Mật mã tâm linh - Chương 2 - Phần 6

Không có răng của loài động vật nào trắng cả

Nghe nói có một cách nói vui là: Răng là đóa hoa của thận.

Răng có kiên cố hay không đều phản ánh qua tình hình sức khỏe của một con người, điều này luôn luôn đúng. Có điều, liên quan đến màu sắc răng của con người còn có một câu chuyện nhỏ.

Năm đó khi tôi thực tập ở một bệnh viện, tôi sợ nhất là khoa nha. Nỗi sợ hãi này chắc là do từ nhỏ tôi đã sợ khi chữa bệnh răng. Cửa khoa nha cứ mở là tôi lại nghe thấy tiếng chuông cửa từ địa ngục. Tôi có một lỗi thế này đó chính là không muốn thấy người khác chịu khổ, dường như cảm giác sự đau khổ ấy xảy ra với mình vậy. Đó là một điều đại kỵ với bác sĩ, bác sĩ nên “đoạn tuyệt” như thế. Đau người khác đau bản thân mình không đau, thế mới có đầu óc tỉnh táo và tinh thần để chẩn đoán cho bệnh nhân. Cảm giác của tôi quá nhạy bén nên khi nhìn thấy bệnh nhân chảy máu thì huyết quản của mình cũng dâng lên, cảm giác có sự co giật nhẹ nhẹ.

Được rồi, tiếp tục nói chuyện răng.

Tôi lấy hết dũng cảm để đến khoa nha, thấy từng hàng từng hàng răng nhựa. Tôi nói những cái răng này sẽ được đưa vào miệng bệnh nhân sao?

Bác sĩ nha khoa nhìn tôi nói: “Những chiếc răng này chỉ là mô hình. Chúng tôi sẽ cho bệnh nhân đeo thử mô hình răng này, sau đó xem chiếc nào phù hợp rồi mới gia công thêm một bước nữa. Người bệnh lại phải tiếp tục đeo thử, nếu hoàn toàn phù hợp rồi thì lúc đó một chiếc răng giả mới hoàn toàn được lắp vào đó. (Hiện nay kỹ thuật trồng răng đã có sự thay đổi rõ ràng, năm đó ở biên cương quân đội dùng phương pháp trồng răng kiểu này).

Tôi nói, vậy tôi làm trợ lý cho bác sĩ nhé, tôi giúp bệnh nhân trồng răng.

Đó là sự giảo hoạt của nữ thực tập sinh rất trẻ vào năm đó. Đợi ở phòng trồng răng, không nghe thấy nhiều tiếng chói tai. Vượt qua được cửa đầu tiên lòng cũng yên ổn hơn một chút. Đằng nào khoa nha cũng không phải là khoa chính, khi thấy tôi như thế cô giáo cũng không nghiêm khắc yêu cầu nhiều. Bạn nghĩ xem, một bác sĩ khi ra chiến trường chiến đấu ai còn nghĩ đến việc nhổ răng với trồng răng nữa? Khoa nha là một khoa rất có triển vọng nếu ở trong thời bình, nhưng lại là một khoa hầu như im hơi lặng tiếng trong ánh sáng gươm đao.

Tôi đặt cả chiếc bàn đầy răng lên trước mặt rồi ngó nghiêng nhìn nó, giống như lão nông dân đang ngắm nhìn những hạt ngô đã chín. Sau khi các bác sĩ làm sạch miệng bệnh nhân xong sẽ gọi tôi mang một chiếc răng đến để so sánh với màu da của bệnh nhân. Bởi vì màu răng và màu da của bệnh nhân phải tương xứng với nhau, giống như kẹp tóc phải phù hợp với màu tóc. Đương nhiên nó cũng phải phù hợp với màu răng của hàng răng cũ, nếu không thì giống như giày thể thao phối với vét, tân binh gia nhập vào hàng ngũ lão binh, sẽ khiến người ta thấy buồn cười.

