Giấc mơ Trung Quốc - Chương 07 - Phần 05

An toàn quốc gia có một số tầng nấc, có khác biệt giữa an toàn tương đối với an toàn tuyệt đối. Nếu hai nước lớn cạnh tranh nhau đều có năng lực cùng chết thì bất cứ bên nào cũng đều không dám ra tay đánh mạnh bên kia, như vậy cả hai sẽ tương đối an toàn. Nếu lực lượng hai bên mất cân bằng, bên này sau khi tiêu diệt bên kia rồi mà vẫn có khả năng sinh tồn, thế thì kẻ mạnh có an toàn tuyệt đối, còn kẻ yếu ở vào thế tuyệt đối không an toàn. Bởi vậy, an toàn tuyệt đối của các nước lớn dưới điều kiện vũ khí hạt nhân là có thể giết kẻ khác mà vẫn bảo toàn được mình; an toàn tương đối là dùng năng lực cùng chết để giữ gìn quyền lợi cùng sống còn.

Hiện nay, Mỹ đang theo đuổi an toàn tuyệt đối. Đây là một kiểu an toàn đơn phương. Mỹ đang tiến hành công trình phòng thủ tên lửa, là một công trình an toàn tuyệt đối, có thể giết kẻ khác mà không bị kẻ khác giết.

Nhưng Trung Quốc hiện nay chỉ theo đuổi an toàn tương đối, công cuộc tăng cường quân đội của Trung Quốc là một công trình an toàn tương đối, tức là yêu cầu phải có năng lực cùng chết với Mỹ, qua đó giành lấy quyền lợi cùng sinh tồn và phát triển với Mỹ.

