Ngang trái phủ Tây Hồ - Chương 08

8

Nguyễn Cung tìm đến nhà Lê Ngân. Ngân tiếp Cung ở đại sảnh. Cung nói:

- Tôi muốn nói chuyện riêng, sao quan tư khấu lại tiếp tôi ở đây!

Biết Cung là người hiện nay, nói gì Hoàng đế cũng nghe, nên Lê Ngân vội sửa mũ áo rồi xin lỗi:

- Tôi thật không biết được những ý tứ của ông, xin ông xá lỗi.

Cung chỉ khẽ gật đầu. Lê Ngân đuổi hết tả hữu ra, hồi hộp hỏi:

- Ông Nguyễn Cung, chẳng hay Hoàng thượng có mật lệnh gì truyền đến cho Lê Ngân.

Nguyễn Cung mỉm cười:

- Không phải là mật lệnh của Hoàng thượng mà chính Nguyễn Cung muốn nói chuyện hay ho với ông.

- Lê Ngân này xin nghe.

- Ông có thích đại từ đồ Lê Sát không?

Lê Ngân hơi ngỡ ngàng nói:

- Ông hỏi vậy là thế nào? Hiện nay hai phụ chính đại thần chẳng là tôi và Lê Sát ư?

Nguyễn Cung cười nhạt nói:

- Tuy ông là người cùng nhận di chiếu với Lê Sát, ông ở ngôi thứ hai, nhưng thực ra ông chỉ là cái bung xung thôi.

Lê Ngân, vốn tính bộc tuệch, thẳng thắn, nói:

- Sao ông lại nói thế! Ông Sát không thể coi thường tôi được…

- Đám hoạn quan chúng tôi vẫn luôn bị coi là kẻ ranh ma, quỷ quyệt… Các đại thần biết chúng tôi gần nhà vua, song lại khinh chúng tôi như cỏ rác. Ông có là hạng người như thế không?

Lê Ngân lúng túng:

- Xin ông đừng nói thế. Ngân này theo Thái Tổ cũng từ nghèo hèn mà mới được phú quý, dám đâu coi rẻ ai…

Nguyễn Cung đưa tay lên, vuốt tóc nói:

- Lê Sát thì cho mình là tất cả, nắm trọn quyền hành trong tay. Hiện nay Sát chỉ còn gờm có ba người, nếu không thì hắn đã cướp ngôi vua rồi!

- Sao ông lại nói thế?

- Ông không tin thì mặc ông. Quyền tôi, tôi được nghĩ, do đó, tôi muốn bàn việc lớn với ông, ông có nghe không?

- Tôi xin nghe ông! Nhưng liệu ông có là người của Lê Sát đến thử tôi không đấy!

- Vây thì ta cùng thề với nhau!

Nguyễn Cung với luôn một mũi tên để trong ống tên của Lê Ngân, rồi thề:

- Tôi Nguyễn Cung, thề rằng, nguyện cùng Lê Ngân lo việc nước, nếu có chuyện bội phản lẫn nhau thì như mũi tên này.

Nói rồi bẻ đôi, trao cho Lê Ngân một nửa. Một nửa mũi tên đặt trong áo.

Lê Ngân cảm động lắm, ngồi xuống, ôn tồn nói:

- Chẳng hay Nguyễn Cung muốn nói điều gì tâm đắc với Lê Ngân này?

Cung nói:

- Sát mải việc triều chính, coi thường việc trong cung. Ông phải từ việc trong cung mà khuấy động lên thì mới trị được Sát.

Ngân nói:

- Sát làm đại tư đồ cũng hết lòng vì nước. Tôi trị Sát e mang tiếng với thiên hạ.

Cung cười mỉm:

- Ông vẫn thật thà như thuở theo Thái Tổ đi đánh giặc. Sát tên là Sát nên đa sát. Sát cho rằng trị người thẳng tay, mới khiến đâu vào đấy vào rường mối. Nhưng giết người là gây oán. Trong chiến trận thì giết người để yên nước! Giết giặc càng nhiều càng chóng đến ngày thắng lợi. Còn trong khi giúp vương triều hưng thịnh, không gì hơn là được lòng người…

Thấy Nguyễn Cung nói xa vời, Lê Ngân sốt ruột hỏi:

- Lúc nãy ông nói Lê Sát không chú ý đến chuyện trong cung là ngụ ý thế nào?