Có một lần, bác sĩ già muốn tôi chọn răng cho bệnh nhân. Đó là một cô văn công trẻ, bởi vì do va chạm nên một chiếc răng bị rơi nên chỉ còn cách nhờ đến răng giả. Bác sĩ đã chọn sẵn một chiếc răng cho cô ấy và để riêng ra một bên và đợi cô ấy đến thử.

Buổi tối, tôi đến phòng khám lấy đồ và nhìn thấy chiếc răng giả đó. Dưới ánh điện, chiếc răng giả như một chiếc vỏ hạt ngô màu vàng. Tôi nghĩ cô gái đó nhất định sẽ không thích chiếc răng này. Những cô gái trẻ nên có một hàm răng trắng như trân châu chứ. Tôi quyết định ngấm ngầm giúp cô ấy. Tôi lấy chiếc răng đó trả lại kho răng và chọn cho cô ấy một chiếc răng trắng khác.

Bác sĩ già không phát hiện ra điều gì bất thường, ông lấy chiếc răng tôi đã chọn, tôi im lặng đứng bên quan sát và chờ đợi giây phút cô gái trẻ ấy vui sướng.

Cuối cùng, thời gian cũng đã đến. Cô gái đến chiếc ghế nha khoa và bắt đầu ngửa cổ lên, ông bác sĩ già lấy chiếc răng và bắt đầu đưa vào trong miệng cô ấy, nói, nhai thử để xem cảm giác thế nào.

Cô gái lắc lắc đầu, há miệng, ngậm miệng để thử răng, một lát sau cô ấy nói, rất tốt, linh hoạt giống như răng của mình vậy.

Tôi nghe thấy thế cảm thấy rất vui sướng. Ông bác sĩ già đột nhiên nhíu mày, nói, không được, hôm nay cháu không thể đeo chiếc răng này được.

Cô văn công cũng cảm thấy rất ngạc nhiên và hỏi tại sao lại thế? Tối nay tôi còn phải lên sân khấu biểu diễn, tôi cuối cùng có thể cười được rồi, dạo trước tôi luôn phải ngậm miệng khi múa.

Ông bác sĩ già im lặng một hồi rồi nói chiếc răng này thật sự không phù hợp với cô.

Cô văn công nói, tại sao chứ, tôi cảm thấy rất phù hợp.

Ông bác sĩ già nói, vì nó quá trắng. Rất xin lỗi cô, có thể là do tôi bị hoa mắt, nên chọn không phù hợp. Làm lỡ công việc của cô, tôi rất xin lỗi.

Cô văn công thất vọng quay về. Tôi đứng ngây người ở đó không biết nên nói điều gì nữa. Ông bác sĩ già lấy trong kho răng ra cùng một mẫu số răng và bắt đầu mài. Ông ấy vừa mài vừa nói từ trước đến giờ tôi chưa bao giờ sai lầm như thế.

Tôi nói, xin lỗi, là do tôi đổi chiếc răng ấy cho cô ấy.

Ông bác sĩ già nói, ý tốt của cô, tôi hiểu. Thế nhưng răng của con người không bao giờ trắng như thế cả. Nói răng trắng giống như vỏ sò thực ra đó chỉ là cách hình dung thôi. Cô đừng có mà mắc lừa nhé. Răng của con người nên là bảy hạt gạo nếp và ba hạt gạo tẻ nghiền thành bột rồi trộn với nhau ra màu như thế. Loại răng trắng khiến cho con người lóa mắt ấy là do trò của quảng cáo điện ảnh thôi, cô đừng tin làm gì.

Hôm đó ông bác sĩ già không hề mắng tôi một câu nào, thế nhưng tôi nghe và nhớ từng từ một.

Trang điểm để làm gì? Tức là để làm cho đỏ thêm đỏ, ví dụ như môi; làm cho trắng thêm trắng, ví dụ như da; làm cho đen thêm đen, ví dụ như tóc; còn đối với răng tức là làm cho nó thêm sáng. Đó là sự cần thiết của thương nghiệp, là sự cần thiết của biểu diễn, bởi vì nó mượn sức hấp dẫn của ti vi để bước vào hàng ngàn hàng vạn gia đình, và nó vô tình ảnh hưởng đến sự lựa chọn của chúng ra.

