Ông Già Và Biển Cả - Chương 04

Chương 4

“Mình câu được nó vào
quãng trưa”, lão nói.

“Nhưng mình chưa được
nhìn thấy nó.” Lão đã đẩy chiếc mũ rơm sụp mạnh xuống đầu trước lúc câu được
con cá, cái mũ cứa đau trán lão. Lão cũng khát nước bèn quỳ gối xuống, cẩn thận không
làm giật sợi dây, rán vươn người quờ tay về phía mũi thuyền lôi ra chai nước.
Lão mở nắp, uống một ngụm. Rồi lão tựa lưng vào mũi thuyền. Lão ngồi nghỉ trên
đống cột buồm, cố không nghĩ ngợi điều gì, ngoại trừ việc chịu đựng. Khi nhìn
về phía sau, lão không còn thấy bóng dáng đất liền đâu nữa. Chẳng có gì khác
đâu, lão nghĩ. Mình luôn có thể quay về dựa vào ánh đèn từ Havana. Còn hai giờ
nữa mặt trời mới lặn và có lẽ con cá sẽ trồi lên trước lúc trời tối. Nếu chưa
ngoi lên thì có lẽ nó sẽ ngoi lên khi trăng mọc. Nếu cũng không thì chắc bình
minh nó sẽ nổi lên. Mình không bị chuột rút và mình cảm thấy khỏe mạnh. Chính
nó đã bị lưỡi câu móc vào miệng. Nhưng thử hỏi có con cá nào kéo được như nó.
Miệng nó hẳn ngậm chặt đoạn dây thép. Mình ước mình có thể nhìn thấy nó. Ước chi mình có thể nhìn
thấy nó dẫu chỉ một lần để biết đối thủ của mình là ai. Con cá chẳng hề giảm
tốc độ và đổi hướng suốt đêm ấy như lão có thể xác định bằng cách quan sát các
vì sao. Trời lạnh sau lúc mặt trời lặn và mồ hôi của lão khô lạnh trên lưng,
trên cánh tay và cả đôi chân già nua của lão. Lúc ban ngày, lão đã lấy cái bao
tải đậy thùng đựng mồi ra trải phơi khô. Sau khi mặt trời lặn, lão cột nó quanh
cổ, để phủ xuống lưng và bây giờ lão cẩn thận chèn nó xuống dưới sợi dây vắt
qua vai. Cái bao lót dưới sợi dây và lão tìm cách tựa vào mạn thuyền để cơ thể
bớt căng thẳng. Tư thế ấy thực ra cũng chỉ bớt được đôi phần, nhưng lão nghĩ là
rất thoải mái. Ta chẳng thể làm gì được nó và nó cũng chẳng làm gì được ta, lão
nghĩ. Chẳng làm được gì nếu nó cứ kéo mãi thế này. Một lần lão đứng dậy, đái qua mạn thuyền, ngước
nhìn sao kiểm tra hướng đi. Từ vai lão, sợi dây như thể một đường lân tinh dài
xuyên thẳng làn nước. Bây giờ họ di chuyển chậm và ánh điện Havana cũng không
quá rõ, vậy là lão biết dòng nước hẳn đang đưa họ về hướng Đông. Nếu mình không
còn thấy ánh sáng Havana thì chắc chúng mình đang tiến xa về phía Đông, lão
nghĩ. Vì nếu con cá cứ giữ đúng hướng của nó thì mình phải thấy Havana thêm một
lúc nữa. Mình không rõ mấy trận đấu bóng chày giải ngoại hạng hôm nay ra sao
nữa, lão nghĩ. Có một chiếc rađiô khi đi câu như thế này thì thật tuyệt diệu. Rồi
lão nghĩ, cứ phải nghĩ mãi về nó. Nghĩ về cái việc mày đang làm. Mày chớ có làm
điều gì ngu ngốc. Lát sau lão nói lớn.

“Ước chi mình có thằng bé.
Để giúp mình và chứng kiến cái cảnh này.” Con người ta không nên sống một mình
khi tuổi đã xế bóng, lão nghĩ. Nhưng không thể nào tránh khỏi. Mình phải nhớ ăn
con thu trước lúc nó hỏng để giữ sức khỏe. Hãy nhớ, dù mày chẳng muốn ăn tí
nào, mày phải ăn nó vào sáng mai. Nhớ đấy, lão tự nhủ. Suốt đêm ấy, hai con cá
heo bơi đến gần thuyền, lão có thể nghe tiếng chúng trở mình và thở. Lão có thể
nhận biết sự khác nhau giữa tiếng thở dốc của con đực và tiếng thở dài của con
cái.