- Thâm ý của Lê Sát ghê lắm. Một mặt y cứ thả lỏng cho vua chơi bời ở trong cung với bọn hoạn quan chúng tôi. Sát coi bọn Nguyễn Cung, Đinh Thắng, Đinh Hối, Lương Đăng như một lũ đầy tớ. Sát lại ỷ con gái mình được phong làm Nguyên phi, cho người nhà vào hầu vua có gì tâu bày luôn và sẽ trừng trị những ai không theo Sát… Nhưng, Sát có biết đâu Nguyên phi kiêu kỳ, cậy thế cha đỏng đảnh nhà vua rất ghét. Vua chỉ mến con gái của ông thôi!

- Thật thế ư?

- Vua chơi nghịch ở ngoài vườn chán, liền về cung của con gái ông. Nói năng chuyện trò cười rúc rích. Sao ông không nhân chuyện này, mà chịu khó vào thăm vua luôn, để vua có cảm tình với ông. Vua còn nhỏ, suốt ngày chỉ muốn bắn cung, cưỡi voi, nào có thiết gì chuyện khác. Ông khéo léo biết biếu những thứ vua thích, chúng tôi tâu thêm vào thì nay mai, chức Nguyên phi chắc chắn sẽ thuộc về con gái ông thôi. Sát ở triều đình thì luôn luôn dựa vào vua để trấn an đại thần. Vua bé nào có biết ai vào với ai. Sát buộc vua vào việc giết người, phạt người nọ, bênh người kia, vua mệt lắm! Hôm nào coi chầu về cũng than thở, sao ông không nhân cơ hội này mà trị Lê Sát, giành lấy quyền binh.

Lê Ngân nói:

- Tôi với Lê Sát cùng nhận di chiếu. Sát có lấn quyền tôi, coi tôi như cái bung xung. Nhiều lúc, tôi cũng bực lắm, nhưng không biết dựa vào ai. Nay có các ông ở bên trong giúp, nếu như thành công thì chắc chắn là tôi không bao giờ hưởng giầu sang một mình.

Lê Ngân vui lắm, toan gọi tiệc để thiết Nguyễn Cung nhưng Cung ngăn lại:

- Tiệc tùng hãy để lúc khác. Bây giờ quan tư khấu bắt tay vào công việc đi…

Lê Ngân tiễn Nguyễn Cung ra tận cổng ngoài. Nguyễn Cung trở về bàn với Đinh Thắng, chọn cho một cung nữ già biết mẹo làm đẹp… Bấy giờ Lê Lệ, con gái Lê Ngân được ở ngôi Chiêu nghi. Lệ phổng sức, mắt đen, da trắng, lại hay vui đùa, hợp với Thái Tôn lắm. Lệ biết bầy ra chuyện đùa trong chăn, cả hai lấy chăn chụp nhau rồi cù nách. Vua lúc thắng lúc thua, thích lắm. Lệ phổng phao, mới mười ba tuổi, xinh đẹp. Ngực nổi, vai tròn, da mịn hồng. Vua lúc đầu thích ngủ một mình, sau bỏ Lê Ngọc Dao, sang bên cung của Chiêu nghi, nghịch ngợm đùa với cung nữ suốt đêm mới chịu lên giường…

