40 gương thành công - Chương 25 + 26

25. Connie Mack

Bạn đã nghe tên Cornelius Mc. Gillicuddy? Chắc chắn có, vì về môn dã cầu, ông là người nổi danh nhất. Từ năm 1883, ông thành một nhà nghề, lúc thì chơi, lúc thì điều khiển. Người ta gọi ông là Connie Mack, và trong giới dã cầu, ai cũng mến ông. 

Ông là người có công nhất với môn dã cầu. Khi ông vô nghề thì môn đó là một trò chơi tàn nhẫn, ồn ào, xấu xa. Nhờ những quy tắc và gương tốt của ông nó biến thành một môn thể thao lương thiện, có ích, một môn thể thao toàn quốc của một trăm rưởi triệu người. 

Ông sanh năm 1862, hồi mà Lincoln làm Tổng thống. Hiện nay ông còn chơi banh hay hơn nhiều thanh niên, mặc dầu ông đã chơi từ... năm nào, chính ông cũng không nhớ nữa, chỉ biết là trên bảy chục năm rồi. 

Trong một cuộc phỏng vấn, ông bảo tôi rằng đời ông chỉ là một vụ nghỉ dài hạn. Luôn luôn ông ngạc nhiên tại sao người ta lại trả tiền cho bọn người lớn chơi một trò chơi rất vui, là trò dã cầu kia chứ. 

Năm ông hai mươi tuổi thì thân phụ ông mất, ông phải vô làm trong một xưởng đóng giày để nuôi gia đình. Mỗi tuần ông lãnh được mười Mỹ kim và ông phải đi bộ năm cây số sáng chiều để tiết kiệm một cắc xe đem về đưa cho mẹ. 

Ông ghét đóng giày và chỉ thích dã cầu, và ông đã quyết định một cách khôn là làm cái gì mình thích để kiếm ăn. Nhưng bà cụ không muốn vậy, bà cụ tức giận, mà không phải vô lý vì cả gia đình trông cậy ở ông, mà ông đóng giày còn có tiền công nhất định, chứ chơi dã cầu thì có ai trả cho ông xu nào không? Không, tuyệt nhiên không. Vậy thì trong nhà lấy gì chi tiêu? Ngày nay mỗi lần nhớ lại hồi đó, ông Connie cũng tự hỏi mình sao lại liều lĩnh như vậy. 

Mới đầu nhập đội East Brookfield trong liên đoàn Massachusetts. Không người nào trong đội được lãnh lương vì đội không kiếm được tiền đều đều. Lại coi khỏi phải trả tiền. Họ chơi trên một khu đất hoang và khi chạy họ thường đạp nhầm những vỏ hộp, mảnh sắt, yên ngựa quá rách. Chơi xong họ xin tiền khán giả nhưng họ chưa chìa nón ra thì đám đông đã tan như tuyết dưới ánh nắng. Mỗi chiều thứ bảy, Connie cũng chia được ít cắc bạc mà khán giả thương tình liệng vào nón. Chỉ được vậy thôi. Khi nào quĩ của đội nghèo quá thì đội tổ chức một hội đồng quê vào coi phải trả tiền. 

...Vậy thì bí quyết thành công của Connie Mack trong việc điều khiển dã cầu là ở đâu? Eddie Collins người đã chơi lâu năm trong đội của ông, biết rõ bí quyết đó. Collins bây giờ là phó hội trưởng và nhà dìu dắt Liên đoàn Boston, bảo rằng Connie thành công không nhờ sự hiểu biết rộng thuật chơi dã cầu mà nhờ hiểu lòng người. Ông biết hướng dẫn, khuyến khích bạn đồng đội. Khó mà kiếm được một người trên khắp thế giới có tài giúp người khác dùng hết khả năng của họ như ông. 

Ông gốc gác ở Ái Nhĩ Lan, cho nên người ta có thể ngờ rằng đó là một thiên tư của ông. Nhưng sự thực thì ba năm đầu trong nghề, ông đã thất bại thảm hại. Đội của ông đứng hàng thứ sáu, rồi thụt xuống hàng thứ bảy, sau cùng xuống hàng cuối. Connie Mack khác người ở chỗ không cho rằng thất bại là tại các bạn chơi dở. Ông tự nhận lỗi về mình, vì ông không biết điều khiển. Sau ba năm dìu dắt một đội dã cầu rất quan trọng ông xin thôi, trở về chơi trong đội Milwaukee để có thì giờ và cơ hội nghiên cứu vấn đề này: làm sao cho người trong đội chơi như ý muốn của ông. 

