Những bài học từ người mẹ - Chương 19
Món quà lớn nhất Chúa tặng chúng ta là người bạn tốt, vì đó là thứ tình cảm không có sự toan tính.
Frances Farmer
Mấy người bạn thân của mẹ tôi, có người đã chết, có người vẫn sống ở thành phố New York. Vài trong số đó là phụ nữ. Họ đã già và thần kinh thường có vấn đề do lão hóa. Khi mẹ gọi điện cho họ, có người còn giật mình, tim đập thình thịch. Vì mẹ không học cách phân biệt số cho người mù nên tôi phải thiết lập trước các cuộc điện thoại bà muốn gọi đi.
Những mối quan hệ này rất quan trọng đối với bà. Tôi cần biết trước một tuần để lập giờ cho cuộc gọi tự quay số, lần này vào lúc ba giờ sáng Chủ nhật tuần sau. Mẹ cần phải nhớ chính xác thời điểm lần cuối cùng gọi cho Betty hay Evelyn, hoặc có thể bất kỳ ai. Nếu may mắn thì bạn bà sẽ trả lời, nhưng điều tôi hay nghe mẹ nói là: “Chị không nhớ sao? Tôi đã chuyển đến Florida”, hay mẹ sẽ phải lập lại số điện thoại hàng chục lần vì cuộc gọi đã quay sai số. Mẹ có thể nhớ được các số điện thoại, ngày sinh, các ngày lễ, và một số thông tin quan trọng nhưng mấy người bạn của mẹ thường không nhớ nổi.
Lần nào họ cũng nói những điều na ná như nhau: thời tiết, sức khỏe, dự định của con cái họ. Việc họ nói những điều này cách đây một tháng hay một năm không có gì quan trọng vì chủ đề thường không thay đổi. Đó là những việc đời thường và chẳng đi chi tiết về cái gì.
Tôi nhận ra thế nào là một tình bạn thật sự mỗi lần nghe mẹ nói chuyện, vì mấy người bạn của bà thậm chí còn không biết bà sống ở đâu. Bất kể cuộc sống của chính mình có khó khăn thế nào đi nữa, đầu tiên mẹ sẽ hỏi thăm về cuộc sống của họ. Nghe một bà già mù 85 tuổi tai đã lãng nói chuyện với người bạn trí nhớ rất kém, đó thật sự là bài học cho tôi về cách quan tâm đến người khác. Tôi thấy xấu hổ vì mình rất ít khi gọi điện cho bạn vì công việc chồng chất, nếu không thì cũng có hàng triệu lý do khác. Một người bạn cần có sự quan tâm thật sự. Bạn phải gọi điện cho họ dù không thích, bởi vì tình bạn cần phải biết cho đi.
Tôi quên mất tình bạn cũng khá gần với lòng trung thành. Có lần, chúng tôi đến các siêu thị nhỏ ở địa phương. Mẹ nhận ra hai người bạn quen với bà thời niên thiếu. Bà không cần nhìn họ nhưng có thể nhận ra ngay và chào hỏi rất thân mật. Chúng tôi chỉ trao đổi vài câu, mẹ giới thiệu tôi với họ rồi đường ai nấy đi.
Khi họ đã đi xa mẹ nói: “Toàn chuyện nhảm nhí giả tạo.” Tôi hỏi lại vì không hiểu ý muốn nói gì. Mặt lộ rõ sự khinh bỉ, mẹ giải thích đã từng có thời gian dài ngồi chung dù với những người này tại một hồ nước. Khi đó còn có thêm người bạn tên Sylvia. Một ngày nọ, bà ngồi gần và nghe họ nói về cách tiếp khách trong lễ cưới của con gái Sylvia trước đó một tuần. Họ ca ngợi đồ ăn, hoa hòe, vị trí tổ chức thanh nhã, và còn khen cô dâu đẹp. Sylvia rất tự hào khi nghe bạn nói vậy. “Mẹ không thể tin lại có kiểu bạn hai mặt như vậy. Họ công kích Sylvia, nói bà là người rẻ mạt, con rể trông quê mùa, nhạc dở không thể nhảy. Ai lại cần những người bạn như vậy?”