Nguyễn Cung thấy vua mến Lê Chiêu nghi, ngày càng bịn rịn, mừng lắm, thông báo luôn cho Lê Ngân biết. Lê Ngân vào chầu, biếu vua một con vẹt trắng mào vàng biết nói: “Thánh thượng vạn tuế”! Vua thích lắm, càng yêu mến Lê Lệ, có gì cũng cho, có lúc có quả tươi ngon, gọi sang cùng ăn. Lê Ngân khấp khởi mừng thầm. Bấy giờ ở kinh thành, đông người lắm. Những kẻ du thủ du thực ở tứ chiếng, do đói kém không có miếng ăn, kéo về kinh thành… Trộm cướp nổi lên như ong. Các nhà giầu thi nhau làm giầu, quan lại thi nhau vơ vét, người nào người nấy đua nhau làm nhà, mở ấp, lấn hiếp lẫn nhau, tranh nhau chức tước, phẩm hàm, tranh nhau từng khu nhà tốt xấu. Thái Tổ vừa mới mất, cả nước đau buồn. Lê Thụ gọi thợ làm nhà, cưới vợ lẽ, tiêu thiều, nhã nhạc vang cả một khúc hoàng thành. Phan Thiên Tước liền dâng sớ tâu vua, kể tội Thụ, nhân thể nói luôn ra hai mươi vị đại thần cũng lộng quyền như Thụ. Vua cho gọi đại tư đề Lê Sát đến hỏi, và bảo Tước đích thân đi đến từng nơi, làm bản tấu trình cho tường tận. Tước không ngại ngần, kê khai đầy đủ. Lê Sát ức lắm, không làm gì nổi… Cuối cùng Lê Sát lờ đi, chỉ thu lại của Lê Thụ 15 lạng vàng, 100 lạng bạc dám ăn hối lộ làm nhà, và bắt Thụ phải trả lại người vợ thiếp họ Trình…

Lại chuyện quốc lão Thái Quân Thực và bồi thần Nguyễn Tông Trụ, tức nhau từ chuyến cùng đi sứ báo tang ở nhà Minh, về gây gổ, đánh nhau đến vỡ mặt giữa triều đình, vua cũng mặc cho Lê Sát xử lý. Sát bực, đầy Quân Thực đi Viễn Châu, còn Tông Trụ thì bị đầy đi Cận Châu… Lê Sát càng thâu quyền binh trong tay, gặp lúc lòng người phân tán, rối ren, càng ra sức thẳng tay, trừng trị. Quan trong triều ai cũng ghét Sát… Sát vào chầu vua, mặt mày thiếu hòa nhã, tâu trình lắm lúc cộc cằn, lại hay bắt ép vua phải học hỏi ở đám đại nho Nguyễn Trãi, Nguyễn Mộng Tuân…, Bùi Cầm Hổ để họ bận việc dạy vua khỏi theo dõi công việc của Sát mà gây chuyện rắc rối…

Trong khi đó, Lê Ngân lại hết sức khiêm tốn, chu đáo, biết chiều vua. Thường thường cứ mỗi buổi chiều ở Nội Mật viện về, vua thường cho gọi Ngân đến hầu, cho bầy cờ cùng chơi với Ngân, lại cho Chiêu Nghi ngồi hầu bên cạnh. Ngân thường thua cho vua vui. Vua chơi hai ván cờ, nếu được cả thì hỉ hả lắm, nói chuyện huyên thuyên, kể chuyện nghịch ngợm trong vườn Ngự cho Lê Ngân nghe. Ngân không bao giờ ngắt lời. Biết vua thích săn bắn, được người ở đất Mường cho một chiếc cung lạ đặt tên là Ẩm tuyền, Ngân cũng dâng lên vua. Cây cung này làm bằng một thứ cành cây rỗng, uốn khéo léo, đầu cung, có gắn lưỡi gà, có thể cầm thẳng cây cung, một đầu nhúng xuống nước, một đầu hút được lên mà uống được. Vua thích lắm, có vẻ quý Lê Ngân hơn.

Vua đã lớn dần. Những năm sau bớt nghịch ngợm hơn và chuyên tâm vào việc học. Vua học buổi đực, buổi cái, nhưng đã học là nhớ, học là ham. Nguyễn Trãi mừng khấp khởi. Ông hy vọng ở những điều vừa gần gũi, vừa xa xôi… Những nỗi đời vùi dập một bậc thức giả đến chán ngán lại được dẹp lại một bên. Có lúc Nguyễn Trãi hăm hở như từ hồi từ Đông Quan đến Lam Sơn tìm chân chúa…

Nguyễn Cung, Đinh Thắng, Lương Đăng có dịp lại tụ hội bàn với nhau.

