Mật mã tâm linh - Chương 2 - Phần 7

Có dũng cảm uống giọt cam lộ cuối cùng

Tại sao tôi lại nói đến cái chết? Điều này làm tôi cảm thấy mình không may giống như con cú mèo.

Có người nói đi nói lại với tôi, nhân gian đã đủ khủng bố và sợ hãi rồi tại sao lại gãi chỗ không ngứa? Làm gì phải khổ thế? Như thế này không phải cô tự tìm phiền phức sao? Nếu như cô muốn mọi người hi vọng thì tại sao lại dùng một việc mãi mãi không đổi trong bóng tối để làm phiền cuộc sống của chúng ta? Chúng ta còn rất trẻ, tại sao không để những người sắp chết nghĩ về cái chết chứ? ít nhất cũng nên đưa vấn đề này cho người trên năm mươi tuổi chứ!

Tôi trả lời. Sinh mệnh và cái chết luôn bên nhau như hình với bóng. Nó không giống như chữ ảrập luôn có một cách sắp xếp theo thứ tự, sau 19 là 20. Nó có thể xuất hiện không theo thứ tự, không có quy luật tất nhiên gì cả. Phải nhớ rõ là, trên thế giới này không có ai có thể hứa với bạn: Bạn có thể sống một cách vô tư đến một giới hạn nào đó mới suy nghĩ đến vấn đề này. Cái chết có thể đến bất cứ ở đâu, bất cứ thời gian nào, không hề chào hỏi gì mà hiện thân đến.

Trên thế giới này có một số việc quan trọng nhất cho dù bạn thích hay không thích chúng vẫn tồn tại trong biển cuộc sống của chúng ta. Trong một số thời khắc nhất định nào đó nó sẽ dậy sóng. Thật đáng tiếc, thật chắc chắn đó là - cái chết cũng nằm trong số đó.

Đối với một nơi bản thân mình thuộc về cuối cùng, bạn không nghĩ ngợi gì cả, nếu không phải bạn yếu đuối quá thì chắc bạn đang hoảng loạn tột cùng.

Nhà triết học La Mã cổ Seneca vừa lạnh lùng vừa nhiệt tình nói: “Người chấp nhận và chuẩn bị tốt để kết thúc cuộc đời thì mới có thể hưởng thụ hương vị cuộc sống một cách chân chính”.

Chúng ta là động vật phải chết. Hơn nữa vì chúng ta là động vật cấp cao cho nên càng phải biết rõ điểm này. Phủ nhận cái chết tức là phủ nhận bạn là người có cái đầu. Bạn đánh đồng bạn với một chú gà hoặc một con côn trùng. ở điểm này tôi không hề coi thường chú gà hay con côn trùng, chỉ là không cùng chủng loại với chúng mà thôi.

Khi Thế vận hội khai mạc rồi bế mạc mọi người đều sợ thời tiết không đẹp, sợ mưa bão xuống, nếu như hạn hán lâu ngày gặp mưa thì có thể coi như giải hạn cho Bắc Kinh vậy, thế nhưng tinh thần luyện tập để chuẩn bị cũng bị giảm sút chút ít. Khi mọi người không ngừng ép hỏi chuyên gia khí tượng xem tối hôm đó có mưa không cũng chính là hy vọng khoa học kỹ thuật của chúng ta có thể làm cho mưa gió xảy ra ở một nơi khác.

Khi khai mạc tôi vẫn đang trên du thuyền ngắm biển ở Mexico. Khi tôi về đến nhà mới xem báo viết về hôm khai mạc. Quả nhiên buổi tối hôm khai mạc mây đen kéo đến đầy trời, để ngăn chặn mưa các cơ quan chức năng đã bắn hỏa tiễn thúc mưa, khiến cho lượng nước có sẵn sẽ tạo mưa ở một nơi khác. Thế nên hàng ngàn hàng vạn người mới được ngắm cảnh tuyệt đẹp ở sân vận động Tổ Chim. Có thể thấy sức hấp dẫn của chất xúc tác này, trong trường hợp một quả bom sắp nổ được kích ngòi sớm hơn thì sẽ trở nên vô hại hoặc có thể chấp nhận được thiệt hại. ở một mức độ nào đó nó được coi là thần kỳ có thể đảm bảo một giai đoạn quan trọng nào đó có cái kết hoàn chỉnh.

