Nam triều công nghiệp diễn chí - Chương 19 - Phần 2

Đốc chiến Chiêu Vũ đứng dậy cảm tạ rằng:

- Bọn ta trên được hoàng thiên phù hộ, giữa đội, nhờ phúc lớn của thánh chúa, dưới nhờ được tướng sĩ đồng lòng mà lập nên công tích ngày nay. Đâu phải do một mình Chiêu này mà có thể làm nên được!

Tiết chế Thuận nghĩa bèn triệu họp các tướng, cho bày tiệc chúc mừng rồi sai người về triều tâu báo[445].

[445] Bản sao chép nhầm chữ “báo” thành chữ “cứ”.

Người đời sao có thơ khen rằng:

Thuyền chiến bồng bềnh lướt sóng dồi,

Binh hùng mấy vạn vượt núi đồi.

Giao long nhảy rỡn trên lưng sóng,

Hổ báo run chân trước lửa sôi.

Giá ngắt sương thu mờ mũi giáo,

Lấp loáng áo mũ sáng bừng trời.

Liệu xem tướng sĩ đà như thế,

Dân nước yên vui sẽ đến hồi.

Lại nói chuyện năm Mậu Tuất, niên hiệu Thịnh Đức thứ sáu (1658), tháng giêng, quân hai bên Nam Bắc đều đóng yên bất động. Quân sĩ hàng ngày lo việc luyện tập, dân chúng được yên nghiệp cày cấy làm ăn, phu phen tạp dịch được giảm nhẹ, trăm họ đều vui mừng.

Thượng tuần tháng sáu, bên quân Nam, đốc chiến Chiêu Vũ soạn biểu văn kể tội họ Trịnh, sai người lén đưa ra Thanh Hoa, Thăng Long và các nơi khác, đem dán ở các nơi cửa chợ hoặc vờ đánh rơi dọc đường để cho người ta nhặt được mà đọc, hoặc trình nộp quan trên, cũng là một cách để phao truyền dao ngôn. Tờ kể tội viết rằng:

“Từng nghe: có trời có đất, có dân có vật. Dân và vật được yên nơi chốn thì trời đất hợp, gọi là có triều đình, có công khanh. Tìm chọn được dùng người mà đặt chức công khanh thì triều đình được đúng đắn, xưa nay chẳng khác[446] thế, sự tích còn ghi trong sử sách.

Trộm thấy họ Trịnh dùng quan lại không chọn người hiền mà phẩm trật công hầu những tạp việc chính sự không chăm giữ cho thưa giản thì bốn phương tô thuế nặng nề. Kẻ giảo hoạt được coi là trọng thần. Người trong sạch thẳng thắn thì bị chê bai. Một bọn mê của mê sắc tự lấy làm vui, hút máu mủ của trăm họ. Đầy ải, phế truất những bậc danh tướng, danh thần có công. Đánh thành chiếm đất đuổi dân để cướp đoạt tiền nong của cải, tác oai tác phúc, bẻ cong pháp đò để khép hình phạt cho người. Trước đây Âu Công Dũng phò kí Trà vô tội mà bị giết. Năm ngoái tả phủ Tài, phò mã Địch có công lao chỉ vì không tuân thượng lệnh mà bị cực hình... đều là bị phế truất xử đoán thiên lệch. Chim chưa hết đã bẻ gãy cung tốt, địch chưa tan đã giết hại mưu thần. Mổ bụng giết thai thi mà kì lân không đến chầu, đạp trứng phá tổ mà phượng hoàng không lượn đậu. Sai tướng sĩ đi đánh dẹp mà chẳng đoái đến lao khổ nằm kích gối giáo, đến đâu chẳng nghĩ nỗi thảm khốc giết vật hại người. Thưởng kẻ có công bất quá một tờ giấy rách, thu tô thuế thì không bỏ sót một hạt gạo hẩm, thóc lép. Cấp ruộng đất tế tự cho nhà Lê chẳng qua chỉ một khoảnh cô thôn, mà bổng lộc ban cho thân thích họ Trịnh thẩy đều xã lớn dân đông hàng vạn. Huống nữa năm Tý, năm Ngọ chưa táng thây khô mà năm Mão năm Dậu còn trơ xương trắng. Sinh sự thì sự sinh, trách người chẳng bằng trách mình.

