Mật mã tâm linh - Chương 4 - Phần 1

Chương 4:Bạn có thể tìm được Bắc Đẩu không?

Cơ thể không phải là con ngựa câm

Con người thường không hiểu biết nhiều về cơ thể của mình. Chỉ khi mắc bệnh rồi mới biết sự tồn tại của nó. Bạn nhìn thấy mặt trời lên cao, thế nhưng bạn có bao giờ cảm giác được cơ thể bạn đang dâng thủy triều?

Thờ ơ với cơ thể của mình là căn bệnh thông thường của người hiện đại. Cơ thể thật tốt tính, dù chỉ còn một chút sức lực cũng cố gắng đảm nhận mọi việc, đến khi không chịu được nữa mới đổ bệnh, không một lời oán giận, còn con người thì lại gọi đó là: “Mệt nhiều thành bệnh”.

Thế nhưng không được lừa người trung thực. Cơ thể là người bạn thân nhất của chúng ta. Bạn không nên coi cơ thể như một chú ngựa câm, bắt nó làm việc không mệt mỏi. Bạn nên học cách nói chuyện nghiêm túc với với chú ngựa của bạn. Bạn sẽ nghe được chú ngựa này có bao nhiêu kiến thức uyên thâm, nó chỉ dẫn cuộc hành trình gian khổ của đời bạn.

Chúng ta nên học cách dùng sức khỏe một cách nhẹ nhàng và ít sức lực nhất. Bí quyết dùng sức khỏe một cách nhẹ nhàng mà tốn ít sức đó là cơ thể và trái tim phải thống nhất, để cơ thể và tư tưởng cùng bước trên một đường thẳng. Khi chúng ta vui vẻ thì cơ thể sẽ mỉm cười. Khi chúng ta buồn rầu cơ thể có quyền buồn rầu.

Điều không nên nhất đó là rõ ràng bạn không hề thích người đó thế nhưng lại bắt cơ thể mình miễn cưỡng cười. Còn rõ ràng bạn thích người đó nhưng lại bắt cơ thể lạnh lùng xa cách. Điều này không chỉ làm một người đau khổ mà còn khiến cho cơ thể sớm đau yếu già đi.

Hãy đối xử tốt với cơ thể nhé, nó chính là chỗ dựa cho bạn trên con đường dài. Nếu như ngay cả nó cũng phản bội bạn thì bạn nên cố gắng kiểm điểm lại cuộc đời mình. Nên nhớ rằng cơ thể chính là thế giới mà chúng ta chuyển động.

Tìm một tờ giấy A4 viết ưu phiền lên đó

Viết lý do bạn không vui vẻ lên một tờ giấy bạn sẽ ngạc nhiên khi phát hiện ra nó không hề nhiều như bạn tưởng tượng, thông thường nó không bao giờ vượt qua mười lý do cả. Trong đó hãy xóa đi một số lý do mà bạn không thể thay đổi được, ví dụ như bạn không có mắt hai mí, bạn không xuất thân từ gia đình danh gia vọng tộc. Sau đó nhìn những lý do còn lại và xem xem những lý do nào có thể thực hiện được thì bạn hãy nghĩ cách để thay đổi nó đi.

Tôi thường giúp bản thân mình bằng cách này, và bây giờ viết ra đây để các bạn tham khảo.

Đầu tiên chuẩn bị một tờ giấy, trên đó sẽ viết lại tâm lý hỗn loạn của mình. Tốt nhất là nên chia thành nhiều tờ như vậy sẽ dễ dàng hơn. Nên biết rằng khi con người đang buồn phiền thì mắt mũi sẽ không được rõ ràng, khả năng phân biệt rất kém, rất dễ làm sai. Vì thế nên đơn giản hóa các vấn đề phức tạp, quy về các điều khoản, dùng ngôn ngữ đơn giản để nói về vấn đề đó. Sự thật đã chứng minh đây là một cách làm hay.

Các bước thao tác của cơ thể cơ bản là như thế. Giả dụ bạn cảm thấy buồn rầu thì bạn hãy viết nỗi buồn ấy ra. Ví dụ bạn đau thương vậy thì hãy viết các lý do đau thương ra giấy đi. Nếu như bạn không biết vì sao mà chỉ cảm thấy trong lòng hoảng loạn, không biết nên làm thế nào, làm gì cũng không thuận lợi vậy thì bạn cũng nên viết tất cả các lý do có khả năng làm cho bạn cảm thấy như thế ra giấy. Không nên sợ thêm phiền phức. Khi bạn tức giận, khi bạn cô đơn, khi bạn không biết làm thế nào, khi bạn cảm thấy tự ti và cả khi bạn thấy buồn tẻ… bạn đều có thể áp dụng biện pháp này.

