Chặng Đường Mười Nghìn Ngày - Chương 16

Chương 16

Bước ngoặt quyết định đã đến!

Đó là ngày 27/1/1973, Hiệp định Paris về Việt Nam được chính thức ký kết tại Paris.

Đây là kết quả của cuộc đấu tranh phối hợp nhịp nhàng giữa ba mặt trận chính trị, quân sự, ngoại giao do Đảng ta khởi xướng và chỉ đạo thực hiện một cách đầy bản lĩnh, thông minh và sáng tạo.

Cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng vũ trang chúng tôi từ lâu đã ý thức được rằng, chỉ có thắng lợi trên chiến trường mới có thắng lợi trên bàn hội nghị. Và chỉ có lực lượng quân sự mạnh, luôn luôn mài sắc ý chí cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu thì hiệp định mới được thực thi.

Những ngày cuối tháng 1 năm 1973, trước khi Hiệp định Paris được ký kết, không khí trong sở chỉ huy càng nhộp nhịp, khẩn trương. Trên chỉ thị hướng dẫn dưới, dưới báo cáo xin ý kiến trên, không phải hàng ngày mà hàng giờ nhằm thực hiện các cuộc chuyển quân rầm rộ mà yên lặng, khẩn trương mà đĩnh đạc không khác gì các cuộc chuyển quân đầy sôi động trong giai đoạn đầu và cuối chiến dịch Nguyễn Huệ nhằm thực hiện “kế hoạch thời cơ” chống lại có hiệu quả âm mưu “tràn ngập lãnh thổ” của chính quyền Nguyễn Văn Thiệu. Cho đến tám giờ ngày 28/1/1973, trên toàn miền Nam ta lại có thêm thắng lợi mới, làm chủ thêm được 586 ấp, 24 xã, 28 vạn dân, diệt và bức rút 106 đồn bốt.

Đêm 27 rạng 28/1/1973, không khí trong các đơn vị vũ trang, từ sở chỉ huy đến các phân đội, giống như đêm giao thừa của ngày Tết cổ truyền. Gần như tất cả mọi người đều thức, thức trong niềm vui náo nức đợi chờ giây phút Hiệp định Paris có hiệu lực để mang những lá cờ cách mạng cắm lên phần đất mà mình đã đổ máu trong nhiều năm mới giành được vào lúc không giờ ngày 28/1/1973 lịch sử.

Sáng mai, chỉ sáng mai thôi khi mặt trời hửng lên ở phía chân trời là những lá cờ màu đỏ chiến đấu và chiến thắng cũng hiện lên rực rỡ. Thật sung sướng và xúc động đến muốn khóc về cái giây phút thiêng liêng nói lên bao ý nghĩa.

30/1/1973, ba ngày sau khi Hiệp định Paris có hiệu lực, trên thực tế toàn miền Nam tiếng súng chiến tranh đã cơ bản ngừng nổ. Tôi và một số cán bộ tham mưu, chính trị, hậu cần tranh thủ xuống các đơn vị để vừa kiểm tra phương án tác chiến mới đề phòng địch phản trắc, vừa quan sát thế trận mới lập chỉ trong một đêm đã hoàn thành. Đó là thế trận “da báo” đan xen được phân ranh bằng những hàng cờ tưởng như thế trận được kể trong các chuyện Tàu thời xa xưa, hai bên giao chiến bằng cung tên giáo mác. Trận địa bên địch là những cây cờ màu vàng úa với ba sọc đỏ chạy dọc thân cờ; còn trận địa bên ta lá cờ Mặt trận dân tộc giải phóng nửa đỏ nửa xanh, giữa có ngôi sao vàng, có nơi lá cờ Tổ quốc nền đỏ sao vàng xuất hiện từ Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phần phật tung bay trước gió sớm ban mai, cái màu đỏ hồng ấy ở thật xa vẫn nhìn rõ.