Nay chúa Nam là bậc sáng suốt.Trên xem đạo trời mà biết thời cơ đã đến, dưới xét lòng dân mà biết dân nguy phải cứu. Trừ gian diệt nghịch, mở vận giúp đời, khuôn phù sự nghiệp trung hưng của nhà Lê, chuyển cơ tái tạo của trời đất. Thống lĩnh quân tì hổ mười vạn, binh uy đất chuyển núi xô. Tướng diều hâu dưới quyền có đến trăm viên, bày mưu đặt kế xuất quỷ nhập thần, Những kẻ thức thời sao lại không tự mưu tính cho mình? Nhạc Nghị bỏ nước Yên, quyết theo về với Triệu mà làm nên sự nghiệp. Ngũ Viên bỏ nước Sở, gửi chí theo nước Ngô mà công danh lớn lập nên.

Nay có lời hiểu dụ cho các tướng Bắc triều: nếu là người thức thời đạt lí thì hãy trở giáo giúp việc thuận về hàng. Hoặc nếu xét thế lực mà biết thời cơ, đem binh lính hướng về chỗ sáng mà hỏ chỗ tối, cùng đồng lòng diệt nghịch mà đốc sức cần vương. Như thế chẳng những tấm thân được vẹn toàn mà về công danh cũng được hiển vinh ghi truyền mãi mãi. Nhược bằng kẻ gian đồ tiếm nghịch cứ giữ điều mê muội thì chẳng khác gì làm tôi cho Tào Tháo, tôn thờ Đổng Trác, không trốn khỏi danh nhơ sử sách với sự tích phản vua, tránh sao khỏi bị đời sau chê cười. Một khi lửa nổi ở núi Côn Lôn[447] thì ngọc đá đều cháy tan, chẳng còn phân biệt là linh chi hay cỏ mục, phượng hoàng hay gà núi đều chung một sàn.

Nay hiểu dụ.

[446] Nguyên văn “cổ kim bất dị.” Bản sao chép nhầm chữ “dị” thành chữ “sảng” (sảng khoái) vì hai chữ này hơi giống nhau, dễ lầm.

[447] Tên ngọn núi tương truyền có nhiều ngọc quý.

Nói tiếp chuyện đốc chiến Chiêu Vũ viết xong tờ hiểu dụ kể tội họ Trịnh, bèn sai người lén đem ra kinh đô Thăng Long cùng các trấn ở Đàng Ngoài theo kế đã định mà treo dán hoặc đánh rơi dọc đường. Dân Đàng Ngoài nhặt được mở xem, cũng có người tức giận mà hủy đi, cũng có người trầm ngâm không nói hoặc gật đầu cho là lời lẽ trong dụ thư là có lí. Lại có kẻ nhặt được đem nạp lên cho các quan to trong triều xem, hoặc nhận để đó mà không đọc.

Từ đó nhân tâm phần nhiều oán phản, hoặc bàn bạc cùng nhau nổi dậy, hoặc quyết vượt đường xa về hàng. Tây Định vương Trịnh Tạc thấy lòng người xao xuyến bên gia tăng binh quyền cho đô đốc Lân quận công để đề phòng sinh biến[448]. Nhưng cũng từ đó binh lính và dân chủng lén đường vào Nam theo chúa Nguyễn ngày một thêm đông.

[448] Nguyên văn chép: “gia cấp binh quyền dữ đô đốc Lân quận dĩ phòng hữu biến.” Câu này hơi tối nghĩa tạm dịch như trên.

Tháng hai năm ấy, đại quân của Hiền vương Nguyễn Phúc Tần đã đóng lâu ở đất Nghệ An, núi sông xa cách, lương hướng vận chuyển khó khăn. Hiền vương bèn sai các quan văn võ đến các huyện trong xứ Nghệ An lập tuyển trường để chọn lựa các hạng dân đinh khỏe mạnh sung làm lính và chiếu theo sổ sách mà thu thóc thuế để lấy nuôi quân. Nhưng dân Nghệ An từ trước đến lúc ấy chưa từng phải nạp thuế thân nay nghe lệnh mới như thế, dân chúng bảo nhau rằng: “Chúng ta những tưởng vui hưởng nghiệp thái bình, được miễn tô thuế, ai nấy đều được yên cư, nay lại phải chịu tô thuế nặng hơn khi trước. Như thế thì ngày sau nếu trời cho Nam chúa nhất thống được cả nước thì bọn ta còn được cậy nhờ gì? Chi bằng lại theo về với quân Bắc để đợi xem thời thế ra sao”. Có người nghe được dân chúng bàn tán như vậy liền ruổi ngựa đến báo cho tiết chế Thuận Nghĩa và đốc chiến Chiêu Vũ biết dân tình như thế.

