Bồ công anh bé nhỏ

Post image for Bồ công anh bé nhỏ

Duy gửi qua mail cho tôi một tấm ảnh và một file Mp3. Tên bài hát là “Đến Đài Bắc ngắm mưa rơi” star. Anh đang ở Đài Loan, cũng được ba tháng rồi. Sáng nay anh ngồi trên xe bus. Máy Mp3 chạy random đến bài hát này, bỗng nhiên anh muốn khóc. Anh nhớ em kinh khủng… Tấm ảnh đó anh chụp thành phố Đài Bắc qua ô kính xe bus. Con đường phía trước mịt mù quá, em thấy không?

 Tôi ngồi hàng giờ để nghe đi nghe lại bài hát đó, mắt dán vào tấm ảnh. Bài hát buồn da diết. Chớp mắt thật mạnh cho những hạt nước không dự định lăn ra, tôi cố phóng to bức hình để tìm xem trên ô kính mờ mưa, đâu là dấu vết hơi thở của Duy. Nhưng vô vọng. Đúng như Duy nói, con đường phía trước quá mịt mù. Có gì đó phủ lên môi tôi mặn đắng.

- Đây là một bài hát buồn… – Bảo đẩy kính lên, nhìn tôi trầm ngâm.

- Anh dịch đi – Tôi đáp trả lạnh lùng, chẳng cần suy nghĩ.

Bảo tháo kính ra, xoa xoa mắt hệt như một ông lão đã quá mỏi mệt với cuộc đời.

- Anh không dịch đâu, em tìm người khác đi.

- Có vẻ thông điệp của Duy gửi cho em trầm trọng quá hả?! – Tôi cay đắng, giật tờ lyric bài hát khỏi tay Bảo.

- Không. Chỉ đơn thuần là một bài hát mà thôi, đừng suy nghĩ phức tạp như thế.

- Em sẽ phải đọc được nó – Tôi mở cửa, chạy thật nhanh ra cổng. Bảo hấp tấp chạy theo, nhưng không kịp. Tôi lao trên chiếc xe đạp giữa hàng cây mùa đông trụi lá. Những con dốc lạnh buồn.

Những bông dã quỳ đã phủ sắc vàng lên thành phố cao nguyên này từ hơn một tháng nay. Một năm sáu tháng bốn ngày kể từ lúc Duy đi. Tôi gạch thêm một nhát mực đỏ chói vào tờ lịch bàn, vùi đầu ngủ gục trên đồ án vẽ dở. Năm ba, chuyện học hành thật kinh khủng. Tờ lyric bài hát tôi vẫn để trong túi áo, chưa nhờ được ai dịch – một khi Bảo đã chối từ. Thỉnh thoảng tôi giở ra ngắm nghía những hàng chữ tượng hình xa lạ kia, biết nó chứa đựng một thông điệp bí ẩn nào đó nhưng không thể nào nắm bắt. Tựa như lúc Duy đi. Tôi biết con người này quan trọng với mình đến dường nào, nhưng không tài nào giữ lại được. Cảm giác bất lực đó làm tôi uất nghẹn. Tôi vùi mình vào những cơn nức nở. Từ hôm đó, Duy không gửi thêm một email nào.

Duy học trên tôi hai lớp ở trường phổ thông. Tôi, Bảo và Duy là một bộ ba đẹp. Thời trung học trôi qua dễ thương như một cọng bồ công anh bay theo gió. Bảo – như bản tính trầm lặng của mình – vào học khoa Hán Nôm. Duy không thi đại học, mặc cho mọi người khuyên ngăn, bán chiếc honda và chạy vạy thêm được ít tiền mua một chiếc máy ảnh số half – pro tầm tầm. Những ngày Bảo miệt mài ở giảng đường, tôi trốn học cùng Duy lang thang trên những đồi cao chụp ảnh. Buổi tối Duy chơi đàn ở quán cà phê, tôi ngồi trong một góc quán uống trà nóng, giữ khư khư chiếc máy ảnh của Duy vào lòng.

Lần đầu tiên tôi và Bảo giận nhau là khi Bảo nắm tay tôi lôi khỏi quán cà phê trong một đêm trời mù sương. “Em thôi cái kiểu sống lêu bêu đó đi, mười tám tuổi rồi, bao nhiêu kì thi trước mặt!” Bảo nói với tôi một câu đầy công thức, mô phạm. “Cuộc sống của em thì liên quan gì tới anh? Em thích như vậy đấy” Tôi sấn lên, hùng hổ, tay vẫn giữ chặt quai túi máy ảnh. Bảo tát tôi một cái rát mặt. “Em có biết suy nghĩ không vậy? Duy nó như gió ấy, em đi theo hoài vậy sao?” Rồi run run, và hối hận nữa – tôi nghĩ thế – Bảo biến mất trong sương mù. Duy ngưng đánh đàn bước ra cửa từ bao giờ, chầm chậm đến bên cạnh tôi đưa bàn tay sực mùi khói thuốc xoa xoa lên má. Bàn tay ráp và ấm. “Để anh đưa em về! Anh xin lỗi”.

