Những đống lửa trên vịnh Tây Tử - Truyện 37 - Ngày Mai ( Hết )

Tôi trọ ở lầu ba, tận cùng một con hẻm nhỏ Quận 1, cửa sổ trông xuống dãy phố vắng người. Những chiều mưa thường có hai ông già bắc ghế ngồi đánh cờ dưới mái hiên của Xí nghiệp thuỷ sản ngay bên kia đường. Nhiều hôm ván cờ kết thúc khi chiếc xe tải nhỏ bấm còi ầm ĩ xin đường vào. Cho đến ngày tôi rời khung cửa này, thu xếp đồ rời qua chỗ trọ khác, trong một chiều mưa tháng Tám vẫn còn thấy hai ông ngồi trầm ngâm trước cái ghế thấp, im lặng qua tiếp một buổi chiều trong tiếng xe cộ ồn ào từ ngã ba vọng lại. 

Những ngày đầu mới tới thành phố tôi được ở nhờ nhà hai ông bà cụ người miền Trung, cũng đã thức hàng đêm nghe tiếng lách cách mời chào của đứa bé rao hủ tiếu gõ đi qua trước cửa nhà. Tưởng tượng mình trở dậy, xỏ dép đi khẽ qua khoảng sân ướt để hé cửa nhìn cho được dáng người loắt choắt đi trong đêm vắng, nghe cả tiếng người nói léo xéo, tiếng vòi nước chảy rộ ở nhà bên cạnh có bụi găng ngả từng chùm quả nặng chĩu qua rào sắt. 

Mỗi buổi sáng giàn cây leo thả lá rụng đầy một khoảng, ông cụ thức dậy sớm mở vòi nước cho đám lá trôi về phía cái cổng cuối sân. Lúc ấy bắt đầu một ngày mới ! 

Hoàng hơn tôi một tuổi, mang trong mình tám mươi phần trăm dòng máu người Hoa, cao và gầy như cây tre. Khuôn mặt Hoàng nhiều nét tròn hiền lành, đuôi mắt lại xếch như phần lớn con trai người Tiều tôi gặp, làm cho cái nhìn của anh chằm chằm như cái nhìn của con mèo trắng trán đen hay nhảy vào phòng tôi lục lọi. Hoàng kêu hai ông bà chủ nhà bằng bác. 

Lần đầu tiên đứng đợi tôi đi làm khuya về dưới mái hiên nhà bên cạnh, tóc Hoàng ướt đẫm nước mưa, cái bánh bao ủ sâu trong áo cũng nguội ngắt từ bao giờ. 

Ông bà cụ trước khi về Quy Nhơn ở với cậu con trai út đã hỏi tôi bao giờ tìm được chỗ trọ mới. Hoàng tìm cho tôi căn gác tận lầu ba kia, rồi chuyển sang một căn phòng bé xíu ở tít cuối Quận 4. Ở đó, khuya về phải qua những quãng phố vắng tanh không người ở, nên cuối cùng tôi dạt về trọ ở gần chân cầu Calmette. Đồ đạc dọn qua dọn lại nhiều chỉ còn nhét đủ ba lô đeo sau lưng. Tôi với Hoàng vẫn còn những tối rảnh đi cùng nhau, nhưng sao da diết một điều gì trôi qua không thể nào nắm giữ lại được, như tuổi trẻ, những ngày tươi đẹp... Hoàng ơi, em mệt mỏi lắm rồi ! Không muốn cứ phải về khuya, chuyển nhà và ngồi những quán cà phê rẻ tiền như thế này mãi ! 

Hoàng bất lực nhìn tôi. Dù thương nhau đến mấy Hoàng cũng chỉ đủ tiền cho những ly cà phê đá lễnh loãng buổi tối. Hoặc hơn nữa là giờ nghỉ trưa chạy xe mười hai cây số từ Quận 5 đến chỗ tôi làm, đưa bịch chè nước cốt dừa một ngàn đồng qua khe cổng sắt, nhìn nhau một cái rồi quay xe về nhiệm sở. Hồi mới vào đây, tôi còn hãnh diện vì cả mấy nghìn con gái trong Xí nghiệp, chỉ mình tôi được như vậy. Về sau lại thấy chúng mình quá tội nghiệp, vào đời mà như đi một con đường hẹp, không biết có ngả nào để được rẽ ra hoặc để hi vọng những gì hạnh phúc, thiêng liêng hơn miếng ăn đồng lương hằng ngày. 

