Định mệnh trái ngang - Chương 10 phần 1

CHƯƠNG 10: HUGH

Khi Antony vừa lên trên lầu thay quần áo thì ban nhạc lục đục kéo đến. Họ cùng đi trên chiếc xe hơi nhỏ cổ lỗ sĩ của ông Cooper, chồng bà giám đốc bưu điện. Khi đến nơi, Antony đưa họ vào trong nhà, chỉ cho chỗ của ban nhạc là góc tiền sảnh. Họ mang theo nhạc cụ, ông Cooper chơi đàn accordeon, tay chơi vĩ cầm là một ông già về hưu có bà con với bà Cooper, tay trống là một anh chàng để tóc dài mang giày cao cổ. Antony nhận ra anh này ở Tarbole, thủy thủ trên một con tàu đánh cá. Cả ba người đều mặc đồng phục áo sơ mi màu xanh nước biển, nơ đeo cổ sọc carô. Trông họ mới hãnh diện làm sao. Antony mời họ uống whisky. Ngay lập tức, họ sửa soạn nhạc cụ chuẩn bị cho buổi tối. Thời gian chuẩn bị sắp hết, Antony bỏ họ ngồi đó chạy lên lầu lục tìm quần áo. Anh thở phào nhẹ nhõm khi tìm thấy những thứ mình đang cần. Antony đặt cả lên giường: giày, vớ, áo sơ mi, cà vạt, thắt lưng, quần dài. Những cái nút bằng bạc được đánh bóng lên, khuy manchette và kim cài cà vạt bằng vàng để sẵn trên mặt tủ. Chắc bà Watty đã sửa soạn hết cho anh bởi Antony thường vào phút cuối cùng mới chạy lung tung tìm quần áo thì đã muộn rồi. Mười phút sau, một anh chàng Scotland bảnh bao ăn mặc tề chỉnh bước xuống tầng trệt. Đồ ăn đã được mang đến. Ông Anderson mặc áo khoác trắng hồ bột đang gác cá hồi hun khói để trên mặt bàn với sự trợ giúp của bà Watty, theo như giới phụ nữ bình phẩm thì ông Anderson cư xử rất bặt thiệp. Ông nhẹ nhàng mời bà ngồi một chỗ xem xét dùm xem mấy cái li đã sạch bóng hẳn chưa. Hình như không còn việc gì cho Antony làm. Anh nhìn đồng hồ quyết định rót cho mình một li whisky pha soda rồi lên lầu chào bà Tuppy một tiếng. khi định làm thế, anh chợt nghe có tiếng xe hơi nghiến xào xạo lên lối sỏi ngoài căn nhà.

- Ai đến vào giờ này nhỉ? - Antony ngẩng lên nói.

- Ai cũng được. Chỉ biết người ấy đến sớm mười lăm phút.

Antony nhíu mày. Ở miền tây Scotland này, không có ai lại đi dự tiệc sớm đến cả mười lăm phút như vậy. Thường thì họ đến trễ cả hai tiếng đồng hồ. Anh chăm chú đứng đợi, thất vọng vì nghĩ nửa tiếng đồng hồ tiếp sau phải cố hầu chuyện vị khách đến sớm. Tiếng cửa xe sập lại, tiếng chân bước lạo xạo trên sỏi, sau đó cửa chính mở toang. Hugh Kyle xuất hiện. Anh mặc bộ đồ vest khá sang trọng. Đối với Antony, hôm nay Hugh Kyle khá là nổi bật.

- Chào Antony.

Antony thở phào nhẹ nhõm:

- Cảm ơn Chúa. Là cậu đấy ư? Cậu đến sớm đấy.

- Phải, tớ biết mà.

Hugh khép cửa lại, thủng thẳng bước đến, hai tay đút túi quần, mắt trầm trồ nhìn khung cảnh lễ hội, ánh đèn sáng rực thật là huy hoàng.

- Long trọng, linh đình chẳng khác gì những bữa tiệc lớn thời ông bà mình thường tổ chức.

- Tớ biết, mọi người phải làm việc cật lực đấy. Cậu đến đúng lúc, mình làm vài chầu rượu đi. Tớ định rót cho mình một li và lên lầu thăm bà nội. Nhưng cậu đã đến đây rồi thì... - Anh rót hai li whisky, pha nước soda vào, đưa một li cho Hugh... - Chúc sức khỏe bạn thân.

Antony nâng li lên nhưng Hugh tiếp tục đứng đó, tay cầm li rượu, mắt nhìn Antony, cặp mắt xanh u buồn. Ngay lập tức, Antony hiểu ra, chưa uống được ngụm rượu nào, anh đã bỏ li xuống nói:

- Có chuyện gì à?