“Chúng thật đáng yêu”,
lão nói.

“Chúng chơi đùa, nghịch
ngợm và yêu nhau. Chúng là anh em của ta như đàn cá chuồn kia vậy.” Rồi lão bắt
đầu ái ngại cho con
cá lớn mà lão đã câu. Nó tuyệt vời, kỳ lạ và tuổi tác của nó là sao nhỉ, lão
nghĩ. Chưa bao giờ mình gặp một con cá nào kiêu hùng và hành động quá đỗi kỳ lạ
như nó. Có lẽ nó cũng thừa khôn ngoan để không nhảy lên. Bởi nếu cứ phóng lên
hoặc lao chạy thì nó có thể hủy hoại mình. Nhưng chắc trước kia cu cậu đã nhiều
lần nếm mùi dây câu nên đã biết đây là cách chiến đấu tốt nhất. Nó không thể
biết chỉ có mỗi một người duy nhất đang đương đầu với nó và cũng chẳng hay rằng
đấy là một lão già. Nhưng cu cậu đúng là chú cá vĩ đại và sự vĩ đại ấy còn được
thể hiện ở phản thịt nơi chợ nếu thịt nó hãy còn tươi khi được mang đến đó. Cu
cậu đớp mồi hệt một trang nam tử và cái cách cu cậu kéo cũng là của đấng hào
hoa; cu cậu chống cự không một chút hoảng sợ. Ta phân vân chẳng biết nó có mưu
đồ gì không hay cũng chỉ cố gỡ gạc như cái thân của ta thôi... Lão nhớ lần lão
câu được một con trong cặp cá kiếm. Con đực luôn để con cái ăn trước và khi bị
dính câu, con cái giãy giụa kinh hoàng, tuyệt vọng vẫy vùng thoát thân mạnh đến
nỗi chẳng mấy chốc đã kiệt sức, suốt thời gian đó, con đực luôn ở bên bạn, bơi
qua bơi lại dưới sợi dây và lượn tròn cùng bạn trên mặt nước. Nó bơi gần đến
nỗi ông lão sợ nó có thể tiện phăng sợi dây câu bằng cái đuôi có hình dáng,
kích cỡ và sắc tựa lưỡi hái. Khi ông lão móc con cá cái, giữ chặt cái kiếm xù
xì tựa giấy nhám của nó và vung chày quật vào đỉnh đầu cho đến khi da nó chuyển
sang màu như màu thủy ngân tráng phía sau gương, và rồi với sự trợ giúp của
thằng bé, lão lôi con cá lên thuyền trong lúc con cá đực vẫn cứ sán lại bên mạn
thuyền. Rồi trong lúc lão đang rửa sợi dây câu và xem xét lại cây lao, con cá
đực tung mình nhảy vọt lên lửng lơ trong không trung bên cạnh chiếc thuyền để
xem con cá cái ở đâu, rồi rơi lặn sâu xuống; đôi cánh màu đỏ hồng, tức đôi vây
hai bên ngực, xòe rộng phô hết ra những đường sọc đỏ hồng rộng. Nó thật đẹp,
ông lão nhớ, và nó thủy chung. Đấy là chuyện buồn nhất mà mình từng chứng kiến
qua đôi cá ấy, ông lão nghĩ. Thằng bé cũng buồn và bọn mình cầu xin nó tha thứ
trước khi vội xả thịt nó.

“Giá mà thằng bé ở
đây”, lão nói lớn rồi trở người tì vào chỗ ván uốn cong phía trước mũi thuyền
và cảm nhận được sức mạnh của con cá khổng lồ qua sợi dây lão giữ vắt qua vai,
đang đều đều tiến theo hướng nó lựa chọn.

