Nam triều công nghiệp diễn chí - Chương 19 - Phần 3

Tiết chế Thuận Nghĩa nghe xong đứng dậy chắp tay nói rằng:

- Các vị đều là kẻ anh tài hiểu biết thời thế, bỏ tối theo sáng, cùng nhau phò giúp nhà Lê. Tuy trước đây Nam Bắc xa cách muôn dặm, nay đều là anh em một nhà, không có điều gì phải lo ngại. Ngàn dặm đến đây, chỉ mong các vị đem hết sức lực bình sinh phò giúp minh chúa thành toàn sự nghiệp bá vương như ngày trớc Nhạc Nghị giúp vua Yên, được như thế thì phú quý công danh không lường trước được.

Bọn Đoán Hiển đều lạy tạ nói rằng:

- Chúng tôi đều là kẻ hủ nho nơi thôn dã, ít học kém tài, đâu dám sánh với người hiền thời xưa! Chỉ là vì ngày nay các công khanh triều sĩ ở Thăng Long nghe tin chúa phương Nam là bậc tài đức cao minh, ơn nghĩa ban khắp xa gần, đích thân đẩy xe đón người hiền, vắt tóc tiếp kẻ sĩ[455]. Mọi người ngày đêm chờ mong trông thấy mặt rồng để thỏa nguyện quân thần gặp gỡ. Vì vậy bạn hữu thân quen chúng tôi bảo chúng tôi đi trước vào yết kiến tôn công mong được biết ngày quân ta tiến phát nhanh chậm lối hướng thế nào.

[455] Theo Sử kí của Tư Mã Thiên: Chu công ở nhà gội đầu thấy có khách lạ đến thăm phải bỏ dở ba lần, vắt tóc cho khô để ra tiếp chuyện, đang dở bữa ăn vội nhả miếng cơm để ra tiếp người hiền.

Tiết chế Thuận Nghĩa nói:

- Phàm việc dùng binh tiến lui đều có thời nhất định chưa dám nói trước làm tiết lộ quân cơ, khiến cho tai vách mạch dừng ngoài ngàn dặm nghe biết.

Bọn Đoàn Hiển lại nói:

- Chúng tôi liệu tính nông cạn rằng ngày nay Nam chúa được trời thuận người theo, thời vận đã đến, xin sớm hẹn ngày đem binh tiến ra. Chúng tôi xin báo tin để các quan tại triều cùng anh hào tuấn kiệt bốn phương đem người ngựa khí giới về tụ họp, trong Nam tiến ra, ngoài Bắc nổi đánh, hợp thành thế nội công ngoại kích, tất diệt Trịnh.

Tiết chế Thuận Nghĩa, đốc chiến Chiêu Vũ cùng các tướng nghe nói cả mừng. Thuận Nghĩa bảo bọn Đoàn Hiển rằng:

- Các ông hãy thư thả chờ chúng tôi bàn bạc.

Nói đoạn bèn sai dọn tiệc khoản đãi hết sức vui vẻ.

Rồi bọn Đoán Hiển ra trạm nghỉ ngơi, các tướng cũng ai về trại nấy. Chỉ còn đốc chiến Chiêu Vũ ở lại, tiết chế Thuận Nghĩa nói:

- Lời nói của bọn họ thật giả ra sao chưa dám mười phần tin cả. Huống chi người xưa có câu: “thế sự tín mạc bất tín”, “nhân tình nghi, tắc khả nghi” (sự đời tin chẳng bằng không tin, tình người còn ngờ thì cứ để ngờ).

Đốc chiến Chiến Vũ nói:

- Bọn họ nói xét ra cũng có lí, ta chớ nên nghi ngại. Xin tiết chế mau thảo biểu văn sai người đem về triều tâu báo.

Tiết chế Thuận nghĩa nghe theo, bèn ủy cho Chiêu Vũ thảo khải văn. Khải văn viết:

“Bề tôi văn võ vâng mệnh đem quân các đạo đi đánh xa tâu trình lên chúa thượng cao minh xem xét:

Vừa đây, các hiền sĩ làm quan văn ở Trung đô là bọn Tư thiên giám Đoàn Hiển bá trình rằng các quan ở triều đình Đàng Ngoài cùng nhau bàn hạc, có ý muốn theo vào hàng phục bên ta để được hiển rạng công danh. Bọn họ bèn giả tiếng về thăm quê ở Nghệ An tìm đến báo tin cho bên ta, xin thánh chỉ cho lệnh khi nào quân ta đánh ra để bọn họ trở về báo tin cho hào kiệt các nơi dấy binh làm nội ứng, giúp quân ta bắt sống Tây Định giải vào trước vương đình dâng nộp bày tỏ lòng kính mến, thỏa ý nguyện anh hào tuấn kiệt khắp nơi. Bọn thần xin trình lên chúa thượng xem biết.

