[Tin tức] Theo Gác Sách: 5 tác phẩm văn học Nhật bạn không nên bỏ qua

Gác Sách: "Văn học Nhật không dành cho những người đọc vội''. Đến với văn học Nhật Bản ta sẽ có một cảm giác nhẹ nhàng, chậm rãi, những ngưng đọng của cảm xúc, sâu lắng của nỗi lòng, nhưng nó cũng là thứ sẽ cuốn hút ta đến tận những trang cuối cùng. Cùng với Gác Sách, chúng ta hãy lựa chọn thêm những tác phẩm của văn học Nhật vào giá sách của mình nào.

1. 1 lít nước mắt - Aya Kitou

4f1d876f_05d5be59_8_resize_1.jpg
(ảnh: internet)

"Hãy sống! Mình muốn hít thở thật sâu dưới trời xanh."
Một tâm hồn nhạy cảm.
Một gia đình ấm áp.
Một căn bệnh hiểm nghèo.
Một cơ thể tật nguyền.''

Đó là những gì Kito Aya có trong hơn 20 năm cuộc đời. Với Aya, tương lai của cô là một con đường hẹp, và càng ngày nó càng trở nên hẹp hơn. Căn bệnh ngăn trở Aya khỏi tất cả những ước mơ và dự định, thậm chí việc tự mình bước ra ngoài phố để đi tới hiệu sách cũng trở thành một khao khát cháy bỏng. Hơn 6 năm kiên trì viết nhật ký, cô kể về những cảm nhận và suy tư của bản thân trong suốt quãng thời gian chứng kiến cơ thể mình từng bước từng bước gánh lấy một số phận đau đớn . Nhưng từ trong nước mắt và tật nguyền, cuộc tìm kiếm giá trị bản thân của cô đã làm rúng động cả Nhật Bản.

"Có những người mà sự tồn tại của họ giống như không khí, êm dịu, nhẹ nhàng, chỉ khi họ mất đi người ta mới nhận ra họ quan trọng nhường nào. Mình muốn trở thành một sự tồn tại như thế."

  • Lượt xem tại Thư viện Gác Sách: 87 293

Một câu truyện không có nhiều tình tiết gây gấn, không có nhiều tình yêu nam nữ sâu sắc lãng mạn, một lời kể chân thành, giản dị cô gửi cả tâm hồn mình vào trong đó, mỗi một câu làm sâu lắng cả độc giả, làm ta phải nghĩ nhiều về nó. Về cuộc đời này biến cố có thể xảy ra bất cứ lúc nào bạn chưa chuẩn bị.

Tôi còn cảm nhận được một tình mẹ cao cả hơn hết bà Kito Shioka - Mẹ Aya, những lời cổ vũ cho con, nhưng câu nói đến cử chỉ, tôi nhìn thấy sự yêu thương, nỗi đau của bà không thua gì Aya, một nỗi đau như con dao đâm thẳng vào tim.

Tôi thật sự không biết mình có thật sự làm được như Aya không? Tôi có dám đối mặt nếu tôi là cô ấy. Có định mệnh nào sẽ chờ đợi tôi phía trước?

Một cuộc sống không bao giờ biết trước, một thứ đến và đi rất bất ngờ, bạn phải biết đón nhận nó, và sống với nó, vì khi bạn còn cố gắng nghĩa là bạn còn cơ hội.


2. Rừng Na uy - Haruki Murakami

image1.jpg
(ảnh: internet)

Câu chuyện bắt đầu từ một chuyến bay trong ngày mưa ảm đạm, một người đàn ông 37 tuổi chợt nghe thấy bài hát gắn liền với hình ảnh người yêu cũ, thế là quá khứ ùa về xâm chiếm thực tại. Mười tám năm trước, người đàn ông ấy là chàng Toru Wanatabe trẻ trung, mỗi chủ nhật lại cùng nàng Naoko lang thang vô định trên những con phố Tokyo. Họ sánh bước bên nhau để thấy mình còn sống, còn tồn tại, và gắng gượng tiếp tục sống, tiếp tục tồn tại sau cái chết của người bạn cũ Kizuki. Cho đến khi Toru nhận ra rằng mình thực sự yêu và cần có Naoko thì cũng là lúc nàng không thể chạy trốn những ám ảnh quá khứ, không thể hòa nhập với cuộc sống thực tại và trở về dưỡng bệnh trong một khu trị liệu khép kín. Toru, bên cạnh giảng đường vô nghĩa chán ngắt, bên cạnh những đêm chơi bời chuyển từ cảm giác thích thú đến uể oải, ghê tởm...vẫn kiên nhẫn chờ đợi và hy vọng vào sự hồi phục của Naoko. Cuối cùng, những lá thư, những lần thăm hỏi, hồi ức về lần ân ái duy nhất của Toru không thể níu Naoko ở lại, nàng chọn cái chết như một lối đi thanh thản. Từ trong mất mát, Toru nhận ra rằng mình cần tiếp tục sống và bắt đầu tình yêu mới với Midori.

