắn khi Thái Tông vua mới đến an táng vua cha cũng tám chín phần sẽ ghé qua thăm.
Từ lúc Thái Tông mất, Ngô Từ cũng bận rộn trong triều rồi ngoài Tây Kinh này. Chuẩn bị cho lễ an táng của nhà vua mất rất nhiều thời gian, mọi chuyện đếu khá chi tiết không đơn giản. Dù sao thì ông cũng là chủ tướng của khởi nghĩa Lam Sơn, người đã mang cho đất nước một nền độc lập mới. Lại còn Hoàng thái tử mới lên tiếp chức vị, với Lê Sát làm Đại tư đồ, cũng cần một chút thời gian để sắp xếp mọi việc. Tôi không biết cái quá trình ướp xác như thế nào, nhưng mà hơn hai tháng trời sau khi chết đi vẫn chưa được an táng, tôi cũng thấy tội nghiệp cho vị vua trước này. Ngày kia là lễ an táng của vua, nhiều người đã chuẩn bị đến Tây Kinh, nhà tôi cũng có nhiều người, tôi cũng dần làm quen với các anh chị của tôi, cùng Ngọc Dao chơi búp bê gỗ trong phòng vì bệnh của nó. Trời đã dừng những cơn mưa dai dẳng này, bất chợt tôi thấy trời đông như lại thấy lạnh thêm.
Các anh lớn của tôi cũng đã có chức quyền, chỉ chào tôi lấy lệ rồi tụ tập nói chuyện với Dụ Vương phần nhiều. Còn các chị lớn hơn tôi cũng đã sớm lấy chồng, mấy em thì vẫn còn bé, thật ra chỉ có tôi và Ngọc Dao là gần tuổi thân nhau nhất, thân thiết với nhau nhất. Cái cảnh đông người đến ngẹt thở trong dịp này khiến tôi nhớ lại thành phố trong kì lễ Giáng Sinh, thật là nhộn nhịp. Về nhà, tắm rửa xong tôi nhận được một lá thư do một người hầu đưa. Mở ra mới biết là thư của Ngô Sĩ Liên. Ngày an táng Thái Tổ, mọi người có liên quan đến khởi nghĩa Lam Sơn đều đến, sao tôi lại không nghĩ đến ông anh họ này cũng đến chứ? Trong thư Ngô Sĩ Liên nói đã đến nơi, đã gặp được Nguyễn Trãi, gọi tôi lúc nào tìm được lúc ra ngoài gặp anh cùng ông bác, nhớ mang theo lá thư làm bằng. Tôi ngẫm nghĩ một hồi rồi quyết định ngày an táng Thái Tổ sẽ lỉnh ra khỏi nhà sớm để gặp hai người, bèn viết thư rồi gửi cô hầu mang đi đến nhà trọ cho Ngô Sĩ Liên.
Ngày an táng Thái Tổ, Ngô Từ cùng các con trai đều đi đến Vĩnh Lăng từ sớm cùng các vị quan khác. Hai phu nhân thì ở nhà chuẩn bị cơm nước. Tôi nhét gối vào chăn như vẫn đang ngủ, mặc quần áo con trai nhà bình thường lách ra ngoài ngay khi cha anh vừa đi mà mọi người cũng ra tiễn đưa. Chạy nhanh về phía nhà trọ, tôi vửa chạy vừa lấm lét nhìn quanh chỉ sợ mẹ phát hiện lại cấm cửa thì khổ. Đến quán trọ, trời mới chỉ rạng đông, chủ quán đang mở cửa, có bóng một người bước ra. Đúng là Ngô Sĩ Liên rồi, tôi mới từ ngách trốn ra chào. Dưới cái nón lá to che mặt, Ngô Sĩ Liên cũng không nhận ra tôi ngay. Tôi bỏ nón ra nháy mắt, anh ta mới choàng tỉnh chào: “Con bé này, mới có mấy năm không gặp, đã lớn thật rồi.”
