344m/S
“ Hey, hai cậu có biết vận tốc âm thanh trong không khí là bao nhiêu không?”
“ Không! Là bao nhiêu?”
“ 344m/s. Những nốt nhạc truyền đến tai ta cũng như thế.”
“ Tớ mong, một ngày nào đó,
chúng ta sẽ cùng chơi bản giao hưởng Định Mệnh!”
“ Ừm, nhất định.
Chúng ta chỉ dừng lại cho đến lúc cuộc đời này kết thúc trên những cung đàn!”
Ba chúng tôi đã hứa với nhau một lời hứa không thể thực hiện được.
1.
Những ngày mưa. Cung đàn. Đô thứ.
***
Tôi không có cha mẹ năm 12 tuổi. Chẳng phải vì họ qua đời mà vì họ từ bỏ tôi. Tôi chẳng rõ ngày xưa cha mẹ có đến với nhau vì tình yêu hay không nhưng tôi biết chắc chắn rằng cuộc đời họ sống như một địa ngục và tôi… cũng bị vạ lây. Mỗi ngày, tôi chứng kiến hàng chục lần cha mẹ mình cãi nhau. Vì điều gì ư? Đủ thứ. Tất cả. Là những điều họ có thể đem ra chì chiết lẫn nhau. Hết cãi rồi đến đánh. Cha đánh mẹ một bạt tai. Mẹ đánh trả lại cha y thế. Nhìn họ giống hệt hai đứa con nít oánh lộn.
Tôi, chỉ là một thằng nhóc. Tôi ngồi đó, chính xác thì phía sau ghế sofa, chứng kiến mọi chuyện. Tôi chỉ im lặng, giương mắt nhìn chăm chú. Tôi nhớ chẳng có thứ gì tồn tại trong đầu mình khi ấy ngoài sự trống rỗng và sợ. Một nỗi sợ rất lớn, lớn hơn cả tôi, bao phủ cái cơ thể nhỏ bé đang cố gắng đừng run rẩy. Và rồi, cha mẹ bắt đầu lôi tôi vào cuộc. Họ kéo tôi ra khỏi ghế sofa. Họ đẩy tôi qua lại như kiểu đùn đẩy trách nhiệm. Có khi tôi còn bị đánh vô cớ. Tiếp, cha mẹ mệt. Họ ngừng cãi, mỗi người quay lưng trở về phòng riêng để tôi đứng lặng lẽ ở giữa nhà với đống đồ đạc vỡ. Như thường lệ, tôi là người dọn dẹp tàn tích. Tôi cúi xuống, dùng tay thu lượm các mảnh sứ. Tôi làm mà chẳng hề biết lý do vì sao bản thân phải chịu đựng những điều tồi tệ này.
Bên ngoài trời mưa. Phải, thật kỳ lạ, buổi chiều nào tôi bị đánh trời cũng đều đổ mưa. Thậm chí, trước đó, chỉ cần thấy bầu trời âm u có sấm sét là tôi hiểu mình sẽ ra sao nếu cha mẹ cãi nhau.
Cha mẹ tôi cuối cùng cũng chịu buông tha cho đối phương. Họ thôi dày vò nhau, thôi đánh tôi. Và họ ly dị. Không ai muốn nuôi tôi dù cả hai sinh ra tôi. Biến động lớn nhất đầu tiên là khi cha mẹ ném tôi vào cô nhi viện.
Chiều hôm đó, trời đổ mưa. Tôi đi bên cạnh cha, lặng thinh. Tôi cúi đầu nhìn mũi giày của mình cứ tiến lên rồi lùi lại đến lúc hình ảnh ấy nhoà đi. Tôi không hoa mắt. Mặn. Có vị mặn đọng trên môi tôi. Lần đầu tiên, suốt 12 năm, tôi khóc. Lần đầu tiên, tôi nhìn mưa lòng nhủ rằng, tôi chấp nhận để cha mẹ đánh chứ chẳng hề muốn bị vứt bỏ như vậy. Và lần đầu tiên, tôi ước giá như mình chưa ra đời.
Hai cha con đi qua sân ga. Vắng. Không một bóng người. Mưa cứ nặng hạt, tuôn xối xả vào tâm hồn tôi. Lạnh lẽo. Đau đớn. Chết đi.
Rời khỏi sân ga, qua một đoạn đường khá dài là đến cô nhi viện. Dãy nhà xinh xắn được bao quanh bởi hàng rào trắng và vườn hoa rộng. Nó đẹp hơn nhà cũ của tôi nhiều. Chỉ có điều, tôi không có kỷ niệm với nó. Mà chẳng sao, bởi từ giờ, tôi sẽ sống ở đây.
Cha đẩy nhẹ tôi về phía một người phụ nữ trung niên có gương mặt hiền từ. Ông không nói gì nhiều ngoài câu ngắn ngủi, đầy đủ ý:
“ Giúp tôi nuôi đứa trẻ này! ”
Người phụ nữ mỉm cười, gật đầu. Cha tôi quay lưng, cất bước. Tôi ngoái cổ nhìn theo bóng dáng ông tầm tã dưới mưa, từ từ rời khỏi cô nhi viện. Tôi thôi khóc. Thôi ước. Thôi níu kéo trong vô vọng. Tôi không còn là con của người đàn ông đó.
Tôi được đưa vào nhà. Người phụ nữ hiền từ lấy khăn lau khắp người tôi. Đôi tay bà êm dịu, ấm áp. Tôi thích điều ấy. Bà tốt hơn mẹ tôi dù bà không sinh ra tôi. Tôi được mặc áo mới, hẳn là của thằng bé nào khác sống ở đây. Xong, bà nhìn tôi, âu yếm hỏi:
“ Con tên gì? ”
Tôi lắc đầu.
“ Con không muốn nói cũng chẳng sao. Vậy ta đặt cho con tên mới nhé? ”
Tôi hết lắc đầu thì chuyển qua lặng im.
“ Chắc con mệt rồi, để ta dẫn con đến phòng ngủ. Các bạn khác cũng đang ngủ.”
Bà vẫn ân cần nói dẫu tôi không hề mở miệng đáp lời. Nếu là mẹ tôi thì nhất định tôi đã bị đập một trận về tội hỗn láo.
Tôi nắm lấy tay bà, lầm lũi theo sau. Đôi chân trần nhỏ bé của tôi bước cùng bà đi qua mấy dãy hành lang. Trời vẫn mưa. Chưa bao giờ tôi cảm nhận rõ ràng sự lạnh lẽo phủ băng trong tâm hồn. Tôi nghĩ mình đã chết hoặc khác chăng là sắp chết. Vì tôi bị vứt bỏ.
Thế nhưng, lúc tôi đến dãy hành lang thứ mấy không rõ, bởi tôi không đếm, thì đôi tai bất chợt nghe một âm thanh kỳ lạ. Nhẹ nhàng. Êm đềm. Hình như là giai điệu của bài nhạc. Nó chẳng có lời, chỉ là những nốt nhạc đủ cung bậc. Tôi đã dừng bước, lắng nghe. Máu trong cơ thể bỗng dưng chảy dồn dập, tim đập mạnh, cảm xúc mãnh liệt nào đó dâng cao. Tôi không còn nghe tiếng mưa. Không còn nghe băng giá. Mọi âm thanh xung quanh biến mất nhường chỗ cho bản nhạc du dương kia. Thứ diệu kỳ đó phát ra từ căn phòng cuối hành lang…
Tôi không biết bản thân vừa làm gì cho đến khi mở mắt ra thì tôi thấy mình đang ở trong căn phòng âm vang nốt nhạc kia. Có lẽ tôi đã vuột tay ra khỏi cái nắm giữ của người phụ nữ hiền từ lúc nãy rồi chạy vào đây. Trước mặt tôi hiện ra hình ảnh cô bé thắt bím mặc chiếc váy trắng tay phải cầm một vật màu nâu có nhiều sợi dây trắng sáng căng dài, còn tay trái thì giữ thanh đũa chỉ duy nhất một sợi dây và mỗi lần cô bé áp thanh đũa kia vào vật màu nâu, mấy sợi dây sáng va chạm vào nhau, chúng tạo ra giai điệu làm rung động trái tim tưởng như không còn đập của tôi.
Tôi đứng, cảm giác cơ thể nhẹ hẫng. Có gì rất lạ diễn ra trong tôi mà không lý giải được. Mãi đến lúc, giọng nói của người phụ nữ hiền từ vang lên sau lưng:
“ Sao con lại chạy vào đây? Muốn nghe đàn à? ”
“ Đàn? ” – Tôi quay lại, buột miệng hỏi thật dễ dàng.
“ Ừ, bạn Mi đứng trước mặt con đang đàn violon. Là những bài nhạc giao hưởng.”
“ Nhạc giao hưởng? Violon? ”
Tôi lẩm bẩm những từ xa lạ kia liên tục giống như một đứa trẻ bất bình thường. Tôi đặt tay lên ngực, tim tự dưng thắt lại, nhói nhói. Và tôi khóc. Tôi chẳng hề biết những giọt nước mắt lăn dài trên mặt mình. Thêm lần nữa, vị mặn đọng lại môi tôi. Nhưng khác với lúc đi bên cạnh cha cách đây một tiếng, lòng tôi không hề thấy nặng nề mà vô cùng nhẹ nhõm, bình yên. Tôi như trút bỏ gánh nặng. Tôi chăm chú quan sát cô bé tên Mi say sưa kéo thanh đũa, mà với tôi nó giống đũa thần của mấy bà tiên, đôi tay nhỏ rất uyển chuyển, lúc nhanh lúc chậm lần lượt đưa các nốt nhạc lên nhiều cung bậc khác nhau. Giai điệu khi thì mạnh mẽ khi thì trầm lắng, khi dồn dập khi chậm rãi. Tóm lại, vào giây phút ấy, tôi hầu như ở một thế giới khác: sôi động, xúc cảm, hạnh phúc, thanh thản vô vàn.
Chợt, giọng lảnh lót của cô bé khác vang lớn ngay cửa phòng khiến tôi trở về với thực tại:
“ Mi ơi, đàn xong chưa, đến lượt Rê chứ.”
Cô bé Mi liền ngừng kéo thanh đũa, từ từ mở mắt ra, tay hạ cái vật màu nâu xuống mà khi nãy tôi được biết nó gọi là đàn. Mi không thấy Rê chỉ thấy tôi đứng, lệ rơi liên tục, bên cạnh người phụ nữ trung niên hiền từ. Ban đầu, Mi tròn xoe mắt nhưng tiếp đến, cô bé chậm rãi tiến lại gần, khẽ khàng đưa tay lên gạt đi mấy dòng lệ trong suốt đang ướt trên gò má tôi:
“ Đừng khóc! Mọi thứ đã ổn! ”
Tôi bất động. Chẳng làm gì ngoài việc giương mắt nhìn nụ cười thân thiện của cô bé tên Mi. Trông Mi như thiên thần với bộ váy trắng tinh.
Đúng lúc, chất giọng âm vang của cô bé tên Rê cất lên, gần ngay bên tôi:
“ Mẹ cả, đây là ai vậy? ”
Tôi xoay sang bên thì thấy Rê chỉ tay vào tôi, mắt hướng vào người phụ nữ trung niên.
“ À, đây là người bạn mới của các con.”
“ Thế ạ?” – Rê ngó nghiêng khắp người tôi hỏi – “ Cậu tên gì? Tớ là Rê, còn đây là Mi.”
Tôi lắc đầu. Im lặng.
“ Mẹ vẫn chưa đặt tên cho cậu ấy.” – Người phụ nữ hiền từ bảo.
“ Vậy phải mau mau cho cậu ấy cái tên để dễ gọi chứ ạ.”
“ Các con nghĩ giúp mẹ cả xem tên nào thì hay. ”
“ Chà, tìm tên khó đấy… ” – Rê đưa tay rờ đầu, nghĩ ngợi.
Trong khi hai người nọ lo nghĩ ra cái tên phù hợp cho tôi thì Mi lại thấy tôi giáng mắt vào chiếc đàn trên tay mình, vẻ như cô bé nhìn ra điều gì đó.
“ Cậu thích violon à? ”
Tôi khẽ gật đầu.
“ Cậu thích bản giao hưởng tớ vừa đàn không? ”
Tôi tiếp tục gật đầu.
Mi liền nhìn qua người phụ nữ trung niên, cười tươi:
“ Cậu ấy tên Đô được chứ ạ? ”
“ Đô ư? ” – Người phụ nữ kia ngạc nhiên và muốn biết lý do.
“ Cậu ấy rất thích bản giao hưởng Định Mệnh con vừa đàn. Đó là bản số 5 của Beethoven, Đô thứ. Thế nên con nghĩ cậu ấy thích hợp với tên Đô.” – Mi giảng giải.
Tức thì, Rê reo lên sung sướng hệt kiểu người được đặt tên là cô bé chứ không phải tôi:
“ A, giống Rê với Mi phải không? Đô! Đô! Đô! Woa, cái tên hay lắm!”
Rê xuýt xoa gọi mãi chữ Đô. Còn người phụ nữ hiền từ thì gật đầu xong chuyển hướng nhìn qua tôi:
“ Đô, con thấy thế nào? ”
Tôi không đáp nhưng khẽ gật gật dẫu lúc đó tôi vẫn chưa hiểu Đô nghĩa là gì.
Bất chợt, Mi cầm lấy tay tôi, nhẹ nhàng đặt chiếc đàn vào, mỉm cười bảo:
“ Cậu tập chơi đàn với chúng tớ nhé? ”
“ Được đó, có thêm Đô vào nữa là chúng ta đủ bộ ba rồi.” – Rê nháy mắt, vỗ vỗ vai tôi.