Một cuốn sách ẩn chứa mọi điều khiến bạn phải say mê và đau đớn, tình yêu với muôn vàn màu sắc và cung bậc khác nhau, cảm giác trống rỗng và hẫng hụt của cả một thế hệ thanh niên vô hướng, ý niệm về sự sinh tồn tất yếu của cái chết trong lòng cuộc sống, những gắng gượng âm thầm nhưng quyết liệt của con người để vượt qua mất mát trong đời...Tất cả đã tạo nên vẻ đẹp riêng cho "Rừng Na uy", im lặng, ma thuật và tuyệt vọng như một chấm máu cô độc giữa bạt ngàn tuyết lạnh.

  • Lượt xem tại Thư viện Gác Sách: 35 301

Cảm nhận của bạn conruoinho :

Tôi đã đọc nhiều tác phẩm khác của Haruki Murakami rồi nhưng mãi đến gần đây đọc Rừng Na Uy. Vào khoảng chừng năm 2002 - 2003 khi phong trào đọc Rừng Na Uy rộ lên, tôi không thích theo phong trào của đám bạn nên đã không đọc quyển sách này. Buồn cười thay, một câu nói nổi tiếng trong sách lại là "Nếu chỉ đọc những sách mọi người đều đang đọc, cậu sẽ chỉ nghĩ những gì mọi người đang nghĩ mà thôi." Nghĩ lại, nếu đã đọc quyển này từ trước thì có lẽ tôi sẽ không yêu thích văn chương Haruki Murakami đến thế. Nhờ đó tôi phát hiện ra sau hơn 25 năm viết văn, âm điệu và cảm xúc trong văn học Murakami không thay đổi nhiều. Nhiều tác phẩm truyện ngắn hay truyện dài của ông đều như những bản sao của Rừng Na Uy. Qua tác phẩm này, tôi thấy rõ sự ảnh hưởng của các tác giả phương Tây như F. Scott Fitzgerald, J.D Salinger, John Updike, Hermann Hesse, v.v... Dường như Haruki Murakami đã cố đem tất cả những cái đẹp trong văn học phương Tây vào một tác phẩm rất phương Đông, góp phần tạo nên một nét văn hóa mới trong văn học Nhật Bản. Nhưng tôi cũng có cảm giác như mình bị... lừa: có rất nhiều nét tương đồng giữa Rừng Na Uy và Núi Thần của Thomas Mann. Thậm chí, từ tình tiết Toru Watanabe thích đọc Núi Thần, cho đến việc Naoko vào sống ở "nhà nghỉ Ami", và những lời độc thoại theo dòng suy nghĩ của nhân vật rất giống với văn chương triết lý của Thomas Mann. Tôi nghĩ Haruki Murakami có khả năng quan sát và sáng tạo hơn thế thay vì chỉ có thể xây dựng một cốt truyện ăn khách dựa vào Núi Thần. Nhưng tôi nghĩ có lẽ đây là một tác phẩm đối với ông đỗi rất bình thường như những tác phẩm ông từng viết nghiệp dư, chỉ viết về những thứ mình yêu thích mà không nghĩ đến việc nó sẽ nổi tiếng, cho nên trong đó vẫn có những tình cảm cá nhân rất thật của tuổi trẻ được ông ghi chia sẻ mà không cần dùng văn chương lòe loẹt để viết lại.

3. 1Q84 - Haruki Murakami [Tập 1] [Tập 2] [Tập 3]

1658520_10152230810234318_2127562091_o.jpg (Ảnh: hmaster_Chris)

Đừng chỉ đọc các trích đoạn nho nhỏ đăng trên những trang báo, tin tức, giới thiệu sách. Hãy mang một quyển về nhà và tự chiêm nghiệm, để thấy được tài năng của Murakami, cũng như để không bỏ lỡ một câu chuyện được kể một cách rất xuất sắc.