Cũng đúng, tôi giờ đã cao gần bằng ông anh họ này, chỉ thấp hơn nửa cái đầu. Tuy cơ thể vẫn là của một cô bé mười ba tuổi ngực phẳng như màn hình tivi, nhưng độ cao đã phát triển đáng kể. Tôi cười rồi cùng theo anh ta bước vào quán trọ. Vào phòng rồi tôi mới nhìn ra có sẵn một ông tuổi khoảng ngũ tuần đã ngồi trên bàn uống trà. Căn phòng cũng sạch sẽ, trên bàn còn có mấy cái bánh bao bốc khói. Thấy người vào, ông quay lại. Người ông ta trung bình, không gầy lắm, tóc cũng chưa bạc trắng nhiều, chỉ điểm hoa râm. Mặt ông có chút nếp nhăn, râu cũng dài nhưng có đôi mắt rất sáng, nhìn tôi một cách dò xét. Ông không cười, chỉ lẳng lặng nhìn tôi. Cái cảm giác bị vây quanh bởi ánh mắt dò xét của người khác thật không dễ chịu gi. Bướng bỉnh, tôi cũng nhìn lại ông chăm chăm. Ngô Sĩ Liên đóng cửa quay lại phá đi bầu không khí im lặng: “Thưa đại nhân, đây là cháu gái họ ông, Trần thị Lan” rồi quay lại tôi: “Cô làm gì mà sao không chào bác đi!”. Tôi như đứa trẻ mới lên năm răm rắp nghe lời, khoanh tay chào một câu: “Cháu chào bác ạ!” Giờ mới thấy Nguyễn Trãi mở miệng: “Cháu qua lại đây!”, tiếng nói trầm trầm ấm áp.
Tôi bước tới chỗ ông ngồi, Nguyễn Trãi mặc một chiếc áo dài quan phục màu đen, nhìn như có phần nào rất nghiêm chính. Tôi rút trong người ra lá thư đã hoen màu, bất chợt nhớ đến ngày cha chết mẹ lìa, run run đưa ông . Nguyễn Trãi cầm lấy, mở ra đọc, ánh mắt buồn rầu phức tạp liếc qua tôi. Tôi biết ông trong triều cũng không phải là vị quan được trọng dụng quá nhiều. Lần này Thái Tổ chết đi, ông cũng không ở trong danh sách những người phụ giúp Thái Tông, chỉ e chính Thái Tổ cũng có lòng e dè ông. Tin tức của tôi tuy có hạn nhưng cũng biết nhà ông không hề khá giả như gia đình Ngô Từ, chỉ không biết gia đình ông khổ đến đâu. Đọc xong lá thư, ông quay lại nhìn tôi một cách kĩ càng, tay xoa đầu tôi nhẹ nhàng. Một lúc sau, ông mới phát ngôn: “Lúc ngươi cần giúp đỡ, ta cũng thật không có cách gì cứu ngươi. Thật may mắn ngươi được Ngô Sĩ Liên giúp đỡ, lại được Ngô Từ nhận nuôi. Việc mấy năm nay thế nào, ngươi nói bác nghe.”
Tôi thủ thỉ chuyện ở nhà Ngô Từ, được đối xử như là một người con gái ruột, nhưng dù có cố gắng hỏi tin tức dì và em gái cũng không thể biết gì nhiều. Nguyễn Trãi cũng thật không biết gì nhiều bời lúc đó ông cũng bị giam giữ, nhưng cũng hứa với tôi sẽ tìm hiểu việc này. Nói chuyện khoảng nữa giờ thì cũng đã sáng rõ, Nguyễn Trãi cũng phái đi lễ an táng Thái Tổ. Ngô Sĩ Liên đã sớm ra ngoài cho hai bác cháu hàn huyên, lại bước vào đưa tôi ra ngoài. Hỏi thăm mấy câu, anh ta đưa cho tôi cái bánh bao rồi dặn về nhà ngay. Tôi cũng đội lại cái nón lá rồi chạy về. Ở nhà mọi người cũng đã dậy, tôi lựa lúc vắng người chuồn vào phòng mình, may là chưa bị phát hiện. Thay quần áo lại thành một tiểu thư, tôi cũng chạy ra ngoài tìm Ngọc Dao chơi.
Hai chị em chơi đánh đu ngoài vườn cho đã rồi cũng đã gần trưa, phu nhân gọi Ngọc Dao vào vì mới ốm dậy, tôi quay lại phòng tập viết tiếp. Trưa đến, tôi ngồi ăn cùng hai bà và các chị em. Cả nhà không biết rõ tôi không phải thật là Ngọc Xuân bởi Ngô Từ giấu biến tin tức Ngọc Xuân chết sớm, nhưng ngoại trừ phu nhân và Ngọc Dao, thật tôi cũng không thân thiết với các chị em khác lắm. Hai bà ăn uống cũng có nói ít chuyện. Mỗi bà một nhà, tuy là cô cháu nhưng cũng có khi thế là tốt. Bà hai thật trẻ hơn mẹ nuôi tôi, vẫn còn giữ được nhiều nét son sắc. Ngô Từ có tất cả chín người con trai cùng tám người con gái, ngoài trừ anh cả đã sớm mất, mấy anh chị lớn giờ cũng có con đàn, nhưng em trai bé nhất mới chỉ bi bô được mấy tiếng.
