007 - Phần một - VII

VII

Đất Phong Châu từ đỉnh Hy Cương hoa nở.

Ngày giỗ Tổ dồn về đây trăm họ con cháu Hồng Bàng. Ngày trẩy hội cũng là ngày thao quân. Quân các bộ về đóng trại bên các đồi quanh núi Nghĩa Lĩnh. Đóng từ núi Thắm qua động Từ Đà, gò Dền xuống gò Dạ, gò Mun, gò Tro, đồng Sấu đến Sơn Vi, Phùng Nguyên.

Thuyền độc mộc, bọc đồng đậu án dọc sông Lô từ An Đạo về ngã Ba Hạc, ngược sông Cái đến bãi Triều Mộc.

Từ sáng tinh mơ…

Âm vang tiếng trống đồng!

Lanh lảnh tiếng hiệu ốc!

Trầm trầm tiếng tù và!

Quân rợp dưới bóng cờ! Dân từ các ngã đường của các làng quanh vùng cho rước lễ vật, theo đường núi có những bậc thang bằng gạch nung lên đền Thượng. Ghé quán xưa vua Hùng nghỉ mát, qua bãi bằng đền Hạ nơi đức tổ mẫu Âu Cơ sinh Lân Lang, người con trai đầu tiên nối nghiệp họ Hồng Bàng, Hùng Quốc Vương. Thắp nén hương lên đền thờ Thánh Gióng, người trai Việt khổng lồ, ba tuổi đã đánh đuổi được giặc Ân, vái lạy trước mộ vua Hùng thứ sáu, Hồng Huy, đã có người con gái giỏi nghề tầm tang.

An Dương Vương Thục Phán cùng các lạc hầu, lạc tướng các bộ đón tiếp các đoàn đến dâng hương lễ Tổ ngay tiền sảnh gian Đại bái của Cửu Trùng tiêu điện. Lễ vật mỗi làng thường có tam sinh: một đầu bò, một đầu dê và một con lợn. Rồi rượu, xôi, hoa quả, bánh trái…

Các bộ lạc Bách Việt đều về đây: Dương Việt, Mậu Dương, Mục Thân, Sân Lý, Hải Quỳ… lại có cả các chúa Mường xưa đã từng tranh tài với An Dương Vương Thục Phán khi còn trẻ, nay đều đã già, như chúa Hoàng Tiến Đạt ở xứ Thạch Lâm, chúa Lương Ngọc Tăng ở xứ Thục Hòa, chúa Văn Thăng ở xứ Quy Sơn, chúa Lâm Tuyên Thượng ở xứ Hà Quảng, chúa Thành Giáng ở xứ Thượng Lang… Ở vùng xuôi lên có chúa Đàm Viết Dũng ở xứ Thái Ninh vốn là đô vật, võ giỏi không kém gì chúa Trương Thiết Vân ở xứ Quảng Nguyên vùng Nam Cường. Đó là bảy chúa trong chín chúa còn sống. Chúa Nông Quang Thạc xứ Bảo Lạc có đôi chân thần tốc, trèo núi như bay cũng như chúa Lý Kim Đán có tài bắn cung đã từng bắn rụng hết lá cây đa trong ba ngày khi thi tài với Thục Phán. Hai người này đều đã chết.

Nhưng tài bắn cung của chúa Lý Kim Đán xưa kia hẳn nay so với tướng Cao Lỗ chưa biết ai tài hơn ai, khi chính Cao Lỗ vừa chế được bộ phận liên hoàn lắp vào nỏ liễu, bật dây nỏ, mỗi lần có thể bắn ra xa mười mũi tên. Do đó, dân còn quen gọi là Ông Nỏ.

Tướng Cao Lỗ người bộ Vũ Ninh là người trước đây trong những năm đánh giặc Tần cùng Ông Đống con Nồi Hầu và Cầm Sinh một tùy tướng của tù tưởng bộ lạc Tây Vu ở phía nam Phong Khê (27), Cao Lỗ cũng là người khuyên An Dương Vương dời đô từ Phong Châu về Kẻ Loa.