Tôi hỏi ông bác sĩ già có phải là do tôi ăn quá nhiều đường, uống quá nhiều trà, thêm nữa là có người khác hút thuốc vì thế nên răng không trắng được? Những nguyên nhân đó sẽ ảnh hưởng đến độ sáng của răng. Thế nhưng răng bẩm sinh là không phải màu trắng như tuyết, nếu không tin thì cô đi nhìn răng của hổ, chó săn, cá mập… bọn chúng không ăn kẹo, không hút thuốc, cũng không uống trà, vậy tại sao răng bọn chúng không trắng như vỏ sò. Từ đó, khi tôi xem “thế giới động vật” tôi luôn đặc biệt chú ý đến răng của các loài thú. Quả nhiên không có loại động vật nào có răng là màu trắng cả.

Răng màu trắng tuyết chỉ xuất hiện trong sự tưởng tượng chế tạo của con người. Đó là âm mưu hợp tác của nhân viên trang điểm và ngành công nghiệp thuốc đánh răng. Bạn có thể chiêm ngưỡng những chiếc răng bị mài trắng, chúng là bạn của trân châu. Đừng bao giờ coi chúng là thật nhé.

Cho phép tôi nói lại lời của ông bác sĩ già một lần nữa: Răng của con người không nên trắng bóc như vậy, giống như hổ Đông Bắc trong tranh vậy. Răng của con người nên hơi vàng, giống như màu bột của bảy hạt gạo nếp trộn với ba hạt gạo tẻ.

Một bàn thức ăn cho hai mốt ngày

Có một vị bác sĩ chữa trị cho bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối thì khách đến nhà đông như trẩy hội.

Tôi nói, bệnh ung thư giai đoạn cuối về cơ bản là chuẩn bị lên trời rồi. Bao nhiêu người tìm đến nhờ vả ông, ông có bí quyết tuyệt chiêu gì chứ? Lẽ nào là có bí quyết của tổ tông để lại?

Bác sĩ nói, không có. Tôi không có bí quyết gì cả. Phương pháp chữa trị ung thư trên toàn thế giới này nhiều như thế, đều viết thành sách hết rồi. Nếu mà tôi có cách khiến họ hồi sinh thì tôi đã đoạt giải Nobel rồi.

Tôi nói, thế thì lạ thật, tại sao mọi người lại đến tìm ông chứ?

Bác sĩ tóc bạc trắng từ tốn nói với tôi, tôi chỉ cùng với những bệnh nhân ung thư ấy đi nốt cuộc hành trình cuối cùng mà thôi.

Nên nhớ là việc đi cùng này không hề dễ dàng, phải có kinh nghiệm, phải biết nên nói gì với họ, phải biết chịu từng yêu cầu một.

Người bệnh ung thư không biết lúc này nên làm thế nào, kể cả người nhà của họ cũng rất hoang mang. Con người thường dùng hai cách, hoặc là giả vờ chuyện ấy, cô biết tôi đang nói đến chuyện gì mà, chính là cái chết - cái chết cách đây rất xa, dường như nó sẽ không xảy ra vậy, có thể nói đông nói tây thế nhưng không được liên quan đến cái chết.

Điều ấy sẽ khiến cho người bệnh sắp chết cảm thấy cô đơn tột cùng. Họ biết chuyện ấy sắp xảy ra rồi, họ đã nhận được tất cả mọi sự dự báo. Thế nhưng mọi người dường như không để ý chuyện đó. Họ cũng không biết nên làm thế nào để mở chiếc khăn đáng sợ ấy ra, không biết làm thế nào để thoát được hoàn cảnh khó khăn ấy. Sau này, họ nghĩ, nếu như mọi người không nói đến chuyện này chứng tỏ mọi người không hề thích chuyện này. Họ nói, họ sắp rời khỏi cuộc sống này rồi nếu như mọi người không thích nói đến chuyện ấy vậy thì tôi cũng không nói là được. Thế là, cái chết trở thành bí mật mà ai cũng biết.