Tuy rất có tình cảm với Ngô Từ, chính ra ông cũng là một người cha tốt, rất đáng khâm phục, nhưng khi tôi biết được ngoài phu nhân còn có bà hai, tôi cũng có phần nào thất vọng. Sự thật này khiến tôi có cảm giác bất bình khi quay về quá khứ. Rõ ràng phụ nữ Việt Nam “giỏi việc nước, đảm việc nhà” vậy mà hơn nghìn năm lại phải chịu cái sự chung chồng, chung quy cũng vì cái đạo phong kiến nhập từ Tàu mà ra. Đã đọc những chuyện xuyên việt của các tác giả Trung Quốc, phần lớn mấy cô quay về quá khứ đều phải tranh giành vua chúa với các bà khác, thật đúng là chuyện người biết thì không sao, nhưng nếu chuyện này xảy ra với tôi, thật không biết thế nào? Trong đầu tôi cũng luôn cầu mong thân làm quận quân con gái vương hầu cũng có khả năng kiếm được một ông chồng nào chung thủy, không cần người phụ nữ khác nếu cứ bị chôn vùi trong cái thời gian này.
Chiều Dụ Vương cùng các anh trai về, thông báo cho mọi người biết một tin đáng mừng, sau tang lễ, Thái Tông sẽ đến thăm nhà trước khi quay về kinh ngày mai. Tiếng ông nghe thật vui mừng, các phu nhân cũng nở nụ cười, thật khen cho Thái Tông thật nể mặt đến thăm. Người hầu ngay lập tức được sai khiến quét dọn nhà cửa, lập thực đơn chuẩn bị cho ngày mai hoàng đế đến thăm. Những tưởng sự ồn ào sẽ sớm lắng xuống, ai ngờ trong gia đình còn thêm chuyện, mọi người nhao nhao rầm rì, tôi thật ngao ngán, nói mẹ nhức đầu vào phòng luyện chữ sau khi ăn tối.
Đêm hôm cả nhà cùng phát đèn dọn dẹp, tiếng mọi người cười nói càng khiến tôi thêm nhức đầu, cuộn tròn trong chăn đặt gối lên tai. Chắc sau này có sống, tôi quyết phải kiếm rừng núi nào thật sâu để tránh mới được. Bởi là con gái Trần Nguyên Hãn, và hình như trong lịch sử, vị vua này cũng có ít công lao nhưng lại hại chết Nguyễn Trãi, tôi thật muốn cách vị thiên tử này càng xa càng tốt. Tôi muốn một cuộc đời ẩn sĩ, chu du thiên hạ, tung hoành ngang dọc cho bõ công quay về quá khứ. Mỉm cười về ý nghĩ đắc ý của mình, tôi thiếp đi lúc nào không hay.
Sáng sớm ra đã bị Ngọc Dao vào màn chọc cho dậy, tôi mắt mở mắt nhắm ngồi dậy, không biết có chuyện gì đã xảy ra. Mắt mở hoàn toàn mới biết không chỉ có Ngọc Dao, mà các chị Ngọc Điệp, Ngọc Đức cũng muốn tôi dậy sớm thay quần áo và trang điểm. Chị Ngọc Liên và Ngọc Phúc đã bày sẵn áo quần cho bọn tôi thử. Hai chị ngồi nhìn bọn tôi thừ từng bộ, nói cho bọn tôi biết cái váy nào nên đi với cái áo nào. Trời đông lạnh, còn có áo trong áo ngoài, tôi vốn cũng đã tiếp xúc với mấy loại áo quần hiện đại, việc áo này quần kia cũng đã có chủ kiến từ tối hôm trước. Rồi thì mặc kệ bọn họ rí rách với nhau, tôi bước ra ngoài súc miệng rửa mặt, tập thể dục trước khi bị hành hạ tiếp.
