Cuộc Chiến Tranh Bắt Buộc - Phần II - Chương 10

Các lực lượng vũ trang ta và Bạn cũng đã triển khai để trực tiếp bảo vệ nhân dân.

Xây dựng tuyến phòng thủ quốc gia Campuchia là một công trình to lớn, với một khối lượng công việc khổng lồ, lại thi công chủ yếu bằng sức lao động của nhân dân, do đó công trình này phải kéo dài đến năm 1987. Tuy nhiên để kịp thời phục vụ theo yêu cầu chiến đấu, các cấp, các ngành đã động viên nhân dân nỗ lực rất lớn, nên trong một thời gian chưa đầy 2 năm (1985 - 1986) các công trình cơ bản ở phía trước đã có thể bảo đảm cho các lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia dựa vào đó để chiến đấu bảo vệ biên giới, chống sự xâm nhập của địch từ bên đất Thái Lan vào nội địa Campuchia. Bước đầu, công trình phòng thủ đã phát huy được tác dụng, kẻ địch gặp rất nhiều khó khăn.

Để nâng cao tính vững chắc của các hạng mục công trình và để phát huy cao hơn tính hiệu quả của nó, các cấp, các ngành, các đơn vị của ta và Bạn đã tổ chức rút kinh nghiệm bước đầu trong nhiệm vụ này, để kịp thời bổ sung cho các năm tiếp theo.

Về ý nghĩa của việc xây dựng tuyến phòng thủ như mục đích từ đầu đề ra. Mọi người đều dễ thấy những mặt tích cực của nó nhất là đối với các lực lượng vũ trang của ta và Bạn. Bởi vì, họ coi các công trình chiến đấu ở đây là “nhà”, và biên giới là “quê hương”. Nơi đây là chỗ dựa, là “áo giáp” của người lính ngày đêm mặt giáp mặt với quân thù. Từ đây và những năm về sau sẽ gắn bó với lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc chống lại mọi sự xâm nhập của kẻ thù. Thực tế là trong những ngày đầu, các công trình được sử dụng đã có những hiệu quả thiết thực. Đó là việc xâm nhập của đám tàn quân từ bên kia biên giới vào nội địa Campuchia đã giảm rõ rệt. Ở một số đoạn, hầu như đã loại trừ. Còn thì ít ra, sự xâm nhập của địch cũng không được tự do, ồ ạt như trước nữa. Nhiều tên địch đã bỏ mạng trong các lớp chướng ngại vật dọc biên giới. Các lực lượng vũ trang đã giảm đến mức tối thiểu thương vong trong chiến đấu. Từ những tác dụng tích cực trên tuyến biên giới đã đẩy mạnh được phong trào hành động cách mạng trong nội địa lên cao. Trình độ tổ chức, điều hành của chính quyền các cấp của Bạn đã trưởng thành rõ rệt. Điều này có một ý nghĩa to lớn là giảm thiểu được vai trò của đội ngũ chuyên gia Việt Nam.

Song trên thực tế cũng đã chỉ cho ta, cho các cấp chỉ đạo từ trên xuống dưới những việc cần được quan tâm nghiên cứu và khắc phục những điều bất hợp lý: Đó là chất lượng các công trình và tính hiệu quả của nó.

Như mọi người đều biết, nhân dân ta, quân đội ta đã đánh Pháp, đuổi Nhật từ chiếc gậy tầm vông, giáo mác, sau đó mới phát triển lên những trận chiến đấu quy mô lớn được trang bị hiện đại. Ta thắng đế quốc Mỹ cùng từ chiến tranh du kích rộng khắp, mới có được cuộc tổng tiến công mùa Xuân 1975.