Chúng đang giương bẫy nhử Lê Sát, bởi, chúng biết Sát, quyền lực trong tay, nhưng như kẻ hữu dũng vô mưu, thấy cháy ở đâu là dập đấy, không nhìn ra những đám lửa âm ỉ bùng lên còn to gấp mấy những đám lửa đang cháy.

Kinh thành vẫn không yên ổn. Đám dân lưu đãng tứ chiếng dẫn nhau về kinh đô làm nhiễu loạn. Đám trẻ hư lười biếng, con đám dân buôn vô học cũng phá phách rất nhiều. Chúng ngồi lì suốt ngày ở tửu quán, kết lũ đi trấn cướp các nhà buôn ở ven đô. Chúng tụ hội thành từng nhóm ăn trộm, ăn cắp ngang nhiên giữa đường giữa phố.

Nhiều đêm, chúng đánh nhau với cả quân cấm vệ. Quan quân triều đình ức lắm, bủa vây, bắt được bảy tên can phạm. Trên ngực chúng đều thích chàm xanh đầy người, đứa xưng là Thiên vương, đứa tự nhận là Quỷ dạ xoa, đứa là Đô thống soái!... Bọn này gây ác đã nhiều, bắt được chúng, dân hỉ hả lắm, đang chờ xem Đức vua xử trí ra sao. Lê Sát giết Cao Sư Đăng, chém tên giám sinh phù thủy Lê Tử Dục…, đầy đi Viễn Châu hàng đoàn tù, cổ đeo gông, chân mang xích diễu qua thành phố, khiến bây giờ nghe tiếng kẹt cửa, dân chúng cũng rùng mình… Bọn hình quan biết Lê Sát ham thích chuyện chém giết để răn người khác, nên bảy tên tội phạm này đều ghép vào tội chém cả…

Bên viện đô hình sự dâng bản án lên tể tướng, Lê Sát trù trừ chưa quyết. Có viên quan hầu cận nói:

- Đại nhân có cho tôi được bàn một ý nhỏ về việc này không?

Lê Sát quay nhìn lại. Đó là một viên lại già rất thạo công việc, liền nói:

- Ngươi có kế gì, cứ nói đi!

- Đức vua đã ngồi lên ngai vàng, sao Ngài không để vua phán xét những chuyện giết người, Ngài ôm việc, chỉ tội mua lấy tiếng ác…

Lê Sát nghe ra, hôm sau đem sớ nghị tội của quan đô hình sự xin chém đầu cả bảy đứa dâng lên vua để Người phán quyết…

Vua hỏi Lê Sát:

- Ý ông thế nào?

Lê Sát ngần ngừ đưa mắt cho Lê Ngân. Ngân đứng ra tâu:

- Mọi ngày, quan đại tư đồ đều liệu việc. Xin Hoàng thượng cứ hỏi ý của ông ấy…

Lê Sát biết Lê Ngân chơi khăm mình, tức lắm, nhưng không làm gì được, liền xuất ban tâu:

- Tâu Hoàng thượng, đám trẻ này đứa bé nhất mười tuổi, đứa lớn nhất mới mười lăm, chém một lúc những bảy đứa, e nhân tâm chấn động. Vì thế, thần phải chờ Thánh ý!...

Vua quay sang hỏi Nguyễn Trãi:

- Quan Hàn lâm viện thừa chỉ! Ông thấy nên thế nào?

Nguyễn Trãi từ tốn ra trước bệ rồng, nhìn lên vua, giọng đĩnh đạc:

- Tâu Thánh thượng, theo ý thần, thì thi hành pháp lệnh hàng năm nay, chém đầu khá nhiều người mà đám người hư hỏng vẫn ngày một nhiều. Vậy thì, ta phải nên xem gốc ở tội phạm là đâu… Vả lại, pháp lệnh chỉ dẹp yên được một vùng, một khoảng, thậm chí một vùng lớn, nhưng dùng quá thì dễ chấn động. Chi bằng lấy nhân nghĩa mà trị dân, học Lý Thánh Tông xưa ra ngoài thành thấy người ăn mày rét, cởi áo ngự mà đắp cho, rồi sai lấy gạo, vải bố trong kho, phát cho người nghèo đói…, tiếng nhân hậu còn truyền tụng đến tận giờ. Nhân nghĩa là lâu dài, pháp lệnh để ra oai… Thứ ra oai không nên để lâu kéo dài mà phải lấy nhân nghĩa mà dừng lại… Bảy đứa trẻ cùng bị giết một lúc, thì bố mẹ những đứa trẻ hư khác nơm nớp sợ đến lượt con mình… Vậy thì việc cất giấu, che lấp tội ác của chúng lại càng ngấm ngầm chứa chất… Thần nghĩ, những đứa đáng chém thì chém, chỉ chém khi chúng giết người gây ác, còn trộm cắp, tuy tái phạm, nhưng luật kia vốn để thi hành với những kẻ du thủ du thực lớn tuổi, áp dụng cho bọn trẻ con, nghe ra chưa đúng… Thần mạo muội nói thật, xin Hoàng thượng xem xét…

Tiếng nói của Nguyễn Trãi rất vang… Cả triều cùng nghe và hồi hộp chờ đợi.

Lê Sát thấy lời tâu của Nguyễn Trãi chỉ trích việc đa sát của mình, nên nói luôn:

- Ông Nguyễn Trãi, nếu ông có lòng nhân nghĩa; cảm hóa được kẻ ác thành thiện thì sao không nhận chúng lấy về mà dạy dỗ…

Rồi Sát tâu lên vua:

- Thần nghĩ nên giao cái đám tội phạm này cho các ông Nguyễn Trãi, Nguyễn Thiên Tích, Phan Thiên Tước, nhờ họ cảm hóa cho…

Vua thấy đám đại thần cãi cọ nhau, liền chần chừ. Nguyễn Trãi biết Lê Sát định làm bẽ mặt mình, nhưng không chấp vẫn ung dung tâu:

- Thánh hoàng minh xét. Bọn thần tâu lên, muốn nói đến cái đại thể, còn bảy tên này là lũ trẻ con ương ngạnh, dấn sâu vào tội. Theo bản án tâu lên, thì có mấy đứa đầu đảng đã dính vào chuyện giết người, đến pháp luật triều đình còn không răn, ngăn được, huống chi chúng tôi… Tôi nghĩ quan đại tư đồ từ ý giết đến ý giao cho chúng tôi, đều là tùy tâm mà nói, chưa thật chuẩn xác…

Các quan ồn ào, bán tán. Họ chứng kiến rõ phe văn và phía võ đụng độ nhau trước mặt nhà vua… Vua xem hết bảy bản án, duyệt chém hai đứa còn năm đứa bắt đi đầy…

Nguyễn Trãi lại đến chơi phủ Tây Hồ. Hôm ấy, ông đồ đi vắng, chỉ có Thị Lộ ở nhà. Nguyễn Trãi bận một bộ đồ thư sinh, lỉnh khỏi nhà, không đem theo ai, khoác tay nải đặt mấy quyển sách, xăm xăm đến làng Tây Hồ. Quan Hàn lâm viện thừa chỉ sống lại những hăm hở thời trẻ. Ông quên phắt, mình đã ở tuổi năm mươi, trước mắt ông chỉ là một người con gái đẹp, mà ông thấy cần phải chiếm lĩnh. Nguyễn Trãi bước những sải chân như những năm tháng đi tìm chân chúa, lăm báo thù nhà, đền nợ nước!

Có tiếng chó cắn, rồi tiếng người quát chó. Thị Lộ từ trong nhà bước ra. Nàng bận một chiếc váy nâu bạc mầu, chiếc yếm sồi mầu mận chính, và chiếc áo lụa mầu vàng anh. Cổ nàng cao, ngần trắng, mắt nàng đẹp như mắt Quan Thế Âm bồ tát. Trán nàng tô thêm gương mặt, khiến cho cái nét lạnh lùng, tự tin như được nhân lên… Gò má nàng mát như cánh sen, nhìn thấy là chỉ muốn áp tay, áp má mình vào…