Suy nghĩ về cái chết chính là một loại chất xúc tác tinh thần có thể đưa con người từ chỗ sợ hãi cái chết thăng hoa đến một trạng thái tồn tại cao hơn – đó chính là vui vẻ sống. Cảm giác đối với cái chết giống như là dùng cả chân và tay để trèo lên núi. Trên đỉnh núi, con người vô cùng nhỏ bé, khiến cho con người cảm thấy cách xa chân núi, cách xa những việc nhỏ nhặt trong cuộc sống, vì cuộc sống mà bay xa hơn, rộng hơn, mở rộng tầm mắt đến những nơi hoàn toàn khác nhau.

Nếu như sau khi bạn nghe những lời trên đây mà vẫn cảm thấy sợ hãi khi tìm hiểu về vấn đề này vậy thì, trước khi tôi bó tay hãy để tôi đưa cho bạn một tấm chi phiếu tâm hồn còn trống nhé: Suy nghĩ về cái chết có thể cứu rất nhiều khoảnh khắc trong cuộc sống của bạn. Những lo lắng về cái chết có thể khiến cho cuộc sống của bạn tươi sáng hơn. Cùng với sự gia tăng về tuổi tác, cơ thể bạn cũng không ngừng già yếu đi thế nhưng tinh thần lại có thể càng ngày càng mạnh mẽ hơn.

Chỉ là ngày tháng và số tiền cụ thể của tấm chi phiếu này đều do chính bản thân bạn viết. Không ai có thể suy nghĩ thay ai cả. Nếu như chính bạn không biết được nỗi sợ hãi trong lòng bạn thì sự sống có thể kéo dài được trong bao lâu?

Có một cô gái nói, trước đây cô ấy có một thói quen đó là từ trước đến giờ chưa bao giờ hoàn thành triệt để một việc gì cả. Vở thường viết không hết và luôn để lại mấy trang giấy. Uống nước sẽ để lại một ít dưới đáy cốc, có một câu nói là có cặn ở dưới đáy cốc nếu uống vào sẽ bị kết sỏi. Cách nói này rõ ràng là không có căn cứ thế nhưng ai cũng nói thế, lẽ nào uống nước tinh khiết đóng chai cũng không nên uống hết sao. Vì sợ ly biệt cho nên cô ấy luôn rời khỏi nơi tụ họp trước, cô ấy luôn tìm đủ mọi lý do để về trước. Thậm chí khi ăn cơm cô ấy luôn để lại một ít vì nghĩ rằng như thế là lịch sự. Khi dọn dẹp phòng cũng thế, luôn để lại một góc nói là để lần sau dọn dẹp. Từ nhỏ người lớn trong nhà đều nói cô lười, nói cô rất nhiều lần thế nhưng cô vẫn không thay đổi.

Khi mọi người đọc đến đây có thể sẽ nói điều này chẳng qua chỉ là một lỗi nhỏ của nhiều người mà thôi, thói quen này cũng không phải là tốt mà cũng không phải là không tốt. Đương nhiên nếu như sự việc đều dừng lại ở một góc nào đó thì có thể nhiều người có thể chấp nhận được, thế nhưng quy tắc làm việc của mỗi người cho dù là việc nhỏ hay việc lớn thì trong đó đều khiến mọi người ngạc nhiên.

Sau này khi cô gái ấy đi làm, cô ấy không cách nào làm việc được hơn hai năm ở bất cứ một đơn vị nào, nói chung cô ấy luôn có chuyện, có lúc là nguyên nhân rõ ràng, có lúc bản thân cô ấy cũng không biết, dường như hoàn toàn không tìm được nguyên nhân cụ thể, chỉ là đột nhiên muốn đi là đi. Khi bắt đầu làm việc có cảm giác như rất khó khống chế, dường như cô ấy đang trốn chạy điều gì đó rất đáng sợ, chỉ có nghỉ giữa chừng mới có thể thoát ra được. Sau này ngay cả hôn nhân của cô ấy cũng không thoát ra được, cô ấy sợ hãi và cảm thấy nhạt nhẽo, cuối cùng cô ấy lựa chọn từ bỏ.

