Mật mã tâm linh - Chương 1 - Phần 5

Một người ngay cả một lần tự sát cũng chưa hề nghĩ đến, điều này rất hiếm

Tôi tin rằng mọi người đều đã từng nghĩ đến chuyện tự sát, ví dụ như tôi đây. Tôi không cảm thấy chuyện này có gì kỳ lạ cả, trong cuộc đời mỗi người có thể đều có giây phút này, chúng ta đều suy nghĩ cuộc sống hiện tại xem nó có đáng để tiếp tục sống hay không. Tần số nó xuất hiện còn nhiều hơn chúng ta nghĩ. Rất nhiều người thường nghĩ liệu sáng ngày mai mình có nên thức dậy hay không? Có cần phải đối diện cuộc sống quá phức tạp này nữa không? Có cần phải tiếp tục thứ tình cảm giả mạo này không?

Có một lần, ti vi và đài truyền hình phỏng vấn tôi, họ thường hỏi tôi: Nghe nói khi còn trẻ, bà ở Tây Tạng đã từng nghĩ đến việc tự sát?

Tôi nói, đúng thế. Tôi đã từng suy nghĩ chuyện này rất nghiêm túc.

Người dẫn chương trình nói, bà có thể nói một cách cụ thể được không?

Tôi nói, lần này tôi không nói nữa, bởi vì tôi đã nói ở chương trình khác rồi. Người dẫn chương trình nói, câu chuyện này rất quan trọng. Ngay cả một người như bà cũng đã từng nghĩ đến chuyện đó vậy thì những người nghĩ đến chuyện này chắc chắn là nhiều lắm. Thế nhưng mọi người thường không muốn nói ra.

Tôi chỉ còn cách nói lại một lần nữa. Mọi người đều nói Tây Tạng là vùng đất có liên quan đến ma quỷ, linh hồn, còn tôi thì thấy Tây Tạng có liên quan đến tự sát.

Sau khi phỏng vấn xong người dẫn chương trình nói với tôi, bản thân cô ấy cũng từng nghĩ đến chuyện tự sát, thế nhưng cô ấy không có dũng cảm để nói với người khác.

Tôi nghĩ ngay cả một lần tự sát cũng chưa hề nghĩ đến thì chuyện này quả là hiếm. Tự sát thực ra là một sự chạy trốn và thụt lùi một cách tiêu cực. Bởi vì không có cách nào chạy trốn nữa cho nên cuối cùng đã quyết định từ bỏ cuộc sống và sinh mệnh này.

Khi tôi còn trẻ, tôi đã rất nhiều lần nghĩ đến chuyện tự sát. Thậm chí tôi đã từng cảm thấy đó như là một bảo bối cuối cùng. Bởi vì có bảo bối đó tôi không còn sợ hãi sự tàn khốc của cuộc sống nữa. Bây giờ tôi rất ít khi nghĩ đến chuyện tự sát bởi vì càng ngày tôi càng cảm thấy cuộc sống đáng quý, tôi phải sống cho thật tốt. Cho dù là đau khổ và bi thảm cũng chứng minh rằng cuộc sống vẫn luôn nhạy cảm và linh hoạt như thế.

Tôi đã từng tiếp xúc với nhiều người đã từng nghĩ đến chuyện tự sát. Trong đó có người đã từng chờ đợi “cứu thế” để hủy diệt sinh mệnh của mình, ấp ủ hy vọng đầu thai, tưởng rằng từ bỏ cuộc sống và hạnh phúc của mình là có thể đảm bảo và cứu được nhiều người khác, thử dùng sự hủy hoại chính bản thân mình để mang lại bình an hạnh phúc cho người khác. Tất cả đều là những chuyện không hề thực tế.

Người tự sát thật sự rất đáng thương. Thế nhưng xét cho cùng ngoài việc tự làm hại bản thân mình ra, còn có rất nhiều người khác hy vọng dùng cái chết của mình để cảnh báo người khác, để cứu vớt một sự việc nào đó. Chúng ta đương nhiên không có yêu cầu quá nhiều đối với người chết thế nhưng cái chết mà không đạt được mục đích thì quá dễ dàng dàng nhận thấy. Nếu bạn chắc chắn rằng không thể chịu được những nỗi khó khăn trong cuộc sống, bạn lựa chọn cái chết, đó là tự do của bạn. Thế nhưng nếu bạn muốn dùng cái chết của bạn để đạt được mục đích nào đó thì ngay cả lúc trước khi chết bạn vẫn sống trong cuộc sống mơ hồ.