Gợi ý cho bạn điều này, bạn nên tìm một tờ giấy to, ít nhất phải to như tờ A4. Nếu như bạn đồng ý dùng một tờ giấy to như tờ báo thì cũng được. Nói chung tôi cũng hay làm như thế, nhiều lúc cảm xúc dạt dào quá một trang giấy to cũng không viết hết được. Lý do đếm không hết được giống như một con thỏ dại đang vùi đầu trong đám cỏ phiền não, chờ đợi chúng ta đến bắt chúng. Nếu như trang giấy quá nhỏ thì làm sao mà viết đủ? Viết được một nửa mới phát hiện ra không đủ, lúc ấy lại đi tìm giấy thì vô cùng mất thời gian.

Đương nhiên là bạn nên tìm một nơi yên tĩnh. Bạn phải ở đó một mình. Không nên coi đây là một trò đùa, những nỗi buồn tinh thần cần được đối xử một cách nghiêm túc, chúng ta nên tập trung tinh thần để mở nó ra.

Khi tôi làm bác sĩ ngoại khoa, mỗi lần khâu vết thương hở tôi đều phải tập trung tinh thần ở mức cao độ, bởi vì tôi nhìn thấy máu và thịt, có lúc còn thấy cả xương. Thế nhưng bất cứ một người bác sĩ có trách nhiệm đều không bao giờ vì mùi máu tanh ở vết thương mà dùng giấy hay vải bịt chặt vết thương, làm như vậy chỉ làm cho bệnh nặng thêm.

Khi mở vết thương tinh thần cũng cần dũng cảm. Khi bạn viết điều tiếp theo thì rất có thể bạn sẽ run sợ không hạ được bút, lúc này bạn cần dũng cảm lên, không nên lùi bước. Giống như khi chiếc dao sắc nhọn đâm vào áp xe(1), giây phút ấy sẽ rất đau thế nhưng so với việc áp xe ẩn chứa trong từng thớ thịt thì nỗi đau này không hẳn là không chịu được.

(1) áp xe: hiện tượng một bộ phận bị viêm nhiễm chuyển thành hoại tử, lở loét và có mủ và tích tụ trong chỗ viêm - BTV.

Khi nhát dao đầu tiên rạch xong bạn sẽ khóc, nhưng đồng thời lúc đó bạn sẽ cảm thấy nhẹ nhàng hơn nhiều. Bởi vì bạn đã đưa nỗi đau trong bóng tối ra ngoài ánh sáng.

Thừa thắng xông lên, không nên nhẹ tay. Xin bạn hãy dùng tốc độ nhanh nhất để viết lý do thứ hai khiến bạn không vui vẻ ra. Lần này sẽ dễ dàng hơn một chút. Không phải sao? Bởi vì vạn sự khởi đầu nan mà. Bạn đã có một sự bắt đầu tốt, bạn đã viết điều khiến bạn đau khổ nhất ra tờ giấy này rồi. Tờ giấy này bởi vì có sự dũng cảm và nỗi đau của bạn cho nên nó có độ ấm áp nhất định.

Sau khi viết xong điều thứ hai bạn không nên dừng lại nghỉ ngơi mà hãy tiếp tục viết. Điều này chắc không có gì khó với bạn, bởi vì những việc khiến bạn ăn không ngon ngủ không yên không chỉ có hai điều đơn giản như trên. Kho bi thương của bạn chắc còn nhiều lắm. Cũng không nên quay đầu nhìn lại để đánh giá xem những thứ mình vừa viết ra có cần thiết phải sắp xếp theo thứ tự hay không, mà chỉ cần bạn tiến về phía trước, tiếp tục viết.

Viết! Tiếp tục như thế. Không cần phải nghĩ trước nghĩ sau mà cứ như thế mà viết thôi. Đợi cho đến khi bạn không viết tiếp được nữa thì “phương pháp trị liệu bằng giấy trắng” của chúng ta đã hoàn thành xong giai đoạn đầu.

