Ngược Xuôi (Back and Forth)- Chương 15+ 16
Chương 15
Gặp được người quen, những năm tháng đầu trong cung cũng không phải là địa ngục như tôi đã từng nghĩ. Nhớ lại ngày biết được tin chiếu phải vào đây, tôi đã đau lòng biết bao khi viết thư báo tin cho ông bác và người anh họ nuôi của mình, từng chữ là từng dòng uất ức đến tận tâm gan, cuộc đời tưởng như đã chấm dứt tại đây. Những lá thư được bí mật nhận được cũng không an ủi tôi được là bao khi lời nhắn nhủ của hai ông lại là gữi mình và phục vụ đức vua cho tận tụy. Tuy nhiên tôi cũng được Nguyễn Trãi cho một danh sách những người cần phải cảnh giác cao độ, trong đó đầu bảng chính là Lê Nguyên Phi và vị đứng đầu cửu tần Lê Chiêu Nghi. Lý do thì rất mập mờ, cũng chính là không chơi với loại ‘cha nào con nấy,’ xem ra Lê Sát và Lê Ngân năm qua thật sự đã lộng hành hay có thái độ tự cao rồi.
Biết thì biết vậy, nhưng tôi cũng phải tốn khá nhiều thời gian để gầy dựng lòng tin từ người vị hoàng thượng trẻ con này mới biết được nguyên do. Những gì cậu ta làm đều khá khác thường trong mắt tôi, tuy rằng tôi cũng biết trong đó đều có dụ ý cả. Sắc phong cho tôi là Hoa Dung công chúa ngay trong tháng đầu là chuyện khá lạ đời. Xưa nay có ai làm vợ vua mà có chức công chúa bao giờ, hậu cung vợ vua có Hoàng hậu, tam Phi, cửu Tần, sáu chức cung giai và sáu cấp nữ quan, làm gì có công chúa. Nhưng tôi đã hiểu ra đó chính là thực hiện lời hứa thứ nhất trong bản cam kết: tôi là thần tử, là bè cánh của vua, là thân nhân của vua chứ không phải vợ. Chuyện này đương nhiên chỉ có tôi và cậu ta biết, trong ngày sắc phong, tôi được mặc hỷ phục màu đỏ thắm thêu hoa mai bằng chỉ vàng, bước lên trên chính điện, quỳ xuống nhận chiếu chỉ và cầm tay hoàng thượng như sắc phong Hoàng Hậu và các Hoàng Phi. Ngày đó cũng là một trong những ngày sớm nhất của năm Thiệu Bình thứ nhất. Và cuộc chiến bắt đầu, bởi bây giờ tôi đã ngang hàng với các nàng.
“Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng!” là câu tôi đã dùng để thuyết phục vị hoàng đế này khi muốn biết tất tần tật về các nàng trong hậu cung ngay sau khi được sắc phong. Tròn mắt nhìn tôi, cậu ta cũng đồng ý, cho mang các thông tin về gia đình và các hoạt động tình báo mấy năm gần đây cho tôi. “Nàng cũng cần phải về cung của mình đi! Trẫm đã làm cho nàng một cung mới! Trẫm sẽ dắt nàng đi bây giờ!” “Cung của thần ư?” Trước đây tôi cũng chỉ ở một cái cung nhỏ, chỉ có được sắc phong mới được ở trong các cung riêng biệt. “Lập cung cho thần thật có thể gây ra quá nhiều hiềm khích ngay bây giờ, Hoàng thượng không lo sao?” “Nàng an tâm, cái cung này chỉ có nàng mới thích thôi, các nàng khác không ghen đâu!” Hoàng thượng cho khởi hành. Ngày xuân se lạnh, cây cối cũng chưa đâm chồi quá nhiều, mặc bộ lễ phục như người tàu này tuy rườm rà nhưng cũng đủ ấm cho tôi. Hoàng thượng đi song song với tôi, trong bộ hoàng phục vàng chói lọi này, khuôn mặt cậu ta mờ ảo một vẻ như thiên thần, khiến tôi không khỏi liếc mắt thường xuyên.