Một khi mình đã giở mẹo
thì việc con cá chọn một lối thoát là rất thỏa đáng, ông lão nghĩ. Sự lựa chọn
của nó là ở trong vùng nước sâu thẳm, tối om, cách xa hết thảy những lưỡi câu,
cạm bẫy, lừa lọc. Còn mình thì lại chọn lối đến tìm nó ở nơi cách xa với loài
người. Cách xa tất cả loài người trên trái đất. Bây giờ mình và nó dính chặt
vào nhau kể từ buổi trưa. Và chẳng có ai giúp đỡ mình hoặc nó. Lẽ ra ta đừng
làm ngư dân, lão nghĩ. Nhưng đấy là việc ta sinh ra để làm. Ta phải nhớ kỹ là
phải ăn con cá thu sau khi trời sáng. Vào lúc gần sáng, có con gì đó đớp một
trong mấy miếng mồi phía sau lão. Lão nghe tiếng phao gỗ gãy và sợi dây bắt đầu
bị kéo xuống, qua mạn thuyền. Trong bóng tối, lão rút con dao trong vỏ ra, dồn
hết trọng lực lên vai trái, ngã người cắt sợi dây vướng vào mấu gỗ ở mép trên
mạn thuyền. Rồi lão cắt đến sợi dây gần đấy và trong bóng tối, lão nối đầu dây
của các cuộn dự trữ lại. Lão nối rất điêu luyện chỉ với một bàn tay rồi giẫm
chân lên giữ khi lão thắt chặt múi nối. Bây giờ lão đã có sáu cuộn dây dự trữ,
bốn cuộn từ hai cái mồi lão đã cắt bỏ và hai cuộn từ miếng mồi con cá đang tha,
tất cả đã được nối vào nhau. Khi trời sáng rõ, lão nghĩ, mình sẽ xem xét miếng
mồi bốn mươi sải và cũng sẽ cắt bỏ để nối những cuộn dây dự trữ. Mình sẽ bị mất
hai trăm sải dây Catalan loại tốt, lưỡi câu và cả chì nữa.

Số tài sản ấy có thể
được bù đắp. Nhưng cái gì sẽ đền bù nổi con cá này nếu mình câu được vài con cá
khác và chúng sẽ làm đứt sợi dây kia... Giờ thì mình không rõ con cá đớp mồi
kia thuộc loại gì. Có thể đấy là một con cá kiếm, một con mõm lớn hay một con
cá mập. Mình không nhận ra. Mình phải rũ bỏ nó quá nhanh. Lão nói lớn,

“Giá như mình có thằng
bé.” Nhưng mày không có thằng bé đâu, lão nghĩ. Mày chỉ có một thân một mình và
tốt hơn là mày nên quay lại với sợi dây câu còn lại kia, tối hay không tối thì
cũng phải cắt phăng nó đi rồi nối nốt hai cuộn dây dự trữ lại. Lão làm như thế.
Trong bóng tối, công việc quả khó khăn và một dạo con cá lồng lên kéo lão ngã
sấp mặt xuống, đứt một vệt bên dưới mắt. Máu rỉ xuống má lão. Nhưng nó đông lại
và khô trước khi bò đến cằm, lão lần về phía mũi thuyền, tựa lưng vào mạn. Lão
chỉnh lại cái bao và thận trọng nhích sợi dây để nó hằn sang vùng vai khác, giữ
và dùng vai neo chặt; lão cẩn thận dò sức kéo của con cá rồi nhúng tay xuống
nước xem tốc độ thuyền. Mình không rõ nó nhảy lên để làm gì, lão nghĩ. Đoạn dây
thép đáy hẳn quét trên mỏm lưng đồ sộ của nó. Chắc chắn lưng nó không thể đau
bằng lưng mình đâu. Nhưng nó không thể cứ kéo mãi con thuyền như thế được dẫu
cho nó khổng lồ đến mức nào. Giờ thì mình đã dọn sạch mọi thứ vướng víu và mình
lại có cả đống dây dự trữ; con người ta chỉ cần có thế thôi.

“Cá này”, lão dịu giọng
nói,

“tao sẽ cầm cự với mày
cho đến chết.” Nó cũng sẽ cầm cự với mình, mình chắc thế, ông lão nghĩ rồi đợi
trời sáng. Giờ đây trước khi trời sáng, không khí lạnh lẽo, lão nép sát mạn
thuyền tìm hơi ấm. Mình có thể chịu đựng lâu như nó, lão nghĩ. Và trong ánh
bình minh, sợi dây câu kéo dài, chếch đâm xuống nước. Con thuyền vẫn một mực
thẳng tiến và khi mặt trời hé lên, tia nắng đầu tiên đậu lên vai phải lão.