Thừ qua ba bộ thì tôi được qua, hiếm có dịp chị em toàn ở chung với nhau thế này, tôi cũng thấy vui vui. Quần áo xong là đến trang sức. Cái trâm này đẹp, cái vòng kia xinh, bọn tôi tốn cả giờ để chọn. Các chị làm tóc cho tôi thật nhẹ nhàng, tết nhiều bím nhỏ rồi búi lại trên đầu, đính trâm cố định, còn phần lớn tóc để xõa chứ không như tôi hay cột lên cao. Chị Ngọc Liên nói với tôi: “Cô rất thích hợp với mấy kiểu đơn giản thế này, thật là đẹp.” Xong là đến khâu phấn son. Bởi tôi và Ngọc Dao còn bé, chưa bao giờ động đến phấn son, lần này mới thấy mấy cái đồ làm đẹp cỗ này, tôi thật ngạc nhiên. Phấn trắng toát, xoa một lớp lên như thể ma xuất hiện, sau đó mới điểm chút phấn hồng, rồi thì dùng than của một cây thảo mộc nào đó vẽ mắt. Tôi nhìn vào gương như thể đang ngắm một con búp bê trong tủ kiếng chứ không phải mình nữa, trông thật ngây thơ. Các chị cười tôi ngơ ngẩn, rồi kêu tôi phụ cho Ngọc Dao. Làm cho Ngọc Dao xong cũng đã đến lúc ra ngoài cho mọi người ngắm nhìn. Dụ Vương cùng hai phu nhân nhìn chúng tôi ngạc nhiên, nhưng rốt cục vẫn cười tươi. Mới ra khoe cha mẹ một chút, đã có tiếng hô “Hoàng Thượng giá lâm!”
Một loạt binh sỹ chạy vào nhà sau khi cỗng đã mở, còn nhà tôi nhân lúc chạy ra sân sắp mấy hàng sẵn sàng. Tôi cùng Ngọc Dao nằm trong hàng thứ ba cho mấy chị em nhỏ tuổi nhất, sau đó đến các gia nhân hàng đầu. Binh sỹ sắp hai hàng dài cho Thái Tông bước vào. Mọi người theo Dụ Vương quỳ xuống hô: “Hoàng Thượng vạn tuế, vạn tuế, vạn vạn tuế!” Chỉ nghe được câu nói lảnh lót “Bình thân” rất nhẹ nhàng, mọi người đều đứng lên. Tôi cúi gầm mặt theo lời dặn của phu nhân lúc nãy, thật cũng không thích lén nhìn dung nhan Hoàng Thượng như mấy vị nữ hầu hàng sau. Lòng tôi ngang dọc, chỉ mong sao vị Hoàng đế này thăm càng nhanh càng tốt.
Nghĩ thật cũng buồn cười, rốt cục Hoàng Thượng cũng chỉ thăm hỏi qua loa gia đình, chúng tôi cũng chỉ làm cái lễ này rồi cũng lần lượt về phòng riêng cho nữ giới nói chuyện rồi ăn cơm, tôi cũng không có cơ hội nào “bị” Hoàng Thượng hỏi thăm mà khó chịu cả. Thật ra cũng không được có mặt tại phòng khách chính, tất cả mấy chị em tôi cùng nói chuyện ngâm thơ, đối đáp trong một phòng rộng khác, không khí thân mật thật lạ lùng. Lần đầu tiên tôi thấy được mấy câu nói đùa của tôi có hiệu lực khiến cho họ thêm phần hứng thú. Ăn trưa cũng vậy, cũng chỉ có bọn tôi với mấy người nữ hầu. Ăn được một lúc thì Hoàng Thượng đi, bọn tôi lại ra xếp cái hàng ngay ngắn tiễn đưa. Một số anh chị cũng chuẩn bị đi về nhà. Vậy là ngày hôm ấy đã qua, một ngày cũng không đến nỗi tệ.
Nhưng ngày hôm sau là một ngày thật tệ. Thánh chỉ đến, Dụ Vương cùng cả nhà ra tiếp, ông Thái giám cất cao cái giọng thánh thót, cố gắng thốt ra những lời ông cho là đắc ý nhất. Tôi cũng gật gà gật gù những từ ngữ như: “Phụng thiên thừa vận, Hoàng Đế chiếu viết…” nhưng sững lại khi nghe thấy những âm thanh: “Con gái Dụ vương”…“Ngọc Viện[1] quận quân”… “người đẹp nết tốt”… “cùng trẫm xứng lứa vừa đôi”… “Nay bán chiếu này”… “hẹn tháng sau nhập cung”… Mỗi lời trong trẻo của ngài như tiếng từng cốc thủy tinh vỡ ngay bên tai tôi, càng nghe trái tim càng đau nhói. Từ ngỡ ngàng, tôi trở nên sốc nặng rồi đau đớn: “Rốt cục ta không thoát được kiếp này sao? Rốt cục số mệnh ta vẫn như thời xưa, đang bị đùa bỡn sao? Ta đã làm gì sai? Ta đã cố gắng hết sức để quyết định cho số mệnh ta chưa?” Những tiếng tạ ơn Hoàng đế như những lời chế nhạo đang quăng thẵng vào đầu tôi, từng tiếng như nhát dao đâm vào da thịt tôi.