Người nhà đều nói với những người đến thăm bệnh nhân là bệnh của họ rất nghiêm trọng, có thể rời khỏi cuộc sống này ngay lập tức, thế nhưng bản thân họ lại không hề cảm nhận được. Xin mọi người, đừng làm ra vẻ mọi chuyện không sao như thế, đừng để bệnh nhân đau lòng.

Mọi người trong lòng đều biết thế nhưng không nói và cùng nhau giữ bí mật ấy cho người bệnh. Người bệnh thì không có dũng cảm để phá hoại ý tốt của mọi người, thế nên là sai rồi thêm sai, cứ giữ lời nói dối ấy ngày một lớn thêm, cho đến khi trở thành một tấm màn dày đặc. Đây là tấm màn mà người nhà họ đã vô cùng tốn công sức xây lên giữa bọn họ. Thế là người bệnh lại muốn sớm kết thúc cục diện này, bọn họ thậm chí còn muốn nhanh chóng tìm đến cái chết…

“Vậy thì, tại sao ông lại làm như thế?” Tôi hỏi.

“Đơn giản, tôi chỉ nói với họ một câu”. Bác sĩ nói.

“Một câu gì thế?” Tôi hiếu kỳ.

“Tôi chỉ nói với bọn họ là trước khi quãng thời gian cuối cùng đến, anh chị còn tâm nguyện gì không? Tôi có thể giúp mọi người làm chuyện gì? Tôi sẽ cố gắng hết sức để làm”. Ông bác sĩ trả lời.

“Đơn giản vậy sao?” Tôi càng ngạc nhiên hơn, bởi vì điều này đơn giản quá, đơn giản đến mức khiến người ta khó mà tin được.

“Chỉ có thế thôi. Nhiều người sắp chết đều kể chuyện họ muốn làm cho tôi nghe. Họ rất tin tưởng tôi mà không ngần ngại gì. Tôi không hề an ủi gì bọn họ cả, điều ấy chẳng có ý nghĩa gì. Bọn họ đều biết hết mọi thứ, họ còn biết nhiều hơn cả những người khỏe mạnh chúng ta, rõ ràng hơn cả chúng ta”.

Người sắp chết có một thứ trí tuệ thuộc về cái chết, là thứ mà những người đang tạm thời sống như chúng ta đây không so sánh được. Đối với thứ trí tuệ này bạn chỉ có cách khâm phục mà thôi. Bạn không thể vượt qua cái chết, giống như bạn không thể đứng ở chỗ cao hơn đầu mình. Bác sĩ nói, ánh mắt luôn nhìn về phía trước với vẻ đầy tôn kính, dường như nơi đó có một chùm ánh sáng chiếu từ trên trời xuống vậy.

Tôi nói: “Thế ông đã nói với người chết về tất cả những tâm nguyện của họ à?”

“Đúng thế, hầu như tất cả mọi người đều có nhiều tâm nguyện chưa thực hiện được. Tôi thậm chí vì nói với họ những điều này mà trở nên nổi tiếng đấy, bọn họ đều truyền tụng tên tôi với người khác, nói trước khi chết nhất định phải gặp tôi, có như thế thì chết mới không có gì hối tiếc”.

Tôi nói: “Có thể nói với tôi tâm nguyện cuối cùng của người sắp chết được không?”

Bác sĩ cười nhạt rồi nói: “Cô hỏi như thế chắc là cô nghĩ rằng tâm nguyện cuối cùng của người sắp chết chắc là kinh thiên động địa lắm. Thực ra hoàn toàn không phải thế. Bởi vì họ đều là người bình thường cho nên cách nghĩ của họ cũng rất bình thường, thậm chí có chút quá đơn giản, bởi vì quá đơn giản nên bọn họ có chút ngại ngùng. Chỉ là vì họ biết tôi chuyên nghiên cứu tâm lý của bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối cho nên họ nghĩ nếu nói ra tôi sẽ không cười chê bọn họ, thế nên họ mới đồng ý nói cho tôi biết mọi chuyện. Cứ như thế mà một đồn mười, mười đồn trăm, dần dần thành cái bia miệng. Thực ra tôi chỉ giúp họ hoàn thành tâm nguyện thôi, giúp họ bước nốt quãng đường cuối cùng mà không có gì hối tiếc”.