Nói tóm lại, Việt Nam là người thầy của chiến tranh du kích trong khu vực. Chúng ta rất hiểu kẻ thù của nhân dân Campuchia và nhân dân Việt Nam đang tiến hành một cuộc chiến tranh du kích với ta. Như lúc đầu đã đề cập: Đặc trưng của chiến trường Campuchia là mìn. Phải nói rằng “Nghệ thuật - Kỹ thuật” sử dụng mìn của địch trên chiến trường Campuchia là không thể coi thường. Thế mà trong quá trình xây dựng tuyến phòng thủ ở đây, các nhà cung cấp hành quân sự đã đem đến cho chúng tôi hàng ngàn, hàng vạn quả “mìn vàng” và “mìn hộp gỗ” dùng chủ yếu trong tiến công. Bởi vậy, khi bố trí các bãi mìn xong, đứng từ xa có cảm tưởng như có vô số những quả Campuchia chín vàng rụng xuống từ một vườn Campuchia. Còn “mìn hộp gỗ” thì sau một mùa mưa hầu như không còn tác dụng, vì vỏ hộp làm bằng gỗ bị mối, mọt, mục mùa khô thì bị cháy. Đó là một thực tế. Một thực tế nữa cho thấy là lớp chướng ngại vật tự nhiên (có cây) kết hợp với chướng ngại vật nhân tạo (chông, mìn) đầu tiên và ngoài cùng đã ít tác dụng, nếu như không nói là không có tác dụng ngay từ đầu.

Còn lớp hàng rào kẽm gai thì sao?

Trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược, chúng ta đã áp dụng rất nhiều các biện pháp để mở đường qua các lớp rào kẽm gai đủ loại, đủ kiểu bằng những phương tiện thô sơ và hiện đại. Đơn cử như trận tiến công căn cứ Gia Vụt, tỉnh Quảng Ngãi trong cuộc chiến tranh chống Mỹ, mà lữ đoàn 52 Quân khu 5, đã mở qua 9 lớp hàng rào kẽm gai rất phức tạp của địch, và nhiều trận khác.

Còn ở đây, với địa hình rừng núi, sau khi ta đã dựng lên được một lớp hàng rào đơn bằng kẽm gai, với một hàng cọc sắt chắc chắn. Không lâu sau đó, địch đã cắt phá nhiều đoạn. Đành rằng, việc ngăn chặn địch xâm nhập, việc tiêu hao sinh lực của chúng là phải áp dụng nhiều biện pháp tổng hợp. Ở đây cũng không có tham vọng là ngăn chặn hoàn toàn được sự xâm nhập của địch chỉ bằng một hai biện pháp, mà tôi chỉ muốn nói lên những vấn đề còn hạn chế nhiều đến hiệu quả của hạng mục công trình.

Việc xây dựng thi công tuyến đường vành đai cũng là một vấn đề đặt ra cho chúng ta nghiên cứu. Với mục đích đã được xác định từ đầu, đường vành đai là để các lực lượng trực tiếp ở tuyến một tuần tra, phát hiện các đường hành lang xâm nhập của địch, từ đó đề ra các biện pháp tiêu diệt chúng có hiệu quả hơn. Tỉ dụ như ta sẽ đưa lực lượng ra đó phục kích lại, hoặc gài mìn để bịt các lối đi, hoặc có thể kết hợp với các hệ thống hỏa lực và các hỏa điểm gần đó để chi viện cho bộ đội chiến đấu.

Nhưng xin thưa rằng, với một phạm vi chính diện chiều dài từ 60 - 80 km, thậm chí có cả trăm km đường rừng, thì lực lượng bố trí trên tuyến đó là bao nhiêu, để có thể thực hiện được yêu cầu của cấp trên là “phải quản lý được các lớp chướng ngại vật dọc tuyến biên giới!”.

Trong toàn bộ các hạng mục công trình thì phải công nhận là việc xây dựng các điểm tựa, cụm điểm tựa, khu vực phòng thủ vững chắc là có tác dụng thiết thực nhất đối với quá trình chiến đấu của các lực lượng vũ trang ở đây. Tuy rằng các hạng mục công trình khác cũng không phải hoàn toàn là không có tác dụng.

Vấn đề cuối cùng có tính chất quyết định nhất-đó là con người. Con người phải có những yếu tố cần thiết cho cuộc chiến đấu với kẻ thù. Các tập thể con người đó phải được bố trí, tổ chức như thế nào đó để phát huy được tối đa sức mạnh tổng hợp của con người và những điều kiện khác (công sự, vật cản và hệ thống hỏa lực).

Vì vậy mà có một số ý kiến cho là việc xây dựng tuyến phòng thủ K5 vừa qua tốn kém và ít tác dụng, dẫu sao cũng có cơ sở.

