Vạch phấn trên mặt bàn
Hồi nhỏ đi học, hay có trò chia bàn chia ghế. Đơn giản nhất là vạch bằng phấn, đã chia bàn, là chia luôn cả ghế.
Thường thì hai bên tao mày, cứ lăm lăm cái thước kẻ. Nó mà thò sang là quật thẳng cánh vào tay. Mình thò sang, cũng bị nó vụt. Ấy nhưng mà còn vụt nhau, là còn thân ái. Chứ đã đến cái mức không nói gì với nhau nữa, thì là khó rồi.
Cái sự giận nhau trẻ con ấy, hoàn toàn không vớ vẩn tí nào. Ngấm ngầm, ngấm ngầm… mà trẻ con thì càng nhiều chuyện, cũng kéo bè kéo cánh, cũng nói xấu chơi đòn ngầm như ai. Càng ngày càng căng, nhưng rồi cũng có lúc nó chùng xuống. Với những người chẳng giận ai được lâu, thì cái gì rồi cũng nguôi. Một người chùng thì hai người cũng chùng… và thế là hết giận. Những yếu tố bên ngoài như những trò chơi, những sự tình cờ thường là cớ để người ta chơi lại với nhau. Nhưng cũng nhiều khi chờ mãi cái sự tình cờ ấy nó không đến.
Một ngày “vận may” đến với một người khi người kia đi phía trước rơi mũ. Nếu người kia nắm được cơ hội, chỉ cúi người nhặt cái mũ lên cho bạn thôi, là bầu trời lại xanh trong như chưa hề giông bão. Song, với rất nhiều trường hợp, tình bạn đã không bao giờ quay trở lại vì chẳng ai đủ cam đảm bước qua được cái tôi của chính mình để cúi người nhặt cái mũ ấy lên cả.
Bạn thật đã vậy, bạn ảo cũng vậy. Thời nào thức ý, bây giờ chơi trên mạng cũng cãi cọ, cũng hỉ nộ ái ố, giận nhau ra trò… khi chưa hiểu nhau người ta giận, người ta dỗi, người ta tự ái, thậm chí người ta không giận, không dỗi, không tự ái… mà chỉ đơn giản là cảm thấy tách ra một thời gian, có lẽ tốt hơn. Nhưng nếu không ai đủ dũng khí “cúi người nhặt mũ”, thì quan hệ cũng chẳng bao giờ quay trở lại.
Thế đấy bạn nhỉ, nếu cần thì ta “cúi người nhặt mũ”, có sao đâu?
Lại nhưng… nhiều khi vạch phấn được thay bằng cả một vạch mực, mực tím thì khó rửa đi lắm, rửa mãi, rửa mãi vẫn còn những vệt mờ mờ. Còn hơn nữa, cái vạch ấy có khi còn được củng cố bằng những đường rạch của đầu nhọn compa “sột, sột, sột…”. Nó cũng như lời xúc phạm vậy, dù có làm lành, nhưng vết thương trong lòng thì chẳng bao giờ lành, cứ trái gió, trở trời, nó lại đau.