Tôi là Coriander - Phần 1 - 03: Đôi hài bạc

Có gì đó thay đổi ở mẹ từ sau khi đôi hài bạc xuất hiện. Mẹ có vẻ lo lắng và không còn để tôi rời khỏi tầm mắt. Rồi một chuyện lạ khác xảy ra. Lúc đó tôi đang chơi ở trong vườn. Bọn Đầu Tròn [2] đang tìm bắt tôi, thế là tôi trốn dưới chiếc ghế dài trong vườn: tôi phải trốn, vì tôi là một chàng hoàng tử đóng giả làm một cô bé. Đó là một nơi trốn rất lý tưởng. Không ai biết tôi ở đó, kể cả bọn Đầu Tròn, và tôi có thể nghe được đủ loại chuyện của người lớn. Mẹ tôi có rất nhiều bạn và khách đến thăm để hỏi xin bà một lời khuyên hay một phương thuốc.

Thật thà mà nói thì tôi không biết trái tim lại có thể gây ra nhiều rắc rối và bất hòa đến thế. Nó có thể tan vỡ rồi được chữa lành. Nó có thể bị thương rồi lại khỏi. Nó có thể được đem cho rồi lại được trả lại, bị mất rồi lại được tìm thấy. Tất cả những điều đó có thể diễn ra mà bạn vẫn sống, dù chỉ là sống tạm, theo cách nói của một số người. 
Trong số những người khách của mẹ có cô Patience Tofton. Tôi không chú ý lắm cho đến khi chợt nghe thấy cái tên Robert Bedwell. Lập tức tai tôi vểnh lên vì tôi vẫn thường chơi với hai đứa con trai của ông Bedwell. Họ sống cùng trên phố Thames, cách nhà chúng tôi một quãng. Tôi đoán hẳn ông Bedwell đã từng có vợ cũng như hai thằng bạn tôi có mẹ, nhưng tôi không nhớ gì về bà ta. 
Patience Tofton vừa kể lể vừa thút thít. 
- Anh ấy sẽ muốn một người vợ có học thức. - Cô khóc cay đắng. - Một người vợ trẻ hơn tôi. Tôi đã là gái già quá lâu rồi. 
Quả là điều ngốc nghếch nhất tôi từng nghe. Ông Bedwell đâu còn trai trẻ gì. Ông ấy hẳn sướng điên khi biết rằng cô Patience Tofton, một phụ nữ ưa nhìn, tóc sáng màu và hàm răng còn nguyện vẹn, lại thích mình.

Tôi ngó ra từ bên dưới cái ghế. Mẹ đang dịu dàng và từ tốn nói với cô Tofton. Tôi không nghe được mẹ nói gì, chỉ thấy sau đó mẹ hôn lên hai má cô ta. 
- Rồi mọi chuyện sẽ ổn phải không chị? - Cô Tofton hỏi khi đứng lên để ra về. 
Tôi nhảy ra khỏi chỗ trốn của mình và kêu lên: 
- Đương nhiên là ông ấy sẽ lấy cô! Đừng ngại ngần nữa. Hai đứa con của cô đang rất mong được chào đời đấy. 
Huyên thuyên xong tôi mới nhận ra có lẽ mình đã là một việc không nên chút nào. Cô Tofton quá kinh ngạc, tôi đoan chắc với các bạn như vậy. Mặt cô ta xanh mét đi, rồi cô ngất xỉu, ngã xuống như một thân cây bị đốn hạ vậy. 
Tôi chạy vào trong nhà, tự nhủ tốt nhất là nên biến đi cho đến khi nghe thấy tiếng cổng vườn đóng lại. Sau đó tôi đứng ngó qua cửa sổ buồng ngủ và thấy ông Bedwell dìu cô Tofton về nhà. 
Lát sau, mẹ bước vào phòng và ngồi lên giường tôi. 
- Điều gì đã khiến con nói như thế với cô Tofton? - Bà hỏi. 
- Con không biết. - Tôi đáp, quả thực tôi không biết. - Con chỉ chắc chắn là cô ấy sẽ lấy ông Bedwell vào ngày hạ chí và họ sẽ có một con trai và một con gái.

