Từ mức điền kinh đến vạch đích cuộc đời

Đôi khi trong cuộc sống, người ta vẫn có niềm kiêu hãnh ngầm về bản thân mà không một bằng khen nào trao tặng

Ngày 12-11-2011, trên nhiều trang báo trong nước đều đăng tin về Nguyễn Thị Phương, cô gái trẻ đã mang về cho đoàn thể thao Việt Nam tấm huy chương bạc ở nội dung 3000m vượt rào nữ - môn điền kinh tại Seagames 26. Nếu chỉ nghe thông tin trên thì không có gì quá nổi bật. Nhưng với những ai đã từng chứng kiến quãng đường đến với tấm huy bạc của Phương, thì tấm huy chương bạc đó đã vượt qua khuôn khổ mọi thước đo, khắc sâu vào tâm trí người hâm mộ.

Trên đường chạy 3000m vượt rào nữ, Phương đã luôn dẫn đầu băng băng qua những chướng ngại vật; và khi mọi người đều nghĩ tấm huy chương vàng đã nằm trong tay cô thì Phương đã vấp ngã khi cách đích 2m. Trong một chiều Palembang đầy mưa, trên đường chạy đỏ, một cô gái Việt Nam gầy guộc, kiệt sức nằm trên đường nhưng vẫn với tay của mình về phía vạch trắng; dù phía trên cô, một vận động viên khác đã giơ tay cán đích.

Không được chứng kiến trực tiếp khung cảnh đó, nhưng trước bức ảnh sống động ấy, tôi nổi da gà và cảm xúc đầu tiên là sự thương cảm tràn ngập. Sau vài giây phút thương cảm tự nhiên thì thực sự rất cảm phục người con gái nhỏ bé này. Trước mắt của Phương chỉ là 2m, nhưng đó không phải là 2m bình thường mà là 2m với một người kiệt sức; 2m ấy tưởng chừng ngắn ngủi nhưng đối với cô là cả khoảng xa vời. Đó là khoảng cách thử thách lòng dũng cảm, nghị lực và ý chí một con người; điều mà Phương đã làm được. Cô đã không gục xuống mà cố gắng lết trên đường chạy, lấy hết sức rướn người để với tới vạch đích. Đây là một hình ảnh đẹp trong thể thao và là một hình đẹp trong cuộc đời! Và từ hình ảnh của Phương trên đường chạy ngày hôm ấy, tôi liên tưởng tới con người với cái đích cuộc đời.

Mỗi chúng ta đều đi trên một quãng đường dài mà cái đích là những mục tiêu, ước mơ mà mỗi người muốn thực hiện. Trên quãng đường chinh phục những nguyện vọng đó, cũng có lúc ta băng băng về đích, cũng có lúc ta trật bánh khỏi đường ray và ngã ra đau đớn, chẳng ai có thể đoán trước được điều gì. Nhưng có lẽ cái quan trọng không chỉ là kết quả ra sao mà quan trọng là ta không hề bỏ cuộc!

Có lẽ là hơi muộn, nhưng thật may mắn là tôi đã nhận ra điều này. Trong cuộc sống cũng nhiều lần không đạt được mong muốn và nhiều khi ước mơ không thành dù tôi đã nỗ lực, dù tôi đã cố gắng. Phải, để thực hiện mục tiêu thì những cố gắng của ta vẫn không là đủ và tôi đã bỏ dở. Tôi bỏ dở những gì mình làm, bỏ dở những gì mình đã chọn. Tôi không muốn nhận thêm thất bại. Đó là sự hèn nhát, tôi ý thức được điều đó. Nhưng thực sự, cảm giác nhận thất bại, cảm giác lại một lần hụt hẫng và cảm giác không chạm vào mục tiêu thực sự rất đau đớn; đặc biệt là sau khi ta đã có quá trình chạy đà tốt. Nhưng khi nhìn tấm ảnh của Nguyễn Thị Phương, khi xem bài phỏng vấn chị thì tôi đã có thêm nhiều bài học cho mình. Có lẽ việc bỏ cuộc còn kinh khủng hơn việc nhận thất bại trong cuộc đời. Khi Phương không thể mang tấm huy chương vàng về cho nước nhà và cho cá nhân mình với rất nhiều nỗ lực trước đó; và đáng tiếc hơn là tấm huy chương vàng vuột mất chỉ trong một khoảnh khắc và chỉ cách tầm với có vài bước chân thì thực sự với ai cũng nuối tiếc! Nhưng với người trong cuộc thì cảm giác ấy còn sắc nét, day dứt hơn rất nhiều! Nhưng Phương đã không bỏ cuộc ở thời điểm khó khăn ấy! Bằng mọi cách chị đã lết người để cán đích! Ý chí, nghị lực, sự quyết tâm của Phương đã không mang lại tấm huy chương vàng nhưng chị đều được mọi người công nhận và có lẽ không có tấm huy chương nào có thể đo đạt nổi nỗ lực của cô gái bé nhỏ ấy. Đôi khi trong cuộc sống, người ta vẫn có niềm kiêu hãnh ngầm về bản thân mà không một bằng khen nào trao tặng hay chứng nhận, nhưng điều quan trọng là ta nhận được sự công nhận của tất cả mọi người, và không bỏ dở con đường mình đã chọn. Đó mới là điều quý giá!

Cảm ơn Nguyễn Thị Phương, cảm ơn buổi chiều Palembang hôm ấy!

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3