Hoàng có hiểu điều ấy không? Có hiểu không mà hôm ấy Hoàng dẫn tôi mò mẫm trên những bậc cầu thang tối tăm của chung cư Cao Thắng, nồng mùi nước tiểu và rác ủ cho đến khi đôi chân tôi leo mười tầng lầu, rã rời quỵ xuống dựa vào Hoàng thì anh mới chỉ cho tôi một trời đầy sao. Cả một bầu trời sao chi chít rực rỡ và sáng lấp lánh như những chùm pháo hoa vỡ ra bất động, lặng im. Và phía dưới đường phố dòng xe tấp nập như dòng sông hoa đăng đổ từ Cống Quỳnh qua Minh Khai, đi mãi, đi mãi bất tận ! Làm sao lúc này Hoàng lại biết tôi đang nhớ giá sách và lũ gấu bông cùng cha mẹ già yếu ngoài Hà Nội? Phải vậy không khi Hoàng chỉ cho tôi thấy cái hạnh phúc lớn lao khi mỗi ô cửa dưới kia đều loé sáng lên một ngôi sao nhỏ? 

Tôi không cô đơn nữa, và công việc ngày càng bận rộn. Những container xếp hàng ngoài sân Xí nghiệp trong mùa giày, qua một đêm phủ đầy lá me. Công nhân mặt bạc ra vì làm việc quá sức, buổi trưa mang suất cơm nguội ngắt ra sân ngồi xổm quanh các xe tải hàng, ăn và tán dóc. Những đêm khuya, Hoàng vẫn tìm được tôi trong đám hàng nghìn công nhân tan ca tuôn ra cổng Xí nghiệp. Nỗi buồn nhiều, còn niềm vui ngắn ngủi. Mỗi tháng gửi tiền về Hà Nội xong tôi lại thấy trong gương mình gầy hốc hác, quần áo sờn đi từng ngày. Nhưng thấm vào đâu khi ở ngoài kia cứ mỗi lúc trái gió trở trời mẹ tôi vật vã vì bệnh hen suyễn, tiền của đổ vào thuốc thang không còn bao nhiêu. Cha tôi già, bưng chén thuốc đến tận giường mẹ tôi còn đánh đổ. 

Chủ nhật, Hoàng chở tôi tới một con đường ngoằn ngoèo phía bên hông chợ Soái Kình Lâm. Hoàng chào những người già bằng câu nói ngắn đầy những ê a. Ngồi giữa những giấy vở, nến, đồ tạp hoá xếp chất ngất, bà cụ nhìn kỹ tôi với cái nhìn hẹp. Hoàng quay qua dịch lại câu nói cho tôi sang tiếng phổ thông, ý hỏi mày đang muốn tìm gì, giọng Hoàng không chuẩn như giọng Bắc Kinh tôi học ở trường. Xem có vẻ Hoàng hay qua phía này bỏ mối hàng nên quen, lựa kỹ cho tôi mấy tập giấy mỏng đóng bìa bên phải, bút lông và mực tàu. Rồi dẫn tôi qua hàng khác tìm cái bát nhỏ nung bằng sành làm nghiên, men xấu lỗ chỗ những vết đen lồi lõm nhưng trong lòng để mộc đỏ tươi như màu gạch. 

Tôi viết chữ Hán khá đẹp, nổi tiếng hồi còn ở trường Đại học, nhưng với bút lông mực tàu lại khác nhiều. -Em thích không? - Vâng. Nhưng em không nghĩ Hoàng lại hoài cổ đến thế! - Hoài cổ mới biết nghĩ, và anh chỉ muốn cho Thương vui! 