Tôi nhớ mãi đêm hôm đó, tôi ngồi áp mặt vào lưng Duy, cả lưng áo cũng hoen mùi khói thuốc. Duy chạy lòng vòng trên những con dốc cao. “Em còn đau không?” Tôi ậm ừ. “Anh chẳng làm được điều gì đúng đắn. Bản thân anh tự thấy như vậy. Ngay cả khi Bảo tát em, anh cũng chợt nghĩ hình như Bảo đã đúng” Tôi bật khóc vì tủi thân, má vẫn bỏng rát vì bàn tay của Bảo. “Nó nói đúng, anh như gió ấy, em đi theo hoài vậy sao?” Tôi ôm chặt lấy lưng Duy, thốt lên lời hứa chân thành nhất của tuổi mười tám khờ dại “Em sẽ là bồ công anh, lúc nào em cũng sẽ theo anh…” “Vậy thì bồ công anh bé nhỏ, em phải hứa…”

Tôi đậu vào đại học, vì lời hứa với Duy. Duy vẫn chụp ảnh cho một vài tạp chí và chơi đàn ở quán cà phê, chúng tôi lang thang cùng nhau những lúc tôi không phải lên giảng đường. Có những đêm Duy xin nghỉ ở quán cà phê, đưa tôi đến những thung lũng trồng hoa. Những bóng đèn vàng sưởi hoa thắp lên dày đặc khiến tôi hoa mắt, có cảm giác như lạc vào một giấc mơ lung linh rất nhiều đom đóm. Duy luôn nắm tay tôi thật chặt, và giấc mơ tôi thêm bình yên. Những ngày tháng đó trôi qua dịu dàng khiến tôi quên mất rằng sau cái đêm sương mù ấy tôi không gặp lại Bảo. Cho đến lúc Duy đi.

Duy kết thúc những tháng ngày lang bạt ở Đà Lạt bằng cách bắt đầu những tháng ngày lang bạt khác, nhưng xa hơn. Một nhiếp ảnh gia nổi tiếng của tạp chí National Geographic trong lần ghé qua Đà Lạt tình cờ gặp Duy, xem ảnh của anh và ngỏ ý mời anh theo làm phụ tá. “Rồi anh sẽ cùng ông ấy lang thang khắp thế giới. Đây là cơ hội lớn nhất đời anh. Anh đã làm nhiều việc mà mọi người xem là rồ dại để chờ đến phút giây này…” “Lúc nhận lời đi, có giây phút nào anh nghĩ về em không Duy? Trả lời thật cho em biết với…” Duy im lặng. Tôi òa khóc. Chúng tôi chia tay ở ngả rẽ nhà thờ.

Bảo xuất hiện cũng lặng lẽ như khi anh biến mất, và tôi chẳng chút ngạc nhiên về điều đó. Tôi coi đấy là lẽ đương nhiên. Anh giờ đã là giảng viên trẻ ở trường đại học. Lâu lắm tôi mới lại có cơ hội gục vào vai Bảo mà khóc, khóc nức nở như trẻ nít. Bảo bối rối vỗ về tôi, không biết nói dù chỉ một lời êm dịu.

Tôi không chịu nổi việc một mình đi qua những con đường ngày xưa đã cùng Duy lăn lê bò toài chụp ảnh. Tôi lao vào học và làm việc như điên. Bảo cần mẫn tìm giúp tôi những mẫu hoa văn cổ của người Lạch khi tôi đang thực hiện đồ án Nhà văn hóa cộng đồng. Những lúc mệt nhoài, tôi gục đầu ngủ thiếp đi trên căn gác nhỏ của Bảo, trong giấc mơ nghe hăng hắc mùi lá thông tươi cháy. Bảo gọi tôi thức dậy bằng tách cà phê nóng và bản nhạc thầm thì của Leonard Cohen. “Anh thích thấy bé như bây giờ, bận rộn nhưng tràn đầy sức sống” Bảo ngượng nghịu nói như vậy. Hai anh em uống cà phê trên căn gác gỗ, bên cạnh ô cửa mở ra khoảng trời biêng biếc mênh mông, dưới kia là thung lũng xanh rì. Rất không dưng, má tôi rát lại cái tát năm cũ. Nếu không có cái tát đó, giờ tôi phải xoay xở ra sao khi Duy để tôi lại một mình? Đôi lúc rất muốn nói với Bảo rằng cảm ơn anh, nhưng lại thôi, tôi không dám chạm lại niềm ân hận cũ.