Kính khải.”

Chúa Hiền xem xong tờ khải, vui mừng nói:

- Các ngươi hãy về nói với hai ông Thuận Nghĩa và Chiêu Vũ cùng nhau bàn định. Vả lại việc ở ngoài biên đều theo lệnh của tướng cầm quân, tùy cơ ứng biến. Mưu kế gì có thể mau chóng thu phục được Trung đô thì cứ theo thế mà làm, không cần phải hỏi lại. Ngày xưa đã vậy thì ngày nay cũng thế. Việc hẹn, ta đều ủy thác cả cho hai ông tiết chế và đốc chiến bàn bạc mà làm. Bao giờ tiến quân ta sẽ đem đại binh đi theo tiếp ứng.

Chức sự vâng lệnh lạy chào trở về Nghệ An trình với tiết chế Thuận Nghĩa và đốc chiếm Chiêu Vũ biết chúa truyền như thế. Hai người bèn triệu các tướng bàn tính mưu kế, định ngày xuất quân. Lại lệnh cho tướng cầm quân các đạo tập luyện quân sĩ, sửa soạn khí giới quân nhu sẵn đang đợi lệnh. Rồi đó chưởng Tư thiên giám Đoán Hiền bá, chiêm hậu Cổn Lương tử ứng nghĩa xin được làm bề tôi của chúa Nam, cùng với các cống sĩ và hộ binh Tộ Long cáo từ trở về kinh đô báo tin. Chuyện không có gì phải nói.

Lại nói chuyện ở Bắc triều, bấy giờ có quan nghè là Hồng Lĩnh tử, từ kinh đô về thăm nhà ở xứ Hải Dương. Thượng thư hưu trí là quận Trạc nghe tin bèn sai người mời Hồng Lĩnh tử đến chơi nói chuyện. Đang lúc hai người bàn luận việc quốc gia trị loạn hưng vong, quận Trạc hỏi Hồng Linh tử:

- Từ khi chúa Đàng Trong đem quân xâm phạm địa giới Đàng Ngoài, chính lệnh ở đó ra sao? Lão nay về hưu ở chốn quê mùa thôn dã chẳng biết tin tức gì. Ông ở kinh về đây rất là biết rõ sự việc, dám phiền ông nói cho nghe.

Hồng Lĩnh nói:

- Từ năm ất Mùi đến năm Bính Thân - Đinh Dậu, quân Nam thường vận chuyển lương thực trong miền đưa ra cấp phát cho ba quân, nhưng về sau vì đường bộ cách trở núi cao, đường thủy phải vượt biển rộng, việc chuyên chở không được đều, vì thế phải phân bổ thóc thuế cho dân các huyện ở Nghệ An để cấp lương cho quân. Nay triều lại xuống lệnh chọn những người có học ở Nghệ An để cho làm lại việc ở các phủ huyện, đặt các nha môn để xét xử đơn từ kiện tụng. Tôi thiết nghĩ đấy cũng là lẽ thường, việc chính sự xưa nay đều phải làm như thế.

Quận Trạc lặng yên suy nghĩ hồi lâu rồi nói:

- Cứ như lời ông thì cơ đồ họ Trịnh cũng chưa có gì phải lo lắm. Theo ý trời việc người mà xem thì năm sau quân chúa Nguyễn phải rút về Nam.

Quận Trạc nói xong, ha hả cười vang. Ông nghè Hồng Lĩnh nói:

- Quan thượng khanh cười vui như thế hẳn là có chủ ý gì

Quận Trạc đáp:

- Đấy là tôi nghe lời ông mà đoán nghĩ nông cạn như thế nên cười cho vui thôi, có gì lạ đâu.

Ông nghè Hồng Lĩnh hai, ba lần khẩn khoản nhờ giải thích, quận Trạc đều lặng thinh không đáp. Người đời sau có thơ bình tán rằng:

Lòng tàng thao lược nhất đương thì,

Để tiếng ngàn năm sử sách ghi.