Bất chấp thể loại bạn yêu thích là lãng mạn, kỳ bí hay điều tra vụ án, 1Q84 đều sẽ đáp ứng được. Nói cách khác, quyển sách có đầy đủ các yếu tố hấp dẫn mọi thể loại độc giả.

Bên trong quyển sách, có một câu chuyện tình. Đó là chuyện tình từ khi còn rất nhỏ giữa Aomame và Tengo. Một khoảnh khắc nắm tay để rồi mãi hàng chục năm sau, cả hai vẫn mang trong lòng nỗi mong mỏi được gặp lại, được bộc bạch nỗi lòng với người kia.

Có một câu chuyện huyền bí về giáo phái Sakikage, về Người Tí Hon dệt nên Nhộng Không Khí, về thế giới có hai mặt trăng cùng tồn tại, nơi khiến người ta nghi ngờ về logic trong chính đầu óc của mình - đến mức Aomame không còn tin rằng mình đang sống ở năm 1984, rằng cô đang tồn tại ở một không gian gọi là năm 1Q84 (Q nghĩa là Question).

Rồi lại có những tội lỗi đan xen. Một Bà chủ muốn đưa những gã đàn ông đốn mạt sang thế giới khác trong yên lặng, và Aomame là cánh tay đắc lực của bà với ngón nghề điêu luyện. Một Lãnh tụ tà giáo cưỡng bức trẻ em mà không ai hay biết. Một quyển tiểu thuyết được chỉnh sửa để thắng giải Tác giả mới và trở thành Best-sellers đình đám. Vẫn chưa hết...

Còn có cả một câu chuyện nhân văn về cuộc đời. Tengo, Aomame, và cả những nhân vật ngỡ-là-phụ khác đều cảm nhận cuộc sống theo cách riêng của họ, với những trải nghiệm và suy tư rất "người," đầy trăn trở, đầy day dứt về lẽ sống, cách sống của bản thân. Họ khao khát một đối tượng để yêu thương, dù đó là người khác giới – như Aomame, Tengo; một con vật – như Tamaru yêu quý con chó giữ nhà; hay một đứa con – như Bà chủ. Cuộc sống của họ ngỡ vô cùng phức tạp, phóng túng, nhưng xét đến cùng, đều được xây dựng trên những triết lý đơn giản về cuộc sống.

Với rất nhiều nguyên liệu chọn lọc, Murakami đã kể một câu chuyện hấp dẫn, pha trộn giữa huyền bí, siêu thực với cuộc sống nội tâm của con người và những biến cố kì lạ trong cuộc sống.

Nếu bạn chưa từng đọc tác phẩm nào của Murakami, đây sẽ là thiên truyện khiến bạn phải ngưỡng mộ và lùng sục để được đọc thêm nhiều tác phẩm khác. Còn nếu bạn đã biết đến ông, thì càng dứt khoát nên sở hữu đủ bộ 1Q84, vì phải nói, cho đến nay, đây thực sự là tiểu thuyết thể hiện tài năng kể chuyện của Murakami tới mức cao nhất, tinh tuý nhất.

  • Lượt xem tại Thư viện Gác Sách: 17 761 [Tập 1], 7 718 [Tập 2], 6 088 [Tập 3]

Cảm nhận của bạn hmaster0142 :

Ấn tượng với mình về 1Q84 là một thế giới siêu thực mà ở đó có hai mặt trăng, một nơi tồn tại rất nhiều điều bí ẩn như Người tí hon, Nhộng không khí, Thành phố mèo, v.v... Có những lúc đọc mình tự hỏi liệu rằng khi nào đó ngẩng đầu lên bầu trời đêm cũng bất giác nhận ra có một mặt trăng nhỏ hơn nằm bên cạnh mặt trăng mà mình vốn vẫn hay biết tới đó không. Murakami dựng nên một thế giới siêu thực tồn tại bên cạnh thế giới mà chúng ta biết, nhưng nhìn đi nhìn lại một hồi nó thật ra cũng không khác lắm, chỉ là có thêm những thế lực khác, những điều bí ẩn mà một số ít người có thể nhận ra. Một thế giới kỳ lạ xuất hiện, câu chuyện xuyên suốt được kể thông qua hai nhân vật chính Aomame và Tengo. Hai nhánh rẽ vốn đã giao nhau từ trước nay lại có dịp giao nhau lần nữa tại thế giới 1Q84 này. Có thể khi đọc bạn sẽ thấy khó hiểu, nhưng mình bảo đảm, bạn vẫn không thể ngưng đọc tiếp, đọc cho đến khi mọi chuyện kết thúc. Và ngay cả khi trang sách cuối cùng của tập thứ ba được đóng lại, bạn vẫn sẽ còn rất nhiều thắc mắc. Các tác phẩm của Murakami vốn để lại nhiều điều khiến người đọc phải suy nghĩ, đương nhiên 1Q84, một tiểu thuyết kỳ lạ lại càng ẩn giấu nhiều thứ triết lý sâu xa. Hiểu được hay không, hiểu như thế nào, mình nghĩ là do mỗi người thôi.