Mục tiêu an toàn mà Mỹ đang theo đuổi không phải là an toàn quốc gia nói chung mà là an toàn tuyệt đối của bá quyền Mỹ. Năng lực an toàn mà Mỹ tìm kiếm là năng lực không cùng chết. Sau khi chiến tranh lạnh kết thúc, Mỹ từng có một thời gian ngừng nghiên cứu dự án chiến tranh giữa các vì sao. Thời gian giữa và cuối thập niên 90 thế kỷ XX. quân đội Mỹ đề xuất khôi phục việc bố trí nghiên cứu dự án phòng thủ không gian vũ trụ và đổi tên là Kế hoạch phòng thủ tên lửa quốc gia (NMD), nhưng chính phủ Clinton không ra quyết định. Năm 2001 Bush con lên cầm quyền, bất chấp sự phản đối của cộng đồng quốc tế, trong tình hình không ai có thể cạnh tranh, chính phủ Bush quyết tâm huy động sức mạnh to lớn của nền kinh tế quân sự và khoa học kỹ thuật vào việc nghiên cứu bố trí hệ thống phòng thủ tên lửa quốc gia, xây dựng một mạng lưới phòng ngự giao thoa lập thể trên vũ trụ nhằm bảo đảm an toàn tuyệt đối cho Mỹ. Các nhà quân sự Mỹ nói: “Ngày hoàn thành các hệ thống NMD và TMD (hệ thống phòng thủ tên lửa chiến trường) sẽ là ngày giải trừ vũ trang hạt nhân của Trung Quốc”. Nói như vậy tuy có chút khoa trương nhưng cũng không phải là cố ý hù dọa. Sự phát triển vũ khí hạt nhân của Mỹ một mặt đi theo hướng thực dụng hóa, biến vũ khí hạt nhân từ vũ khí chiến lược thành vũ khí chiến dịch và chiến thuật, biến nó từ loại “vũ khí dọa người” to xác cồng kềnh nhưng khó sử dụng thành “vũ khí đánh người” thực tế có thể sử dụng, biến thành “vũ khí hạt nhân thông thường” có uy lực lớn. Mặt khác lại phát triển theo hướng tuyệt đối hóa, tức là thông qua hai hệ thống phòng thủ tên lửa quốc gia và chiến trường nhằm bảo đảm an toàn tuyệt đối cho nước Mỹ trước sự đe dọa của vũ khí hạt nhân. An toàn tuyệt đối của Mỹ còn có một mặt nữa là sự tuyệt đối không an toàn của người khác, tức là muốn để cái công tắc hòa bình và an ninh thế giới hoàn toàn nắm trong tay người Mỹ, chẳng khác gì giải trừ toàn bộ vũ khí hạt nhân của người khác. Dưới điều kiện vũ khí hạt nhân, an toàn của các nước lớn trở thành con tin của nhau. Bạch Vạn Cương, chuyên gia số một của Trung Quốc về quản lý tập đoàn và chiến lược tập đoàn từng nói: “Dưới tiền đề lực lượng hạt nhân Trung Quốc còn kém Mỹ một khoảng cách lớn, Trung Quốc chưa hình thành khả năng thực sự hủy diệt toàn diện nước Mỹ mà chỉ có khả năng hủy diệt hạt nhân có mức độ; trong chiến lược đối với Trung Quốc nước Mỹ chưa hề coi Trung Quốc là đối thủ ngang tài ngang sức mà lợi ích quốc gia của đối thủ đó tuyệt đối không thể bị xâm phạm; trong chiến dịch eo biển Đài Loan có thể xảy ra trong tương lai, chỉ cần Trung Quốc thiếu năng lực răn đe hạt nhân cuối cùng chắc chắn hủy diệt Mỹ, thì bất kể Trung Quốc có hay không có khả năng thắng cuộc chiến tranh cục bộ tiêu diệt tàu sân bay Mỹ, thì Mỹ sẽ tiến hành can thiệp quân sự, đây là lựa chọn chiến tranh của Mỹ dưới sự răn đe hạt nhân và bảo vệ hạt nhân; năng lực răn đe hạt nhân hiện có của Trung Quốc có thể đe dọa một phần nước Mỹ nhưng còn xa mới đủ, hơn nữa còn có thể bị làm suy yếu. Vì vậy cho dù công cuộc hiện đại hóa Trung Quốc phát triển tới đâu, kể cả việc năng lực thắng chiến tranh cục bộ dưới điều kiện công nghệ cao của Trung Quốc có bứt phá thế nào đi nữa, chỉ cần Mỹ tiếp tục có ưu thế hạt nhân với Trung Quốc thì quyền chủ động chiến lược của Trung Quốc đối với Mỹ sẽ luôn luôn nằm trong tay Mỹ chứ không phải trong tay Trung Quốc! Chỉ cần chiến lược an ninh quốc gia và chiến lược quân sự Trung Quốc thiếu sức mạnh hạt nhân to lớn có năng lực hoàn toàn cân bằng và triệt tiêu lực lượng bá quyền Mỹ thì an ninh Trung Quốc luôn luôn ở vào thế nguy hiểm, công cuộc hiện đại hóa Trung Quốc đang tiến hành sẽ có khả năng bị ngoại lực làm gián đoạn, quyền sống còn của dân tộc Trung Hoa sẽ luôn luôn chưa có bảo đảm căn bản”.

Sự phân tích của Bạch Vạn Cương rất có tầm nhìn. Cơ sở vật chất của chiến tranh lạnh là vũ khí hạt nhân, sự cân bằng hạt nhân đáng sợ giữa Mỹ với Liên Xô chính là bảo đảm căn bản cho hòa bình thế giới (tuy là hòa bình lạnh) trong những năm tháng chiến tranh lạnh. Từ nay trở đi, hòa bình thế giới, nhất là hòa bình giữa các nước lớn, vẫn dựa vào sự kiểm soát sức mạnh quân sự kể cả vũ khí hạt nhân. Trong một thời gian, sự trỗi dậy của Trung Quốc chưa thể và cũng chưa cần có lực lượng hạt nhân ngang với Mỹ, chưa thể tiến hành chạy đua vũ trang hạt nhân với Mỹ, nhưng Trung Quốc nhất định phải hết sức nhanh chóng có sức mạnh cùng chết với Mỹ. Đây là nhu cầu chiến lược an ninh quốc gia Trung Quốc. Trừ khi một ngày nào đó “thế giới không hạt nhân” của Obama thực sự trở thành hiện thực.

