Ngược Xuôi (Back and Forth)- Chương 25+ 26

 

Chương 25

Đêm nay Hoàng Thượng sẽ làm lễ hợp cẩn với Lê Nguyên Phi. Năm nay hắn đã mười lăm tuổi, đã đến tuổi trưởng thành, chuyện hợp cẩn là chuyện thường tình, hắn cũng phải lo có con cho tròn chữ hiếu chứ. Chính ra vì lo lắng cho chính mình sau này, dọn trước một đường thoát lui mà tôi đã ra điều kiện chỉ làm tối đa đến tri kỷ, nhất quyết không làm vợ. Trong tâm tôi luôn tự nhắc mình: “Chỉ là bạn, không hơn!” Vậy mà bây giờ lòng tôi tại sao lại cảm thấy đau đớn thế này khi hắn thật sự làm chồng người ta? Để chuẩn bị cho cái sự kiện trọng đại này, trong cung nhốn nhác hết cả lên, tất bật và vui vẻ trong không khí hỷ sự. Tiệc đãi được chuẩn bị, vì dù sao đây cũng là lễ cuối cùng trong cả lục lễ. Người trong phận sự làm mỹ phẩm của tôi cũng xông xáo chuẩn bị những thứ tốt nhất được cung của Nguyên phi đặt trước. 

Hôm nay nàng ta phải trở thành cô dâu đẹp nhất đất nước. Một khi đã xong lễ hợp cẩn, cả gia đình nàng sẽ mong chờ hỷ tín, rồi con trai, rồi cương vị Hoàng Hậu, cùng với củng cố quyền lực và tiền tài. Vì muốn cứu dì và em mình trong phủ Lê Sát, và vì muốn giúp đỡ Hoàng Thượng tiêu diệt hết thế lực này, tôi sẽ phải chịu tủi thân như hoàng thượng đã nói sao? Khi hắn ôm tôi vào lòng, thủ thỉ tiếng xin lỗi, tất cả vì tương lai của đất nước, tôi đã mỉm cười nói không sao, trong bụng tự nhủ nếu bạn thân của mình lấy vợ, mình cũng phải vui mừng cho hắn chứ? Nhưng giờ đây ngồi trong phòng nhìn ra ngoài sân, mọi người chạy tới lui, cười rúc rích với nhau, tôi không cảm thấy ổn lắm. Mấy ngày gần đây đi thỉnh an Thái Phi và các vị phi tử khác, tôi phải làm ra dạng bộ không việc gì, cười tươi chúc mừng Lê Nguyên Phi mặc cho nàng có lạnh lùng nhìn tôi, xởi lởi hỏi thăm Lê Chiêu Nghi mặc cho nàng có vẻ buồn rầu không kém gì tôi. Ngày nào cũng phải nuốt lấy một khối nặng trịch trong ngực, tỏ ra vui mừng khôn xiết. Giờ đây nó đã trở nên quá nặng nề, đến mức tôi không biết liệu hét lên có thể giải quyết được hết nỗi niềm của mình không?

“Lấy cho ta cây đàn ra đây!” Tôi sai Ngọc Lan, cô lật đật chạy đi, một lát đã mang cây đàn lại. Nguyễn Thành cùng Đinh Thắng mang ra cái chõng cho tôi ngồi ngoài hiên. Mùa xuân đào nở thật đẹp, nay đã bắt đầu rụng cho quả non lớn lên. Tôi ngồi đàn mà không biết mình đang đàn gì, chỉ là việc gì khiến cho tôi thẫn thờ mà không để ý thôi. Từng nốt, từng nốt cứ phát ra, từng dây từng dây tôi cứ gảy. Dần dần tôi không còn nhẫn nại mà gảy từng nốt, nhấn từng dây nữa, một lúc nhấn mạnh gảy nhanh, một dây đàn đứt tung, bắn ra làm ngón tay trỏ tôi bị đứt. Vết cắt của dây kim loại khá sâu, Ngọc Lan vội lấy khăn tay của nàng  gói lại cho tôi trong lúc kêu người đi thái y viện. Tôi cứ nhìn chiếc khăn của Ngọc Lan thấm máu nhuộm từ từ đỏ au, miệng cười nói không sao. Cô nhìn tôi, mắt đỏ hoe, cũng không nói gì. Quỳnh Dao đi từ ngự thiện phòng về, thấy thế vội hỏi thăm, tôi vẫn giữ thái độ nói không sao, Ngọc Lan như không chịu được nữa, lấy cớ lấy thêm khăn cầm máu, chạy đi mất.