Tôi nhìn một lượt hết ba người đứng trước mặt rồi đưa mắt xuống chiếc đàn bóng loáng trong tay. Nó hơi hơi nặng dù trông nó chẳng lớn bao nhiêu. Tôi không rõ cảm xúc khi siết chặt cái vật kỳ lạ mà chỉ vài giây ngắn ngủi đã làm thay đổi con người mình nhưng tôi biết chắc chắn một điều: Tôi rất vui!
Chiều hôm ấy, lần đầu tiên tôi đến ngôi nhà mới. Tôi gặp những con người mới. Tôi bắt đầu cuộc sống mới với một tâm hồn được cứu rỗi bởi âm nhạc.
Tôi không còn căm ghét sự xuất hiện của mình trong cuộc sống này nữa bởi định mệnh giúp tôi nhận ra rằng, tôi sinh ra là để sống trên những cung đàn kỳ diệu.
Tôi bắt đầu chơi violon cùng các bản nhạc giao hưởng của Beethoven. Và điều không ngờ, số phận đã gắn kết ba chúng tôi lại với nhau.
2.
Ruồng bỏ. Lời hứa 344m/s. Nụ hôn đầu tiên.
***
Tôi thích mọi người gọi mình bằng cái tên Mi. Bản giao hưởng số 3 Mi giáng, Eroica(tiếng Ý nghĩa là Anh hùng ca), của Beethoven mang âm hưởng mạnh mẽ hào hùng. Đó là một trong những bài tôi thích sau Beethoven Virus của BANYA, Passion với bản giao hưởng Định Mệnh. Beethoven soạn bản giao hưởng số 3 xuất phát từ lòng mến mộ Napoleon Bonaparte nhưng sau đó, Napoleon muốn thành lập đế chế Pháp thì Beethoven phản đối kịch liệt và đã tự tay xé bỏ bìa tổng phổ có hình vị vua lừng danh ấy. Cuối cùng, ông mới đổi tên tác phẩm này thành Eroica, ông muốn thể hiện hình ảnh người anh hùng lý tưởng của riêng mình.
Tôi cũng từng có tâm trạng thất vọng giống Beethoven. Chỉ có điều, người tôi yêu thương, sùng bái không phải là một vị hoàng đế lẫy lừng như Napoleon. Cha tôi. Ông đơn thuần là người cha, người chơi đàn violon, người giúp tôi hiểu được ý nghĩa hai từ “ruồng bỏ” khi tôi chỉ mới lên 5.
Bốn mẹ và những người bạn ở cô nhi viện không hề biết quá khứ của tôi. Lần đầu, họ bắt gặp tôi nằm bất tỉnh ngoài cổng nhà, cả người ướt sũng dưới cơn mưa lớn, toàn thân nóng hừng hực, phát sốt. Tôi được đưa vào trong, được chăm sóc rồi sống ở đây. Tôi nói dối mình là trẻ mồ côi và muốn ở lại. Các mẹ vui vẻ đồng ý, họ chẳng hỏi thêm gì về quá khứ trước đó của tôi. Điều ấy khá kỳ lạ vì con người vốn rất hiếu kỳ nhưng tôi thấy nhẹ nhõm lẫn biết ơn họ trước việc làm này. Tôi thật sự không mong phải nhớ đến cái tuổi thơ tồi tệ, khắc nghiệt của mình.
Tôi là đứa trẻ không được mong đợi. Cha tôi, một phút lầm lỡ đã qua đường với một người phụ nữ mà chẳng bao giờ tôi biết mặt hay gọi mẹ, để rồi sinh ra tôi. Bà ấy bỏ đi. Cha mang tôi về nhà. Có lẽ vì trách nhiệm hoặc đại loại kiểu như tình người nên ông đã không vứt bỏ đứa con gái đó dù ông chẳng hề yêu thương nó. Tôi lớn lên ở ngôi nhà lạnh lẽo cùng những con người xa lạ. Vợ của cha tôi, tôi phải gọi bằng dì, với ba đứa con của bà ghét tôi kinh khủng. Nhiều lần họ hay đánh tôi rồi mắng nhiếc câu “ Đồ nghiệp chủng, sao mày giống mẹ mày thế? ”. Tôi nghĩ, lỗi lầm lớn nhất của tôi là mang gương mặt của người phụ nữ xấu xa đã làm tan nát gia đình họ.
Cha, trong mắt tôi chẳng hơn gì một chiếc bóng lặng lẽ. Ông đáng sợ nhất khi không cười. Và điều đáng buồn, mỗi lần thấy tôi thì ông chẳng bao giờ nở nụ cười. Tôi sợ, sợ cái cảm giác lúc đôi mắt cha xoáy sâu vào mình, cái nhìn của sự trống rỗng, căm ghét, trách cứ hệt như tôi là người khiến ông phải gặp điều bất hạnh nhất trong cuộc đời. Tôi thấy buồn cười! Tôi chỉ là đứa trẻ còn ông mới là người sinh ra tôi vậy tôi sai ở đâu? Vì đã làm con ông ư? Hẳn thế rồi… Lúc chỉ mới 5 tuổi, tôi sớm nhận ra mình bị cha ruồng bỏ. Tôi đã biết cái từ ấy trước khi học đánh vần nó.
Cha tôi rất yêu âm nhạc. Đặc biệt, ông thích những bản nhạc giao hưởng của Mozart, Beethoven, Haydn. Ông thường dành hàng giờ bên chiếc violon say sưa chơi nhạc quên cả thời gian. Ông chơi đàn rất giỏi. Có lẽ vì thừa hưởng dòng máu âm nhạc từ ông nên ngay từ khi còn nhỏ tôi đã vô cùng thích thú với những giai điệu, cung đàn. Tôi có thể nghe và cảm nhận sự chuyển động lạ kỳ của nốt nhạc. Tôi vẫn thường đứng ngoài cửa phòng, chăm chú quan sát từng cử chỉ của cha khi ông kéo cây vĩ. Nhẹ nhàng. Uyển chuyển. Lúc nhanh lúc chậm. Đó là khoảnh khắc đầu tiên âm nhạc gõ cửa tâm hồn tôi. Tôi yêu nó, không cưỡng lại được. Và tôi bắt đầu nhìn những bản giao hưởng, cầm đàn violon rồi kéo cây vĩ, chơi nhạc.
Thế giới xung quanh tôi bừng sáng. Tôi yêu cuộc sống hơn, hy vọng hơn, mạnh mẽ kiêu hãnh hơn. Tôi chẳng còn quan tâm đến mọi điều tệ hại khác nữa. Tôi dần dần bước ra khỏi bóng tối của sự ruồng bỏ, cô độc, chán chường. Âm nhạc đã cứu rỗi linh hồn tôi.
Tôi chơi đàn ngày càng nhiều. Say sưa. Mãnh liệt. Đam mê. Để rồi vào một ngày nọ, điều kỳ diệu bỗng dưng xuất hiện, thứ phép màu mà tôi nghĩ rằng chẳng bao giờ mình có được, âm nhạc mang cha đến bên tôi. Khi vào một buổi sáng, lúc mở cửa phòng, cha kinh ngạc thấy tôi chơi đàn bên khung cửa sổ. Và phải chăng, lúc ấy ông mới nhận ra tôi là con ông.
Cha bắt đầu thích điều ấy, thích việc tôi đàn violon trên các bản giao hưởng của Beethoven. Ông có thêm thói quen mới, quan sát tôi chơi nhạc. Những lúc như vậy, trông gương mặt ông thật hiền, đôi mắt cứ sáng rực mỗi lần tôi kéo nhanh cây vĩ. Cha tôi đột nhiên có những hành động mà từ trước đến giờ chẳng khi nào ông làm với tôi: nói chuyện nhiều hơn, vỗ tay tán thưởng, mỉm cười, gọi tên tôi, vỗ đầu và ôm tôi. Ông nói, tôi có năng khiếu. Khoảng thời gian ấy, đối với tôi thật hạnh phúc. Tôi vui vì sau cùng, mình đã có thể sống. Sống để được yêu thương chứ không phải bị ghét bỏ.
Cha. Âm nhạc. Cho tôi một thứ mà tôi gọi tên là Hạnh phúc.
Vì cha, tôi chơi đàn nhiều hơn nữa. Đôi tay tôi cũng dần dần trở nên tê cứng. Tôi mệt mỏi hơn bởi những lúc thức đến tận khuya chỉ để kéo cây vĩ hàng tiếng đồng hồ cho ông nghe hết bản nhạc này đến bản khác. Rồi điều gì đến sẽ đến. Tôi xuống sức hẳn. Tôi không thể chơi đàn hay như trước.
Âm nhạc đưa cha đến bên tôi thế nhưng cũng chính nó mang ông rời xa tôi. Một lần nữa, tôi mất cha. Không còn cử chỉ ân cần dịu dàng, không những cái ôm, xoa đầu, không kiểu gọi tên tôi thật ấm áp trìu mến… chẳng còn gì cả ngoài gương mặt đáng sợ, đôi mắt vẫn với vẻ vô hồn, căm ghét, ông trở về là con người trước kia. Cha ép tôi chơi đàn, thậm chí những khi tôi bệnh. Ông điên tiết lúc tôi mệt mỏi buông rơi cây vĩ. Ông xé nát tôi và cả trái tim…
Cha. Âm nhạc. Cho tôi một thứ mà tôi gọi tên là Sụp đổ.
Chiều hôm đó, trời đổ mưa. Tôi sốt nặng nằm trên giường. Cửa phòng mở, cha bước vào. Tôi bị lôi xộc ra ngoài rồi bị ném vào phòng nhạc. Ông lạnh lùng đưa chiếc violon cho tôi cùng câu nói “ Chơi đi! ”. Tôi, mồ hôi ướt đẫm người, thở mệt nhọc đưa tay đón lấy. Chân đứng không vững nhưng tôi vẫn phải đứng để chơi đàn. Tôi run rẩy, tay phải kéo cây vĩ còn tay trái bấm nốt đàn. Mắt tôi hoa lên. Tôi không còn nhìn rõ những nốt nhạc nữa và tôi gảy sai bản giao hưởng Định Mệnh.
Cha, gần như phát điên, lập tức đứng dậy đưa tay đẩy mạnh tôi ngã xuống đất. Đầu óc quay cuồng nhưng vào lúc ấy, tôi vẫn nghe rõ từng lời đay nghiến của ông:
“ Mày thật vô tích sự! Mày không thể đàn! Vậy tao cần mày làm gì? Cút! ”
Tôi sững sờ nhìn cha cầm chiếc violon lên và đập mạnh nó vào tường. Nát. Vô số các mảnh gỗ văng ra tung toé khắp nền nhà.
Mày không thể đàn!
Vậy tao cần mày làm gì?
Cút!
Tôi ngồi lặng đi với vô số từ ngữ hổn độn xoay vần trong đầu mình. Tôi thật sự chết.
Cha. Âm nhạc. Cho tôi một thứ mà tôi gọi tên là Từ bỏ.
Tôi mau chóng đứng dậy, nhìn cha bằng đôi mắt ráo hoảnh. Tiếp, tôi quay lưng bỏ chạy ra khỏi nhà. Mặc bên ngoài mưa lớn, mặc cơ thể đang sốt nhưng tôi vẫn chạy thục mạng trong làn nước buốt giá. Kể từ giây phút này, tôi quyết tâm từ bỏ nơi đó, nơi có một người cha chưa từng xem tôi là con. Tôi xé hình ảnh ông trong trái tim mình!
Nếu tôi không chơi đàn giỏi, nếu tôi không yêu âm nhạc, nếu tôi không có niềm đam mê mãnh liệt khi cầm cây violon trên tay thì chẳng bao giờ cha ở gần tôi, ôm tôi hay gọi tên tôi. Ông đến bên tôi chỉ vì tôi có những thứ đó. Bất giác tôi nhận ra một điều thật cay đắng, không có âm nhạc thì tôi không bao giờ là con ông. Mãi mãi như vậy…
Tôi thật sự vui vẻ khi sống ở cô nhi viện. Vì tại đây, người ta chấp nhận tôi, chấp nhận con người thật của tôi không bởi lý do nào hết kể cả vì âm nhạc. Ban đầu tôi hơi khó khăn để hoà nhập với cuộc sống mới bởi tôi ít nói, trầm lặng và thu mình hơn sau biến cố kia. Nhưng tiếp theo, mọi thứ có vẻ tốt hơn. Tôi cởi mở, bắt đầu nói chuyện, cười đùa. Tôi kết bạn với Rê, một cô bé thân thiện, hoà đồng. Chúng tôi trở thành đôi bạn thân suốt hai năm.
Tôi tiếp tục chơi đàn. Tôi không trốn tránh. Tôi không muốn quá khứ tồi tệ kia đập tan niềm say mê lẫn tình yêu thương vô hạn dành cho âm nhạc. Một bản nhạc hay cần có nhiều cấp độ, cung bậc khác nhau và tôi hiểu rằng… Một cuộc đời trọn vẹn là nó phải trải qua nhiều thăng trầm của cảm xúc, chịu mọi tổn thương, đau đớn cùng với hạnh phúc, vui sướng. Biến cố giúp tôi thay đổi. Tôi mong sẽ tạo ra bản giao hưởng về cuộc đời mình. Nhất định có một ngày như thế…
Cái tên Mi ra đời từ đó. Lúc tôi cầm đàn violon lên và chơi lại bản Eroica. Năm ấy tôi 10 tuổi.
Một năm sau, lại vào buổi chiều mưa, trong lúc ở phòng nhạc chơi đàn, tôi tình cờ gặp cậu ấy. Cậu bé với những dòng nước mắt chảy dài khi nhìn tôi đàn bản giao hưởng Định Mệnh. Tôi tìm cho cậu ấy cái tên Đô. Nó hợp với cậu ấy. Đô rất thích violon dù cậu ấy chưa một lần nhìn thấy nó.
Âm nhạc, thêm lần nữa xuất hiện điều kỳ diệu, đã mang Đô đến bên tôi.