Có điều đàn ông tốt trên thế giới dường như còn ít hơn công việc tốt. Hơn nữa cho dù là công việc, nếu như đơn vị nào đó đủ người rồi bạn cũng chẳng có cách nào chen vào được. Hôn nhân càng có tính loại trừ rõ ràng. Chim khách bị tu hú chiếm tổ rồi thì chim khách về làm sao được. Sự chủ động rút lui của cô ấy sẽ cho cô gái khác có cơ hội vào lấp chỗ trống. Khi cô ấy cảm nhận được sự khó chịu khi mất chồng thì đã quá muộn, nỗi đau có thể khôi phục lại nguyên hình.

Về buổi nói chuyện dài dòng này tôi không nói ở đây nữa. Tôi cảm ơn cô ấy vì sự tin tưởng của cô ấy, sau này tôi mới biết nỗi khổ trong lòng của cô ấy, đó là nỗi sợ ẩn chứa trong lòng cô ấy từ thời thơ ấu. Khi cô ấy còn rất nhỏ, cô ấy đã liên tục mất đi người thân, ánh lửa trước quan tài, xác người đầy máu đều khiến nỗi sợ hãi của cô ấy trở nên thâm căn cố đế. Nỗi sợ hãi này dần dần chuyển thành “Không được làm việc đến cùng”, giống như lời nguyền xuyên thủng cả thời gian và tuổi tác. Cô đã đặt ra một quy tắc cho mình, cũng là quy tắc ngầm - chỉ có chạy trốn kết thúc mới có thể chống đối lại cái chết.

Nói đến cùng, chúng ta có thể hóa trang cho nỗi sợ hãi cái chết, chúng ta có thể dựa vào những hành động ngoài sức tưởng tượng của chúng ta, có thể hóa trang cho nó. Nỗi sợ hãi cái chết giống như một mớ dây leo, bò ngoằn ngoèo và kết trái. Có thể là do quan hệ giữa con người với con người không hòa hợp, có thể là chủ nghĩa cực đoan hoàn mỹ khi làm việc, có thể là sự quyết đoán vào thời khắc quan trọng, cũng có thể là do sự rối bời và rạn nứt của hôn nhân, tình cảm… nếu như bạn không có cách nào đảm bảo lâu dài được trí tuệ yên bình của mình, thường xuyên xuất hiện sự lo lắng, bi thương không diễn tả được, rất có thể bạn không đủ dũng cảm đối diện với cái chết. Nói chung, nỗi sợ hãi cái chết giống như yêu ma biến trăm hình, có hàng nghìn phép thuật. Tha thứ cho tôi nói hơi võ đoán một chút, mỗi một bối cảnh đằng sau giấc mộng lo lắng và khó giải thích đều là quảng trường rộng rãi để cái chết nhảy múa.

Đối với điều đó, phương pháp tốt nhất là phải làm rõ chuyện đó từ căn bản, từ đó không sợ cái chết, coi cái chết giống như một quá trình trưởng thành, có dũng khí để uống giọt cam lộ ngọt ngào cuối cùng của cuộc đời, sau đó bình tâm, thoải mái chết, trở thành một phần tử của hư không, trở thành một thể thống nhất với vũ trụ. Trước đó, bạn đã sống một cuộc sống đủ vị.

Quá trình của cái chết đối với mỗi người mà nói đều là một quá trình thử nghiệm học tập mới mẻ. Tại sao bạn luôn suy nghĩ về vấn đề mình già rồi, già rồi? Tại sao hết lần này đến lần khác bạn lại cứ nhảy dựng lên khi nghĩ về con đường cuối cùng?

Có người bạn thường mang vẻ giận dữ hỏi tôi, cô ấy cảm thấy tôi không ngừng nhắc đến vấn đề chết chóc, khiến cho cô ấy chỉ biết câm như hến. Cô ấy nói: “Tên của cậu là an lành và ấm áp, thế nhưng nói đến vấn đề liên quan đến cái chết thì lại giống như từng mảnh vỡ của vỏ sò ấy, sẽ đâm vào tay, vào tim, khiến người ta chảy máu”.

