Jane Eyre
Charlotte Bronte đã mang cho độc giả góc nhìn mới mẻ của văn chương. Đó là hình tượng người phụ nữ độc lập, làm chủ cuộc đời mình mà không cần dựa dẫm vào bất kỳ người đàn ông nào qua việc khắc hoạ nhân vật Jane Eyre.
Nếu như ngày xưa, người ta xét “chuẩn mực” tối thiểu của phụ nữ là phải lấy được chồng giàu, cũng như đánh giá tài năng của họ qua vai trò của người vợ và người mẹ, thì Jane Eyre đã vượt qua khuôn khổ đó. Cô đi tìm kiếm một sự đấu tranh bình đẳng, mà sự “đấu tranh bình đẳng” ấy đã thể hiện rõ ở tính cách cũng như cá tính của Jane Eyre khi cô còn là một đứa trẻ, cô có khát vọng tự do và yêu lao động, muốn dùng sức lao động của mình để tự lập sinh sống chứ không chịu ngồi im xơi bát vàng hay tìm kiếm vị thế dựa vào tấm chồng.
Tác phẩm kinh điển này cũng tái hiện một tư tưởng nhân văn và nữ quyền mạnh mẽ qua mối tình của cô gia sư Jane Eyre và ông chủ Rochester. Charlotte Bronte đã xây dựng lên một hình ảnh ông Rochester chẳng đẹp trai hoàn hảo hay mang vẻ soái ca và giàu nứt đố đổ vách như ngài Darcy trong Kiêu Hãnh và Định Kiến, ngược lại ông còn mang vẻ thô kệch đến độ Jane Eyre còn thẳng thừng nhận xét là ông “không đẹp”, nhưng cô gia sư ấy vẫn yêu người đàn ông này bởi nhân cách “dở dở ương ương” và ánh mắt cháy bỏng khi Rochester nhìn cô. Thậm chí, Jane Eyre còn từ chối những bộ váy áo đẹp hay những chuỗi ngọc trai đắt tiền mà ông Rochester mua tặng, bởi cô không muốn trở thành một người phụ nữ dựa vào địa vị của ông chủ mình mà cô “chỉ muốn đầu óc được thanh thản, không phải nghĩa nhiều đến chuyện đền đáp”. Cô vẫn muốn tiếp tục “công việc gia sư để trả phí ăn ở” và tự mua sắm quần áo cho mình mà “không nhận gì” từ ông Rochester. Đó là tư tưởng của người phụ nữ tự làm chủ và cũng là điều mà tớ đánh giá cao ở Jane Eyre.