24 N + 1 NGƯỜI CHA

N + 1 NGƯỜI CHA

 

Người ta hay nói con gái sẽ gần cha và thương cha hơn thương mẹ. Và cha cũng sẽ thương con gái hơn thương con trai. Nó thấy hình như điều này đúng với nó. Cha nó cưng nó đến ỗi mẹ nó phải “cà nanh” giùm em trai nó luôn. Trong mắt cha nó, “con gái lúc nào cũng là cục cưng, con gái là… trùm”. Cha nó là người đưa nó đi thi đại học. Không biết vì lạ nước lạ cái hay vì hồi hộp quá mà đêm trước khi thi, nó “được” bác Tào Tháo viếng thăm. Câu hỏi đầu tiên mà cha nó dành cho nó khi nó lót tót bước ra khỏi phòng thi không phải là: “Làm bài thi được không con? Nhắm được mấy điểm? Đậu nổi không?” mà là: “Có bị đau bụng nữa không con?”. Câu này được nó liệt vào những câu hỏi đảm bảo không “đụng hàng” với các vị phụ huynh cũng đang đứng chờ con thi như cha nó.

 

Nó đậu đại học, phải học xa nhà. Mà nó thì đi xe đò rất kém. Lại không dám tự chạy xe máy về quê. Thành ra mỗi lần nó về quê là mỗi lần cha nó đi xe đò lên thành phố, lấy xe máy của nó chở nó về. Sau đó lại lấy xe máy của nó chở nó lên và bắt xe đò đi ngược về quê. Từ thành phố về quê nó mất khoảng 3 tiếng rưỡi chạy xe.

 

Nó có một công việc kinh doanh nho nhỏ trên Sài Gòn và mỗi khi cần “nhà tài trợ”, nó lại nghĩ ngay đến cha. Cha nó là người cho nó mượn tiền không điều kiện, không hỏi ngày trả, không cần biết lý do, đảm bảo bí mật tuyệt đối với mẹ và còn năn nỉ: “Mượn gì ít vậy? Mượn thêm đi con!”. Cha nó là vậy đó, lúc nào cũng tin nó tuyệt đối.

 

Gọi điện thoại cho nó ít nhất là hai ngày một lần, thông báo tán loạn cho thiên hạ biết mỗi khi nó có dịp lên tivi, kiên nhẫn đọc các bài báo mà nó viết và nhắn tin lên hỏi: “Củ chuối nghĩa là gì con?”, ra chỉ thị: “Ăn đại nhiều nhiều vô cho mập, hết tiền thì cha cho!”… là một trong rất nhiều những điều nó có thể kể về cha nó. Thế nhưng chưa bao giờ nó nói thương cha nó lần nào, cũng chưa bao giờ nói cảm ơn cha nó lần nào luôn. Nhưng nếu một ngày cha nó đọc được những dòng này, cha nó sẽ hiểu rằng yêu thương đôi khi đâu nhất thiết phải nói ra bằng lời.

 

À mà rất nhiều người hỏi nó sao nó lại gọi cha nó là “cha”, nghe ngộ ngộ. Sao không là “ba” hay “bố”? Có gì đâu! Vì nó là dân miền Tây. Đơn giản vậy thui hà!

 

Còn có những người cha tuyệt vời khác mà nó biết nữa…

 

Nhỏ bạn nó than phiền là: “Tao chẳng bao giờ nhõng nhẽo được với ba tao. Tao chỉ tòan nói chuyện với ba như… hai người đàn ông nói chuyện với nhau thui.” Thế nhưng nhỏ bạn nó lại quên rằng chẳng có người ba nào khi đi công tác lại nhớ mua về cho “người đàn ông” ở nhà những bộ quần áo rất điệu đà và hợp thời trang cả!

 

Còn cô bạn N của nó khi hứng lên vẫn tỉnh queo leo lên bụng ba nó ngồi chễm chệ vì “đối với ba con vẫn là con bé” (ghi chú: bạn N cao 1m6 nặng gần 50kg).

 

Ai là fan của Đôrêmon chắc vẫn nhớ Nôbita, Xuka, Chaien, Xêkô, Đêkhi là học sinh của lớp 3E phải không? Thật ra trong truyện gốc họ không phải học lớp 3E đâu mà là 3 gì gì đó. Nhưng lúc chú Đức Lâm (là bố của bạn Y) nhận biên tập bộ truyện cũng là lúc bạn Y học lớp 3E. Thế là chú Lâm cho các nhân vật chính học chung lớp với con gái của mình luôn. Đáng ghen tỵ quá phải không?

 

Một ông bố trẻ, công việc như núi nhưng vẫn tranh thủ mỗi ngày viết cho đứa con trai mới 6 tháng tuổi của mình một cái blog và mong chờ bé lớn lên có thể đọc được những dòng chữ yêu thương này. (Sau này nhất định nó cũng sẽ làm như thế cho con của nó).

 

Người cha thứ n…

 

Người cha thứ n + 1…

 

Mọi người cha trên đời này đều dễ thương...

 

Nó quyết định rồi, mặc dù hơi “sến” nhưng sau khi viết xong những dòng này nó phải nhắn cho cha nó một cái tin nói rằng nó yêu cha nó mới được. Còn bạn, bạn sẽ làm gì?

 

(Chuyện từ blog của Be Lua)

 

Sau khi viết blog này, tôi ngạc nhiên khi thấy đa số các comment cho tôi là từ những người không may mắn được sống cùng bố, hoặc chẳng còn nhớ nổi một kỷ niệm nào về bố cả. Điều làm tôi xót xa nhất là một comment ngắn gọn: “Vậy hả chị? Hay nhỉ!”. Tôi xin chuyển đến các bạn một câu nói tôi copy paste của một người: “Nếu bạn không có một người bố tuyệt như vậy thì hãy tìm cho con mình một người bố như thế, hoặc hãy là một người bố như thế!”.

 

BE LUA