Những đống lửa trên vịnh Tây Tử - Truyện 36 - Đồng cỏ xanh đã mất

Mẹ tôi ốm từ đầu mùa đông, hồi ấy tôi còn đang học năm thứ ba đại học N. Nhà neo người, cả ngày không nghe tiếng nói. Buổi sáng tôi ở trên giảng đường, trong nhà chỉ có con Mi già ho sù sụ cào chân lên cửa đòi ra và con mèo thỉnh thoảng nhảy lên giường, dụi đầu vào tay mẹ kêu rù rì. Mẹ mách khi tôi về đặt tay lên trán mẹ: "Con mèo này làm mẹ mất ngủ!". 

Và than vãn rất nhiều chuyện nhỏ nhặt khác. Về sau này không nói được nữa thì mẹ nhìn theo tôi, ngoái nhìn cho hết tầm mắt dù không còn nhận ra là ai, dù không còn hiểu gì. Rồi cứ thế mà tắt đi chậm rãi như ngọn nến lụn. Trong tiết thanh minh, cỏ ngoài đồng xanh rờn, đọng muôn vàn những hạt sương móc bé xíu trong vắt. Trong mỗi quả cầu long lanh ấy chứa đựng cả trời đất rộng rãi và sự sống - cái chết mỏng manh, thoảng qua như gió. "Xin lỗi ngọn cỏ dưới chân. Ta dẫm lên mi chốc lát, mi dẫm lên ta ngàn đời". Có phải vậy không? 

Tôi bỏ học từ dạo đó, lăn vào đời kiếm tiền nuôi mình và nuôi mơ ước một tình thân quyến luyến và bền chặt đủ để tôi tin cậy, để tôi còn đi tới. Ông hàng xóm xin con Mi già để sáng sáng dắt nó cùng đi tập dưỡng sinh ven Bờ Hồ với ông. Con mèo chạy đâu mất trong ngày tôi ra ga lên tàu vào Sài Gòn kiếm việc. Bức tường bên cạnh có một lỗ hổng, tôi rút nửa hòn gạch vỡ ra, giấu chìa khoá vào trong rồi đặt hòn gạch lại như cũ. Hồi bé, tôi thường giao hẹn sẽ cất chìa khoá ở đây cho mẹ về lấy. 

Giờ suốt đời mẹ sẽ không về nữa. 

Bao nhiêu năm đã trôi qua, giờ tôi lớn rồi và tôi phải đi đây. Chào nhé những ước mơ đầu đời bé bỏng. 

Tôi chơi với Quy, thân nhau ngay từ những ngày đầu tiên đi làm. Quy với tôi cùng vào nhà máy xin việc một ngày. Lúc đó tôi nhớ nó ngồi ở đầu bàn, tóc cắt ngắn, mặt trông rất ngộ. Nó lại còn nhìn tôi cười. Thế là sau đó khi nó xuống kho làm kế toán, tôi lên văn phòng làm xuất nhập khẩu, mặc nhiên hai đứa con gái chơi với nhau. Quy từ Quy Nhơn vào Sài Gòn, gia đình tôi ngoài Bắc, cả hai đều đ-ược ông sếp Đài Loan thích, vì... nhà ở xa thế không dám tự dưng bỏ việc. Những anh chị đến trước tôi không ai trụ được quá một năm. Phần bị sếp đuổi, còn lại phần đông làm cực quá chịu không thấu. Vào làm được năm bữa Quy bảo tôi: 

- Đừng ăn với "bọn" văn phòng nữa, từ mai Quy vào bếp sớm lấy suất ăn cho cả hai đứa, mình vào kho ăn riêng ra! 

Quy cười, mắt tít lại bằng hai sợi chỉ, rất vô tư. Tôi đồng ý ngay vì bữa trưa công nhân ra đông nghẹt, tranh nhau lấy một suất cơm nguội ngắt ra sân tìm một chỗ ngồi ăn. Mấy trưa tôi đã bỏ bữa, nằm nhìn lên trần nhà có hai con thạch sùng đuổi nhau giành ăn, để đỡ phải ra ngoài nhìn cảnh đó mà ứa nước mắt. Ăn ở giữa những cuộn da khổng lồ đầy bụi bặm dù sao cũng dễ chịu hơn. Lại có đứa bạn để mình trêu chọc nữa mới hay. Vừa xúc cơm Quy vừa nói: 

- Tối nay khi tan ca bấm thẻ thay Quy. Đúng tám rỡi nhé! Lúc năm giờ Quy có cái hẹn rồi mà! 

- Thẻ ai người nấy bấm, sếp biết thì sao? 