Mãi cho đến khi thái y đến sau đó, xoa thuốc sát trùng hay gì đó, tôi mới thấy đau mà khóc lên. Rồi từ đó cứ như thế mà cho nước mắt chảy ra, giáng hết những uất ức trong lòng của mình tuôn ra. Thái y không hiểu đã làm gì sai, Quỳnh Dao vội vã dàn xếp cho ông an toàn đi ra, không biết nói gì thêm mà ông gật gù viết cho giấy cáo bệnh, Ngọc Lan mang đi gửi đến cung Thái Phi xin kiếu cho buổi tiệc tối. Quỳnh Dao bước đến đưa cho tôi khăn, tôi cầm nó mà vẫn khóc. Tôi xiết bao cần một người an ủi mình bây giờ, mới phát hiện là hắn không có ở đây lúc này. Hôm nay, hắn không thể ở đây…

Khóc hồi lâu, tôi thật nhớ nhà da diết. Ở đây đã lâu, ngày nào cũng vùi đầu vào làm việc, tính toán, nghe báo cáo, lập bản tóm tắt đưa hoàng thượng, tôi ngỡ đây đã là nhà. Nhưng không, hôm nay tôi thấy thật cô đơn, không có hắn bên cạnh, mặc dù chỉ là ghé thăm năm phút, nơi này đã thành xứ người. Tôi nhớ ngôi nhà gạch ngói đỏ nhỏ nhắn của mình, nơi tuổi thơ tôi có thể chạy đùa quanh sân với con em gái, trong sự quan tâm chăm sóc của cha mẹ. Nằm trên giường mà tôi thao thức, nhớ hình dáng mẹ cha, từng nụ cười, từng ánh mắt của họ. Cái cảm giác không yên ổn này của tôi khiến tôi càng thêm đau lòng. Tôi ngồi phắt dậy, bước ra khỏi gường, đi tới đi lui trong phòng trong bóng tối. Một hồi chuyện hợp cẩn của hoàng thượng đã yên, nhưng nỗi lo lắng không biết làm sao về nhà được lại khiến tôi bối rối. Nghe tiếng động, Quỳnh Dao nhẹ đẩy cửa bước vào, thấy tôi tóc tai bù xù, đi tới đi lui như phát điên lên, mặt hiện rõ vẻ lo lắng thốt lên: “Công chúa!”

“May mà cô đã đến, nói cho ta biết, trong cung có các sách thiên văn không? Lấy ngay cho ta tất cả đến đây, mời luôn cả thầy thiên văn, tướng số giỏi đến cho ta.” Quỳnh Dao đến dắt tôi vào giường “Được rồi công chúa, giờ này thư viện cũng đã đóng cửa, mai nô tỳ sẽ làm ngay những gì người cần, người cũng nên ngủ sớm đi, hôm nay người cũng mệt rồi, mắt cũng sưng hết cả lên rồi, để nô tỳ lấy khăn ướt đắp mắt cho người!” Tôi vẫn ngồi trên giường, nói với cô: “Chuyện này hơi khó, ta không buồn ngủ, bây giờ mấy giờ rồi? Bao giờ trời mới sáng chứ?” Quỳnh Dao dỗ dành tôi: “Công chúa, giờ đã giờ Tí, thần biết người rất đau lòng, nhưng đây đều là tốt cho người và đất nước sau này. Người cũng nên ngủ đi, có cần thần hầu cận kể chuyện người nghe không?”

Tôi nhìn cô, ánh mắt thật dịu dàng làm sao, đang vuốt lại mái tóc bị tôi làm cho rối bù, lại muốn bật khóc: “Quỳnh Dao, ta nhớ nhà, ta muốn về gặp cha mẹ…” Quỳnh Dao hình như cũng không ngờ tôi nói ra câu này, hơi tròn mắt, nhưng nhanh chóng ổn định lại tinh thần, ôm tôi như một người chị an ủi đứa em tủi thân: “Công chúa, không sao, mắt sưng thì cũng đã sưng rồi, nều người muốn khóc thì cứ khóc đi, nhưng người không nên khóc quá nhiều, chỉ sợ đau mắt thôi.” Tôi dựa vào vai Quỳnh Dao, nước mắt chỉ chảy dài.

