[Tin tức][Hà Nội] Tọa đàm ''Những nẻo đường sách tranh''

- Thời gian: 9h – 11h ngày 9 tháng 5 năm 2015

- Địa điểm: Hội trường lớn Trung tâm Văn hóa Pháp L’Espace, 24 Tràng Tiền, Hà Nội

Trong khuôn khổ Những ngày Văn học Châu Âu, do EUNIC – Hiệp hội các Viện Văn hóa và Đại sứ quán châu Âu tổ chức, diễn ra từ ngày 7 – 10/5/2015 tại Hà Nội, Công ty Cổ phần Văn hoá và Truyền thông Nhã Nam, phối hợp với Trung tâm Văn hóa Pháp L‘Espace tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề Những nẻo đường sách tranh, nơi gặp gỡ của những câu chuyện và hình ảnh.

Nhiều năm trở lại đây, sự phát triển bùng nổ các ứng dụng công nghệ kỹ thuật số đã dẫn đến sự thờ ơ đối với việc đọc sách. Theo số liệu thống kê của Bộ VHTTDL đưa ra năm 2013, trung bình mỗi người Việt Nam đọc 0,8 cuốn sách một năm (không tính sách giáo khoa, các ấn phẩm báo chí). Con số này khiến không ít người giật mình trước thực trạng văn hóa đọc của nước nhà. Một trong những cách để thay đổi thực trạng này, có lẽ hiệu quả và vững bền hơn cả là để văn hóa đọc tiếp cận các thế hệ tương lai ngay từ bây giờ. Làm quen với sách tranh là một cách như thế.

---------oOoOo-----------

I. Một số thông tin cơ bản về sách tranh

Picture Books (tạm dịch “Sách tranh“) được coi là nghệ thuật kể chuyện bằng hình ảnh, là một hình thức kể chuyện, giao tiếp còn non trẻ, mới được khoảng hơn 130 tuổi. Đây là một thể loại độc lập, tồn tại song song bên cạnh các thể loại kể chuyện bằng hình ảnh khác như truyện tranh (comic), điện ảnh, hay nhiếp ảnh. Sách tranh luôn mở rộng và dường như không ngừng tìm cách xoá đi những định kiến về “độ tuổi” của độc giả mà nó hướng tới, bằng sự giàu có đa dạng của các dạng thức sách tranh khác nhau.

Các tác phẩm sách tranh không chỉ dừng ở việc mang lại những hình ảnh giải trí cho độc giả, đặc biệt là trẻ em, mà còn đánh thức trong trẻ những khả năng tiềm tàng về phát triển tư duy và ngôn ngữ, là cách trẻ dần học được sự giao tiếp với thế giới bên ngoài, và cao hơn nữa, khơi dậy trong những con người của tương lai này một thú vui, một thói quen đọc sách.

II. Thông tin về diễn giả:

Nhà báo Nguyễn Quỳnh Hương, Trưởng văn phòng đại diện của báo Phụ nữ tại Hà Nội, đồng thời cũng là một người mẹ quan tâm tới việc đọc sách cùng con. Với cách viết hóm hỉnh và vui vẻ về những câu chuyện trong gia đình, cô đã thu hút một lượng lớn followers trên facebook cá nhân. Những mẩu chuyện ngắn và hài hước ấy cũng là những lời tâm sự và những kinh nghiệm thật tâm nhất mà cô có được khi trở thành một người mẹ.

Nghệ sĩ trẻ Nguyễn Thùy Trang tốt nghiệp cử nhân ngành nghệ thuật tại Pháp. Với những ý tưởng và dự định ấp ủ từ những ngày học tập và lao động ở nước ngoài, cô đã trở về Việt Nam và thành lập Xưởng Nghệ Thuật Tí Toáy – mô hình đầu tiên tại Việt Nam áp dụng cho đối tượng là trẻ em. Trang tin rằng, việc tạo ra một Xưởng Nghệ Thuật để các em có cơ hội được tìm tòi, tí toáy và tiếp xúc với nghệ thuật từ nhỏ là cách để thế giới trở nên tốt đẹp hơn.

Họa sĩ Annette Köhnen từng theo học ngành truyền thông thị giác và thiết kế truyền thông tại Nurmberg và Berlin. Sau khi tốt nghiệp, cô trở thành nhà thiết kế đồ họa và thiết kế Web độc lập, đồng thời sáng tác truyện tranh và mở gallery. Năm 2011, cô sáng lập nhà xuất bản jaja-Verlag, chuyên xuất bản những ấn bản sách tranh minh họa

Hoạ sĩ Phạm Thu Thùy, hay còn được biết đến với tên Thùy Cốm sinh năm 1990, là một tác giả sách tranh và cũng là hoạ sĩ minh họa trẻ tài năng. Cô đã có nhiều cuốn sách sáng tác và minh họa được đông đảo giới trẻ đón nhận tại Việt Nam. Hiện cô đang phụ trách mảng sách tranh của Nhã Nam, và luôn ấp ủ những dự định xa hơn về con đường sách tranh của Việt Nam.

Nguồn: Nhã Nam

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3