Vẩn vơ chuyện hát hò

1. Căn hộ tôi sống nằm cạnh bếp ăn của một trường đại học. Từ những gian bếp ám mùi khói than và tiếng bát đĩa lanh canh ấy luôn vọng ra tiếng hát véo von của những người chị nuôi. Từ "tại anh đó nên chúng mình xa nhau..." đến xây hồ Kẻ Gỗ, đến "cùng dắt nhau qua những ngày giann khó...". Hát suốt ngày. Mấy chị vừa làm vừa hát.

2. Ngày còn là sinh viên, chúng tôi thỉnh thoảng giúp nhà trường kẻ panô áp phích trong những dịp gấp gáp chuẩn bị đón sinh viên hoặc hội khoa hội trường gì đó. Những lúc làm nhiều, cô họa sĩ già thường khuyên chúng tôi vừa làm vừa hát nho nhỏ sẽ chống được mệt mỏi. Đi phụ kẻ bảng biểu làm triển lãm, thường là dồn dập trong khoảng thời gian ngắn nên căng thẳng - hồi đó tất cả đều kẻ tay, người họa sĩ của phòng triển lãm cũng khuyên chúng tôi vừa làm vừa huýt sáo cho nhẹ nhõm tinh thần và đỡ sai sót hơn. Có lẽ đó cũng là một cách "nghệ thuật vị nhân sinh" vậy.

3. Ai đã từng đứng bên cánh gà sân khâu văn nghệ quần chúng hẳn sẽ thấy những người ca sĩ, dù chỉ là nghiệp dư thôi, họ ra sân khấu như là chú gà chọi trước khi vào sới, như là cầu thủ chuẩn bị tung vào sân, đầy háo hức và đam mê! Nếu vì một lý do gì đó mà cắt mất tiết mục của họ thì thầt là "thương tâm", bởi họ sẽ buồn không tả nỗi. Hoàn toàn không phải hát vì tiền vì danh. Như một con chim có giọng thì phải được hót lên. Thế thôi. Rất chi là "vị nghệ thuật".

4. Dẫu "vị" gì đi nữa thì không phải lúc nào tiếng hát cũng được chấp nhận và đề cao. Chú út tôi 
là người thông minh, học giỏi và đẹp trai nhất mà nhưng không được ông nội tôi yêu. Vì chú có một cái tật làm ông ghét là hay huýt sáo. Ông bảo như thế là loại người "huýt gió đầu môi", là không đứng đắn. Lớn lên chú tôi học trường nhạc nhưng về sau phải bỏ vì âm nhạc không được ông nội khuyên dùng.

5. Thực ra thuở thiếu thời ai mà chẳng thích đàn ca. Bởi mỗi tâm hồn mới lớn kỳ thực đã là một cây đàn muôn điệu, "là một vườn hoa lá rất đậm hương và rộn tiếng chim", chỉ cần khẽ động là đã ngân lên thành giai điệu. Ai lớn lên mà chẳng "thần tượng" một vài ngôi sao nào đó. Từ ngôi sao hát chèo, vọng cổ của thời các cụ đến những người hát Văn Cao, Đoàn Chuẩn, Nguyễn Văn Thương của ông bà, đến Beatle, Abba, Trần Tiến, Trịnh Công Sơn của anh chị, đến Nick đến Brit, Lam Trường, Mỹ Tâm... của "chúng mình", v.v...

Như một lời bái hát, "mây và tóc em bay trong chiều gió lộng", ngày hôm nay em được hát, được yêu tiếng hát, được rộng mở và tự do phơi phới với bao dự định của riêng em, em hãy cám ơn cuộc sống đã cho em thoải mái lựa chọn. Vì những định kiến cũng đã theo dần vào quá khứ ngô nghê.

6. Tiếng hát vì cuộc sống và cần cho cuộc sống này, như thuở xa xưa nó đã giúp những người kéo thuyền hò lên điệu khúc lao động tập thể, giúp những người lính đưa pháo vào trận địa. Tiếng hát bỗng trầm đi cùng với lịch sử bi tráng của con người. Lao động nghệ thuật thật đáng trân trọng và ngày càng được bảo hộ.

7. Có thể em không thích ca hát. Có thể em chê bài hát này, nhạc sĩ nọ. Nhưng có một tối muộn nào đó, co người mẹ đang bị kẹt xe ở một đoạn đường nào đó chưa về kịp, có người cha đang ở trong bệnh viện không về được, điện thì tắt, và trong một căn nhà nhỏ nào đó có hai chị em lên năm lên ba đang ôm nhau hát hết bài này đến bài khác để xua đi nỗi sợ hãi. (giống mình hồi nhỏ ghê) Nếu chứng kiến giây lát đó, hẳn em sẽ cay cay mắt mà cám ơn tất cả những người đã viết nên những bài ca cho cuộc sống này.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3