Đi bộ khá xa mới đến ‘cung điện’ này, nhà chính là một cái nhà sàn làm bằng tre hay nứa ngay bên một hồ nước, tòa nhà này rất đẹp, lóng lánh trong ánh sáng mùa xuân. Tuy rằng không to lớn, nhưng ngôi nhà hội đủ năm gian cùng cửa sổ rộng và mái ngói tinh xảo, cùng hiên trước to rộng có thể ngắm cảnh từ trên cao. Tuy rằng không dát vàng bạc như các cung điện khác trong cung, nhưng ánh nước trong suốt phản chiếu lên khiến ngôi nhà như có dát ngọc lục bảo, cùng ánh nắng lung linh kia được phản chiếu vào mắt người ngắm cũng chả khác gì ánh vàng chói lóa. Sau nhà chính còn có thêm ba nhà phụ cũng bằng tre nhưng nhỏ hơn cho người hầu ở, được nối với nhau bằng hành lang cũng bằng tre, đúng là rất đẹp và thanh nhã. Bao quanh khu nhà này còn có thêm cây hoa mai và trúc được trồng hai bên, trúc thì bên trái cách nhà một cái hồ nước, còn mai thì bên phải trước nhà. Những bước thềm chắc chắn làm bằng các đốt tre dài đều tăm tắp dẫn vào hiên trước nhà. Từ đây ngước lên trên có thể thấy một bảng hiệu: “Thanh Quân Cung” ghi bằng tiếng Hán.
Người hầu sớm đã vào trong thu xếp đồ đạc của tôi, ngoài sân cũng được chỉ thị để tôi và hoàng thượng một mình. Cậu ta vẫn vậy, ngoài trừ một số thân cận luôn trong tầm 10 mét quanh mình, người khác đều là người ngoài. Bóng hình kia trong ánh nắng xuân dịu dàng cũng không thể che dấu hết được một chút cô đơn đọng lại trên người cậu. Hồi xưa đọc sự cô độc của bậc đế vương trong các truyện thanh xuyên nhưng chưa tưởng tượng ra được, cái bóng dáng này lần đầu tôi mới phát hiện ra. Cả người dường như phát ra ánh hào quang, khuôn mặt trẻ con nghiêm nghị mặc dù đang ngắm cảnh, lòng cậu ta chắc chắn đang phiêu du nơi nào rồi. Cũng vì thế mà ai cũng e ngại không dám đến gần, kết quả là thành ra cô độc. Gương mặt kia đột nhiên quay lại hỏi tôi: “Nàng sao thế? Có thích nơi này không?” “Thưa, có!” Tôi trả lời, nhân dịp cụp ngay mắt xuống, bụng suy nghĩ: “Tỉnh lại đi mày ơi, mày đang là trẻ con, hắn cũng vẫn còn là trẻ con, không tình cảm gì sất!”
“Trẫm vẫn luôn muốn có một ngôi nhà như thế này, chẳng qua là không muốn tự nhiên xây dựng, nhân dịp nàng vào cung, trẫm mới có dịp thực hiện ý muốn của mình. Chỉ có nàng may ra mới thích cảnh vật thiên nhiên kiểu này. Chỗ này nằm sâu trong cung, không hề gần trục đường chính, rất ít người qua lại.” “Như vậy có tốn công bệ hạ lắm không?” “Nàng cứ yên tâm, vật liệu cũng rẻ tiền, công sức không tốn quá nhiều, cũng không bị chê trách là lãng phí!” “Tạ ơn ân điển Hoàng Thượng!” Tôi nhẹ nhàng nói. Đúng thật là nơi này tuyệt diệu, theo đúng cảnh người luyện kiếm sống trong rừng trúc, có hồ ao, sân vườn, rất tĩnh mịch. Một cơn gió thoảng qua, những bông mai run rẩy nhẹ nhàng bên nhau. Tôi hít vào thứ không khí trong lành mà làn gió xuân mang đến, thật mát lạnh làm sao. Nhắm mắt lại, giữ làn khí đó trong lồng ngực, tôi có cảm giác nó đang thấm sâu vào cơ thể, từ từ thở ra, lại thêm cảm giác hòa quyện với thiên nhiên, đúng là rất tuyệt. Mở mắt ra, Hoàng Thượng đang nhìn tôi. Hơi giật mình, tôi cười gượng, cúi mắt xuống, mặt không biết có đỏ lên không? “Hình như họ đã xong, thỉnh Hoàng Thượng vào trong nhà.”