Sáng sớm hôm sau tôi đã dậy, tuy tôi cũng có giấc ngủ sâu hôm qua, nhưng sự nóng lòng của tôi đã chiến thắng. Mới hừng đông, tôi đã tỉnh giấc, mắt sưng múp vì khóc đêm qua, tôi nói với Quỳnh Dao tìm cớ báo tôi bị đau mắt, không đến chúc mừng hoàng thượng được hôm nay. Quỳnh Dao bắt tôi phải đắp mắt bằng vải xô nấu trong thứ thuốc nào đó cả tiếng đồng hồ, trong lúc đó đến thư viện mượn sách cho tôi. Ngọc Lan thì dọn dẹp lại thư phòng cho tôi có chỗ nghiên cứu. Đinh Thắng mang vào cả đống sách về thiên văn. Tôi phải tham khảo cách tính toán của người xưa, tuy đau cả đầu, nhưng may mà có một ông thầy thiên văn đã mau chóng được mời đến.

Tôi đưa ngày giờ lúc mình bị xuất hồn vào thân thể cô bé con ngày nào cho ông, hỏi thăm xem có những hiện tượng nào xảy ra. Nhưng ông cũng chỉ đáp lại với câu để ông xem xét. Sau đó tôi mới biết, người thầy thiên văn giỏi nhất ở đây chính là Thái sử Bùi Thì Hanh. Nhưng ông ta lại dùng những tính toán của mình làm cho thêm màu sắc huyền bí mà lấy tiền thưởng hậu từ vua, khiến tôi cũng chẳng muốn tìm đến ông này làm gì. Mất mấy ngày liền chúng tôi tìm hiểu, nhưng vì thời khắc rối ren ghi chép không được kĩ càng, nên khó tìm. Khó khăn lắm tôi mới mò ra, rốt cục cũng chẳng có gì quá đặc biệt, chỉ là thời gian đó sao Kim không thấy xuất hiện nữa cho đến hơn tháng sau. Tôi đoán là do nó quay sau mặt trời, bị mặt trời che lấp thôi. Nhưng sự việc này đều xảy ra cách năm, nhưng tôi đã ờ đây quá lâu rồi, không thể nào là do việc này chứ? Tôi luôn cố tìm, nhưng xem ra mọi chuyện cứ dừng ở đây, thật là đau lòng.

 

Chương 26

Mùa xuân sang, mùa hạ đến. Hoàng thượng sau lễ hợp cẩn, cũng chẳng hoàn thành gì thêm nghĩa vụ với các phi tử khác ngoại trừ Lê Chiêu Nghi, các nàng xem ra cũng bắt đầu lo lắng, không biết vì sao? Trong lúc đó, tôi thì lo ngay ngáy vì chuyện khác, chỉ cầu mong hắn niệm tình cái tờ cam kết mà tha cho tôi. Nhưng vì có mối quan hệ giữa Đinh Thắng chỗ tôi và Đinh Phúc chỗ hắn, tôi cũng đã nhờ vả được Đinh Phúc tìm mọi cách đừng nhắc đến tôi khi đến ngày tốt phải hỏi hắn muốn đến ngự nơi nào. Cũng hên cho tôi mà việc thì chồng chất, hắn cũng ít khi ngủ lại ở bất cứ cung nào trừ của Nguyên Phi và Chiêu Nghi, không hề tỏ ra thích thú gì lắm đến các cô khác cả. Hắn chỉ lâu lâu ghé qua thăm tôi ban chiều, không hề ở lại ban đêm. Còn tôi chỉ có báo cáo công việc, không hề đả động gì đến chuyện khác nữa. 

Thật ra, tôi cũng có chuyện khác phải lo, ông bác Nguyễn Trãi đang có ít hiềm khích với thái giám Lương Đăng trong việc sửa định nhã nhạc và qui chế lễ nghi. Kể ra thì quy định cũng là thứ phải thử rồi mới biết mà chỉnh lí được, cũng không cần phải cứ quy tắc mà theo người xưa. Lương Đăng là người theo trường phái nước ta thì phải có cái riêng của ta, nhưng bác Nguyễn vốn đã làm lão thần, cũng biết được vua đời trước đã ra những luật lệ gì, nên cũng có chút hoài cổ. Hiềm khích dần dần to lên thành gay gắt, nên cuối cùng ông đành xin rút ra khỏi việc này, để mình Lương Đăng tự liệu.