Tôi nói: “Nếu như cái chết đã là một quy luật vậy thì tại sao lại không thể thảo luận nó? Nếu như con đường an nghỉ vốn đã tồn tại vậy thì tại sao lại không dám nhìn? Tại sao phải đảm bảo chất và lượng của cả sinh mệnh của tôi, khi tôi răng thưa tóc mỏng vẫn duy trì sự tôn nghiêm và vui vẻ như cũ, tôi chỉ còn cách buông tay trước mà thôi. Nếu như cậu không vui, vậy thì tớ rất xin lỗi. Có điều hãy tha thứ cho tớ, tớ vẫn sẽ làm như thế mà thôi”.

“tứ thập bất hoặc”, nguyên nhân từ những sợi dây thần kinh già cỗi của bạn

Giữa kích thích và hồi ứng, là sự kế tiếp của tư duy ở não của con người.

Theo nghiên cứu tốc độ tư duy của con người là 0.24 nghìn mét/giờ. Từ bộ phận này đến một bộ phận khác trong não khoảng 6cm, nói cách khác đó là một chỉ lệnh, thời gian mất khoảng 9 giây.

Chính là trong khoảng không gian này chúng ta có quyền tự do, có khả năng để lựa chọn cách hồi ứng như thế nào. Giữa cách phản ứng của chúng ta chúng ta có thể thấy được sức hấp dẫn của tuổi tác.

Tục ngữ nói: “Tứ thập bất hoặc”(2).

(2) Một câu nói của Khổng Tử, có nghĩa là: con người ta đến tuổi bốn mươi thì thông tỏ sự đời, không có gì mà không rõ - BTV.

Tôi luôn cảm thấy tò mò, sự thấu hiểu thông suốt này đến từ đâu chứ? Đến từ sự tổng kết về thực tiễn và những sự cọ xát từ xã hội?

Vậy thì, nếu nói một người bốn mươi tuổi sẽ phải trải qua và tổng kết một trăm chuyện được mất, nếu để một người ba mươi lăm tuổi cũng thực hiện một trăm chuyện này và cũng tổng kết được mất như thế vậy thì người đó có thể đạt được mục tiêu sớm hơn người kia năm năm, sớm bước vào những năm tháng thông tỏ sự đời, không còn nghi hoặc?

Hình như không phải thế.

Tôi cảm thấy điều này chịu sự chế ước của kết cấu tâm lý con người. Khi ba mươi lăm tuổi, tốc độ phản ứng tư duy của con người vẫn rất cấp thiết, đến khi các sợi dây thần kinh già và thô kệch rồi thì có một sức mạnh được trưởng thành, sự liên tưởng và sự phân tích cũng phong phú hơn, dễ không hấp dẫn hơn.

Màu trắng vô nại

Giới hạn con người thường nhận định nhất chính là làn da. Cho dù là da thường hay da dày, cho dù là da nhạy cảm hay da phản ứng chậm chạp, thì trong làn da đó đều là tôi, bên ngoài da thì là người khác rồi, chính là “không phải tôi”. Từ ý nghĩa trên mà nói, da trắng hay không không quan trọng mà quan trọng chính là hoàn chỉnh.

Tại sao người Trung Quốc lại thích màu da trắng một cách mê muội như thế? Mở ti vi hay quảng cáo ra đều thấy biến gương mặt con gái thành một bức tường để quét sơn. Có tiết mục thì dùng phương pháp hoạt hình chia gương mặt ra làm nhiều phần sau đó dùng một loạt nguyên liệu hóa học tập hợp lại với nhau, cô gái đó liền vui sướng nói, xem này, da tôi trắng lên rồi.

Là một người da vàng, chúng ta khi sinh ra đã không có màu da trắng như sữa giống như người Bắc Âu. Hình như bản thân bọn họ cũng không thích màu da trắng bệch như thế, họ thường phơi nắng, hi vọng da mình có thể biến thành màu như đại mạch hoặc màu cà phê.