Vào những ngày này đi trên các khu vực đóng quân giữ chốt của các đơn vị từ Lộc Ninh theo đường 13 xuống quanh vùng thị xã An Lộc, thị trấn Chơn Thành, qua Rạch Bắp, đường Bảy Ngang, qua sông Bé sang đường 14 giáp chiến khu Đ đều bắt gặp không khí vui mừng chiến thắng. Một số nơi cảnh sống yên bình, vừa có lực lượng sẵn sàng chiến đấu, vừa dành một phần lực lượng để xây dựng nhà cửa, tăng gia sản xuất ổn định cuộc sống, tiến hành củng cố, huấn luyện quân sự phục vụ nhiệm vụ mới. Một số đơn vị như trung đoàn 141, Trung đoàn 209 tiến hành xây dựng doanh trại tuy chỉ là dã chiến bằng vật liệu tranh tre nứa lá tại chỗ nhưng rất khang trang, theo quy định thống nhất: nhà tám cột, bốn mái, đường rộng một đến hai mét. Mỗi đại đội có đủ sáu công trình vệ sinh theo tiêu chuẩn của quân y; đồng thời còn có cả thao trường để luyện tập chiến thuật, kỹ thuật nâng cao trình độ quân sự, chất lượng chiến đấu ở Bầu Trư (trên đường 14), Thăn Rớt, Bầu Bàng (trên dường 13) anh em còn xây dựng các ngôi nhà “văn hóa thông tin” làm nơi sinh hoạt tinh thần vui chơi giải trí nội bộ đã gây sự tò mò đến háo hức đối với bà con cô bác quanh vùng, kể cả binh sĩ địch đóng chốt gần đó. Ta mời bà con vào thăm, chỉ là những ngôi nhà tre nứa bình thường nhưng xinh xắn, bên trong là những bức ảnh, những tranh vẽ của các chiến sĩ tự “sáng tác” diễn tả cảnh chiến đấu, sinh hoạt của đơn vị, mối quan hệ quân dân đã gây sự chăm chú theo dõi của đồng bào. Anh em còn tổ chức chiếu phim tài liệu: Chúng con nhớ Bác, Một ngày Hà Nội, Đường 9 - Nam Lào gây ấn tượng đẹp của nhân dân đối với Quân giải phóng. Ngay cả những binh lính, sĩ quan Sài Gòn lúc đầu qua thăm chỉ là sự hiếu kỳ, tò mò, nhưng xem rồi, đã hiểu đúng hơn về đối thủ của mình: Họ không chỉ là những người lính chiến đấu dũng cảm, mưu trí, mà còn là những người có văn hóa, có tài năng và trí thức.

Khi đến thăm những ngôi “nhà thông tin văn hoá” trên đoạn đường 13, ngoài biểu dương những việc làm tốt đẹp của các đơn vị tôi nói thêm:

- Những ngôi nhà này sẽ mở đường cho xe đò Sài Gòn - Chơn Thành qua lại, sẽ đón chào bà con trong vùng địch kiểm soát, cả ở nội đô Sài Gòn ra thăm tìm thi hài thân nhân. Ngôi nhà này chỉ chốt chặn quân địch rắp tâm phá hoại Hiệp định Paris chứ không chốt chặn tình quân dân.

Những cái giây phút hòa bình ấy đến và đi rất nhanh; vừa hé mở rồi vụt tắt cũng rất nhanh!

Bởi kẻ địch đâu có thật lòng.

Trước khi có lệnh ngừng bắn, địch đã xua quân mở cuộc tiến công chiếm Cửa Việt (Quảng Trị), mở cuộc hành quân “cắm cờ” chiếm đất ở tây Quảng Ngãi, bắc Bình Định (Khu 5), ở bắc Công Tum, Đức Cơ (Tây Nguyên), bắc Dầu Tiếng, nam Long Mỹ (Nam Bộ), vân vân.

Từ cuối năm 1972, thời gian đang bước vào giai đoạn chuẩn bị ký kết, Mỹ - ngụy Sài Gòn đề ra “Kế hoạch Hùng Vương”, xua quân chiếm đất theo “kế hoạch tràn ngập lãnh thổ” ngay trước và sau khi Hiệp định Paris được ký kết. Trong thời gian hai tháng từ 28/1 đến 28/3/1973, “chính quyền Sài Gòn đã vi phạm Hiệp định Paris hơn bảy vạn lần, bao gồm 19.770 cuộc hành quân lấn chiếm, 2.300 vụ bắn pháo, 3.375 vụ ném bom bắn phá bằng máy bay vào vùng giải phóng và 21.075 cuộc hành quân cảnh sát trong vùng chúng kiểm soát”(1). Vì vậy cũng trong thời gian này, tại Thừa Thiên, Khu 5, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và miền Trung Nam Bộ ta đã mất hầu hết những vùng mới giải phóng trước ngày 281/1973(2).

(1) Thông báo của Ủy ban tố cáo tội ác chiến tranh Việt Nam ra ngày 6/4/1973.

