[Bút ký] Trở về với tháng Tư xanh

Tháng tư, đất trời Đà Lạt đón chúng tôi – những “người xưa trở về” bằng một màu xanh trong vắt như thể đang độ vào thu …

…Chỉ mới viết có bấy nhiêu đó con chữ thôi mà những ngày yêu thương đã chờ chực ùa đến. Chao ôi 2 chữ “người về”, tưởng giản đơn nhưng khi ta đưa tay nhấc chiếc ba lô nhưng với tôi là cả một chặng đường xa xót…! Đã bao lâu rồi tôi không còn dùng 2 chữ “người về” cho chính mình mỗi khi trở về nơi cũ? Tôi không nhớ, chỉ biết tất cả những gì từng làm mình ngậm ngùi hay oán giận đã lùi xa, mờ nhạt, đến mức sau rất nhiều năm tháng chật vật tôi gần như cho phép mình quyền buông bỏ, lãng quên...

Vậy mà hôm nay, tôi dùng chữ “người về”…!

Trong “Yêu thương từ một nơi rất xa”, tác giả Phạm Lữ Ân có hỏi một câu nghe chừng đơn giản song tôi tin những người từng đi xa nhà, đi thật xa, thậm chí gần như bỏ lại cả một miền xưa thơ ấu như tôi không dễ trả lời: “Thông thường, người ta đi xa bao nhiêu lâu thì mới cảm thấy nhớ thương ai đó hoặc một nơi nào đó ta gọi là nhà?”

Vâng, chừng xa cách bao lâu thì người ta mới bắt đầu thấy nhớ, thấy thương, thấy cồn cào gan ruột, thấy quay quắt tìm về, thấy tự mình muốn hỏi lấy chính mình đã bao lâu rồi ta chưa về nhà cũ? Liệu có cần chờ đến tận mười năm xa xôi để có thể buông tay thả nhẹ câu hát “Mười năm sau áo bay đường chiều, bàn chân trong phố xa lạ nhiều, có người lòng như nắng qua đèo” như Trịnh? Hay chỉ cần một năm, một tháng, một tuần, một ngày; thậm chí chỉ cần vừa một bước chân đi lòng đã bổi hổi bồi hồi?

Không dễ trả lời, song không hẳn là không thể, vì tôi nghĩ, để người ta nhớ và trở về, thì nơi ấy phải có riêng một yêu thương cho mình nương náu. Thế nên khi anh nói với tôi “Anh muốn được về Đà Lạt để tự tay đưa em đi qua qua từng con phố, con đường một thuở lưu dấu em xưa…” tôi chợt nhận ra mình đang được nhớ lại, và đang trở về. Trở về đúng nghĩa – tức là trở về để tìm và để nhận tất cả những thân thuộc xưa kia chứ không phải chỉ vội vàng ghé lại, phủi chút bụi mờ trên mặt kính xưa hay nhặt vội đôi ba món trót lãng quên đây đó rồi khép cửa, ra đi. Trở về đúng nghĩa – tức là trở về mà khi ra đi ta sẽ mang theo vẹn nguyên nỗi nhớ như lần đầu tự tay khép nhanh cánh cửa màu trầm bên hàng giậu trúc.

Tháng Tư. Chúng tôi về giữa mùa hoa phượng, cả thành phố bừng lên sắc tím, một trời hoa phượng tím.

dl3.jpg
Vẫn biết phượng tím rực rỡ vào tháng Tư, nhưng tôi không khỏi ngợp mình khi đi đến đâu cũng chạm vào một không gian thuần tím. Ngày xưa, cả thành phố chỉ mới có vài ba cây phượng, một cây ở ngay cổng chợ, một cây ở La Palace và hình như đôi ba cây phượng ở đâu đó trên những con đường tôi chả nhớ tên. Vậy mà bây giờ phượng tím ôm cả lòng phố. Cổng chợ, ven hồ, trên đồi cao, dưới thung sâu… Đâu đâu cũng la đà, buông rơi những cành phượng tím sẫm.​

Buổi chiều đầu tiên bên anh dạo từng bước nhỏ ven hồ, đưa mắt qua khu ấp Ánh Sáng, tôi không khỏi thích thú nhận ra những hàng phượng tím trồng suốt cả vòng cung Nguyễn văn Cừ xanh non đang ra hoa đợt đầu và bất chợt mỉm cười khi nghĩ rồi đây, không chỉ Huế mới có con đường phượng bay trứ danh mà Đà Lạt cũng sẽ có một con đường riêng, rất phượng, và rất tím.