- Đó là tất cả sao? 
- Vâng. - Tôi nói, ngẫm nghĩ thêm một lát. - Con dám chắc như thế. 
- Coriander, - mẹ nói và nhìn thẳng vào mắt tôi, - con giống mẹ. Nhưng hãy nhớ, con phải giữ không cho ý nghĩ của mình tuôn ra đầu lưỡi. 
- Từ giờ con sẽ không thốt ra một lời nào về những ý nghĩ chợt nảy ra trong đầu nữa. - Tôi đáp vẻ biết lỗi. 
- Thế thì thật đáng tiếc. - Mẹ cười lớn. - Chúng ta thỏa thuận rằng con có thể nói với mẹ, cha con và chị Danes, nhưng không nói với ai khác nữa. 
- Vậy con có được đi đôi hài bạc không? 
- Không, Coriander. Hãy nghe mẹ, đôi hài ấy không hợp với con đâu. - Giọng mẹ bỗng buồn vô hạn. - Mẹ từng có một đôi hài như thế. Mẹ đã đi chúng suốt mười bảy năm. Mẹ muốn con có một đôi hài khác, một đôi hài do chính con chọn, chứ không phải đôi hài sẽ dẫn con đến nơi mà con không nên tới. 
- Nhưng con chọn đôi hài ấy! - Tôi kêu lên. - Con muốn có chúng! 
- Ôi Coriander, con chưa đủ lớn để hiểu đâu. - Mẹ dịu dàng. - Con phải tin mẹ. Mẹ biết điều gì là tốt cho con. 
Nhưng còn có điều gì tốt hơn đôi hài bạc cơ chứ? 

Trong nhà, sinh nhật tôi luôn được tổ chức long trọng và tôi được tặng rất nhiều quà để kỉ niệm ngày chào đời. Năm nay mẹ đã sắp xếp một chuyến du ngoạn bằng thuyền về phía thượng lưu sông. Tôi dậy sớm và nằm trên giường trong khi ánh mặt trời phản chiếu những gợn nước dập dềnh lên quanh phòng, lắng nghe tiếng những người rao hàng đi lên cầu. Ngay khi người canh đêm rung chuông báo ngày mới, tôi bật dậy, chạy xuôi hành lang, ào vào phòng cha mẹ. Tôi thấy mình như một con quay đang xoay tít vì phấn khích.

- Hôm nay là ngày của con! Dậy thôi! - Tôi kêu lên, kéo những tấm màn che quanh chiếc giường gỗ sồi và nhảy ùm vào giữa giường. 
- Cha biết rồi. - Cha tôi cười lớn. - Cả phố này cũng biết nữa. 
Rồi ông cúi xuống lôi ra một cái hộp từ dưới gậm giường. 
Bằng những ngón tay run lên vì hồi hộp, tôi mở cái hộp. Tôi biết chắc trong đó có gì. Và chúng đây: một đôi hài da màu bạc xỉn xấu xí, nặng nề. Một sự bắt chước tồi tệ, một bản sao thảm hại. Không có gì giống như đôi hài bạc đã được bỏ bên ngoài cửa. 
Tôi thấy nước mắt dâng đầy lên mắt, cổ họng nghẹn cứng. 
- Cha xin lỗi, cưng. - Cha tôi nói. - Con không thể đi đôi hài kia được. Cha mẹ hy vọng con sẽ thích đôi này. 
Tôi trèo xuống giường. Tất cả những náo nức của cả ngày hôm ấy đã biến mất. Tôi phải cố ngăn những giọt nước mắt thất vọng khỏi trào ra.