Trong thực thế cũng đã chỉ ra rằng không có cái gì là tuyệt đối cả. Theo quan điểm chung thì: chủ trương của ta và Bạn xây dựng tuyến phòng thủ K5 là đúng và cần thiết. Mặc dù còn rất nhiều hạn chế như đã nói ở trên, song đây là một biện pháp nhằm xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân để nâng cao một bước cơ bản khả năng quản lý đất nước của chính quyền và lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia. Và, cũng từ đó để quân tình nguyện Việt Nam, chuyên gia Việt Nam có thể kết thúc sứ mệnh lịch sử của mình một cách chủ động.

Từ quan điểm đó, trong những năm tiếp theo chúng ta vẫn tiếp tục giúp Bạn đẩy mạnh hơn nữa, động viên sự nỗ lực hơn nữa của các tầng lớp nhân dân nhằm nâng cao tính vững chắc của hệ thống công sự, vật cản, hệ thống giao thông cơ động… đảm bảo được độ tin cậy trong việc chiến đấu, giữ gìn sự toàn vẹn lãnh thổ của nước Campuchia anh em.

Tổng hợp những nội dung cơ bản trong công tác giúp Bạn xây dựng tuyến phòng thủ biên giới phía tây tỉnh Bát Tam Băng mà sư đoàn bộ binh 309 đảm nhiệm, với chiều dài trên 60 km đã xây dựng được ba cụm điểm tựa cho ba tiểu đoàn, hai khu vực phòng thủ cho hai trung đoàn bộ binh, xây dựng tuyến vật cản nổ và không nổ 42 km, bố trí 1.450.800 mũi chông, rào phân tuyến 54 km, dò gỡ 4864 quả mìn các loại của địch và bố trí lại hàng nghìn quả mìn khác, phát đường tuần tra được 55 km, sửa chữa đường vành đai 48 km, làm đường quân sự mới 168 km, làm mới 32 ngầm có tổng chiều dài 473 m, sửa chữa ngầm cũ 3 cái dài 17 m, sửa chữa và làm mới 6 cầu có chiều dài 118 m, khai thác đuợc 32.025 m3đá, 125 m3gỗ và nhiều công việc khác.

Tuy nhiên, với sự nỗ lực của quân ta trên các chiến trường và trong công cuộc lao động của quân và dân Campuchia, kết quả bước đầu của việc xây dựng tuyến phòng thủ biên giới trên địa bàn Mặt trận 479 nói chung và trên phía tây biên giới tỉnh Bát Tam Băng nói riêng cũng chỉ dừng lại ở những nơi trọng điểm. Các khu vực khác, do địa hình rất phức tạp và khả năng của Bạn còn hạn chế nên chưa thể đạt được một cách toàn diện theo ý muốn chủ quan.

Căn cứ lớn nhất của địch ở Phnôm Mê Lai đã bị mất. Suốt một tuyến biên giới từ Ô-đa đến Phnôm Mê Lai, vòng về phía đông đến Đăng-cum… đã bị bộ đội ta và Bạn đánh chiếm và chốt giữ. Song sinh lực địch bị tiêu diệt không nhiều. Phần lớn chúng chạy sang đất Thái Lan. Chúng tôi nhận định tình hình lúc này như sau:

- Địch không thể lùi sâu trong đất Thái Lan để lập các căn cứ. Vì như vậy sẽ rất phức tạp và gây nguy hiểm cho nhà cầm quyền Thái.

- Nếu chúng lập các căn cứ đối diện với các đại đội đã bị mất thì sẽ chịu không nổi với những đòn tiến công của lực lượng ta và Bạn - nếu chúng ta vượt sang biên giới Thái Lan tấn công chúng, hoặc chúng sẽ nằm dưới tầm đạn hỏa lực của các đơn vị ta trên tuyến này.

- Về phía ta, từ nam Ô-đa xuống phía tây Pailin và tây Tà Sanh là những khu vực từ đầu mùa khô đến nay, ta chưa tổ chức được những trận tiến công nào đáng kể. Theo tin bọn tù binh khai: Sau khi căn cứ Phnôm Mê Lai thất thủ, tàn binh của sư đoàn 320 Pôn Pốt đã di chuyển xuống phía nam - đoạn từ Com Riêng đến tây Pailin. Sư đoàn 415 và 221 địch bị đẩy xuống phía tây Pailin và khu vực Tà Sanh.