Cửa tướng giỏi bàn đường tiến thoái.

Công môn trước đã biết hưng suy.

Mới hay phú quý như bèo nổi.

Lại nhạo công danh chớp mắt đi.

Giữ đạo bén mình nhàn năm tháng,

Giấc song biếng thốt chuyện thị phi.

Ngày mười một tháng giêng năm ấy, chưởng Tư thiên giám Đoán Hiển bá Chu Hữu Tài dâng ba điều then chốt để phá địch (Địch sách khu cơ tam điều).Tiết chế Thuận Nghĩa và đốc chiến Chiêu Vũ xem qua rồi sai thủ hạp tên là Trí về vương đình dâng lên chúa Hiền vương.

Sách văn viết:

“Từng nghe: Việc quân quốc cấp bách không vượt ra ngoài ba điều thiên văn, địa lí và nhân luân. Cho nên Mạnh Tử nói: “thiên thời không bằng địa lợi, địa lợi không bằng nhân hòa.” Lời nói ấy đến nay càng ứng nghiệm.

Điều thứ nhất bàn về thiên thời. Thiên thời là quan hệ thống thuộc giữa mặt trời, mặt trăng và năm tháng.

Sách Xuân Thu tả truyện nói: “Sao Tuế ở vào tinh phận nước nào thì nước ấy có phúc, có thể đánh được người mà người thì không thể đánh được. Lấy việc biên cương mà nghiệm thì năm Giáp Tý, niên hiệu Vĩnh Tộ thứ bảy (1624)[456] sao Tuế ở vào độ Mùi đầu sao Thuần, đến Đinh Mão năm Vĩnh Tộ thứ chín (1627)[457] sao Tuế ở vào độ Thìn của sao Thọ. Đó là những năm quân Trịnh ở Đàng Ngoài mấy lần vào xâm lấn miền Nam, nhưng đều bị thua cả, thế lực Đàng Trong từ đó mạnh dần. Đó là một việc nghiệm. Lại đến năm Mậu Tý, niên hiệu Phúc Thái thứ sáu (1648), sao Tuế lại chiếu ở phương Nam, họ Trịnh u tối không biết xét, chỉ muốn làm liều, lại sai bọn Bộ Gia xua đàn dê đánh nhau với mãnh hổ, cho nên năm ấy quân Trịnh lại cả bại. Lúc ấy Nam chúa oai lừng cõi trờiNam[458]. Đó là việc nghiệm thứ hai. Lại đến năm Ất Mùi (1655) sao Tuế ở cung Đoài, thế mà quận Tiến, quận Đông[459]không biết thiên thời, không thông độ số, lại giơ càng bọ ngựa chống xe, cho nên tự chuốc lấy bại vong. Từ đó quân ta thừa thắng tiến ra tận sông Lam, thế như xô cây mục, chiếm trọn đất đai ở bờ nam dễ như ngắt tàu lá cải. Đó là ba việc nghiệm.

Lại đến năm Kỷ Hợi[460] sao Tuế mọc ở độ Dần, lặn ở độ Thân. Thần đọc sách Cương mục có đoạn viết: Chỗ sao Sâm mà có sao Tuế mọc thì miền ấy tất là có bậc chân nhân nổi lên. Tượng trời ứng nghiệm rõ ràng lắm.

Năm ngoái, ngày mồng một tháng năm có nhật thực, mặt trời bị che hết, ban ngày trời đất tối bưng. Năm nay, ngày tiết thanh minh (mùa xuân) thì ấm mà đến cuối năm thì rét. Ý trời đã tỏ cho biết khá rõ. Thiên Hồng phạm trong kinh Thư nói: “Trời âm u lâu ngày mà không mưa, kẻ thần hạ tất có người rắp mưu phản hại bề trên. Đó là bốn việc nghiệm. Vả lại xét ngược từ khi họ Mạc tiếm ngôi nhà Lê ở kinh đô Thăng Long đã xuất hiện hai câu sấm mười sáu chữ:

Mạc thị thừa long phụ nguyên thừa thống

( ) tinh lạc địa ngọ nhật đương thiên[461].

