Xuân khứ, Nhất chi mai - chương 06
Chương 6
Chén trà trong tay hoành huynh rớt xuống loảng xoảng. Huynh ấy là người hơi yếu đuối, làm một vị vua thời bình thì tốt, nhưng trong loạn thế thì thiếu quyết đoán. May mắn còn có anh họ, tuy hơi cứng nhắc nhưng là một vị tướng tài, lại không có lòng riêng.
- Nhiều lúc ta nghĩ, giá muội đừng thông minh quá như vậy thì thật tốt.
Tôi cười, đời người, thật mong có nhiều cái “ giá như”.
- Muội đoán ra từ khi nào?
- Từ lúc muội biết thân phận của Yết Kiêu.
Anh họ về trấn thủ Vạn Kiếp, Yết Kiêu là phó tướng, nắm toàn quyền chỉ huy thủy quân, chính anh ta cũng là người kiên quyết giữ thuyền đợi chủ tướng khi quân Thát phá vỡ phòng tuyến, nhờ đó cứu Trần Quốc Tuấn một mạng. Một người như vậy, lại phải cất công lặn lội đi đón một cô công chúa được yêu quý hơn một chút, thì thật không bình thường.
Đến khuya, tiễn hai huynh ra tới cửa, hoàng huynh chợt quay lại nói với tôi
- Có chuyện này ta quên mất, hồi chiều có tin báo về, nói Chiêu Văn chỉ bị thương nhẹ, không sao, muội đừng lo lắng.
Tôi gật đầu, người hầu liền cầm đèn dẫn hai người họ đi. Bóng áo bào nhanh chóng lẫn vào với ánh đèn vàng vọt, dần dần biến mất trong đêm đen.
Tôi lên giường lăn lộn mấy vòng cũng không ngủ được. Từ bận sau thì chừa hẳn, không chè chén gì nữa nhé! Nghe tiếng gà gáy đầu tiên tôi đã mở mắt. Cả đêm trằn trọc, lưng tôi đau như muốn gẫy đôi, chân tay bải hoải. Khí lạnh tràn vào làm tôi hắt hơi liên tục. Tôi lần mò tìm nhà bếp rồi bắc ấm nước, chuẩn bị nước cho sư phụ. Nhìn lửa cháy lách tách, tôi cố nhớ xem lần gần đây nhất mình đun nước sáng cho sư phụ là bao giờ. Hình như là từ mùa đông năm ngoái. Sang hè, sư phụ ít dùng nước nóng, mà thím Liên cũng tới, không cho tôi động tay chân vào bất cứ việc gì. Thím Liên đi là lúc tôi cùng sư phụ lên đường về kinh, trên đường nghỉ tại nhà trọ cũng không cần phải đun nấu.
Nước sôi, tôi rót một ít cho bản thân rửa mặt, rồi lại bắc một ấm nữa, đây là nước pha trà. Khi tôi làm xong tất cả, người hầu mới dậy, nổi lửa chuẩn bị cơm nước. Chẳng mấy chốc mùi cơm tám tỏa thơm ngào ngạt. Nhưng không hiểu sao tôi lại không muốn ăn, nghĩ một lúc, bèn lấy gạo và đậu xanh nấu cháo. Mấy người hầu từ sớm gặp tôi trong bếp đã rất ngạc nhiên, nay xem tôi nấu nướng nên túm tụm xì xào. Có một phụ nữ đẫy đà, đã luống tuổi, miệng nhai trầu bỏm bẻm, chắc là tổng quản, rất hiểu chuyện. Thấy tôi trong bếp cũng không tỏ vẻ gì, vái chào cẩn thận rồi khoát tay vài cái, đám người buôn chuyện liền giải tán, ai về việc nấy. Tôi gật với bà ấy, cho muối vào cháo, dặn họ mang đến phòng sư phụ. Còn mình thì xách ấm đi trước.
Trời sáng, trải qua một hồi đi lại, tôi không còn cảm giác ngái ngủ hay lành lạnh như lúc mới dậy nữa. Hít một hơi đầy lồng ngực không khí ngày mới, tôi gõ cửa phòng rồi tự ẩy vào. Sự phụ đang búi tóc, thấy tôi cũng không nói gì. Pha trà xong, tôi nghĩ mình nấu nướng cũng không tệ lắm, nên đến chỗ hoàng huynh mời huynh ấy sang ăn cùng. Đến nơi, người hầu nói Thái thượng hoàng tối qua đi nghị sự chưa về. Tôi giật mình, tối qua tôi thấy huynh ấy đi hướng về đây, sao giờ lại thành ở phòng nghị sự ? Tôi đi một vòng nữa, đến phòng anh họ, người hầu cũng nói y như vậy, hẳn đã được dặn trước. Lúc về, tiện đường tôi ghé qua phòng nghị sự. Cửa đóng im thim thít, bên ngoài có lính canh phòng cẩn mật. Người hầu tới đưa cơm đều đứng ngoài bẩm vào, rồi một người bước ra, lấy đồ ăn sau đó đóng cửa lại như cũ. Tôi mang máng người kia hình như hôm trước gặp ở phòng anh họ. Xem ra, nghị sự này, đến mai cũng chưa chắc đã tan.
Tôi về phòng sư phụ, người hầu đã mang cháo lên nên ngồi xuống, mời sư phụ rồi cũng ăn luôn thể. Qua bữa sáng, sư phụ bảo tôi ở lại mài mực cho người. Tôi bèn đến thư phòng lấy bút nghiên, quay trở lại đã thấy sư phụ giở ra một chiếc quạt lớn, che kín cả mặt bàn. Khác với những chiếc quạt thường gặp. cái này không vẽ tranh thủy mạc núi sông gì đó, mà vẽ hoa đào, rất nhiều hoa đào. Màu mực còn rực rỡ, hoa đào như nở trên cánh quạt. Phía góc bên trái, còn một khỏang trống, rõ ràng để đề từ. Tôi rót nước vào nghiên, bắt đầu mài. Sư phụ cầm bút, viết thử lên giấy mấy lần
- Quá đặc !
Tôi gãi gãi đầu, lại thêm một ít nước. Sư phụ viết chữ đầu tiên, tôi ngó vào, ngần ngừ chốc lát, liền nói :
- Thầy, sau này con lấy chồng, ai sẽ mài mực cho thầy ?
Sư phụ hơi dừng, nhấc bút chấm mực, viết tiếp chữ thứ hai.
- Con cũng muốn ở với thầy lâu hơn nữa, báo đáp công ơn dưỡng dục của thầy, nhưng nay lại không thể rồi.