Tôi không nghĩ mình đã làm như vậy nhưng mẹ nhắc tôi nhớ có lần tôi chê bai mấy người phụ nữ khác, vì nó có ích cho tôi. Đó chỉ là việc làm ăn. Thế giới bên ngoài rất cạnh tranh, phụ nữ chúng tôi không thể cứ tỏ ra tốt đẹp hơn nam giới. Dù sao đó cũng là một kinh nghiệm. Thật may mắn là tôi sẽ không làm vậy nếu có một người bạn, một đồng nghiệp hay bất kỳ ai mình cảm thấy cần phải thành thật.
Đó là bài học tôi được biết từ rất lâu. Có điều gì đó đã ăn sâu vào tâm trí và làm tôi rất khó chịu vì đã từng không thành thật với bạn mình. Sự việc không quá đáng, chỉ như làm lộ một bí mật mà mình đã hứa phải giữ kín. Đó là một tình huống cạnh tranh tại chỗ làm. Tôi âm thầm làm mất uy tín một người bạn để giành được nhiệm vụ mới, sự đề bạt hay cái gì có lợi.
Mẹ không bao giờ thích kiểu cạnh tranh đó. Quan điểm của bà là không bao giờ cạnh tranh với bạn. Mẹ thuộc dạng người xây dựng những giá trị nền tảng gia đình, có lẽ chỉ có ở thời phụ nữ toàn lo chuyện chăm sóc con cái, xem xét bạn bè của con tốt hay xấu qua chiếc áo chúng mặc. Bà thuộc thế hệ mà các người bạn luôn cùng chí hướng, những phụ nữ tốt sẽ là người vợ, người mẹ tuyệt vời. Tôi nhớ nhóm bạn của mẹ tôi, họ như câu lạc bộ các phụ nữ quý phái. Không phải ai cũng có thể tham gia, nhưng một khi là thành viên, bạn mãi mãi là thành viên trong cuộc đời họ.
Mẹ tôi có lẽ là chủ tịch không chính thức của câu lạc bộ đó vì vị trí rất khiêm tốn của bà, một người mẹ vĩ đại. Tôi được 10 tuổi khi gia đình chuyển từ khu hạ lưu Bờ Tây Manhattan sang đường số 77 thuộc khu thượng lưu Bờ Tây. Lúc này, nơi đây không phải là một khu hào nhoáng cho đến khi nó có tên Yorkville, nơi tập trung dân cư gốc Đức, Phần Lan, và Ailen. Vào những ngày xa xưa đó, đây thật sự là New York, một thành phố an toàn, không có bóng người biểu tình. Ngay cả dân trung lưu cũng có thể thuê nhà cửa có lò sưởi, thang máy.
Vào đầu thập niên 50, đường phố rất an toàn. Mùa hè chúng tôi có thể ngủ trên nóc nhà, chỗ mấy cái lò sưởi cho mát. Lúc tờ mờ tối, mẹ và mấy người bạn thường tụ tập trên các bậc thang của tòa nhà. (Chúng tôi không thuộc tầng lớp trung lưu có thể chi trả cho những ngôi nhà này). Tôi không biết có gì để nói vì họ hay đi với nhau trong công viên cuối phố. Ngày nào họ cũng ngồi đầy hai ghế trước cổng vào công viên. Xe chở em bé, xe đạp, túi đựng bánh, trái cây, thức uống bao quanh tạo thành một hàng rào giống như hào nước bao quanh lâu đài.
Không có gì phải úp mở, nhưng khi đi về phía chiếc ghế mẹ ngồi, tôi biết mẹ, Evelyn, Betty, Marie và mấy người khác đã chiếm đi những vị trí tốt nhất trong công viên. Đi qua vài khu phố nhỏ từ PS 158 ở Đại lộ York và đường 77 đến công viên John Jay, tôi biết chắc mẹ đang ngồi trên ghế với mấy đứa bé mới sinh trong xe đẩy (năm nào cũng có một đứa mới) và tất cả những bà mẹ khác đều biết đó là nơi của mẹ tôi. Bà và mấy người bạn là nhóm được ưu tiên nơi đây, và chắc chắn không ai muốn xen vào.
