[Cảm nhận] Mắt biếc: Nuối tiếc chẳng đặng đừng

--- o0o ---

Chiều mùa hạ rả rích. Chán học, tôi để giáo trình qua một bên, chọn cái thú co người nghe gió mưa, đắp chăn nằm đọc sách. Men theo mối tình từ thuở trúc mã thanh mai chàng trai dành cho cô gái có đôi mắt to tròn biêng biếc của Nguyễn Nhật Ánh, để rồi ôm vào mình nỗi buồn, nhớ, tiếc xoay tròn chưa nguôi.

Với những đứa trẻ thành phố đêm ngày làm bạn với bốn bức tường như tôi khi xưa thì mùa hè ở quê là cả một thiên đường mơ ước. Tuổi thơ của Ngạn và Hà Lan như những thước phim màu cũ kéo tôi về cùng gió nội hương đồng. Những ngày chỉ trực khi bố vắng nhà là chạy đi vốc đất cát ném vào nhau dù biết lúc về thế nào cùng sẽ bị đòn roi cho tơi tả; những buổi ngồi trong lớp không mong gì hơn là kiếm được một cái cớ thật ngọt để trốn học; những lúc len lén nhặt mấy quả thị rụng gốc nhà người bị đàn chó dữ hù cho hồn bay phách lạc, chỉ để đổi lấy mấy cái hít hà và chốc sau trái thị lại đã nằm gọn ghẽ trong dạ; hay mấy trưa nắng bắc thang nhặt trứng chim trên đầu hồi bị té u chốc sưng mày... với tôi mà nói có sức quyến rũ ghê lắm. Bởi thế chẳng ai khiến mà tự tôi đắm mình trong dòng suy tưởng của Ngạn về năm tháng ngày xưa.

Ngày xưa nhà Ngạn có bà, bố mẹ, cô Thịnh và các chị sống yên vui ở làng Đo Đo. Nhà nhỏ làng nhỏ nhưng tiếng cười, tình người luôn đầy ắp. Một ngày không báo trước, cô bé Hà Lan xuất hiện. Cô bé có đôi mắt sáng long lanh gợi mở cả dòng sông cả bầu trời trước mặt, ai biết sau này sẽ mang lại những niềm tiếc nỗi buồn vô tận thương khung. Tôi chưa biết, Ngạn càng không. Với Ngạn, Hà Lan là một người bạn không dễ gì có được. Cô bé trong Ngạn là người bạn gái đầu tiên - không phải bà, không phải mẹ, không phải người cô hay chị gái - mà là người bạn đúng nghĩa, là người cho Ngạn được vô tư phát ra cái bản ngã anh hùng khi mĩ nhân cần che chở, là hiện thân của kí ức tuổi thơ đẹp đẽ, sáng trong không vương vẩn một hạt bụi trần ai.

Tôi lần theo từng cảm xúc của nhân vật, thấy mình như đeo kính 3D nhảy vào trong cuộn phim đang chạy từ bao giờ. Dòm Ngạn nhăn nhó bị Hà Lan kéo sang thế chỗ thằng Ngọc ị trong quần, tôi bụm miệng. Thấy Ngạn ngây thơ ngơ ngác về nhà hỏi hết bà đến cô Thịnh vì đinh ninh rằng Hà Lan bay lửng lơ lúc đi tắm ở giếng Cây Duối đêm trăng, tôi tủm tỉm. Những khi Ngạn năn nỉ ỉ ôi anh bạn khóa trên hay quần thảo hăng tiết với lũ bạn giành cho được cái dùi trống về cho Hà Lan, để rồi sau đó ngồi im re cho cô bé nhét lá cầm máu đầy hai hốc mũi hoặc xức dầu cù là sực nức không gian, tôi thấy cổ họng dâng đầy vị ngọt. Những thứ quà bánh, tò he rực rỡ bày la liệt hàng quán khiến hai đứa trẻ giương mắt thòm thèm cũng làm tôi mơ màng nhắm mắt mỉm cười. Lúc thằng Ngọc trèo cây trộm quả bị thầy Phu phạt nhảy cóc hết hơi, lúc lũ trẻ tranh nhau xin đi lấy nước cho cô Thung để trốn tiết hay lúc hiểu ra chúng nó yêu mến thầy Cải vì thầy cho nghỉ học miết, tôi bật cười... Chẳng phải là đám bạn bè tôi, là tôi thuở nhỏ, là cái thời trẻ nít mũi dãi thòng lòng ngày một bận học một bận chơi mê mải của chúng tôi đó hay sao?