Tám chữ trên đã nghiệm: “Họ Mạc (chỉ Mạc Đăng Dung) cưỡi rồng (bằng làm vua) giao cho Nguyên (bằng Phục Nguyên) nối vị. Tám chữ dưới chưa cho biết ý nghĩa ra sao, nhưng sự việc quá khứ nói đã đáng tin thì việc tương lai cũng nên ngẫm kĩ. Đến nay lại càng ứng hợp câu sấm “Chín chín trời đất đã định. Hoa tàn giữa tiết thanh minh”. Quả là trời giúp người theo, ấy là thiên cơ chớ để tiết lộ. Than ôi! Vận hết bĩ thì đến thái, loạn tột thì trị sinh, đúng là lúc này vậy. Còn như năm nay vào tháng Kỷ Hợi, quân giặc đóng ở phía bắc, theo phép “hợp thần” mà suy thì mệnh tinh của quân giặc đã ở vào năm hạn, tưởng giặc ắt bị bắt. Ấy là giềng mối chính, ấy là thời tiết tốt, thời cơ trên dưới một lòng. Nhưng thiên thời không bằng địa lợi. Vậy có điều thứ hai bàn về địa lợi như sau.

Địa lợi đó là nói về sự kiên cố do thành cao hào sâu, địa thế hiểm trở. Xem trên bản đồ địa dư thì xứ Nghệ An long mạch khởi từ Quỳ Châu đổ xuống, chuyển vào đến châu Bố Chính rồi lại chuyển ra miền Kỳ Hoa, Thạch Hà, đến huyện Thiên Lộc vượt khởi lên thành dãy Hồng Lĩnh, làm thành một thế đất chung đúc vượng khí, đúng là nơi định cục của bậc đế vương mới đấy. Về đờng thủy thì có thể thông với hai cửa biển cổ họng[462], đường bộ có thể chứa được đội quân mười vạn người ngựa. Xin cho quân ra đóng dinh tại đó làm thành thế trận “trường xà” (con rắn dài), lấy La Sơn[463] làm tả giác (góc bên trái), lấy Nghi Xuân làm hữu giác (góc bên phải), lấy đồn Khu Độc làm tiên phong, dàn thành thế trận đóng giữ, chờ cho quân địch tự tan rã. Lại thấy ở miền Hương Sơn long mạch như tám đầu rồng chầu về cung Tử vi, thanh long thì phục ở nơi Thiên Nhẫn, bạch hổ liền với bờ sông. Như thế là Thất diện, Tam tinh, Long thủy đều giao hội ở minh đường, lấy Hồng Lĩnh chín mươi chín ngọn cao làm án ngự, trấn giữ phía ngoài cho thế đất đẹp dấy nghiệp đế vương. Khi dùng võ, nói về quân bộ thì thành lũy vững chắc. thóc lúa dồi dào, nói về quân thủy thì đường sông tiện lợi.

Đem đại quân đến chiếm vùng này, chia đóng các nơi theo bản đồ bát trận làm thành thế nương dựa lẫn nhau: Phía bắc đổi diện với địch ở cửa Khảm, lấy huyện Thanh Chương làm tả kì binh. Ở cửa Kiền lấy huyện La Sơn làm làm kì binh. Ở cửa Cấn, tả cơ tiếp ứng ở phía tây nam. Năm nay, là năm hợp của Tuế tinh nên xuất quân tiến đánh. Hữu cơ ở phía đông bắc, năm nay là năm xung, chỉ nên cố thủ cho vững chắc, hoặc tùy nghi vừa đánh vừa giữ, ví như các trường xà, bị đánh ở dầu thì đuôi tiếp ứng, đánh ở đuôi thì đầu tiếp ứng, đánh ở giữa thì cả đuôi và đầu đều tiếp ứng. Quân giặc đóng ở bên tả thì bên hữu đánh, đóng ở bên hữu thì bên tả đánh, đóng ở đầu thì tả hữu cùng đánh. Như thế không đầy năm, quân giặc phải tan rã. Đó là điều quan yếu của phép Hành quân, then chốt của kế sách mở nước. Đối với miền đất tốt phải tranh lấy thì không thể để lỡ thời cơ.