Vào trong nhà, gian giữa là phòng khách cùng bộ tràng kỷ dài đối xứng qua bàn, đều làm bằng tre. Trong nhà cũng chưa có gì, vẫn còn vắng nhiều thứ. Nền cũng được làm bẳng tre, phủ lên một lớp thảm dệt xuyên suốt khiến cho dù đi chân đất cũng vẫn thấy được cái mát lạnh của tre trong bước chân êm. Hoàng thượng ngồi xuống, ra ý cho tôi tự đi coi lấy. Tôi qua buồng bên trái, lại chạy qua buồng bên phải, y như một đứa con nít. Một gian bên phải ngay cạnh dùng để trang điểm thay quần áo, kế đến là một phòng ngủ to với giường rộng. Hai gian bên trái, một gian làm phòng ăn, gian còn lại thì chưa có gì nhiều, tôi đang muốn dùng làm thư phòng sau này tha hồ mà luyện chữ, rồi còn đánh đàn ca hát gì đó nữa chứ. Chợt nhớ đến cái lưng ở nhà Dụ Vương được đặc biệt nằm gường phản rất ổn mà vào đây cả tháng phải nằm nệm cổ đại đau cả lưng, tôi lại nảy ra ý tưởng đóng giường hay chõng tre mà nằm luôn trong thư phòng lúc mệt. Chạy lại phòng khách, tôi nhờ luôn Hoàng Thượng cho mình cái chõng tre đơn giản. Không biết vì sao tôi luôn rất tin tưởng cậu ta sẽ chiều tôi, ngay từ buổi đầu gặp mặt. Và đương nhiên cái chõng tre đã được mang đến ngay ngày sau, cùng thêm một bộ bàn ghế gỗ nâu nhạt để viết chữ nữa chứ.
Nhà có nhiều cửa, ba gian giữa đều có cửa đôi thông vào song song cùng cửa sổ đối diện nhìn ra hậu viên, hai gian ngoài cùng thì có mỗi bên có hai cửa sổ cùng một cửa hậu thông ra các nhà sau hai bên cho đầy tớ bằng hành lang tre để tiện bề phục vụ. Các gian đều thông nhau qua một hệ thống cửa đơn thẳng ngang qua nhà để tránh phải ra ngoài khi trời lạnh. Hai nhà sau đều là nhà ba gian đối xứng cho người ở, ở giữa là một cái sân có nhiều cây cảnh có thể đi xuống từ rất cầu thang bắc lên hành lang. Một căn nhà nhỏ ba gian cuối sân không nằm trong hệ thống hành lang kia chắc là để nấu nướng. Thật không ngờ tôi là chủ của một căn nhà như thế này. Thật quá đã!
Chương 16
Đã hơn một tuần từ khi tôi được sắc phong, sống ở trong căn nhà tre đẹp đẽ này thật là vui. Nhất là lúc có thể vịn ơn Hoàng Thượng mà liên tiếp chèn ép bà Đinh lão đầy qui cách. Tuy Hoàng Thượng mấy ngày cũng có ghé qua mấy phút xem xét tình hình của tôi, nhưng công việc của cậu ta xem ra rất bận rộn, sáng ra phải đi dự triều, chiều về phải học cùng với các thầy và bạn, tối phải xét qua thêm một lần các tấu chương mà Lê Sát đã duyệt. Xem ra làm một ông vua thật là vất vả, vả lại cậu ta vẫn còn là một đứa trẻ, so với tôi thật là không công bằng.