Nguyễn Trãi tuy là đại thần, nhìn thấy không biết bao nhiêu hoàng hậu, cung phi, bao nhiêu mệnh phụ, tỳ thiếp của các bậc tể tướng. Sau khi chiến thắng Đông Quan, dân chúng kinh đô thường chỉ ồn xồn về ông quan này xây nhà cao, ông quan kia vơ vét ngọc quí ở kinh thành về làm giầu cho kho ngọc của mình. Một viên hoạn quan, cận thần của vua lại vét trụi những đồ cổ từ thời Đường, thời Tống, thời Nguyên và đang sưu tập những chiếc gốm đẹp từ Yên kinh chuyển đến… Lại có những viên quan, nhè những lúc người ta vui lễ tết, thu gom mua rẻ tất cả các chậu hoa, cây cảnh trước đó vài tháng, rồi đến tết cho gia nhân ngồi ở chợ bán cho những nhà quyền quý với giá cắt cổ… Nhưng, điều mà người ta chưa lường hết được, là các vị quan già, quan trẻ, đang đua nhau đi tìm tì thiếp, những cô gái trẻ đẹp từ các làng quê, không kém gì đám hoạn quan đi tìm các cung tần, mỹ nữ cho các vua chúa…

Nguyễn Trãi cũng có mấy người tỳ thiếp đẹp, song so với Thị Lộ đang đứng trước mặt ông đây, thì tất cả những người đẹp ông nhìn thấy đều không có nghĩa lý gì!

Thấy Nguyễn Trãi đến nhà mình, ăn mặc hơi lạ, Nguyễn Thị Lộ sững người. Linh tính của một người con gái cô đã nhận ra vị huân thần, vào loại hàng đầu. Bậc trí giả bậc nhất nước Nam này, hẳn có điều gì khác lạ, mới tìm đến nhà mình như thế này. Hay là ông ta đang mắc tội với triều đình, bị truy lùng trong cung cấm?

Nguyễn Thị Lộ vừa vội đến bên, ân cần hỏi:

- Đại nhân sao lại đến nhà em lạ thế này? Nguyễn Thị Lộ không hiểu sao mình lại xưng em với Nguyễn Trãi. Quả là cô còn thấy ở trước mặt mình một thần tượng mà cô hằng ngưỡng mộ. Trước đây, Lộ thường được cha luôn nhắc về một người bạn học cũ, nay đã thành một bậc tài trí lừng danh đất nước, văn nghiệp, võ công đều rạng rỡ, một người có thể ví như Gia Cát Lượng của nhà Hán. Nhưng Gia Cát Lượng giúp Lưu Huyền Đức chỉ được có một phần ba thiên hạ… Còn Nguyễn Trãi, từ khi vào Lam Sơn đã khiến cho đám nông dân, đám “thảo khấu” lục lâm, trở thành một đạo quân “lấy đại nghĩa thắng hung tàn, lấy trí nhân thay cường bạo”. Từ lúc được ông, Trần Nguyên Hãn, và Phạm Văn Xảo, thì Lê Lợi mới có những sách lược lớn, đánh yếu, nhường mạnh, nuôi sức từ nhỏ đến lớn; khi hòa khi chiến, mười năm luôn giành hết thắng lợi này sang thắng lợi khác. Lại bây giờ, tuy ngoài năm mươi, Nguyễn Trãi lại với con người bản thể của mình, ông vẫn có cốt cách tài hoa, phong độ cao thượng. Vầng trán của ông vẫn thanh thản tỏa sáng, đôi con mắt của ông hiền mà tiềm ẩn những điều sâu sắc, cao xa… Nguyễn Trãi cũng sững sờ bên người đẹp hỏi:

- Thầy đồ không có nhà ư, thưa cô?

- Dạ, phụ thân thiếp được bạn mời sang chơi phía làng Nghĩa Đô mé bên kia để ăn bữa gỏi cá tươi.

- Ôi thật là thú vị, giá tôi kịp theo chân ông thì hay biết mấy!

Nguyễn Thị Lộ không ngờ Nguyễn Trãi lại bình dị đến thế! Lộ mời Nguyễn vào trong nhà.

Nguyễn ngồi trên sập, Lộ vẫn rụt rè ngồi dưới. Nguyễn cười:

- Tôi tưởng cô Lộ bạo dạn lắm kia mà.