(27) Bộ lạc Tây Vu hay Tây Âu ở rải rác trên vùng đất Phong Khê cũ (nay gồm Đông Anh, Đa Phúc, ngoại thành Hà Nội và Hiệp Hòa, Việt Yên thuộc Hà Bắc).

Về dự giỗ tổ vua Hùng năm nay, ngoài Cao Lỗ ra, người được vua Chủ luôn cho ngồi bên cạnh là Nồi Hầu. Theo Nồi Hầu là hai con trai dũng tướng: Ông Đống và Ông Vực. Nồi Hầu sống bên quê vợ ở trang Chiêm Trạch, nhưng vua Chủ cho đặc trách trông coi vùng đất Vũ Ninh, giữ mặt sông Sau (sông Cầu) để ngăn quân phương Bắc tràn xuống. Ông Đống và Ông Vực được bố coi như là tùy tướng. Đóng quân ở Vũ Ninh, ông Vực được bố cho cưới một cô gái quê ở ngay chân núi Quả Cảm (28) làm vợ. Đất Hương Canh là đất làm đồ gốm mà đất Quả Cảm cũng là đất sành gốm. Thời vua Hùng, dân Âu Lạc chưa mấy người có họ. Ông Nồi chỉ là cái tên được đặt do nghề nghiệp làm nồi đất mà ra, khi được vua Chủ phong chức quan thì gọi là Nồi Hầu, như lạc hầu, lạc tướng. Ông Nồi tự hào về cái tên cúng cơm đó của mình cho nồi là tất cả vì trên thế gian này không có nồi thì lấy gì nấu nướng. Phải cần cái đựng, cái chứa! Vì vậy khi đặt tên con là Đống hay Vực cũng chỉ là hai tiếng nghề nghiệp trong làng gốm. Đống và Vực cũng không có họ, lớn lên, làm tướng đánh giặc Tần, được phong quan nên thêm tiếng ông trước tiên để tỏ vẻ tôn kính.

(28) Quả Cảm là một làng ở phía trên thị trấn Đáp Cầu (Bắc Ninh).

Ông Vực gặp cô gái làng gốm Quả Cảm thường bán những vại nhỏ và chân cũi đựng nước kê dưới chân giàn tằm chống kiến leo lên ăn tằm. Ông Vực vốn máu nhà gốm cưỡi ngựa đi qua làng Quả Cảm xem cách dân đồ gốm làm ăn, thấy cô gái xinh đẹp lại nết na, bán hàng chân cũi mà đắt như tôm tươi nên xuống ngựa làm quen, mua một đôi.

Cô gái giương mắt phượng mày ngài nhìn chàng dũng tướng trẻ tuổi thành Loa ngạc nhiên hỏi:

- Sao bố chỉ mua có hai chân cũi! Phải bốn hoặc sáu cái chứ.

Ông Vực hơi ngượng vì kiểu tán gái của mình đành nói:

- Mua một đôi cho vừa đôi phải lứa vì chỉ có hai người.

Cô gái làng Quả Cảm đỏ mặt và ít lâu sau cô đã là nàng dâu của Nồi Hầu và trở thành bà chúa Quả Cảm.

Ngày giỗ Tổ như thế là gần đông đủ các tướng lĩnh các bộ về họp mặt.

Hôm nay An Dương Vương bận trang phục lạ mắt, nhưng rất đẹp. Không phải áo quần dân dã của người Âu Lạc mà bắt chước theo cách ăn mặc của vua quan nhà Tần, nói rằng những bộ áo quần đó là do Tần Thủy Hoàng cho sứ sang tặng sau ngày đúc tượng đồng theo hình dáng Lý Ông Trọng đặt ở Hàm Dương để đe Hung Nô. Trước hôm giỗ Tổ, vua Chủ đã nói với tướng quân Cao Lỗ:

- Tôi định để đó, không mặc! Nhưng Tần Thủy Hoàng là vua nước lớn, lại luôn nhớ ơn ta cho mượn Lý Thân, phong tước cho ông ta lại đúc tượng đồng theo hình ông ta. Nay nhà Tần đã bị diệt, chuyện đã qua mình nào lệ thuộc vào họ nên đem bộ áo quần đó mặc lấy nếp về sau cho con cháu noi theo.