Bạn muốn đạt được một mục đích nào đó thì chỉ có cách dựa vào sự phấn đấu của bản thân. Bạn muốn dùng cái chết để gợi ý cho người khác nỗ lực vì lý tưởng của bạn, đó là một cách làm ngu xuẩn và lười biếng. Không được để bản thân mình bất lực đối diện với cuộc sống, không nên gắn chặt với người khác, đó mãi là một sự mơ hồ, không đúng đắn.

Trong thế giới ồn ào luôn sống cùng với sự cô đơn

Thường thường là trong lòng rất cô đơn thế nhưng khi nói ra ngoài miệng luôn là sự ồn ào. Cái thế giới này đã đủ ồn ào, náo nhiệt rồi, bây giờ điều cần thiết chỉ là yên tĩnh để đối diện với nội tâm mà thôi.

Những người cần sự nhận định của người khác mới cảm thấy mình đang sống là những người luôn chạy trốn sự cô đơn. Tiết kiệm thời gian để làm gìư Chỉ còn cách dùng cách khác để giết thời gian mà thôi.

Cô đơn tồn tại một cách nhẹ nhàng, tự nhiên. Đừng nên khiêu chiến với nó, cũng đừng tìm cách chạy trốn nó mà nên học cách sống chung với nó.

Hội họp luôn khiến tôi cảm thấy cô đơn, cô đơn trong khi mọi người luôn ồn ào. Tôi không thích nhiều hội trường nơi họp, ở nơi đó không nghe được tiếng lòng của mình, những lời khách sáo nhiều quá. Có nhiều lời nói giống như gió thổi qua bên tai, chẳng để lại bất cứ ấn tượng gì cả.

Có thể tuổi trẻ của tôi là đi lính ở Tây Tạng, doanh trại nằm trên cao nguyên cao hơn mực nước biển năm nghìn mét, áp suất không khí chỉ bằng một nửa so với mặt biển cho nên cảm giác thiếu ô xi rất rõ ràng. Trong hội trường quá nhiều người làm tôi cảm thấy thiếu ô xi, dường như cảm giác gian nan, vất vả nơi cao nguyên tuyết lại trở lại khiến tôi cảm thấy rất mệt mỏi.

Trong lúc ấy tôi sẽ đi ra ngoài hội trường để đến chỗ nào đó hít thở không khí trong lành. Tôi cũng không dám ở ngoài quá lâu, tôi sợ người ta nói rằng tôi không tôn trọng người đang phát biểu.

Tôi biết nhiều lúc lời khách sáo là cần thiết, tất yếu, là chất bôi trơn cho quan hệ xã hội và quan hệ giao tiếp. Chất bôi trơn này không rẻ chút nào, bạn phải dùng thời gian để mua nó, được coi là xa xỉ phẩm.

Tôi là một người coi thời gian rất đáng quý cho nên thực sự không dám lãng phí, cho nên tôi chấp nhận cô đơn.

Đặc điểm của “Quyết định” là lý tính

Cho dù tôi đã già như thế này rồi, khi tôi tham gia vào lĩnh vực và đám đông không quen thuộc, khi tôi phải đưa ra quyết định từ trước đến giờ chưa từng có, thì tôi vẫn cảm thấy một cảm giác bất an mạnh mẽ.

Tim đập rất nhanh, trong cổ họng có cảm giác mặn mặn, dường như có cảm giác máu tươi đã dồn lên đến đó... Phản ứng này rất giống với phản ứng cơ thể của tôi khi tôi trèo trên đỉnh núi tuyết cao hơn mặt nước biển năm nghìn mét. Tôi rất muốn chạy trốn, tôi muốn tìm ra một lý do nào đó đường hoàng, cố gắng che dấu đi ý muốn chạy trốn của mình.