Đứng trên đài quan sát đặt ở mỏm núi Ô-đa, trinh sát của ta phát hiện hàng đoàn người di chuyển dọc theo biên giới trên phần lãnh thổ của Thái Lan từ Ô-đa xuống phía nam. Như vậy là đã rõ: Địch di chuyển toàn bộ lực lượng sư đoàn 320 xuống phía tây Pailin.

Từ những nhận định trên tôi đã báo cáo lên Sở chỉ huy tiền phương T4 và đề nghị:

-Giao cho sư đoàn bộ binh 6 - lực lượng cách mạng Campuchia chốt giữ đoạn từ Ô-đa đến Phnôm Mê Lai. Rút toàn bộ sư đoàn bộ binh 309 xuống phía nam để truy quét các căn cứ của địch ở đây, để có thể kết thúc chiến dịch trước khi mùa mưa đến.

Đồng chí thiếu tướng Lê Chí Thuận - phó tư lệnh Mặt trận 479 tại Sở chỉ huy tiền phương, sau khi nghiền ngẫm, xem xét đã nhất trí với đề xuất này của chúng tôi.

Như vậy, Sở chỉ huy, công tác bảo đảm hậu cần - kỹ thuật và các công tác khác sẽ phải di chuyển toàn bộ về hướng Pailin. Tại đây, sư đoàn 196 chủ lực Campuchia cũng đã triển khai xung quanh thị trấn Pailin. Mọi công tác bảo đảm cho sư đoàn bộ binh 309 sẽ vận chuyển theo đường số 10.

Nêu lên những diễn biến trong giai đoạn này để thấy được bản chất ngoan cố của kẻ thù chống phá cách mạng Campuchia đến cùng và đồng thời chúng ta cũng không được thỏa mãn với những gì đã làm được trong những năm qua, mà phải tiếp tục nỗ lực hơn nữa trong công tác giúp Bạn để có thể loại trừ được nguy cơ đe dọa đến cách mạng Campuchia sau khi quân tình nguyện Việt Nam, chuyên gia Việt Nam hoàn thành nhiệm vụ quốc tế và rút về nước.

Đầu mùa mưa năm 1985, với mục đích kéo dài việc xây dựng tuyến phòng thủ xuống phía tây thị trấn Pailin, sư đoàn bộ binh 309 tổ chức chiến đấu một số trận nhằm quét sạch các căn cứ còn lại trên khu vực này để đưa lực lượng dân công xuống đây thi công tiếp các công trình phòng thủ.

Đợt hoạt động này chúng ta có nhiều bất lợi.

Trước tiên phải nói về yếu tố thời tiết (thiên thời). Các thế hệ đã chiến đấu trên chiến trường này, địa bàn này đều viết. Mùa mưa ở đây kẻ địch có điều kiện phát huy được sở trường đánh du kích. Chúng không nhằm mục đích chính là chiến đấu để chiếm đất, chiếm một chỗ đứng, trong khi khả năng của chúng sẽ không chịu nổi những đòn tiến công của quân ta. Cái chính là chúng tiếp tục thực hiện âm mưu tiêu hao sinh lực ta, buộc quân tình nguyện Việt Nam phải sa lầy vào cuộc chiến tranh du kích để tạo nên một thời cơ về chiến lược có lợi cho chúng.

Đối với các lực lượng của ta cũng như lực lượng vũ trang cách mạng và nhân dân Campuchia, sau một thời gian dài hoạt động tích cực, sức khỏe đã giảm sút, mọi vấn đề liên quan đến nhiệm vụ trong giai đoạn này đã bị mai một. Do đó yếu tố thứ hai cũng không được thuận lợi cho lắm.

Còn địa hình khu vực này thì Bạn cũng đã biết - hoàn toàn bất lợi đối với ta.

Song, cái bất lợi chính có tính chất chi phối ở đây là mùa mưa đã đến và sức chiến đấu của bộ đội đã giảm sút.