Tôi nói: “Thế nhưng bác sĩ vẫn chưa nói cho tôi biết tâm nguyện cuối cùng của họ, có phải là bảo mật không?”

“Không phải là bảo mật mà là tôi sợ làm cô thất vọng. Được thôi, tôi sẽ nói cho cô. Cô nhất định sẽ nghĩ đến tâm nguyện cuối cùng của họ có thể là đi tìm người tình đầu tiên, hoặc là nơi nào đó có thể có chuyện cổ quái gì đó. Chuyện này tôi không nói là chưa từng xảy ra thế nhưng thực sự là rất ít. Người bình thường trước khi chết thường muốn làm chuyện gì đó cụ thể thậm chí là việc rất nhỏ. Ví dụ như là xin lỗi ai đó, tìm một người bạn cùng chơi từ nhỏ, trả ai đó một khoản tiền nhỏ… tất cả đều không khó. Có thể một số người sống nghĩ rằng những việc này không đáng nhắc đến, người nhà họ cũng cảm thấy nó quá nhỏ nhặt cho nên không cần thiết phải bận tâm. Có điều, sau khi tôi nghe xong tôi đều vô cùng nghiêm túc giúp họ”.

Tôi nói: “Bác sĩ có thể cho tôi một ví dụ cụ thể được không?”

Vị bác sĩ nghĩ một hồi rồi nói: “Được, tôi vừa giúp một phụ nữ bị bệnh ung thư hoàn thành tâm nguyện cuối cùng”.

“Là tâm nguyện gì?”

“Người phụ nữ này là một đầu bếp, bệnh nặng không còn sống được bao lâu nữa. Cô ấy do biết tiếng tôi nên mới đến. Cô ấy nói với tôi, cô ấy có một tâm nguyện, cô ấy không dám nói cho ai cả, nghe nói tôi không bao giờ cười nhạo trước những tâm nguyện của họ nên cô ấy mới tìm đến tôi”.

Tôi nói: “Cô yên tâm. Hãy nói tâm nguyện của cô cho tôi, tôi sẽ cố gắng giúp cô hoàn thành nó”.

Cô ấy nói: “Từ nhỏ tôi đã học làm đầu bếp. Bây giờ tôi phải đi rồi. Tâm nguyện của tôi đó là được làm một bàn ăn nữa”.

Tôi gật đầu nói: “Điều này khó sao?”

Cô gái nói: “Rất khó. Bởi vì trị liệu lâu dài cho nên cơ quan vị giác ở lưỡi tôi hoàn toàn mất đi cảm giác rồi, căn bản không thể nếm được vị gì nữa. Cổ tay tôi tiêm quá nhiều nên các cơ co lại đã không cầm được muôi nữa. Tôi không đi được nên cũng không đi chợ được, không tự mình chọn thực phẩm được nữa. Tôi ở trong bệnh viện một thời gian dài nên rất nhanh nữa có thể từ giường bệnh mà lên thẳng thiên đường. Quanh đó lại không có nhà bếp nào. Ngoài ra, ai dám đến ăn thức ăn do một người bệnh ung thư nấu chứ? Vì thế tôi nghĩ tâm nguyện này không thể thực hiện được”.

Tôi nói với cô ấy: “Cảm ơn cô đã tin tưởng rồi. Tôi hiểu tâm nguyện của cô rồi. Để tôi thử xem”.

Mấy hôm sau tôi tìm đến chỗ cô ấy và nói tôi có thể thực hiện tâm nguyện ấy giúp cô. Gương mặt vừa xanh xao vừa gầy guộc của cô ấy vì thế mà quá kích động, cô ấy run rẩy đưa bàn tay gầy như que củi ra rồi lắp bắp nói: “Thật không?”.

Tôi nói: “Thật trăm phần trăm. Bây giờ cô chỉ cần chuẩn bị tốt thực đơn là chúng ta có thể bắt tay vào làm rồi”.