ốc chiến Chiêu Vũ nghe nói cả kinh, bèn mật sai người tâm phúc đi khắp làng xóm các huyện nói phao rằng:

“Theo định lệ của Nam triều thì việc đặt tuyển trường là để chọn trong số dân đinh những người tráng kiện cho lập thành đội ngũ để đề phòng khi quân Trịnh đánh vào. Ai có công thể được cất nhắc làm quan, không có công trạng gì cung cấp nuôi trọn đời. Nay tạm thời chỉ ghi đủ số đã ghi trong sổ thuế để cấp phát làm lương thực nuôi quân. Một mặt sẽ ghi tên vào sổ, ngày sau sự nghiệp thành công thì sẽ tra xét sổ sách mà trả về, dân chúng không nên lo ngại.”

Dân Nghệ An nghe lời nói ấy mới được yên lòng[449].

[449] Về sự việc này ĐNTLTB chép: “Quận chúa mới đến, chúng ta ngày mong chính lệnh rộng rãi mà sao bây giờ lại thuế thân nặng hơn trước?” Nguyễn Hữu Dật nghe thấy, hai người đi các làng ấp dụ bảo dân chúng rằng: “Nay việc quân chưa xong tạm lấy để giúp quân nhu, chứ không có ý tăng thuế.” Lòng dân mới yên.

Tiết chế Thuận Nghĩa và đốc chiến Chiêu Vũ cho người đi dò xét biết được như thế, hai tướng cả mừng.

Đến tháng tám, chúa Hiền xuống lệnh truyền rằng dân bảy tám châu huyện ở bắc Bố Chính ra đến Nghệ An hễ người nào có tài văn học, có thể làm được tri phủ, tri huyện hoặc các chân đề lại, thông lại ở các phủ huyện hoặc là các chức khác như cai phủ, kí phủ, thư kí, cai tổng, lại viên, xã trưởng... thì theo thứ bậc lần lượt sẽ cho làm. Một là để đủ người xét hỏi các việc kiện tụng, phân biệt ngay gian, hai là để đủ người áp thúc thu nộp tô thuế, bắt xét giặc cướp, dẹp tắt gian manh. Từ đó dân Nghệ An nhiều người đem vàng hạc tiến nộp để xin quyền mua chức. Người thì được trao cho việc cầm quân theo đi đánh dẹp, người thì được trao chức trị dân, thi hành thưởng phạt, đều lấy làm mừng vì được chúa miềnNam cất nhắc trọng dụng.

Bấy giờ Nam chúa lại sai các quan văn võ ra Nghệ An đi nhưng nơi đã chiếm giữ được để xem xét ruộng đất, lập thành công điền, tư điền, đặt các mức thu thóc tô để cấp phát cho quân sĩ, dân chúng Nghệ An cứ theo đúng kì hạn mà giao nộp. Từ đó quân lính có đủ lương ăn, không phải tốn công vận chuyển thóc gạo đi ngàn dặm.

Tháng chín, người ở Kinh Bắc, Hải Dương, Sơn Tây là Khánh Vinh, Triều Nham, Tú Phượng lén đường vào vùng giáp ranh phía Nam tìm đến dinh tiết chế Thuận Nghĩa báo tin