Nói như thế nhưng không có ý là tôi tự thấy mình rảnh rang. Đương nhiên là với một chút ít chèn ép của tôi cộng vào, Đinh lão luôn chắc chắc tôi bận tối mắt tối mũi với các qui thức trong cung. Nhìn bà ta lúc dạy tôi, thật kiên nhẫn làm sao, tôi chắc cũng biết được thời trẻ chắc bà đã yêu thích chốn này như thế nào. Đối với bà, các cung nhân không được chảy nhảy, chơi đùa như các cô bé dân thường, họ phải có qui tắc, có giáo dục, và phải có lễ nghĩa. Dáng đi của họ phải nhẹ nhàng thanh thoát, thể hiện được vị trí cao quí của họ. Giọng nói của họ phải nhẹ nhàng, thể hiện sự rõ ràng của từng quyết định của họ. Cách đối nhân xử thế của họ phải theo tôn ti trật tự, để làm vui lòng người trên và làm gương cho kẻ dưới.
Học qui cách không thôi, tôi còn phải học cầm, kì, thi, họa, đủ thứ để làm tài nữ, để sau này không làm xấu mặt Hoàng Thượng. Nếu để không thì chắc tôi sẽ học cho ra hồn, nhưng mà thêm mấy câu ỏng eo bóng gió của Đinh lão này vào thì đương nhiên tôi cũng sẽ trả bài cho “ra hồn”. Kéo đàn nhị thì tôi kéo dài dọt cho ra mấy tiếng í í thật chói tai khiến cho cung nữ thái giám nhăn mặt, học đàn nguyệt thì tôi làm tưng tưng đứt mất mấy dây đàn, tuy tay cũng có đau nhưng mà nhìn vẻ mặt ép cũng không được này của Đinh lão, bụng tôi cũng đã hả hê được mấy phần. Đương nhiên là khi tôi học đàn sắt thì bà ta rất lấy làm hài lòng, cũng bởi vì tôi đã học trước rồi, mà cây đàn thì chứa biết bao nhiêu kỉ niệm, nên có thầy giỏi dạy, tôi nào lấy cái thói ranh mãnh mà chọc bà ta làm gì cho thiệt.
Cờ thì tôi cũng không lấy làm thích thú lắm. Thầy dạy cứ suốt ngày nói tôi nên để ý chữ “Nhẫn”, nhẫn nại mà để chờ thời cơ, còn mấy quân trắng đen cờ vây này thì chơi một ván thật là lâu, nhìn thấy hoa mắt, tôi thà lấy nó chơi othelo hay caro còn hơn. Cờ tướng thì được hơn một chút, tôi cũng đã chơi từ hồi cấp một, đương nhiên lúc đầu thì địch không lại thầy, nhưng sau khi đã lấy lại căn bản, thầy cũng đã chịu thua. Không biết có phải ông nhường hay không nhưng khi ông nói với tôi chơi giỏi như là người trong nhà nòi tướng quân ra, cũng khiến tôi phập phồng một chút.
Thơ văn thì cũng tàm tạm, tôi vốn là người không thích thơ cho lắm, hồi còn là học sinh chỉ đọc tiểu thuyết, từ tâm lý tình cảm cho đến kiếm hiệp, trinh thám cho đến viễn tưởng, chứ trả bài thơ thì chỉ có ít điểm. Không biết vì sao mà tôi không thích thơ, tuy rằng tôi biết thơ chính là cái cảnh giới cao nhất của mọi thứ tiếng, khi mà từng từ ngữ có thể thật sự kết nối với nhau trong một bài, gieo vào trong lòng người một cảm giác mãnh liệt, để mà nó có thể tồn tại mãi mãi theo kiểu này. Về nơi này, các bài văn thì ít mà thơ thẩn thì nhiều, tôi cũng đành học, vì chỉ có như vậy mới dễ nhớ mặt chữ. Tập làm thơ thì tôi có cảm giác mình đang chơi xếp chữ, chữ này vần với chữ nào, xếp theo thứ tự ra sao, thật ra chưa hề có cảm giác được như thi sĩ, xuất khẩu thành thơ.