Hugh nói cụt ngủn:

- Phải, tớ nghĩ tốt hơn hết, chúng ta nên bàn về chuyện đó. Đi đâu đi, đến nơi nào không có ai quấy rầy ấy.

***

Flora ngồi bên bàn trang điểm. Nàng mặc chiếc áo đầm màu xanh nhạt từ hồi còn ở trường nội trú. Flora chăm chú chuốt lông mi. Lông mi nàng đã dài và cong sẵn rồi. Nhìn bóng mình trong gương, nàng không sao tưởng tượng nổi đó lại là Flora Waring. Trang điểm cẩn thận, chải tóc cho bóng mượt rủ xuống bên bờ vai. Trông nàng xa lạ chẳng khác nào một tấm hình chụp bên bìa các tạp chí. Ngay cả căn phòng cũng xa lạ đối với nàng. Nàng nhìn ánh đèn bàn trên lò sưởi điện, nhìn màn cửa và chiếc áo đầm dạ hội trằng nhờ nhờ như một bóng ma mà bà McLeod đã treo ở đó tự bao giờ. Bà McLeod tự hào cũng phải thôi. Vì từ một cái váy cũ lôi ra trong cái rương trên gác xép mà may thành cái áo đầm như thế cũng là cố gắng lắm rồi. Nào ren, nào khâu, nào viền lại còn một hàng nút bằng ngọc trai nhỏ xíu chạy dài từ eo cho đến sát cằm. Nhưng nàng không thích cái váy ấy. Nó im lặng treo trên mắc áo ở góc phòng nhin Flora như oán trách. Nàng chẳng thích mặc chiếc áo ấy vào chút nào. Nhưng biết lấy cớ gì đây. Nàng đặt chuốt lông mi xuống, xịt dầu thơm của dì Marcia. Flora đứng lên cởi bỏ chiếc áo xanh quen thuộc, làn da nàng vẫn còn rám nắng sau một mùa hè dài ở Cornwall. Căn phòng ấm cúng nhưng sao nàng lại run lên, nàng quay sang lấy chiếc áo ra khỏi mắc, chậm rãi mặc vào. Áo lạnh ngắt như làm bằng giấy vậy. Nàng cài hàng nút nhỏ xíu đàng trước, phải mất một lúc lâu bởi lỗ khoét thì nhỏ mà nút thì to. Cái cổ cao và cứng làm nàng khó chịu hệt như nó làm bằng bìa cứng vậy. Cuối cùng thì mọi chuyện cũng xong xuôi. Thắt lưng cài xong, nút áo ở cổ tay cũng đã đâu vào đấy. Nàng nhìn vào gương, thấy một cô gái cứng đờ như cô dâu làm bằng đường đứng trên một cái bánh cưới. Trông ghê quá. Nàng tự nhủ nhưng cô gái trong gương kia trông chẳng có gì là dịu dàng cả. Cô ta lạnh lùng nhìn thẳng vào Flora như vô cùng căm ghét nàng vậy. Flora thở dài, tắt lò sưởi điện, tắt đèn, ra khỏi phòng. Nàng phải lên nói lời tạm biệt với bà Tuppy như đã hứa. Flora nghe tiếng nhạc khe khẽ từ dưới vọng lên. Căn phòng rất ấm cúng, bà Watty đã đốt lò sưởi rồi, mùi gỗ cháy thơm thơm, tiếng vui mừng chào hỏi vọng ra từ nhà bếp gợi lên không khí rất đầm ấm chẳng khác nào ngày lễ Giáng sinh. Cửa phòng bà Tuppy mở hé. Trong đó vọng ra tiếng trò chuyện nho nhỏ. Flora gõ cửa bước vào, nàng thấy bà Tuppy ngồi dựa lưng vào đống gối, bà mặc chiếc áo choàng màu trắng, có nơ màu xanh nhạt. Bên cạnh bà là cậu cháu trai cưng Jason. Trông hai bà cháu giống hệt như một bức hình chân dung thường thấy trong các phòng khách ở các gia đình dòng dõi.

- Ôi, Rose. - Bà Tuppy choàng tay ôm lấy nàng. - Cháu yêu quý, đến đây cho bà cháu tôi ngắm cháu một chút nào. Giờ đi đi lại lại chút xem áo đẹp như thế nào nào.

Flora nghe lời.

- Bà y tá khéo tay quá nhỉ. Áo để ở trên gác xép nhiều năm rồi thế mà bây giờ trông cứ như mới. Nào, đến đây hôn bà đi. Mùi nước hoa thơm quá, ngồi xuống đi cháu, ngồi xuống đây nè, cạnh bà đây, cẩn thận nhé, khéo làm nhàu áo đấy.

Flora thận trọng ngồi xuống:

- Cổ áo này cứng quá bà ạ, cháu thấy mình như con hươu cao cổ ấy.