Tôi, Đô và Rê cùng nhau chơi đàn. Ba chúng tôi rất hợp. Mỗi ngày chúng tôi luôn dành ra nửa buổi để tập đàn từ những bản giao hưởng của Beethoven. Tôi vui. Tình cảm của cả ba ngày càng sâu sắc.
Âm nhạc kéo chúng tôi, những đứa trẻ xa lạ, đến gần nhau để cùng hoà nguyện tâm hồn trên nốt nhạc.
Ba năm nữa trôi qua mau, giờ chúng tôi 15 tuổi. Đô đã chơi khá thành thạo violon. Cậu ấy cảm nhận âm nhạc giống tôi. Đô học nhanh bởi lẽ cậu ấy có năng khiếu. Còn Rê, tư chất kém hơn nên vẫn thua Đô mặc dù cậu ấy học đàn từ nhỏ. Quá khứ của Rê tôi không rõ. Tôi cũng chẳng hỏi vì đơn giản những đứa trẻ sống ở cô nhi viện nếu từng có quá khứ thì hẳn chỉ là điều tồi tệ, như tôi. Tất cả chúng tôi phần lớn đều được dán lên người ba chữ “ bị bỏ rơi”, số còn lại thì cha mẹ mất.
Cuộc sống êm đềm của ba chúng tôi cứ lặng lẽ trôi. Âm nhạc. Đàn. Bản giao hưởng. Tình bạn. Yêu thương. Đùm bọc. Những thứ ấy đều tồn tại trong chúng tôi ngày qua ngày.
Tôi nhớ nhất, vào một buổi trưa đầu mùa hạ, cả ba đã có với nhau một lời hứa. Chính xác, ước mơ cho tương lai.
***
Ngồi đung đưa chân trên ghế đá, tôi bất chợt quay qua Đô và Rê, hỏi:
“ Hey, hai cậu có biết vận tốc âm thanh trong không khí là bao nhiêu không? ”
“ Không! Là bao nhiêu? ” – Hai người bạn của tôi lắc đầu, đồng thanh
Tôi mỉm cười, ngẩng mặt lên cao nhìn qua mấy kẽ lá được gọi là khoảng trắng, trả lời:
“ 344m/s. Những nốt nhạc truyền đến tai ta cũng thế.”
Dứt lời, tôi cầm violon lên, nhắm mắt, dùng tay phải kéo cây vĩ vào đàn. Khi các sợi dây nylon chạm vào nhau thì âm thanh nhẹ nhàng phát ra, lan truyền đến tai của mỗi đứa. Vận tốc rất nhanh. Thật kỳ diệu! Nhạc hay lời nói, đều chỉ là 344m/s không đổi. Luôn luôn.
Rê lém lỉnh, hỏi vặn vẹo tôi:
“ Sao cậu biết hay vậy? Đọc sách à? ”
“ Ừm, chứ còn gì, cậu nên chịu khó xem sách vở đi, sẽ giúp ích lắm.”
“ Hứ, hổng thèm, tớ đọc những bản nhạc là được rồi.” – Rê lè lưỡi, trêu tôi.
“ Khi chúng ta mở miệng ra nói thì âm thanh đã lập tức truyền đến tai đối phương. 344m/s. Quá nhanh! ” – Đô, bắt đầu lập luận như nhà khoa học, trầm ngâm.
“ Trên đời này, hoá ra còn vô vàn những điều lý thú nhỉ?” – Rê tròn xoe mắt, ngây ngô – “ Như âm nhạc chẳng hạn. Nó có sức mạnh cứu rỗi chúng ta.”
Tôi lẫn Đô đều gật đầu đồng tình. Âm nhạc, thứ được tạo ra từ thanh khí và nhạc khí, khi nó vang lên là đã truyền đến tai người nghe với vận tốc 344m/s, lại có khả năng làm thay đổi cả thế giới.
Tự dưng tôi nắm tay Rê và Đô, buột miệng bảo:
“ Một ngày nào đó, chúng ta sẽ cùng chơi bản giao hưởng Định Mệnh nha? Tớ rất muốn ba chúng ta trở thành những người chơi đàn giỏi. Chúng ta cùng thành lập nhóm nhạc giao hưởng đi khắp nơi biểu diễn cho tất cả ai yêu dòng nhạc này nghe. Để âm nhạc cứu rỗi linh hồn họ như chính chúng ta vậy, đồng ý chứ? ”
Ban đầu cả hai nghệch mặt ra chăm chú nhìn tôi nhưng rồi rất nhanh, họ đã cười rạng rỡ.
“ Ừm, nhất định. Ba chúng ta sẽ cùng cố gắng trở thành những nghệ sĩ đàn giỏi, thành lập nhóm nhạc giao hưởng. Một lần cùng nhau chơi bản giao hưởng Định Mệnh. Hứa thế nhé! ”
Rê đưa tay ra, tôi liền đặt tay mình lên đó. Đến lượt Đô, cậu ấy nhẹ nhàng nắm gọn lấy tay hai đứa tôi, ánh mắt mạnh mẽ cùng nụ cười quyết tâm:
“ Chúng ta chỉ dừng lại cho đến lúc cuộc đời này kết thúc trên những cung đàn! ”
“ Chắc chắn! ” – Tôi với Rê hô lớn trong niềm hân hoan.
Lời hứa bắt đầu từ buổi trưa hôm đó. Lúc ấy, nắng nhạt trải vàng ươm lên ba chiếc đàn violon, ba cây vĩ cầm cùng xấp bản nhạc cũ kỹ.
Tôi chẳng ngờ được, lời hứa tưởng chừng giản đơn kia lại làm thay đổi cuộc đời chúng tôi.
Chỉ là
Ba chúng tôi đã hứa với nhau một lời hứa không thể thực hiện được.
***
Buổi tối, tôi tình cờ đi ngang qua phòng nhạc và nghe âm thâm du dương cất lên rất khẽ. Tôi nghĩ ai đó đang chơi đàn. Và tôi suy đoán đó là Rê. Thế nhưng khi đẩy cửa bước vào, tôi ngạc nhiên thấy Đô đứng bên cửa sổ, nhắm mắt, say sưa đàn. Ánh trăng bên ngoài trải những mảng sáng lên cả người cậu ấy cùng cây violon tựa trên bờ vai. Trông Đô sáng rực, kỳ ảo. Trái tim tôi bất chợt đập hơi nhanh, mặt cũng nóng bừng. Tôi hiểu rõ cảm giác này. Tôi chẳng phải đứa quá ngu ngơ khờ khạo để không nhận ra mình thích Đô. Chính xác, tôi thích cậu ấy được hai năm. Chỉ có điều, tôi chưa rõ tình cảm của cậu ấy dành cho mình là thế nào. Tôi vẫn đang chờ đợi…
Tôi tiến về phía Đô, đến một khoảng cách nhất định thì lên tiếng, giọng vừa đủ nghe để cậu ấy không quá giật mình:
“ Khuya như vậy cậu chưa ngủ mà còn chơi đàn sao? ”
Đô ngừng lại, mở mắt ra hệt như vừa rời khỏi thế giới mơ màng nào đó. Cậu ấy quay qua, ngạc nhiên:
“ Mi, cậu đến lúc nào thế? ”
Tôi nhích từng bước lại gần Đô hơn, cho đến khi đứng ngay trước mặt cậu ấy.
“ Vừa mới đến. Cậu chơi đàn say sưa quá nên không nghe tiếng mở cửa.”
“ À, ừ, tớ không ngủ được nên đến đây chơi đàn. Tớ luyện lại bản Sonata Moonlight (bản sonata Ánh trăng của Beethoven) mà nhìn khung cảnh cũng hợp quá.” – Đô đưa mắt ra ngoài, ánh trăng không ngừng soi rọi khung cửa sổ mở toang cùng những làn gió thổi nhẹ.
“ Tớ cũng không ngủ được, định đi dạo cho khoay khoả tình cờ nghe tiếng đàn, cứ tưởng Rê trốn mẹ cả vào đây hoá ra là cậu.” – Tôi vừa nói vừa giáng mắt vào cây violon – “ Cậu khi nãy đàn sai một nhịp, để tớ chỉ ra cậu xem.”
Đô gật đầu rồi cầm đàn lên chơi lại bản Sonata Moolight. Tôi lắng tai nghe giai điệu du dương trong vài phút cho đến lúc đúng ngay chỗ sai vừa rồi thì tôi bảo Đô ngừng:
“ Đây, chính chỗ này. Cậu chơi hơi nhanh, lẽ ra phải chậm lại một nhịp.” – Tôi, nhìn những ngón tay trái của Đô đang bấm nốt đàn, nhẹ nhàng đặt tay mình lên chỉnh sửa chúng – “ Này, cậu nên bấm vào nốt này khi kéo cây vĩ đến đây… thấy chứ? Cậu nghe âm thanh khác lúc nãy phải không? ”
Không nghe đáp lời, tôi liền ngẩng đầu lên thì bất ngờ giật mình bởi gương mặt Đô rất gần. Tôi chưa bao giờ nhìn cậu ấy ở cự ly gần như vậy. Dường như Đô cố tình tiến sát lại gần tôi vì chỗ cậu ấy đứng ban đầu đã thay đổi.
Tim tôi đập nhanh khi thấy đôi mắt Đô nhìn mình không chớp. Tôi bắt gặp trong đáy mắt ấy những đốm sáng lung linh đang nhảy múa, chúng trở nên mờ ảo dưới ánh trăng. Và tôi thật sự bị lạc. Phải, tôi lạc mất rồi. Tôi chẳng còn nghe thấy hơi thở của mình nữa, chẳng nghe tiếng tim đập, chẳng còn bất kỳ âm thanh nào vào khoảnh khắc Đô dành cho tôi cái nhìn sâu thẳm, trìu mến lẫn tha thiết. Có dòng cảm xúc khác lạ trỗi dậy trong tôi giống như lần đầu tiên tôi nhận ra mình yêu âm nhạc.
Giọng Đô chợt nhiên thì thầm, hơi thở ấm nóng phả vào mặt tôi:
“ Mi, cậu có biết vận tốc âm thanh trong không khí là bao nhiêu không? ”
“ 344m/s.” – Tôi mừng vì bản thân còn tỉnh táo để trả lời.
“ Vậy nếu…” – Đô càng ngày càng áp sát người vào tôi hơn, thả rơi cây vĩ, bàn tay cậu ấy đưa lên chạm vào mặt tôi – “ Nếu tớ nói điều này thì cậu sẽ nghe chứ? ”
Tôi không nói chỉ giương mắt chờ đợi. Đô mỉm cười, vẻ như nhận ra sự sốt ruột của tôi, miệng chậm rãi thốt ra ba từ:
“ Tớ thích cậu! ”
Vận tốc âm thanh là 344m/s thế nên câu nói ngắn ngủi ấy truyền đến tai tôi một cách nhanh nhất. Tôi không phản ứng, không đáp lời và kỳ thật thì tôi chẳng biết nên làm gì. Tỏ ra vui mừng hay bảo đại loại giống trong phim rằng “ Ha, cậu thật biết đùa nhưng tớ không thích đùa kiều này đâu”. Tôi không thể nói thế vì tôi thích Đô. Tôi vui. Ừm, giờ tôi mới nhận ra mình đang vui. Cuối cùng, tôi đã biết vị trí của mình trong tim cậu ấy.
“ Tớ cũng vậy.”
Tôi mơ hồ nhớ rằng, mình đã nói với Đô câu này. Tôi không rõ, nét mặt cậu ấy biểu hiện thế nào khi nghe vậy… Tôi chỉ biết, vào giây phút đó, chúng tôi đã trải qua những cảm xúc kỳ diệu nhất khi cả hai ôm và trao nhau nụ hôn đầu tiên.
Dưới ánh trăng đêm ấy, tôi lạc mất mình. Tôi lạc trong nụ hôn. Tôi lạc vào Đô.
***
Những ngày tiếp theo, tôi và Đô vẫn là hai người bạn bình thường trước mặt mọi người lẫn Rê. Nhưng đêm về, hai chúng tôi thường trốn vào phòng nhạc, chơi đàn hoặc chỉ đơn giản là ở cạnh nhau.
Chúng tôi rất hạnh phúc.
Riêng tôi, tôi nghĩ mình đang có mọi thứ trong tay. Những thứ mà bản thân hằng mong đợi, bắt đầu từ lúc 5 tuổi. Và giờ đây, tôi đã thật sự sống trên cung đàn tuyệt diệu.
***
Mẹ cả, chải đầu cho tôi, hơi sửng sốt khi thấy tóc tôi rụng nhiều:
“ Mi, sao mấy tháng nay tóc con rụng nhiều quá vậy? Con bệnh à? Có mệt mỏi ở đâu không?
Tôi, dù cũng thắc mắc điều ấy vẫn cười cười bảo:
“ Không, con ổn, chắc tại dầu gội đầu không hợp để có gì con đổi sang của Rê xem sao.”
Mẹ cả không nói gì tiếp tục chải đầu cho tôi rồi bất chợt bà thấy mấy nốt đỏ đỏ sưng sưng trên hai cánh tay tôi liền ngạc nhiên hỏi:
“ Con bị mũi đốt sao? ”
Tôi đưa mắt nhìn thứ khác lạ chẳng rõ lý do gì lại xuất hiện trên người mình, lắc đầu:
“ Không, đây không phải mũi đốt đâu mẹ cả. Chúng tự dưng nổi lên mấy tháng nay rồi. Con nghĩ chắc hẳn cơ thể nóng quá nên nổi mụn.”
Mẹ cả nghĩ gì đấy mà trông nét mặt rất lo lắng:
“ Hay là con mắc bệnh gì. Hôm nào đến bệnh viện kiểm tra đi.”
“ Con nghĩ không cần… ”
Tôi chưa kịp nói hết câu thì cửa phòng đột ngột mở. Xoay qua và, tôi bất động cùng đôi mắt mở to khi nhận ra gương mặt quen thuộc của người đứng ngay trước cửa. Một người phụ nữ…
Tôi rời khỏi cô nhi viện vào buổi sáng đẹp trời. Tôi sẽ không quay lại đây nữa. Lúc tôi ra đi, chỉ có bốn mẹ và những người bạn nhưng không có Đô và Rê.