Hãy trải tờ giấy đó ra và xem xét lại.

Tôi đoán nhất định bạn sẽ vô cùng ngạc nhiên, những điều khoản ấy chắc chắn không nhiều như bạn tưởng tượng, trong chốc lát có thể bạn cảm thấy không phục, vì chẳng nhẽ những nguyên nhân gây ra đau khổ trong bạn, lẽ nào chỉ có chừng ấy hay sao? Không đúng, chắc là có chỗ nào ấy thiếu sót, bản thân nghĩ chưa kỹ, chưa đầy đủ, khái quát không đầy đủ, xử lý không toàn diện…

Không cần quá lo lắng. Bạn có thể từ từ nghĩ và bổ sung liên tục. Bạn nhất định sẽ nghĩ ra lý do khiến cho bản thân không vui vẻ, không nên để sót điều gì.

Được rồi, bây giờ bạn đã đến giai đoạn có vắt kiệt óc ra cũng không có nguyên nhân khiến bạn buồn nữa rồi. Vậy thì giai đoạn đầu của “phương pháp trị liệu bằng giấy trắng” của chúng ta chính thức kết thúc.

Bạn có thể suy nghĩ cẩn thận về những nguyên nhân khiến bạn phiền não. Tôi đoán bạn vẫn còn chút ngạc nhiên vì nó vẫn ít hơn so với tưởng tượng của bạn. Bạn nghĩ bạn đã cố gắng hết sức rồi thế nhưng sự thực là nhiều nhất nó cũng không vượt qua mười điều đâu.

Nếu không tin bạn có thể thử nhìn xem.

  1. Người nhà mất;
  2. Biến cố công việc;
  3. Kết thúc hôn nhân;
  4. Quan hệ con người giả tạo;
  5. Thiếu tiền;
  6. Không nơi ở;
  7. Bệnh tật quấn thân;
  8. Gặp nạn vào nhà lao;
  9. Thất học, thất tình;
  10. . …………

Khi đọc đến đây có thể bạn sẽ nói, nếu như thế thì có vẻ cực đoan quá? Những việc đen đủi này làm sao mà có thể xảy ra với một người cơ chứ? Tỉ lệ người như thế này trong hiện thực quá là ít. 1/10000 liệu có có không? Đúng thế, tôi hoàn toàn có thể hiểu được sự ngạc nhiên của bạn, nếu như những gì chúng ta nói trên đây cho dù là vô cùng đen đủi đi nữa thì hoàn cảnh khó khăn của người đó cũng không quá mười điều.

Bây giờ, phương pháp trị liệu bằng giấy trắng đã bước sang giai đoạn thứ hai.

Hãy phân loại hoàn cảnh khó khăn của bạn xem loại nào có thể thay đổi được, loại nào không thể. Với những loại có thể thay đổi được thì bạn nên cố gắng hết sức mình để thoát khỏi đó. Đối với những loại không thể thay đổi được thì chúng ta chỉ có cách chấp nhận. Chúng ta còn có thể phân tích tờ hóa đơn đen đủi nhất trên đời này xem như thế nào.

  1. Người nhà mất;
  2. Biến cố công việc;
  3. Kết thúc hôn nhân;
  4. Quan hệ con người giả tạo;
  5. Thiếu tiền;
  6. Không nơi ở;
  7. Bệnh tật quấn thân;
  8. Gặp nạn vào nhà lao;
  9. Thất học, thất tình;

Không thể thay đổi: Người nhà mất, hôn nhân kết thúc, bệnh tật quấn thân.

Đã thay đổi: Bởi vì gặp nạn vào nhà lao cho nên đã có thể giải quyết chuyện không nơi ở. Bởi vì gặp nạn vào nhà lao cho nên không có cách nào tiếp tục công việc được, vì thế hoàn cảnh khó khăn thứ hai không thể tồn tại. Chuyện thất học cũng chỉ có thể đợi ra tù xong mới có thể tiếp tục. Chuyện thất tình tuy không phải là hoàn toàn không có hy vọng lấy lại thế nhưng chuyện yêu đương xét cho cùng là chuyện giữa hai người, giả sử không có chuyện ngồi tù thì đối phương cũng đã chia tay với bạn rồi, cục diện bây giờ càng phức tạp hơn, khả năng quay lại vô cùng yếu, về cơ bản là hoàn toàn không có cơ hội.