Rồi ông lại vào những đội quan trọng hơn, khéo dìu dắt và lập được những đội chơi hay nhất thời đó. Trước khi đội danh tiếng New York Yankees ra đời, thì không đội nào chiếm được nhiều giải vô địch trong xứ và giải vô địch thế giới như của ông. 

Tài lớn nhất của ông là gợi được lòng hăng hái của người khác. Bạn hỏi tôi bằng cách nào ư? Có gì đâu? Ông bẩm sinh có lòng yêu người. Ông rất tự nhiên. Mỗi lời ông đều phát từ đáy lòng ra. Ông nói với tôi: 

- Luôn luôn tôi rán tìm một lời để khen mỗi bạn. 

Không khi nào ông làm cho các bạn ông thất vọng. Ông rán dùng lời khuyên, như khuyến khích, chứ không chỉ trích, rầy la, để họ chơi hay hơn. Đây là một thí dụ: Khi Eddie Collins mới ở trường ra nhập đội Athletics thì chưa biết gì về thuật nhào vào banh, Connie bảo Eddie: 

- Anh đã thấy Cobb nhào vào banh chưa? Hắn nhào khá đấy phải không? 

Eddie đã thấy lần nào đâu, nhưng từ đó để ý nhận xét, tập tành mỗi ngày, mỗi giờ cho được như Cobb và rốt cuộc thành ra chơi giỏi vào hạng nhất. 

Connie cũng cho biết một quy tắc rất quan trọng nữa trong việc dìu dắt người là không bao giờ vạch lỗi của ai trước mặt những bạn khác hoặc người lạ. Ông nói: 

- Chỉ trích ai trước mặt người khác thì không gây được thiện chí mà chỉ gây lòng phản động. 

Lại thêm kinh nghiệm dạy ông rằng phải đợi ít nhất là hai mươi bốn giờ rồi mới nên vạch lỗi lầm cho các bạn đồng đội. Mới đầu ông không hành động như vậy, hễ trận nào thua thì ông chỉ trích bằng giọng chua chát ngay khi các bạn mới chơi xong và đương thay đồ. Sau ông thấy rằng mới ở sân banh ra, ông khó giữ được miệng lắm, nên quyết định chơi xong về nhà liền, đợi hôm sau mới gặp các bạn và thảo luận. 

Ông cũng tránh sự bắt người khác làm theo ý ông mà để các cầu thủ già tự giải quyết vấn đề của họ tùy ý họ. Ông nhận thấy rằng điều tốt cho người này không nhất định tốt cho người khác. 

Chẳng hạn năm 1913, sau khi ăn giải vô địch trong xứ rồi mà còn lâu mới mãn mùa chơi, ông định cho hai cầu thủ, Plank và Benoder nghỉ ngơi trước khi dự vào cuộc tranh giải vô địch thế giới. Ông cho họ nghỉ mười ngày để họ tự ý muốn làm gì thì làm. 

Mà họ làm gì? Benoder vẫn luyện dã cầu, ngày nào cũng tới sân tập dợt hoặc dạo chơi chung quanh sân. Plank trái lại, không mò tới trái banh, về trại ruộng ở gần Gettysburg để câu cá và thơ thẩn. Hai người đó là những cầu thủ lão luyện, họ biết nên làm cách nào thì có lợi cho họ. Nhờ vậy khi tranh giải vô địch thế giới, họ rất sung sức, chơi rất hay. 

Mặc dầu ông là nhà dìu dắt vẻ vang nhất trong lịch sử dã cầu, cũng đã có nhiều lần ông chịu nỗi cay đắng thất bại: trong tám năm liền, đội ông đứng hạng chót, chưa có nhà dìu dắt nào như vậy mà cũng chưa có nhà nào trong tám năm thua tám trận. 