- Con thử đi xem nào. - Mẹ nói. 
Tôi thử. Đôi hài nặng chịch, bóp chặt lấy chân tôi. Tôi quay đi và cảm thấy hết sức khổ sở. 
- Coriander. - Mẹ gọi. Tôi quay lại và nhìn vào căn buồng. Sàn nhà đã biến thành biển cả và chiếc giường là một con tàu, cách tôi một khoảng rất xa. Tôi nghe thấy tiếng cha mẹ gọi tôi từ xa vẳng lại. Tất cả xảy ra trong khoảng một phút hay thậm chí còn ít hơn thế. Có thể tôi đã mơ. Cũng có thể không phải là giấc mơ. Cảnh ấy luôn ám ảnh tôi, và tôi thường tự hỏi chuyện gì sẽ xảy ra nếu tôi biết vâng lời và quên đôi hài bạc đi. Liệu khi ấy mọi chuyện có trở nên tốt đẹp không? 

Chậm chạp và buồn bã, tôi quay về phòng mình. Chị Danes đã đợi sẵn để mặc quần áo cho tôi. 
- Ồ, sao mặt lại chảy dài xuống thế kia, chim sẻ nhỏ của chị? - Chị hỏi. - Em không thích đôi hài mới sao? 
Tôi lặng thinh. 
- Thế thì chắc em cũng chẳng muốn xem quà của chị rồi. - Chị Danes nói, lôi trong túi tạp dề ra một cái bọc cột bằng dải ruy-băng lụa. 
Bên trong là một cái hộp khâu và hình con ếch được thêu rất đẹp, với kim, một cái tạp dề và một chiếc kéo bé xíu, lại có cả một quyển sách bằng vải với đủ loại mũi khâu khác nhau. Trong chốc lát, tôi ngạc nhiên quá đỗi tới mức quên khuấy luôn cả những đau khổ vì đôi giày bạc.

Tôi ngồi lại một mình với cái gói nhỏ của tôi trong khi chị Danes sang phòng mẹ. Tôi nghe thấy tiếng cha gọi đem nước nóng tới, và cả tiếng đôi hài bạc gọi tôi. Ban đầu tôi nghĩ mình chỉ tưởng tượng ra thế, nhưng rõ ràng tôi có thể thấy tiếng gọi đến từ chỗ nào, như thể nó là một làn khói thuốc bốc lên từ chiếc tẩu cảu cha tôi. Tôi đứng lên, theo nó xuống tầng dưới và vào phòng làm việc. 
"Coriander, Coriander, hãy đi chúng tôi vào đôi chân nhỏ xinh của cô. 
Chúng tôi đang đợi. Êm ái và sáng lấp lánh, chúng tôi sẽ cùng cô tung tăng xuống phố." 
Tôi đứng lặng ở đó, nghe những lời mời mọc. Cuối cùng, thu hết can đảm vào đôi tay run rẩy, tôi mở cửa phòng. 
Căn phòng tối om. Con cá sấu nằm im lìm như vị chúa tể của chiếc tủ gỗ mun, chiếc chìa khóa ở đầu dải băng treo lủng lẳng trên hàm răng nó đầy mời gọi. 
Tôi khép cửa lại và đứng tựa lưng vào đó, tay vẫn giữ nắm đấm cửa, tim đập thình thịch. Không khí yên lặng bao trùm cả căn phòng. Tôi cứ đứng đó. Phải quyết định thôi. Tôi có dám làm chuyện này không? Tôi tự nhủ là có. Tôi chỉ muốn nhìn thấy đôi hài một lần nữa, chỉ vậy thôi.

