Cuộc Chiến Tranh Bắt Buộc - Phần II - Chương 9

Ngày 28-1-1984, Sở chỉ huy sư đoàn bộ binh 309 được triển khai dưới chân cao điểm 229, về phía đông, để chỉ huy trận mở màn đánh chiếm căn cứ trung đoàn bộ binh của địch ở bắc Ô-đa. Trên cao điểm này là đài quan sát của trinh sát sư đoàn và một tổ thông tin liên lạc được trang bị cả máy vô tuyến và hữu tuyến.

Trung đoàn bộ binh 31 là lực lượng chủ yếu, tiến công từ hướng đông nam vào mục tiêu. Trung đoàn bộ binh 96 làm nhiệm vụ luồn sâu, vu hồi qua đất Thái Lan chặn địch tháo chạy. Trung đoàn bộ binh 271 tổ chức một mũi đánh chia cắt địch và chặn địch từ căn cứ này chạy về hướng Sơ-đa.

Nói tóm lại kế hoạch đánh chiếm căn cứ bắc Ô-đa lần này gần giống với lần trước, chỉ có khác là thêm mũi vu hồi vượt qua biên giới để đánh vào phía sau căn cứ của chúng. Còn lực lượng thì có thay đổi là trung đoàn bộ binh 271 đảm nhiệm tiến công trên hướng của trung đoàn bộ binh 96 trước đây (tức là từ phía đông tiến ra chia cắt địch ở đoạn giữa Ô-đa và Sơ-đa).

Đêm ngày 2 tháng 2, các đơn vị bộ binh vào chiếm lĩnh.

Tại Sở chỉ huy của sư đoàn, các cán bộ chỉ huy có mặt đông đủ, gồm tôi, đồng chí Nguyễn Thành Út (phó sư đoàn trưởng về chính trị), đồng chí Trần Văn Kế - phó sư đoàn trưởng - tham mưu trưởng và các đồng chí đầu ngành, chủ chốt của các cơ quan sư đoàn, theo dõi sự ra quân của các đơn vị với một tâm trạng hồi hộp, lo lắng. Lo nhất là mũi vu hồi của trung đoàn bộ binh 96. Bởi vì đường hành quân tiếp cận của trung đoàn vừa xa, vừa phức tạp về địa hình, lại phải vượt qua biên giới Thái Lan trong điều kiện ban đêm. Tuy trung đoàn bộ binh 96 hoạt động ở khu vực này đã mấy năm qua, nhưng bản thân đồng chí thiếu tá trung đoàn trưởng Đặng Thế Sơn chưa có nhiều kinh nghiệm. Là một cán bộ khung của học viện lục quân mới điều về, đồng chí chưa có dịp để đưa những kiến thức ở nhà trường vào trong thực tế chiến đấu.

Để tạo điều kiện cho trung đoàn bộ binh 96 thực hiện ý định của trận đánh, sư đoàn đã tăng cường một tổ trinh sát cho trung đoàn. Chúng tôi cũng đã kéo dây điện thoại từ Sở chỉ huy sư đoàn đi theo trung đoàn để kịp thời nắm tình hình và chỉ đạo trung đoàn bộ binh 96 trong hoàn cảnh có thể.

Trên các hướng khác, tình hình có thuận lợi hơn. Địch ở trong căn cứ thỉnh thoảng bắn cối 120 mm ra. Nhiều quả đạn rơi sát Sở chỉ huy. Kinh nghiệm cho thấy, khi địch bắn vu vơ, ngại nhất là quả đạn đầu. Sau khi đã xác định được hướng bắn của địch thì mọi người đều vô tư mà nhảy lên khỏi công sự.

Trong hầm chỉ huy, thỉnh thoảng đồng chí trợ lý tác chiến lại gọi dây nói cho trung đoàn 96:

- Hiện nay trung đoàn đến đâu rồi, anh Sơn?

- Đang đi! - Đầu dây bên kia trả lời.

