Hướng dẫn xử lý “rác thải” (Tập 1) - Vụ thứ hai - Chương 03 - Phần 1

Chương 3: Giáo dục bằng thực tiễn

Trích lời Gia Mộc: Một bài học thực tế sinh động có lúc còn hơn một vạn lời khuyên bảo sáo rỗng.

Hạ Khánh Phong lái chiếc xe Polo của Triệu Chân Chân, thấy Triệu Chân Chân ngồi ngủ gà ngủ gật trên ghế bên cạnh, hắn tăng nhiệt độ điều hòa thêm vài độ: “Chị họ em làm gì? Anh thấy công ty của chị ấy nhỏ xíu”.

“Chị ấy…”, Triệu Chân Chân ngáp một cái: “Chị ấy làm thám tử tư, tên công khai là văn phòng tư vấn”.

“Anh tưởng em bảo chị ấy là một luật sư cơ mà?”.

“Đúng rồi, luật sư kiêm thám tử tư, chủ yếu giải quyết các vụ ly hôn, tranh chấp quyền thừa kế gì đó”.

“Thế còn anh rể em?”.

“Điều tra viên hay sao ấy. Nhìn anh ấy đô con như thế, một số người có muốn gây sự cũng ngại”. Triệu Chân Chân chưa từng thấy Trịnh Đạc ra tay đánh ai bao giờ, cũng không hiểu lắm về chuyện của Trịnh Đạc nên cho rằng Trịnh Đạc chỉ to con cơ bắp mà thôi.

“Thế căn hộ đó là của chị ấy hay là đi thuê? Có vẻ công ty chị ấy cũng kiếm được rất khá”.

“Đúng là làm ăn rất khá, thời đại này gia đình nào cũng có nhiều chuyện, ngoại tình, ly hôn, có con riêng… Vậy nên nghề của chị họ em có thể thoải mái kiếm tiền”.

“Vậy mà chị ấy trả em một tháng có hai ngàn thì ít nhỉ”.

“Em chỉ đến phụ việc thôi, hằng ngày đến đó ngồi điều hòa, lên mạng, cơ bản không có việc gì ngoài dọn dẹp văn phòng, sắp xếp tài liệu một chút, thỉnh thoảng nghe một cuộc điện thoại. Hết nghỉ hè em lại về đi làm, chị ấy nói sẽ cho em một chiếc túi xách Gucci nhưng em không lấy”.

“Một chiếc túi Gucci bao nhiêu tiền?”.

“Chị ấy có người bạn thường xuyên ra nước ngoài, chị ấy nói là sẽ tặng em một chiếc túi kiểu vừa ra quý này, khoảng năm, sáu ngàn gì đó”. Triệu Chân Chân nói mà không hề để bụng.

“Thế sao em không lấy túi xách?”.

“Túi xách không thể tiêu được, em cũng không thiếu túi”.

“Thì bán đi cũng được”.

“Ha ha, đến lúc cầm túi trong tay rồi thì em lại không nỡ bán đâu, chẳng thà không nhìn thấy còn hơn”. Triệu Chân Chân cười hì hì.

Hạ Khánh Phong nhìn nụ cười vô lo vô nghĩ của cô, quay đầu ra nhìn phong cảnh bên ngoài cửa sổ xe. Có những người vừa sinh ra đã phú quý, không hề biết thiếu thốn là gì.

“Chân Chân nói cháu đã gặp cái thằng họ Hạ kia rồi, hơn nữa ấn tượng về nó cũng không tồi?”. Cô giáo Trương hỏi Gia Mộc, giọng nói lộ rõ ý trách móc.

“Cháu đã gặp nó rồi, quả thật nó rất khôn khéo, nếu không phải vì gia đình thì đúng là nó rất hợp với Chân Chân…”.

“Hợp cái gì mà hợp…”.

“Dì Năm, dì nghe cháu nói đã. Cháu đang định tìm hiểu một chút xem người nhà nó là người thế nào, dì cứ yên tâm, nếu nó thật sự không hợp với Chân Chân thì cháu nhất định sẽ làm cho Chân Chân hồi tâm chuyển ý. Dì cứ chú ý chăm sóc bản thân, đừng sốt ruột lại ảnh hưởng đến sức khỏe”.