Trước khi thực hiện đợt hoạt động này cũng đã có nhiều ý kiến: Rằng thời tiết đã bước vào mùa mưa, rằng phải đẩy nhanh các hoạt động trong khi kẻ địch đã bị mất các căn cứ, đang lúng túng, gặp nhiều khó khăn, và còn nhiều vấn đề khác…

Cũng biết rằng trong chiến đấu, người chỉ huy, lãnh đạo không được lấy những khó khăn về khách quan để biện hộ cho những nguyên nhân không thành công, kể cả những lúc hoạt động độc lập, không có sự chi viện, giúp đỡ của cấp trên và của đơn vị Bạn, mà phải xuất phát từ ý đồ của một chiến dịch, một chiến lược hoặc là một ý định cụ thể nào đó do người chỉ huy cấp trên đã đặt ra. Phải gắn chặt giữa yêu cầu nhiệm vụ và sự nỗ lực bằng nhiều biện pháp của người lãnh đạo, chỉ huy. Người chỉ huy khi ra lệnh phải xuất phát từ những yếu tố có tính “khả thi”. Người thừa hành cũng phải bằng mọi cách để thực hiện thắng lợi mệnh lệnh đó. Đó là sức mạnh của một cơ chế, của một tổ chức, dù trong quân đội hay ngoài tổ chức quân đội cũng vậy.

Đối tượng tác chiến trong đợt hoạt động này bao gồm toàn bộ tân binh của sư đoàn bộ binh 320 ở khu vực Phnôm Mê Lai chạy xuống. Lực lượng địch tại chỗ trên khu vực này là sư đoàn bộ binh 415 và 221 Pôn Pốt. Hai sư đoàn bộ binh này trong những năm qua chưa bị sứt mẻ gì nhiều do những đơn vị của ta ở đây hoạt động ít hiệu quả.

Còn nhớ mùa mưa năm 1982, lực lượng địch tập kích vào trung đoàn pháo binh 487 và tiểu đoàn công binh 25 của sư đoàn đã gây cho ta những thiệt hại đáng kể. Đó chính là sư đoàn bộ binh 415 địch gây ra.

Theo chỉ thị của tiền phương Mặt trận 479, sư đoàn bộ binh 309 tổ chức truy đánh, truy quét địch ở khu vực nam Com Riêng đến bắc Pailin. Sau đó, bảo dảm cho nhân dân thi công xây dựng tuyến phòng thủ ở khu vực này.

Mặc dù khó khăn về thời tiết và về sức khỏe của bộ đội như đã nói ở trên nhưng sư đoàn quyết tâm là sẽ tập trung lãnh đạo, chỉ huy, động viên bộ đội chấp hành nghiêm chỉnh mệnh lệnh, chỉ thị của cấp trên, để hoàn thành nhiệm vụ. Sư đoàn đã tổ chức cán bộ chỉ huy đi trinh sát thực địa, xác định mục tiêu và nhanh chóng lập kế hoạch chiến đấu.

Với ý định bước đầu là sử dụng trung đoàn bộ binh 96 tiến công đánh chiếm điểm cao 321 ở phía bắc thị trấn Pailin, cách biên giới Campuchia - Thái Lan khoảng 200 - 300 m. Sau đó, từ điểm cao khống chế này, tiến hành truy quét dọc biên giới từ bắc thị trấn Pailin đến nam Com Riêng. Trận địa pháo và đài quan sát bố trí ở điểm cao 230, phía bắc thị trấn Pailin - nơi có đồn điền cà phê cũ.

Từ ngày 22 đến 23 tháng 4 năm 1984, sư đoàn tiến hành đi trinh sát nắm địch ở cao điểm 321 đồng thời gấp rút chuẩn bị bộ đội sẵn sàng chiến đấu. Bộ phận trinh sát chỉ huy do Phó sư đoàn trưởng - Tham mưu trưởng Trần Văn Kế trực tiếp tổ chức.

Thời gian này, Mặt trận điều đồng chí đại tá Phùng Kim Chính từ sư đoàn bộ binh 302 về để thay tôi, song đồng chí chưa kịp về đến đơn vị. Vì vậy trong đợt hoạt động này đồng chí Trần Văn Kế đảm nhiệm chỉ huy chung.