Trỗi dậy về quân sự không phải là để đánh Mỹ mà là để không bị Mỹ đánh

Trong một thời gian khá dài, Trung Quốc về quân sự còn không thể và cũng không cần vượt Mỹ, song giới hạn thấp nhất của sự trỗi dậy quân sự của Trung Quốc phải là không bị quân đội Mỹ đánh. Quân đội Mỹ không dám đánh quân đội Trung Quốc, có đánh cũng không thắng, quân đội Trung Quốc có thể ở vào thế không thua khi dàn trận đối phó với quân đội Mỹ - đây là nhu cầu chiến lược và tiêu chuẩn chiến lược của sự trỗi dậy quân sự Trung Quốc. Vì mục tiêu trỗi dậy quân sự của Trung Quốc không phải là đánh thắng quân đội Mỹ mà chỉ là phải bảo đảm quân đội Trung Quốc không bị quân đội Mỹ đánh thắng, cho nên sự trỗi dậy quân sự của Trung Quốc trên mục tiêu này không đe dọa quân đội Mỹ, mà là muốn loại trừ mối đe dọa của quân đội Mỹ đối với quân đội Trung Quốc. Đây là đặc trưng sự trỗi dậy quân sự của Trung Quốc, tức tính tự vệ, tính phòng ngự, tính hòa bình, tính hữu hạn, tính tất yếu, tính quan trọng, tính bức thiết của sự trỗi dậy quân sự có đặc sắc Trung Quốc.

Điều này cũng quyết định sự trỗi dậy quân sự của Trung Quốc chưa thể và cũng chưa cần tiến hành chạy đua vũ trang với Mỹ, bởi lẽ mục tiêu và hàm nghĩa của chạy đua vũ trang là hai bên trong cuộc đua đều phải chiếm được ưu thế chiến lược trước đối phương về sức mạnh quân sự, coi việc có sức mạnh áp đảo và chiến thắng đối phương về quân sự là mục tiêu chạy đua. Dĩ nhiên vào thời điểm nào đó trong thế kỷ XXI, khi đủ điều kiện thì ắt thành công, trong tình hình tự nhiên hòa bình, Trung Quốc trở thành nhất thế giới về sức mạnh quân sự thì điều đó chẳng phải là việc xấu, cũng không phải là sự đe dọa Mỹ, mà là sự tăng cường lực lượng hòa bình - như Đặng Tiểu Bình từng nói: Trung Quốc là một lực lượng bảo vệ hòa bình, Trung Quốc càng lớn mạnh thì thế giới càng hòa bình. Một dũng sĩ văn minh võ nghệ cao cường đeo bảo kiếm thì không phải là mối đe dọa đối với người tốt, chỉ là mối đe dọa lũ kẻ cướp; nhưng một kẻ tội phạm cho dù trong tay chỉ có con dao phay thôi thì cũng là mối đe dọa đối với loài người lương thiện.

Trung Quốc trỗi dậy về quân sự cần có lực lượng quân sự lớn mạnh, đây là lực lượng có thể bảo vệ hữu hiệu và thực hiện thống nhất quốc gia, ngăn chặn và tấn công thế lực chia rẽ đất nước, lực lượng có thể ngăn cản hữu hiệu việc Mỹ tiến hành can thiệp quân sự tại eo biển Đài Loan, lực lượng này sẽ buộc Mỹ không dám tiến hành một cuộc chiến tranh ủng hộ thế lực Đài Loan độc lập. Sự trỗi dậy về quân sự của Trung Quốc cần phải buộc Mỹ đứng trước lực lượng quân sự lớn mạnh của Trung Quốc sẽ chịu không nổi cái giá phải trả cho việc dùng chiến tranh ngăn chặn Trung Quốc, không dám ra quyết sách dùng chiến tranh để ngăn chặn Trung Quốc, qua đó làm cho quá trình Mỹ ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc bị hạn chế ở trong giới hạn “hòa bình ngăn chặn”. Thực lực quân sự Trung Quốc phải lớn mạnh tới mức bất cứ kẻ địch mạnh nào trên thế giới đều không dám và cũng không thể dùng lực lượng quân sự để ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc. Sự trỗi dậy quân sự ấy phải làm cho Trung Quốc có lực lượng quân sự để gìn giữ hòa bình, để làm tròn trách nhiệm của Trung Quốc trên vấn đề hòa bình thế giới và trật tự thế giới.