4. Totto Chan – Cô bé bên cửa sổ - Tetsuko Kuroyanagi

Totto-chan.jpg
(ảnh: internet)

Viết về trường Tô-mô-e và ông Sô-sa-ku Kô-ba-y-a-si, người sáng lập và điều hành trường này, là một trong những điều từ lâu tôi rất muốn làm.

Tôi không hư cấu một tình tiết nào. Tất cả đều là những sự kiện đã diễn ra và. may thay, tôi nhớ được khá nhiều. Nhoài việc muốn ghi lại những sự kiện này, tôi còn muốn chuộc lại một lời hứa không được thực hiện. Như tôi đã kể lại trong một chương của cuốn sách, khi còn là một cô bé, tôi có trịnh trọng hứa với ông Kô-ba-y-a-si rằng, khi lớn lên tôi sẽ xin dạy ở trường Tô-mô-e.

Rõ ràng đấy là một lời hứa mà tôi đã không thể làm tròn. Vì vậy, thay vào đó tôi xin cố gắng làm cho mọi người biết rằng ông Kô-ba-y-a-si là người như thế nào, tình thương yêu to lớn của ông đối với trẻ em và việc ông đã tiến hành giáo dục các em ra sao.

Oâng Kô-ba-y-a-si mất năm 1963. Nếu ông còn sống đến ngày nay, chắc chắn sẽ còn nhiều điều đẻ ông có thể kể cho tôi nghe. Khi viết cuốn sách này, tôi nhận thấy nhiều tình tiết là những kỷ niệm hạnh phúc thời thơ ấu của tôi và, trong thực tế, đó là những hoạt động mà ông đã vạch ra một cách thận trọng để đạt được những kết quả nhất định.

Tôi tự nhủ chắc chắn đó phải là điều mà ông Kô-ba-y-a-si hằng suy nghĩ. Hay, thật đáng quý biết bao khi biết rằng ông đã nghĩ về việc đó. Với mỗi một khám phá mới, tôi càng hết sức nhạc nhiên – cảm động và biết ơn ông sâu sắc.

Riêng tôi, tôi không thể đánh giá hết câu ông thường nói với tôi “Em biết không, em thật là một cô bé ngoan” đã giúp tôi vươn lên như thế nào. Nếu tôi không đến trường Tô-mô-e và không gặp ông Kô-ba-y-a-si thì rất có thể tôi sẽ bị mệnh danh là “một cô bé hư”, đầy mặc cảm và nhút nhát.

  • Lượt xem tại Thư viện Gác Sách: 16 893

Cuốn sách này thậm chí không hẳn là một câu chuyện, một cuốn tiểu thuyết. Nó chỉ đơn giản là Totto-chan thôi, là tất cả những gì em đã trải qua, là những trang nhật kí không bị phai mờ bởi thời gian, là những câu chuyện mà ta thấy thật vô nghĩa như cái lần em kể về bài hát của trường. Ấy vậy mà đưa tất cả những câu chuyện tưởng chừng như vô nghĩa ấy vào những trang sách thì nó lại thành một thước phim quay chậm muôn màu muôn vẻ và hầu như ở đâu cũng thấy được hình ảnh của Totto-chan- cô bé bị đuổi khỏi trường tiểu học vào năm lớp một! Em nhanh nhẹn và em sinh động như một chú chim, em chạy nhảy, leo trèo như một con sóc. Em có cái cách của riêng mình để nhìn nhận về một người qua lần đầu gặp mặt, như lần em nhận xét về ông thu vé ở nhà ga :“Ông ta to béo, đeo kính, trông có vẻ tốt bụng.”. Có thể người lớn sẽ cho rằng : “Đúng là trẻ con .”. Nhưng họ không biết một điều vì Totto-chan là trẻ con và vì em nhìn nhận về người khác không phải chỉ bằng ánh mắt mà bằng cả trái tim và tấm lòng nên em mới thấy được cái mà người lớn không thấy. Họ không thấy nên họ bảo: “Trẻ con đúng là dễ bị lừa bởi vẻ ngoài.”. Và em bày tỏ đầu tiên là với người thu vé sau đó là mẹ mình về việc em muốn làm người bán vé. Và thật may là cả hai đều không tìm cách dập tắt ước mơ của em phần vì người thu vé cũng khá tốt bụng và ông cũng muốn con trai mình làm nghề này, còn mẹ em thì đã quen với hành động của Totto-chan rồi. Thật vậy! Chẳng mấy chốc em đã đổi ý: “ Có lẽ con sẽ vào một đội nhạc đường phố