Cao Lỗ định bác cái việc làm điên rồ đó, nhưng thấy vua Chủ đang vui, nhất là khi vừa đón cô con gái út Mỵ Châu về. Ông vuốt râu, uống chén rượu ướp sen của làng Thụy Chương vùng Long Đỗ (nay thuộc Hà Nội) rồi nói lánh sang chuyện khác.

Nay vua Chủ đó, uy nghi trong bộ ngự bào, ngồi trên ghế giữa gian Đại bái của Cửu trùng tiêu điện, mặt mày rạng rỡ, thỏa mãn. Sau ghế vua ngồi là ghế Mỵ Châu và công chúa Quỳnh Anh, vợ của Tổng binh Võ Quốc vừa ở bộ Dương Tuyền (vùng Hải Dương) lên.

Hôm nay, Mỵ Châu bận xiêm y may bằng lụa Cổ Đô và gấm Thanh Hoa.

Đứng sau Mỵ Châu là cô nữ lệ Bé Hà, tay bưng một cơi trầu nhỏ để hầu vua Chủ và các lạc hầu, lạc tướng, các tù trưởng độc lập.

Dân làng Cổ Tích rước lễ vật lên đến đền Thượng: một mâm bánh dày theo tích truyện Lang Liêu và ba mâm xôi, ngoài xôi nếp trắng ra là xôi được nhuộm màu đỏ và màu tím để nhắc lại những giống lúa khác nhau được trồng từ thời các vua Hùng.

Trống Đồng từng hồi vang dội.

Rồi một bà già, theo sau là một đoàn con gái chia hai hàng dài, mỗi hàng sáu cô. Bà già áo nâu sồng, còn các cô gái thì áo màu hoa đào, thắt dải lưng màu hoa lý, lủng lẳng mỗi cô một chuỗi xà tích treo bên hông.

Bà già mang cơi trầu cúng Tổ dâng lễ lên vua Chủ. Vua Chủ đỡ lấy, gật đầu tỏ ý cảm tạ rồi chuyền tay qua một lạc hầu vừa từ hàng các quan văn, võ bước tới. Cơi trầu đó đã têm rồi, mỗi ngăn mỗi thứ bỏ riêng cau, trầu, rễ chay non và vôi hồng đào.

Tiếp đến hai cô gái, một cô bưng một mâm đồng chân quì trên để một buồng cau liên phòng (29), cô sóng đôi bên cạnh cũng bưng một mâm đồng chân quì trên đã xếp vòng theo mặt mâm những liền trầu quế lá xanh đậm xếp chồng nhau.

(29) Cau liên phòng: có nơi gọi là cau truyền bẹ mỗi bẹ mỗi buồng, buồng em buồng chị trên dưới liền nhau, nên gọi như vậy.

Những lá trầu này đều hái ở vườn trầu lớn trước kia của vua Hùng Duệ Vương bên Kẻ Trầu (30). Giữa mâm là một ống bình vôi và một khúc rễ chay non.

(30) Kẻ Trầu tức Dữu Lâu ở bên bờ sông Lô, giáp với Kẻ Sủ (tức Lâu Thượng) nơi làm việc trước kia của vua Hùng.

Lại hai lạc tướng bước ra cạnh vua Chủ đỡ lấy hai mâm trầu cau đó rồi cùng với viên lạc hầu nhận cơi trầu cúng Tổ kia cung kính nâng ngang trán vào đặt trên bàn thờ cúng Tổ phía trong gian Đại bái.