“Hôm qua dượng cháu nghe nói chuyện của Chân Chân và nó, nổi giận mắng Chân Chân hơn nửa tiếng. Con bé Chân Chân còn cãi nhau với bố nó, nếu dì không ngăn cản thì ông ấy đã cho nó một trận rồi. Mà dượng cháu vốn rất chiều nó, từ nhỏ đến lớn chưa bao giờ đánh nó một cái nào…”.

Cãi nhau là đúng, chính dượng cô cũng là trai nghèo nông thôn ra thành phố, giờ nghe nói con gái định lấy trai nghèo nông thôn, dượng cô lập tức biến sắc. Gia Mộc không cần hỏi cũng biết Chân Chân cãi lại thế nào.

“Dì Năm, dì nói với dượng là dượng cứ yên tâm… À, dì dượng có cần gặp nó không?”.

“Dì vừa nghe nói đến chuyện của Chân Chân và nó đã muốn gặp nó rồi, nhưng Chân Chân lại sợ dì mắng nó, không tôn trọng nó, làm tổn thương lòng tự trọng của nó, vì thế không chịu gọi nó đến nhà”.

Nghĩa là lòng tự trọng của bố mẹ mình thì có thể làm tổn thương thoải mái? Đánh giá một người tốt hay xấu không thể chỉ nghe người đó nói gì mà còn phải xem người đó làm gì. Hạ Khánh Phong đã hoàn toàn nắm được Chân Chân trong tay, không đi gặp dì dượng Năm chắc chắn cũng là ý của Hạ Khánh Phong. Người như vậy có thể nói là lòng tự trọng rất cao, nhưng thật ra cũng chính là người rất tự ti, sợ bị người khác làm tổn thương, chỉ cần người khác hơi lạnh nhạt với hắn là hắn sẽ ghi nhớ không quên. Đánh giá của Lâm Gia Mộc đối với Hạ Khánh Phong lại giảm đi một điểm: “Vâng, cháu biết rồi. Dì Năm, lần trước cháu thấy dì nói muốn đến nhà cháu chơi mấy ngày. Hay là nhân dịp nghỉ hè không bận việc gì, dì với dượng đến nhà cháu chơi luôn thể, bây giờ trên nhà cháu mát lắm”.

“Dì đâu có tâm tình đi chơi…”.

“Dì Năm, dì nghe cháu nói đã. Không có dì ở đây, cháu muốn làm một số việc sẽ thuận tiện hơn nhiều”. Suy nghĩ một chút, Lâm Gia Mộc lại nói tiếp: “Lần này dì với dượng đi chơi nhất định không được để tiền lại cho Chân Chân. Nó vừa mới cãi nhau với dượng mà, bảo dượng cháu tạm khóa cái thẻ ngân hàng dượng cho nó. Chúng nó yêu nhau thì cần gì tiền, râu tôm nấu với ruột bầu vẫn ngon như thường”.

“Nhưng mà Chân Chân chưa bao giờ thiếu tiền tiêu cả…”.

Thảo nào người ta vẫn nói chiều con cũng là giết con, đằng sau mỗi thiếu nữ ngây thơ bị lừa cả tình lẫn tiền bao giờ cũng có những người làm bố làm mẹ chiều con không đúng cách: “Dì Năm yên tâm, có cháu ở đây, cháu sẽ không để Chân Chân bị đói đâu. Hơn nữa nó còn giữ thẻ trả lương, không phải hoàn toàn không có thu nhập. Cháu nuôi nó ăn, nó lại có nhà để ở, có cần tiêu gì đến tiền đâu. Nếu nó thật sự cần tiền gấp thì cháu cũng có thể cho nó vay”.

Cô giáo Trương ở đầu bên kia điện thoại yên lặng một lát, đột nhiên điện thoại bị người khác giành lấy: “Được, dượng và mẹ nó sẽ đi chơi. Gia Mộc, chuyện này… trông cậy cả vào cháu”.

“Dượng Năm yên tâm”. Đôi khi người quyết định mạnh tay nhất định phải là đàn ông, hoặc nói cách khác, đàn ông sẽ tỉnh táo nhận ra mức độ nguy hại của kẻ lợi dụng con mình hơn. So sánh nặng nhẹ hai bên, chỉ đàn ông mới có dũng khí nhẫn tâm để con mình chịu khổ.