Hoàng thượng rất bận rộn mấy tháng nay. Chuyện lần đầu tổ chức thi viết chữ làm tính, bắt đầu tuyển thuộc lại có nhiều người luồn lọt đã khiến hắn khá ức chế. Lê Sát cũng vẫn tiếp tục tung hoành, dung túng cho những bọn làm những việc hành chính mà lơ là phát triển học thuật, bè cánh núp dưới bóng cũng trở nên rất nhiều. Hoàng thượng chắc cũng rất tức, ra lệnh hạn chế một số người tính bỏ việc học mà làm lại, thế nhưng bên ngoài, hắn tỏ ra mặt không chau, mày không cau, vẫn có thái độ dung hòa với Sát. Hắn đang cho rút người đã từng có hiềm khích với Lê Sát trở về kinh thành, giao cho chức vụ quan trọng, lại cũng gửi bè cánh của Sát ra xa.

Tháng sáu, hoàng thượng đã bắt đầu hoạt động, tính cho phép Trịnh Khả nắm giữ cấm binh, cho bè cánh Lê Sát là Lê Ê, Lê Hiệu ra ngoài. Lê Sát cầu xin hoàng thượng đổi ý, cũng không đồng ý cho hắn sắc phong cho võ quan Lê Văn An làm Hải Tây đạo đồng đô đốc tổng quản trong triều. Với sự thuận ý của hai vị ngự sử, vì chuyện này, Lê Sát bị Hình quan xét tội chuyên quyền, đã tháo mũ quan mà nói rằng: “Nay khép cho thần tội chuyên quyền, thế là tội của thần do Tiên đế mà có cả”[1]. Bè cánh của Lê Sát là Lê Ngân cùng Lê Văn Linh đều xin cứu, nhưng đời nào hắn có thể bỏ lỡ cơ hội này?

Chỉ mấy ngày sau, Lê Văn An lại qua đời, được truy tặng chức Tư Không cùng thụy hiệu đầy đủ. Không ai biết được là ông chết do bị bè cánh Lê Sát hại hay là vì lý do khác, nhưng đến cuối tháng Lê Sát đã bị bãi chức Đại tư đồ với chiếu xuống: “Lê Sát chuyên quyền nắm giữ việc nước, ghen ghét bậc hiền tài, giết Nhân Chú để hòng ra oai, truất Trịnh Khả bắt người ta phục, bãi chức tước của Ư Đài khiến đình thần không còn ai dám nói, đuổi Cầm Hổ ra biên giới cho gián quan đều bịt miệng im hơi. Xét mọi việc làm của hắn đều không phải là phép tắc của kẻ làm tôi. Nay muốn khép nó vào hình luật để tỏ rõ phép nước, nhưng vì là viên cố mệnh đại thần, có công với xã tắc, nên đặc cách khoan tha, nhưng phải bãi chức tước”.

Các bè cánh của Lê Sát cũng bị bãi bỏ chữ “công thần”, bị giáng chức, tìm cớ cắt cứ đi xa hay bị xử phạt. Tất cả, ngoại trừ Lê Ngân. Tháng bảy, Lê Sát được nhận chiếu cho phép tự tử ở nhà, vợ con bị xung công làm nô tỳ hay bị đày đi châu xa, điền sản bị tịch thu chia cho các quan lại khác. Tôi cầu trời phật cho phép dì và em tôi được chuyển đến nhà Nguyễn Trãi. Nhưng vì có quá nhiều người, tin tức bị gián đoạn, nên chúng tôi không biết rốt cục hai người đó bị chuyển đến đâu. Mọi chuyện trở nên rối ren với nỗi lo canh cánh trong lòng tôi.

Trong lúc này, Lê Nguyên Phi một bước bị giáng xuống làm thứ nhân, đuổi ra khỏi cung. Ngày nàng ta đi, không có ai đưa tiễn cả. Ngay đến người hầu thân cận cũng bị tước mất, bên ngoài cung không người thân thích, đột nhiên tôi thấy đau lòng thay cho nàng ta. Sáng sớm hôm đó, biết tin nàng ta phải ra đi, tôi bước vội ra ngoài vườn hoa, nơi có cây đa mà nàng đã ngồi dưới tán, cũng chỉ vì ở đây cũng thuận đường đi. Sai Quỳnh Dao làm một chuyện nhỏ ra ngoài, tôi kiếm vội ít vàng bạc trong rương, gói lại rồi cùng Ngọc Lan bước đi. Đợi không bao lâu, tôi đã thấy dáng Lê Ngọc Dao vẫn đường hoàng bước đi thướt tha trong gió đầu thu. Hai viên lính theo cô như không dám chạm vào tà áo màu nâu sồng thướt tha ấy. Với một tay nải nhẹ, mắt cô luôn nhìn thẳng phía trước, lạnh lùng và tự tin.

