Cậu ấm ngây thơ


4
Tác giả: 
Dịch giả: 
Danh mục sách: 

GIỚI THIỆU VỀ NATSUME SOSEKI VÀ TÁC PHẨM “CẬU ẤM NGÂY THƠ”

Natsume Soseki (1867-1916) là nhà văn, nhà thơ, nhà lí luận văn học và chuyên gia văn học Anh. Ông sinh ngày 9/2/1867 trong một gia đình Danh chú (“Nanushi” - một loại cường hào địa phương thời phong kiến) tại Tokyo. Tên chính thức của ông là Natsume Kinnosuke (Na-chư-mê Kin-nô-su-ke). Bút danh Soseki chữ Hán là “sấu thạch” có nghĩa là súc miệng bằng đá, lấy từ điển tích “sấu thạch trầm lim” của Trung Quốc, mang ý nghĩa là kiên cường, cứng rắn. Bút danh này có từ sau năm 1889, khi ông gặp Masaoka Shiki, người bạn thân thiết nhất, có ảnh hưởng quyết định đến con người và văn học của Soseki. (Masaoka Shiki (1867-1902) là nhà thơ nổi tiếng của Nhật Bản.)

Ngay sau khi ra đời, Soseki đã bị cho đi làm con nuôi một gia đình thương gia nghèo nên không được nuôi nấng, chăm sóc đầy đủ. Thấy thế, gia đình cha mẹ đẻ đưa ông về, rồi lại cho làm con nuôi một gia đình khác. Cho đến năm 21 tuổi, Soseki mới trở lại nhập tịch gia đình Natsume.

Thời kì học tiểu học, ông phải chuyển hết trường nọ đến trường kia. Năm 12 tuổi Soseki vào học trường trung học công lập tỉnh Tokyo. Ông bỏ dở năm thứ 2 trung học để theo học Hán học trường tư thục. Ở đây, ông đã học được nhiều văn thơ Đường, Tống, Hán thư, sử thư và văn hóa cổ điển Trung Quốc, có ảnh hưởng lớn đến văn học của ông sau này về văn phong, về tư tưởng, giá trị thẩm mĩ v.v... Năm 1883, Soseki lại bỏ Hán học, theo học trường tiếng Anh tư thục để chuẩn bị vào trường dự bị đại học.

Năm 1884, Soseki vào trường dự bị đại học. Trong thời gian học dự bị, ông đã từng bị bệnh, không thể đi dự thi, đã từng đi dạy cho các trường tư thục để trang trải học phí. Năm 1890, Soseki vào học trường Đại học đế quốc Tokyo (tiền thân của Đại học Tokyo ngày nay), là trường quốc lập mới mở trước đó không lâu. Ổng bắt đầu sáng tác thơ từ thời sinh viên.

Năm 1893, Soseki tốt nghiệp khoa văn trường đại học Tokyo. Ông được bổ nhiệm làm giáo viên tiếng Anh trường cao đẳng sư phạm Tokyo. Ngay sau đó ông bị bệnh lao phổi và bệnh suy nhược thần kinh nặng.

Để chạy trốn khỏi Tokyo nhằm dưỡng bệnh, năm 1895, ông thôi dạy ở trường cao đẳng, chuyển đến trường trung học Matsuyama, tỉnh Ehime, quê hương của Shiki. Chính trường trung học này là bối cảnh và đề tài để mười năm sau ông viết tác phẩm “Cậu ấm ngây thơ” (Botchan) vào năm 1906. Từ 1896, Soseki được bổ nhiệm làm giáo viên tiếng Anh trường cao đẳng số 5 ở tỉnh Kumamoto.

Năm 1900, Soseki được Bộ Giáo dục Nhật Bản cứ đi nghiên cứu văn học Anh 2 năm ở Luân Đôn. Năm 1903, về nước ông được bổ nhiệm dạy tại trường cao đẳng số I, đồng thời dạy văn học Anh tại trường đại học Tokyo. Việc dạy lí luận văn học Anh ở Đại học Tokyo gặp trục trặc làm cho bệnh suy nhược thần kinh và tình trạng tinh thần của Soseki trở nên trầm trọng. Theo lời khuyên của Takahama Kyosi, chủ bút tạp chí “Chim tứ quý”, Soseki sáng tác tiểu thuyết để thư giãn tinh thần. Truyện “Tôi là con mèo” ra đời, lập tức được hoan nghênh nồng nhiệt và bệnh tình của ông cũng thuyên giảm. Từ đó, Soseki có ý định đi theo nghề viết văn. Ổng viết tiếp “Tháp Luân Đôn” rồi “Cậu ấm ngây thơ”, tất cả đều là những kiệt tác, xác lập chỗ đứng chắc chắn của ông trên văn đàn.