Cô ấy không tin nên hỏi lại: “Thế nhà bếp ở đâu?”

Tôi nói: “Tôi đã nói trước với nhà bếp của bệnh viện rồi, họ sẽ để cho cô một chỗ, thậm chí họ còn chuẩn bị sẵn cho cô một bộ quần áo đầu bếp màu trắng. Cô có thể dùng lúc nào cũng được. Từ bây giờ trở đi nó đã thuộc về cô rồi”.

Cô gái ấy rất vui sướng, giống như kiếm khách đoạt được một thanh bảo kiếm vậy. Hai mắt cô sáng lên. Cô ấy hỏi tiếp: “Vậy nguyên liệu và gia vị của tôi thì mua thế nào được? Cô cũng biết tôi đã không còn sức lực mà đi ra chợ nữa rồi, không bước ra khỏi cửa bệnh viện nữa”.

Tôi nói: “Tôi đã chuẩn bị cho cô một người trợ lý, hoàn toàn nghe theo sự sắp xếp của cô. Cô muốn mua loại rau, thịt nào, hoặc muốn có hương vị đặc biệt gì chỉ cần cô liệt kê ra thì cậu ấy sẽ làm theo yêu cầu của cô một cách chính xác. Cậu ấy sẽ mua mọi thứ giống như cô tự mình đi mua vậy, chắc chắn cô sẽ rất hài lòng. Nếu như cô chưa đồng ý thì cậu ấy sẽ đi mua lại cho cô, cho đến khi cô cảm thấy vừa lòng thì thôi”.

Cô gái đầu bếp vô cùng vui sướng, thế nhưng cô vẫn chưa yên tâm, cô ấy hỏi: “Tôi còn thắc mắc một điều, sức khỏe tôi bây giờ không tốt, một bàn ăn ít nhất phải có tám món, thế nhưng một lần tôi không làm được nhiều như thế, chỉ có thể làm từng món một. Như vậy có được không?”.

Tôi nói: “Đương nhiên là được. Tất cả đều phụ thuộc vào sức khỏe của cô”.

Cô gái đầu bếp nói nhiều như thế dường như đã dồn hết sức lực của mình. Cô ấy nhắm nghiền mắt lại, lâu lâu không thấy mở ra. Tôi còn nghĩ cô ấy sẽ không bao giờ mở mắt ra nữa. Tuy nhiên, tôi biết điều này sẽ không bao giờ xảy ra, tâm nguyện của cô ấy vẫn chưa hoàn thành, cô ấy không thể đến trước mặt tử thần một cách dễ dàng như thế này được.

Quả nhiên sau một lúc nhắm mắt, cô ấy dần dần mở mắt ra. Tốc độ mở mắt rất chậm chạp giống như đang kéo một tấm màn lên vậy. Cô ấy nói: “Bác sĩ, tôi biết bác sĩ chỉ đang an ủi tôi mà thôi”.

Tôi nói: “Đây không phải là an ủi, cô sắp hoàn thành một bữa tiệc đúng nghĩa”.

Cô ấy cười: “Được, cho dù tôi hoàn thành một bàn tiệc đi nữa thì ai là thực khách? Ai đến tham dự bữa tiệc? Ai muốn ăn một ngày một món, ai muốn ngóng chờ một buổi tiệc mà không có thời gian kết thúc cụ thể?”.

Tôi nói: “Tôi đã tìm được thực khách, cậu ấy sẽ ăn mỗi món ăn mà cô nấu”.

Vị bác sĩ nói đến đây rồi dừng lại, dường như câu chuyện của ông đã hết.

Tôi hỏi: “Sau đó thì sao?”.

Bác sĩ nói: “Bắt đầu”.

Tôi hỏi: “Có ăn được không?”.

Bác sĩ nói: “Có người ăn thật sự”.

Tôi nói: “Có ngon không?”.