Còn lý do vì sao thì…
Ngày đó, tôi lạc mất mình. Tôi lạc mất Rê. Tôi lạc mất Đô. Tôi lạc mất những cung đàn.
3.
Mẹ, cây đàn violon. Chuông gió. Thầm lặng.
***
Không rõ do ngẫu nhiên hay cố ý, tôi được mẹ đặt cho cái tên Rê. Lúc ấy, tôi chưa biết bà yêu âm nhạc say đắm. Để rồi tôi cũng được bà truyền thụ cho tình yêu về những bản giao hưởng, những nốt nhạc cùng với cây violon.
Tôi thật sự thích chữ “Rê”. Mẹ tôi yêu bản giao hưởng số 9 của Beethoven, Rê thứ, tôi cũng vậy. Đó là tác phẩm cuối cùng và vĩ đại nhất mà nhà soạn nhạc bất hạnh ấy để lại cho thời đại. Điều khiến tôi kinh ngạc lẫn khâm phục là lúc sáng tác bản giao hưởng này, Beethoven đã hoàn toàn bị điếc cả hai tai. Tôi vẫn thường xuyên hỏi mình rằng: nếu bị điếc thì sao ông ấy có thể viết nhạc, đã thế còn là một tác phẩm kinh điển, đầy sáng tạo? Đáng tiếc, tôi chẳng thể tìm được lời giải đáp. Và cũng từ những giây phút đó, tôi bắt đầu yêu Beethoven.
Khi chưa đầy 7 tuổi, tôi luôn được nghe mẹ nói về Beethoven, về cuộc đời bất hạnh, về nỗi đau tinh thần lẫn thể xác mà ông phải trải qua hiển nhiên cả việc ông bị điếc là do di chứng viêm tai lúc nhỏ. Tôi khóc! Thật kỳ lạ, dù chỉ mới là đứa trẻ nhưng tôi đã khóc khi nghe về tất cả điều ấy. Có thể vì tôi nhạy cảm như mẹ tôi nói. Sự thật thì, dường như tôi cảm nhận được nỗi thống khổ của Beethoven. Tôi đau cùng nỗi đau của ông như thể cuộc đời ông chính là cuộc đời tôi. Nếu có đứa trẻ 7 tuổi nào nói với bạn điều đó thì hẳn bạn sẽ thấy rất buồn cười.
Mẹ yêu âm nhạc, yêu tôi. Tôi yêu âm nhạc, yêu mẹ. Chỉ có điều, những người trong gia đình không ai yêu âm nhạc và cũng không ai yêu mẹ và tôi. Tôi chẳng rõ lý do vì sao nhưng tôi đã sớm hiểu điều ấy từ lúc tôi còn rất nhỏ khi mà ông bà ngoại, mấy dì, anh em họ nhìn tôi bằng ánh mắt ghét bỏ. Không riêng gì tôi, mẹ tôi cũng bị như thế. Đối với họ, mẹ con tôi như một thứ đáng quyền rủa. Họ xa lánh, đánh đập, mắng nhiếc chúng tôi. Tôi có hỏi về thái độ đáng sợ của tất cả người thân trong nhà thì mẹ không nói, lặng lẽ mỉm cười rồi kéo tôi vào lòng, đặt lên tay tôi chiếc đàn violon. Nhiều lần giống vậy khiến tôi dần dần hiểu ra, kiểu như bà muốn dùng âm nhạc để tôi quên đi câu hỏi không bao giờ được trả lời kia.
Tôi dễ dàng nhận thấy rằng mình khác những đứa trẻ đồng trang lứa. Ở chỗ, tôi không có cha. Mấy anh em họ tôi đều có cha nhưng tại sao tôi không có? Nhận thức non nớt của một đứa trẻ giúp tôi hiểu, gia đình trọn vẹn là phải có cha lẫn mẹ. Người chồng, người cha là người đàn ông mạnh mẽ sẽ bảo vệ vợ cùng những đứa con… nhưng tôi lại không có được người như thế bên cạnh mình. Nhiều lúc, mẹ và tôi bị đánh, bị mắng tôi thầm ước giá như cha xuất hiện ở đây, ông nhất định bảo vệ hai chúng tôi. Dù cho tôi mong mỏi cả ngàn lần thì cha cũng chẳng bao giờ xuất hiện và cuối cùng vẫn chỉ là mẹ và tôi tự chống chọi, tự thân vượt qua nỗi đau.
Tôi, vẫn thường hỏi mẹ “ Mẹ ơi, cha con là ai?” và rất nhiều lần mẹ nhìn tôi trả lời duy nhất một câu “ Cha con, là đây!” vừa nói bà vừa cầm violon lên, trao nó cho tôi. Tôi chỉ biết tròn xoe mắt nhìn mẹ để rồi tôi giật mình khi thấy phản chiếu từ đáy mắt trìu mến của bà là nỗi đau vô hạn cùng dòng nước long lanh… Kể từ giây phút ấy, tôi không bao giờ hỏi mẹ về cha nữa. Tôi hiểu…
Vì là con gái nên tôi rất giống mẹ. Có thể nói là giống như đúc từ gương mặt tròn cân đối, đôi mắt một mí to hay chớp chớp mỗi lần ngạc nhiên hoặc thú vị, đến cái mũi cái miệng và cả mái tóc mềm mại màu nâu đồng cắt ngắn đến vai. Tôi, bản sao của mẹ. Tôi còn giống mẹ ở chỗ, niềm đam mê mãnh liệt dành cho âm nhạc. Thế nhưng, chỉ duy nhất một điều tôi khác bà, tôi chơi violon rất tệ. Mẹ tôi, nghệ sĩ đàn violon giỏi. Còn tôi, như người khác hay nói, chẳng hề có năng khiếu. Dù vậy mẹ vẫn yêu tôi. Không thất vọng, không buồn bã bà chỉ âm thầm dạy tôi chơi violon. Mẹ chẳng bao giờ bắt ép tôi điều gì, bà vẫn kiên nhẫn chỉ tôi chơi đàn dù tôi vô cùng kém cỏi bởi bà hiểu rất rõ tôi yêu âm nhạc đến dường nào.
Tuổi thơ tôi gắn liền với những buổi chiều nhạt nắng, với chiếc ghế gỗ sơn trắng gần bờ hồ và trên đó là những bản giao hưởng, với hình ảnh mẹ cùng tôi chơi violon. Đấy là phần ký ức tuyệt diệu nhất trong tôi. Tuổi thơ tôi còn có cả mồ hôi của mẹ mỗi lần dạy đi dạy lại một đoạn nhạc cho con gái, cả lúc bà mỉm cười khi thấy nó đã kéo thành thạo cây vĩ với cả lúc tôi lắng nghe mẹ chơi đàn rồi ngủ gục bên cạnh bà. Thật đẹp! Nắng, gió, âm nhạc, mẹ, cây đàn violon, tất cả những điều đó đã làm nên tuổi thơ vĩnh cửu của tôi.
Vốn dĩ mọi thứ vẫn diễn ra tốt đẹp thế nhưng lại vẫn chính những con người ích kỷ ấy đã tạo ra vết chàm không thể xoá được trong con người tôi.
Có một lần, chẳng hiểu sao ông bà ngoại, mấy dì lại bắt nhốt mẹ tôi vào nhà kho. Họ khoá cửa và cứ vậy bỏ đi để mặc tiếng khóc lẫn van xin của mẹ. Mẹ gào thét gọi tên tôi… vì khi ấy tôi bị viêm tai phát sốt nằm trên giường. Mẹ tôi hiểu, nếu không có bà thì sẽ chẳng ai mang đứa con gái tội nghiệp đang bệnh nặng đến khu trạm xá. Và đúng như thế, đêm đó, tất cả những con người có chung dòng máu với tôi kia vẫn ngủ ngon trong khi mẹ tôi không ngừng khóc và tôi thì tưởng chừng đã chẳng thể qua khỏi bởi cơn sốt kinh khủng lần ấy.
Tôi được mẹ đưa đến khu trạm xá vào buổi sáng sớm. Tôi không biết bác sĩ nói gì với mẹ chỉ biết rằng lúc mở mắt ra thì đã thấy bà ngồi bên cạnh giường nhìn tôi với đôi mắt tê dại, đau đớn, trên gò má dòng lệ còn ướt. Chứng viêm tai cùng với cơn sốt cao đã khiến đầu óc tôi không còn bình thường như trước. Não tôi chậm phát triển đi. Tôi phải mất nhiều thời gian mới có thể hiểu người khác truyền tải điều gì cũng như diễn đạt điều mình muốn nói. Con đường đến với âm nhạc của tôi càng khó khăn hơn!
Mẹ không bỏ rơi tôi. Bà yêu tôi hơn xưa, nhẫn nại hơn xưa bởi giờ đây để học một đoạn nhạc ngắn tôi gần như bỏ ra một tháng mới chơi được. Nhờ lời khuyên bảo của mẹ, tôi quyết tâm dùng những giai điệu để diễn tả cảm xúc của mình. Tôi gắn bó với violon rất nhiều năm như thế và nhờ mẹ, nhờ âm nhạc mà tôi có thể vững vàng vượt qua giai đoạn bất hạnh nhất của tuổi thơ.
Để đến ngày kia, tuổi thơ tôi lần nữa bị vấp ngã bởi biến cố lớn. Đó là sự thay đổi nghiệt ngã nhất trong suốt cuộc đời tôi.
Ngày mẹ mất, tôi đã cố gắng hết sức để chơi cho bà nghe, lần cuối, bản giao hưởng Định Mệnh của Beethoven. Đây là tác phẩm Beethoven sáng tác khi ông mắc bệnh nặng, nó mang âm hưởng ca ngợi tình yêu cuộc sống, cuộc chiến của con người chống lại định mệnh. Khi đó, tôi rất khó khăn để cất tiếng dù bản thân vô cùng muốn nói rằng “ Mẹ ơi! Đừng bỏ con! Làm ơn đừng bỏ con! Mẹ hãy cố gắng vượt qua!”. Hôm ấy, tôi cầm violon và chơi một bản nhạc rất tệ. Tôi chưa thể đàn được bản giao hưởng số 5 này. Nó quá khó với tôi… Tôi kéo cây vĩ, mắt đẫm nước, bờ môi thì mấp máy những từ không thể thành lời. Tôi cứ chơi mặc âm thanh của các sợi nylon chạm vào nhau nghe tệ hại, mặc bản thân đang đau đớn, mặc mẹ nằm trên giường bệnh lặng lẽ ra đi.
Tôi đã chẳng thể nói với mẹ một lời nào ngoài việc gửi đến bà những nốt nhạc đứt toạc, rời rạc vào giây phút sau cùng.
Mẹ, âm nhạc, đó là hai thế giới không thể thiếu với tôi. Nhưng giờ đây, tôi sụp đổ bởi một nửa tâm hồn đã bị giết chết.
Tôi ngồi bất động trên ghế gỗ sơn màu trắng gần ngay bờ hồ, bên cạnh cây violon im lìm, lặng thinh. Mắt nhìn đăm đăm vào khoảng không phía trước, tư thế đó của tôi kéo dài hàng giờ liền. Lần đầu tiên trên những trang giấy đẹp đẽ của tuổi thơ tôi, không còn hiện hữu hình bóng mẹ.
Tim đau, khó chịu, lồng ngực tưng tức nhưng tôi không khóc, có điều gì ngăn cản tôi. Tôi chẳng biết nên bộc lộ cảm xúc lúc này của mình ra sao… Và rồi, tôi cầm violon lên, đứng dậy, đến bên bờ hồ. Tôi nhắm mắt, bắt đầu chơi đàn. Tôi không thể bày tỏ xúc cảm của mình vì tôi là đứa trẻ bất thường thế nên tôi dùng âm nhạc để bộc lộ chúng. Bây giờ cũng vậy, tôi cần được giải thoát khỏi nỗi đau đớn cùng cực đang xé nát cơ thể mình. Tôi đàn violon một cách điên cuồng, để bản thân thăng hoa cùng những nốt nhạc, để mọi thống khổ theo đó thoát ra. Tôi khóc! Tôi đã có thể khóc! Mỗi lần kéo cây vĩ là mỗi lần tôi nhớ về mẹ và nước mắt rơi liên tục, rất nhiều đến nỗi tôi không còn đủ khả năng giữ chúng nữa.
Qua làn nước mắt tôi thấy bóng mình soi tỏ dưới mặt hồ trong vắt, tĩnh lặng. Vào khoảnh khắc kỳ diệu ấy, tôi thấy hình ảnh mẹ ẩn hiện trong tôi. Tôi và mẹ giống nhau!
Tôi sẽ chơi nhạc. Tôi sẽ tiếp tục sống trên những cung đàn. Tôi tuyệt đối không ngừng lại. Tôi muốn suốt đời này, mình không bao giờ rời xa cây đàn violon.
Tôi sẽ đàn, mãi mãi và bởi vì chỉ khi đàn tôi mới thật sự giống mẹ!
Sau khi mẹ mất, tôi rời khỏi nhà, mang theo cây violon, mang theo mẹ, mang theo tình yêu âm nhạc đến nơi khác, một nơi mà tôi có thể sống, có thể chơi đàn. Cuối cùng, tôi tìm đến cô nhi viện này. Tôi được các mẹ cho sống ở đây, khi đó tôi chưa đầy 10 tuổi. Tôi vẫn giữ cái tên Rê. Mọi người đối xử với tôi rất tốt, dần dần tinh thần tôi đỡ hơn. Tôi có thể nói, diễn đạt và hiểu được người khác. Tôi sống và hạnh phúc dù không có mẹ bên cạnh.
