Từ những đồng xu trên đôi chân trần
Vô tình hay hữu ý bạn đều có thể nhìn thấy những vết sẹo tròn trên chân những cô gái chạy xe trên đường. Nhất là mùa hè họ mặc váy công sở. Những vết sẹo tròn đường kính gấp đôi đồng xu, lốm đốm di động trên đường phố. Những vết sẹo vì bỏng pô xe máy!
Thì có gì là lạ? Vâng, chẳng có gì lạ đối với những vết sẹo.
Nhưng có một điều rất lạ đối với trí sáng tạo của người Việt. Vì một hoàn cảnh khó khăn bắt buộc không thể khác được, người dân mình đã sử dụng xe máy để đi lại, đi làm hằng ngày. Mật độ xe máy nhiều hơn hẳn các thành phố khác trên thế giới. Nhưng lạ thay, không ai nghĩ đến chuyện cải tiến cho phù hợp hơn với hoàn cảnh đặc biệt đó. Những cái ống pô xe máy chổng ngược và phun khói vào mặt người đi sau sẽ không sao đối với nước khác nhưng lại là một vấn đề đối với đô thị Việt Nam có mật độ xe máy dày đặc, người sau nối đuôi người trước. Một ống pô không cách nhiệt luôn là cơn ác mộng của những cô gái đến công sở hằng ngày và là nỗi lo lắng đến mức thắt ruột của những ông bố bà mẹ thường xuyên đưa đón các con đi học ngày 2 buổi.
Mẹ cha đã chăm bẵm giữ cho con một đôi chân lành lặn để rồi xót xa thay những ống pô xe máy đã gặm da thịt, đã tàn nhẫn đóng lên những con dấu tím đỏ.
(Còn thương hơn nữa là những chiếc chày giã gạo nặng như khổ sai đã chung thân ngàn đời với người dân Việt. Còn thương hơn nữa là những chiếc cối xay thóc kĩu kịt suốt chiều dài lịch sử, và sẽ vẫn còn kĩu kịt như thế nếu không có sự tiếp xúc với nền cơ khí phương Tây. Thương những chiếc cáng tre đi giao thông suốt dọc đường thiên lý. Thương những chiếc xe kéo tay đầu thế kỷ trước và thương cả những chiếc xích lô đạp đầu thế kỷ này. Thương những chiếc thuyền thúng chèo tay đánh cá dập dềnh, thương những người dân không mơ về một đại dương rợp cánh buồm).
Những nhà sản xuất của Việt Nam đâu? Những kỹ sư cơ khí, những công nhân tiên tiến lành nghề, những hãng chế tạo, những công ty sản xuất đồ phụ tùng của Việt Nam đâu? Sao không có nổi một cải tiến nhỏ nhặt từ ống pô xe máy để kinh doanh với thị trường?
Gói đường của người Nhật để uống cà phê trên máy bay có hình trụ, rất dễ dốc vào ly và không vương vãi ra xung quanh. Trên thẻ lên máy bay của họ luôn ghi rõ cửa trước hay cửa sau. Những việc nhỏ nhặt ấy cũng không học nổi, hành khách của Việt Nam Airlines luôn luôn phải vất vả từ cửa sau xua lên cửa trước hoặc từ cửa trước xua xuống cửa sau. Ngay cả những biển chỉ dẫn trên cửa toilet của người Nhật cũng đã là một bộ sưu tập phong phú về óc sáng tạo và tế nhị. Khi thì hóm hỉnh với con bài tây - con đầm cho nữ và con già cho nam. Khi thì chỉ là một nét gãy W cho nữ (Women) và cũng nét gãy ấy lật ngược lại cho nam (Man)…
Con đường phát triển đất nước luôn đi ra từ trường học. Trường học đã làm gì cho một thế hệ học sinh giàu sáng tạo? Thủ tướng Phan Văn Khải mong mỏi về "một thế hệ doanh nhân mới dám nghĩ những điều chưa ai nghĩ, làm những việc chưa có tiền lệ, với ý thức vượt khỏi những ràng buộc của lối mòn, nhất là lối mòn của tư duy". Nhà trường đã làm gì cho mục tiêu đó?
Đó cũng là một câu hỏi đặt ra trước một năm học mới chuẩn bị bắt đầu