Nhưng địa lợi không bằng nhân hòa.Vậy xin điều thứ ba bàn về nhân hòa. Đó là nói về sự hòa hợp giữa vua tôi và dân chúng. Những nghĩ lòng trời mến mãi nhà Lê, chung cục triều đình vua Lê bị họ Mạc tiếm đoạt. Nhưng quả lớn nuốt không trôi, nguyên khí lại về, thực là nhờ công lao của Chiêu Huân Tĩnh công[464], chỉ trong năm năm tái tạo hoàng đồ, xã tắc nhà Lê lại được khôi phục. Không may quyền chính rơi vào tay họ Trịnh, lành dữ điểm đã rõ ráng, cõi Nam ngày càng thịnh vượng. Nay thực nhờ trời sinh thánh chúa, cúi ngước tỏ rõ oai hùng, sai tướng giỏi cầm quân, trao quyền định đoạt ở biên địa, chia quân đóng giữ nơi hiểm yếu đối mặt với quân thù. Mỗi lần vận mệnh nhà Lê trùng hưng, muốn nới bớt nỗi lo của thiên hạ, lập nền trị khắp chốn trong ngoài thì đều phải thu phục cho được lòng dân.

Lòng dân đã hướng về, xin gương ngọn cờ đại nghĩa của ta để đánh phát kẻ bề tôi phản loạn. Các vua Chính Trị[465], Hoằng Định[466] và Phúc Thái[467] đều bị họ Trịnh giết hại, mà vua hiện nay[468] cũng đang bị họ Trịnh hiếp bức đè nén, cả thần và người đều phải căm giận. Bề tôi nhà Lê đều muốn theo phép của kinh Xuân Thu để trị tội kẻ phản vua hại cha, thề không đội trời chung cùng nghịnh tặc, hẹn ngày dựng lại nghiệp trung hưng. Ngày xưa Hạng Vũ sai người ngầm giết hại Nghĩa Đế ở giữa sông, Hán vương nghe lời của Đổng Giá vạch mười điều tội ác của Hạn Vũ, đã dấy đội nghĩa binh đánh kẻ có tội, dựng lên nghiệp lớn bốn trăm năm.

Nay họ Trịnh giết vua cướp quyền của nhà Lê, tội ác mười mươi, ai ai đều biết, họ lại không dáng dấy quân đánh dẹp hay sao? Xưa nữa thì vua Trụ tuy phạm nhiều tội ác nhưng không mắc tội giết vua, thế mà Vũ vương nghe lời bàn của Thái Công Vọng vạch mười điều tội ác của Trụ, cất quân đánh phạt, gây được cơ đồ to lớn hơn tám trăm năm. Huống chi ngày nay tội họ Trịnh giết vua đã vượt cả Trụ nhà Ân há lại không thể cất quân trừ dẹp? Khổng Tử ở đất Lỗ, nghe tin Trần Hằng giết vua bèn tắm gội xin cất quân đánh diệt kẻ loạn thần tặc tử, việc còn chép rõ ở kinh Xuân Thu. Nay theo phép kinh Xuân Thu để nghiêm khắc trừng phạt họ Trịnh thì có gì là quá đâu? Muốn làm được thế thì chọn dùng kẻ tài năng là việc rất lớn. Xin chọn trong số con cháu các bậc danh tướng cùng là những người mộ nghĩa, ai đáng làm cai cơ, cai đội thì giao cho làm. Lại mở các tuyển trường chọn trai tráng khỏe mạnh để sung làm lính.

Về học nghiệp khoa cử xin theo chế độ ngày xưa, mở các khoa thi Hương và thi chế sách[469] để thu dùng người có tài văn học. Đã chọn được người thì giao cho chức việc. Người có tài vũ lược thì trao chức quan cầm quân; người có đức liêm chính thì cho làm quan châu, huyện. Không cần phải đặt nhiều quan chức để khỏi phải phiền hà cho dân chúng. Người làm quan phải xét đoán các đơn từ kiện tụng để dân chúng khỏi bị oan ức, lòng người tuân phục.Dân trông ở vua, hai chữ “khoan hòa” (khoan nói, êm dịu) là điều cần kíp. Ruộng công nên cấp đều cho từng đầu người, cấm những nhà quyền hào không được chiếm dụng. Ruộng tư cần phải lập sổ kê khai tùy từng nhà nhiều ít mà định rõ mức thuế[47] không được gian lận che giấu, cứ thu gặt được mười phần thì nộp thuế một phần. Như thế thì ai nấy đều vui lòng mà nghề nông có lợi, thóc lúa càng nhiều, không lo thiếu lương ăn, quân dân ai nấy đều yêu kính, trời đất tự nhiên ứng hòa, điềm lành theo nhau ứng hiện. Như thế thì tận dụng được thiên thời cũng là ở con người, sử dụng được địa lợi cũng là do con người. Có thể đánh để lấy, có thể giữ cho chắc. Ấy là nhen nhóm thời thịnh trị, ấy là kế giữ yên thiên hạ, khôi phục hoàng đồ trăm năm bềnvững, phò giúp đế nghiệp vạn năm yên bình.