Lát sau, đồng chí trợ lý tác chiến lại gọi dây hỏi và cũng chỉ nhận được câu trả lời như vậy. Do đó, đồng chí trợ lý tác chiến không biết vẽ mũi tên màu đỏ lên bản đồ ở chỗ nào.

Thấy sốt ruột quá, tôi liền phái cán bộ cơ quan lần theo đường dây điện thoại để đi xuống kiểm tra. Quả nhiên đội hình đi rất chậm, có lúc hầu như ngồi tại chỗ. Đã 5 giờ sáng, thay vì đã triển khai đội hình ở phía sau căn cứ địch rồi mà đội hình trung đoàn bộ binh 96 còn xa đường biên giới phía Campuchia khoảng 2 - 3 km. Chúng tôi cho rằng, về khách quan, trên hướng trung đoàn bộ binh 96 có khó khăn về nhiều mặt, nhưng cái chính là người chỉ huy chưa có những biện pháp kiên quyết và kịp thời để tổ chức thực hiện bằng được kế hoạch chiến đấu đã đề ra. Và sau khi các hướng đã nổ súng (xin nói là tất cả các trận tiến công của ta vào các căn cứ địch đều được thực hiện vào ban ngày), đúng ra trung đoàn phải theo hướng súng nổ mà tiếp tục vận động, hình thành thế bao vây bên sườn và phía sau căn cứ địch, nhưng trung đoàn bộ binh 96 cũng vẫn không làm được.

Đúng 6 giờ trên hướng chủ yếu, sau những loạt pháo bắn chuẩn bị, trung đoàn bộ binh 31 dưới sự chi viện trực tiếp của hỏa lực đi cùng và xe tăng đã tiến công mãnh liệt vào căn cứ địch. Bọn địch tháo chạy về hướng bắc, gặp phải mũi chia cắt, đón lõng của trung đoàn bộ binh 271, bị tiêu diệt một số (trung đoàn bộ binh 271 tiêu diệt được một toán địch thu được một số súng, trong đó có một khẩu ĐKZ75). Toàn bộ số địch còn lại vượt qua biên giới sang đất Thái Lan.

Ta hoàn toàn làm chủ căn cứ địch và tiếp tục phát triển lên hướng bắc đánh chiếm khu vực Sơ-đa.

Trong trận này ta đã tiêu diệt 59 tên, thu 11 khẩu cối 120 mm, 2 khẩu ĐKZ75 cùng nhiều vũ khí đạn được của chúng. Tại Sở chỉ huy tiền phương của Mặt trận 479, tôi báo cáo lại toàn bộ tình hình diễn biến chiến đấu đợt 1 của sư đoàn.

Đồng chí thượng tướng Lê Đức Anh, tư lệnh Mặt trận 719 đã tỏ ý không hài lòng với mũi vu hồi của trung đoàn bộ binh 96. Đồng chí tư lệnh 719 rất nghiêm khắc, may sao đồng chí thượng tướng Nguyễn Minh Châu phát biểu:

- Với đối tượng này đánh tiêu diệt rất khó. Ngay từ đầu chúng tôi cũng chỉ đặt ra mục tiêu đánh chiếm căn cứ để thực hiện ý định là xây dựng tuyến phòng thủ…

Nhớ lại cuộc hội nghị quân chính ở Mặt trận, trước khi bước vào chiến dịch, chúng tôi cũng đã bàn bạc rất kỹ về mục tiêu, nhiệm vụ của chiến dịch, về tư tưởng chỉ đạo tác chiến. Cuối cùng vấn đề được đặt ra là: Mục tiêu chính là xây dựng tuyến phòng thủ dọc biên giới, còn đánh chiếm các căn cứ là một trong những biện pháp hàng đầu của các lực lượng vũ trang nhằm bảo đảm đưa dân lên để thi công các công trình phòng thủ.

Tôi hiểu ý của đồng chí tư lệnh Quân khu 7 là lấy việc đánh chiếm căn cứ địch để xây dựng tuyến phòng thủ. Còn tiêu diệt sinh lực địch là yêu cầu phải đạt được để làm chủ căn cứ của chúng.