- Tớ bỏ giỏ xách lại. Giờ cơm chiều sẽ xin bảo vệ ra ngoài. Được rồi thì chỉ việc ngồi lên xe đi. Tự do rồi bạn ta ơi! 

-Á à, thế là ngồi lên xe của ai đây hả? Trời ơi trời, giấu ta mãi được không? 

Quy giấu tôi sao nổi về người con trai vẫn bần thần chờ bạn tôi ngoài cổng xí nghiệp cả giờ đồng hồ. Tụi này hồi bốn tuổi đã ngồi chơi đồ hàng với nhau ở lớp mẫu giáo. Vào Sài Gòn học tới năm cuối đại học vẫn chưa rời nhau một ngày. Quy coi vậy là đã có nơi có chốn rồi chứ đâu có lông bông như tôi. Tôi với anh Danh ngồi quán cà phê, nếu Danh không than chuyện "tụi nó" cạnh tranh, tôi không kể chuyện ở chỗ làm là chẳng biết nói gì cùng nhau. Trước ly cà phê nguội ngắt cùng ngồi im như những người có lỗi. 

Tối đó là sinh nhật Danh, hai đứa phá lệ đi chơi quá mười giờ đêm. Danh ở tỉnh về đâu có bạn bè ở trên này. Tụi tôi có ghé qua chỗ Quy mà nó đi chơi với bồ chưa về, hai đứa đành loanh quanh mấy con đường sáng lấp lánh đèn màu khách sạn rồi về nhà, lại băng qua khu chợ đêm tù mù ánh đèn dầu mấy hàng hột vịt lộn và ngập đầy rác rưởi. Bà chủ nhà tôi trọ có dáng người rất bệ vệ, đã giao hẹn tr-ước là cứ quá mười giờ đêm sẽ không mở cửa. Đứng dưới cột đèn đường, Danh vặn ngược cây kim đồng hồ lui lại hai mươi phút cho tôi, còn đứng nhìn theo mãi mới nổ máy xe. Mẹo vặt này xem ra không cần thiết vì bà chủ vẫn ngồi chễm chệ xem cải lương phát trên kênh 7, nước mắt chảy cả xuống mũi miệng, trông thật tức cười. 

Tôi quen mặt nhiều công nhân trong xí nghiệp. Trong số đó rất thích một cô bé tóc cắt ép sát ót, khuôn mặt dễ thương hay qua kiểm hàng phụ tôi, tên Thu. Thu nhà gần xí nghiệp, cuối cù lao Nguyễn Kiệm trong xóm lao động nghèo, học hết lớp 11 thì nghỉ ngang, xin đi học nghề uốn tóc, mãi rồi mới vào đây. Cái thẻ treo trên túi áo vẫn dán tấm hình hồi đi học, mặc áo dài trắng, buộc tóc qua một bên cặp nơ cười ngượng nghịu. Bữa nào kiểm hàng tôi đứng bên này bàn mở hộp giày cho khách kiểm, Thu đứng bên kia khui thùng, có lúc lom khom vác thùng giày về kho. Làm sao mà cứ nhìn tấm hình học trò cặp trên ngực áo Thu tôi lại thấy buồn một mình. Kỳ lạ chưa? 

Có một anh chàng dưới Quản chế luôn rình lúc tôi gò lưng đạp xe qua cầu thì tới chìa một chân đẩy hộ cái xe, rồi làm như tiện thể đẩy xe tôi chạy thẳng một mạch tới xí nghiệp. Khốn nỗi cái xe cào cào chạy máy hai thì của cậu ta nổ bành bạch như khoe với thiên hạ làm tôi xấu hổ, đỏ mặt tía tai ức muốn chết. Mãi cho tới một ngày tôi bảo : 

- Anh có muốn tôi sẽ ghi điểm danh cho anh đi trễ không? 

Sau buổi ấy anh chàng mang thẻ số 53 không làm phiền tôi nữa. Tôi nghĩ cậu này nhát thật. Quy bảo cậu này biết điều, công nhân mà dám đeo theo "người văn phòng" sao? Quy nói một câu mà tôi buồn mất mấy ngày. Đi qua tổ Quản chế vẫn thấy anh chàng đeo thẻ 53 ngồi cặm cụi kiểm mặt giày, thấy tôi tới gần cậu ta cúi gằm mặt, vờ mê mải làm việc. Tôi bối rối quá, giá biết tên để tôi có thể gọi cậu ta khe khẽ, bảo cậu lần sau cứ đẩy xe tôi đi cũng được, tôi không giận đâu. Nhưng lẽ nào lại gọi: "Số năm ba ơi!" 