Tôi nhìn cô, không biết có thể đủ tự tin đưa cho cô chỗ vàng bạc ít ỏi trong tay không. Cô ta không cần sự thương hại của bất kì ai. Đi ngang qua tôi, cô cũng quay lại, quỳ xuống chào rất đúng lễ: “Công chúa thiên tuế!” Tôi giật mình, cúi xuống đỡ cô dậy, lòng tự ghét mình sao lại lo chuyện bao đồng, để cô phải làm thế này. Mắt tôi đột nhiên cay cay, đây là số phận hồng nhan sao? Khuôn mặt cô gầy, không trang điểm càng thêm xanh xao. Chắc cả tháng nay lo lắng cho gia đình. Tiện tay gần tay nải của cô, tôi giả bộ cầm giúp nó lên cho cô, dúi ngay vào đó bọc nhỏ của mình, cố làm sao càng sâu càng tốt.

“Cô đi bình an!” Tôi thở nhẹ ra. Khuôn mặt cô lộ vẻ bất ngờ vì câu nói của tôi. Bây giờ đã là người thường, cô không cần phải che đậy đi mọi vẻ mặt của mình nữa. Đôi mắt to tròn kia sẽ thấy được sự tự do cùng niềm vui ấm áp ngoài cung mà tôi hằng mơ ước. Cô cúi chào tôi thêm lần nữa rồi lại ôm bọc đi tiếp. Hai người linh theo sau cũng chào tôi mà đi. Tôi gật đầu, quay đi về phía đối diện, bước tiếp con đường của mình.

Chiêu Nghi Lê Nhật Lệ ngay hôm đó trở thành Huệ Phi. Hậu cung không thể một ngày không chủ, nay vị Nguyên Phi lạnh giá đã đi khỏi, đã đến thời của nàng Huệ Phi trước luôn vui tính và hòa đồng. Nhưng giường như cái chức Hoàng Phi này thật khôn lường, có thể thay đổi con người một trăm tám mươi độ, hay phải nói là năm trăm bốn mươi độ mới đúng, vì chỉ sợ rằng nàng ta không những “quay ngoắt” mà còn bị váng đầu vì “xoay vòng” nữa. Trở nên thật đỏng đảnh, Huệ Phi luôn thích được nịnh nọt, đối xừ một cách cung kính bởi mọi người. Thật ra so với Nguyên Phi trước đây thì thật dễ dàng biết cách đối xử, nhưng đối với những người không quà cáp, cũng rất dễ bị uy hiếp vào thế xấu.

Sau một hồi tin tức, tôi được Nguyễn Trãi báo cho biết đã biết tin dì và em tôi được ban cho gia đình Lê Ngân để hầu, lòng lại có chút lo lắng. Lê Ngân có con gái như Lê Nhật Lệ này, dấu mặt thật biết bao nhiêu năm nay, không biết chính ông ta lòng dạ như thế nào? Tôi cũng phải đành để như vậy, tính từ từ đợi tình huống lắng xuống sẽ tìm cách chuộc dì và em ra khỏi cái bể khổ đó.

Tháng sau, Hoàng thượng lần đầu tiên sủng ái Phạm tài nhân, liền sau đó cho lên một bậc là chức tuyên vinh. Điều này khiến Huệ Phi rất tức giận. Đây là lần đầu hắn sủng ái một người nào đó khác nàng ta, với ngoại trừ là Nguyên Phi trước đây. Nàng ta cho người đến dọa nạt, còn bỏ thuốc vào đồ ăn của Phạm tuyên vinh, khiến cho nàng ta đau bụng không thôi, từ đó về sau luôn từ chối khéo việc hầu hạ hoàng thượng. Chuyện này đến tai tôi, Quỳnh Dao tính báo lên hoàng thượng, tôi ngăn cản: “Bây giờ là còn nhẹ, với cái đà này của Huệ Phi, thêm một đêm sủng ái nữa là không ổn đâu. Thời buổi này, Lê Ngân lên như diều gặp gió, dù Phạm Thái Phi vẫn rất yêu cháu mình, nhưng cũng không động dậy gì đó thôi. Chúng ta tốt nhất cứ vì Phạm tuyên vinh mà dấu giúp vậy.”

Từ ngày Huệ Phi lên, hoàng thượng ít thăm tôi hẳn đi, hoặc phải nói thẳng ra là không đến thăm nữa. Tôi luôn phải nhờ Đinh Thằng đưa tin báo cáo thường xuyên. Hắn vẫn nhẫn nhịn vì nàng ta đến mấy tháng nay, nhiều lúc tôi thật không biết tại sao hắn dung túng cho nàng ta như thế? Còn tôi, vì dì và em mình, cũng luôn xuống nước thăm hỏi nàng ta như những người khác.