“Nó bơi về phương Bắc”,
ông lão nói. Dòng nước sẽ cuốn ta dạt xa về phương đông, lão nghĩ. Mình mong nó
xuôi theo dòng nước. Lúc ấy chứng tỏ nó đã thấm mệt. Khi mặt trời lên cao hơn,
ông lão nhận thấy con cá vẫn chưa mệt. Chỉ có một dấu hiệu đáng mừng duy nhất.
Độ chếch của sợi dây cho thấy nó không còn bơi sâu nữa. Dấu hiệu ấy không thực
sự có nghĩa con cá sẽ nhảy lên. Nhưng nó có thể.

“Cầu Chúa làm nó nhảy
lên”, ông lão nói.

“Mình còn đủ dây để chinh
phục nó.” Có lẽ nếu ta kéo căng dây một tí thì nó sẽ bị đau và nhảy lên, lão
nghĩ. Bây giờ đã ban ngày ban mặt, nó cứ nhảy lên đi để những chiếc túi dọc
theo xương sống chứa đầy không khí khiến nó không thể lặn sâu xuống chết. Lão
cố kéo, nhưng sợi dây vẫn cứ căng đến mức chuẩn bị đứt tung như từ lúc lão mới
câu được con cá và khi ưỡn người ra để kéo, lão cảm nhận được sức cản ấy và
biết là mình không thể dồn thêm lực vào đó. Mình không nên giật mạnh, lão nghĩ.
Mỗi cú giật sẽ nới rộng thêm chỗ lưỡi câu móc vào rồi khi nhảy lên, con cá có
thể tuột thoát. Dẫu sao thì mặt trời đã làm mình dễ chịu hơn và lần này thì
mình không phải nhìn trực diện về phía mặt trời. Những mảng rong biển màu vàng
bám vào dây câu nhưng lão biết chúng chỉ làm tăng thêm sức cản, lão hài lòng.
Đấy là giống rong vàng vùng Nhiệt lưu, ban đêm tỏa nhiều lân tinh.

“Cá này”, lão nói, “tao
rất yêu và ngưỡng mộ mày. Nhưng tao sẽ giết mày trước khi ngày kết thúc.” Ta
hãy hi vọng thế, lão
nghĩ. Từ phương Bắc, một con chim nhỏ bay về phía thuyền. Nó thuộc giống
warbler và bay rất thấp trên mặt nước. Ông lão có thể nhận thấy con chim đã thấm mệt. Con
chim bay đến đuôi thuyền, đậu xuống. Lát sau nó lượn vòng quanh đầu ông lão và
đáp xuống sợi dây nơi nó cảm thấy thoải mái hơn.

“Mày bao nhiêu tuổi rồi?”, ông lão hỏi con chim.

“Có phải đây là chuyến
đi đầu tiên của mày không?”
Con chim nhìn lão khi lão nói. Nó thậm chí đã quá mệt để kiểm tra sợi dây và
khi đôi chân mảnh mai đáp nhanh trên sợi dây, con chim lảo đảo.

“Nó chắc đấy”, lão bảo
con chim.

“Nó chắc lắm. Sau một
đêm lặng gió lẽ ra mày chưa mệt mới phải. Loài chim nào sắp đến đây?” Đám diều hâu, lão nghĩ,
sẽ ra khơi săn chúng. Nhưng lão không nói điều ấy với con chim bởi làm sao mà
nó có thể hiểu được lão và đâu có thể lập tức hiểu ngay được lũ diều hâu.

“Cứ nghỉ ngơi thoải mái
đi, chú chim nhỏ”, lão nói.

“Rồi bay vào bờ, tận
hưởng vận may như bất kỳ con người, con chim hay con cá nào.” Con chim khuyến
khích lão nói chuyện bởi suốt đêm lưng lão đã tê cứng còn bây giờ thì thực sự
nhức nhối.

“Hãy ở lại nhà ta nếu
chú mày muốn, chim à”, lão nói.