Mỵ Châu rất thích thú trước mọi lễ vật lạ mắt đó. Cô định quay lại nói chuyện riêng với Bé Hà - quen thoải mái như hồi ở với mế trên miền ngược mà lại - nhưng bà chúa Quỳnh Anh đã đưa mắt nghiêm nghị lườm em vì đang buổi lễ trọng thể.

Mỵ Châu sợ chị, bà chị lớn hơn cô em út hàng chục tuổi, có thể sinh ra cô em là gái đầu lòng được. Mỵ Châu nín thinh, ước gì chỉ có cô với Bé Hà ắt cô phải tỉ tê với Bé Hà câu chuyện tình về cây cau và cây trầu không với phiến đá vôi: sự tích trầu cau!

Ngày giỗ Tổ nhắc lại mọi công ơn vua Hùng lại lấy cái công tạo ra tục ăn trầu cả nhà vua mở đầu buổi lễ thật là thú vị. Nhưng Mỵ Châu muốn hỏi riêng Bé Hà là:

- Bé Hà ơi! Cau, trầu và vôi trong chuyện tích là đúng như thế, vậy thì cái món rễ non cây chay là chui ở đâu ra! Hay vì cúng Phật trên chùa thường trồng cây chay? Có chuyện tích rễ chay không?

Ý nghĩ chỉ lởn vởn trong đầu Mỵ Châu khi bà già và mười cô gái còn lại dâng đợt hai lễ trầu:

Cơi trầu chiềng làng, chiềng chạ.

Mỗi bên năm cô gái, cô bên trái bưng một cơi trầu thật to, trên nắp có từng lát cau trắng đã cắt chũm và vỏ xanh chỉ tước xơ đều cánh hoa cúc vàng cùng với những miếng rễ chay cắt liệng; cô bên phải cũng bưng một cơi trầu thật to, nhưng trên nắp đã têm sẵn những miếng trầu cánh phượng và một ít vôi màu hồng đào quệt trên mặt sau của lá trầu. Hai cơi trầu này là hai cơi trầu chung, mời ngay mọi người ăn trầu nhớ vua Tổ. Cô gái nào cũng đẹp, từng đôi từng đôi đến trước người được mời, một bàn tay xòe rộng đỡ ở dưới cơi trầu, còn tay kia cầm dải lưng màu làm dáng. Các cô được chọn từ các cuộc thi têm trầu nhanh và khéo ở các làng.

Tiếp lễ dâng trầu là lễ dâng tam sinh và các lễ vật khác.

Rồi các bộ, các làng dâng sản vật cho vua Chủ, hay thổ sản của địa phương mình. Nhiều thứ nói là lễ vật cúng vua Tổ Hùng Vương, nhưng chính là lễ cống nạp vua Chủ: những trống đồng, thạp đồng, những lưỡi giáo, lưỡi kiếm bằng đồng hay bằng sắt, lưỡi rìu, lưỡi cuốc… Rồi lụa, vải, cả những y phục may sẵn, những đồ thêu. Có cả gạo thơm, nếp trắng, đậu xanh, các thứ hoa trái địa phương. Cả những đồ chạm gỗ thu nhỏ lại của các làng Phú Khê, Kim Sơn thuộc bộ Vũ Ninh, làng Từ Vân vùng Kẻ Loa.

Bé Hà chỉ cho Mỵ Châu một đống quả, vỏ ngoài xanh mướt to bằng đầu người mà bộ Cửu Chân (Thanh Hóa) chở thuyền đưa ra:

- Mệ nàng! Đó là dưa hấu, dưa Mai An Tiêm. Bổ ra ruột đỏ hồng và hạt đen nhánh như răng ta nhuộm.

- Ôi! Vậy là chuyện Mai An Tiêm có thật sao? - Mỵ Châu nói như reo, vì cô đã được nghe mế kể, còn trái dưa hấu thì đây là lần đầu tiên cô trông thấy.