Jason bảo:

- Trên thế giới nhiều người cho rằng cổ cao mới là đẹp đấy thím ạ.

Bà Tuppy bảo thằng bé:

- Đúng rồi, bộ lạc ấy ở Burma, họ đeo những cái vòng bằng vàng vào cổ khiến cho cổ cứ dài mãi ra.

- Hồi còn trẻ, cứ mỗi khi đi chơi quần vợt là bà lại mặc váy này sao?

Thằng Jason trố mắt lên nhìn Flora, chẳng giống cái người ngày thường vẫn mặc quần jeans và áo len cổ lọ chút nào. Nó hơi sợ sệt khi thấy một người hoàn toàn lạ đứng trước mặt.

- Phải, đúng đấy cháu ạ.

- Cháu không thể tưởng tượng được mặc quần áo này mà bà lại chơi quần vợt được thoải mái đâu. - Flora nói.

Bà Tuppy nhớ lại chuyện cũ:

- Vì thế bà chơi quần vợt đâu có giỏi.

Ba bà cháu cười ồ lên. Bà cầm lấy tay Flora vỗ nhè nhẹ, mắt bà sáng rỡ, má hồng hào, chắc là do li Champagne lúc này đang để trên chiếc bàn cạnh giường. Bà Tuppy nói:

- Bà ngồi đây nghe tiếng nhạc, chân bà không sao yên nổi dưới tấm mền này, tưởng tượng như mình cũng đi dự tiệc giống mọi người dưới kia. Thế rồi Jason đến, hai bà cháu nói chuyện với nhau về những bữa tiệc được tổ chức khi ông nội của Jason mới có hai mươi mốt tuổi. Hồi đấy, tất cả mọi người trong thị trấn đều đến dự tiệc. Bia rượu chảy tràn như suối, tiệc ấy mới vui làm sao.

- Bà cố ơi, bà kể cho thím ấy về ông nội của cháu và du thuyền của ông đi.

- Ôi, thím Rose không muốn nghe đâu mà.

- Có chứ, cháu muốn nghe mà. Kể đi bà. - Flora năn nỉ.

Không chờ ai phải nài nỉ thêm, bà Tuppy thủng thẳng kể.

- Ông nội của Jason tên là Tuss. Hồi đấy ông nó nghịch ngợm lắm. Suốt ngày chơi ngoài đồng với bọn trẻ con. Cứ sau mỗi kì nghỉ hè, thằng bé lại cao lớn hơn. Nhưng nó mê biển nhất, không bao giờ nó sợ sóng gió, mới năm tuổi đầu mà bơi rất khỏe. Khi lớn hơn Jason bây giờ một chút, ông nó đã có một cái xuồng bằng cao su của riêng mình rồi. Ông Tammy Todd, cha của Tuss, hồi ấy làm việc ở Ardmore đã đóng chiếc xuồng ấy cho con trai. Hàng năm vào mùa hè, câu lạc bộ du thuyền Ardmore lại tổ chức một buổi đua thuyền cho bọn trẻ con. Lễ hội ấy gọi là gì hả Jason?

- Là cuộc đua Tinker ạ. Bởi vì lúc ấy thuyền bè đều bị đánh dạt vào bờ hết cả.

Flora bảo:

- Bị đánh dạt vào bờ ư?

Tuppy giải thích:

- Thằng bé muốn nói mọi con tàu đều trở về bến ấy mà. Màu sắc sặc sỡ này. Người đi tới đi lui đông đúc lắm cơ. Các bà mẹ đã chuẩn bị từ nhiều tháng trước cho con mình đi đua thuyền, nhiều đứa giật giải rất cao. Chính Tuss đã là người thắng cuộc trong năm đầu tiên. Nhưng thằng bé có vẻ thờ ơ với giải thưởng ấy. Không hào hứng như những đứa trẻ khác.

- Ông nội về nhất trong những cuộc đua phải không bà cố?

- Phải, nhiều lắm. Không chỉ ở Ardmore không đâu. Khi tốt nghiệp phổ thông nó còn tham gia một cuộc đua tận bên Mỹ cơ. Được đi biển là niềm đam mê của Tuss thuở thiếu thời.

- Thế rồi khi chiến tranh bùng nổ, ông nội gia nhập hải quân. - Jason nói leo, nó không muốn câu chuyện kết thúc.

- Phải, và rồi lại đi biển. Tuss phục vụ cho một chiến hạm lớn. Mỗi kì nghỉ về nhà, nó lại cặm cụi với mấy cái xuồng cao su, hết sửa chữa lại cưỡi sóng ra khơi.

- Bà nội cháu cũng là lính hải quân phải không bà cố?