Trong bài đăng trên “Thời báo Hoàn cầu” số ra ngày 27 tháng 11 năm 2009, Doug Bandow nghiên cứu viên cấp cao Viện Nghiên cứu Cato (Mỹ) viết: “Trên mức độ rất lớn, triển vọng của thế kỷ XXI phụ thuộc vào mối quan hệ giữa Mỹ với Trung Quốc. Điều làm cho các nhà quyết sách Mỹ lo lắng nhất không phải là sự phát triển kinh tế Trung Quốc mà là lực lượng quân sự nước này. Lầu Năm Góc năm nào cũng công bố một báo cáo về chi phí quân sự của Trung Quốc. Thế nhưng cho dù cuộc diễu binh quốc khánh của Trung Quốc với 8.000 quân nhân và 151 máy bay tham gia có làm người ta lóa mắt đến đâu thì sức mạnh quân sự của Bắc Kinh vẫn còn xa mới bằng được Mỹ. Quân đội Mỹ mạnh nhất toàn cầu, bộ đội mặt đất của Mỹ được huấn luyện tốt hơn, có trang bị và chuẩn bị chiến đấu tốt hơn quân đội Trung Quốc. Kho vũ khí hạt nhân của Washington lớn hơn, tiên tiến hơn. Không quân Mỹ là vô địch. Mỹ có 11 biên đội tàu sân bay mà Trung Quốc chưa có tàu sân bay nào. Chi phí quân sự của Mỹ năm 2009 (năm tài chính tính đến ngày 30 ngày 9) vào khoảng 700 tỷ USD, gấp khoảng 7 lần Trung Quốc. Nếu trừ đi chi phí chiến tranh hiện nay thì chi phí quân sự Mỹ gấp 5 của Trung Quốc. Cho dù Trung Quốc tăng tốc hiện đại hóa quân sự thì cũng cần nhiều năm, nếu chưa nói là hàng chục năm thì mới có thể sánh vai với chi phí quân sự Mỹ, càng chưa nói là Trung Quốc dẫn đầu. Bởi vậy, nếu nói Trung Quốc trong một thời gian trung hạn hoặc ngắn hạn sẽ trở thành mối đe dọa an ninh của nước Mỹ thì dường như là chuyện viển vông. Vấn đề thực sự là Mỹ có năng lực tấn công Trung Quốc hay không”.

Cựu quan chức Lầu Năm Góc Charles Freeman từng nói Trung Quốc “không có ý định tiến hành một cuộc chiến tranh tại nước Mỹ, thế nhưng chúng ta đã lập nhiều kế hoạch tấn công người Trung Quốc trên lãnh thổ của họ”. “Hiện nay Trung Quốc đang phát triển lực lượng quân sự có thể ngăn ngừa sự can thiệp của Mỹ. Bắc Kinh không cần phải có khả năng đánh bại Mỹ, thậm chí không cần sánh vai về quân lực với Mỹ; Trung Quốc chỉ cần xây dựng một lực lượng bảo hiểm đủ sức có thể ngăn ngừa Washington sử dụng quân lực siêu mạnh của họ. Trong một số giới nhân vật Mỹ, có người gần như phát điên lên trước khả năng Trung Quốc có một tàu sân bay. Tình hình quân sự trên Thái Bình Dương đang có biến đổi nhưng không phải là do người Trung Quốc có ngày sẽ sở hữu một số lượng nhỏ tàu sân bay chất lượng không cao, mà là do họ đang lên kế hoạch đối phó tàu sân bay và các lực lượng quân sự truyền thống khác của chúng ta. Để ngăn ngừa sự can thiệp của Mỹ, Trung Quốc đang phát triển lực lượng hạt nhân đủ để chống chọi sức ép hạt nhân của Washington, phát triển tên lửa và tàu ngầm để tấn công tàu sân bay Mỹ, dùng thủ đoạn tác chiến phi đối xứng làm mù mắt các vệ tinh Mỹ, phá hoại hệ thống điện tử của Mỹ”.

Có thể thấy sự trỗi dậy quân sự của Trung Quốc không phải là để đánh Mỹ mà là để không bị Mỹ đánh. Người Mỹ đều rất hiểu rõ mục đích này của việc Trung Quốc tăng cường quân đội. Vạch trần “Thuyết Trung Quốc đe dọa”, tăng cường “Lực răn đe của Trung Quốc”

Trong thiên nhiên, các loài động vật có năng lực tấn công thì tương đối được an toàn hơn cả. Các động vật có năng lực phòng ngự tuy không được an toàn như động vật loại tấn công nhưng năng lực phòng ngự cũng là một loại năng lực an toàn. Cho dù không có năng lực tấn công và năng lực phòng ngự, các động vật có năng lực chạy trốn cũng có thể biến nguy hiểm thành yên lành và giữ được tính mạng. Nhưng một nước lớn nếu không có sức răn đe cần thiết thì tất nhiên sẽ ở vào tình thế bị kẻ khác đe dọa.