Đời cứ thế qua! Có nhiều chuyện tưởng là nhỏ, tưởng đã quen đi và cứ thế mãi mãi, như khuôn mặt buồn buồn và trống rỗng của Danh bên tách cà phê những sáng chủ nhật, như mái tóc số 53 rủ xuống cặm cụi bên đống thành phẩm xếp chất ngất. Như đôi áo đồng phục tôi mua cho tôi với Quy, mặc lẫn vào màu áo hàng ngàn công nhân. Thế mà đến một ngày, khi nhìn thấy cậu ấy đi ra cổng, mái tóc vẫn rũ xuống như khi ngồi gò lưng trong phân xưởng chật chội, để lại thẻ 53 trên bàn tổng giám đốc, có gì xót xa vọng lại trái tim tôi. 

Người mới tới ngồi vào chỗ của số 53 cũ, không thèm ngẩng đầu nhìn bất cứ ai đi qua. Người mới tới suốt ngày làm hùng hục, sợ một sơ suất nào đó sẽ đẩy anh ta ra khỏi chỗ làm này. 

Tôi với Quy đã thân nhau lắm, bữa lĩnh lương hai đứa chở nhau vòng vèo đi ăn hủ tiếu, len lỏi vào sâu những con hẻm lầm lụi gần chân cầu Ông Lãnh. Ở đâu đâu nghe đến nơi này thì sợ, nghĩ đến những vụ cướp giật trắng trợn. Chứ tôi về trọ ở đây, đi làm cùng người ở đây, chỉ thấy họ sống tình cảm và thật thà. Nhìn những chiếc xích lô biển Q4xxx ngủ đậu bên hông chợ, dòng kênh đen sau lưng từng dãy nhà gỗ tồi tàn, sao thân quen và hiền lành, để tôi có những nỗi xúc động ấm áp mà dù cùng Danh ngồi bao nhiêu quán Bar, thử uống qua bao nhiêu thứ rượu ngoại cũng không thể nào gặp, không thể nào kiếm ra. Nên tôi lưỡng lự khi Danh ngỏ lời yêu tôi. Trưa ấy, tôi không tài nào chợp mắt được. Những cuộn da xếp dưới lưng bốc lên mùi nồng ngai ngái trong trưa hè oi bức. Quy quay sang tôi nói, giọng rạch ròi: 

- Danh có nhà riêng, kiếm được tiền, lại chiều Bình nữa. Còn đòi gì hơn? Bạn tôi còn muốn gì hơn? Hay Bình muốn anh Danh cũng phải đẩy xe cậu lên dốc bằng xe gắn máy hai thì? 

À, hoá ra là vậy. Đúng vậy đấy Quy ơi, tôi đã tìm kiếm, đã cố công chờ đợi một chút gì như sự cảm thông từ người con trai ấy. Quy đang cười một mình, tôi nhìn ra ngoài nghĩ ngợi. Chà, sao từ khi vào đây kiếm sống tôi cứ lén chảy nước mắt như thế này nhỉ? 

Lúc trước tôi với Quy còn hay đi cùng anh Nhân, người Hoa Kiều làm phiên dịch dưới phân xưởng. Anh này gầy nhom mà hễ đi lĩnh suất cơm trưa, gặp anh là anh lựa món ngon nhất trong cà mèn gắp sang cho hai đứa, phùng má trợn mắt bắt phải lấy. Không lấy thì anh giận, lần sau không rủ trốn ra ngoài uống cà phê nữa. Tôi vẫn bảo: 

- Cà phê đắng lắm, có ngon gì đâu! 

- Ở đây khổ lắm, có gì sung sướng đâu! 

Anh Nhân nói rồi cười mim mím, ý hỏi vậy sao cứ làm ở đây mãi thế! Tưởng anh nói đùa, một thời gian sau không thấy tới xí nghiệp nữa. Trước lúc đi có tìm tôi, bảo anh đi đây, có chỗ này lương cao gần nhà. Anh sẽ tìm hai đứa sau, rủ hai đứa đi uống cà phê nữa chứ! Có người ở văn phòng bảo, một hôm anh phôn tới tìm mà tôi đi ra hải quan cảng. Còn nhớ bữa trưa sau cùng trốn ra ngoài xí nghiệp, anh Nhân chê tôi uống một tách trà cũng ngẫm nghĩ nó có vị gì. Rồi khổ lắm, sống với ai cũng thấm thía mọi hạnh phúc và mất mát ở cuộc sống ấy. Tôi chối, bảo: 

- Không đâu, tại em cứ hay nghĩ ngợi nên thành ra thế. Chứ sống chẳng tha thiết, chẳng sân si gì thì cũng chẳng sao! 