Chương 12
“Con nhất quyết không thể vào cung!” Tôi nhẫn nại nói thêm một lần nữa với Dụ Vương. Ngô Từ quay lại nhìn tôi một cái nhìn không hề có sự thông cảm nào. Phu nhân mắt đỏ hoe chứng kiến sự xung đột đầu tiên giữa tôi và Dụ Vương Ngô Từ, không dám nói thêm câu nào. Tôi cố gắng phân trần: “Hoàng thượng nào có nhìn thấy con bao giờ? Không thể có chuyện này được! Hay có sự sơ sót nào đó mà ghi nhầm tên con?”. “Hoàng Thượng chưa nhìn thấy ngươi? Ngươi có phải là người đâu mà dám nói! Có sơ sót, ghi nhầm? Dù có sơ sót, ghi nhầm tên nhưng thánh chỉ đã ra, ngươi hiện đang là người có phúc, lại muốn kháng chỉ để gia đình trở thành kẻ có tội sao?” Ngô Từ nhìn tôi đau đáu, tôi chắc mẩm trong đó chắc chắn có nhiều nghi ngờ sao người con gái ông hàng ngày ưa thích lại có thể cứng đầu đến thế. “Con, con,…” Tôi thật không biết muốn giải thích thế nào cho ông, nói là số ông vua này sẽ yểu, tôi không muốn làm góa phụ sớm, nói sự thật tôi là con gái Trần Nguyên Hãn làm sao có thể lấy con của kẻ giết cha mẹ tôi, hay chỉ đơn giản là tôi muốn làm chủ cuộc đời mình?
“Không có con con gì cả, từ này ngươi ở nhà học tập quy cách của cung nhân tốt rồi tháng sau vào cung!” Ngô Từ lạnh nhạt. Tôi nắm chặt hai tay, cố gắng kìm cơn thịnh nộ. Từng cơn, từng cơn đau đến từ cánh tay, chạy đến lồng ngực một cảm giác nhói đau tê tái. Chạy vào bếp từ thư phòng của Ngô Từ, rót một chút nước vào cốc, tôi quay mặt vào tường, uống thứ chất lỏng âm ấm như cho nó cuốn đi khối đá nặng trịch trước ngực này từ từ xuống bụng, rồi lan tỏa ra toàn thân. Đầu óc tôi bắt đầu tỉnh táo lại, mồ hôi tôi bắt đầu túa ra, chân cẳng tứ chi mỏi nhừ, tê lâm râm khi tôi ngồi xuống cái ghế gỗ tồi tàn. Thật không ngờ, để kìm chế bản thân trước một cảm xúc dâng trào lại có thể mang lại nỗi đau thể xác như thế này. Từng giọt nước mắt bây giờ mới rơi xuống, tôi khóc, khóc thật lòng tự ái cho thân phận của mình.
Khóc một đêm dài, ngày hôm sau mắt sưng tấy lại, muốn mở cũng không ra. Phu nhân lấy khăn chườm nước lạnh đắp mắt cho tôi. Bà ngồi trên giường, tay khẽ vuốt ve từng lọn tóc của tôi. Bà cũng không nói gì, cả phòng hai người im lặng, tôi thì đang buồn cho số phận mình, còn bà thì không biết nghĩ gì đây? Bà không nói gì cũng lâu lâu thay khăn đắp mắt cho tôi. Đầu tôi liên miên nhiều ý nghĩ, hay là tôi bỏ trốn? Nhưng nếu tôi chỉ là tên hầu vô danh tiểu tốt bị chủ mắng mấy câu mà bỏ trốn thì cũng không sao. Đằng này tôi đang là một quận quân được thánh chỉ triệu vào cung, đang chờ ngày xuất giá, chạy có đến đằng trời. Nếu đến nhà Ngô Sĩ Liên hay Nguyễn Trãi chỉ sợ gây thêm loạn. Tại sao lúc đó tôi lại ngu ngốc nhận lời Ngô Từ đến nhà này nhỉ? Rõ là ông không thương yêu gì tôi, nếu Ngọc Dao là người được triệu thay tôi, liệu ông có gay gắt thế này không nếu nó phản đối?