Họa thì khá tốt, chỉ cần theo một khuôn mẫu là có thể học, trúc thì vẽ thế này, hoa thì vẽ thế kia, tôi lại có tài quan sát, chỉ chút là có thể học xong cách vẽ, lại còn “sáng tác” ra mấy kiểu tranh dễ thương khiến mấy cô hầu tấm tắc khen. Thứ duy nhất có vấn đề với tôi chính là khuôn mặt người, không biết vì sao tôi lại không thể vẽ được họ. Nếu muốn vẽ được nét mặt của con người, phải hiểu họ đang có cảm giác gì. Có khi vì con người đối với tôi thật là khó hiểu, và trong lòng tôi, với tư tưởng của người hiện đại “mạnh ai nấy lo” thì hiểu tính cách một con người đã khó, huống hồ cảm giác của một người ngay khi được vẽ. Điều này được cải thiện hơn khi tôi nhớ về phu nhân và bắt đầu vẽ về bà. Lúc bà cười, lúc bà lo lắng, lúc bà tức giận, tôi đều có vẽ qua, nhưng chưa bao giờ thật sự hài lòng. Thầy dạy chỉ tôi một chút ít đường tắt, ông luôn nói tôi nghĩ quá nhiều, tôi chỉ cần là một người vô hình trong bức tranh, vẽ người như là cảnh tĩnh, khuôn mặt thế này, đôi mắt ra sao, đôi má thế nào, cái miệng ở đâu là được. Nếu đã vẽ tả thực, thì tôi cũng không cần biết họ đang nghĩ gì, chỉ cần tôi tả thực thì tâm trạng của họ sẽ nằm trong bức tranh.
Những thứ này tuy một cô bé như tôi chắc hẳn chưa hiểu được, nhưng đương nhiên nó còn tốt hơn rất nhiều so với việc học nhảy múa. Múa là thứ tôi ghét nhất, tuy nó trông thật thướt tha đẹp mắt, nhưng cái người học nó mà để biểu diễn thì cứ như cực hình. Người tôi cứ như cây tre, bất khuất không thể cong vẹo được, làm sao có thể yểu điệu như liễu? Có một lần Hoàng Thượng vô tình đến sớm vào buổi chiều mà không báo trước, đúng lúc tôi đang phải chịu cái cự hình này, mặt nhăn nhó như khỉ trong bộ váy áo vướng víu. Cậu ta tròn mắt rất ngạc nhiên rồi phá ra cười, lại phán thêm câu: “Lần đầu tiên trẫm thấy khỉ học nhái theo vịt, nàng tốt nhất đừng để ai trông thấy để khỏi ngượng.” Vậy là tôi đã có cớ để thoái thác Đinh lão khỏi cái vớ vẩn này.
Đương nhiên Hoàng thượng còn nhỏ thế này thì làm sao mọi người quan tâm việc ai có được “sủng” hay không? Và cái cuộc tranh cãi vì một ông chồng trẻ con bận rộn này thật ra không (hay chưa) đến nỗi gay gắt trong hậu cung như sách sử tả cho lắm. Chủ yếu là các nàng bắt nạt nhau hay chơi với nhau như hồi cấp hai là chính. Còn tôi thì cũng do Đinh lão sợ mất mặt, ngoại trừ thăm hỏi Thái Phi cho có chuyện thì cứ giữ rịt ở nhà nên không nằm trong phe cánh của ai, nên cũng không ai đếm xỉa đến tôi cho lắm. Để vậy một phần cũng là do Hoàng Thượng ân điển, mãi sau này có nhiều thời gian suy nghĩ, tôi mới biết cậu ta đã sắp đặt mọi chuyện rất đâu đó rồi. Tôi có rất nhiều thời gian đánh bóng chính mình với các kĩ năng như tài nữ trong yên ổn để sau này có thể phản công giúp trấn an hậu cung giúp cậu ta.