Ngạn và Hà Lan lớn dần lên, trường làng lui về miền xưa, trường huyện hiện ra trước mặt. Vẫn còn đương là những cô cậu học sinh nhưng trái tim lúc này đã biết lỡ nhịp khi bắt gặp một làn thu ba, một ánh mắt thân quen bất chợt gợn lên trong lòng cơn bối rối. Những chuyển biến tâm lí, tình cảm của Ngạn và Hà Lan vừa tự nhiên vừa tinh tế, khiến tôi cũng thấy chộn rộn mãi không thôi. Không mày tao chi tớ với cô bé nữa, Ngạn chuyển sang kiểu cách gọi tên, xưng "tôi"; còn Hà Lan từ khi mặc áo dài, ra dáng thiếu nữ hơn thì cũng đã bắt đầu biết e thẹn. Đôi bạn ngày nào không còn nắm tay khoác vai nhau đi từ đầu làng tới cuối ngõ nữa mà bỗng trở nên người lớn, giữ kẽ hơn, nhưng tình cảm họ giành cho nhau vẫn như xưa: chân thành, đậm, thật. Rừng sim trên đường đi học về, những trái trâm nhuộm răng thành tím, những chùm bông dủ dẻ để trong mình ba ngày hương chưa phai hết... không chỉ trở thành chốn kỉ niệm sâu đậm trong Ngạn mãi về sau, mà còn thả vào lòng tôi bao cảm xúc không lời mà đượm vị. Rồi bất chợt một ngày chìm vào đôi mắt biếc kia, Ngạn thấy trái tim mình đổi khác. Cậu bắt đầu làm thơ, thả tâm tình nhớ mong vào câu hát, vào tiếng đàn tích tịch tình tang.

Có những lúc

Tôi ngỡ ngàng

Tự hỏi

Tại vì sao

Tôi lại yêu em

Khi mặt trời

Sắp lẫn vào đêm

Không gì cả

Sao lòng tôi

Lại nhớ

Ừ chính thế, cậu phải lòng nhỏ mắt biếc mất rồi mà thẹn lòng chẳng dám nói ra. Đến câu thơ cũng đổ thành sản phẩm của kẻ khác. Trang anh hùng không ngán thằng nào khi xưa đã bay đâu mất, chỉ còn lại đây một kẻ si tình mà chẳng nhờ gió đưa giúp nổi một lời tỏ bày. Điều đáng chán nhất trong tình yêu là khi mình yêu ai, mình không biết họ có biết điều đó hay không. Điều đáng chán thứ nhì là khi mình biết họ biết điều đó rồi thì mình không biết họ có yêu mình lại hay không. Cả hai điều nhất và nhì đó, tôi đều gom đủ. Nhưng rõ ràng với Ngạn thế vẫn là hạnh phúc. Khoảnh khắc ngồi bên Hà Lan đàn hát cho cô nghe, dưới giàn thiên lý nhà cô bé hai đứa nói đủ thứ chuyện dưới đất trên đời, từng chiều vào rừng sim chơi sau tan học... vẫn là hạnh phúc, đủ để Ngạn tuy buồn bực nhưng vẫn cứ lần lữa để dành lời yêu lại nơi dạ mà chưa thốt nên lời.

Mối tình đơn phương thời đi học, chắc không phải riêng Ngạn có. Chắc không chỉ riêng tôi thấy bổi hổi bồi hồi lục lại những sợi kí ức ngày qua? Ngạn và Hà Lan cười. Tôi cũng cười. Ừ, tôi cười chứ. Bóng hình thời học sinh tôi trong đó, tôi cười vì gặp lại một chút tôi.

Nhưng thời gian trôi chẳng đợi người cười dứt. Dẫu tôi là người ngoài chẳng mong một cơn gió buồn đến vẩn vơ, nỗi buồn cứ tha lôi mây đen đến giăng đầy lên trang giấy. Trường huyện với bao ngọt ngào lui vào kỉ niệm, phố thị sầm uất hiện ra. Dù Ngạn vẫn là Ngạn và vẫn còn đây, Hà Lan giờ đã chẳng còn là Hà Lan khi xưa nữa. Cô bị cuốn vào những niềm vui phố thị, váy áo; vào những công tử chải chuốt nhà giàu, học hành chẳng vào đâu nhưng thói đời thì thành thạo. Ngạn vẫn lặng lẽ theo sau cô mỗi chiều tan học, còn Hà Lan chỉ nhớ đến cậu những khi đau khổ bủa vây lấy mình. Nỗi buồn bã khổ sở của kẻ thất tình kia cô biết, nhưng làm như chẳng biết; lọ dầu cù là luôn mang bên người còn đó nhưng không còn dùng để xức lên những vết bầm trên mình Ngạn nữa, mà để phòng gió khi cô đi chơi tối cùng Dũng trên chiếc xe máy bảnh tỏn của anh ta.

Tôi thấy Hà Lan thật vô tình, thật quá quắt. Tôi giận cô mà cũng giận chàng nọ sao mà cố chấp, sao không thôi nghĩ về cô đi. Chàng ta vẫn cứ lặng thầm quan tâm, lo lắng cho cô, đánh nhau với gã sở khanh tên Dũng đó vì hắn bỏ rơi cô đi chơi với những cô gái khác, hứng lấy mọi nỗi sầu hận được cô trút ra khi mang thai mà bị Dũng hắt hủi, bỏ rơi... Lời ám đoán trước của bà Ngạn năm xưa nay đã rõ mười mươi: đời Hà Lan khổ thật rồi, và cô cứ vô tư đau những nỗi niềm riêng mình mà chẳng hoài nghĩ tới một người đau gấp bội. Ngạn lúc nào cũng ở đó, đưa bờ vai ra, hứng trọn cay đắng vào mình mà chẳng mảy may yêu cầu được đền đáp. Lời yêu vẫn chưa từng được nói ra!