Là những người chỉ huy thừa hành nhiệm vụ, dẫu sao chúng tôi cũng thấy mình có lỗi. Trước hết, dù hình thái chiến thuật nào cũng vậy, phải quán triệt tư tưởng chỉ đạo tác chiến là đánh tiêu diệt. Có tiêu diệt sinh lực địch mới làm chủ được trận địa và làm cho chúng ngày càng suy yếu. Trong trận này - như đã nói ở trên - nếu mũi vu hồi thành công thì thật là đẹp. Dù không diệt gọn được địch, nhưng trận đánh vẫn thể hiện được tư tưởng chỉ đạo trong chiến thuật tiến công.

Song song với việc đánh chiếm các căn cứ trên tuyến biên giới, trong nội địa, chính quyền cách mạng Campuchia từ Trung ương đến địa phương đã huy động rất lớn lực lượng nhân dân từ các tỉnh và thành phố đổ về các khu vực để xây dựng tuyến phòng thủ. Trên các ngả đường khắp đất nước, từng đoàn người xe cộ ùn ùn kéo lên biên giới. Chưa có lúc nào khí thế cách mạng lại dâng cao như những ngày này. Thế mới biết, khi đã làm tốt công tác vận động quần chúng, thì sức mạnh của nhân dân là vô bờ bến.

Trên tuyến biên giới phía tây tỉnh Bát Tam Băng, tập trung hàng vạn người dân từ các tỉnh và thành phố Phnôm Pênh hối hả làm việc. Dưới sự hướng dẫn và tổ chức của các ban chỉ đạo, công trường bắt đầu tiến hành thi công các hạng mục công trình, trước hết là mạng đường sá từ trong nội địa ra. Trên các con đường như đường số 10, từ khu vực Ba Núi vào đạp nước Pinh Pôi đến Tà Hen, rồi theo đường 58 lên Sơ-rên-an-tiếc; đường từ Bà Văn lên Ăm-pin - Prăm-đơm đến Nam-sấp, hoặc đường từ Si-sô-phôn lên Sa-vai-chếch và nhiều con đường khác tấp nập người, xe. Chỉ cách đây có mấy năm, dưới thời Pôn Pốt, những con người này là nạn nhân của chế độ hà khắc, họ lao động khổ sai dưới mũi súng, dao búa của bọn đồ tể thì ngày nay, họ lại lao động với tinh thần hăng say, tự nguyện. Dưới chế độ mới, họ đang xây dựng lại đất nước với tất cả quyền lợi và nghĩa vụ của người công dân. Những chàng trai, những cô gái từ nông thôn đến thành thị, từ các công nông trường, xí nghiệp đến cơ quan, trường học… tất cả đều đổ về đây để được đóng góp sức mình cho sự nghiệp cách mạng, để bảo vệ xây dựng đất nước ngày một tốt hơn.

Trong các ban chỉ đạo hỗn hợp, bộ đội tình nguyện Việt Nam, chuyên gia Việt Nam sát cánh cùng cán bộ chính quyền và lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia đã tận tình hướng dẫn cho nhân dân làm mọi công việc. Tiếng nổ phá đá ầm ầm trên các sườn núi. Những đoàn xe bò, xe đẩy, xen kẽ với xe ô tô trên chở đất đá cùng dân công hối hả làm việc. Mặt đường, khói bụi bay mù mịt. Dưới ánh nắng chói chang của mùa khô, ai nấy mồ hôi ướt đẫm cả quần áo, nhưng nét mặt vui tươi, vẫn nói cười rạng rỡ.

Chúng tôi cảm phục và xúc động trước khí thế Campuchia của quần chúng.

Những con đường trước đây chỉ là một lối mòn, hai bên đường cây cối rậm rạp, mùa mưa thì lầy lội, đang dần dần được mở rộng ra, được đắp cao lên và rải đá. Những chiếc cầu đã bị hư hỏng do địch đánh phá hoặc do lâu ngày bị sập, mùa mưa thường bị chia cắt giữa các khu vực, thì đã và đang được bắc lại chắc chắn hơn.

