Hàn Mặc Tử Trong Riêng Tư


Tác giả: 
Danh mục sách: 

LỜI DẪN

Từ hơn nửa thế kỷ qua, sau khi Hàn Mặc Tử qua đời, đã có nhiều quyển sách viết riêng về ông và thơ ông. Bản thân tác giả Nguyễn Bá Tín cũng đã cho in Hàn Mặc Tử, anh tôi. Ở tập sách Hàn Mặc Tử trong riêng tư, ông Nguyễn Bá Tín lại chọn một hình thức kể chuyện nhẹ nhàng để đi sâu vào những nhân vật và sự kiện ít được biết tới, theo tác giả là có quan hệ trực tiếp tới một số bài thơ nổi tiếng của Hàn Mặc Tử. Tôn trọng ký ức của người viết, Nhà xuất bản Hội Nhà Văn trân trọng giới thiệu Hàn Mặc Tử trong riêng tư và mong rằng Nhà xuất bản chúng tôi, nếu có dịp sẽ giới thiệu những cách hiểu, cách giải thích khác và trước tiên là những tài liệu khác, có liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp của Hàn Mặc Tử mà chúng ta hằng yêu mến.

Hà Nội, tháng Bảy năm 1994

Nhà Xuất Bản Hội Nhà Văn

LỜI NÓI ĐẦU

Những năm qua, vì lẽ riêng, gia đình Hàn Mặc Tử phải giữ im lặng, đành để cho những bạn yêu mến Hàn, những nhà khảo cứu văn học chấp nhận miễn cưỡng những gì huyền hoặc, suy diễn với những sản phẩm tưởng tượng của những người tự coi là hiểu biết về Hàn.

Những nhận xét sai, hoặc chưa đúng sự thật về Hàn đã làm cho giới văn học bỡ ngỡ, hoang mang khi đọc Hồi ký Hàn Mặc Tử anh tôi xuất bản tháng 3/1991 tại Việt Nam và tại Pháp.

Đó là một tai nạn đã qua đi, làm thiệt thòi cho lịch sử văn học từ năm mươi năm nay. Chỉ vì Di cảo của Anh tôi đã bị mất sạch toàn bộ.

Hôm nay, viết thêm tập Hàn Mặc Tử trong riêng tư, tôi cũng muốn nhân cơ hội, cố gắng đính chính một ít sai lầm có tính cách tôn giáo và văn học, ghi lại những câu chuyện xa xưa của dòng họ, những mối tình kỳ ngộ thoáng bay, nhất là những biến đổi tâm trạng trong những ngày anh đau nặng đến tuyệt vọng, để tìm hiểu riêng tư anh, qua những bài thơ anh viết ra.

Thơ Hàn rất trung thực, từ thơ Đường luật đến thơ mới, anh luôn luôn phản ánh những gì con tim anh tiết lộ, cảm nghĩ anh rất chân thành, có thể dẫn dắt đến những riêng tư thầm kín mà, tuy chưa đọc đến nội dung, đầu đề bài thơ cũng đã cho người đọc thấy trước. Như bài AVE MARIA, bị bỏ mất chữ AVE, ý chính của bài thơ, mà vốn là Kinh Kính Mừng.

Một bài khác, Ở đây thôn Vỹ Dạ chữ “Ở” bị một ít bạn bè nặng óc giáo khoa, bỏ chữ “ở” cho gọn ghẽ hơn. Tôi sẽ có dịp trình bày lại trong bài này.

Một riêng tư lớn của anh là ảnh hưởng tinh thần Cách mạng của ông cậu ruột, mà mẹ tôi kể lại cuộc đời mạo hiểm sống chết đi qua, hình ảnh cậu đã in sâu đậm vào trí óc anh, khiến anh toan ngã theo chí hướng cụ Sào Nam mà cơ duyên gặp gỡ đã đưa anh vào giấc mộng lớn đời anh.

Dù vậy, riêng tư anh không hề tiết lộ với ai trong bạn bè, mà chỉ qua những bài thơ đăng trên báo Tràng An những ngày còn đi học.

Anh Chế Lan Viên viết về anh trong tập “Thơ Hàn Mặc Tử”, đã thổ lộ: Tử rất kín đáo, thời kỳ quen nhau với chúng tôi, nhất là với anh Nguyễn Minh Vỹ (tức Tôn Thất Vỹ trong Hồi ký Hàn Mặc Tử anh tôi) vốn là một đảng viên Cộng sản vừa ra tù, tuyệt nhiên, Tử không hề khoe khoang đến riêng tư của anh.