Có điều, tôi biết đó là một loại quán tính, tôi có thể hiểu được cảm giác không phù hợp của cơ thể mình, đó là cơ thể dựa vào cảm giác không thoải mái này để nhắc nhở tôi thận trọng quyết định. Tôi sẽ dựa vào cảm xúc của mình để suy nghĩ trên lập trường của mình. Đến lúc cần phải đưa ra quyết định tôi sẽ vượt qua rào cản cảm giác này và điềm tĩnh bước về phía trước.

Quyết định là con đường nhỏ giữa hành động và ý nguyện. Con người một khi cảm nhận được nguyện vọng thì sẽ phải đối mặt quyết định hoặc là lựa chọn. Có người cho rằng có thể mượn cớ kéo dài thời gian để trốn tránh quyết định, chờ đợi hoàn cảnh hoặc người khác quyết định. Có người không có cách nào quyết định được có nên chấm dứt quan hệ hay không, cho nên họ dùng cách lạnh lùng để ép người khác đưa ra quyết định. Cách đưa ra quyết định theo kiểu tiêu cực này sẽ khiến cho bản thân mình coi thường chính bản thân mình.

Đặc điểm của quyết định là lý tính. Hậu quả của quyết định sẽ bước vào mối quan hệ sinh tồn của bạn, bạn phải dự trù xem quyết định sẽ mang lại điều gì. Có người quyết định chỉ dựa vào cơ duyên và trực giác. Thế nhưng chỉ dựa vào cơ duyên và trực giác thì không đủ mà phải có sự tham gia của lý tính.

Có nhiều người không thể đưa ra quyết định quan trọng để thay đổi bản thân mình, là bởi vì trong tiềm thức của họ luôn tin rằng nếu như thay đổi thì sẽ có tai họa giáng xuống. Thay đổi thực ra không nguy hiểm đến thế, tai nạn trong tưởng tượng đều là kẻ địch của ý chí, phải nhìn rõ quá trình tưởng tượng ra tai nạn, bản thân mình có thể làm cho mình cảm nhận được, những nỗi sợ hãi này thực ra là quá xa rời hiện thực, thế là nỗi sợ hãi sẽ dần dần tiêu tan.

Không xác định được cảm giác gây nên nỗi lo lắng còn đáng sợ hơn cảm giác được tạo thành từ những việc đã xảy ra. Con người có lúc muốn biến mình thành nhà khảo cổ học, tìm kiếm di chỉ của bản thân mình. Trong cuộc sống cảm giác đầu tiên nhận được đó chính là sợ hãi. Đây là một món quà từ cổ xưa, người của lúc đó nếu không biết sợ hãi thì sớm đã bị sư tử, hổ ăn thịt rồi, làm gì còn sống để đến hôm nay nói đạo lý như thế này. Con người vừa bước ra từ bụng mẹ, về cơ bản đã cảm nhận được nỗi sợ hãi, bởi vì lạ lẫm, bởi vì lạnh lẽo, bởi vì đột nhiên không có ai rằng buộc.

Ký một hiệp ước với nỗi sợ hãi: Bạn có thể tồn tại, thậm chí mãi mãi tồn tại. Thế nhưng bạn không thể chỉ đạo quyết định của tôi, mãi mãi không thể.

Trí tuệ là trung tính

Tôi yêu thích trí tuệ thuần khiết.

Trí tuệ là trung tính, được chia làm nhiều loại, có loại sạch sẽ, có loại không sạch sẽ (Có thể có người nói, trí tuệ chân chính đều có lợi cho nhân loại. ở đây tôi dùng từ trí tuệ với ý nghĩa là “sự thông minh” như trong từ điển giải thích.

Những việc xấu trên thế giới này đều do người thông minh làm.

Người quá ngốc nghếch nếu như có làm việc xấu thì cũng nhanh chóng bị người khác phát hiện, làm mà không được chu toàn, viên mãn thì sức phá hoại cũng có giới hạn. Thế nhưng hành vi xấu của người thông minh thì không giống như thế, sự giảo hoạt của bọn họ sẽ như nhổ lông cừu, thay gấm hoa, khiến cho người khác không biết đâu mà phòng bị.