Lộ cũng không vừa:

- Bẩm tướng công, nhà thiếp vốn là nhà thi lễ!

Nguyễn Trãi gật đầu, nhưng mắt thì vẫn đắm đuối nhìn Thị Lộ… Sao lại có người đàn bà đẹp đến vậy! Nguyễn nhủ thầm:

“Người này có sức cuốn hút đến mê hồn! Nàng đẹp quá”. Nguyễn bỗng bối rối, nói những câu ngớ ngẩn:

- Sao hôm nay tôi lại gặp may thế nhỉ?

Nguyễn Thị Lộ cười. Nguyễn mời:

- Em hãy ngồi lên đây! Sao, ngại ngần gì mà không dám ngồi cùng nhỉ.

Hôm nay, Nguyễn Trãi chỉ là một chàng thư sinh!

Thị Lộ dâng trà.

Nàng vẫn giữ gìn, khép nép, hai tay vẫn khoanh ở trước ngực, ngấn cổ, ngấn má, hương da thịt cứ tự thầm sáng, thầm thơm mát. Không khí lắng đi một chút. Không dằn nổi lòng mình, Nguyễn Trãi cầm tay Thị Lộ, kéo đến sập và nói nhỏ, tim Nguyễn thì đập thình thịch:

- Trời ơi, sao mà em đẹp thế!

Thị Lộ cũng hơi bất người. Một người tài năng danh vọng nhất triều đình hiện nay mà đa tình đến thế ư? Lộ ửng hồng đôi má, trông lại càng đẹp, nể lời Nguyễn Trãi, nàng khẽ ngồi ghé lại bên sập để Nguyễn vui lòng. Thỉnh thoảng Lộ lại nghiêng nhìn sang phía Nguyễn.

Hình như biết mình đã vượt ra ngoài khuôn khổ, Nguyễn nói:

- Em có biết không, nơi này là đất tôi tá túc khá lâu trước khi lên đường báo thù cha, đền nợ nước.

- Em biết.

- Tây Hồ thuở ấy còn rậm rạp như rừng, đâu có đẹp như bây giờ. Bãi đất vừa hừng, cuộc chiến vừa dứt. Trận đánh năm cũ còn để lại xương khô trên cát. Đi dọc một vùng bãi chỉ thấy hoa đỏ chói chang.

Lộ cắt ngang:

- Em nghe nói, khi mới về đây, hoa gạo cũng còn nhiều lắm. Cha em từng có một bài thơ về hoa gạo khá hay.

- Em đọc đi cho tôi nghe xem nào!

- Tán đỏ vương đầy tiếng ríu ran,
Chim đồng vui đón nắng trời ban,
Một đời xiêu vẹo thân trường ốc,
Thì lấy hoa cây làm lọng, tàn…

Nguyễn Trãi thốt lên:

- Bài thơ hay quá! Phụ thân của nàng cứ thi trượt mãi là phải! Còn nàng, nàng có làm thơ không?

- Thiếp thích văn của Tư Mã Thiên, ưa đọc Đông Chu liệt quốc, nhưng cũng tức khí mấy ông đồ, nên cũng làm một đôi bài. Thưa tướng công, thiếp có họa lại bài thơ của cha thiếp!

- Nàng đọc ta nghe đi.

Thị Lộ chậm rãi đọc:

- Cột tre bốn phía mọt ran ran
Lầm tưởng tiêu thuyền, nhã nhạc ban,
Chữ nghĩa cao siêu, cơm lại hẩm
Mực đen giấy trắng có chi tàn!

Nguyễn Trãi cười vang gật gù tán thưởng. Ông mê đắm nàng mất rồi. Nàng đẹp quá lại tài hoa nữa. Ông đùa:

- Nàng có số tử vi không?

- Em tuổi thìn.

- Gì thìn?

- Mậu thìn!

Nguyễn Trãi khẽ lẩm nhẩm nghĩ: Đàn bà quốc ấn cư mệnh, lại có Phá quân. Số dữ lắm, đáo để lắm! Nhưng nàng đẹp quá!

Nguyễn nói:

- Nàng thấy tôi thế nào?

- Tướng công vẫn phong độ lắm!