Tháng 2/1907, được báo Asihi mời, ông bỏ hẳn nghề giáo viên, vào làm ở báo Asihi, chuyên viết tiểu thuyết và sáng tác văn học cho đến khi qua đời vào ngày 9/12/1916.

Cuộc đời 49 năm với 10 năm viết văn chuyên nghiệp, Natsume Soseki dã để lại nhiều kiệt tác, trong đó có các tác phẩm tiêu biểu là:

“Tôi là con mèo”, 1907.

“Tháp Luân Đôn”, 1904.

“Cậu ấm ngây thơ”, 1906.

“Hoa thuốc phiện”, 1907.

“Gối cỏ”, 1907.

“Chàng trai Sanshiro”, 1908.

“Từ đó”, 1909.

“Cái cổng”, 1910.

“Người đi đường”, 1912-1913.

“Cỏ ven đường”, 1915.

“Sáng tối”, 1916.

Ngoài ra, ông còn để lại nhiều tác phẩm lí luận văn học và thơ.

Natsume Soseki là một nhà văn, nhà thơ, nhà trí thức đa dạng, có thiên tài đặc biệt. Cuộc đời và sự nghiệp văn học của ông có nhiều nét độc đáo mà Kenzaburo Oe đã gọi là “một hiện tượng lạ lùng hiếm có của văn học Nhật Bản”. Ông có khả năng sáng tác phong phú, đa dạng. Cùng một lúc ông viết nhiều tác phẩm khác nhau về đề tài, về văn phong, về bối cảnh, về không gian và thời gian: từ xã hội châu Âu thời trung cổ cho đến một trường học ở nông thôn Nhật Bản đương thời; từ câu văn cầu kì điêu luyện đầy tu từ cho đến những câu văn nói rõ ràng, đơn giản. Từ nội dung đả kích châm biếm chua cay đến tình yêu tuổi trẻ đầy thơ mộng, trữ tình...

Là nhà thơ, ông nắm bắt được những động tĩnh kì diệu của tình cảm con người trước thiên nhiên, trong cuộc sống hàng ngày. Thơ ông vượt lên trên lĩnh vực vẽ tranh bằng thơ, nó đạt tới trình độ là những bức khắc họa hiện thực cuộc sống.

Là nhà tiểu thuyết, ông đã xây dựng thành công một hình thức tiểu thuyết tâm lí, mượn hình thức của văn học phương Tây để viết bằng tiếng Nhật. Tiểu thuyết của ông miêu tả tỉ mỉ mọi tâm lí, tính cách, giá trị quan, cách suy nghĩ của từng cá nhân trong cuộc sống đời thường. Qua những vấn đề nội tại sâu sắc, về lí luận, về sự cắn rứt lương tâm v.v... ông đề cập đến cái chung là cách sống của con người, tư tưởng của thời đại. Văn phong của ông giản dị, khúc chiết, hư cấu chặt chẽ nên có sức lôi cuốn rộng rãi. Ông đã đạt tới đỉnh cao nhất của nghệ thuật tiểu thuyết tâm lí Nhật Bản mà từ sau ông chưa có ai đuổi kịp.

Natsume Soseki là một văn mới tiêu biểu của văn học Nhật Bản. Ông là người có vai trò chủ chốt trong nền văn học cận và hiện đại Nhật Bản, là nhà văn có ảnh hưởng lớn nhất trong toàn bộ thời kì tiến hành công cuộc hiện đại hóa của Nhật. Nhiều đệ tử và học trò của ông đã trở thành các nhà trí thức, nhà văn, nhà chính trị nổi tiếng của Nhật Bản.

Ông là nhà văn của đại chúng. Tác phẩm của ông được mọi tầng lớp, mọi thế hệ độc giả yêu thích. Ông nổi tiếng từ cuốn tiểu thuyết đầu tiên. Cùng thời với ông, trong khi tác phẩm của các nhà văn khác chỉ xuất bản hàng trăm số thì tác phẩm của ông luôn xuất bản hàng vạn số. Tác phẩm của ông còn được đọc nhiều hơn qua suốt thời đại Chiêu Hòa (1925-1989) và cho đến nay, ông vẫn là một trong những tác gia có nhiều độc giả nhất.