Vào mỗi buổi trưa, sau khi kết thúc bữa ăn, việc làm đầu tiên là tôi chạy một mạch đến phòng nhạc, đóng cửa lại rồi cầm đàn violon lên, nhắm mắt… Tôi nhớ đến mẹ trong khi tay phải kéo cây vĩ. Tôi mỉm cười.
Trong buổi chiều mưa một năm sau, bốn mẹ đột nhiên mang về một cô bé toàn thân ướt sũng nước. Cô bé bị sốt. Họ đã chăm sóc và để cô bé ở lại cô nhi viện. Điều khiến tôi vui mừng là cô bé ấy cũng thích đàn violon giống tôi chẳng những thế còn chơi rất hay. Lúc hỏi việc đặt tên, cô bé đã chơi bản giao hưởng số 3, Eroica, xong đáp rằng: “ Tên con là Mi.”
Tôi và Mi trở thành đôi bạn thân vì cả hai có chung sở thích, niềm đam mê. Mi đã dạy tôi chơi đàn. Chúng tôi gắn bó với nhau như hình với bóng suốt hai năm.
Năm hai chúng tôi 12 tuổi thì cậu ấy bất ngờ xuất hiện, Đô. Tôi có cảm tình với Đô ngay lần đầu tiên gặp, nhất là lúc trông thấy cậu ấy đứng khóc khi nghe bản giao hưởng Định Mệnh do Mi đàn.
Một lần nữa, không rõ do ngẫu nhiên hay cố ý, số phận đã gắn kết ba chúng tôi lại với nhau.
Chúng tôi cùng chơi nhạc, cùng vui đùa bên cạnh nhau. Cả ba đã trở thành một khối thống nhất chẳng thể tách rời. Tôi rất vui. Âm nhạc khiến ba đứa trẻ xa lạ chúng tôi đến gần nhau hơn.
Đô cũng giống như Rê, dù chỉ mới bắt đầu đàn violon nhưng cậu ấy đã hơn hẳn tôi vì nhờ có năng khiếu. Trong ba người, tôi là đứa chơi kém nhất nhưng tôi không buồn vì điều này, ngược lại, tôi luôn tự nhủ bản thân phải hết sức cố gắng để có thể đuổi kịp họ. Tôi thích những buổi trưa được Đô và Mi chỉ dẫn đàn các bản giao hưởng khó. Vì biết tôi chậm hiểu nên cả hai rất nhẫn nại, kiên trì giúp tôi. Tôi vui sướng mỗi lần họ mỉm cười mãn nguyện, vui sướng khi mình đàn thành thạo một đoạn nhạc dài nào đó. Khoảng thời gian ấy thật tuyệt vời hệt như lúc tôi còn bên mẹ.
Đô và Mi đã lắp đầy nửa tâm hồn ngỡ như đã chết của tôi vào năm mẹ tôi mất. Tôi yêu và biết ơn cả hai. Tôi cần họ như cần một thứ vô cùng quan trọng.
Ba năm lần lượt qua đi, tất cả cứ ngỡ sẽ như thuở ban đầu cho đến ngày kia, cái ngày tôi nhận ra bản thân thích Đô. Dù tôi vẫn mãi là người bất thường nhưng tôi có thể hiểu cảm giác mình dành cho Đô đã khác xưa. Nó không đơn thuần giống tình bạn nữa… Tôi thích ngắm nhìn Đô nhiều hơn, thích được ở cạnh cậu ấy, thích những lúc Mi lười biếng và chỉ cậu ấy dạy tôi chơi đàn trong phòng. Tôi thích mọi thứ liên quan đến Đô!
Lúc tôi biết mình rất thích Đô cũng là lúc tôi không thể đến gần cậu ấy được nữa… Hôm đó, tôi cùng Đô vào nhà sách mua vài thứ. Lựa chọn rất lâu ở quầy hàng lưu niệm, Đô chợt hỏi tôi về một chiếc nơ bướm màu xanh rất đẹp: “ Cậu thấy nó thế nào? ” “ Woa, đẹp quá! ” “ Cậu thích nó chứ? ” . Tôi gật đầu liên tục và Đô liền cười khẽ tiếp theo cậu ấy mua nó. Tôi quan sát thấy Đô nhờ người ở quầy thu ngân gói chiếc nơ thành món quà. Khi đó, tôi nghĩ cậu ấy sẽ tặng tôi vào ngày sinh nhật sắp tới. Tôi rất vui, lòng rộn ràng chờ đợi đến giây phút mở quà của Đô. Thế nhưng, thứ mà tôi nhận được sau lớp giấy gói bóng loáng nọ không phải chiếc nơ màu xanh mà là cái chuông gió bằng gỗ, nhỏ. Tôi hụt hẫng và hơi thất vọng. Tôi không biết Đô sẽ tặng chiếc nơ kia cho ai. Mãi đến sinh nhật của Mi thì tôi đã có câu trả lời… Đứng nhìn Mi mỉm cười với Đô, trên mái tóc đen có buộc chiếc nơ xanh, lòng tôi buồn kinh khủng. Tôi trở về phòng, đưa mắt nhìn cái chuông gió treo trên khung cửa sổ. Nó im lìm. Chuông sẽ chẳng thể ngân lên khúc nhạc nếu không có gió. Tôi cầm lấy đàn, nhắm mắt và chơi một bản nhạc không tên… Chính xác, nó chỉ là cảm xúc của tôi. Tôi vẫn dùng violon để diễn tả điều muốn nói.
Nước mắt rơi nhẹ nhàng lên thân đàn. Tình cảm tôi dành cho Đô nhiều đến mức đã hoá thành lệ.
Đúng lúc, gió bắt đầu thổi và bên tai tôi, ngoài những nốt nhạc phát ra từ cây violon còn có giai điệu leng keng của cái chuông…
Chuông gió chỉ cất lên khúc nhạc khi có gió và sẽ không ai hiểu được ý nghĩa đằng sau các thanh điệu đơn độc ấy.
Tôi không muốn làm tan vỡ tình bạn mà chúng tôi đã có với nhau suốt ba năm dài đầy hạnh phúc vì vậy tôi quyết định để hình ảnh Đô tận sâu trong trái tim mình. Tôi vẫn sẽ yêu Đô, vẫn sẽ yêu Mi như những ngày xưa bởi với tôi cả hai đều quan trọng. Tôi chẳng thể mất họ. Tiếp tục chơi đàn cùng Đô và Mi, tôi mỉm cười thật sự khi cả ba bên nhau. Tôi hài lòng với điều mình có.
Tôi nhớ mãi buổi trưa của cái ngày Mi tiết lộ cho tôi với Đô biết vận tốc âm thanh trong không khí là 344m/s. Quả thật kỳ diệu! Nhưng điều làm tôi sung sướng hơn bao giờ hết chính là lời hứa của ba chúng tôi. Cả ba sẽ cố gắng trở thành những người chơi đàn giỏi rồi thành lập nhóm nhạc giao hưởng để một ngày nào đó, chúng tôi sẽ cùng chơi bản giao hưởng Định Mệnh ! Tôi, Đô, Mi đã hứa chắc chắn như thế. Và sau ngày ấy, tôi càng quyết tâm phải nỗ lực nhiều hơn.
Thế nhưng, cái ngày tôi hằng mong đợi đó lại chẳng bao giờ thành hiện thực vì sự ra đi đột ngột của Mi. Mi rời khỏi cô nhi viện rồi không quay về nữa. Điều ấy trở thành biến cố mà tôi lẫn Đô đều không hề mong muốn. Cả hai chúng tôi đã mất đi một người bạn vô cùng quan trọng. Tất cả đổi thay.
Tôi. Đô. Mi. Ước mơ. Cung đàn. Những bản giao hưởng. Mọi thứ vuột khỏi tầm với của một lời hứa.
***
Buổi tối hôm nay trời lạnh lắm. Tôi đi làm thêm về, vừa mở cửa bước vào thì gặp ngay mẹ cả.
“ Rê, sao vể muộn vậy? Đã ăn tối chưa? ” – Mẹ cả lúc nào cũng lo lắng quá mức trước việc tôi về trễ.
“ Dạ, tại con làm thêm ca nên về hơi muộn. Con ăn rồi. Mẹ cả chưa ngủ ạ? ” – Tôi thả chiếc túi đeo trên vai xuống, uể oải vươn người, hỏi.
“ Ta chờ con về mới yên tâm ngủ được. Dạo gần đây con làm việc quá sức đấy, phải biết giữ gìn sức khoẻ chứ nếu đổ bệnh thì mệt lắm.” – Mẹ cả thở dài, lựa lời khuyên nhủ.
“ Vâng, con biết mà. Sức khoẻ con tốt lắm, không sao đâu.” – Tôi cười cười bảo – “ À, mẹ cả về phòng ngủ đi ạ, con sẽ khoá cửa cẩn thận.”
“ Ừm. Ngủ sớm nhé, đừng thức khuya quá.” – Mẹ cả dặn dò xong toan cất bước thì như nhớ ra một điều liền quay lại nói thêm – “ Con tiện thể ghé qua phòng Đô xem nó thế nào. Cả ngày nay, nó vẫn ở trong đó suốt, mẹ lo lắm.”
Nghe nhắc đến Đô là tôi lại buồn bã. Nhưng không muốn mẹ cả phiền lòng nên tôi đành gật đầu. Mẹ cả rời đi, chỉ còn mình tôi ở lại giữa căn nhà hiu quạnh. Đứng lặng vài phút, tôi mau chóng đóng cửa, khoá chốt xong khẽ xoay gót.
Cất bước chậm rãi trên dãy hành lang vắng vẻ, tôi suy nghĩ miên man đủ chuyện. Mãi đến lúc tôi đứng trước cửa phòng Đô lúc nào không hay. Tần ngần một lúc lâu, tôi đưa tay đẩy nhẹ cánh cửa mở hé… Căn phòng tối om, chẳng chút ánh sáng. Đồ đạc bừa bộn, mỗi thứ nằm một chỗ khiến tôi suýt vấp té. Phải mất mấy giây tôi mới có thể quen với bóng tối. Đưa mắt khắp phòng, tôi cố hướng cái nhìn xuyên qua cái màn đen kia để tìm kiếm Đô. Tôi thấy Đô nằm trên giường, vẻ như giả vờ ngủ vì đôi mắt nhắm ti hí…
“ Hôm nay cậu cũng không ra ngoài nói chuyện với mọi người à? ” – Tôi cất giọng thật nhỏ đủ để cậu ấy nghe và không đánh thức phòng bên cạnh.
Đô lặng thinh bởi đang cố gắng vào vai kẻ ngủ say, chẳng hề nghe thấy âm thanh gì.
“ Cậu… định bỏ violon mãi mãi sao? ” – Tôi như người điên tự nói lảm nhảm cho bản thân mình nghe.
Đô vẫn không đáp lời tôi, cậu ấy vốn giả vờ rất hay. Tôi chăm chú nhìn vẻ mặt bình thản của Đô, tôi biết, cậu ấy đang nghe tôi hỏi. Cậu ấy chẳng bao giờ ngủ vào giờ này bởi vì có một bí mật… Như thường lệ, không khi nào tôi nói quá ba câu trước thái độ bỏ mặc của Đô. Tôi đi ra khỏi phòng.
Tôi lại đến phòng nhạc. Dẫu mẹ cả dặn đừng thức quá khuya thế nhưng tôi vẫn thức để tập đàn. Trăng rất sáng khiến nơi này dù không bật đèn vẫn chẳng hề tối. Bên khung cửa sổ sáng trưng bởi ánh trăng, tôi thấy hai cây đàn violon nằm im lìm trên giá để. Là của Đô và Mi. Đã rất lâu rồi, chúng chẳng được ai sử dụng. Nếu mỗi ngày tôi không lau chùi thì hẳn, bụi sẽ phủ đầy chúng.
Khẽ thở ra, tôi đến bên cửa sổ, ngước mặt quan sát bầu trời đêm. Từ ngày Mi ra đi đến nay đúng ba năm. Một quãng thời gian không dài nhưng đủ lâu cho sự thay đổi. Tôi mất Mi đồng thời mất luôn Đô. Đô, lúc Mi không còn ở đây, đã hoàn toàn đổi khác. Cậu ấy ít nói hẳn, suốt ngày ở trong phòng chẳng ra ngoài chỉ trừ những khi thật cần thiết. Điều đáng buồn là, cậu ấy từ bỏ âm nhạc. Tôi không còn thấy Đô chơi đàn nữa, hình ảnh ấy bây giờ quá xa vời hệt như các vì sao đang hiện diện trên trời, mãi mãi chẳng với tới được. Rất nhiều lần tôi khuyên Đô nhưng cậu ấy không nghe. Tôi hết cách, bất lực đứng nhìn cậu ấy ngày càng sa đoạ, lạc mất mình.
Mi bỏ tôi. Đô cũng bỏ tôi. Sau cùng, chỉ mình tôi ở lại với cây đàn violon, những bản giao hưởng cùng lời hứa lãng quên qua nhiều năm. Nhưng tôi khác Đô. Dù không còn Mi, tôi vẫn chơi đàn. Tôi đã từng hứa, mãi mãi không từ bỏ, không buông xuôi. Tôi tiếp tục luyện tập vì còn nhớ lời hứa năm nào của ba chúng tôi. Chẳng hiểu sao tôi luôn tin rằng, nhất định ngày nào đó, chúng tôi sẽ lại hội ngộ trên những cung đàn tuyệt diệu, thứ đã gắn kết và kéo chúng tôi đến gần nhau.
Thôi nghĩ ngợi, tôi rời khỏi khung cửa sổ, đến bên giá để lấy cây violon của mình bắt đầu tập luyện. Tôi đã chăm chỉ chơi đàn suốt ba năm. Ngày nào cũng như ngày đó, dù nắng hay mưa, tôi cũng dành thời gian cho âm nhạc. Tôi không muốn mình bị bỏ ở lại. Tôi cần tiến về phía trước không ngừng nghỉ. Tôi muốn thực hiện lời hứa ấy. Và quan trọng, tôi cần phải chơi đàn thật nhiều trong lúc mình còn có thể bởi vì…
Tôi đặt cây violon lên vai, tay phải bắt đầu kéo cây vĩ, tay trái bấm nốt rồi từ từ nhắm mắt.