Tháng Mười đến nhanh, không có mưa vào mỗi buổi chiều. Lời than trong quán cà phê rẻ tiền ngày đó chỉ tình cờ nhưng hình như Hoàng không tài nào quên nổi. Hoàng không đón tôi những buổi chiều. Sau buổi làm việc anh biến đi một cách bí ẩn. Lúc buồn quá, tôi lên tầng mười khu chung cư Cao Thắng một mình không cần tựa vai ai. Tất cả những vì sao trên trời vẫn sáng, vẫn mãi lấp lánh, như hôm nào có Hoàng ở bên tôi. Gió thổi phần phật qua như có ai kéo áo của tôi, vuốt tóc tôi. Nhắc về một mơ ước giản dị mà đã lâu rồi tôi bỏ quên đâu mất trong chuỗi ngày dài mệt mỏi vì công việc, bận rộn và hờ hững của mình... 

Đúng là Hoàng đã thay đổi. Tập tiền dày hằn lên túi quần sau, cái cười nửa miệng ngạo nghễ trong ánh đèn mờ tối làm tôi sợ. Mới hai tuần đã ở đâu ra con người thực dụng và lì lợm này? Ai chỉ cho Hoàng dẫn tôi vào nhà hàng Caesar, và những bước nhảy ôm sát đến không còn khoảng cách? Tôi đẩy Hoàng ra, loạng choạng quay về chỗ ngồi, nước mắt ướt đẫm má chảy xuống ngực áo lạnh buốt. 

Trên đường về, Hoàng im lặng như biết lỗi, như vừa làm xong một việc quá sức mình. Nhưng tôi không thể giận Hoàng. Không phải anh trả thù tôi, anh đang trả thù những gì mà chúng tôi không thể nào đạt tới được! 

Hết mùa giày, công nhân nghỉ chờ việc vắng hoe. Ông Giám đốc Đài Loan đi qua Văn phòng, kêu tôi lại: 

- Mai mày xuống phòng Giám đốc ngồi, tao đi các nhà máy sẽ mang mày theo phiên dịch! 

Nói xong nhìn xuống đôi chân tôi mơn trớn. Tôi hốt hoảng: 

- Thế còn việc xuất hàng? 

- Làm trợ lý không phải đi xuất hàng nữa! 

Cả Văn phòng chết lặng, nhìn tôi ghen tị và khinh bỉ. Tôi tái mặt nghĩ đến một ngày mai đau đớn, hoặc tiền lương sẽ tăng đột xuất, hoặc cuốn xéo khỏi đây không được lĩnh một xu... 

Hoàng vừa bị đuổi khỏi Công ty anh vì bị phát hiện lén lút mang hàng của chủ khác bán cho đầu mối của Công ty kiếm hoa hồng... Đồng tiền ấm hay lạnh lẽo trong bàn tay người? Đêm qua Hoàng đến gõ cửa phòng tôi, đứng kể lể và khóc rất lâu ngoài cánh cửa đóng chặt. Tôi không đủ sức nói tha thứ, nên đêm nay có lẽ anh đang uống rượu say khướt hay khiêu vũ cùng cô gái nào, ôm chặt đến không còn khoảng cách?... Sao bây giờ tôi lại cảm thấy cô đơn đến thế? 

Lúc thành phố lên đèn, tôi một mình theo những bậc cầu thang tối om lạnh lẽo, nồng mùi rác ủ để tìm lên khoảng trời chúng tôi đã từng hiểu nhau, đã từng mơ ước. Đã thấy muôn vàn những ngọn nến thắp trên nền trời bao la toả ánh sáng xuống mặt đất cô đơn. Nhưng mà hình như đã có ai tìm lên đây trước tôi, dáng cao và gầy đứng lặng im và sững sờ giữa trời đêm gió lồng lộng. Hoàng ơi! 

Khi Hoàng quay lại, mắt anh sẫm lại ấm áp, nhìn tôi như những ngày đầu còn chờ nhau đêm mưa, như những khoảnh khắc lọt giữa phố chợ xô bồ là lớp học Thư pháp nhỏ và ấm cúng, ông thày Tàu già nua cầm tay tôi nhấn nét bút lông đầu tiên lên trang giấy trắng, viết chữ Tâm.

4-1998

Ngày Mai