Năm 1984, đánh dấu mốc lịch sử 100 năm công cuộc hiện đại hóa Nhật Bản, chính phủ Nhật Bản đã chọn 3 nhà trí thức tiêu biểu, có ảnh hướng lớn đối với xã hội để in ảnh trên giấy bạc. Một trong ba người đó là Natsume Soseki. (Bạc giấy của Nhật Bản lúc đó có 3 loại là: tờ mệnh giá 1.000 yên, tờ 5.000 yên và tờ 10.000 yên). Ảnh Natsume Soseki được in trên tờ mệnh giá 1.000 yên. Cùng với “Cậu ấm ngây thơ” (“Botchan”), tên tuổi và hình ảnh Natsume Soseki rất gần gũi, thân thuộc với người dân Nhật Bản.

Về tác phẩm “CẬU ẤM NGÂY THƠ”

Nguyên tác: Botchan

Tên tác phẩm này trong nguyên bản tiếng Nhật là “Botchan”.

“Botchan” là một từ dùng để chỉ một người nam giới có một địa vị tương đối hoặc là con nhà giàu sang quyền quý, có danh giá nhất định trong xã hội. Nghĩa này tương ứng với “cậu ấm”, “công tử” trong tiếng Việt. Người Nhật thường dùng từ “botchan” để gọi con trai của người khác, với ý nghĩa tôn trọng, đề cao, hơi có ý lấy lòng đối phương, kiểu như trong tiếng Việt chúng ta gọi “cậu nhà”, “quý tử” v.v...

“Botchan” còn được dùng để gọi một cách chế giễu những người con trai được nuôi dưỡng trong môi trường nhung lụa, được nuông chiều, nên ít hiểu biết cuộc đời, ngây thơ, khờ khạo trước thực tế cuộc sống v.v...

Natsume Soseki lấy “Botchan” làm nhan đề và nhân vật chính cho cuốn tiểu thuyết (truyện vừa) vui vẻ, hài hước, này. (Trong bản dịch, từ này được dịch là “cậu nhỏ” hay “cậu”, là đại tử nhân xưng mà nhân vật bà Ki-yô vẫn gọi nhân vật chính - nhân vật “tôi”.)

Tác phẩm đăng lần đầu tiên trên tạp chí Hototogisu (Chim tứ quý) năm 1906. Theo nhà phê bình văn học Eto Jun thì Natsume Soseki viết tác phẩm này vào khoảng tháng 3/1906, chỉ trong khoảng trên dưới hai tuần lễ. Bản thảo của ông rất ít vết tẩy xóa, càng về sau chữ càng viết to, chứng tỏ ông viết rất hào hứng theo cảm hứng tự phát.

Bối cảnh của truyện lấy nguyên mẫu từ trường trung học Matsuyama, nơi ông đã dạy học một năm (năm 1895-1896). Một số địa điểm và sự vật trong truyện cũng lấy nguyên mẫu từ trong thực tế. Có những tên người, sự vật, sự kiện được giữ nguyên, có địa điểm, địa danh thì được đặt tên khác. Từ sau khi tác phẩm ra đời, nhiều cái trong thực tế đã được gọi tên theo truyện. Ví dụ: “Tàu hỏa Botchan”, “Nước nóng Botchan”, “Bánh trôi Botchan”, “Đảo Turner” v.v... Nhà tắm nước nóng Dogo ở thành phố Matsuyama tỉnh Ehime mà trong truyện gọi là “suối nước nóng Sumita” hiện nay là một di tích xếp hạng di sản quốc gia của Nhật Bản và được gọi là “Suối nước nóng Botchan”. Có thể nói “Botchan” đã đi vào cuộc sống gần gũi thân quen với người Nhật Bản như một nét tự nhiên. Trong cuộc sống hàng ngày, ngoài đồng tiền có in ảnh tác giả, thỉnh thoảng người ta vẫn được nghe nhắc đến “Botchan” và Natsume Soseki mỗi khi có những sự kiện đặc biệt xảy ra về thời cuộc, thời tiết, khí hậu...