Bác sĩ trầm ngâm một hồi rồi nói: “Người đó nói với tôi cảm giác thật sự đó là khi mới đầu món ăn cô ấy làm thực sự rất ngon. Tuy vị giác của cô ấy hoàn toàn bị hủy hoại rồi, tuy cô ấy vốn không thể có bất cứ khẩu vị nào nữa, thế nhưng cô ấy dựa vào kinh nghiệm của mình, còn giữ lửa rất chính xác, gia vị đều do cô ấy chọn hàng hiệu tốt, cô ấy cũng nắm rõ chính xác liều lượng. Cho dù cô ấy không tự mình nếm được các món thế nhưng sự kết hợp các vị tương đối tốt. Có điều thể lực của cô ấy thực sự rất kém, cánh tay cô ấy gầy như que củi, vốn không thể cầm nổi các dụng cụ, thế nhưng cô ấy lại kiên trì không cần ai giúp đỡ, kết quả là thức ăn không chín đều, chỗ sống, chỗ nát. Sau này sức khỏe của cô ấy quá kém, thị lực cũng giảm sút, khả năng nấu nướng của cô ấy cũng hạn chế, nhiều vị chỉ cho vào một cách đại khái cho nên hương vị rất kỳ quái. Đặc biệt có một món chính cần nguyên liệu rất phức tạp, khi cô ấy liệt kê nguyên liệu ra dài đúng một trang giấy. Trợ lý tôi cho đi mua giúp cô ấy về than thở, cậu ấy đi mua theo lời của đầu bếp, cậu ấy đến những tiệm cô ấy chỉ, mua hàng hiệu cô ấy yêu cầu thế nhưng khi về cô ấy nói không đúng rồi bắt cậu ấy đi mua lại hết. Trợ lý nói, không hiểu chuyện này là như thế nào, không biết có phải bệnh ung thư của cô ấy đã di căn lên não rồi không nữa?”

Tôi an ủi trợ lý: “Cậu đang giúp một người hoàn thành tâm nguyện cuối cùng của họ. Cậu phải dùng sự nhẫn nại lớn nhất để làm chuyện này”.

Cậu ấy nói: “Công việc này cần làm trong bao lâu? Tôi thực sự không kiên trì được nữa rồi”.

Tôi nói: “Có thể là không lâu mà cũng có thể là rất lâu. Cho dù là bao lâu chúng ta đều phải kiên trì”. Tôi nghe ông bác sĩ nói vậy liền hỏi luôn: “Vậy hai người phải kiên trì trong bao lâu?”

Bác sĩ nói: “Hai mốt ngày. Từ khi cô ấy bắt đầu nấu ăn, cho đến khi cô ấy ra đi đúng ba tuần, tôi nhớ rất rõ, bắt đầu là vào thứ bảy kết thúc cũng vào thứ bảy. Chủ nhật chồng cô ấy đến tìm tôi nói, trong giấc ngủ vào sáng sớm, cô ấy đã ra đi rất yên lành. Trước giấc ngủ cuối cùng cô ấy vô cùng cảm ơn bác sĩ và nhờ chồng cô ấy đưa cho tôi một bức thư”.

Tôi định hỏi nữa thế nhưng ông bác sĩ đã nói: “Cô muốn biết bức thư viết gì, đúng không? Tôi có thể nói cho cô, đó không phải là một bức thư mà đó là một thực đơn, đó là thực đơn chưa hoàn thành được món chính. Chồng cô ấy nói cô ấy rất xin lỗi, không phải cô ấy không thể nào hoàn thành được thực đơn ấy, sở dĩ cô ấy để trợ lý bỏ đi hết các nguyên liệu mua được là bởi vì cô ấy biết bản thân không có cách nào làm được các món ăn vô cùng ngon nữa, thực tế là có tấm lòng mà không có sức. Vì suy nghĩ đến người ăn cho nên cô ấy không làm nữa. Để bù đắp sự tiếc nuối nên cô ấy muốn gửi thực đơn này cho thực khách để hoàn chỉnh một bàn ăn”.

Tôi nói: “Những món ăn ấy ai ăn vậy?”

Bác sĩ nói: “Tôi, mỗi lần ăn tôi đều ăn vô cùng sạch sẽ, chưa bao giờ để lại một chiếc lá rau nào”.