Tôi định bảo "sống như Quy" mà kịp dừng lại. Chờ mãi không thấy anh Nhân phôn lại, công việc thì ngập lút đầu. Giám đốc ra nội quy mới, trốn khỏi xí nghiệp trong giờ nghỉ trưa đi uống cà phê bị phạt. Thế là hết, khi một bữa Quy kết thúc nỗi nhớ của tôi bằng câu: 

- Bình với ai cũng có vẻ lưu luyến nhỉ! 

Mùa thu phương Nam thật kỳ lạ. Nắng chói chang rồi cứ chiều mưa đổ rào rào, kéo qua đêm rả rích. Buổi sáng khoác thêm tấm áo mỏng, đạp xe vào xí nghiệp qua những dãy nhà dựng bằng ván bên bờ kinh Tàu Hủ thấy lại có gì mới mẻ, sáng lên bên trong cái vẻ lụp xụp nghèo khổ kia. 

Bà chủ nhà tôi trọ không khắt khe như trước nữa. Sau một thời gian thấy tôi ngoan ngoãn, ngày nghỉ xắn tay áo cọ sàn lau bếp, đánh sạch cái nền buồng tắm đầy rêu, lại đưa đón hộ bà đứa cháu ngoại học lớp hai thì bà quý lắm, giao hẳn cho một chìa khoá nhà để đêm về không phải gọi cửa. Trông bà ấy tuy hơi mập nhưng nhìn kỹ cũng duyên dáng đáo để. 

Có điều bây giờ tôi không có cớ về khuya. Danh chẳng đến nữa. Danh đi tìm người con gái nào biết tán thưởng anh, biết khâm phục anh. Và hơn nữa biết cách đón nhận những ràng buộc êm ái. 

Mỗi cuối tuần có thêm tôi ngồi xem cải lương cùng bà chủ nhà. Thường tôi bỏ lưng chừng, ra ngoài ban công đứng nhìn xuống phố. Những cô đào diêm dúa ngượng ngùng cúi mặt xuống khi gặp trang tuấn kiệt trên ti vi kia, sao chẳng có chút liên hệ nào với vui buồn đời tôi? 

Cô bé Thu tóc sát ót vẫn phụ tôi kiểm hàng, vào kho kiếm giày mẫu đã bị cả dây hàng đổ chồng lên. Vốn đó không phải là việc của em, nhưng thủ kho lấy nhầm mẫu kiểm, tôi bực, quát um hết lượt mọi người, cả Thu và mấy người bốc vác. Lúc đó thấy Thu tức tưởi quay đi về kho, tôi đã ngờ ngợ. Đến lúc mọi người xôn xao, tôi chạy tới đã thấy Thu ngất xỉu, mặt trắng bệch. Mọi người cuống cuồng bới đống thùng ra xốc Thu chạy đi, tôi nhặt tấm thẻ công nhân rơi dưới đất, đi theo chẳng biết làm gì. 

Tấm hình gắn trên thẻ vẫn cứ nhìn tôi ngượng nghịu, tóc buộc qua một bên. Thu ơi, có còn ở ngôi trường xưa nữa đâu, sao em không thay một tấm hình khác đi? 

Giữa tháng chín Quy đột ngột quay về trường đại học Kinh tế học nốt năm cuối cùng. Ba tháng hè đi làm đã đủ cho Quy kiếm ra học phí năm nay. Thế là Quy bỏ tôi đi, vẫn nhớ dặn bảo vệ đưa trả lại tôi tấm áo đồng phục ngày nào tôi mua cho hai đứa mặc. 

Chỉ vẻn vẹn có thế. 

Tôi cầm cái áo đi ngang khoảng sân đầy nắng vàng, đã lác đác những lá khô rơi đâu đó trên những vết xe khô bùn, lòng hoang mang tự hỏi không biết nên nghĩ về Quy thế nào. Phải tôi đã cả nghĩ, đã luôn sống một cách mẫn cảm và thấm thía? 

Tôi đi vào phòng sếp nhiều lần, thỉnh thoảng vẫn tần ngần đứng chỗ ô kéo đựng đầy những thẻ cũ, cầm lên tay ảnh Quy, anh Nhân và cả ảnh của số 53 ngày nào. Mọi người luôn nhìn thẳng vào tôi, nhìn đi vô tận. Dù những người ấy giờ đây đã xa lắc, đã chìm đi và quên rất nhiều trong cuộc đời mênh mông này. 

Đồng cỏ xanh đã mất