IQ là do thiên phú, cuối cùng chạy đi đâu mất còn phải xem người lái nó đi đâu. Nếu không có phương hướng chính xác thì tà ác sẽ thống trị trái tim, con ngựa này sẽ càng chạy xa trên con đường tà ác, tội ác càng muôn hình vạn trạng.

Chú ngựa này không có tội, đáng tiêu diệt không phải là trí tuệ. Thượng đế năm đó không để cho con người ăn trái trí tuệ trên cây trí tuệ, đó là có dự đoán trước. Nếu nhân loại không ăn loại quả đó thì cứ sống cuộc sống ngu muội, lẽ nào sẽ giảm bớt được xung đột sao. Người ngu muội, chỉ càng tàn khốc hơn mà thôi.

Trí tuệ có sạch sẽ hay không thì nên xem nó có giúp đỡ con người tồn tại nhiều hơn hay không. Nếu như tương phản lại thì đó chính là sự thăng cấp của ngu muội rồi.

Tình cảm và lý trí đều là tài sản quý giá của chúng ta

Tình cảm là xăng dầu quyết định lý trí hoạt động, không có xăng dầu thì không có hoạt động. Thế nhưng bản thân xăng dầu lại chịu sự khống chế của người lái xe, nếu như để nó chảy lung tung thì đó không phải là động lực, mà đó là hỏa nạn và sự cháy nổ.

Về tình cảm và lý trí, xét cho cùng điều gì quan trọng hơn, chúng cứ cãi nhau trong trái tim của con người. Thực ra tình cảm và lý trí đều là tài sản quý giá của con người. Nếu nói về lịch sử thì tôi nghĩ lịch sử của tình cảm dài hơn một chút, chỉ cần có đồ vật gì đó tồn tại lâu dài thì sẽ có đạo lý kiên định không dời.

Nhân loại cần tình cảm, bạn có dám lấy một người không có tình cảm không. Bạn có dám làm việc dưới quyền một lãnh đạo không có tình cảm không. Một diễn viên không có tình cảm liệu có thể diễn được một vai diễn cảm động lòng người không? Một nhà chính trị gia không có tình cảm liệu có thể hết mình vì vạn dân không? Đáp án chính là không.

Mặt khác, không còn nghi ngờ gì nữa đó là con người không thể không có lý trí. Lý trí đưa chúng ta lên một tầng cao mới của tri thức. Để cho quyết định của chúng ta không vì tình cảm và lợi ích trước mắt, để cho ánh mắt và tấm lòng của chúng ta được mở rộng hơn nữa.

Đây chính là đôi cánh của con chim ưng dũng mãnh, không thể thiếu đi một bên. Một người quá lý trí, chắc chắn là không thể thay thế được, dường như đã biến thành người máy, không hề có nhiệt độ. Một người có tình cảm dạt dào cũng là một thiếu sót quá lớn. Nếu nghe theo tình cảm để hành động thì chúng ta rất có thể có những hành động quá kích động. Thế nhưng nếu hai thứ đó kết hợp với nhau thì bạn chính là chú chim ưng có thể cưỡi mây vượt gió.

nhất định cuốn sách này sẽ là bạn của bạn

Ở một trình độ nào đó, đối với cuốn sách chúng ta nắm trong tay quyền sinh quyền sát. Chúng ta là thượng đế của cuốn sách này, chúng ta có thể lật đến bất cứ trang nào của cuốn sách, muốn đọc thì đọc không muốn đọc có thể lật đến trang khác. Cho dù nó là sách thánh hiền hay là sách bán chạy thì chỉ cần chúng ta không thích thì chúng ta đều có thể ném chúng đi. Chỉ cần chúng ta thích là chúng ta có thể cho nó vào lãnh cung. Nếu như vẫn chưa hài lòng chúng ta có thể mang chúng bán phế phẩm, khiến cho chúng tan xương nát thịt. Nếu như vẫn còn tức giận thì bạn có thể xé từng trang từng trang một, cho chúng bay theo gió. Nếu bạn không có cách nào trút nỗi hận trong lòng bạn thì bạn có thể ném cả cuốn sách này vào thùng rác. Để cho nó làm bạn với những thứ bẩn nhất trên đời này, cả đời cũng không thể lật dậy được. Nếu như vậy vẫn chưa đủ thì bạn có thể mắng tác giả, có thể dùng lời lẽ không tốt nói họ, thậm chí bạn có thể mắng này mắng nọ…

Đọc đến đây chắc chắn có người sẽ cười to, nói, sao nữa? Một cuốn sách muốn đọc thì đọc, không muốn đọc thì thôi, đâu cần phải làm như thế.