Ngu thần mạo muội bàn xét mấy điều quan yếu trong quan hệ giữa trời đất và con người, đâu dám gọi là tài cán. Phúc ấm ba sinh, tự biết duyên may hạnh ngộ. Kể sách trị bình, sâu mong bậc thánh chúa hiền thần lưu tâm xét đến. Thần xin tâu mọi nhẽ như trên[471]. Chúa Hiền xem xong tờ tâu kế sách ba điều quan yếu bèn trao cho các quan văn trong triều cùng bàn giải xem hay dở thế nào.”

[456] Nếu tính chính xác thì năm Giáp Tý 1à niên hiệu Vĩnh Tộ thứ sáu (1624).

[457] Nguyên bản sao chép là Ất Mão, đúng ra là Đinh Mão niên hiệu Vĩnh Tộ thứ chín (1627).

[458] Bản sao chép là “Nam phương uy chấn Nam thiên”. Chữ “phương” có lẽ là do chữ “chủ” (chúa) chép nhầm thành.

[459] Bản sao chép là “Tiến súy”, “Đông súy”. Hai chữ “súy” ở đây hẳn là chữ “quận” chép nhầm thành. Tiến quận công tức là Tiến Hàn (Hàn Tiến) đã nói đến ở trước.

[460] Bản sao chép là Ất Hợi. Nhưng Ất Hợi là năm 1635, không ăn nhịp với chuyện đang nói, chắc hẳn là Kỷ Hợi (1659) mà chép nhầm thành.

[461] Bản sao chép sót một chữ ở đầu vế thứ hai. Mong bạn đọc lưu ý rằng điều này nói về thiên thời địa lợi theo cách giải thích của thuyết thiên văn sấm vĩ đã lỗi thời. Đó là hạn chế lịch sử về thế giới quan khá phổ biển ở các nhà nghiên cứu quân sự thời bấy giờ.

[462] Chỉ cửa Hội và Cửa Sót, hai đầu mối giao thông đường biển quan trọng ở Nghệ Tĩnh.

[463] Tức là huyện Đức Thọ.

[464] Tức Nguyễn Kim.

[465] Tức vua Lê Anh Tông (1557 - 1573).

[466] Tức vua Lê Kính Tông (1600 - 1619).

[467] Tức vua Lê Chân Tông (1643 - 1649).

[468] Chỉ vua Thần Tông Lê Duy Kỳ (1649 - 1662).

[469] Nguyên văn: “Hương thí chế sách đẳng khoa”. Hương thí là khoa thi Hương, chế sách là khoa thi Hội (thi các môn chế nghĩa và sách văn).

[470] Bản sao là: “Minh kì phú hữu” (định rõ giàu có). Theo ý cả câu có lẽ là “Minh kì phú thuế” mà chép nhầm chữ “phú” bằng chữ thuế, ra chữ “phú” nghĩa là giàu.

[471] Về tờ khải điều trần chính sách do Đoán Hiền bá Chu Hữu Tài dâng lên chúa Nguyễn Phúc Tần năm Kỷ Hợi (1659). ĐNTLTB (Q.5) chỉ chép tóm tắt các khoản điều trần trong khoảng một trang và cho biết:

“Chúa Hiền xem xong nói: “Người này học rộng nhiều văn, có thể dùng để bàn hỏi được.” Liền đó giao cho Tài chức tham chính hộ quân.”

Các quan đều nói:

- Quả đúng dòng chính học, đọcrộng biết nhiều, tất phải có tài kinh bang tế thế. Xin chúa thượng trọng dụng để chấn phát nho phong, bồi dưỡng mệnh mạch nước nhà.

Hiền vương Nguyễn Phúc Tần bèn phong cho Đoán Hiển bá Chu Hữu Tài chức tham chính giám hộ quân, xếp vào hạng cận thần hầu việc ở vương phủ, lấy Cổn Lương tử làm chức chiêm hậu, cho Văn Tuyển giữ chức thủ hợp đặt dưới quyền điều khiển của dinh đốc chiến.

Ba người lạy tạ lĩnh mệnh rồi ai nấy trở về bản dinh giúp rập điều hành việc quân.