Đồng chí Trần Văn Kế là một cán bộ trẻ, có năng lực, nhanh nhẹn và rất có triển vọng. Từ một cán bộ ở sư đoàn bộ binh số 5 thuộc Quân khu 7, đi học về, đồng chí được điều động sang sư đoàn bộ binh 309. Với tác phong cởi mở, chân tình, đồng chí được cán bộ, chiến sĩ trong sư đoàn quý mến, gần gũi. Trong trận tiến công vào căn cứ Phnôm Mê Lai, đồng chí đi cùng với Sở chỉ huy và cơ quan tham mưu sư đoàn. Đồng chí được giao nhiệm vụ đi cùng trung đoàn bộ binh 31, kiểm tra căn cứ Phnôm Mê Lai, sau khi ta đã đánh chiếm. Đồng chí còn gửi ra Sở chỉ huy chúng tôi mấy chai bia gọi là chiến lợi phẩm. Những kỷ niệm đời lính trên chiến trường chúng tôi vẫn còn nhớ mãi.

Còn trong trận này đồng chí tổ chức trực tiếp trinh sát lên điểm cao 321 để chuẩn bị tiến công.

Khi một toán trinh sát và cán bộ của ta đã bám lên được sườn điểm cao 321, thì đã thấy rõ được địch ở trên đỉnh đồi. Xung quanh đỉnh đồi là một dãy công sự được xếp bằng những phiến đá to. Địch đã bố trí các bãi mìn dày đặc từ dưới chân cao điểm 321 lến đến 2/3 sườn đồi. Lực lượng bộ binh địch tập trung chủ yếu ở phía tây cao điểm 312, kể cả trên đất Thái Lan. Còn trên đỉnh đồi là một lực lượng khoảng một trung đội hoặc hơn. Chủ yếu là hỏa lực của chúng.

Sau khi trinh sát thực địa xong, trên đường trở ra, đồng chí đại úy, trợ lý tác chiến Đinh Văn Tự đạp phải mìn địch, bị thương nặng. Ngay lập tức đồng chí được chuyển về đội phẫu thuật của sư đoàn bộ binh 196 bộ đội cách mạng Campuchia tại thị trấn Pailin. Do vết thương bị hoại tử, đồng chí Đinh Văn Tự đã hy sinh…

Đồng chí Đinh Văn Tự là một cán bộ rất hăng hái. Với dáng người thấp, đậm nhưng tác phong rất nhanh nhẹn, hoạt bát. Là một sĩ quan tác chiến thông thạo nghiệp vụ và có nhiều kinh nghiệm. Đồng chí đã có mặt từ những ngày đầu của cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc trên biên giới Tây Nam. Trong trận đánh đầu tiên vào xx XA-XB của địch ở vùng Đông Bắc Campuchia, đồng chí là tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 9, trung đoàn bộ binh 31, được tăng cường cho trung đoàn bộ binh 95. Sau khi ta chiếm được hai căn cứ này, đồng chí tiếp tục chỉ huy tiểu đoàn 9 đứng lại cùng với trung đoàn bộ binh 31 đánh địch phản kích, giữ vững trận địa trong suốt mùa mưa năm đó. Trong trận đánh chiếm cao điểm 312, giải tỏatrục đường 19, đồng chí chỉ huy tiểu đoàn 9, đảm nhiệm một huớng tiến công lên mỏm 3 cùng với trung đoàn bộ binh 31, đánh chiếm toàn bộ cao điểm 312. Với bề dày thành tích trong chiến đấu, huấn luyện, đồng chí đã được điều về phòng tham mưu sư đoàn, phụ trách một trong những bộ phận then chốt của cơ quan tham mưu. Về đời tư, cũng có những khó khăn, nhưng đồng chí cũng đã vượt lên tất cả để hoàn thành nhiệm vụ của một người lính, một cán bộ chỉ huy cơ quan. Chúng tôi cũng đã có ý định chuyển đồng chí về Bắc Thái - quê hương đồng chí theo nguyện vọng của gia đình. Nhưng tiếc thay, chưa thực hiện được ý định đó, thì đồng chí đã hy sinh một cách anh dũng.

Ngày 25 tháng 4, sư đoàn nổ súng tiến công địch ở cao điểm 321 theo kế hoạch đã định.

Tại Sở chỉ huy sư đoàn lúc này có đủ các đồng chí: Phó sư đoàn trưởng - tham mưu trưởng Trần Văn Kế, phó sư đoàn trưởng về chính trị Nguyễn Thành Út và phó tham mưu trưởng sư đoàn Nguyễn Thành Ức, cùng một số đồng chí khác trong cơ quan sư đoàn.