Ông có lo lắng về điều đó không? Bây giờ thì không, nhưng ông thú rằng hồi mới vào nghề, mỗi khi thua liên tiếp là ông mất ăn mất ngủ. Rồi một hôm ông hết lo, hôm đó cách đây hai mươi lăm năm. Tôi tò mò muốn biết ông làm cách nào. Ông đáp: 

- Có gì đâu. Tôi thấy rằng lo lắng hoài như vậy sẽ có hại cho nghề dìu dắt của tôi. Tôi tin rằng nếu tôi cứ tiếp tục lo lắng như hồi đó thì bây giờ tôi đã ngoẻo rồi. Tôi đã hiểu như vậy là điên, và tôi rán sức tập trung tư tưởng vào việc tìm cách thắng trong những cuộc đấu sau đến nỗi không còn thì giờ nghĩ ngợi về những thất bại đã qua nữa. Nhiều người tới bốn chục tuổi là sa lầy vào ao tù thói quen; mà Connie Mack tới tám chục tuổi còn rán tránh tật đó, đến nổi mỗi ngày ông đổi đường đi tới phòng giấy, không chịu dùng quen một con đường nào. Ông cho rằng sở dĩ ông sống lâu, không tàn tật mà sung sướng là nhờ nhiều yếu tố: 

Ông được di truyền một thể chất mạnh mẽ. 

Ông lại nghỉ ngơi nhiều. Đêm ngủ mười giờ mà chiều vẫn ngủ thêm một giấc ngắn nữa. Nếu đội banh của ông chơi trên sân nhà thì ông về phòng giấy riêng, khóa cửa lại, cắt điện thoại ngủ nửa giờ. 

Sau cùng ông ăn uống rất điều độ, rán giữ cho đừng ốm quá hoặc mập quá. Đôi khi ông cũng uống rượu. Nhưng có lần trong một cuộc hội họp gia đình, có đông đủ người con và mười sáu đứa cháu, ông vui vẻ uống hai ly "cốc tay"; người nhà trách đ ùa ông quá chén, ông cầm ly la ve ở trên bàn, nói: 

- Các người coi này, lão uống ly này là ly cuối cùng đây. 

Năm đó là năm 1937. Từ hồi ấy ông không hề nhấp một chút rượu nào nữa. 

Sanh từ hồi nội chiến (1) mà bây giờ Connie Mack vẫn chưa tính chuyện nghỉ ngơi. Ông bảo: 

- Tôi không giàu có gì. Tôi chưa thể nghỉ được, còn phải tiếp tục làm việc. Nhưng khi nào mà tôi lẩn thẩn, kể lại hoài một chuyện thì tôi sẽ về vườn. Lúc đó, tôi biết rằng tôi đã già rồi. 

26. Howard Thurston

Cách đây nửa thế kỷ, trong một đ êm lạnh, một đám đông khán giả từ trong rạp Mc.Vicker ở Chicago ùa ra đường. Họ vui vẻ, cười nói vì đã được coi nhà ảo thuật danh tiếng Alexander Herrmann làm trò. 

Một em nhỏ đứng trên vỉa hè, lạnh run lên, rao bán tờ Chicago Tribune. Thực tội nghiệp cho em: không có áo lạnh, không có nhà, mà cũng không có tiền để mướn một cái gường nữa. Đêm đó, khi khán giả đã về hết, em lấy báo quấn vào người rồi ngủ trên một cái rá lò bằng sắt để hưởng nhờ một chút hơi nóng của lò đặt dưới hầm, trong một lối đi phía sau rạp. 

Vừa đói vừa lạnh, em nằm, tự nguyện sau này sẽ thành một nhà ảo thuật. Em mơ ước được khán giả vỗ tay khen, được mặc áo lót bằng lông thú và được những thiếu nữ đứng đợi em ở cửa rạp. Và em thề rằng khi nào đã thành một nhà ảo thuật nổi danh, em sẽ trở về diễn ở rạp đó. 

Em nhỏ đó là Howard Thurston và hai chục năm sau em thực hành được đúng sở nguyện. Khi diễn xong, Thurston đi vòng ra sau rạp và tìm được tên mình khắc tại đó hồi còn là một trẻ bán báo đói, không nhà không cửa. 

Lúc chết, vào năm 1936, Thurston đã thành ông vua trong nghề ảo thuật. Trong bốn chục năm cuối cùng, ông mấy lần đi khắp thế giới, tới đâu cũng làm khán giả say mê vì tài ông. Hơn sáu chục triệu người coi ông diễn và ông kiếm được gần 400.000 Anh kim. 

Hồi ông gần mất, tôi được coi ông diễn một lần. Diễn xong, ông vô phòng thay đồ và kể cho tôi nghe hàng giờ về đời sống đầy chuyện ly kỳ lạ lùng không kém những ảo thuật của ông. 