- Tháng tư năm nay, bọn chúng tôi ở kinh đô nghe được tin nói Tây Định vương Trịnh Tạc hội họp triều thần ở nội diện nói rằng: “Năm nước Thắng Nham đem quân đóng giữ ở lũy Đồng Hôn không biết phòng bị trước đến nỗi bị quân Nam của Chiêu Vũ đánh úp phá được. Triều đình xử tội của Thắng Nham là bề tôi được giao trọng trách cầm quân đi đánh dẹp ở ngoài, tất phải xem xét địa thế đất bằng núi hiểm để lập đồn đóng trại chống giữ, khỏi để quân giặc xâm phạm quấy nhiễu ở chốn biên cương, trên để bảo đền ơn vua, dưới để yên lòng dân chúng. Nhưng Thằng Nham làm việc khinh suất, coi việc binh như trò trẻ con để đến nỗi mất đất chết quân, tội đáng bêu đầu. Triều đình bên đem sự việc tâu lên.Nhưng Tây Định vương Trịnh Tạc cho rằng Thắng Nham là cận thần của tiên triều không nỡ xử tội chết, chỉ biếm chức bắt trở về làm dân.” Sau đó Tây Định sai tham đốc Vân Khả[450] vào thay Thắng Nham giữ lũy Đồng Hôn. Nhưng Vân Khả là kẻ tham lam tàn bạo, từ khi đến lũy Đồng Hôn chẳng ngó ngàng đến việc quân, ngày đêm chỉ lấy việc hãm hiếp đàn bà con gái làm vui, dân chúng phần nhiều đều kêu khổ. Mong tôn công xếp đặt cơ thần cất quân ra đánh để tuyệt trừ hậu họa.

[450] Viên tướng bên Trịnh thay Thắng Nham giữ ly Đồng Hôn, Cương mục cũng chép tên là Vân Khả và chú thích là “sót họ”.

Tiết chế Thuận Nghĩa nghe xong sai người dẫn bọn Khánh Vinh sang đồn Khu Độc để đốc chiến Chiêu Vũ hỏi lại cho rõ. Đốc chiến Chiêu Vũ vui mừng nói:

- Ta đã nghe tin Vân Khả đem quân trên lũy Đồng Hôn nhưng chưa rõ hư thực ra sao. Nay các ông về báo tin thì không phải hồ nghi gì nữa.

Nói đoạn đốc chiến Chiêu Vũ quay lại bảo với người lính sai rằng:

- Ngươi mau về trình với quan tiết chế cùng các tướng rằng ta xin tiết chế và các tướng người ngựa chiến thuyền đợi đến ngày Mậu Thìn mười một tháng này là ngày “lục long” sẽ có mưa lũ, ta có thể thừa cơ đánh tan quân Trịnh ở lũy Đồng Hòn, bắt sống Vân Khả trói cánh khuỷu để làm trò vui.

Người lính sai vâng lệnh trở về trình lên quan tiết chế. Thuận Nghĩa bèn triệu tướng chỉ huy các đạo đến họp bàn công việc, chuẩn bị sẵn sàng đâu đó mọi việc để đợi thời cơ.

Đến ngày mồng mười, từ khoảng giữa buổi sáng bỗng thấy mây đen ập đến rồi mưa to gió lớn ầm ầm trốc cây đổ đá, cho đến đêm hôm ấy thì nước sông Lam dâng tràn mênh mông, sóng xô dữ dội. Lữy Đồng Hòn cơ hồ sắp ngập, Vân Khả thấy thế nước cuộn dâng ầm ầm, sợ quân Nam thừa cơ cho binh thuyền tiến đánh thì không tránh khỏi như Thắng Nham bị thua to năm trước.

Vân Khả bèn sai người tìm thuyền đậu sẵn bên núi đất để đề phòng lũ cuốn. Chính lúc Vân Khả lo nghĩ, không ngờ Chiêu Vũ đang đích thân dẫn quân bản hộ ra sức chèo thuyền lướt tới, khí thế như muôn ngựa đua bon nhằm về trại quân của Vân Khả thẳng tiến. Quân Chiêu Vũ xông đánh phía đông, đột nhập phía tây, tiếng hò reo súng nổ vang trời. Vân Khả hoảng sợ lội ào qua nước chạy lên núi đất tìm đường trốn về Vĩnh Dinh, quân lính bị giết hoặc tan rã tháo chạy.