5. Khuyến học - Fukazawa Yukichi

khuyen-hoc.jpg
(ảnh: internet)

Fukuzawa Yukichi (1835 – 1901) là nhà giáo dục và học giả nổi tiếng người Nhật, một trong những bậc “khai quốc công thần” của nước Nhật Bản hiện đại và được người Nhật tôn vinh là “Voltaire của Nhật Bản”. Năm 1900, ông được nhận giải thưởng từ Hoàng gia Nhật Bản do công lao đóng góp cho sự nghiệp giáo dục. Để đóng góp trong việc khai hóa văn minh, nâng cao dân trí, phát triển xã hội, Fukuzawa Yukichi chủ trương các học giả phải có lập trường độc lập với chính phủ. Do đó, suốt cả cuộc đời ông nhất quyết từ chối mọi lời mời tham dự chính quyền, mặc dù nhiều học giả cùng hội cũng như các môn đệ của ông giữ trọng trách quan trọng trong chính phủ Minh Trị.

Khuyến học được ông bắt đầu viết ở tuổi 38 và hoàn thành 4 năm sau đó (1872-1876) đã đánh thức dân tộc Nhật Bản đang ngủ mê trong tư tưởng Khổng giáo và chế độ phong kiến đầy bất công. Khi mới được in lần đầu, cuốn sách có một số lượng ấn bản kỷ lục là 3,4 triệu bản. Và kể từ đó đến nay, nó đã được tái bản liên tục, chỉ tính từ năm 1942 đến năm 2000, riêng nhà xuất bản Iwanami Bunko đã tái bản đến 76 lần.

“Cả ngàn năm qua, chính phủ nắm trong tay mọi quyền hành trên khắp đất nước… Nhân dân chỉ còn biết nhắm mắt tuân theo các chỉ thị của chính phủ. Đất nước ta giống như tài sản riêng của chính phủ, còn nhân dân chẳng khác nào như những người ăn nhờ ở đậu vậy. Đất nước ta như quần đảo không người ở. Nhân dân ta mang tư tưởng như những kẻ ăn nhờ ở… Và thế thì quốc gia cũng chỉ như cái nhà trọ, để người dân tạm dừng chân trong cuộc đời họ mà thôi.”

“Đa phần các trí thức đều thiếu con mắt nhận biết thời cuộc. Họ yêu quý và lo giữ chỗ cho bản thân hơn là lo lắng, ưu tư cho đất nước. Đối với họ, gió chiều nào theo chiều ấy. Đa số các trí thức kiểu này luôn rình rập tìm kiếm lợi ích trước mắt, săn đón cơ hội leo vào hàng quan chức, sa vào các chức vụ quản lý vặt vãnh, tiêu phí thời gian bằng những việc vô bổ, xa rời công việc nghiên cứu, học thuật […] Tôi buộc phải nói rằng những người trí thức như vậy là nỗi bất hạnh cho công cuộc văn minh đất nước.”

“Nếu như có kẻ gây phương hại đến nguyên tắc này thì dù có phải biến cả thế giới thành kẻ thù, chúng ta cũng không sợ, huống hồ chúng ta lại phải sợ một số quan chức chính phủ lộng quyền?”

“Việc chúng ta đang phải trả những khoản tiền lớn để thuê người nước ngoài, để nhập khẩu hàng hoá cũng bởi trình độ học thuật của nước ta quá lạc hậu so với các quốc gia Tây phương. Mọi thứ của cải, mọi đồng ngoại tệ nước Nhật Bản tích góp được, lại cứ phải đem dâng cho nước ngoài hết... Chúng ta phải thấy xót xa, phải thấy đó là sự nhục nhã...”

  • Lượt xem tại Thư viện Gác Sách: 12 912

Nhật Hy - Thống kê từ độc giả Gác Sách

Chân thành cảm ơn các độc giả Gác Sách đã đóng góp những thông tin trên.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3

Sách giảm giá tới 50%: Xem ngay