Trịnh Đạc từ bên ngoài về đầm đìa mồ hôi, anh ta tiện tay ném túi tài liệu lên bàn, buông một câu “Anh đi tắm cái đã” rồi lao ngay vào nhà tắm như một cơn lốc. Thời tiết năm nay thật là khắc nghiệt, sắp đến tiết Lập thu rồi mà dự báo thời tiết vẫn đưa ra cảnh báo nhiệt độ cao. Công việc của Trịnh Đạc hôm nay là ra ngoài tìm người, không được ngồi điều hòa trong xe, chắc chắn là rất vất vả. Có điều anh ta không bao giờ mở miệng than vãn một câu, cùng lắm là chửi thời tiết khó chịu rồi đi xối nước cho mát, kỷ lục là một ngày tắm bốn lần.

Khoảng hai mươi phút sau Trịnh Đạc mới tắm xong, thay quần áo đi ra: “Cuối cùng cũng nắm rõ được quy luật hoạt động và chỗ ở của thằng đó, có thể liên lạc với người ủy thác được rồi”.

“Ờ”, Lâm Gia Mộc gật đầu, “Gã đó rất xảo quyệt, việc này anh không thể làm một mình được, em đi cùng với anh”.

“Thế người ủy thác đến thì làm thế nào?”.

“Chẳng phải còn có Chân Chân sao?”.

“À”. Trịnh Đạc nhíu mày, mở tủ lạnh lấy một chai nước sô đa ra, tu ừng ực hết nửa chai: “Em định cho nó một bài học thực tế chấn động à?”.

“Ít nhất cũng làm cho nó hiểu thêm sự đời, không thể cứ ngây thơ mãi được”. Lâm Gia Mộc nói.

“Anh không muốn dội nước lạnh, nhưng con bé đó trúng độc nặng lắm rồi, em giáo dục không có tác dụng gì đâu”.

“Cơm phải ăn từng miếng, việc phải làm từng phần. Dạo này em bận giải quyết việc của Chân Chân nên anh hơi vất vả”.

“Biết anh vất vả thì tăng phần trăm cho anh là được”.

“Ha ha”. Lâm Gia Mộc gượng cười mấy tiếng.

Trịnh Đạc nhìn quanh: “Chân Chân đâu rồi?”.

“Đi gọi cơm rồi”.

“Thế vị nhân huynh biết xuống bếp nấu cơm kia đâu?”.

“Bận đi làm”. Lâm Gia Mộc cười nói: “Hôm nay em đã tra thông tin về công ty nó theo danh thiếp. Ha ha, nhân viên kinh doanh làm độc lập, ai cũng là giám đốc kinh doanh. Mười mấy người dùng chung một trợ lý, lương cố định một ngàn rưỡi, thưởng phần trăm không giới hạn. Có điều thành tích bán hàng của nó cũng tạm được, có thể giữ vững top 5, thu nhập hằng tháng khoảng mười ngàn là chuyện trong tầm tay. Vấn đề là mấy năm trước nó không kiếm được như thế, cộng thêm gánh nặng gia đình, hơn nữa bố nó đúng là bị ốm thật, nằm bệnh viện thành phố hơn nửa tháng, tốn gần bảy mươi ngàn tệ. Vì vậy bây giờ giỏi lắm nó cũng chỉ có khoảng trăm ngàn tiền tiết kiệm là cùng”.

Một trăm ngàn tệ, nghe có vẻ cũng rất không tồi. Tuy nhiên, dù không phải Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu nhưng nền kinh tế của thành phố A cũng rất phát triển, giá nhà tăng rất nhanh. Giá nhà bình quân ở đây khoảng mười ba ngàn tệ một mét vuông, từ đường vành đai 2 hắt vào không có nơi nào thấp hơn mười lăm ngàn một mét vuông, trong tay có một trăm ngàn tệ còn không mua nổi một cái nhà vệ sinh.

Hai người vừa nói xong đã nghe thấy tiếng chìa khóa mở cửa bên ngoài. Trịnh Đạc đứng dậy đi ra mở cửa, đỡ mấy hộp cơm giúp Triệu Chân Chân. Nhìn thấy mặt Triệu Chân Chân đầy mồ hôi, Trịnh Đạc lại đưa khăn giấy cho cô.

“Trời nóng thật”.

“Ờ”. Trịnh Đạc thoáng nhìn hộp cơm, ba món rau, một món mặn, nhìn khá ngon nhưng sờ vào vẫn thấy hơi nguội, phỏng chừng lại là đồ của “quán ăn sáng dưới lầu”.

“Gia Mộc, vào ăn cơm đi, em bảo lát nữa phải ra ngoài mà”.