Thương em anh trèo non cao

Mua mưa thâu mây tan mệnh bạc.

Vứt bỏ kí ức về Dũng, Hà Lan sinh con ra trong cảnh không chồng đầy tủi hờn, tôi ngỡ rằng đôi bạn năm xưa rồi sẽ về lại bên nhau. Nhưng không, họ vẫn nhưsao Sâm sao Thương, ở gần nhau mà mãi không chung lối, bầu trời kín mà quay hoài chẳng gặp. Hà Lan vẫn mãi tơ tưởng cuộc sống thị thành hào nhoáng, rồi về làm dâu muộn nhà người. Làng Đo Đo trong cô đã xa lắm rồi, chẳng còn là nơi gắn bó thân thương như thuở nào nữa. Ngạn biết, nhưng hiểu và chấp nhận. Anh vẫn không thể nào buông bỏ. Trái tim anh vẫn hướng về phía ấy.

Thương em thương tình đa mang

Yêu trăng ba mươi quên mình.

Thương tôi thương phận long đong

Yêu tan mong manh tan nhật nguyệt.

Yêu đến dại người, cho đến mệt nhoài mà không cần nhận lại. Tôi chưa từng gặp ai như Ngạn!

Trở về sau những năm xa quê học tập, anh càng gần gũi quê nhà, cha mẹ, càng gần gũi những kỉ niệm thuở đi học của hai đứa bao nhiêu thì càng xa Hà Lan bấy nhiêu. Cuộc đời của anh giờ chỉ còn xoay quanh Trà Long: dỗ dành, chăm lo đời sống, học hành cho cô bé. Nhìn Trà Long lớn lên Ngạn như thấy lại những thước phim cũ của anh và Hà Lan thuở nào. Năm tháng trôi qua, cô bé quấn quýt anh không rời. Cũng đôi mắt to tròn biết nói, cũng nụ cười đó, Trà Long chính là bóng hình của mẹ. Cô bé yêu làng, yêu rừng sim, yêu lối sống giản dị, yêu con đường từ phố về làng như Ngạn đã từng yêu... và cô bé yêu anh!

Trà Long thay mẹ mang về lại mùa hè năm nào Hà Lan mang đi mất. Nhưng Trà Long không phải mẹ nên khoảng trống trong trái tim Ngạn mãi không thể lấp đầy. Một buổi chiều ôm cô bé vào lòng, cứ ngỡ như Hà Lan ở đó, anh chết sững nhận ra mình sẽ không bao giờ xóa nhòa nổi hình bóng ấy. Nên một sớm anh lặng lẽ ra đi, để lại Trà Long nơi làng nhỏ và chút hạnh phúc vừa nhen lên còn chưa kịp ấm.

Thương anh em lội sông sâu

Trôi hương trôi hoa tan phận ngọc.

Trái tim tôi buồn bã nhìn đôi bạn ngược lối; reo vui với sự xuất hiện của Trà Long; bàng hoàng, hụt hẫng xé lòng nhìn Ngạn rời đi trong câm lặng... Còn Trà Long thì sao hở Ngạn, cô bé thiếu anh rồi sẽ sống thế nào đây? Câu hỏi ấy cứ bủa lấy tôi, day dứt mãi. Cuối dòng chảy này chẳng có gì như tôi mong đợi. Vẽ nên khoảng trời áo trắng đẹp đẽ kia làm chi để rồi kết thúc tất cả trong nỗi hoang hoải, chênh vênh!

Tôi muốn đổ lỗi cho Hà Lan vì cô đã thay đổi, nhưng ai mà rồi không thay đổi? Tôi muốn đổ lỗi cho Ngạn vì đã không chịu nói ra lời yêu nhân lúc tình còn ấm, nhưng ai mà ngờ được con tạo xoay vần? Rốt cuộc đổ lỗi cho ai đây khi ai ai cũng khổ đau buồn bã, trách ai đây khi ai ai cũng mệt lả đáng thương?

Nguyễn Nhật Ánh làm tôi không còn phân biệt được đó là câu chuyện đời thường hay tiểu thuyết. Từng chữ từng câu đều giản dị mà chạm đến tận con tim tôi, khiến tôi thấy như chơi vơi giữa đời cùng với nhân vật. Yêu lắm, thương lắm mà xa lắm, đau lắm.

Những thước phim kết thúc, quay tôi bước ra ngoài mà dư âm niềm tiếc nuối còn mãi.

Mắt biếc năm xưa nay đâu

Cánh sao còn đây tóc mây nào bay

Phố vắng mênh mang mưa rơi

Ước mơ nào nguôi tình đã phai rồi...

______________
Mời các bạn vào bài đăng trên diễn đàn để giao lưu với bạn Fuju
- tác giả của bài viết đạt giải nhất, mảng Văn học Việt Nam
cuộc thi Viết cảm nhận - Số 1.2014: Tuổi học trò qua trang sách.