Có rất nhiều cô gái thời thượng rất chắc chắn về chuyện này, họ không hề hâm mộ làn da trắng của người châu Âu, cũng không có ý định thích màu da trắng ấy.

Tại sao thế?

Làn da của người phương Đông, chỉ cần phơi nắng là biến thành màu nâu, thậm chí biến thành màu đỏ đen. Như vậy làn da màu đen là danh từ đại diện cho việc phơi nắng. Trong xã hội có lịch sử trồng trọt và chăn nuôi lâu dài, ai có thể phơi nắng cả ngày trong thời gian dài được? Câu trả lời chỉ có một, đó là tầng lớp nông dân lao động. Họ phải lao động không ngừng, làn da sẽ tự nhiên trở nên có màu đậm hơn. Da của người nào sẽ tương đối nhạt? Đó chính là làn da của tầng lớp địa chủ và gia quyến của họ - những người ít khi phải ra ngoài nắng. Quan niệm thay đổi, từ phức tạp đến đơn giản, “da trắng” tượng trưng cho tình hình kinh tế khá giả và địa vị xã hội khá được tôn trọng. Còn “vừa gầy vừa đen” là danh từ đại diện cho tầng lớp lao động.

Con gái nếu như gia cảnh không tốt thì phải dầm mưa dãi nắng bên ngoài, vì thế nên không có cách nào bảo vệ, chăm sóc được làn da của mình nên cũng không có cách nào giữ cho làn da trắng như tuyết cả.

Nếu như thế thì chúng ta đã phá vỡ ý nghĩa tượng trưng xã hội học mà làn da trắng vốn có.

Bí mật một khi được mở ra thì người câm cũng không cười được. Bởi vì da trắng là do di truyền, nếu coi làn da trắng của phụ nữ để phán đoán tình hình công việc của họ, nếu như thế mà có cảm giác tốt hoặc không thì đó là do sự hấp dẫn từ trong xương cốt rồi.

Tuy về mặt đạo lý thì nguồn gốc của quan niệm trên cũng đưa ra được một số điểm đúng đắn thế nhưng nếu muốn nó trở nên chính thống thì e rằng hơi khó. Cũng may tất cả các loại kem làm trắng da đều uổng công nếu không thì hoặc là nó có tác dụng tạm thời, hoặc là căn bản chỉ là trăng soi mặt nước mà thôi. Mọi người thất vọng quá lâu, bị lừa quá lâu cũng thấy mệt mỏi rồi, cũng trở nên hết cách rồi.

Hết cách nhiều lúc là điều hay, nếu như có hàng trăm cách mà không thực hiện được cách nào thì bạn chỉ còn cách từ bỏ mà thôi.

Món quà tặng cho người bị AIDS

Một hôm vào lúc nửa đêm, tôi bị điện thoại gọi tới làm cho thức giấc.

Đó là giọng của một người con trai lạ, cậu ấy nói: “Cô không quen tôi, thế nhưng xin cô đừng gác máy, tôi khó khăn lắm mới tìm được điện thoại của cô. Tôi là một người bệnh AIDS”.

Cậu ấy nói tên của mình, tôi hoàn toàn chưa hề nghe tới.

Cậu ấy nói tiếp: “Tôi là một người bệnh AIDS, hiện nay tôi đang sống ở bệnh viện Bảo An, Bắc Kinh. Tôi cần cô giúp đỡ”.

Cho đến lúc này tôi mới hoàn toàn tỉnh táo. Tôi biết bản thân mình cần một sự nhẫn nại nhất từ trước đến giờ cũng như một sự phản ứng thân thiện nhất, nói chuyện với một người chưa từng gặp mặt”.

Hôm đó, chúng tôi nói chuyện rất lâu.

Bởi vì không thể nói chuyện trước đây cho nên chúng tôi càng phải nói chuyện tương lai nhiều hơn.

Sau này cậu ấy nói với tôi, nói chuyện năm năm, mười năm sau với một người bị AIDS như cậu ấy, đó chính là món quà tốt nhất mà tôi đã dành cho cậu ấy.