Lúc nhỏ, có lần ông bị cha đánh đập tàn nhẫn vì ông cho ngựa chạy mau quá. Ông tức giận, bỏ nhà ra đi. Cha mẹ ông tưởng ông chết, mãi năm năm sau mới được tin tức về ông. 

Mà lạ lùng là sao ông không bị giết, vì ông đi lang thang, đeo vào những xe chở hàng, ăn xin, ăn cắp, ngủ trong lẫm lúa, trong đống cỏ khô hoặc trong những nhà hoang. Ông bị bắt mười hai lần, bị săn đuổi, chửi rủa, đánh đập, liệng từ trên xe xuống đất, có lần người ta nhắm ông mà bắn nữa. 

Ông thành một chú nài, một tên cờ bạc. Năm mười bảy tuổi, ông trôi tới Nữu Ước, trong túi không có một xu mà không quen thuộc một ai. Rồi một việc xảy tới. Ông len lỏi vào một đám đông nghe một nhà truyền giáo giảng đạo. 

Ông cảm động quá, từ hồi nhỏ chưa lần nào kích thích như lần đó. Ông thấy những tội lỗi của ông. Và ông bước lại bàn thờ, nước mắt ròng ròng trên má, ông xin vô đạo. Hai năm sau, tên du thủ du thực hồi trước đã đứng ở một góc đường tại Chinatown để giảng đạo. 

Hồi đó ông sướng vô cùng, vừa làm việc vừa học đạo. Ông mười tám tuổi. Trước kia ông chưa được đi học trên sáu tháng; nhờ coi những chữ ghi trên các xe chở hàng, và trên đường xe lửa, rồi hỏi bạn cách đọc mà lần lần biết đọc. Nhưng ông không biết viết, không biết toán, cũng không biết đánh vần. Thành thử bấy giờ, ngày thì ông phải học đạo ở trường Bible School, và học tiếng Hi Lạp, học môn vạn vật, đ êm thì phải học đọc, học viết, học toán. 

Sau ông quyết định làm một nhà truyền đạo chuyên về y học, và sắp vô trường đại học Pennsylvania thì một việc nhỏ xảy ra làm đời ông thay đổi hẳn. 

Đi từ Massachusetts tới Philadelphia, ông phải đổi xe lửa ở Albany. Trong khi đợi xe, ông vô một rạp hát coi Alexander Herrmann diễn trò ảo thuật. Ông từ trước vẫn thích ảo thuật, nên lần đó muốn được nói chuyện với Herrmann. Ông lại khách sạn, mướn một phòng sát phòng của Herrmann, ông đặt tai vào lỗ khóa nghe ngóng, đi đi lại lại ở hàng lang, rán thu hết can đảm để gõ cửa, nhưng không dám. 

Sáng hôm sau, ông theo nhà ảo thuật ra ga, và đứng trân trân ngó Herrmann, vừa kinh, vừa sợ. Herrmann đi Syracuse; ông thì phải tới Nữa Ước, và đáng lẽ mua giấy đi Nữu Ước, thì ông lại mua lầm giấy đi Syracuse. 

Sự lầm lộn đó thay đổi đời ông, làm ông đáng lẽ là một nhà truyền giáo thì thành một nhà ảo thuật. 

Hồi ông đương thịnh, ông làm trò mà kiếm được mỗi ngày hai trăm Anh kim (...) 

Ông bảo rằng nhiều người biết về ảo thuật cũng bằng ông. Vậy, ông thành công là nhờ cái gì? 

Nhớ ít nhất là hai điều. Điều thứ nhất, ông có tài đem cá tính của ông lên sân khấu. Ông hiểu bản tính của con người, và ông cho rằng đức đó cũng quan trọng như sự hiểu biết về ảo thuật. Mỗi cử động của ông cả khi ông đổi giọng hoặc khi ông ngước mắt, đều được ông tính toán kỹ lưỡng từ trước, và làm đúng lúc, không sai một phần giây. 

Điều thứ nhì là ông yêu khán giả. Trước khi kéo màn, ông nhảy nhót ở hậu trường sân khấu, cho thêm phần hăng hái... Và luôn luôn tự nhủ: "Tôi yêu khán giả, tôi muốn làm họ vui. Tôi sung sướng. Tôi sung sướng". 

Ông biết rằng nếu ông không sung sướng thì không làm cho người khác vui thích được.