Để hoàn thành nhiệm vụ quét sạch căn cứ địch trên tuyến biên giới, để các lực lượng kỹ thuật rà phá mìn địch, và để tổ chức thi công các công trình phòng thủ, ngày 25-2-1985, Sở chỉ huy tiền phương Mặt trận 479 quyết định tiến công đánh chiếm các mục tiêu, chủ yếu là căn cứ Phnôm Mê Lai, căn cứ của cái gọi là “Văn phòng trung ương 3 phái” thuộc chính phủ phản động Campuchia. Đây là mục tiêu chủ yếu của chiến dịch và là mục tiêu cuối cùng trên hướng này. Song song với việc tiến công căn cứ Cao Mê Lai, trên biên giới của Campuchia ở hướng bắc, các lực lượng khác của ta và Bạn cũng tiến công đánh chiếm căn cứ Đăng-cum của sư đoàn bộ binh 519 địch.

Tại căn cứ Phnôm Mê Lai tất cả các lực lượng thuộc sư đoàn bộ binh 320 Pôn Pốt từ Ô-đa, Sơ-đa và trong nội địa, bị tiến công đều dồn về đây, ước tính có cả hàng ngàn tên và gia đình của chúng. Nơi đây có đường biên. Phía trong vòng cung là giới hình vòng cung tạo thành một góc gần 90ođất Campuchia, phía ngoài vòng cung này là lãnh thổ Thái Lan. Do đó, địch dựa vào vòng cung này chống trả ta quyết liệt, khi có nguy cơ bị tiêu diệt, thì dễ dàng chạy thoát sang đất Thái Lan.

Lực lượng tham gia tiến công căn cứ Cao Mê Lai gồm có hai sư đoàn bộ binh, hai tiểu đoàn xe tăng và các lực lượng pháo binh được tăng cường. Cụm pháo binh hỗn hợp của Mặt trận 479 vẫn đặt ở Nam-sấp chi viện chung cho các hướng.

Hướng tiến công chủ yếu là sư đoàn bộ binh số 7 của Quân đoàn 4, do đại tá sư đoàn trưởng Nguyễn Hữu Mão chỉ huy. Ở trên chiến trường Campuchia tôi đã được nghe nói đến đồng chí Mão, nhưng chưa được gặp bao giờ. Đồng chí là một cán bộ thuộc Quân đoàn 3 ở Tây Nguyên, được điều về Quân đoàn 4 và trở thành người chỉ huy sư đoàn. Đồng chí ít tuổi hơn tôi, có dáng người cao, thanh thoát và vui tính. Trong công việc, đồng chí hăng hái, trong sinh hoạt đồng chí rất mạnh dạn phê phán những điều sai trái. Do đó có nhiều người ủng hộ, nhưng cũng không ít có những ý kiến trái ngược. Sau này, từ những năm 90 trở đi, tôi và đồng chí Mão cùng công tác với nhau ở Quân đoàn 4: đồng chí là phó tư lệnh chung, còn tôi là phó tư lệnh - tham mưu trưởng Quyết định. Trong trận này sư đoàn của đồng chí đảm nhiệm tiến công trên hướng chủ yếu theo trục đường từ phía đông tiến thẳng vào căn cứ Cao Mê Lai.

Ở phía nam, sau khi sư đoàn bộ binh 309 đánh chiếm Sơ-đa, cách căn cứ Phnôm Mê Lai khoảng dưới 3 km, chúng tôi được giao nhiệm vụ đảm nhiệm hướng tiến công thứ yếu từ phía nam lên. Trên hướng này, hình thành hai mũi: một mũi đánh chiếm dãy điểm cao phía nam căn cứ địch, còn một mũi dọc theo đường đất đỏ từ Sơ-đa tiến thẳng vào căn cứ. Phía sau căn cứ địch không có lực lượng và thuộc phần lãnh thổ của Thái Lan. Hướng này, có thể trong quá trình tiến công ta sẽ sử dụng pháo binh bắn chặn.