Vì sao Natsume Soseki và “Botchan” lại thân thuộc với người Nhật như vậy? Có lẽ để hiểu được tất cả điều này, cần phải biết nhiều hơn nữa về văn hóa, lịch sử, về tâm lí, tính cách của người Nhật Bản chăng? Bởi vì Nhật Bản là đất nước của thơ Haiku, của một dân tộc thích tranh biếm họa và manga. Truyện “Botchan” không chỉ có nội dung vui vẻ, hài hước, mới mẻ, sảng khoái. Có lẽ nó còn ẩn chứa cái gì như là ước mơ, tinh thần thời đại, và có thể cả tâm tư, tình cảm mà tác giả muốn gửi gắm? Ngoài ra, nó không chỉ lôi cuốn các thế hệ độc giả Nhật Bản bằng nội dung, cốt truyện, mà cái chính là bởi văn phong tuyệt vời, một giọng điệu tươi vui, giòn giã, mang đậm phong cách ngôn ngữ đời thường của người dân Eđô. Đó là sức hấp dẫn đặc biệt của một thiên tài duy nhất trong tiếng Nhật hiện đại.

Với bản dịch tiếng Việt “Cậu ấm ngây thơ”, người dịch hi vọng đem lại cho bạn đọc Việt Nam những khoảnh khắc thư giãn khi theo dõi bước đi, suy nghĩ và hành động dại khờ nhưng đầy trong sáng, lành mạnh của “Botchan”. Và nếu đọc xong “Botchan”, các bạn hiểu thêm một chút nào về văn học, văn hóa và con người Nhật Bản thì đó là mong ước và niềm vui của người dịch.

Osaka tháng 2 năm 2006,

Người dịch:

Bùi Thị Loan.

CÙNG BẠN ĐỌC

Tôi gặp nguyên bản tiếng Nhật, “Cậu ấm ngây thơ” là bản in của Nhà xuất bản Kôdansha phát hành ngày 25/2/1991. Đọc xong, tôi dịch thử rồi để đó cách đây đã trên chục năm. Thỉnh thoảng có thời gian rảnh rỗi tôi thường đọc lại bản dịch và càng ngày càng thấy hay nên có ý muốn được chia sẻ với bạn đọc Việt Nam.

Vì điều kiện sống và làm việc ở xa đất nước, ít có dịp để làm việc với nhà xuất bản ở Việt Nam, nên ý muốn cứ để đó.

Lần lữa mãi, cho đến mùa hè năm ngoái (2005) chợt nhận ra tác phẩm “Cậu ấm ngây thơ” (Botchan) đã sắp 100 tuổi. Thế là tôi vội vàng quyết định phải gắng sao cho “Botchan” ra mắt bạn đọc trong kịp kỉ niệm này.

Từ khi liên hệ với Nhà xuất bản cho đến khi sách đến tay bạn đọc, tôi đã nhận được sự giúp đỡ của nhiều người. Trong đó, trước hết là Giáo sư, Viện sĩ Hồ Tôn Trinh, người đã nhiệt tình ủng hộ việc in sách này và đã giới thiệu tôi với Nhà xuất bản Hội nhà văn. Tiếp theo là chị Hồ Hoàng Hoa, đã dành nhiều thời gian giúp tôi liên lạc, giao dịch với Nhà xuất bản cho đến khi có quyết định xuất bản. Sau đó là sự cộng tác, giúp đỡ của các anh chị trong Công ti TNHH Dịch vụ Văn Hóa Việt, những người đã biên tập, xuất bản và phát hành sách. Đặc biệt tôi đã nhận được sự giúp đỡ tận tình, đầy nhiệt tâm của chị Nguyễn Hoàng Chi và anh Nguyễn Văn Hùng, những người luôn cổ vũ động viên tôi, tìm biện pháp giải quyết thay tôi những vấn đề nảy sinh do sự cố trong quá trình trao đổi công việc với Nhà xuất bản. Có thể nói nếu không có sự giúp đỡ của chị Chi và anh Hùng thì “Botchan” chưa biết khi nào mới có thể ra mắt bạn đọc tiếng Việt được! Nhân dịp này tôi xin bày tỏ lòng tri ân tới những người kể trên cũng như tất cả những người đã cộng tác, giúp đỡ cho tác phẩm “Cậu ấm ngây thơ” đến với bạn đọc tiếng Việt.

Lần đầu tiên dịch tác phẩm văn học, lại là tác phẩm của “Nhà ảo thuật văn phong”, Natsume Soseki, bản dịch chắc không tránh khỏi những chỗ còn bất cập. Mong bạn đọc lượng thứ.

Osaka, 2/2006,

Người dịch.

Thực hiện ebook: Lotus (Convert từ file pdf của Russie)

www.e-thuvien.comvii

EBOOK ĐƯỢC THỰC HIỆN VỚI MỤC ĐÍCH CHIA SẺ PHI LỢI NHUẬN.

Thực hiện bởi
nhóm Biên tập viên Gác Sách:

Mai – Fuju – Mint

(Tìm - Chỉnh sửa - Đăng)