- Thật không?

- Kìa tướng công uống rượu đi, để em rót thêm chén nữa!

- Đừng gọi ta như thế. Nàng có gọi thân mật hơn được nữa không?

Và Nguyễn cầm lấy tay nàng. Ông hồi hộp nói:

- Em ơi, không phải ngẫu nhiên ta ăn mặc thế này đến đây đâu! Từ hôm gặp em lần đầu, ta bàng hoàng suốt mấy đêm. Chợp mắt là lại thấy cái thềm này, cái vườn này, thấy em ở giữa cái đám con nhà sang ăn chơi hoang toàng. Em khác biệt lắm! Em lạ lắm! Hình như ta có một chút duyên kiếp với em… Thú thật, bao nhiêu người đẹp, ta có thể thích người này, thích người kia. Người này có sắc, nhưng lại đần độn quá. Người kia thông minh, song lại kiêu kỳ quá… Còn ở nàng…

- Tướng công tưởng là em thùy mị lắm sao?

- Con gái thùy mị đã nhiều rồi! Ta thích một người khiến khi buồn ta có thể trút hết nỗi niềm, khi vui ta có thể sẻ chia những điều riêng ta mới hái lượm được. Một câu thơ hay ta đọc được buổi sớm, một câu nói đẹp ta nhặt được miệng một kẻ lam lũ bên đường, ta đều muốn đem về khoe người ấy. Ta đi tìm cả đời, chưa thấy ai? Đến bây giờ, mới được gặp nàng. Ta muốn được bên nàng mãi mãi! Nàng nghĩ thế nào?

Thị Lộ hơi bất ngờ, nhưng lòng cũng đầy xúc động. Nàng nói tiếp:

- Nhà thiếp nghèo hèn, tướng công lại là người cao vọng, không biết thiếp có xứng đáng không? Vả lại, người quyết định số phận của thiếp lại chính là cha thiếp. Nhỡ ông không ưng thì sao.

Nguyễn Trãi bồn chồn ra mặt. Ông nắm tay Thị Lộ, tưởng không bao giờ bỏ ra nữa!

- Nếu em có thương thì việc gì chẳng xong. Trăm sự tùy thuộc ở em… Em thương ta là được… Ta rất biết ơn em, nếu như em quyết về ở với ta…

Thị Lộ khẽ kéo tay nói:

- Tướng công vội vàng quá chăng? Chẳng lẽ, tướng công không nghĩ đến những lời dị nghị ở triều đình…

- Ta không hề nghĩ đến những chuyện đó… Điều ta sợ nhất là em không ưng, không yêu ta… chứ nếu, em đã thuận, thì ta chẳng ngại ngần chi cả! Ta chỉ ngại!

- Tướng công ngại điều gì?

- Ta ngại, em cho ta cưới em về làm thiếp, không được làm ngôi chính. Nhưng em thương ta là được. Có em là ta có tất cả. Chuyện đời là một việc, chuyện tình là một việc, phải không em!

Thị Lộ cảm động lắm, nhưng nàng khẽ trả lời:

- Việc này, thiếp không lường được trước. Mà tướng công thì lại đoan quyết quá… Em xin hẹn đến một buổi sau…

Trời sắp tối, Nguyễn Trãi sợ người nhà không biết mình đi đâu, vội cáo biệt xin về…

Thị Lộ đưa tiễn ra ngoài cổng. Nguyễn Trãi còn nói:

- Nàng nghĩ kỹ nhé, nghĩ kỹ cho ta nhé!

Thị Lộ khẽ gật đầu, Nguyễn Trãi vui vẻ về nhà. Những bước chân bước vội. Hoàng hôn Tây Hồ kỳ ảo sập xuống, chỗ sáng, chỗ tối, nơi gió lộng, nơi cây lá đung đưa. Những vệt nước sáng. Những dải tre thẫm xanh… Những tán bàng rậm rạp. Nguyễn đi. Cây cỏ thiên nhiên như chia vui cùng với Nguyễn. Nguyễn hồi hộp, lo lắng, hạnh phúc. Nguyễn cảm thấy như mình trở lại buổi thiếu thời.