Trước ngày tiến công (25-2) cụm pháo binh Mặt trận đã tiến hành bắn phá liên tục vào căn cứ địch. Trên hướng của sư đoàn bộ binh số 7 cũng đã sử dụng đến hỏa tiễn BM13 (cachiusa) tham gia cùng với cụm pháo để bắn dọn đường.

7 giờ sáng ngày 25 tháng 2, ta bắt đầu nổ súng. Sau những đợt pháo bắn dồn dập, bộ binh trên các hướng, dưới sự chi viện trực tiếp của hỏa lực xe tăng và pháo cối đồng loạt tiến công. Địch trong căn cứ dùng cối 120 mm và sơn pháo 85 bắn chặn. ĐKZ75 của chúng đặt trên Phnôm Mê Lai bắn xuống đội hình của sư đoàn bộ binh 309. Tuy nhiên trên hướng này có thuận lợi hơn về mặt địa hình.

Đến 9 giờ, một tiểu đoàn thuộc trung đoàn bộ binh 271 tăng cường cho sư đoàn bộ binh 309 đã đánh chiếm được cao điểm Phnôm Mê Lai. Trung đoàn bộ binh 31 thuộc sư đoàn bộ binh 309 tiến theo đường biên giới cùng với xe tăng cũng đã áp sát được mục tiêu vòng ngoài của căn cứ địch, cách trung tâm của chúng chừng 500 m.

Trên hướng của sư đoàn bộ binh số 7, sau khi lực lượng của ta lên đánh chiếm cao điểm 318 (phía đông căn cứ địch khoảng 500 m), thì đội hình sư đoàn bộ binh 7 tiến công theo trục đường. Song, tốc độ tiến công có phần chậm lại, vì địch ngăn chặn và trên đường rất nhiều mìn.

Tôi biết trên hướng này chỉ có một con đường độc đạo, rải đá từng đoạn, có đến 2-3 cái cầu nhỏ và nhất là hai bên đường rậm rạp rất khó đi. Nếu không tổ chức thật tốt việc khắc phục vật cản - nhất là mìn địch thì tốc độ tiến công sẽ rất chậm, có khi phải trả giá đắt.

Tôi còn nhớ vào khoảng gần cuối mùa khô 1982, cũng trên khu vực này - ở phía nam Phnôm Mê Lai, do không khắc phục được vật cản mìn địch, sư đoàn bộ binh số 5 đã bị mất 2 chiếc xe tăng. Đội hình tiến công phải dừng lại. Lập tức, địch từ trong căn cứ dùng các loại hỏa lực như cối 120 mm, cối 82 mm bắn ra xung quanh những chiếc xe đang nằm dó, bộ đội ta đang trong hành tiến, không có công sự, bị thương vong khá nhiều. Đồng chí thiếu tướng Lê Chí Thuận, phó tư lệnh Mặt trận 479 đã lệnh cho sư đoàn bộ binh 309 chúng tôi tổ chức một lực lượng từ phía tây nam lên giải quyết hậu quả.

Còn bây giờ, trên hướng của sư đoàn bộ binh số 7, chúng tôi cũng đã lường trước được những khó khăn ở đây. 10 giờ, trên hướng thứ yếu sư đoàn bộ binh 309 (xin nói rõ là trên hướng này chỉ sử dụng có hai trung đoàn bộ binh là trung đoàn bộ binh 31 và trung đoàn bộ binh 271. Còn trung đoàn bộ binh 96 chốt giữ các mục tiêu vừa mới chiếm được từ Ô-đa đến Sơ-đa) đã đánh chiếm được toàn bộ căn cứ Phnôm Mê Lai và phát triển xuống phía đông. Đến 10 giờ 45 phút cùng ngày thì bắt liên lạc được với sư đoàn bộ binh số 7.

Toàn bộ địch còn lại trong căn cứ Phnôm Mê Lai chạy qua biên giới Thái Lan và sau này lại gây nhiều phức tạp cho nhà cầm quyền Thái.