“Vâng”. Lâm Gia Mộc đi từ văn phòng vào bếp. Ba người ngồi quanh bàn, từng người lấy hộp cơm của mình. “Quán ăn sáng dưới lầu” nấu cũng khá ổn, còn có thể nuốt được, dù hơi nhiều mỡ nhưng thực ra cơm hộp thì ở đâu cũng vậy. Gia Mộc ăn mấy miếng rau rồi nói: “Lát nữa chị và Trịnh Đạc đều ra ngoài, có một thân chủ sẽ đến. Em đón tiếp người ta một lát, bảo bà ấy ngồi chờ, chị và Trịnh Đạc sẽ về trong vòng nửa tiếng. Nếu bà ấy có khóc thì em lựa lời an ủi mấy câu”.

“Vâng”. Triệu Chân Chân gật đầu. Mấy ngày nay cô cũng đã vài lần thấy người ủy thác đến đây khóc lóc, nhưng bình thường Lâm Gia Mộc đều gọi vào văn phòng nói chuyện, nói xong có những người chuyển buồn thành vui, nhưng đa số là chuyển buồn thành giận, ánh mắt khi đi ra đều lạnh như băng.

“Có đúng là anh chị đi nửa tiếng rồi về không?”.

Lâm Gia Mộc cười: “Tóm lại là bất kể lúc nào bà ấy hỏi bao giờ anh chị về thì em cũng trả lời là nửa tiếng nữa”.

“À”.

Lâm Gia Mộc và Trịnh Đạc mới đi chưa được hai mươi phút, chuông cửa đã reo vang. Triệu Chân Chân đang rửa bát liền vội vàng khóa vòi nước chạy ra mở cửa. Ngoài cửa là một phụ nữ trung niên gần bốn mươi tuổi có mái tóc quăn dài, thoạt nhìn hơi hốc hác. Thấy cô ra mở cửa, người phụ nữ trung niên lui lại nhìn biển số nhà: “Lâm Gia Mộc có đây không?”.

“Bà chủ cháu mới ra ngoài, chị ấy nói nếu cô đến thì bảo cô chờ chị ấy một lát”.

Người phụ nữ trung niên gật đầu, đi vào phòng khách ngồi xuống, quan sát Triệu Chân Chân một lát: “Lần trước cô đến không nhìn thấy cháu”.

“Cháu mới đến vài ngày”. Triệu Chân Chân cười nói: “Cô uống trà hay là cà phê?”.

“Cho cô cốc nước lọc là được”.

Triệu Chân Chân rót cho bà ta cốc nước rồi ngồi xuống bên cạnh. Mặc dù cô hơi thiếu kinh nghiệm xã hội nhưng cũng từng nhiều lần gặp gỡ phụ huynh học sinh nên nhanh chóng bình tĩnh lại: “Thời tiết hôm nay nóng quá cô nhỉ”.

“Ờ”. Người phụ nữ uống một ngụm nước, vừa định nói gì tiếp thì điện thoại đổ chuông. Bà ta thoáng nhìn điện thoại rồi lập tức từ chối cuộc gọi. Không đến một phút sau điện thoại lại đổ chuông, bà ta tiếp tục không nghe, cứ thế năm lần bảy lượt.

Triệu Chân Chân không nhịn được nói: “Cô có thể đưa vào danh sách đen mà”.

Người phụ nữ không nói gì mà đưa luôn điện thoại cho Triệu Chân Chân: “Cô không biết làm, cháu biết làm không, cho vào danh sách đen giúp cô”.

“Số nào hả cô?”.

“Số đặt tên là ông xã ấy”.

Triệu Chân Chân kinh ngạc nhìn bà ta, điện thoại lại kêu, người phụ nữ cầm lấy điện thoại trong tay Triệu Chân Chân, nghe máy: “Anh đừng khuyên tôi, tôi tìm được nó là chắc chắn sẽ đưa nó đến đồn cảnh sát, không trả được tiền hàng thì cho nó ngồi tù!”.

“…”.