Một số thay đổi có thể làm được:

  1. ở trong nhà lao, chấp hành quản lý, chờ giảm án.
  2. Tích cực chữa bệnh, cơ thể khỏe mạnh.
  3. Học tập kiến thức và kỹ năng, sau khi ra tù thì tiếp tục sự nghiệp học hành và tìm công việc, tiết kiệm tiền, xây dựng mối quan hệ yêu đương mới, tìm nhà, xây dựng gia đình hạnh phúc.

Thông thường sau khi phân tích xong hóa đơn đen đủi này tôi nghĩ bạn đã biết nên làm như thế nào, cho nên ở đây tôi cũng không muốn nói nhiều nữa. Xét cho cùng thì mỗi phiến lá đều khác nhau, mỗi người gặp phải hoàn cảnh khó khăn cũng không giống nhau. Tôi cũng không muốn nghe những chuyện riêng tư của bạn nữa. Bây giờ, chúng ta cùng bước vào giai đoạn thứ ba của phương pháp chữa trị này nhé.

Giai đoạn thứ ba vô cùng đơn giản, đó chính là bạn viết một câu cho chính bạn. Có thể là một câu động viên, một câu miêu tả tâm trạng của bạn, cũng có thể mắng bạn một câu. Đương nhiên là không thể nghiến răng chửi mắng được.

Có bạn không biết nên viết như thế nào, tôi sẽ gợi ý cho các bạn mấy ví dụ sau:

Có người viết: Con người bi thương ấy đã đi xa rồi, tôi sẽ tái sinh từ giây phút này.

Có người viết: Cố gắng lên. Nếu không thì tôi sẽ không quen biết gì bạn nữa.

Còn có người viết: Tất cả phái phản động đều là con hổ giấy.

Buồn cười nhất là có người viết: Ha, tôi nhổ vào.

Tôi hỏi cậu ấy, câu “tôi nhổ” có ý nghĩa gì?

Cậu ta trợn mắt lên nói với tôi: Ngay cả điều này mà cô cũng không biết sao? Chính là nhổ nước bọt. Nhổ nước bọt chắc là cô biết chứ?

Tôi cười, điều này tôi không hiểu được.

Cậu ấy nói: “Sao cô ngốc thế, giống như nhổ nước bọt thôi mà. Nhổ tất cả những gì không tốt đi, cuộc sống mới bắt đầu rồi. Khi tôi còn nhỏ, mỗi lần đi vệ sinh công cộng, khi mùi amoniac xộc vào mũi, mẹ tôi thường bảo tôi nhanh chóng nhổ nước bọt, để những mùi khó chịu từ trong bụng nhổ ra ngoài… Bây giờ, tôi cũng muốn “nhổ” một cái.

Tôi hiểu rồi, đây là một nghi thức để tạm biệt những nỗi buồn trong quá khứ của bạn, bắt đầu một cuộc sống mới. Thực ra điều này cũng rất có lý. Trong văn hóa của chúng ta, có một từ là “phỉ nhổ”, có ý nghĩa là hoàn toàn từ bỏ. Còn một từ nữa là “ăn mót ăn nhặt”, nghĩa là nhặt lại đồ của người khác vứt đi, có ý xấu. Do đó, khi cậu này dùng “tôi nhổ” là có ý quyết định vứt bỏ cái cũ, bắt đầu cái mới.

Kiềm chế cũng có thể thành bệnh

Cảm giác là hạt nhân của tất cả những việc hư ảo. Nó chưa hề xác định bất cứ việc gì thế nhưng nó lại có quan hệ mật thiết với tất cả mọi việc. Tình cảm là lớp bụi ngoài che giấu đi tất cả sự thật, nếu không xóa sạch nó đi thì sự thật không bao giờ lộ diện.

Giáo dục truyền thống dạy chúng ta phải biết nhẫn nại, biết khoan dung và lãng quên. Tuy nhiên sự kiềm chế lâu dài sẽ mang lại sự đàn hồi lớn hơn, nỗi đau sẽ dội xuống như mưa như bão, sấm sét cũng nhằm chúng ta đánh xuống

Không có sự việc nào có thể tự nhiên mất đi thông qua cách kiềm chế cả. áp lực trong lòng địa cầu sẽ được giải phóng thông qua núi lửa phun trào. áp lực của nước sẽ được giải phóng thông qua việc nước tràn đập. Sự không phù hợp của cơ thể sẽ trở thành bệnh tật, sẽ khiến bạn phải tập trung hoàn toàn tinh thần để giải quyết chúng. áp lực về tiền bạc sẽ biến thành phá sản. áp lực về tình cảm sẽ dẫn đến chia tay. Vì thế phải học cách giải phóng áp lực một cách tuần hoàn, dần dần, nhất định không được bỏ qua những bất an nhỏ. Chúng tích lũy dần dần sẽ khiến cho tinh thần bị vắt kiệt.