Việc đầu tiên Hoàng Thượng bắt đầu ra tay là sau khi tôi vào cung được khoảng ba tháng. Đó là một ngày hiếm hoi cậu ta không phải dự triều, đến chỗ tôi trước khi chúng tôi cùng đi thăm hỏi hai vị Thái Phi. Vì Hoàng Thượng hay thích đến chỗ tôi bất ngờ mà cả mọi người đều không chuẩn bị gì trước, tôi còn chưa được trang điểm trước khi cậu bước vào. Hoàng thượng khoát tay chỉ không cần phải đa lể mà cứ an tâm trang điểm, trong lúc đó cậu ngồi nhìn. Tôi được thị nữ bôi phấn lên mặt cho trắng toát rồi lại dùng thêm phấn hồng chỉnh đốn lại gò má. Dùng rễ cây thuốc mới đốt cháy để làm chì vẽ mắt và lông mày, rồi dùng một loại giấy đỏ làm son. Hoàng thượng nhìn tôi một hồi rồi hỏi: “Trẫm co một chuyện thắc mắc!” Tôi quay sang nói: “Bệ hạ cứ nói.” Cậu ta tinh nghịch hỏi: “Có phải da của nàng trắng lóng lánh tự nhiên? Trẫm thấy các phi tử khác cũng dùng phấn mà không thấy người nào phát ra những tia long lanh khi bị ánh nắng phản chiếu như nàng.” Tôi cười, đưa cho Hoàng Thượng cục phấn trắng tinh nhẹ tênh: “Bệ hạ thử nhìn vào đây xem.”
Cậu ta cầm lấy cục phấn xem dưới ánh sáng từ cửa sổ chiếu vào: “Nó cũng lóng lánh.” Tôi giải thích thêm: “Phấn của thần có chứa chút phần bên trong của vỏ sò được nghiền mịn với cao lanh trắng khi làm phấn, tuy nghiền mịn vỏ sò tốn nhiều thời gian hơn, nhưng sẽ tạo hiệu ứng lấp lánh khi ánh mặt trời chiếu vào, giúp tránh nắng được một ít.” Cậu ta tròn mắt, còn tôi thì biết mấy chuyện này vì trước có tìm hiểu về mỹ phẩm thiên nhiên cho một bài luận trong mấy năm đại học. Vậy là ngay lúc chúng tôi đến thăm Thái Phi, Hoàng Thượng đã gợi ý cho tôi đứng ra quản khu làm mỹ phẩm trong cung. Thật ra đứng ra làm quản lý cũng rất bận rộn, nhưng đó là việc của quản lý thật, còn người như tôi cũng chỉ hữu danh vô thực có cái chức để người khác đến bẩm báo thôi. Thái Phi cũng không có gì quá đáng để từ chối, vậy là tôi đã có việc phải làm.
Đương nhiên quản cái nhà máy nhỏ làm mỹ phẩm này thì cũng không tốn quá nhiều thời gian vì sau khi hậu cung ổn định cũng đã bảy tám năm rồi. Nhưng nhờ đó mà tôi biết được sở thích của các vị Phi tử khi dùng mỹ phẩm. Tôi cũng không dương mắt ra mà làm chức hữu danh vô thực này cho lắm. Tôi hỏi thăm các vị thái y, học thêm về sách thuốc, chuẩn bị cho nhiều kế hoạch sau này. Tôi cũng cho ra các phương thức mỹ phẩm mới, hỏi thăm các vị thái y về độ an toàn khi sử dụng, có cơ hội làm một kĩ sư hóa mỹ phẩm một cách thực thụ. Tôi cho hái hoa bưởi, hoa lài, hoa hồng, tẩm vào phấn cho có mùi dễ chịu, phơi khô để dự trữ cho mùa đông hay chưng cất để cho ra nước hoa cùng tinh dầu. Tôi vẽ chi tiết các bộ phận của hệ thống chưng cất, rồi cho thợ làm bằng sứ tráng men để thử.
Đương nhiên là với mấy điều này, tuy có lúc được lúc không nhưng không những tôi làm bọn người làm mỹ phẩm tròn mắt mà cũng khiến hai vị Thái phi khá hài lòng. Nhờ vậy mà Hoàng Thượng có dịp khen tôi khiến các nàng khác tuy không nói nhưng cũng tức giận. Tôi thì không biết tại sao cậu ta lại làm thế và cũng cảm thấy khó chịu lúc đầu. Nhưng lúc sau còn có nhiều chuyện hơn đến mức tôi không thể để ý được nữa.