“Anh bảo tôi buông tha cho nó bao nhiêu lần rồi? Anh còn biết thế nào là nặng nhẹ hay không? Lần này nó không trả được tiền hàng thì công ty phải phá sản, anh có biết không? Anh chỉ biết nghĩ cho em trai anh, có bao giờ nghĩ đến tôi với con không? Anh đừng nói đến chuyện mẹ anh bị ốm nữa, tôi cho anh biết, lý do này không dùng được nữa đâu. Cho dù là bệnh viện thông báo bệnh tình nguy kịch thì tôi vẫn phải đòi được tiền hàng lại sau đó mới lo hậu sự. Đúng! Tôi bất hiếu đấy! Tôi chỉ biết đến tiền! Lần này lấy lại được tiền hàng, giữ được công ty rồi tôi với anh ly hôn. Anh đi mà sống với người nhà anh, tôi sống với con tôi!”. Nói xong bà ta ngắt máy, lại đưa điện thoại cho Triệu Chân Chân: “Liệt vào danh sách đen giúp cô”.

“Vâng”. Triệu Chân Chân đưa số điện thoại đó vào danh sách chặn cuộc gọi rồi hỏi: “Cô cãi nhau với chồng à?”.

“Không phải cãi nhau với ông ấy”. Người phụ nữ trung niên cầm khăn giấy chấm nước mắt nơi khóe mắt: “Tình cảm của cô với ông ấy vốn rất tốt, nếu không phải bị người nhà họ phá hỏng thì tuyệt đối không đến mức như bây giờ. Cháu còn chưa lấy chồng đúng không? Cô khuyên cháu một câu, ngàn vạn lần đừng lấy những người từ nông thôn đến, dù người đó có tài hoa đến mấy, có yêu cháu đến mấy cũng không được”.

“Hả?”.

“Cô với chồng cô là bạn học cùng đại học, đều học khoa Nông nghiệp. Sau khi tốt nghiệp đại học, cô nhờ bố cô xin cho chồng cô vào viện nghiên cứu, cùng đơn vị với cô. Viện nghiên cứu này chủ yếu là nghiên cứu phát triển các giống lương thực tốt, kiểu như giống ngô số 3, lúa nước cao sản số 4 ấy. Sau đó ông ấy cảm thấy làm ở đó không kiếm được tiền nên kéo cô ra ngoài làm, hai người cùng mở công ty, xem như tay trắng lập nghiệp, cuối cùng công ty cũng phát triển ổn định. Nhưng khi công ty phát triển thì chuyện không hay cũng bắt đầu đến. Ban đầu nhà bọn họ chỉ vay tiền cưới vợ xây nhà cho em chồng cô hay chữa bệnh cho bố mẹ chồng cô, nhưng thấy chồng cô thành đạt rồi, tất cả người nhà bên chồng cô đều kéo nhau ra đây. Em trai chồng cô mới tốt nghiệp tiểu học, chỉ biết lái máy cày, cũng được chồng cô sắp xếp cho làm tài xế. Nhưng mẹ chồng cô nói không có chuyện anh trai làm ông chủ, em trai đi lái xe được, bắt chồng cô phải cho em trai ông ấy làm phó giám đốc gì đó. Sau đó các kiểu họ hàng bên chồng cô cũng đến, giành hết hai phần ba vị trí trong công ty, rất nhiều nhân tài đã bị đẩy đi mất. Như thế cũng chưa đến nỗi, nhưng em chồng cô nhất định đòi thu tiền giao hàng, thì ra là để bớt xén, cô cứ cãi nhau với nó là mẹ chồng cô lại bảo vệ nó, đừng nói là đuổi việc mà đổi sang vị trí khác cũng không được. Lần này nó ôm thẳng hơn một triệu tiền hàng rồi biến mất, công ty của vợ chồng cô vốn đã làm ăn càng ngày càng khó khăn, bây giờ đúng là họa vô đơn chí…”.

“Mẹ chồng cô… làm thế là không đúng…”.

“Bà ấy là người nhà quê, tư tưởng cổ hủ hẹp hòi, bà ấy còn ghét cô vì cô sinh con gái, nói con gái là con người ta, nuôi chỉ tốn cơm tốn của, còn nói sau này tài sản đều phải cho con trai của em trai chồng cô. Bà ấy ăn của cô, uống của cô mà lại ghét cô, thế mà chồng cô còn một mực nghe lời mẹ mình, bắt cô phải hiếu thảo, nói trước đây em trai ông ấy thôi học về nhà làm ruộng nên ông ấy mới được học đại học, bố ông ấy cũng ốm đau và qua đời vì phải làm việc kiếm tiền nuôi ông ấy ăn học. Vì vậy ông ấy phải chăm sóc mẹ và em trai, ông ấy nợ người nhà mình, cô cũng nợ người nhà ông ấy… Đúng là lúc đầu mắt cô mù nên mới lấy một người như vậy”.