Đốc chiến Chiêu Vũ thúc quân đuổi theo nhưng thấy Vân Khả trốn chạy đã xa bèn thu quân trở về. Dọc đường gặp tiết chế Thuận Nghĩa ruổi quân đến tiếp ứng Chiêu Vũ đem chuyện Vân Khả thua chạy kể lại từ đầu chí cuối, tiết chế Thuận Nghĩa và các tướng ai nấy đều vui mừng, nói rằng:

- Quân Trịnh từ nay bạt vía, hẳn phải hết khinh nhờn quân ta!

Rồi đó các tướng đem quân trở về đóng giữ ở doanh trại cũ, sửa soạn cho trận đánh sau.

Bấy giờ Vân Khả thua chạy về Vĩnh Dinh, tự trói mình đến trước trướng của Phú nhận công Trịnh Căn xin tha tội. Trịnh Căn cả giận mắng rằng:

- Ngươi làm đại tướng, được triều đình giao cho đóng giữ ở đồn ấy sao không nhớ bài học của Thắng Nham khi trước, vin cớ vì bão lụt bị đánh úp mà vứt bỏ quân sĩ, khi giới? Xét theo phép quân, liệu ngươi có trốn tội được không?

Vân Khả chỉ cúi đầu, không biện bạch được. Trịnh Căn sai người giải Vân Khả về kinh đợi triều đình xét định. Rồi đó, Trịnh Căn giao cho Miện quận công lĩnh quân đến thay Vân Khả đóng giữ lũy Đồng Hôn. Trước khi đi, quận Phú răn dặn rằng:

- Phàm làm tướng phải rất cẩn thận! Nếu khinh suất thì phép nước không tha!

Quận Miện vâng lệnh đưa quân đến lũy Đồng Hôn lo việc sửa đắp thành trì, ngày thì chia quân phòng ngự, đêm đốt đuốc ngồi xem sách để đề phòng quânNam lại tiến đánh. Chuyện ấy không có gì phải nói.

Nói tiếp chuyện năm Kỷ Hợi, niên hiện Thịnh Đức thứ bảy (1659), mùa xuân, ngày mồng bảy tháng giêng bỗng có người xã Thanh Kỳ huyện An Dương xứ Hải Dương là Văn Dụ tìm vào quân doanh yết kiến tiết chế Thuận Nghĩa và đốc chiến Chiêu Vũ xin được làm thuộc hạ. Văn Dụ nói năm trước ở kinh đô nghe chuyện các công khanh tại triều bàn luận rằng: Từ khi Đoan quốc công Nguyễn Hoàng vào thống quản hai xứ Thuận Hóa, Quảng Nam chưa từng động binh xâm lấn địa giới Đàng Ngoài.

Nay Dũng quận công[451] từ năm ất Mùi (1655) đến nay đã đem quân ra đánh tan quân Hàn Tiến, đuổi quận Đông, tiến thẳng ra xâm phạm Nghệ An, chiếm lấy bảy tám châu huyện, đóng giữ suốt bờ nam sông Lam, đắp lũy tiếp nhau từ núi ra đến biển, chia quân đặt đồn đóng giữ. Một mặt các tướng bên Nam chiêu dụ anh hùng, hào kiệt, thi thố ơn đức, dân chúng đều vui lòng tuân phục, chẳng phải là không do ý trời xui nên như thế. Cổ nhân nói: Trời người cùng theo, hết loạn đến trị. Họ Trịnh trên bất trung với vua, dưới bất hiếu với tổ tiên, khinh thường tộc thuộc, đầu độc anh em, giết hại trung thần. Bọn cận thần thân tín được thể coi triều đình như chốn thảo dã, xem dân chúng chẳng khác côn trùng, sớm muộn không tránh khỏi tai họa tan nhà mất nước. Huống chi lại có lời tiên tri (sấm ngữ) nói rằng:

Cửu cửu kiền khôn dĩ định,

Thanh minh thời tiết tàn hoa,

Thập đáo dương đầu quá mã,

Hầu binh bách vạn hồi gia.

Nghĩa là:

Chín chín trời đất đã định,

Hoa tàn giữa tiết thanh minh,

Mười đến đầu dê qua ngựa,

Đội quân trăm vạn về nhà.

[451] Dũng quận công tức Hiền vương Nguyễn Phúc Tần. Triều đình

Lê - Trịnh ở Đàng Ngoài không thừa nhận tước vương tự phong của các

chúa Nguyễn ở Đàng Trong nên chỉ gọi Phúc Tần là Dũng quận công.