Thường khi tôi tập đàn xong lúc nào cũng đã hơn 12h khuya. Tôi mệt vì ban ngày đi làm, tối về lại ngủ trễ thế nhưng tôi tự nhủ phải luôn cố gắng . Đặt cây đàn trở về giá để, tôi vươn vai bước ra ngoài đi về phòng ngủ của mình. Lúc sắp vào phòng thì chợt tôi nghe tiếng mở cửa bên ngoài nhà vang lên rất khẽ… Thoáng bất động, tôi liền quay người, khẽ khàng cất bước.
Cánh cửa khi nãy tôi khoá đã bị mở toang. Không phải trộm mà là một người khác đã mở nó. Tôi biết chắc chắn như vậy là do, đêm nào việc này cũng diễn ra. Đều đặn và thường xuyên. Chẳng ai trong nhà biết ngoại trừ tôi… Từ từ đến bên cánh cửa mở rộng, tôi đưa mắt nhìn ra ngoài. Ngay phía cổng, có bóng dáng một người đứng lặng lẽ, mắt đăm đăm hướng vào màn đêm đen như chờ đợi. Là Đô. Đây chính là cái bí mật mà lúc nãy tôi đề cập.
Nếu như ba năm, ngày nào tôi cũng tập đàn thì Đô, đêm nào cũng ra đứng ngay cổng, ngước mặt lên cao như đang chờ đợi ai đó. Tất nhiên, cậu ấy chờ Mi. Tôi biết rõ Đô yêu Mi nhiều thế nào cũng giống như tôi yêu cậu ấy vậy. Lần đầu, tôi tình cờ bắt gặp hành động này của Đô là vào ngày Mi rời khỏi cô nhi viện không một lời từ biệt. Đó là đêm đầu tiên Mi không có bên cạnh hai chúng tôi. Cứ như thế, suốt ba năm dài, mỗi ngày đến nửa đêm thì Đô lại ra ngoài cổng đứng hai giờ đồng hồ rồi lẳng lặng quay vể phòng cùng với nỗi thất vọng tê dại. Còn tôi, cũng suốt ngần ấy năm, âm thầm nhìn Đô từ sau cánh cửa kia… Tôi thức cùng cậu ấy, một phần cũng vì muốn chờ Mi về. Khi ấy tôi và Đô ở rất gần nhưng chẳng bao giờ cả hai chạm được đến nhau bởi một trong hai người mãi mãi hướng về một nơi khác rất xa xăm, rất mơ hồ. Ở đó, phải chăng, có Mi? Tôi chẳng rõ, việc làm này của hai đứa sẽ còn kéo dài trong bao lâu. Suốt đời ư? Tôi thật tình không muốn chờ đợi trong vô vọng như vậy. Ngàn lần tôi mong, Mi sẽ trở về, ở ngay trước cổng hàng rào trắng đó để giải thoát cho tâm hồn tôi và Đô khỏi sự giam cầm khắc nghiệt. Hai chúng tôi sống mà còn đau hơn chết.
À, chính xác thì, trái tim tôi đã chết đúng ba năm trước, vào cái đêm tôi tình cờ thấy Đô và Mi hôn nhau trong phòng nhạc…
***
Tôi giật mình tỉnh giấc, mắt nhìn thao láo lên trần phòng tối om. Đây là lần thứ bảy tôi bất chợt thức dậy khi bên ngoài trời vẫn còn tối. Tôi lại nằm mơ thấy Mi. Thật kỳ lạ, mấy ngày gần đây, tôi thường mơ thấy Mi. Ban đầu hình ảnh rất mờ nhạt, sau đó càng ngày thì tôi càng trông Mi rõ hơn. Mi vẫn như xưa, tóc dài, gương mặt đáng yêu cùng đôi mắt hai mí tròn xoe. Duy chỉ có tư thế của Mi khiến tôi khó hiểu. Lần nào cũng vậy, bảy lần mơ là đúng bảy lần tôi thấy Mi đứng lặng lẽ bên khung cửa sổ trắng hoát, tay cầm violon, đôi mắt buồn da diết nhìn chằm chằm vào tôi. Thỉnh thoảng bờ môi Mi mấp máy như thể muốn nói điều gì đó với tôi thế nhưng chẳng bao giờ tôi nghe được. Một phần vì âm thanh quá nhỏ, phần khác là do tôi thường tỉnh giấc vào những lúc ấy.
Tôi chậm rãi ngồi dậy, lặng lẽ thở dài. Không rõ sao nhưng tôi có linh cảm xấu về điều này. Tôi nghĩ, Mi đang gặp phải chuyện gì rất tồi tệ.
Tôi rời khỏi phòng và đột ngột thấy Đô. Hẳn cậu ấy đi vệ sinh vì chỉ có thế thì cậu ấy mới chịu ra ngoài. Thấy tôi, Đô chẳng nói gì, tiếp tục mở cửa và bước vào phòng mình. Tôi đứng bất động vài giây rồi tự dưng bước nhanh đến dùng tay ngăn cánh cửa lại lúc Đô định đóng mạnh nó và chết dí trong phòng.
Đô dường như khó chịu trước hành động của tôi. Dù vậy, cậu ấy cũng bỏ mặc, không đóng cửa nữa mà khẽ quay lưng. Lập tức, tôi mở toang cửa, cất giọng vẻ tức giận:
“ Đủ lắm rồi! Cậu định sẽ như vậy mãi à? Mi mà biết nhất định sẽ rất đau lòng.”
“ Để tớ yên! ” – Thường rất khó để khiến Đô mở miệng ấy vậy cậu ấy lại dùng cái hiếm hoi đó chỉ để nói ra ba từ lạnh lùng, vô tâm kia.
Tôi, dĩ nhiên đời nào để Đô yên, tiếp tục trút xả những gì trong lòng ra:
“ Cậu xem lại bản thân đi! B năm, cậu như một thằng chết đi! Cậu nghĩ chỉ mỗi cậu là đau sao? Tớ, các mẹ, những bạn khác cũng buồn vì sự ra đi của Mi vậy. Cậu thật ích kỷ!”
Hết việc ném vào người khác những lời lạnh lùng giờ Đô chuyển qua trò im lặng. Cậu ấy nằm xuống, kéo chăn chùm kín mít người như muốn tự sát bằng cách để mình bị ngộp thở. Bực mình, tôi đến bên giường, dùng tay kéo mạnh tấm chăn ra, vứt nó một cách thô bạo xuống nền đất lạnh.
“ Đứng dậy! Cậu đứng dậy đi nào! Đồ tồi, cậu định dày vò mọi người đến khi nào nữa chứ? ”
Dường như sự buồn bực đang dâng cao nên Đô liền ngồi bật dậy, nhìn tôi và hét:
“ Vậy cậu muốn tớ phải làm gì? Vẫn mỉm cười vui vẻ khi Mi không ở đây ư? Cậu làm được nhưng tớ không làm được. Lòng tớ rất đau. Nó chết thật rồi! ”
“ Tớ không bảo cậu mỉm cười vui vẻ vì tớ cũng chẳng thể cười nổi khi không có Mi thế nhưng điều khiến tớ thất vọng là cậu đã từ bỏ chính mình, từ bỏ âm nhạc, từ bỏ lời hứa. Cậu làm thế là cậu đập tan ước mơ của ba chúng ta!” – Tôi cảm giác cổ họng mình hơi nghẹn.
“ Lời hứa? Lời hứa còn ý nghĩa gì nữa chứ? Ước mơ của ba chúng ta? Cậu nhìn lại đi, Mi đi rồi, chỉ còn hai chúng ta… tất cả đều trở nên vô nghĩa!” – Đô đột nhiên cười cười rồi đanh giọng.
“ Không đúng! Ước mơ chỉ vô nghĩa khi cậu từ bỏ nó! Tại sao… cậu lại dễ dàng buông xuôi? Sao lại dễ dàng vứt bỏ âm nhạc… trong khi nó là thứ rất quan trọng đối với tớ, cậu và Mi! Cậu bỏ chơi đàn… bỏ đi niềm đam mê… Nếu như… ở một nơi nào đó, Mi vẫn… vẫn đang chơi violon, vẫn luôn cố gắng vì lời hứa… thì sao? ” – Mỗi lần xúc động tôi đều phát âm khó khăn.
Đô lắc đầu, vẻ như não cậu ấy còn còn chậm phát triển hơn tôi bởi vì nó chẳng thể tiếp nhận được những điều tôi nói nãy giờ.
“ Vô ích thôi! Chúng ta không biết Mi ở đâu! Tớ muốn gặp Mi! Tớ muốn gặp cậu ấy! Chỉ khi nào nhìn thấy Mi thì tớ sẽ chơi violon! ”
“ Không! Không được! Cậu phải chơi lại violon kể từ ngày hôm nay! Tớ không cho cậu quyền trốn tránh nữa, không cho cậu ích kỷ và dày vò người khác nữa! Mau!… Theo tớ đến phòng nhạc! ”
Vì không kiềm nén được xúc cảm trong mình thế nên tôi đã nắm lấy tay Đô, quyết liệt kéo đi. Hiển nhiên sức lực của một đứa con gái như tôi làm sao bì lại được thằng con trai to lớn như Đô. Hậu quả là, tôi chới với mất thăng bằng suýt ngã ra sau khi Đô dùng hết sức giật tay tôi ra. May thay, tôi kịp vịn vào chiếc bàn ngay bên cạnh nên trụ lại được và đôi chân còn đứng vững. Nhưng vào lúc đó, đầu óc tôi chợt quay cuồng, cơn choáng váng kéo đến đồng thời bên tai trái vang lên âm thanh ù đặc, vô cùng khó chịu. Tôi nhắm mắt, cố trấn tĩnh rồi đưa tay lên áp vào tai trái… Đau! Tai tôi đau lắm!
Thấy sắc mặt đột ngột tái đi của tôi, bấy giờ Đô mới bình thường trở lại, bắt đầu lo lắng:
“ Rê, cậu sao vậy? Cậu ổn chứ? Xin lỗi… tớ không cố ý! ”
Dẫu biết Đô chẳng cố tình làm vậy nhưng nghe lời xin lỗi miễn cưỡng từ miệng cậu ấy khiến tôi rất giận vì thế tôi hờ hững gạt phắt tay cậu ấy:
“ Không sao! Đừng đụng vào tớ! Cậu tránh ra! ”
Tôi không rõ phản ứng của mình có làm Đô khó chịu hay không, tôi chỉ biết tai mình cứ mãi vang vang cái âm thanh ù ù, nhức nhối. Tôi lại bị triệu chứng này…
Không gian im lặng giữa tôi và Đô không kéo dài được lâu khi cửa phòng bất chợt mở. Là mẹ cả. Bà nhìn hai chúng tôi, dường như đã nghe hết cuộc tranh cãi nãy giờ, nhẹ nhàng bảo:
“ Rê, Đô, cả hai vào phòng ta một lát.” – Trông sự lưỡng lự của Đô, mẹ cả nhấn mạnh câu nói tiếp theo – “ Là chuyện về Mi! ”
Tôi lẫn Đô đều kinh ngạc, sửng sốt.
Trong phòng mẹ cả, tôi với Đô ngồi trên ghế, vẻ mặt sốt ruột nhìn bà để chờ đợi được nghe “chuyện về Mi”. Biết điều ấy, mẹ cả cũng chẳng day dưa mà mau chóng cất tiếng:
“ Ta từng hứa với Mi sẽ không nói ra việc này thế nhưng sáng nay dì của Mi gọi điện đến… và ta nghĩ cần phải cho hai đứa biết trước khi quá muộn. Ba năm trước, vào buổi sáng ngày Mi rời khỏi cô nhi viện, dì Mi đã tìm đến đây. Bà ấy báo cho con bé biết một tin: cha Mi bị ung thư thời kỳ cuối, hiện đang trong cơn nguy kịch và rất có thể sẽ không qua khỏi, ông ấy muốn gặp Mi lần cuối! Lúc ấy ta mới biết, Mi không phải mồ côi. Chẳng rõ mối quan hệ của cha con Mi ra sao, có vẻ nó không tốt đẹp bởi ta thấy con bé lặng thinh, vẻ lưỡng lự. Nhưng sau đó, Mi đồng ý theo dì đến bệnh viện gặp cha. Trước lúc ra đi, Mi dặn ta đừng cho hai con biết chuyện này. Mi bảo với ta “ Cha con bị ung thư thì rất có thể con cũng sẽ bị… Vì vậy, con sẽ kiểm tra sức khoẻ, nếu không mắc bệnh con sẽ quay về đây còn nếu con không trở lại thì mẹ cả có thể hiểu… Mẹ đừng nói cho Đô và Rê biết nhé! Đừng nói gì hết…!”. Cuối cùng, ba năm cũng trôi qua, chẳng hề có tin tức gì của Mi và ta đã hiểu tình hình con bé.
Lời mẹ cả vừa dứt thì tôi và Đô đều chết trân. Sự thật này quá khủng khiếp! Tại sao, tại sao Mi lại bị ung thư? Số phận của chúng tôi… sao có thể trở nên khắc nghiệt như vậy? Tôi không muốn… thật sự không muốn! Thà Mi cứ bỏ đi, sống hạnh phúc ở một nơi nào đó thật đẹp, thậm chí quên đi lời hứa năm xưa tôi cũng sẽ không trách cậu ấy. Nhất định! Tôi chấp nhận chờ Mi trở về, mỗi ngày, mỗi tháng, mỗi năm hoặc cả đời chứ tôi không muốn phải hay tin Mi bị ung thư!