Tháng Tư. Đêm Đà Lạt trong và ấm.

dl-6.jpg

Du khách vẫn hay nói về một Đà Lạt bên hồ hay một Đà Lạt chợ đêm như miền hứa hẹn, khám phá để rồi sau đó trở về mang theo cả bằng lòng, vui vẻ lẫn khen chê. Nhưng nếu nghĩ thoáng đi một chút, sẽ thấy còn gì thú vị hơn sau những phút thong thả bên nhau qua những con dốc dài, dốc ngắn, lúc mỏi gối chồn chân người ta được sà vào một quán hàng nào đó, cùng nhau uống một cốc sữa đậu nành, cùng nhau ăn một dĩa nộm khô cay xè, gắp cho nhau đôi ba con ốc luộc thơm gừng thơm sả hay cùng nhau xuýt xoa cái ngọt bùi của ngô khoai nướng…


dl-8.jpg

Có thể sau này nhìn lại, người ta sẽ thấy ly sữa đậu Hồ Xuân Hương cũng giống sữa đậu Nha Trang, sữa đậu Sài Gòn, sữa đậu nành Hà Nội chứ chả gì hơn. Có thể dĩa nộm khô bò hôm đó thật ra không ngon lắm, nồi ốc kia đắt hơn ốc ngoài đầu ngõ vài lần hay củ khoai, trái bắp biết đâu đấy – là thứ ẩm ương! Nhưng cảm giác được bên nhau, chia sẻ và an nhiên giữa vòng xoay tấp nập bộn bề chẳng đáng cho ta yêu, và nhớ hay sao?

Tháng Tư. Ngày Đà Lạt nắng vàng rực rỡ.

dl-10.jpg

Cả con đường tít tắp chạy xuôi về phía Trại Hầm, Cầu Đất như chao đi bởi cái lạnh, cái nắng bỗng chốc quyện vào nhau. Ngày xưa, hai khu trại – Trại Hầm, Trại Mát là vùng chuyên trồng giống mận vàng quả mềm, thơm và rất ngọt để ăn tươi và giống mận tím quả to nhưng giòn và đắng để làm mứt cho Đà Lạt. Tôi nhớ, sau Tết, ra giêng là cây mận ra hoa, tầm tháng 3, tháng 4 mận đậu quả. Tháng 5 thu hoạch để rồi những ngày gió mưa tháng 6, tháng 7 lò mứt nào cũng bắt đầu lên mùa “sên quả” cho tháng 9, tháng 10 “đón khách” du lịch ghé qua.

Công đoạn làm mứt mỗi lò một khác, có lò cho ra loại mứt rất dẻo, ngọt lừ nhưng lên màu hổ phách đẹp mê hồn. Có lò lại cho ra loại mận khô, ăn thơm thơm, dai dai màu vàng óng ánh. Có lò không làm mứt, mà làm rượu, rượu mận… Còn mận tươi những trái mận má hồng phơn phớt mới hái còn vương phấn trắng và mùi đăng đắng của lá cây luôn được bày bán trên những chiếc mẹt tre. Mận ấy, sẽ theo những bàn tay con gái vào lớp học để rồi đâu đó những cái mũi khe khẽ chun lại, những đôi mắt sẽ lấp lánh tinh nghịch, những cái miệng hồng rối rít hít hà “Thơm quá đi thôi…!”

dl-11.jpg

(Tham quan trong vườn dâu và tự tay hái trái – một kiểu kinh doanh du lịch mới của Đà Lạt)


Ngày xưa là vậy, thế mà giờ đây, ngồi sau lưng anh đi hết buổi trưa, tôi mỏi mắt tìm cũng không thấy vườn mận nào ngát xanh, lúc lỉu. Cả tiếng ve, tiếng ong ran ran lấy mật cũng hoàn toàn lặng ngắt. Lẽ nào, những thông tin gần đây viết về vườn mận Trại Hầm là sự thật? Người dân ở đây đang dần phá bỏ thế độc canh chuyên trồng cây mận để chuyển dần qua trồng hồng cao sản để lấy quả làm hồng khô xuất khẩu? Cuộc sống luôn vận hành nên đổi thay là sự thường, nhưng đôi khi những điều vốn dĩ đã lưu trong tâm tưởng mất đi dễ làm ta ngậm ngùi, tiếc nhớ.