(2) Tính đến giữa năm 1973, ở Khu 5 ta mất 26 vạn dân, 45 xã, 320 ấp, địch đóng thêm 200 đồn bốt, Khu 6 và Khu 7 ta mất 308 ấp với 29 vạn dân. Khu 8 mất 28 xã với 120 ấp, 10 vạn dân, địch đóng thêm 287 đồn bốt, Khu 9 chỉ còn gần 36 vạn dân được giải phóng.

Riêng ở khu vực miền Đông Nam Bộ, các Sư đoàn 7, Sư đoàn 9 và các đơn vị trực thuộc khác của Bộ chỉ huy Miền đã liên tục chiến đấu chống địch lấn chiếm. Tình hình trở nên nghiêm trọng và căng thẳng, thế trận “da báo” bị đe dọa, địch trắng trợn vi phạm Hiệp định, thực hiện kế hoạch bốn không(3). Khối chủ lực miền Đông Nam Bộ phải điều chỉnh lại thế bố trí, không chỉ làm nhiệm vụ phản công đánh địch lấn chiếm mà còn chuyển sang tiến công mở rộng vùng giải phóng, giữ vững vùng “da báo”, tạo thế tạo lực phục vụ yêu cầu giai đoạn chiến lược mới của cách mạng mà Bộ chỉ huy Miền đã chỉ thị.

(3) - Không liên hiệp.

- Không thương lượng với đối phương.

- Không có hoạt động của cộng sản hoặc lực lượng đối lập trong nước.

- Không để lọt vào tay đối phương bất cứ lãnh thổ nào, tiền đồn nào do quân đội Việt Nam Cộng Hòa chiếm giữ.

Để làm được nhiệm vụ này, chúng tôi điều chỉnh lại thế trận. Toàn bộ Sư đoàn 9 áp sát xuống vùng trung tuyến tây bắc Sài Gòn, tây đường 13 (từ Bầu Bàng đến Bến Cát), khu vực đường Bảy Ngang, phía bắc thị trấn Dầu Tiếng. Sư đoàn 7 chuyển sang đông đường 13 và đường 14 nhằm củng cố vững chắc thế chiến lược và tạo điều kiện xây dựng phát triển lực lượng, phạm vi hoạt động từ đông đường 13 sang chiến khu Đ; từ đông bắc Bình Dương đến bắc Biên Hòa.

Thế đứng này vừa bảo vệ vùng giải phóng vừa sẵn sàng tiến công mở rộng vùng giải phóng, thuận tiện cho việc tổ chức đánh cả vào những nơi xuất phát vi phạm Hiệp định của địch như sân bay và các hậu cứ hành quân của chúng.

Nhưng dựa vào Mỹ tăng viện trợ(4), ngụy quyền Sài Gòn huy động 65% quân chủ lực và toàn bộ lực lượng vũ trang địa phương mở hàng chục vạn cuộc hành quân lớn nhỏ trên toàn chiến trường miền Nam. Riêng ở chiến trường Nam Bộ, trọng điểm đánh phá của địch là đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh quanh Sài Gòn. Từ cuối tháng 1 đến đầu tháng 3 năm 1973 ở đồng bằng sông Cửu Long, địch phân tán quân chủ lực kết hợp với bảo an dân vệ thực hiện lấn chiếm, cắm cờ, giành đất hết sức quyết liệt ở Cai Lậy, Cái Bè (Mỹ Tho) Tân Châu, Hồng Ngự (Kiến Phong), Châu Đốc, Chương Thiện, Phong Dinh, Ba Xuyên thuộc miền Tây Nam Bộ, địch tranh chấp quyết liệt với ta ở Long An, Hậu Nghĩa, Bình Dương, Gia Định, Biên Hòa.

(4) Trước khi rút quân, Mỹ đã đưa vào miền Nam gần 700 máy bay các loại, 500 khẩu pháo, 400 xe tăng - thiết giáp và rất nhiều tàu chiến, dự kiến đưa thêm một số lớn binh khí kỹ thuật, tăng dự trữ vật tư chiến tranh của quân nguy lên mức tương đối cao, gần hai triệu tấn.

Chúng dùng chủ lực, có cả không quân yểm trợ, đánh mạnh khu tiếp giáp vùng giải phóng thuộc Phước Vĩnh, Đồng Xoài, Lộc Tấn (Bình Long), Xa Mát (Tây Ninh); dùng biệt kích và bảo an chốt khu vực Bu Prăng và ngã ba Tuy Đức hòng chặn hành lang vận chuyển Bắc - Nam của ta.

Thực tế đã chứng tỏ: do hành động của địch công khai trắng trợn phá hoại hiệp định ngay từ đầu, nên chiến trường vẫn chưa im tiếng súng.