Như vậy đến 11 giờ, ta hoàn toàn làm chủ căn cứ địch, kết thúc giai đoạn tiến công trên hướng tây tỉnh Bát Tam Băng. Trên hướng bắc, sư đoàn bộ binh số 5 và các lực lượng khác cũng đã làm chủ được căn cứ Đăng-cum của địch.

Kết quả, riêng hướng của sư đoàn bộ binh 309 đã tiêu diệt tại chỗ 101 tên địch, thu một số vũ khí, và một kho súng trên 1.000 khẩu các loại cùng toàn bộ quân trang quân dụng của địch.

Tổng kết toàn bộ hoạt động quân sự mùa khô 1984 - 1985, sư đoàn bộ binh 309 đã được đánh giá là hoàn thành tốt nhiệm vụ, với 125 trận đánh lớn nhỏ, loại khỏi vòng chiến đấu 545 tên địch, thu 1249 khẩu súng các loại - trong đó có 11 khẩu cối 120 mm, 6 khẩu ĐKZ75, 4 khẩu 12,7 mm, 4 khẩu súng chống tăng B40, 132 tấn đạn dược và nhiều đồ dùng quân sự khác. Sư đoàn cùng các đơn vị Bạn trên hướng này đã đánh tan sư đoàn bộ binh 320 Pôn Pốt gồm các trung đoàn bộ binh 909, 905, 370 và hai trung đoàn thuộc sư đoàn bộ binh 415, chiếm toàn bộ các căn cứ của chúng trên chiều dài 60 - 80 km dọc biên giới Campuchia - Thái Lan. Đặc biệt sư đoàn đã cùng với sư đoàn bộ binh số 7, thuộc Quân đoàn 4 đập tan cái gọi là “Văn phòng trung ương 3 phái” tại căn cứ Phnôm Mê Lai.

Từ kết quả hoạt động của mùa khô, về mặt tác chiến, sư đoàn bộ binh 309 được Đảng và Nhà nước ta tặng thưởng huân chương Độc lập hạng nhất, huân chương Chiến công hạng nhất và 34 huân chương Chiến công các loại cho các tập thể và cá nhân đã lập được thành tích xuất sắc trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu và giúp Bạn.

Như vậy là trong hơn một tháng đầu mùa khô 1984 - 1985, ta đã hoàn thành cơ bản một trong hai nhiệm vụ của chiến dịch K5 là tiến công triệt phá hoàn toàn các căn cứ của địch dọc tuyến biên giới Campuchia - Thái Lan. Nhiệm vụ này thắng lợi có ý nghĩa vô cùng lớn lao đối với sự phát triển của cách mạng Campuchia nói chung và đối với việc thực hiện chủ trương của hai Nhà nước nói riêng về vấn đề xây dựng tuyến phòng thủ quốc gia Campuchia. Đồng thời đẩy địch vào thế suy yếu, nguy cơ bị thất bại hoàn toàn về chiến lược của chúng là không thể tránh khỏi.

Sau khi đã loại bỏ được các căn cứ của địch trên các hướng trọng điểm, sau khi đã triển khai lực lượng ta và Bạn theo kế hoạch chiến đấu bảo vệ, các lực lượng đã đồng loạt thi công các công trình phòng thủ dọc biên giới trên một tuyến liên hoàn từ phía đông căn cứ Đăng-cum đến Pôi Pét - Cao Mê Lai - Ô-đa. Sư đoàn bộ binh 309 đã đưa trung đoàn bộ binh 31 xuống phía nam Ô-đa - bắc Com Riêng để tiếp tục truy quét tàn quân sư đoàn bộ binh 320 của địch và cùng với các lực lượng trên hướng đó hoạt động trên đoạn biên giới phía bắc Pailin. Thời gian này các lực lượng công binh từ Mặt trận đến sư đoàn và các phân đội công binh của các trung đoàn bắt đầu phát huy khả năng chuyên môn của mình trong việc hướng dẫn nhân dân và cùng với nhân dân tổ chức rà phá bom mìn, phát cây, làm đường, đào giao thông hào, xây dựng các công trình chiến đấu và nhiều việc khác.