Mẹ tự hào là người đứng đầu nhóm, giống như các con thường đến chào bà tại chiếc ghế (giống như ngai vàng của vua) mỗi khi đi học về. Ngoài việc gặp mẹ trước khi vô nhà để thay quần áo, một phần quy trình này còn được giám sát bởi bạn của mẹ. Dù việc giám sát này khá nhẹ nhàng, tôi nghĩ mấy bà muốn kiểm tra xem chiếc áo tôi mặc còn sạch hay đã ngả màu hay tôi có khỏe mạnh không.
Sạch sẽ là phẩm chất cao nhất đối với những phụ nữ này, kể cả mẹ. Bất kỳ nhà ai có cửa sổ bẩn mà họ ngó thấy hay có quần áo dơ treo ngoài cửa sổ sau nhà, họ cho rằng đó là một người vợ và là một người mẹ tồi tệ, thậm chí là người hư. Vì rất sợ nhìn thấy dơ bẩn, họ nói những thứ đại loại như: “Không thể thông cảm cho điều đó, xà bông và nước rất rẻ”. Khi thấy ai đó quá sạch sẽ, họ nói: “Cô ấy quá sạch, bạn có thể hôn sàn nhà cô ta.”
Những phụ nữ này chỉ đánh giá cao duy nhất sự sạch sẽ. Những người khác dường như cũng có khuynh hướng thích điều này. Thật ra nó cũng cần thiết để chăm sóc và bảo vệ nhà cửa. Ngoài ra đàn ông kiếm tiền giỏi cũng được tôn vinh. Phụ nữ hy sinh cho con cái giống như mẹ tôi, đều được kính trọng. Trẻ con tỏ lòng kính trọng, thương yêu đối với cha mẹ sẽ được thương yêu.
Những nguyên tắc này đã thay đổi rất nhiều trong 50 năm từ khi nhóm của mẹ thường tập trung trong công viên John Jay. Bây giờ rất khó để tập trung lại với nhau vì chúng tôi đã không sống cùng một nơi 20 năm nay. Nhiều điều đã mất đi từ khi chúng tôi không còn cơ hội chia sẻ cuộc sống với nhau, từ những việc nhỏ như giá cả hambơgơ đến những việc lớn trong đời người. Vả lại phụ nữ không còn ở nhà như 50 năm trước. Họ ra ngoài làm việc và vật lộn với nhu cầu gia đình, trách nhiệm khi là một người làm công.
Có rất nhiều tác động trong cuộc sống hiện đại khiến những người bạn ít có thời gian gần nhau, thậm chí cả thành viên trong gia đình. Xe hơi, siêu thị, TV, vùng ven thành phố trải dài, các khu dân cư xấu đã cách li chúng tôi. Hình ảnh phụ nữ tập trung trên các bậc thang hay trong sân sau nhà mỗi ngày, và bỏ ra nhiều giờ cùng nhau đã không còn nữa.
Tôi không ước chúng tôi quay trở lại 50 năm trước, cũng không cho rằng sự suy tàn của cuộc sống gia đình đang làm đau đầu nước Mỹ. Không có thứ được xem là “gia đình” mà chỉ có những “gia đình nhỏ” bao gồm vài cá thể hạnh phúc hoặc cũng có thể rất bất hạnh. Nhưng tôi thật sự nhớ những ngày mẹ và mấy người bạn cùng nhau ngồi trong công viên và thi thoảng thấy buồn vì cuộc sống không còn như xưa.
Tôi thấy tiếc vì con gái mình không còn cơ hội chứng kiến mẹ nó cùng ngồi với các bà mẹ khác trong công viên. Thay vào đó, nó thường được cho đi công viên cùng một vú em trong khi tôi đi làm. Dĩ nhiên, các vú em và vú nuôi sẽ hình thành một nhóm nhưng không giống như nhóm của mấy bà mẹ trên đường số 77 hồi đó. Họ sở hữu một lãnh thổ cho riêng họ và các con. Gặp mẹ và mấy người bạn của bà mỗi ngày làm tôi cảm thấy thế giới đang yên bình.
Với mẹ, thế giới và cuộc sống có thay đổi thế nào cũng không quan trọng. Những quy luật bất biến của tình bạn sẽ ngự trị. Đó là sự chăm sóc, chuyên tâm và lòng trung thành.
Joan Abo Ryan