Tôi cũng không dám tiết lộ vì tôn trọng bản tánh khiêm cung của anh, mà một thời anh được chút tiếng tăm và được bạn bè kính nể.

Trong riêng tư thầm kín này, Hàn đã gặp được cơ duyên hi hữu với nhà Cách mạng lão thành, cụ Phan Bội Châu, được cụ san sẻ cho một ít tình yêu Đất nước, Dân tộc trên con đò cô độc ở bờ sông Bến Ngự, tuy vắn vỏi, chớp nhoáng nhưng sâu đậm lâu dài.

Cơ duyên này, chính cụ Sào Nam đã bắt gặp được trong một bài thơ, bài Thức Khuya, bộc lộ cả tấm lòng yêu nước trong lời thơ xót xa, thương tiếc giùm thân thế cụ, như người bạn trên đường đấu tranh.

Cụ không giấu nổi vui vừng như tìm lại được tri âm tri kỷ chờ đợi quá lâu, từ ngày trở về nước, mà hương vị còn đọng lại trong chén trà thơm buổi sáng trên con đò cấm cố.

Một vinh hạnh lớn nhất trong đời anh, khi cụ Sào Nam viết trên tờ Mộng Du thi xã:

“Từ ngày về nước đến nay, được xem nhiều bài thơ Quốc âm, nhưng chưa được đọc bài nào hay đến như thế. Hồng Nam, nhạn Bắc, ước ao có ngày gặp gỡ bắt tay cười to một tiếng cho thỏa hồn thơ.”

Cuộc gặp gỡ duyên số đó, đã mở đầu vào giấc Mộng lớn như anh đã ước mơ.

Sự nghiệp gọi là Cách mạng ít ỏi đó, có lẽ đã kết thúc sau một năm sống ở Sài Gòn, không có gì hồ hởi, để rồi mở rộng cõi lòng cho hồn thơ vào ngự trị suốt cả cuộc đời Anh.

Một riêng tư khác về một ước ao quá lớn ngoài kích thước mà Thế gian không thể đo lường được, mà ngày càng trưởng thành trong tâm trí anh. Đó là Giấc mộng lớn nhất của cuộc đời bệnh hoạn anh, khi anh đứng trước một tuyệt vọng mênh mông mà chỉ có cái chết mới giải thoát anh được.

Những ngày dài, anh sống trong trầm tư mặc tưởng, tôi tìm hết mọi cách để hướng anh về một hi vọng cao siêu hơn. Quả tình anh đã trông thấy hi vọng đó rõ ràng hơn tôi, khi tôi trao cho anh tập sách bỏ túi Imitation de Jésus Christ của L.M.Lamennais, để suy gẫm về gương nhân đức theo Chúa Giêsu. Thời ấy tập sách này được nhiều người thích suy niệm (về sau, Lamennais bị vạ tuyệt thông của La Mã). Tôi thấy anh Trí nghiền ngẫm câu:

Dieu seul sait le temps et la manière de vous délivrer. (Nói về sự cứu giải thiêng liêng mà Thiên Chúa đã định.)

Câu suy niệm này nói về sự giải thoát thiêng liêng mà chỉ có Thiên Chúa mới biết lúc nào và bằng cách nào. Tuy nhiên trong hoàn cảnh tuyệt vọng của anh, anh tin tưởng đến một phép lạ mà quyền năng Thiên Chúa có thể cứu giải một cách dễ dàng. Cũng như Kinh thánh đã chép lại khi Chúa xuống thế, cứu chữa lành mạnh bao nhiêu người mắc bệnh phong mà chỉ cần nói một câu: Bệnh con đã lành.

Từ đó anh chờ đợi một phép lạ và tin chắc sẽ có phép lạ. Ý nghĩ thật táo bạo, nhưng tin tưởng lại càng mãnh liệt hơn. Chẳng hạn câu chuyện Cam Phượng Trì dùng vũ thuật bay lên cao như trong phim Hỏa thiêu hồng liên tự (đã nói trong tập Hàn Mặc Tử anh tôi). Anh cũng tin là có thể lên trời được. Anh viết trong bài Ave Maria, ước ao về Trời gặp Đức Mẹ cũng thể hiện được. Một câu hát trong Cantiques de la Jeunesse: “Au ciel, au ciel, Oui, j’irai voir Marie” đã từng làm cho anh mơ ước có ngày sẽ lên trời gặp Mẹ, anh viết:

Hồn tôi bay đến bao giờ mới đậu

Trên triều thiên ngời chói vạn hào quang.