Đầu nghĩ ngợi, tôi lại không ngừng phát ra những tiếng thở dài, phu nhân mới mở miệng: “Con đừng buồn quá, lúc mẹ được nhà thầy con dạm cho thầy con cũng có một ít không hài lòng.” Tôi mở khăn đắp mắt ra nhìn bà, bà lại nói tiếp: “Nhưng lúc đó mẹ lớn hơn thầy con sáu tuổi, người ta lấy mẹ về chủ yếu là giúp làm việc đồng áng, thầy con mới còn là trẻ con, vẫn còn chưa biết gì lắm. Nhà mẹ cũng không đến nỗi khó khăn, trong thời loạn bị gả đi như vậy mẹ cũng không muốn an phận. Huống hồ…, mẹ cũng có đế mắt đến một anh người ở trong nhà.” Tôi tròn mắt nhìn bà, quá bất ngờ về tin này, bà tiếp tục: “Nhưng mẹ biết, mẹ thích anh ta vì anh ấy coi mẹ là trẻ con, chiều mẹ từ bé, nhờ anh ta mà mẹ cũng có nhiều hồi ức tuổi thơ tốt đẹp. Nhưng anh ta lại có ý với cô bán bánh đúc ở chợ, mẹ biết thế. Ngày mẹ đi lấy chồng, sính lễ cũng đủ giúp gia đình. Anh ta… cũng được giúp một ít để lấy vợ, đó là điều kiện của mẹ.” Tôi sững người, thì ra phu nhân cũng có nhiều điều khó nói…
Bà ngừng một hồi rồi hỏi: “Còn con? Có để mắt đến ai mà không chịu chấp nhận chăng?” Tôi nhìn bà, chẳng lẽ bà lại nghĩ như thế? Tôi ngày ngày ở nhà thì biết gặp ai mà thích? Lại nhớ đến người xưa, lòng lại nhói đau, thật muốn có cơ hội xin lỗi người, nhưng tôi có khi cả đời này bị giam cầm ở đây, làm sao quay về hiện tại mà xin lỗi hắn, có quay về được biết đi đâu tìm. Tôi không trả lời bà, lại lấy khăn đắp mắt, một chút đã thiếp đi. Tôi mơ bước đi trên hành lang của trường cấp ba cũ, nhìn thấy hắn và tôi trong lớp nắm tay nhau cười, như mặc kệ tất cả mọi người vậy, tôi lại thấy cảnh tôi vì điểm rớt, lo cho việc thi đại học mà nói lời chia tay phũ phàng, chạy thật xa mà không để hắn bắt được. Hắn đau lòng không hề nói chuyện với tôi trong một năm trời, tôi đau lòng vì làm đau lòng hắn. Chuyện này cũng đã theo tôi hơn năm năm trời trong đại học, có khi bị điểm khá cũng là quả báo chăng? Rồi lại thấy tôi quay về hiện tại, đi trên đường gặp hắn mà hắn quay đi, chạy thật xa không cho tôi nói lời xin lỗi, đến khi bắt người kia quay lại lại không phải là hắn.
Tôi tỉnh dậy, trời đã đêm tối, tôi cảm thấy đói, cà ngày đã tuyệt thực để nói lên sự ức chế của tôi, nhưng giờ đã cảm thấy mệt mỏi. Khoác áo ngoài, tôi mở cửa bước ra sân, ngồi trên cái ghế đu nhìn sao, đầu suy nghĩ. Tôi còn mong chờ gì ở đây? Người ở đây liệu có cho tôi một cuộc sống thoải mái chăng? Lại mong chờ giúp đỡ ở người khác chăng? Vốn không thể! Tôi biết cuộc đời này ngoài gia đình không ai còn muốn tốt cho tôi, giờ gia đình không bên cạnh, tôi đang đơn thân độc mã đi con đường của chính tôi, bất kể ở đâu. Bây giờ tôi đã hiểu, gia đình là số một, tôi sẽ sống, sống đến ngày tìm được cách trở về. Nuốt nước mắt, tôi đã tìm ra lẽ sống trong cuộc đời này, tôi sẽ tiếp tục bước tiếp.