Trung Quốc xưa nay chưa từng là một quốc gia đe dọa kẻ khác. Nhưng sự trỗi dậy của Trung Quốc tất nhiên là sự răn đe đối với quốc gia bá quyền, loại răn đe ấy không phải là việc xấu, nó là nhân tố có lợi cho việc thúc đẩy nền dân chủ thế giới, chế ngự chủ nghĩa bá quyền. Trong một quốc gia dân chủ, biện pháp ngăn ngừa sự ngang ngược của quyền lực là dùng quyền lực để kiểm soát quyền lực; trong một thế giới dân chủ, biện pháp kiểm soát bá quyền là dùng sức mạnh để kiểm soát sức mạnh.

Lực răn đe của Trung Quốc là uy vũ, uy nghiêm tất phải có của một nước lớn. Một nước lớn không có lực răn đe tất nhiên là một nước lớn không có uy nghiêm. Trung Quốc trỗi dậy vừa cần vạch trần “Thuyết Trung Quốc đe dọa” lại cần gấp rút xây dựng lực răn đe của Trung Quốc; cần không ngừng mở rộng sức mạnh răn đe của mình, hơn nữa còn cần biểu đạt ý chí răn đe và và quyết tâm răn đe, cần làm cho những kẻ xâm hại lợi ích quốc gia Trung Quốc nhất là những kẻ hòng muốn có được lợi ích cốt lõi của Trung Quốc, biết sức mạnh và quyết tâm, ý chí sử dụng sức mạnh của Trung Quốc. Uy vũ, răn đe, đe dọa là ba khái niệm khác nhau. Uy vũ là sức mạnh mà một quốc gia, một đội quân có được một cách khách quan. Răn đe là tác dụng và ảnh hưởng tâm lý phát sinh bởi sự tồn tại của sức mạnh đó. Đe dọa là sức mạnh vừa có ác ý và cố ý bá quyền, lại gây nguy hại cho kẻ khác. Trong rừng, dê là loài nhu nhược, không đe dọa và cũng không có sức răn đe bất kỳ động vật nào khác. Hổ và sói thuộc loài thú dã man, là kẻ đe dọa an toàn trong rừng. Voi là loài thú uy vũ, to lớn, mạnh mẽ, có sức răn đe nhưng không phải là mối đe dọa các loài động vật khác.

Trung Quốc thượng võ là Trung Quốc uy vũ mà không đe dọa, Trung Quốc không phải là loài dê trong cộng đồng quốc tế, - như Trung Quốc sau cuộc chiến tranh Thuốc Phiện để cho nước ngoài tùy ý xâu xé, - cũng không làm loài hổ và sói trong cộng đồng quốc tế, đóng vai kẻ mạnh, kẻ bá chủ, bắt nạt những kẻ nhỏ yếu. Trung Quốc thượng võ tựa như chú voi uy vũ, các động vật nhỏ yếu khi đứng trước nó không cảm thấy bị đe dọa, các động vật dã man khi đứng trước nó thì cảm thấy bị răn đe mà không dám làm bậy.

Trung Quốc cần xây dựng một lực lượng quân sự như thế nào, điều đó phải căn cứ vào nhu cầu an ninh của Trung Quốc chứ không thể căn cứ theo nhu cầu bá quyền của Mỹ, không thể bị chuyển dịch bởi cảm thụ của Mỹ. Khi nào vũ khí hạt nhân của Trung Quốc có thể chọc thủng bất cứ hệ thống phòng thủ tên lửa nào, nhờ đó mà có năng lực đánh trả, phản kích kẻ địch mạnh, khi biên đội tàu sân bay hải quân hùng mạnh của Trung Quốc có thể cưỡi sóng vượt đại dương, khi không quân và lục quân Trung Quốc có năng lực cơ động chiến lược mạnh mẽ, năng lực bắn xa, năng lực đột kích nhanh chóng thì mối quan hệ quân sự giữa Trung Quốc với Mỹ sẽ càng thêm ổn định, hòa bình khu vực và hòa bình thế giới càng có bảo đảm.