Đã có một thời đau nặng, những bài thơ anh xót xa cay đắng bỗng nhiên ít thấy xuất hiện, thay vào đó những bài đầy màu sắc, đầy âm thanh xa lạ chưa hề thấy trong thơ anh xâm nhập vào vườn thơ anh.

Không kể những lúc gần như hôn mê trong trạng thái xuất thần, và tỉnh lại anh viết những gì siêu thoát, những gì ngoài vũ trụ anh vừa đi qua, gặp được nhiều người, nghe nhiều âm thanh lạ, anh còn có những bài thơ diễn tả những cảnh vật bên ngoài bờ không gian, hoặc nói một cõi trời mới lập, một mùa xuân đầu tiên chưa hề có trên thế gian, như những bài Ra Đời, Nguồn Thơm. Ý thơ lạ lùng nhưng có vẻ như quen thuộc gần gũi với anh.

Tìm hiểu anh bằng cách định nghĩa theo phương pháp tự kỷ ám thị, tôi thấy anh càng ngày càng tin tưởng vào một phép lạ nào đó. Anh càng đọc kinh cầu nguyện nhiều hơn, kiên nhẫn hơn không dám xao lãng.

Trong bài Bức thư Xanh, Hàn viết về một tình thương đột ngột đến với anh làm cho anh rất xúc động, nhưng anh không đeo đuổi, sợ xao lãng sự cầu nguyện. Bài thơ này đã chứng minh niềm tin của anh trong Thiên Chúa, và cũng là bài mở đầu tập Xuân Như ý rất đạo hạnh của anh.

… A Thanh Huy, Thanh Huy Thanh Huy,

Ta cắp nàng bay cao hơn tiếng nhạc

Cho nàng hớp đầy môi hương khoái lạc…

(Bức thư xanh)

Năm mươi năm về trước, nếu có xảy ra hiện tượng say ma túy, thì ai đã đọc thơ của Hàn đều có thể ngờ là ảnh hưởng những cơn say ma túy. Vì những hình bóng, những màu sắc, anh trông thấy hồi đó, đều đã xảy ra hôm nay cho những người nghiện ma túy. Hãy đọc bài thơ Ra Đời dưới đây:

Một chiều xanh, một chiều xanh huyền hoặc

Sáng bao la vây lút cả Thiên Đàng

Muôn ý tứ say chìm nơi bất giác…

May thay! Cám ơn Chúa, anh còn rất minh mẫn và sâu sắc trong những năm tháng cuối đời. Hàn đã viết được những bài thơ bất hủ: Ở đây thôn Vỹ Dạ và Cẩm châu duyên là những áng văn chương trác tuyệt, suy cảm rất phong phú thần tiên.

Nếu nói những bài thơ anh viết ra do một thứ bệnh hoạn nào đó, nên giọng thơ có phần huyền hoặc, khó tin, thì những bài: Ở đây thôn Vỹ Dạ, tập Duyên Kỳ Ngộ (Cẩm châu duyên) lại chứng minh những sáng tác của trí tuệ, suy cảm phong phú của con tim tình yêu gắn bó.

Điều làm cho tôi kinh ngạc là nguồn thơ tuôn chảy mãnh liệt tưởng chừng khó chấm dứt, vậy mà anh trở lại bình thường và rất bình tĩnh, khi anh bị bắt buộc phải dừng lại với một thái độ hơi mỉa mai trong bài: Nói tiên tri đã tỏ ra sắc sảo tuyệt vời (trong câu chuyện Thương Thương).

Ta muốn làm quen phong vị mới

Sao người Trưởng Thượng nói tiên tri

Chơi cho rất mực tài hoa ấy

Để thấu tai người áo Cổ y (ý nói quan lớn).

Thật không ai tế nhị và cao ngạo bằng. Những trường hợp sáng tác thơ huyền hoặc, đều ước mơ đến một mùa xuân mới, một mùa xuân khó kiếm thấy ở thế gian, cho nên tập thơ mang tên Xuân như ý mà tôi sẽ giới thiệu một ít bài sau đây để độc giả có dịp so sánh, cân nhắc để đánh giá một thứ riêng tư kỳ lạ chưa hề được nhận ra đúng mức.

Nha Trang Mùa Thu Nhâm thân

NGUYỄN BÁ TÍN

Nguồn: NXB HỘI NHÀ VĂN, 1994

Thực hiện ebook: tducchau (TVE)
Ngày hoàn thành: 11/09/2010
http://e-thuvien.com/

Thực hiện bởi
nhóm Biên tập viên Gác Sách:
Chim Cụt – Cua Cóc - Tiểu Bảo Bình
(Tìm - Chỉnh sửa - Đăng)