Một thoáng suy nghĩ về sống nhanh
Cách đây bảy, tám năm với trẻ con chúng tôi điện thoại di động, máy tính hay mạng internet là một thứ gì đó quá xa xỉ, và trong suy nghĩ bé nhỏ ấy đã từng mặc định rằng mọi thứ đó chỉ dành cho nhà có tiền hoặc tài giỏi ghê lắm mới biết sử dụng. Thế rồi một ngày, ba tôi đem về một cái máy, ông gọi nó là “Cục gạch đen trắng” và đó là lần đầu tiên tôi được tiếp xúc với một chiếc điện thoại di động, khoái chí tới mức đòi bằng được ôm cái điện thoại chơi trò Rắn cả ngày. Cái cảm giác vừa hân hoan, vừa tò mò ấy là thứ mà tôi không còn tìm lại được, ngay cả về sau này dù được tiếp xúc với nhiều chiếc điện thoại xịn hơn rất nhiều với cục gạch ngày xưa. Hồi ấy mạng điện thoại cũng không được phủ rộng như bây giờ, có cái điện thoại mà những ngày từ sáng đến tối chẳng thấy đâu một vạch sóng nào.
Thế mà chớp mắt một cái thời gian trôi cũng thật nhanh, bây giờ chiếc điện thoại cũng chẳng còn là thứ xa xỉ quá như lúc trước, mạng internet cũng được kết nối và lan rộng ra khắp thế giới. Mọi thứ quay cuồng trong đổi mới, hiện đại và công nghệ số, cuộc sống của con người vì thế cũng không ngừng nâng cao hơn, đặc biệt là về vật chất. Nhưng lòng người có khi nào thỏa mãn được bản thân, đã có đầy đủ thì lại càng cố gắng muốn được dư thừa. Cho nên có một số người tồn tại nhanh lắm, họ lao vào cái vòng danh lợi bon chen, họ quên đi mục đích sống và đam mê khởi nguồn, họ gò ép bản thân vào những khuôn khổ cứng nhắc như cỗ máy, họ bàng quan và thờ ơ với cả xã hội giữa con người với con người này. Vì họ đâu có sống, họ chỉ đang tồn tại thôi, mà tồn tại chỉ là sống một nửa, sống không tròn cuộc đời.
Nếu như Xuân Diệu từng có cái sống gấp gáp cho tuổi trẻ, sống hết mình và sống để hưởng thụ thì họ lại hoàn toàn khác. Cái sống gấp và sống nhanh của họ là vì sợ mình bị tụt lùi, sợ mình bị đẩy xa, sợ mình kém cỏi cho nên chẳng bao giờ họ nhận ra giá trị của việc Dừng lại, chẳng bao giờ nhận ra giá trị hạnh phúc đến từ những điều nhỏ bé của cuộc sống. Họ tự cho mình cái quyền sống phí hoài tuổi xuân bởi những lao lực bon chen, bởi những cám dỗ u tối của đồng tiền, mà quên đi mảnh đất khô cằn trong tim mình cũng đang cần được tưới bởi những yêu thương và ngơi nghỉ. Ừ, làm sao họ có thể nhận ra những điều ấy khi bản thân chưa một lần muốn nhìn lại,tồn tại như thế liệu có đáng không ?
Bạn đã bao giờ thử nhìn cuộc sống của những đứa trẻ bây giờ chưa ? Các em bây giờ được tiếp cận với những thứ tân tiến và hiện đại nhất nhưng lại quá nghèo được vui chơi thực sự. Các em tài giỏi hơn chúng tôi, các em luôn phải nướng mình cho trường lớp, cho những lò luyện học, nhưng đến khi hỏi về ước mơ lại lúng túng không thể trả lời. Cuộc sống ấy cũng là một kiểu sống vội vã, sống gò ép chẳng khác gì như một con rô bốt đã được lập trình sẵn vậy. Nhưng các em không có lỗi, máy tính hay internet cũng không có lỗi, lỗi lầm thuộc về những người lớn, những người đang áp đặt chính cách sống sai lầm của mình cho con cái. Thời đại của chúng tôi hay những người lớn hơn tôi của nhiều năm về trước, tuy so vật chất và điều kiện không được đầy đủ như các em bây giờ, nhưng đổi lại về mặt giá trị tinh thần mà chúng tôi có được lại phong phú hơn các em rất nhiều. Tôi không trách, và cũng không có quyền trách ai cả, tôi chỉ cảm thấy buồn, vậy thôi!
Lời kết: Bạn ạ, mỗi người trong chúng ta ai cũng có những cách sống riêng, những lựa chọn của riêng mình, nhưng tôi chỉ hy vọng rằng mỗi sự lựa chọn ấy sẽ là đứng đắn, sẽ là tốt nhất cho mỗi người vì ta sống cho cuộc đời của ta chứ ta không thể thuê ai sống thay cuộc đời của mình được. Đừng để thời gian trôi đi mới lại cảm thấy hối tiếc về những điều mình đã làm, con người có máu thịt không phải gỗ đá, con người có suy nghĩ tình cảm không phải thứ vô tri giác. Vậy nên đừng tự biến mình thành những cái máy lao điên đảo về phía trước bỏ mặc những giá trị tốt đẹp, cứng nhắc vô hồn và không cảm xúc bạn nhé!
Hoa Vô Thường