Là tác giả cho nên với mỗi quyển sách của mình tôi đều nghĩ ra số phận của nó với muôn hình vạn trạng như trên.

Có điều, tôi không thấy tức giận, cũng không thấy chán nản, tôi vẫn tiếp tục viết. Cho dù có kết quả xấu nhất xảy ra thì việc viết về chuyện này cũng có ý nghĩa rồi. Sách không có tính phạm tội, bản chất của sách là một trang giấy viết chữ lên đó, nó rất mềm, thậm chí còn không chắn được gió.

Tôi tin rằng có một cuốn sách nhất định được cất giấu ở một nơi rất xa. Nó là bạn tâm giao của bạn, trong nó giấu một câu nói, có thể sẽ thay đổi cả đời bạn.

Về tác dụng kỳ diệu của sách, người xưa tâm đắc: đọc sách có thể có được nào là lầu son gác tía, mỹ nhân như ngọc, bổng lộc suốt đời… phân tích kỹ càng thì chủ yếu là giải quyết vấn đề ăn uống và tình dục, về phương diện tinh thần dường như chưa có sự chỉ đạo rõ ràng. Thực ra, ma lực lớn nhất của cuốn sách đó là sẽ có thể thay đổi thế giới tinh thần của chúng ta, ảnh hưởng đến hành vi của chúng ta, cuối cùng thậm chí sẽ thay đổi cả quỹ đạo cuộc sống của bạn.

Tại sao một trang sách mỏng như thế mà lại có thể dễ dàng thay đổi chúng ta. Tôi nghĩ ngoài những nguyên nhân mà mọi người đề cập đến có thể vẫn còn một số vấn đề sau đây.

Bạn không quen biết tác giả. Bạn không có tinh thần cảnh giác với cuốn sách. Khi tiếp nhận lý luận tôi nghĩ nếu quá kính trọng hoặc quá ngỗ nghịch đều không phải là việc hay. Nếu quá kính trọng thì giống như bị ngăn cách bởi một đường hào. Địa vị của hai bên ngang ngang nhau, không có tính so sánh dễ làm cho người ta có cảm giác gần mà như xa xôi. Nếu cảm thấy tính so sánh khác nhau quá thì lại có cảm giác phù hợp với anh nhưng không chắc đã phù hợp với tôi, thậm chí còn khẳng định không phù hợp với tôi, sự kính trọng lúc này đã dẫn đến một hướng khác. Nếu như quá ngỗ nghịch thì lời ai nói nghe cũng không vào, ngăn kéo của linh hồn đã nhét chặt rồi, không còn chỗ trống để nhét thêm một trang giấy A4 nào nữa.

Chỉ có khi chúng ta không để ý đến, tất cả những cảnh giới đều buông xuôi hết, nhàn nhã, yên tâm lật từng trang sách, các tế bào bôi trơn im lặng thay đổi mọi thứ. Bạn giao lưu theo phương thức này sẽ làm cho bạn thanh thản hơn rất nhiều.

Con người khi thanh thản, thả lỏng thì tiềm thức (ý thức ngầm) của con người sẽ giống như một con cá bơi trong bể nước, nó vui vẻ bơi đi khắp nơi. Phần lớn cuộc sống của mọi người đều chịu sự khống chế của tiềm thức. Tiềm thức là một thứ rất đặc biệt, nhiều lúc nó còn khỏe mạnh hơn cả ý thức của chúng ta. Nó lương thiện, thông minh, nó không khư khư giữ cái cũ, không tự khép mình, thậm chí còn không hề tự ti. Nó có khả năng phân biệt xem thứ gì tốt cho cơ thể, thứ gì không tốt và có độc cho cơ thể.