Tôi cố đẩy một cái ghế lại gần tủ để trèo lên và với lấy chiếc chìa khóa. Cái ghế quá nặng, tôi phải kéo lê nó, cố gắng không phát ra tiếng ồn và đợi một lúc để chắc rằng khồn ai nghe thấy. Tôi trèo lên ghế. Nhón chân lên, tôi giáp mặt với con cá sấu. Nhìn gần trông nó còn đáng sợ hơn, tựa hồ như nó có thể sống lại bất cứ lúc nào. 
Tôi có muốn thấy lại đôi hài đến mức ấy không? Ồ, có chứ, tôi còn muốn hơn thế là đằng khác. Tôi nhắm hờ mắt lại. Run bắn lên vì sợ, tôi thò tay vào miệng con cá sấu và chộp lấy chiếc chìa khóa. Nếu như con cá sấu có táp hai hàm răng của nó lại thì tôi cũng không cảm thấy hay nhìn thấy gì hết. 
Tôi trèo xuống và mở tủ. Bên trong có nhiều ngăn kéo nhỏ bằng gỗ tuyết tùng chạm khảm rất đẹp. Tôi không biết nên mở ngăn nào. 
Tôi đứng yên nín thở, và rồi lại nghe thấy tiếng gọi ấy, lần này chỉ như một tiếng thì thầm: "Coriander, Coriander." 
Tôi mở ngăn kéo cuối cùng và thấy chúng nằm đó, đôi hài kỳ diệu nhất trên thế gian. Chúng tựa như thủy tinh. Chúng tựa như kim cương. Chúng tựa như những vì sao.

Ồ, tôi thầm nghĩ, mình chỉ đi thử thôi thì có sao? 
Đôi hài vừa vặn như thể chúng được làm riêng cho tôi. Tôi đứng đó mê mẩn trước vẻ đẹp của chúng. Tôi đứng như thế bao lâu không biết, nhưng hẳn phải khá lâu bởi tôi giật mình nghe tiếng gọi, lần này không phải là tiếng thì thầm. 
- Coriander, Coriander! Con bé đi đâu rồi? 
Tôi vội kéo đôi hài ra, nhưng chúng không chịu rời khỏi chân tôi. Như thể chúng đã dính chặt vào tôi vậy. Trong lúc sợ bị phát hiện, tôi cũng xoay xở để đóng được ngăn tủ, đặt cái chìa khóa trả lại miệng con cá sấu vừa vặn trước khi chị Danes mở cửa. 
- Coriander, em đang làm gì trong này vậy, cô bé ngốc? - Chị hỏi. - Cả nhà tìm em khắp nơi. Đi nào, thuyền sắp rời bến rồi. 

Một điều thuận tiện của việc sống ngay sát bờ sông là chúng tôi có cửa cống và cọc buộc thuyền của riêng mình, vì thế có những bậc thang hẳn hoi dẫn xuống chỗ con thuyền đang đợi. Như thế có nghĩa là không phải vén váy lên cao cho khỏi ướt và đôi hài của tôi không bị phát hiện. Tôi tự nhủ là đến tối sẽ tháo chúng ra và để lại chỗ cú, nhưng hôm nay thì chúng là của tôi.

Chúng tôi đi thuyền ngược về phía thượng lưu, qua Whitehall, nơi thành phố bắt đầu nhường chỗ cho những cánh đồng và bãi cỏ rộng, nước sông mất dần vẻ đục lờ và trở nên trong sạch hơn cũng như không khí. Đến một đồng cỏ đầy hoa, những người chèo thuyền kéo con thuyền lên bờ. Sau đó thì mọi người bắt đầu biến một ngày thảnh thơi rỗi việc trở nên hết sức dễ chịu và thoải mái. Những giỏ đồ ăn được bày dưới tán cây, những chai rượu được ngâm xuống nước cho lạnh, và dây câu được buộc lên cho những ai cần một chút thể thao. 
Nhân lúc mọi người đang tất bật chuẩn bị, tôi lẻn ra ngồi bên bờ sông ngút ngàn cỏ, hy vọng lần này sẽ cởi được hài. Tôi kéo đôi hài và chúng tuột ra không chút khó khăn. Tôi liền nghĩ chắc hẳn chuyện kỳ quái trong phòng làm việc là do tôi tưởng tượng ra. Tôi vùi đôi hài dưới lớp lá khô, nơi tôi biết sẽ không ai phát hiện ra. 
Mẹ tôi cũng tháo giày tất ra rồi hai tay khẽ nâng vạt váy, bà vui vẻ đuổi tôi chạy quanh cánh đồng. Tóc mẹ buột ra, xõa tung, còn mũ của tôi thì bay mất tiêu trong lúc chúng tôi chạy vòng vòng cho đến khi ngã phịch xuống cười như nắc nẻ. Tôi kết những vòng hoa cúc dại và hái thêm bao nhiêu hoa để gài lên tóc mẹ. Tôi vầy nước dưới sông, ngắm những con cá nhỏ bơi qua ngón chân tôi rồi quay tròn như một chiếc cối xay gió trong cánh tay cha tôi.