Theo lời sấm nói trên mà xét thì hai câu đầu đã ứng nghiệm[452]. Còn hai câu: “Thập đáo dương đầu quá mã, Hầu binh bách vạn hồi gia” giải thích ra thì “dương đầu quá mã” (đầu dê qua ngựa) có nghĩa là năm Ất Mùi (dê) động binh, qua năm (ngựa) đến năm Thân vượt qua địa giới. “Hầu binh bách vạn hồi gia” là chỉ đội quân trăm vạn của Nam chúa Dũng quận công sẽ ra Thăng Long vào năm Canh Thân. Suy nghiệm theo lời sấm ngữ đó thì quânNam sẽ thần tốc cuốn chiếu ruổi thẳng tiến ra Trung đô, thu phục giang sơn dựng nên sự nghiệp bá vương. Bọn chúng ta nên cẩn thận giữ mình đợi thời cơ, một khi Namchúa đem đại quân tiến ra thì tương kế tựu kế mà theo hàng. Cốt yếu là phải biết lo liệu trước, ngỏ hầu hiển rạng thanh danh tôi hiền biết chọn chúa, khỏi bị chê cười là kẻ không thức thời.

[452] Vẫn là lời của Văn Dụ thuật lại lời bàn tán của các quan triều ở Thăng Long. Ám chỉ việc Trịnh Tráng chết năm tám mươi mốt tuổi (chín X chín).

Tiết chế Thuận Nghĩa cùng các tướng Dương Trí, Hùng Uy, Vân Long, Thịnh Hội, Xuân Đài... nghe xong ai nấy đều mừng nói:

- Lòng trời đã như thế thì không phải to ngại gì nữa. Bọn ta khá nên sai người về vương đình tâu lên chúa thượng xin cho phát binh thẳng tiến ra Trung đô, thỏa nguyện phù Lê diệt Trịnh.

Đang lúc mọi người cùng nhau bàn luận bỗng có tiểu tốt vào trong trướng thưa rằng:

- Có mấy người làm quan bên Trịnh đến xin hàng phục, hiện đang đứng chờ lệnh ở ngoài cửa doanh Tiết chế Thuận Nghĩa nghe nói bèn sai hàng tướng là quận Hợp ra ngoài hành lang đón tiếp, mời vào trong trướng.

Bọn quan văn Đàng Ngoài lạy chào xong, tiết chế Thuận Nghĩa mời ngồi rồi hỏi:

- Các ông từ kinh đô vào đây xin cho biết họ tên cùng là từng vị ở ngoài ấy giữ chức gì?

Văn Dụ bèn đứng dậy bước lên trước trình tên từng người: thứ nhất là Đoán Hiển bá[453] người xã Bạch Trì huyện Thạch Hà giữ chức chưởng tư nghiệp Tư thiên giám, người thứ hai là Cổn Lương tử người xã Vạn Xuân cũng thuộc huyện Thạch Hà, giữ chức chiêm hậu quan ở Tư thiên giám, người thứ ba là Đoán Chân tử, đậu đồng tiến sĩ, người thôn Đồng Hoạch xã Thiên Lộc, người thứ tư là cống sĩ Canh, người thứ năm là cống sĩ Vương Điền, người thứ sáu là cống sĩ Ban, người thứ bảy là vệ sĩ hộ binh Tộ Long tử, người xã Bình hồ, huyện La Sơn[454]. Cả bảy ông đây đều là người xứ Nghệ cả.

[453] Trong số bảy người Đàng Ngoài đến đầu hàng quân chúa Nguyễn năm Kỷ Hợi (1654) như CNDC đã ghi ở đây, ĐNTLTB ghi ba người, trong đó có Chu Hữu Tài giữ chức Tư thiên giám, CNDC ghi là Đoán Hiển bá, như vậy Đoán Hiển bá là tên tước của Chu Hữu Tài, chiêm hậu Côn Lương (CNDC ghi tên tước đầy đủ là Côn Lương tử) và hộ kinh Tộ Long tức Tộ Long tử, ĐNTLTB ghi: hai người này đều không rõ họ.

[454] La Sơn: huyện Đức Thọ, tỉnh Nghệ Tĩnh.