Cường độ lao động ở đây rất cao. Dưới cái nắng của mùa khô, lại thiếu nước nghiêm trọng, nhưng mọi người vẫn vui vẻ, phấn khởi hăng say lao động.

Từ trong nội địa, mạng đường sá cũng được sửa chữa, làm mới. Từng đoàn xe chở vật liệu, chở nước, chở xăng dầu và từng đoàn người lại ùn ùn kéo lên biên giới. Các lán trại được dựng lên dọc hai bên đường số 58, đường Bà Văn đi Ăm-pin - Prăng-đơm và lên gần sát biên giới. Ở một số nơi sâu trong nội địa, lực lượng dân công còn mang theo cả máy phát điện loại nhỏ, ban đêm ánh điện tỏa sáng trong các túp lều, tiếng cười, tiếng nói vang vang. Cả nước Campuchia như một công trường đang hối hả xây dựng.

Bộ tư lệnh sư đoàn chúng tôi lại phải phân tán mỗi người đi mỗi hướng. Đồng chí Nguyễn Thành Út và cơ quan chính trị bám sát dân cùng với chính quyền tỉnh Bát Tam Băng và thành phố Phnôm Pênh để làm công tác vận động quần chúng, giúp Bạn phát hiện những “phần tử hai mặt” trà trộn vào phá hoại. Đồng chí Trần Văn Kế, phó sư đoàn trưởng - tham mưu trưởng và một số đồng chí trong cơ quan tham mưu đi chỉ đạo các đơn vị tiếp tục truy quét địch trên hướng bắc Pailin, Com Riêng. Đồng chí Nguyễn Khánh, phó sư đoàn trưởng đi hướng trung đoàn bộ binh 250, hoạt động ở khu vực nam đường 10.

Xin nói thêm về đội ngũ cán bộ Bộ tư lệnh sư đoàn trong các thời kỳ.

Từ khi mới thành lập tại thị xã Buôn Ma Thuột ngày 27 tháng 9 năm 1978, Bộ tư lệnh đầu tiên gồm các đồng chí:

- Thượng tá Lê Chí Thuận - sư đoàn trưởng.

- Thượng tá Nguyễn Văn Chước - chính ủy.

- Trung tá Lê Tá - phó sư đoàn trưởng.

- Trung tá Trần Dực - phó chính ủy.

- Thiếu tá Huỳnh Bình - chủ nhiệm chính trị sư đoàn.

- Trung tá Nguyễn Hữu Đại - tham mưu trưởng sư đoàn.

Sau khi đội hình cơ động sang Bát Tam Băng thì đồng chí Đào Quang Năm được điều về thay đồng chí Lê Tá.

Đến năm 1980, khi đồng chí Lê Chí Thuận được điều về làm Phó tư lệnh Mặt trận 479, thì đồng chí Nguyễn Văn Chước là sư đoàn trưởng, kiêm chính ủy.

Sang năm 1982, khi đồng chí Nguyễn Văn Chước lên cơ quan chính trị Mặt trận thì đồng chí trung tá Lê Đức Thiện, trung đoàn trưởng trung đoàn bộ binh 812 lên thay đồng chí Nguyễn Văn Chước ở vị trí sư đoàn trưởng.

Bộ tư lệnh sư đoàn lúc này gồm các đồng chí: Lê Đức Thiện - sư trưởng, Nguyễn Thành Út - phó sư đoàn trưởng về chính trị, Trần Văn Kế - phó sư trưởng - tham mưu trưởng, trung tá Đoàn Ngũ - phó sư đoàn trưởng.

Sau đó, Bộ tư lệnh trong từng thời kỳ được tăng cường, bổ sung thêm như đồng chí thượng tá Nguyễn Văn Bạch - chính ủy sư đoàn, trung tá Nguyễn Văn Tâm - phó tham mưu trưởng sư đoàn, trung tá Nguyễn Khánh, trung tá Nguyễn Thành Ức đều giữ chức ở cương vị phó sư đoàn trưởng.