Con người thường nghĩ những người trầm uất hoàn toàn không có sức mạnh. Khi chúng ta nhìn thấy họ thường có vẻ ủ rũ giống như một tấm giẻ lau bẩn dính đầy bụi. Thế nhưng thực ra, ức chế là một loại năng lượng rất lớn. Không tin bạn cứ nhìn những người bị trầm uất mà xem, họ có thể quyết tâm tự sát, nhảy từ trên cao xuống, điều này cần một sự dũng cảm rất lớn. Nhất định không nên coi nhẹ những người bị bệnh trầm uất, đừng tưởng rằng bản thân bọn họ không có khả năng thay đổi. Năng lượng bị dồn nén lại, chỉ là mất đi phương hướng, không phải là sự công kích hướng ngoại thì sẽ là sự công kích hướng nội.

Tôn trọng tình cảm của bạn nhưng không phải là để tình cảm trực tiếp đưa ra quyết định mà là tôn trọng những đợt sóng nổi dậy của tình cảm. Không phải là kiềm chế tình cảm mà là sắp xếp tình cảm. Đông y có nói “bất thông tắc thống, thông tắc bất thống” (nghĩa là: không thông thì sẽ đau, thông rồi sẽ không đau nữa). Nên giải tỏa nỗi đau đi. Cứ ép chúng thành các loại bệnh tật tình cảm thì đó đúng là thuốc độc. Nếu không phải là những phiền phức từ thế giới bên ngoài thì cũng là những hỗn loạn nội tâm, điều này hoàn toàn có thể dẫn đến băng hoại. Nên hận ai thì hãy mắng họ một nghìn lần trong lòng, có thể dùng những từ ngữ ác độc nhất, chỉ là không nên để người khác nghe thấy. Bạn mua chuộc là mua chuộc linh hồn bạn, không liên quan gì đến người khác cả. Nếu như vẫn chưa thấy thoải mái vậy thì hãy dùng một chiếc gối để thay bạn chịu tội, bạn có thể ném nó xuống sàn nhà, đá nó cho đến khi lông vũ bay tứ tung rồi từ từ thu dọn cũng được. Nếu như sự phiền não vẫn chưa tiêu tan vậy thì hãy viết tên những kẻ thù của bạn ra giấy, sau đó tiếp tục viết: Tôi hận anh (cô), hận anh (cô)…

Tôi đã dạy chiêu này cho một người bạn, cậu ấy bặm môi làm nhưng vẫn không làm được.

Tôi hỏi: “Tại sao, đây là một việc không khó mà. Nếu như không tìm được một nơi yên tĩnh thì tôi có thể cho cậu mượn nhà của tôi. Cho dù cậu có gào hét to đến mấy cũng không ai nghe thấy đâu”.

Cậu ấy nói: “Như vậy không phải bị thần kinh hay sao?”.

Tôi nói: “Không, cậu kiềm chế bao lâu rồi nên đã quên mất cách làm thế nào để thể hiện sự phẫn nộ. Cả ngày đều đóng mình trong bộ Âu phục bạn đã không còn cảm giác máu thịt nữa rồi. Tiếp xúc với tình cảm nội tại nhất của bạn, nó vẫn tồn tại ở đó, có như thế bạn mới có hướng đi hợp lý được. Bây giờ tình cảm của bạn tắc giống như tắc đường vậy, các thông mạch thần kinh hoàn toàn không thông, thì làm sao có thể có quyết định sáng suốt được chứ? Cứ nghe tôi đi, bắt đầu đi”.

Cậu ấy do dự nói: Điều này tôi không quen.

