Bắt đầu từ toạ độ của nước Việt
1. Hình như ngày xưa thầy cô rất siêu. Tôi có cô giáo dạy toán vẽ hình tròn không bao giờ dùng compa. Tôi có thầy dạy địa lý có thể nhắm mắt vẽ bản đồ Việt Nam lên bảng đen. Sau đó thầy còn cho chúng tôi kiểm tra "trình độ" bằng cách áp vào bảng một khung hình chữ nhật chia ô vuông là những sợi thép biểu diễn kinh độ và vĩ độ của Trái Đất. Trùng khít!
2. Giống như em muốn vẽ chân dung ai đó, em chia ô vuông lên bức ảnh. Rồi em chia ô vuông tương tự lên giấy em vẽ theo tỉ lệ xích tuỳ chọn. Cứ thế mà phóng theo những toạ độ ngang và dọc của từng ô. Cũng như vẽ đồ thị hàm số, em phải xác định các điểm trong hệ toạ độ kinh tuyến, rồi nối thành một hình kỷ hà, chưa cần uốn lượn vội, là đã có ngay một bản đồ Việt Nam tượng trưng. Dẫu tượng trưng, em cũng chớ quên bất cứ một giọt nước, giọt đất nào đấy nhé. Tôi gọi là "giọt đất" vì máu và mồ hôi của tổ tiên mình đổ vào đó rất nhiều.
3. Bạn tôi không thể giỏi nhớ. Tôi có thể không đủ hoa tay. Bản đồ nước Việt đôi khi vẽ ra giống củ khoai củ sắn. Nhưng, nếu vẽ trong hệ toạ độ thì bao giờ cũng đúng, bao giờ cũng đủ. Đủ da thịt, đủ hình hài. Và còn đủ cả tình cảm. Chẳng thế mà dù thời đi học đã xa rồi nhưng tôi không bao giờ quên hệ toạ độ của đất nước tôi. Này là khi nghe tin bão ở toạ độ 16 độ vĩ bắc và 109 độ kinh đông là biết ngay khúc ruột Đà Nẵng - Quảng Ngãi đang oằn mình chịu đựng. Này là khi nghe thả hoa dòng Thạch Hãn là biết ngay hoa đang trôi trên vĩ tuyến 17, để hàn gắn nhát cắt Quảng Trị làm máu chảy suốt 20 năm ròng.
4. Năm ấy chú tôi phải canh biên giới không ăn Tết ở nhà là biết ngay ở 23 độ vĩ bắc có tên trộm đất đang rình mò. Và mới hôm qua thôi, ngày 12 tháng 9, Bộ Ngoại Giao Việt Nam vừa lên tiếng ngăn chặn Đài Loan xây dựng hạ tầng trên quần đảo Trường Sa là tôi biết ngay ở 111,5 độ kinh đông đang có kẻ dòm dỏ ngó oi.
5. Có một di tích đã được xếp hạng quốc gia ở Lý Sơn, Quảng Ngãi. Nơi đây thờ những hùng binh đã hy sinh khi làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ hơn 300 năm trước. Có một công dân yêu nước ở TP.HCM. Ông đã để ra 50 năm của cuộc đời sưu tầm hơn 3000 tấm bản đồ của nước Việt. Ông treo như treo tranh cổ vật quý giá. Để thấy bước đi của người Việt cổ, để hiểu đc lối sống, tâm hồn, và lòng can đảm của tổ tiên. Và những tấm địa đồ cổ của ông cũng giúp cho Bộ Ngoại Giao làm căn cứ xác định chủ quyền của đất nước. Đó là nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu, năm nay đã ngoài 80.
6. Và cũng có những người Việt Vô tình, gọi Hoàng Sa và Trường Sa là Tây Sa và Nam Sa theo cách gọi của hệ quy chiếu khác. Và em lên mạng mà xem, có quá nhiều người trẻ vô tình, quá nhiều trang web vô tâm, vẽ họa đồ Việt Nam không có 2 quần đảo này. Bản đồ nước Việt lại dùng bản tiếng Anh, lại gọi biển Đông là biển Nam Trung Hoa (South China Sea ). Cứ thế này thì một trăm năm sau còn không những Nguyễn Đình Đầu?
6. Tôi biết, có nhiều cách để vẽ bản đồ Việt Nam trên trường thế giới. Bản đồ chính trị Việt Nam, bản đồ kinh tế Việt Nam, bản đồ văn hoá, văn minh Việt Nam...Nhưng cơ bản và trước hết vẫn phải là bản đồ nước Việt Nam, với đầy đủ đất và nước của tổ tiên mình để lại.