“Ta lấy làm tiếc là
không thể giương buồm nương theo làn gió nhẹ đang thổi đưa chú mày vào đất
liền. Bởi ta đang bận tiếp một người bạn.” Đúng lúc ấy, bất thình lình con cá
giật mạnh, kéo lão ngã sấp xuống mũi thuyền và suýt lôi lão xuống biển nếu lão
không gồng hết sức níu giữ và nới thêm dây. Con chim bay vụt lên khi sợi dây
giật mạnh và ông lão thậm chí cũng không nhìn thấy nó bay đi. Lão thận trọng
đưa tay phải sờ sợi dây và thấy bàn tay mình đang chảy máu.

“Đúng là có cái gì đó
làm đau nó”, lão nói lớn và kéo dây lại để xem có thể lay chuyển được con cá
không. Nhưng khi ráng đến điểm căng nhất thì lão đành giữ chặt và quay lại
chống đỡ sức kéo của sợi dây.

“Giờ thì mày sắp nếm
mùi rồi đấy, cá à”, lão nói.

“Và lạy Chúa, cả tao
cũng vậy.” Lúc này lão nhìn quanh tìm con chim bởi lẽ lão muốn có nó làm bè
bạn. Con chim đã bay đi. Mày không chịu ở lâu với tao rồi, lão nghĩ. Nhưng suốt
đoạn đường vào bờ mày sẽ chịu gian nan hơn đấy. Làm sao mà mình lại để con cá cắt
đứt tay bằng cú quẫy chớp nhoáng ấy... Hẳn mình đang hóa ngu đần rồi. Hay có lẽ
tại mình mải nhìn con chim và nghĩ về nó. Giờ đây mình sẽ tập trung vào việc
của mình và lát nữa mình phải ăn con thu để không bị đuối sức.

“Mình ước thằng bé ở
đây và có một ít muối”, lão nói lớn. Chuyển sợi dây nặng trĩu sang vai trái và
cẩn thận quì xuống, lão rửa bàn tay trong đại dương rồi ngâm chứng hơn một
phút, mắt nhìn những vệt máu loang ra và sự di chuyển đều đều của mặt nước táp
vào tay khi con thuyền trôi đi.

“Nó đã chậm lắm rồi”,
lão nói. Ông lão hẳn
thích ngâm tay trong nước mặn thêm lát nữa nhưng lão sợ con cá lại thình lình
quẫy, lão đứng dậy, gượng giữ thăng bằng và đưa bàn tay ra đón ánh nắng. Chỉ
một cú giãy nảy lên là đã cắt đứt thịt da lão. Mà nó lại nhằm đúng cái phần
hoạt động của bàn tay. Lão biết lão cần đôi tay cho đến khi trận đấu này kết
thúc và lão lại càng không muốn bị cứa đứt trước khi trận đấu bắt đầu.

“Nào”, lão nói khi bàn
tay đã khô.

“Mình phải ăn con thu
nhỏ. Mình có thể lấy cái móc khều nó ra và cứ ngồi đây ăn cho thoải mái.” Lão
quì xuống, tìm con thu dưới đuôi thuyền, dùng cái móc gỡ nó ra khỏi đống dây
dợ, kéo về phía mình. Vẫn giữ sợi dây bên vai trái, dồn lực lên bàn tay trái và
cánh tay, lão gỡ con cá thu ra khỏi cái móc và đặt cái móc về vị trí cũ. Lão tì
đầu gối lên con cá, cắt dọc những miếng thịt đỏ thẫm từ sau đầu đến đuôi. Thịt
cá được rạch theo hình chữ V, lão tiếp tục xẻ từ sống lưng xuống rìa vùng bụng.
Khi cắt được sáu lát lão trải chúng ra trên tấm gỗ đằng mũi thuyền, chùi con
dao vào quần, nhấc cái đuôi kéo theo cả phần còn lại của con cá quẳng ra ngoài
thuyền.

“Mình không chắc là có
thể ăn hết cả miếng cá”, lão nói rồi đưa dao cắt đôi một khúc thịt. Lão cảm
thấy sợi dây vẫn kéo mạnh đều và bàn tay trái của lão đã bị chuột rút. Lão bực
bội nhìn bàn tay quắp chặt lấy sợi dây câu nặng.

“Tay tiếc quái quỷ gì mày”, lão nói.