Tuổi trẻ và căn bệnh “Béo phì tri thức”

Tôi tình cờ biết được khái niệm này khi tham dự một buổi giới thiệu về một chương trình đào tạo. Trong phần giao lưu, một chú khoảng 50 tuổi là một chủ doanh nghiệp có chia sẻ:

Tôi nhận thấy các bạn trẻ hiện nay đang vướng phải căn bệnh “béo phì tri thức”. Họ học rất nhiều, tham dự nhiều khóa đào tạo về kiến thức, kỹ năng mềm nhưng họ lại không hành động. Chính vì lười vận động, họ lại cảm thấy bồn chồn, lo lắng vì không có kết quả. Khi cảm thấy lo lắng, họ lại tiếp tục… đi học và lại ngày càng béo thêm.

Mọi người trong buổi hội thảo đều cười. Tôi cũng cười, và chợt nhận thấy bóng dáng mình trong câu chuyện đó. Tôi đã suy nghĩ nhiều về điều này đến khi tôi trượt vòng 4 kỳ thi IPL. Khi nghe mọi người nói về câu của thầy Giản Tư Trung: “Nghĩ như voi và làm như kiến”, tôi bắt đầu xem xét lại mình và quan sát những bạn đã vượt qua vòng 4 kỳ thi IPL…

Thật đúng như vậy! Những người đã đậu kỳ thi này đều là những người hết sức năng động. Họ đã hành động từ rất sớm dù là những khởi đầu nhỏ nhặt nhất. Họ không chờ đợi đến lúc tìm ra ước mơ, mục tiêu mới bắt đầu hành động. Họ hành động để tìm ra ước mơ!

Từ lúc đó tôi bắt đầu hạn chế tham dự các buổi hội thảo, offline, các cuộc tranh luận triền miên không đi đến đâu trên các diễn đàn. Tôi tập trung vào công việc của mình, cố gắng hoàn thiện từng bước một. Mặc dù hiện nay tôi vẫn chưa có một “thể hình đẹp” nhưng tôi đã cảm thấy rất vui và nhẹ nhõm vì đã bỏ đi nhiều “cục mỡ thừa” của bản thân.

Tôi cũng bắt đầu quan sát “căn bệnh xã hội” này. Quả thật hiện tại có quá nhiều “suất ăn nhanh tri thức” gây béo phì xã hội. Hàng loạt các chương trình đào tạo, các câu lạc bộ đội nhóm ra đời thu hút học viên vào. Mọi người học xong, hả hê, hưng phấn rồi lại… đi học tiếp. Các diễn đàn, mạng xã hội sôi nổi với tranh luận của thành viên nhưng mọi việc cũng không đi đến đâu vì phần lớn đến chỉ để thể hiện cái tôi của mình thay vì kêu gọi mọi người hành động.

Nhiều người cảm thấy tự hào vì được mọi người khen là “Người này tuổi trẻ tài cao, còn nhỏ mà tri thức đã một bụng, khí khái bất phàm, nói lời đanh thép, lập luận chặt chẽ, lý lẽ xác đáng…” Tôi cảm thấy buồn cười. Tại sao người ta có thể đánh giá người khác dựa vào những gì anh ta/chị ta nói? Điều này cũng giống như việc đánh giá sự thành đạt của một người dựa vào học vị và tài sản của người đó. Rất nhiều chương trình đào tạo giới thiệu diễn giả của mình như một người có học hàm học vị cao, tiền bạc đầy nhà để thu hút thành viên. Sao không nói về những giá trị mà anh ta đã tạo ra cho xã hội?

***

Làm thế nào để giải quyết căn bệnh này? Câu trả lời thật đơn giản: hãy tập thể dục.

Hãy bắt đầu bằng những hành động cụ thể, những việc nhỏ nhặt và bình thường nhất. Nhưng hãy làm một cách đều đặn.

Để có một nhóm tập thể dục, một cộng đồng tập thể dục trước hết phải có vài người đầu tiên tập thể dục và kêu gọi mọi người cùng tham gia.

Thật tuyệt vì cộng đồng IPL có những Zag Village, có Khai phá bản thân… những người đã bắt đầu “tập thể dục” và kêu gọi mọi người cùng tập thay vì chỉ “tập thể dục một mình”. Công thức của họ thật đơn giản: Chọn một giá trị tốt đẹp và bắt đầu những hành động nhỏ nhất để hiện thực hóa giá trị đó.

Công thức chống béo phì tri thức: Xã hội có vô vàn những giá trị tốt đẹp, hãy họn một giá trị cho bạn, hành động từ những bước nhỏ nhất và lan tỏa nó.

***

Nói về sự lan tỏa, ấn tượng đầu tiên đối với chương trình IPL chính là điều này, không phải là hội tụ nhân tài, đại bàng hay gà gì cả. Đó chính là “Pay it forward”.

Thật tình cờ mấy hôm nay tôi được một người bạn vừa đậu IPL 2 tặng quyển sách “Đáp đền tiếp nối”. Tôi đọc và hiểu rõ hơn giá trị của điều này. Nhưng tôi cũng tự hỏi: Tại sao một tư tưởng tốt đẹp như vậy nhưng vẫn chưa được lan tỏa rộng công cộng đồng, vẫn chưa có một phong trào “Pay it forward” đình đám như “Free Huge” đã từng làm?

Theo tôi, lý do chính là ý tưởng “Pay it forward” đã không được diễn giải thành các hành động cụ thể. Bạn giúp đỡ 3 người khác, và họ lại giúp đỡ 3 người nữa. Nhưng “giúp đỡ” là như thế nào? Tôi mỉm cười với 3 người hay tôi sẽ giúp đỡ họ bằng một số tiền?

Tôi đã trao đổi với các bạn trong Zag Village và quyết định sẽ xây dựng một phong trào “Pay it forward” thiết thực và cụ thể. Chúng tôi đã đã khởi đầu với chương trình “Pay it forward số 1: lan tỏa tri thức” tại website www.dapdentiepnoi.net

Bạn hãy tặng 3 quyển sách của mình cho 3 người khác. Những người nhận được sẽ tiếp tục tặng sách cho 3 người khác nữa… cứ như vậy trong một thời gian ngắn lượng sách được cho đi trong xã hội sẽ là một con số khổng lồ. Hãy nghĩ đến những giá trị mà nó sẽ mang lại!

 

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3

Sách giảm giá tới 50%: Xem ngay