Từ ngày thánh chỉ tới, sau cơn bệnh tự phát, tôi lại học các quy củ trong cung do nữ sư được phái tới giúp. Quần áo của tôi cũng được may đo cho hợp với qui chế. Tôi chán ngán cho mấy thứ như hoàng hậu, tam phi, cửu tần, cùng các cấp cung giai và nữ quan, người nào đứng trước, người nào đứng sau. Khi gặp ai phải chào, khi gặp ai phải đợi người ta chào. Cách đi đứng cho đúng, quần áo phải tránh mặc màu gì cho hợp với thời và chức vụ. Bởi tôi chưa được phong chức nên thân làm quận quân phải chào một số người như phi và tần cùng cung giai, sau đó phải đợi sắc phong mới được chính thức làm vợ vua. Lúc này trong cung chưa có Hoàng Hậu, chỉ có Nguyên Phi Lê thị Ngọc Dao, con gái Tư Đồ Lê Sát là cao nhất, ngoài ra còn có chiêu nghi Lê thị Nhật Lệ, con của Đâi Đô Đốc Lê Ngân là hai người đang có thế lực. Tôi nghĩ, chính trị rối ren còn vào trong cả hậu cung, chả cần sắc phong cũng được, miến sao hắn sớm quên tôi đi cho tôi được rảnh nợ.
Học hành cũng được chút ít thì cũng đả đến ngày tốt để nhập cung. Trước ngày nhập cung, lễ vật cưới xin cũng đã được vua ban cho nhà Dụ Vương. Ngô Từ làm một bữa tiệc đãi ít người bạn, từ ngày hôm đó tôi cũng ít nói chuyện với ông. Phu nhân giúp tôi sắp xếp ít đồ, tôi mang theo cây đàn và sáo, mắt đỏ hoe nhìn phu nhân. Bà cũng không giấu được nước mắt, đột nhiên lấy ít vật dụng ra cho vào tấm vải, cột vào làm tay nải, chọn cho tôi một bộ quần áo bình dân tôi vẫn hay dùng khi trốn ra ngoài rồi dúi vào tay tôi. Tôi cầm bộ quần áo trong tay mà sững sờ. Bà quay lại bảo tôi: “Đã uất ức thế này thì con hãy cứ chạy đi, để mẹ ở đây tìm cách đối phó thầy con. Ở ngay ngoài có chiếc xe của nhà ta, mẹ sẽ dặn người đánh xe chở con đến nhà dì của mẹ, có thư nhờ của mẹ đây, từ đó con có thể lấy thêm tiền mà đi tiếp vào nam.”
Thay đồ rồi tôi được mẹ dắt ra ngoài đặt lên xe, nhưng khi lén lách lối vắng, tôi có thể nghe thấy được những tiếng vui mừng của cả nhà cho ngày tôi vào cung. Người hầu kẻ hạ vui đùa rả ríc cùng tiếng cười lanh lảnh của các cô người ở. Tôi như có cảm giác họ rất nhiệt tình chúc mừng cho số phận của tôi, và mong chờ cho tôi có thể làm rạng danh tổ tông khi bước lên chức vị cao. Mấy ngày trước tôi đã chán ngán khi nghe họ rầm rì tranh cãi xem tôi thích hợp vào vị trí nào trong cái hậu cung kia, cho rằng họ thật lắm chuyện. Nhưng giờ khi lén xem những vẻ mặt này, tôi có thể thấy được niềm tự hào của họ khi đã được nhìn thấy mặt tôi, thật là một vinh dự.
Khi đã yên vị trên xe, tôi nhìn lại bà mẹ này của tôi, người có khi còn không biết tôi không phải là con gái bảo bối của bà. Một giọt nước mắt nóng hổi trào ra, trong ánh đuốc mập mờ, tôi dường như cũng cảm thấy được đôi mắt kia đang kìm nén biết bao nhiêu nước mắt. Đột nhiên tôi lại thấy nôn nao khó tả như đã nhìn thấy đôi mắt này từ đâu đó rồi. Hôn nhẹ lên má tôi qua cửa sổ xe, bà cho người đánh xe đi. Ngoái lại, giờ tôi mới thấy đôi mắt ấy dàn dụa lệ rơi, tim tôi nhói đau, đây cũng là đôi mắt người mẹ ruột đã từ biệt tôi từ khi tôi mới quay về đây. Từ đó đến giờ đã năm năm rồi, chẳng lẽ giờ đây tôi cũng nhìn người mẹ này lần cuối sao?
Lại nhớ đến cảnh cha chết, mẹ bị bắt ngay trước mặt mình. Lúc đó bỡ ngỡ, tôi cũng biết mình là người bị hại. Nhưng giờ nếu tôi chạy đi thì chính tôi sẽ là người hại chính gia đình cưu mang tôi, kháng chỉ, tội chu di tam tộc, nếu giờ tôi chạy đi sẽ mãi mãi là tội nhân với phu nhân. Không! Không được! Tôi sẽ có cách khác mà! Tôi hô lên: “Dừng lại!”Người đánh xe nói: “Tiều thư, phu nhân dặn phải đi nhanh cho gấp, không nên dừng lại ở đây!” “Ngươi không dừng lại ta sẽ nhảy xuống đó! Nhanh lên, dừng lại cho ta!” Hắn vẫn không nghe theo, tôi phóng ra xe bất ngờ, ngựa sợ hãi hí lên, hắn phải cầm cương lại. Tôi nhảy xuống ngay lập tức, chạy hộc tốc về phía nhà Dụ Vương.