Đầu năm 1983, theo yêu cầu công tác chuyên gia, đồng chí Lê Đức Thiện được chuyển sang làm chuyên gia sư đoàn trưởng, sư đoàn bộ binh 196, bộ đội cách mạng Campuchia. Tôi được bổ nhiệm làm sư đoàn trưởng và được thăng quân hàm đại tá. Trong những năm tiếp theo làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia, quân đội ta chuyển sang chế độ một chỉ huy và các phó chỉ huy ở tất cả các cấp. Còn quân hàm thì chuyển thẳng từ trung tá lên đại tá.

Sau ngày sư đoàn bộ binh 309 và các sư đoàn bộ binh 7 đánh chiếm căn cứ Phnôm Mê Lai, kết thúc giai đoạn tiến công đánh chiếm căn cứ địch trên tuyến biên giới, thì tôi được điều động về nước để dự khóa bổ túc cán bộ tại Học viện quân sự cấp cao của Bộ Quốc phòng, đồng chí đại tá Phùng Kim Chính từ sư đoàn bộ binh 302, đi học về được điều về sư đoàn bộ binh 309 thay tôi. Từ đó cho đến nay, đã có nhiều thế hệ cán bộ, chiến sĩ kế tiếp nhau, theo chiều dài lịch sử của sư đoàn bộ binh 309.

Đến đây cho phép tôi được nói lên rằng tất cả các thế hệ cán bộ chúng ta đều đã làm tốt cương vị của mình, dù trong hoàn cảnh nào, tập thể cán bộ trong các thời kỳ đều bảo đảm được sự đoàn kết nhất trí cao, đều đem hết khả năng của mình xây dựng nên thành tích oanh liệt của sư đoàn.

Trở lại với tình hình hoạt động của sư đoàn trong giai đoạn giúp Bạn xây dựng tuyến phòng thủ biên giới ở phía tây tỉnh Bát Tam Băng, tiểu đoàn công binh 25 của sư đoàn được rải ra để hướng dẫn các tổ kỹ thuật dò gỡ mìn và cùng với các lực lượng khác, thi công các hạng mục công trình trên tuyến biên giới.

Với sự nỗ lực của ta và lực lượng dân công được tăng cường cho sư đoàn, trong đợt 1, trên hướng Bát Tam Băng, nơi sư đoàn bộ binh 309 đảm nhiệm, đã tiến hành sửa chữa, nâng cấp hai trục đường chính: trục đường thứ nhất từ xã Bà Văn đi Ăm-pin - Prăng-đơm - Nam-sấp lên đến biên giới, và trục đường thứ hai từ đường số 10 (Ba Núi) lên xã Tà Hen theo đường 58 lên Sơ-rê-an-tiếc - Com Riêng. Với tổng chiều dài các con đường trên là 116 km. Lực lượng công binh của sư đoàn gỡ được hàng ngàn quả mìn các loại.

Trên phía tây biên giới tỉnh Bát Tam Băng, sư đoàn bộ binh 309 tổ chức cho nhân dân thi công các công trình phòng thủ dài 60 km từ nam Phnôm Mê Lai đến bắc thị trấn Pailin. Lực lượng trực tiếp thi công là nhân dân thủ đô Phnôm Pênh và các tầng lớp nhân dân tỉnh Bát Tam Băng.

Với một chiều dài như thế, chúng tôi đã bàn bạc với các cơ quan chính quyền thành phố Phnôm Pênh và tỉnh Bát Tam Băng là sẽ chia ra từng đoạn. Trên từng đoạn đó, chính quyền cấp tỉnh lại phân ra cho các huyện, thị. Từ đó nâng cao được trách nhiệm của các địa phương và phát động phong trào thi đua trong nhân dân. Do đó, đã đẩy nhanh được tiến độ thi công các công trình.