Lẽ nào ước mong được cùng anh về vườn mận, ngồi dưới gốc cây xanh mát để cùng nhau chung một ước mơ sau này có riêng một ngôi nhà nhiều cửa sổ, một vườn mận nho nhỏ cho mỗi sớm mai cành mận kia nghiêng đầu qua song như trong đoạn đoản văn trau chuốt, ngọc ngà của B. Brecht “… khi chúng tôi dọn nhà đến vườn này, cây mận đã đứng đó, sau khóm trường xuân. Mở cửa ra vườn đi mấy bước là đã đến cạnh gốc cây, và chén trà sớm bên hiên thường có bóng nhánh mận gần nhất nghiêng vào lân la gợi chuyện. Không biết nó đã bao xuân, có vừa bằng tuổi cây mận trẻ trong khu vườn hoang dại của xứ Schwaben xa xôi, miền Đông Nam nước Đức, để vào một đêm trăng xanh tháng chín, dưới gốc mận còn xuân tôi ôm nàng như ôm một giấc mơ êm” đã vào chương cuối? Cuộc sống, ngôi nhà, và cả những dự định với chúng tôi vẫn sẽ còn, nhưng vườn mận tháng tư có lẽ chỉ còn trong “Những giấc mơ êm” như B. Brecht mà thôi …

Tháng Tư, hoa Đà Lạt hơi xao xác, nhạt màu, nhưng còn một loài hoa khác – Hoa tươi mãi mãi – đang trở thành thương hiệu của xứ sở ngàn hoa.

dl-12.jpg

Với tôi, “mãi mãi” chỉ là một khái niệm mang tính tương đối, nhưng cả buổi chiều cùng anh lang thang trong khuôn viên RỪNG HOA DALAT, tôi không khỏi khâm phục sức sáng tạo vào những giá trị lao động mà người ta dày công bỏ ra nghiên cứu để rồi từ đó, mỗi tháng vài trăm ngàn cánh hoa tươi đã được giữ lại vẹn nguyên sắc màu, sự sinh động, tươi mới xuất đến tận tay người yêu hoa. Nghe nói, công ty Rừng hoa vẫn đang tiếp tục nghiên cứu, phát triển thêm các sản phẩm mới, trong đó có mặt hàng tranh hoa – là bức tranh được ghép từ hoa tươi đã qua xử lý bằng công nghệ sinh học. Những bức tranh ấy có thể giữ được dăm ba năm trong điều kiện thời tiết nóng ẩm như ở nước ta, và còn lâu hơn nữa trong điều kiện khô ráo của châu Âu. Chưa biết kết quả sẽ thế nào, nhưng đã từng ăn cơm, uống nước và lớn lên từ mảnh đất này, nghe thế, sao có thể không vui?

Tháng Tư. Chiều Đà Lạt mưa rây. Nhẹ, và hiền.


dl-15.jpg

Hơn hai ngày ngồi sau lưng anh, cùng anh băng qua từng con đường nhỏ ngoằn ngoèo, từng con dốc đứng dẫn lên đồi cao, từng con phố dầu đông vui hay đìu hiu thưa thớt, buổi chiều cuối cùng ngồi lại bên nhau trong THUNG LŨNG XANH, tay đan tay, mắt nhìn vòm trời uyển chuyển đổi thay theo nhịp thời gian chậm rãi, tôi bỗng nhận ra mình còn nhớ thương nhiều lắm nơi này.

Người ta nói trên mặt đất này vốn chẳng có đường, chỉ vì người ta đi lại nhiều nên từ đó có đường mà thôi. Những con đường hôm nay có thể anh cùng tôi chưa đi hết, nhưng chắc hẳn những con đường hơn 30 năm trước có cô bé con 3 tuổi tròn xoay, lẫm chẫm ôm cây dù màu đỏ mỗi chiều ngóng đợi mẹ về, những con đường rất dài lim dim đôi mắt thích nằm cuộn quanh nghe tiếng guốc reo vang, những con đường đường bụi đỏ mịt mù có cô gái phải gò lưng đạp xe mang từng bộ hồ sơ đi tìm việc, hoặc những con đường nước mắt nhạt nhòa đưa tiễn ba về với cát bụi trần gian sẽ thêm một lần “lưu dấu em xưa” !

dl-16.jpg


Tháng Tư. Đà Lạt lênh loang đi qua cùng thanh âm trầm trầm của chiếc ghi ta mộc và bài hát “You can’t go back to childhood” của Lillian Bùi trong bar cafe Hoa rừng …

We can’t go back to childhood
The big road doesn’t go thay way
It’s overgrown with brush and woods
The gates are locked, decayed …


Có thật người ta chẳng thể nào trở lại ấu thơ khi bên ta vẫn còn một người dẫn dắt lối yêu thương? Tháng Tư, Đà Lạt ngày chúng tôi về vẫn còn vẹn nguyên màu xanh trong vắt.

Như những ngày thu!

Tác giả: CF-S

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3