Mỗi câu nói trong sách, khi bạn không để ý nó dễ dàng va chạm với tiềm thức của bạn, đó chính là một giây phút kỳ diệu. Có một số thay đổi mà bạn chưa hề ý thức đến đang được sinh ra trong nháy mắt. Tốc độ rất nhanh, còn thần tốc hơn cả Bolt(3)trong cuộc thi chạy một trăm mét.

Trong sức mạnh thay đổi cuộc sống người khác, bạn xuất hiện theo cách mà người khác không hề cảm nhận thấy, đó chính là sức ảnh hưởng. Xuất hiện theo cách dễ thấy, đó là quyền lực. Còn sức mạnh của sách thì sao, dường như không phải sức ảnh hưởng và quyền lực, mà chính là sự hỗn hợp của bạn với câu chữ trong sách.

(3) Bolt tên đầy đủ là Usain St Leo Bolt, sinh 21/8/1986 quốc tịch Jamaica, là người giữ kỷ lục thế giới chạy 100m và 200m, tại thế vận hội Olympic Bắc Kinh anh đã lập kỷ lục mới là 9.69s chạy 100m.

Sách làm cho chúng ta không thấy lạ lẫm

Cách nghĩ và cảm nhận của chúng ta trong một thời gian dài, trong một giây phút nào đó của một ngày nào đó bị một người hoàn toàn lạ lẫm phá ngang, chúng ta sẽ vì thế mà ngạc nhiên một hồi lâu thậm chí cả đời.

Tôi thường xuyên vừa ngạc nhiên vừa cảm thấy thân thiết khi nhìn một người lạ, bởi vì anh ấy hoặc cô ấy, nói ra một suy nghĩ mà tôi chôn dấu ở một nơi rất sâu trong lòng, tôi cứ nghĩ đó là bảo bối của riêng tôi nhưng không ngờ nó lại an nhàn ngồi ở nhà của một người lạ lâu đến như thế.

Một cuốn sách đó chính là một vườn rau của suy nghĩ. Giống như lão nông dân sau khi trồng cà chua và củ cải, ông ấy cũng không biết là chúng sẽ đi đến phương nào. Ông hái chúng, cầm vào thân cây còn nóng hổi của chúng - thân cây chứa đầy ánh nắng ấm của mặt trời và sự chăm sóc của lão nông, giống như pháo hoa được bắn ra khi chạm vào nó. Cho dù là cao thủ tài giỏi đến mấy cũng không thể biết được pháo hoa sẽ bắn ra hướng nào trên bầu trời. Bạn chỉ có thể đoán được đại ý mà thôi, còn pháo hoa cũng có chủ ý của riêng mình.

Sách cũng như thế, mỗi cuốn sách đều có vận mệnh đặc biệt, nó còn đi xa hơn cả tác giả. Nó đi qua các con phố, các ngõ nhỏ, bước vào cửa hàng trăm nghìn ngôi nhà. Nó còn nằm dưới gối của các cô gái xinh đẹp, gấp dở trên đầu gối của người già, khiến cho tác giả cũng phải ghen tị.

Hình dáng mỗi quyển sách đều giống nhau. Xét về góc độ nào đó thì còn giống hơn cả anh chị em song sinh cùng trứng. Thế nhưng vận may của chúng hoàn toàn khác nhau. Có cuốn thì được coi như khách quý, có cuốn thì lưu lạc đến góc bếp nhà tranh, có cuốn sách còn vương nước mắt trên trang, có cuốn bị trẻ con xé gấp máy bay rồi vào thùng rác…

Tôi tự nói với bản thân mình phải học tập sách. Bọn chúng được yêu thích cũng không có gì lạ. Cho dù là tốt hay xấu như thế nào, một chữ cũng không thay đổi, vẫn là gương mặt trắng và dòng chữ đen, đơn điệu và bình thản.

Tác dụng của sách đó là liên kết những người không quen lại với nhau, làm cho chúng ta không còn lạ lẫm nữa.