Trực tiếp chỉ huy lực lượng tiến công là trung đoàn trưởng trung đoàn bộ binh 96 - Nguyễn Văn Vọng.

Ngay lúc đầu, lực lượng lên sườn đồi triển khai đội hình đã đạp phải mìn. Địch từ trên cao dùng các loại hỏa lực bắn xuống. Bộ đội ta có một số bị thương vong. Đội hình bị rối loạn. Chỉ huy không nắm được bộ đội, không có những biện pháp mạnh để chế áp địch. Cứ thế, địch dùng các loại súng hỏa lực bắn ra xung quanh điểm cao 321. Bộ đội ta bị thương vong nhiều do mìn và do đạn hỏa lực của địch…

Cuối cùng trung đoàn bộ binh 96 phải rút lui, để lại một số tử sĩ…

Đây là trận đánh không thành công, có nhiều điểm đáng phê phán. Nó đã để lại nhiều hậu quả không tốt cho trung đoàn bộ binh 96 trong việc xây dựng đơn vị sau này và còn nhiều hậu quả khác nữa.

Nguyên nhân về khách quan có nhiều khó khăn như đã nói ở trên.

Nhưng về chủ quan, cũng cần phải nghiêm khắc rút kinh nghiệm. Đối với trung đoàn bộ binh 96 trong những năm qua chiến đấu ở khu vực Bua, Nam-sấp đã thể hiện là một trung đoàn có tinh thần kiên cường chiến đấu giữ vững trận địa, tinh thần chịu đựng khó khăn trên một địa bàn khắc nghiệt nhất ở phía tây tỉnh Bát Tam Băng. Tuy nhiên, trung đoàn bộ binh 96 chưa có nhiều kinh nghiệm chiến đấu tiến công địch trên điểm cao. Vấn đề chủ yếu trong trận đánh không thành công này là về công tác tổ chức chỉ huy, công tác bảo đảm các yếu tố để giành thắng lợi: như vấn đề tổ chức đội hình, vấn đề khắc phục vật cản, vấn đề tổ chức hỏa lực chi viện, vấn đề sử dụng lực lượng, xây dựng quyết tâm cho các chiến sĩ và còn nhiều vấn đề khác…

Sau trận đánh này, đồng chí Trần Văn Kế cũng đã bị thương nặng do mìn địch. Vì vậy công tác bảo đảm khắc phục vật cản mìn là phải đặc biệt quan tâm.

Thế là mùa mưa lại bắt đầu. Kết thúc chiến dịch mùa khô năm ấy trong tình hình như vậy…

Bước sang mùa khô năm sau - năm 1985, sư đoàn tiếp tục hoạt động ở khu vực này và đã giải quyết được mục tiêu trên, đưa được lực lượng dân công lên để tiếp tục xây dựng tuyến phòng thủ.

Từ những kết quả đạt được trong chiến dịch K5, chúng ta đã tạo cho lực lượng vũ trang cách mạng và nhân dân Campuchia thực sự quản lý được lãnh thổ. Trên tuyến biên giới trong phạm vi Mặt trận 479, các sư đoàn chủ lực của Bạn đã được triển khai trên tuyến phòng thủ này. Phía tây tỉnh Bát Tam Băng, sư đoàn bộ binh 6 triển khai từ Phnôm Mê Lai xuống đến Ô-đa. Sư đoàn bộ binh 196 triển khai từ nam Ô-đa đến thị trấn Pailin. Trên tuyến biên giới phía bắc, sư đoàn bộ binh 179 triển khai từ Pôi Pét đến Đăng-cum. Phía bắc tỉnh Xiêm Riệp vẫn là sư đoàn bộ binh 286.

Quân tình nguyện Việt Nam được chuyển về tuyến 2 làm lực lượng cơ động và phối hợp cùng với các đơn vị tuyến 1 để đánh địch xâm nhập lãnh thổ.

Từ những năm 1985 - 1986 trở đi, quân tình nguyện Việt Nam, chuyên gia Việt Nam còn tiếp tục giúp Bạn hoàn thiện trong việc tổ chức chính quyền và lực lượng vũ trang địa phương lên đến tỉnh. Cách mạng Campuchia phát triển không ngừng.