Tôi nói: “Đúng thế, cậu đã quen với việc kiềm chế cảm xúc. Thực ra chỉ cần có năng lượng tồn tại trong tâm hồn chúng ta cho dù là mặt chính diện hay phản diện thì việc kiềm chế đều có hại. Bạn kiềm chế năng lượng chính diện của bạn, vốn phải chịu trách nhiệm về nghĩa vụ này thế nhưng bạn luôn tìm cách lẩn tránh, bạn nên phải ra quyết định về chuyện này thế nhưng bạn lại do dự không quyết. Bạn phải gánh trách nhiệm này thế nhưng bạn lại giả vờ đùn đẩy trách nhiệm… Bạn nghĩ bạn như vậy là có đức độ, là an toàn, thực ra chỉ là kẻ hèn nhát mà thôi. Hơn nữa những năng lượng bị bạn kiềm chế sẽ nhanh chóng trở thành những lời phàn nàn, trong lòng khó chịu, khua chân múa tay, khiến người ta cảm thấy chán ghét… Điều này vẫn còn tốt chán, bởi vì bạn đã dùng mũi nhọn năng lượng chĩa vào thế giới.

Lựa chọn tồi tệ hơn đó chính là im lặng không nói gì, chôn dấu tất cả mọi sự thật trong lòng, cứ lặng lẽ đứng bên cạnh ngắm nhìn thế giới. Kết quả công kích nội tâm cũng là do bản thân mình tự nghĩ ra kẻ thù địch, mắc các loại bệnh… đều bị năng lượng của sự kiềm chế hóa thành dao sắt và bắt đầu tung hoành trong ngực bạn. Nó cũng có thể chạy đến một nơi nào đó tụ tập thành một nỗi bất bình, và trở thành khối u ung thư nguy hiểm. Còn về năng lượng ở mặt phụ không được trút ra ngoài sẽ tạo nên sự công kích hướng ngoại, cực đoan nhất có thể dẫn đến hành động giết người cũng không chừng. Vì thế, tình cảm không thể kiềm chế được, giống như thiết bị hơi nước cao áp, nhất định phải để cho nó một cái lỗ thoát hơi. Nếu không thì đợi đó, nó nổ tung là không tránh khỏi.

Tôi đã giới thiệu phương pháp gối bông, đó là một phương pháp an toàn đáng tin cậy. Chỉ cần bạn tạo thành thói quen, trực diện đối diện với những chuyện khiến bạn không thoải mái, tìm ra nguyên nhân của vấn đề, trút hết nỗi bực dọc ra ngoài, bạn sẽ cảm thấy sau cơn mưa trời lại sáng, tinh thần cũng thoải mái nhiều.

Bạn có thể bán tin bán nghi và nói: “Được, tôi tin chuyện này, cứ để tâm trạng trong lòng được thoát hết ra ngoài, tình cảm tinh thần có thể tìm được trạng thái cân bằng một chút. Thế nhưng sau khi trút bỏ rồi, tâm trạng vẫn như thế, hiện trạng vẫn như thế, không có việc gì có thể bù đắp được”.

Không! Không thể như thế. Khi tâm trạng che mất tầm mắt thì bạn nhìn thấy rất ít đường đi. Có lúc mây mù che đầy trời, không có ánh sáng của mặt trời, mặt trăng. Khi chúng ta bình tĩnh lại, năng lượng của tâm linh sẽ dần dần hiện ra, lúc đó nó sẽ phát hiện ra rất nhiều con đường nhỏ khác.

Có thể bạn vẫn không tin, tôi hy vọng một lúc nào đó bạn sẽ thử xem thế nào. Giá thành của phương pháp này cũng không lớn, cùng lắm là đập nát cái gối của bạn cũng chẳng có gì đáng kể lắm. Tôi đã từng đập rách cả gối, khi tâm trạng bình thường trở lại tôi đã khâu lại những chỗ rách, tuy nó không đẹp lắm thế nhưng chẳng sao cả.

Có người có thể tự tìm ra phương pháp giải phóng nỗi buồn phù hợp với mình, điều này cũng tốt. Ví dụ như anh Cam, phương pháp của anh ấy là chạy bộ. Chạy không mệt mỏi, trong quá trình chạy bộ vết thương của anh ấy sẽ được chữa trị.

Thế nào, các bạn? Bạn đã tìm được phương pháp phù hợp để giải tỏa tâm lý của mình chưa? Nếu như bạn đã tìm thấy thì xin chúc mừng bạn. Như vậy bạn có thể dễ dàng đối diện với bản thân bạn một cách chân thực, không nên để bản thân mình kiềm chế thành bệnh.