“ Nhưng… mẹ cả, tất cả vẫn chưa rõ ràng. Mi không liên lạc gì với chúng ta có thể vì lý do nào đó chứ không hẳn do cậu ấy bị ung thư!” – Tôi cố níu kéo một tia hy vọng mong manh.
“ Đúng!… Rê nói đúng! Mi không thể bị ung thư!” – Bên cạnh, Đô dường như rất bấn loạn.
Thế nhưng, niềm hy vọng nhỏ nhoi của cả hai mau chóng tắt ngúm khi mẹ cả lắc đầu, đôi mắt bất chợt đỏ hoe, ứa nước:
“ Không! Mi bị ung thư di căn thời kỳ cuối… vài tháng sau khi cha mất, Mi đã phát hiện ra triệu chứng ung thư ở giai đoạn hai. Trước đó, ta có ngờ ngợ Mi mắc bệnh vì con bé bắt đầu rụng nhiều tóc, cơ thể thì xuất hiện những mụn đỏ. Và quả nhiên… ”
“ Không! Không!” – Tôi lẫn Đô lắc đầu, đồng loạt hét lên rồi bật khóc.
“ Sáng sớm dì Mi gọi điện cho ta, bà ấy nói, Mi có thể sẽ không qua khỏi hôm nay nên nhờ ta bảo hai đứa đến gặp Mi lần cuối bởi khi nằm trên giường bệnh nhiều năm qua, Mi lúc nào cũng gọi tên các con! Nào, mau lên! Các con hãy đến gặp Mi trước khi quá muộn! ”
4.
Và cuối cùng, cuộc hội ngộ trên những cung đàn:
Bản giao hưởng bất tận mang tên “Cuộc đời”!
***
Khi Đô và Rê bước vào phòng bệnh, đôi mắt họ mở to bần thần bởi thấy trên giường bệnh trắng hoát, Mi nằm với cơ thể tều tuỵ, xanh xao, lở loét, tóc rụng hết, gương mặt hốc hác trơ xương, đôi mắt trũng sâu mở hé. Đó là hình ảnh trước khi chết của bệnh nhân ung thư. Và điều làm cả hai bất ngờ, bên cạnh giường, dưới chiếc ghế cao, cây violon cùng bản giao hưởng Định Mệnh nằm trên đấy. Chúng bừng sáng dưới ánh nắng buổi sớm mai. Tức thì, Đô và Rê chạy đến bên cạnh giường, mắt đẫm nước, đau đớn nhìn Mi tê dại vì bệnh nặng. Cả hai gọi tên Mi, đầy gấp gáp, nghe nghẹn ngào.
Mi từ từ mở mắt, hình ảnh phía trước mờ nhạt nhưng cô vẫn nhận ra gương mặt thân quen của hai người bạn thân. Đôi môi mấp máy, lệ trào ra từ hai bên đuôi mắt, Mi cố nói:
“ Đ… Đô… R… R… Rê….”
“ Phải, bọn tớ, là bọn tớ!… Mi ơi, bọn tớ đến thăm cậu đây! Làm ơn, đừng chết!” – Đô lẫn Rê đều bật khóc. Tim họ quặn đau, đau đến mức không biết phải diễn tả ra sao.
Mi gật gật đầu, mệt mỏi đưa mắt nhìn xuống cây violon, nói khẽ, giọng đứt quãng:
“ V… vi… viol..on… gi…ao hưở… ng… Đin… Định M… Mệ… Mệnh… lo… lời… hu… hứa…”
Trong khi Đô vẫn chưa hiểu rõ điều Mi muốn đề cập thì Rê, chẳng biết sao lại mau chóng hiểu ngay:
“ Mi, cậu muốn nghe chúng tớ chơi bản giao hưởng Định Mệnh? ”
Thấy Mi mỉm cười, tức thì Rê cầm violon lên, đưa cho Đô, thúc giục:
“ Mau, ở đây chỉ có một chiếc đàn nên cậu hãy chơi bản giao hưởng Định Mệnh cho Mi nghe! Nhanh lên! Cậu ấy muốn nghe cậu đàn! ”
Đô liền đón lấy violon, đặt nó tựa lên vai, tay phải cầm cây vĩ. Thế nhưng lúc bắt đầu kéo cây vĩ, Đô nhăn mặt, những ngón tay đơ ra, cứng ngắt.
“ Sao vậy? ” – Rê sốt sắng hỏi vì thấy Đô vẫn chưa chơi nhạc.
“ Tay… tay tớ, nó không kéo được. Tớ bỏ đàn quá lâu nên giờ những ngón tay không còn như xưa…”
Rê bất động. Đúng rồi, Đô bỏ đàn ba năm. Quá lâu vì thế các ngón tay cậu ấy chẳng thể quen kéo đàn trở lại được. Đô lúc này không thể chơi bản giao hưởng Định Mệnh cho Mi nghe nhưng… nếu vậy….
Đô ngạc nhiên khi Rê đột ngột lấy violon ra khỏi tay mình. Anh chưa kịp hỏi thì Rê đã đáp, ánh mắt kiên quyết, mạnh mẽ:
“ Tớ sẽ chơi! Tớ sẽ đàn bản giao hưởng Định Mệnh! ”
“ Nhưng cậu chơi được không? ” – Đô lo lắng nhìn cô bạn.
“ Suốt ba năm qua, ngày nào tớ cũng luyện tập bản giao hưởng này. Nhất định tớ chơi được! ”
Nói xong, Rê từ từ đi lùi ra xa chiếc giường, mắt hướng về phía hai người bạn, chậm rãi từng lời:
“ Ba chúng ta đã từng hứa sẽ trở thành những nghệ sĩ đàn violon giỏi, đã từng hứa cùng nhau chơi bản giao hưởng Định Mệnh, đã từng hứa… chỉ dừng lại cho đến khi cuộc đời này kết thúc! Và bây giờ, chúng ta cùng thực hiện lời hứa! Tớ, thay Đô và Mi, sẽ chơi bản nhạc này! ”
Kết thúc câu nói, Rê nhẹ nhàng đặt violon tựa lên vai, nhắm mắt, tay phải bắt đầu kéo cây vĩ, tay trái bấm nốt đàn… Giai điệu đầy bi thương của bản nhạc mang tên Định Mệnh do Beethoven sáng tác cất lên. Những nốt nhạc mạnh mẽ, lúc lên lúc xuống, dồn dập một cách bất ngờ thể hiện nỗi sợ hãi, tuyệt vọng. Bàn tay Rê uyển chuyển kéo cây vĩ, nhanh rồi chậm, đứt đoạc, mạnh. Nhắm mắt, đôi lông mày cô nhíu lại, hoà mình vào dòng nhạc sầu thảm thống khổ. Rê rất, rất muốn nói “ Mi, cố gắng lên! Đừng từ bỏ! ” nhưng cô lại chẳng thể mở miệng giống hệt lúc mẹ cô mất. Nước mắt lại trào ra, chảy dài từng dòng xuống cằm, ướt đẫm thân cây violon dù thế Rê vẫn đàn, cô tuyệt đối không dừng lại.
Đối diện, Đô ngẩn người bởi dòng cảm xúc mãnh liệt dâng trào trong anh khi nghe giai điệu dứt khoát, mạnh mẽ nhiều cung bậc kia. Đúng! Là bản giao hưởng Định Mệnh, không sai. Hoàn chỉnh. Rê thật sự chơi hoàn chỉnh bản nhạc này! Cách kéo đàn của Rê quyết liệt, thể hiện rõ hình ảnh một người đang tuyệt vọng cùng cực. Quá hay! Các nốt nhạc như đi vào tim người nghe một cách dữ dội khiến họ thăng hoa theo cùng người đàn… Lúc Rê chuyển qua chương 3, Scherzo, của bản giao hưởng thì Đô cảm giác sóng mũi cay cay. Chất điệu âm vẫn bi thương, dồn dập nhưng nghe êm đềm hẳn bởi nó thể hiện sự thắng lợi khi chống lại định mệnh.
Trên giường, Mi lắng nghe từng đoạn nhạc trong niềm vui sướng khôn cùng. Đôi mắt khép hờ đầy nước để rồi trực trào không ngừng. Hạnh phúc! Bản giao hưởng Định Mệnh này… Xúc cảm trọn vẹn!
Say xưa kéo cây vĩ, Rê vẫn khóc. Nước mắt chẳng thể ngừng rơi. Cô thật sự thăng hoa cùng âm nhạc. Nỗi đau. Mất mát. Niềm tin. Vui sướng.
Rê nhớ đến mẹ.
Rê nhớ lần đầu tiên cầm violon trên tay.
Bản giao hưởng chuyển qua chương cuối cùng, Allegro, trầm lắng hơn, thể hiện tình yêu cuộc sống.
Rê nhớ lúc gặp Mi.
Rê nhớ lúc gặp Đô và tình cảm dành cho anh suốt nhiều năm.
Rê nhớ ba năm qua mình đã không ngừng tập luyện. Cô vui, mãn nguyện vì mình đã không từ bỏ, không ngừng lại.
Lời hứa.
Chưa đầy 10’ bản nhạc đã kết thúc. Rê mở mắt ra, từ từ hạ cây violon xuống, đưa mắt nhìn Mi nằm trên giường, những dòng lệ chảy không ngừng và rồi đôi môi thốt lên:
“ Mi! Xin đừng từ bỏ cuộc sống! Làm ơn hãy cố gắng! Tớ yêu cậu! ”
Từng câu từng lời đều rất rõ ràng. Sau cùng, Rê đã có thể nói ra xúc cảm mãnh liệt trong lòng mình mà không bị một sức mạnh vô hình nào ngăn cản.
Mi mỉm cười, mắt đẫm nước, gắng hết sức lực duy nhất còn lại đưa tay lên… Rê và Đô đến bên Mi, quỳ xuống để có thể ở gần bạn hơn.
Những ngón tay Mi run rẩy chạm khẽ vào thân cây violon đang nằm trong tay Rê.
“ Tớ… muốn… có thể… được… chơi đàn…”
Cho đến phút cuối cuộc đời, Mi vẫn không từ bỏ âm nhạc, vẫn mong được sống trên những cung đàn.
Đô đau đớn, dù cố ngăn nhưng lệ cứ chảy, miệng lắp bắp:
“ Mi…! Đừng… làm ơn đừng bỏ đi! Tớ chờ cậu suốt 3 năm!… ”
Mi chuyển ánh mắt ướt nhoè sang Đô, khẽ mỉm cười, yếu ớt cất tiếng :
“ Xin đừng từ bỏ âm nhạc… thực hiện lời hứa… và… cám ơn cậu…! ”
Gương mặt Mi chợt bừng sáng, rạng rỡ một cách kỳ lạ. Cô cười thật tươi. Khoảng trắng trước mắt biến mất, thay vào đó là màu xanh của bầu trời, của cuộc sống tươi đẹp cùng các nốt nhạc đang nhảy múa. Mi thấy mình cầm violon, chơi bản nhạc mình thích, lòng hạnh phúc vô bờ!
Mi, cô bé có tuổi thơ đau lòng, sẽ chỉ dừng chơi đàn cho đến khi cuộc đời kết thúc. Mãi mãi là vậy!
Đôi mắt khép lại, Mi nhẹ nhàng gục đầu sang bên trên chiếc gối ướt đẫm nước. Đôi tay đặt lên cây violon từ từ buông lơi. Sự ra đi thanh thản, không nuối tiếc!
Đô bần thần, mắt mở to hết mức. Anh nghe tim mình tan vỡ. Cái chết của Mi, một biến cố lớn. Cả người run bần bật, Đô khóc tức tưởi rồi gục đầu lên giường, hét lớn:
“ Không!!! Mi!”
Đứng bên cạnh, Rê bất động, đôi tay cầm đàn nhanh chóng hạ xuống, xụi lơ, như bị gãy. Vài phút sau, cơn choáng váng kéo đến và cô ngã lăn ra sàn, ngất đi.
Ngồi cạnh Đô, dì của Mi thở ra, từ tốn kể cho anh nghe quãng thời gian Mi mắc bệnh:
“ Ngày nào con bé cũng chơi đàn thậm chí khi chẳng còn sức để kéo cây vĩ, nó vẫn muốn chơi. Đến lúc không thể cầm violon trên tay, con bé liền một mực bảo tôi để cây đàn bên cạnh mình. Dù không được chơi nhưng nó mong có thể thấy violon cùng các bản giao hưởng mỗi ngày. Con bé cứ nói với tôi về cậu và Rê, về lời hứa, ước mơ gì đó tôi chẳng rõ. Chỉ có điều, tôi thấy gương mặt nó đầy hạnh phúc khi nhắc đến những điều ấy. Hẳn, Mi đã rất xem trọng chúng! ”
Dì của Mi liền lấy ra hai lá thư xếp ngay ngắn, quay qua đưa cho Đô trong khi anh ngồi lặng thinh:
“ Đây! Mi nhờ tôi chuyển hai thư này cho cậu và Rê! Con bé viết chúng vào một buổi sáng cách đây một năm khi nó biết bản thân không sống được bao lâu nữa! Cậu hãy giữ lấy! ”
Đô chậm rãi đón lấy hai lá thư thẳng thớm, đầu óc trống rỗng, chẳng hề tồn tại dòng suy nghĩ nào. Được vài phút thì dì của Mi đứng dậy, bảo:
“ Xin lỗi! Tôi phải đi làm vài thủ tục để đưa xác Mi về nhà. Hẹn gặp cậu lần sau.”
Đô gật đầu. Người phụ nữ sang trọng đi khoảng vài bước thì ngừng lại rồi xoay qua nhìn Đô:
“ Cậu với cô bé Rê đừng quá đau buồn cho cái chết của Mi. Vì Mi từng nói với tôi rằng: con bé thật sự hạnh phúc khi cuộc đời này có thể chơi đàn, có thể gặp hai người bạn tuyệt vời dù rằng hạnh phúc ấy kết thúc thật sớm! ”
Dứt lời, bà lẳng lặng quay gót để lại Đô ngồi sững trên ghế. Mấy giây sau, anh khẽ khàng mở lá thư Mi gửi cho mình ra xem… Mắt nhoè lệ khi Đô nhìn dòng chữ duy nhất trong đó.