Ngày hôm ấy trôi qua. Đã đến lúc lấy lại đôi hài bạc. Tôi cẩn thận giữ váy trùm kín chân khi chúng tôi nằm dưới bóng sồi, trên những tấm thảm và gối như những hoàng đế La Mã, thưởng thức bữa tiệc thịnh soạn trong ánh mặt trời cuối ngày xuyên qua kẽ lá lốm đốm thay cho ánh nến. Cha tôi còn thuê ba nhạc công chơi những bản nhạc du dương. Với điều vui thú ấy, tôi quên bẵng mất mình đã làm gì, cho đến tận khi chúng tôi quay về nhà. 
Màn đêm đã buông xuống dòng sông Thames, xua đi ánh sáng ban ngày. Những người lái đò đã thắp đèn trên thuyền, dòng sông lấp lánh ánh và dập dềnh như hòa vào điệu vũ cùng ánh sáng. Tôi buồn ngủ díp mắt sau một ngày tuyệt diệu tràn ngập không khí trong lành và thức ăn ngon. 
Bỗng nhiên, mẹ tôi gắt hỏi: 
- Coriander, con lấy đôi hài này ở đâu? 
Tôi lập tức tỉnh ngủ và kinh hoàng nhận thấy đôi hài đang lộ ra. 
- Con... - Tôi ấp úng. Tôi biết mình đang gặp rắc rối to. - Con xin lỗi, nhưng đôi hài kia đi làm chân con đau. 
- Thế là hư lắm. - Mẹ nói vẻ thất vọng.

- Con định nói là, - cha tôi lên tiếng, - ông đang ôm tôi, - con đã trèo lên ghế và thò tay vào miệng con cá sấu để lấy chìa khóa sao? 
Tôi gật dầu. 
- Chà, chà, ấn tượng đấy. Đúng là một hành động dũng cảm với một cô bé sợ con cá sấu như con. 
Mẹ không nói gì và quay đi. Tôi biết mẹ không bằng lòng. 
- Ôi, Eleanor, em yêu! - Cha nói. - Anh biết con không nên làm thế, nhưng hôm nay là ngày của Coriander kia mà. Sao không cho con đôi hài luôn đi? Nó đáng có được chúng đấy! 
- Đây là đôi hài đẹp nhất mà con đã từng đi. - Tôi nói, hồi hộp đến nỗi không dám cả cử động, sợ cha sẽ đổi ý. 
Mẹ tôi quay lại, nhìn chằm chằm đôi hài: 
- Con cởi chúng ra có dễ không? - Bà hỏi tôi. 
- Dễ lắm ạ. - Tôi đáp. Tôi đã không nói thật. 
- Đấy. Có lẽ chúng ta đã làm to chuyện lên quá thôi. - Cha tôi nói. - Một đôi hài thì có thể đem đến tai họa gì chứ? 
Mẹ tôi đáp: 
- Chúng có thể đem đến rất nhiều tai họa, và anh cũng biết thế, Thomas ạ. 

[2] Nguyên văn "Round head": những người thuộc Thanh giáo chống lại phái Bảo hoàng trong cuộc nội chiến tại Anh thế kỷ 17