Phu nhân vẫn đứng đó khóc, tôi chạy tới ôm chặt lấy bà. “Sao con lại trở về, chạy ngay đi kẻo thầy con phát hiện thì nguy to!” bà đẩy tôi ra nhưng tôi vẫn nhất quyết ôm lại bà, dụi vào người bà: “Con không đi nữa, con sẽ vào cung, mẹ cứ yên tâm, con sẽ tìm cách về thăm mẹ!”. Ít ra trong cuộc đời này tôi cũng có người mẹ thương yêu tôi như phu nhân, tuy cũng chỉ có mấy năm ngắn ngủi, nhưng kể cũng thật hạnh phúc. Tôi hít lấy hương từ người phụ nữ này, đây là hương gì, hương thơm của người mẹ, thật nhẹ nhàng và thanh thoát, đây là cảm giác gì, cảm giác khi ôm mẹ, thật mềm mại ấm áp. Bà dặn dò, nghẹn ngào: “Vào cung cấm đầy rẫy cạm bẫy, bạn thì ít mà thù thì nhiều, con nhớ giữ gìn sức khỏe, nhất quyết phải bảo vệ mình.” Nước mắt chảy dài, tôi khẽ gật đầu.
Ngày hôm sau, trời còn tinh mơ, tôi cúi lạy cha mẹ rồi lên xe ngựa đi vào cung. Đường đi gập ghềnh, lại được Ngự quân bảo vệ, mãi đến tối mịt mới đến nơi. Vốn biết cung điện của Đông Kinh giờ đã không còn do chiến tranh, nhưng trời cũng đã tối, tôi cũng không biết chỗ nào mà nhìn, chỉ thấy cung đình rộng rãi, vòng ngoài đi xe vào nhưng đến địa phận cấm cung phải bước ra đi bộ. Giữa các cung điện có lối rải bằng đá sỏi, điện to thắp sáng bừng bằng đèn lồng mỗi điện một màu tỏa ra nhìn rất lung linh. Bởi vì tôi đến quá muộn, không ai ra tiếp. Tôi được đưa vào một cung điện khá to để cung nữ tắm rừa, thay quần áo cho, rồi một bà nữ quan đến khám xét cơ thể. Tôi ngượng ngùng khi người khác chạm vào người, nhưng cũng không làm sao được, cứ coi như là khám phụ khoa đi.
Bị hành xác bởi các qui luật một hồi tôi được đưa đến cung của mình, một điện có sáu phòng, có hai cung nữ ra hầu hạ tôi ngủ. Mỏi mệt, tôi thiếp đi ngay. Ngày hôm sau, sáng sớm đã bị gọi dậy, mặc quần áo thướt tha đến bái kiến hai vị Thần Phi và Huệ Phi của Thái Tổ. Đến nơi cũng đã có mấy vị Phi Tần của Thái Tông đến rồi, đang hầu nói chuyện. Hai vị nhìn tôi cũng lạnh nhạt, nói chuyện hỏi han qua loa cho có. Tôi cũng không có ý lấy lòng lắm, hỏi đâu đáp đó, không dám nhiều lời. Các vị phi tần của Thái Tông cũng còn rất trẻ, đều là con cái trong gia đình danh giá. Vị Nguyên Phi Lê Thị Ngọc Dao nhìn rất đẹp, chị ta khoảng mười bảy mười tám tuổi, nhưng mặt giá băng, cũng không tỏ ra điều ý ưa thích gì tôi. Lê chiêu nghi Lê Thị Nhật Lệ lại khác, chị ta cũng chỉ khoảng mười bốn mười lăm, mặt tươi cười, nhỉn tôi rất ấm áp. Ngoài ra còn một vị dung hoa họ Đỗ và một vị tài nhân họ Phạm, hai người đều khoảng mười sáu tuổi. Tôi ngạc nhiên vì Thái Tông cũng chỉ có mười một tuỗi, vậy mà đã có đến bốn người vợ rồi thêm tôi vào là năm. Trong đám vợ lóc nhóc này, tôi là nhỏ tuổi nhất, chẳng trách các bà các cô đều chán ngán.