Rê mở mắt ra thấy Đô ngồi bên cạnh và đang nhìn cô với đôi mắt thẫn thờ, thoáng chút tê dại. Lòng Rê nặng trĩu bởi trông cậu bạn giống hệt mẹ cô lúc cô bị viêm tai sốt nặng. Điều ấy nghĩa là, bác sĩ đã nói cái gì đấy rất tồi tệ về Rê cho Đô nghe.
“ Cậu biết rồi à? ” – Rê ngồi dậy, miệng hỏi khẽ, mắt không nhìn Đô.
Đô im lặng chốc lát rồi cất giọng, nghe thật trầm, có thể nhận ra sự xót xa:
“ Tai trái cậu bị điếc hoàn toàn từ khi nào mà cậu lại chẳng hề nói cho ai biết hết thế? Suốt 3 năm cậu cứ vậy chơi đàn với một bên tai không nghe gì cả ư? Tại sao…? ”
Rê, lạ lùng thay vẫn bình thản, trả lời:
“ Nếu tớ nói cho các mẹ nghe thì họ sẽ rất lo lắng. Còn cậu, ngày nào cũng nhốt mình trong phòng, ngay cả gặp mặt còn chẳng có thì làm sao tớ nói đây? ”
Biết Rê đang trách mình nên Đô đành im lặng. Rất nhanh sau đó, anh tiếp:
“ Cậu dự định sẽ thế nào? ”
“ Thế nào là sao? Tớ vẫn sẽ chơi violon, không dừng lại. Tớ đã hứa với Mi, với mẹ, với bản thân tuyệt đối không từ bỏ âm nhạc.” – Rê mạnh mẽ nói.
“ Bác sĩ bảo, tai bên phải cậu có nguy cơ cũng sẽ bị điếc, như vậy, một ngày nào đó, cậu sẽ điếc hoàn toàn! Cậu không còn nghe bất cứ âm thanh nào cả, lời nói, âm nhạc. Cậu vẫn sẽ đàn? ”
Rê chậm rãi quay qua Đô, chẳng lo lắng, chẳng sợ hãi, ngược lại còn mỉm cười như thể cô đã đoán trước sẽ có ngày điều kinh khủng kia đến với mình:
“ Không sao! Cho dù có điếc hết hai tai, dù không còn nghe âm nhạc nữa tớ vẫn sẽ chơi đàn. Suốt đời này tớ mãi mãi chơi đàn! Bởi vì âm nhạc là tất cả với tớ! Tớ sẽ luôn tiến về phía trước, không dừng lại, không buông xuôi, không chấp nhận số phận để có thể sống trên những cung đàn cho đến khi tớ không còn thở và cuộc đời hoàn toàn kết thúc! ”
Đô thoáng bất động trước lời nói kỳ diệu được thốt ra từ miệng Rê. Bất giác, lòng anh xuất hiện dòng cảm xúc khác thường. Dường như là xúc động!
“ Tớ đã hiểu…” – Đô đột nhiên đứng dậy đồng thời đưa lá thư cho Rê – “ Thư của Mi gửi cậu. ”
Rê ngạc nhiên rồi mau chóng đón lấy. Lúc Mi mở ra xem thì Đô đã rời khỏi phòng.
Cũng giống như cậu bạn, mắt Rê nhoà lệ khi đọc một dòng duy nhất trên trang giấy: “ Mi hạnh phúc vì cuộc đời đã mang Rê đến bên Mi! Rê à, cám ơn cậu! ”
Áp lá thư vào ngực, vai bắt đầu run, Rê bật khóc cùng lời nói thổn thức:
“ Mi ơi, Rê thật sự cám ơn vì Mi đã đến bên cạnh Rê! ”…
***
Ngày hôm sau, tang lễ của Mi diễn ra ngay tại nhà. Không nhiều người đến dự vì chẳng ai biết Mi. Có bốn mẹ, các bạn ở cô nhi viện và hiển nhiên cả Rê nhưng không có Đô. Nghe mẹ cả nói, chiều hôm qua Đô trở về nhà rồi ở trong phòng suốt đến sáng thì chẳng thấy đâu. Phòng trống trơn, không còn đồ đạc. Tất cả nghĩ rằng Đô bỏ đi, chỉ là, chẳng rõ anh đi đâu.
Lễ tang diễn ra nhanh chóng rồi kết thúc. Những người đến dự lần lượt ra về. Riêng mình Rê ở lại.
Lặng lẽ, Rê đứng nhìn mộ phần của Mi, trên đó có rất nhiều cánh hoa huệ trắng để tiễn đưa. Vậy là Mi đã ra đi. Và giờ thì Đô cũng thế. Dẫu biết sẽ có ngày này thế nhưng Rê vẫn đau lắm vì từ giờ chỉ còn mình cô ở lại cho một quá khứ tươi đẹp đã qua, cho một ký ức chẳng bao giờ phai nhoà và cả một lời hứa chưa thực hiện.
Gió chợt nổi, thổi tung những cánh hoa tàn úa trong khung cảnh ảm đạm, buồn bã. Để rồi Rê bỗng nghe giọng một người vang lên, đầy dịu dàng, ngay phía sau:
“ Hey, hai cậu có biết vận tốc âm thanh trong không khí là bao nhiêu không? ”
Mau chóng quay lại, Rê ngạc nhiên thấy Đô đứng mỉm cười, tay cầm violon, mắt nhìn mình.
“ Đô, sao cậu lại…”
“ Cậu không trả lời câu hỏi lúc nãy của tớ à? Mi sẽ rất buồn nếu cậu quên nó! ” – Đô cắt ngang.
Đứng ngẩn trong ít phút, Rê tự dưng cười cười rồi đảo mắt sang phần mộ của Mi xong nhìn trở lại Đô:
“ Ừm, đại diện cho tớ và Mi, tớ xin trả lời: vận tốc âm thanh là 344m/s! ”
“ Phải! ” – Đô cười, đặt violon lên bờ vai – “ Luôn luôn là 344m/s, không đổi. Âm nhạc cũng thế! ”
Dứt lời, Đô nhắm mắt, tay phải kéo cây vĩ và bắt đầu chơi đàn…
Ban đầu là kinh ngạc nhưng sau đó Rê liền mỉm cười rạng rỡ, đôi mắt long lanh, ngân ngấn nước vì xúc động. Cuối cùng, cô đã có thể nhìn thấy lại hình ảnh Đô chơi violon. Dẫu ngón tay anh còn run, giai điệu thỉnh thoảng nghe đứt quãng vài chỗ nhưng Rê vẫn nhận ra bản giao hưởng Passion, một trong những bài Mi thích nhất.
Về phía Đô, anh chìm đắm trong âm nhạc với niềm vui bất tận. Đô đến giờ phút này đã nhận ra: mình không thể từ bỏ violon, cung đàn, những bản giao hưởng. Chúng là tất cả với anh!
Mi dù bệnh nặng nhưng vẫn muốn chơi đàn và vào lúc cuối cuộc đời, cô đã không từ bỏ tình yêu đó.
Rê có thể sẽ bị điếc hoàn toàn thế nhưng cô cũng không bỏ violon, mãi mãi, cô sẽ sống vì nó.
Hai người con gái ấy, chưa giây phút nào, từ bỏ niềm đam mê trên những cung đàn.
Vậy mà Đô thì…
Anh cảm thấy xấu hổ khi chính bản thân đập tan những ước mơ, sự cố gắng và cả lời hứa năm nào.
Nhưng kể từ bây giờ, Đô sẽ tiếp tục chơi đàn, sẽ không rời xa âm nhạc nữa. Đúng… vì Đô sinh ra là để sống trên những cung đàn kỳ diệu.
Bản Passion kết thúc, Đô ngừng lại, mở mắt ra nhìn ảnh của Mi trên cây thập tự, dòng lệ chảy dài:
“ Cám ơn…”
Lững thững cùng dạo bước trên đường về, Rê hỏi cậu bạn:
“ Cậu sẽ dọn ra riêng à? ”
“ Ừ, tớ quyết định sống tự lập. Tớ sẽ kiếm việc làm và tiếp tục chơi violon. Yên tâm, mỗi tuần tớ sẽ về cô nhi viện thăm cậu với mọi người.” – Đô chong mắt lên nghĩ ngợi.
“ Xì, ai thèm cậu về thăm. Cậu đi tớ còn mừng nữa là…” – Rê lè lưỡi, trêu chọc nhưng lòng chợt buồn.
Nghe thế, Đô thoáng bất động, trong đầu nhớ lại lời mẹ cả chiều hôm qua: “ Rê thích con từ rất lâu. Vì con có Mi bên cạnh nên không nhận ra tình cảm Rê dành cho mình. ”
Đô khẽ khàng lấy trong áo ra một tờ giấy đưa cho Rê:
“ Cậu xem đi! ”
Rê vừa đón lấy vừa tròn xoe mắt hỏi:
“ Cái gì vậy? ”
“ Thư của Mi gửi cho tớ! ” – Đô nói nhẹ hẫng.
“ Thế cậu đưa tớ làm gì? ” – Rê khó hiểu trước hành động này của cậu bạn thân.
“ Vì tớ muốn cậu đọc nó.”
Rê chợt im lặng rồi lắc đầu, dường như tránh né:
“ Thôi tớ không đọc đâu. Đây là thư Mi viết cho cậu, tớ chẳng nên xem làm gì.”
“ Cậu cứ đọc. Tớ tin rằng, Mi cũng muốn cậu xem nó.” – Đô bỗng đổi giọng – “ Với lại, tớ nghĩ, cậu rất muốn biết cậu ấy viết gì cho tớ.”
Bị nói trúng tim đen, Rê chợt nhiên thấy lúng túng. Nhưng đúng là, cô rất muốn xem thử Mi viết gì cho Đô. Cuối cùng, vì không kiềm được sự tò mò của bản thân thêm vào đấy là thái độ thúc giục đầy “thân thiện” từ Đô nên Rê đã mở thư ra xem.
Dòng chữ duy nhất, rất rõ ràng, đập vào mắt Rê: “ Đô à, cám ơn vì đã đến bên Mi. Hãy tìm hạnh phúc mới đi nhé! ”
Rê hạ lá thư xuống, nỗi buồn xuất hiện chiếm ngự hết lòng cô. Đọc sao nghe thật xót xa!
Quan sát biểu hiện trên gương mặt Rê, Đô chậm rãi bảo:
“ Tớ nghĩ, mình hiểu điều Mi muốn nói. Thật sự, tình cảm tớ dành cho Mi trong nhiều năm qua là không gì thay thế được. Nhưng có lẽ bây giờ, tớ nên xem nó như một ký ức đẹp đẽ đáng lưu giữ. Hẳn tớ sẽ không tìm được một người con gái giống Mi dù vậy điều ấy không có nghĩa là tớ chẳng thể yêu người con gái khác.”
“ Cậu… nói với tớ những điều này làm gì? ” – Rê xếp lá thư lại, hỏi bâng quơ.
Nhìn nhìn cô bạn thân trong vài phút, Đô tự dưng ngước mặt lên cao, tâm sự:
“ Ừm, ý tớ là… nếu như có một người con gái nào đó thích tớ thì tớ chỉ muốn nói với cô ấy rằng: hãy cho tớ thời gian để hình ảnh của Mi trong tim tớ dần nguôi ngoai và đến lúc ấy, tớ tin là mình đã sẵn sàng đón nhận hạnh phúc mới! ”
Thật sự, Rê đã thoáng lặng người khi nghe vậy. Dẫu thế, cô vẫn tỏ ra bình thường:
“ Cậu nên đi nói cho cô gái thích cậu biết ấy, tớ chẳng liên quan gì cả.”
“ Tất nhiên rồi. Mà tớ tin, cô ấy cũng đã nghe những lời khi nãy của tớ! ” – Đô mỉm cười.
Rê không đáp, lặng lẽ cúi mái đầu và qua làn tóc mượt màu nâu đồng, chợt ẩn hiện nụ cười tươi…
Đô và Rê vẫn tiếp tục bước trên con đường đầy nắng, để lại sau lưng những cơn gió nhẹ thổi đùa cánh đồng xanh xì hai bên.
Lời hứa năm ấy nhất định Đô và Rê sẽ thực hiện dù cho bây giờ chỉ còn hai người.
Vì Mi, họ tuyệt đối không bỏ cuộc.
Và bởi
“ Chúng ta chỉ dừng lại cho đến lúc cuộc đời này kết thúc trên những cung đàn!”
END.
(tp HCM, 04/2012)
Trích:
Cuộc đời mỗi người sẽ phải trải qua những thay đổi và biến động thế nhưng hãy bình tâm vượt qua vì đó chưa phải là tất cả và cố gắng hoàn thành ước mơ của chính mình cho đến khi cuộc đời này kết thúc!
” Một bản nhạc hay cần có nhiều cấp độ, cung bậc khác nhau và tôi hiểu rằng… một cuộc đời trọn vẹn là nó phải trải qua nhiều thăng trầm của cảm xúc, chịu mọi tổn thương, đau đớn cùng với hạnh phúc, vui sướng. Biến cố giúp tôi thay đổi. Tôi mong sẽ tạo ra bản giao hưởng về cuộc đời mình. Nhất định có một ngày như thế… “
(trích 344m/s, Võ anh Thơ.)
Được sống là món quá vô giá, ước mơ trong mỗi người thì lại miễn phí và không bao giờ bị đánh thuế. Dù lớn dù nhỏ thì nó vẫn có giá trị riêng… tất cả chỉ trở nên vô nghĩa khi ta từ bỏ nó!