Một lần tôi nghe được chuyện mẹ Huệ Phi đến thăm con gái, có mang theo một cô hầu. Vì cung lớn rộng quá, cô ta vô tình bị lạc ở vườn hoa, bị quân lính bắt lại vì tưởng có ý đồ gì sai trái. Đã không cứu người thì thôi, mẹ của Huệ phi còn không thèm quan tâm đến cô ta, để cho cô ta bị đánh tơi tả rồi đuổi ra khỏi cung nữa. Nghe chuyện mà tôi còn lo lắng cho dì và em hơn. Không biết số phận họ có bị bóc lột đàn áp gì quá không?

Mùa thu, tôi nhặt lá rụng chơi trong lúc Ngọc Lan sai người quét sân. Sẵn có cái hồ gần đấy, tôi lấy chỉ cột lại cuống lá thành một xâu. Rồi cột thêm hòn đá nhỏ một đầu sợi chỉ để cho chìm trước khi thả chuỗi dài xuống hồ cho lá phân hủy chìa ra sống lá cho đẹp. Mới thả xong, tôi quay lại thì đã thấy hoàng thượng đến. Tôi mỉm cười cúi chào hắn, thật là lâu rồi chưa gặp. Hắn nhìn tôi, có chút bối rối: “Nàng có khỏe không?” Tôi cười: “Thần vẫn khỏe, hoàng thượng thánh thể thế nào ạ?” Hắn nhìn quanh, rồi kéo tay tôi về phía cung của mình: “Ở đây không tiện nói, chúng ta về cung nàng uống trà đi!”

Về đến Thanh Quân cung, Quỳnh Dao rót trà mời hoàng thượng rồi tất cả tự biết chuyện mà ra ngoài. Hắn cầm lấy tay tôi: “Hoa Dung, trẫm thật nhớ nàng quá!” Tôi mỉm cười: “Hoàng thượng lúc rảnh thì cứ đến chơi, cũng đâu cần phải cả mùa mới đến một lần như thế?” Hắn nhìn tôi, sắc mặt trở nên nghiêm nghị: “Hoa Dung, trẫm có chút chuyện cần nàng giúp!” “Hoàng thượng cứ nói.” Tôi ngạc nhiên, sao hắn không đưa thư nhắn mà phải nói thẳng thế này?

“Trẫm nghi ngờ Phạm thái phi có móc nối với Lê Ngân cùng bên nhà Minh, đang sắp sửa hạ bệ trẫm mà tôn Quận Ai vương lên làm vua!” Tôi mở to mắt: “Hoàng thượng, ý người là?” Hắn xiết tay tôi: “Nàng có bao giờ hiếu kì là trẫm làm sao có thể chịu đựng được tính cách Huệ Phi lâu như thế chưa? Thật ra, trẫm vốn có tình cảm khá sâu sắc với nàng ta từ nhỏ, nhưng khi nàng ấy trở thành Huệ Phi, vì nàng ta mà định tha cho Lê Ngân. Trẫm nhiễm tưởng cha con nàng ta sẽ vì cảm tạ mà báo ân, thật không ngờ lại nghe được tin chính nàng ta cũng có mạng lưới quan sát của mình do Lê Ngân cài vào. Thậm chí, Lê Ngân còn có ý thông đồng với bọn nhà Minh. Vì thế trẫm không những không phạt mà còn phải giúp họ lên cao. Trẫm biết Huệ Phi trong cung hoành hành, tác phong không được kính cẩn, nên đã thử nàng ta bằng việc của Phạm tuyên vinh. Nhưng thật không ngờ nhờ thế mà mới biết được âm mưu chớm nở của bọn họ.”

Tôi nuốt nước miếng, chợt thấy cổ họng mình khan khan. Chuyện này thật động trời, xem ra tai mắt của hoàng thượng còn có rất nhiều, không chỉ riêng tôi. “Trẫm muốn nàng tìm ra cho trẫm được một tin nào đó giúp cho Lê Ngân có thể từ quan mà không quá rề rà.” Hắn đưa cho tôi chén trà. Tôi cung kính nhận lấy, gật đầu: “Xin bệ hạ cứ yên tâm!”

 

[1] Theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư – Ngô Sĩ Liên

 

 

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3