Bảo đứng chờ tôi trước nhà. Nỗi bực tức về việc Bảo không dịch giúp bài hát kia vẫn còn âm ỉ. Tôi không xuống, mặc cho mẹ tôi gõ cửa phòng ầm ĩ “Con đang làm cái quái gì đấy, lớn rồi, có chuyện gì thì ra mà giải quyết đi chứ!” He hé rèm nhìn xuống, thấy Bảo đang xoa đôi tay lạnh cóng vào nhau và nhảy loi choi cho đỡ lạnh, nhìn thật tức cười. Bỗng nhiên Bảo móc điện thoại ra. Tôi chạy thật nhanh về phía bàn, biết điện thoại của mình sắp sửa rung lên. “Anh về đi, em không gặp anh đâu, em vẫn còn giận!” Tôi quát vào máy. Bảo điềm đạm “Trưa mai đi chụp hình với anh. Anh đợi!”

Tu viện cổ nằm trên đồi, lối đi lên trạng nguyên nở đỏ nhức nhối. Bảo ngồi bệt trên đống củi chất ngổn ngang gần nhà kho, lắp lens vào máy một cách thành thục. Tôi nhìn động tác đó, hốt nhiên chảy nước mắt. Máy ảnh của Duy. Tôi bỗng nhớ Duy khôn nguôi, nhớ cái động tác anh búng mẩu tàn thuốc rồi nương nhẹ ống kính như nương nhẹ bàn tay của người yêu đang ngủ mê. “Em không biết anh cũng chụp ảnh…” Mắt Bảo biết cười đằng sau đôi kính lấp loáng “Chỉ từ khi Duy đi thôi. Nó gửi lại anh cái này như một kỉ niệm, đôi khi anh cũng lấy ra và bấm vài kiểu…” “Em chưa từng xem ảnh anh chụp!” Bảo đứng dậy phủi phủi quần, đánh trống lảng “Nắng lên rồi bé ơi!”

Vài ngày sau đó tôi nhận được một phong bì ảnh. Nhìn những tấm ảnh tôi đứng trên tu viện cổ, tôi nhận ra sao mắt mình buồn thế. Những suy nghĩ về tuổi trẻ, tình yêu, sự dại khờ chợt xâm chiếm tôi. Bỗng nhiên rơi ra một tờ giấy. Chữ Bảo run run.

”Đừng khóc một mình trên đất khách. Chỉ mang theo hành lí duy nhất là giấc mơ. Đừng đánh thức chuyện đã qua… Chẳng có ai hiểu anh bằng em.. Em vẫn là em, anh vẫn là anh…”

Bảo tìm thấy tôi ngồi ngơ ngác lẩm bẩm bài hát đó không biết bao nhiêu lần trên bậc thềm tu viện cổ, nơi nhìn ra con đường trạng nguyên đỏ bức bối. Anh kéo tôi dựa vào vai mình, nói đơn giản “Bé khóc đi” Tôi không khóc được, thấy mình là cánh bồ công anh nhỏ chơi vơi theo gió, đến khi mở mắt ra nhìn quanh thì đã nằm lại một nơi thật xa, không biết gió đã đi đâu mất rồi. Trong cơn ngơ ngác đó, tôi nghe giọng Bảo chậm đều. “Hãy nghe thật kĩ lời anh nghe bé, vì anh không đủ can đảm lặp lại đâu! Anh im ắng như một dòng nước sâu, trong cuộc đời chỉ có hai lần dám bùng nổ mãnh liệt. Một lần là khi anh tát bé ở trước cửa quán cà phê trong cái đêm mù sương đó. Một lần là bây giờ, khi anh sắp nói rằng bồ công anh bé nhỏ ơi, hãy ở lại với anh đi. Anh hứa sẽ là một mảnh đất hiền cho mùa em tươi tốt…”

 

star Mùa đông đến Đài bắc lại ngắm mưa:

1. Mùa đông tới Đài Bắc nghe mưa, đừng khóc nơi xứ lạ
Mùa đông tới Đài Bắc nghe mưa, mang theo hành lý duy nhất là giấc mơ
Lặng lẽ quay lại không làm quá khứ tỉnh dậy, như thể em chưa từng xa
Nếu lỡ gặp lại nhau xin giữ lại những lời nói trong đáy tim, em tin em hiểu anh hơn ai hết.
ĐK: Vẫn là trời Đài Bắc, vẫn là mưa xưa, nhưng dưới tán dù của em không còn anh nữa
Em vẫn là em, anh vẫn là anh, nhưng giữa đôi ta đã thêm một mùa đông.

2. Mùa đông tới Đài Bắc nghe mưa, đừng khóc nơi xứ lạ
Mùa đông tới Đài Bắc nghe mưa, có lẽ em sẽ được gặp lại anh
Đường phố vắng lạnh nhưng trái tim đầy chật, mỗi góc phố đều có một hồi ức
Nếu lỡ gặp xin đừng tránh mặt, em sẽ chỉ coi như ta chạm vai mà lướt qua…
ĐK: Vẫn là trời Đài Bắc, vẫn là mưa xưa, nhưng thành phố không còn quen thuộc nữa
Em vẫn là em, anh vẫn là anh, nhưng giữa đôi ta đã thêm một mùa đông.

(Lời việt: Huy Phong dịch)

 

NGUYỄN THIÊN NGÂN