Bà Tuppy cười chiều lòng cháu:

- Phải, bà nội cháu ở Wrens. Ông bà nội cháu gặp nhau rồi làm đám cưới ngay trước khi chiến tranh xảy ra. Đám cưới ấy buồn cười lắm. Mặc dù suốt ngày phải ở trên tàu nhưng không hiểu Tuss xoay xở ra sao mà đám cưới lại được tổ chức ở London. Lúc ấy cả bà và bà trẻ Isobel cũng đến dự. Xe lửa chật đầy những lính tráng. Mọi người chia nhau từng mẩu bánh mì. Vui lắm cháu ạ.

- Kể thêm nhiều chuyện nữa đi bà. - Jason nài.

Nhưng bà Tuppy giơ tay hàng.

- Cháu đâu có lên đây để nghe chuyện. Cháu lên để chúc bà ngủ ngon rồi xuống để dự tiệc cơ mà. Nhớ nhé, cháu là người ra nhảy đầu tiên đấy và nhớ là phải mặc bộ đồ của ông nội nghe chưa? Cái bộ đồ nhung ấy mà.

Lưỡng lự mãi Jason mới ra khỏi giường. Đi đến cửa, chợt thằng bé dừng bước quay lại hỏi Flora:

- Thím có nhảy với cháu không?

- Thím không biết nhảy đâu, nhưng cháu dạy thím nhé, thím rất thích nhảy với cháu đấy.

- Được rồi, để cháu dạy cho.- Thằng bé mở cửa.- Chúc bà ngủ ngon, bà cố.

- Tạm biệt cháu, cháu yêu.

Thằng bé bỏ đi, cánh cửa khép lại sau lưng nó. Bà Tuppy ngả người trên ghế trông mệt mỏi nhưng có vẻ hài lòng. Lạ thật đấy, giọng bà mệt mỏi như thể sự chờ đợi trong suốt cả một ngày dài khiến bà mệt lả.

- Tối nay ta quên hết thời gian, nghe tiếng nhạc mường tượng ra mọi chuyện đang diễn ra ở dưới nhà, nghe tiếng thì thầm to nhỏ ta nhớ lại những ngày xưa. Khi Jason bước vào, ta cứ tưởng đó là Tuss. Lạ quá phải không cháu? Ta thấy dễ chịu lắm, chắc tại ngôi nhà này, ta đã gắn bó với nó bao nhiêu năm nay. Rose à, cháu biết rồi đấy. Ta sinh ra và lớn lên cũng ở trong ngôi nhà này. Chắc cháu cũng biết điều đó rồi phải không?

- Không, cháu chẳng biết gì cả.

- Đúng đấy cháu ạ. Ta sinh ra ở đây, lớn lên cũng ở đây. Hai em trai của ta cũng thế.

- Cháu không biết bà cũng có em trai đấy ạ.

- Ừ, em ta là James và Robbies. Mẹ ta sanh ra trước, mãi sau mới có thêm hai em trai ấy. Khi ta lên mười hai tuổi, thân mẫu ta qua đời nên một tay ta chăm sóc chúng. Chúng mới láu lỉnh, dễ thương làm sao. Không thể kể hết những trò nghịch ngợm bướng bỉnh của James và Robbies cho cháu nghe được đâu. Có một lần, hai anh em rủ nhau làm một cái bè định ra khơi, nhưng sóng lôi mãi ra xa khi triều xuống, một cái tàu cứu hộ may mắn tìm ra hai anh em. Một lần khác, chúng đốt lửa trại trong một ngôi nhà nghỉ, khói um lên, may mà không có ai bị thiêu sống. Đó là lần duy nhất trong đời ta thấy cha mình nổi giận. Thế rồi lần kia, hai đứa đi học nội trú, ta nhớ chúng vô cùng. Khi trưởng thành cả James và Robbies đều cao lớn, đẹp trai nhưng vẫn láu lỉnh như xưa. Ta lấy chồng sống ở Edinbrugh, có chuyện này ta vẫn còn nhớ mãi, mỗi khi có tiệc hai cậu em ta luôn nổi bật khiến các cô gái ở Scotland chết mê chết mệt.

- Chuyện gì xảy ra với họ ạ?

Giọng trầm khàn của bà Tuppy như vỡ ra:

- Chúng chết hết rồi, cả hai đứa, trong chiến tranh Thế giới lần thứ nhất. Robbie qua đời trước, rồi đến James. Cuộc chiến mới khủng khiếp làm sao. Bao nhiêu chàng trai trẻ đã ngã xuống, danh sách thương vong ngày càng dài ra mãi. Cháu không biết đấy thôi. Ngay cả thế hệ Isobel cũng không sao tưởng tượng nổi sự mất mát của cuộc chiến ấy. Khi chiến tranh sắp sửa kết thúc, chính chồng của ta cũng qua đời, khi ấy ta không còn thiết sống nữa. - Những giọt nước mắt long lanh trên khóe mắt bà Tuppy.

- Ôi bà ơi.

Nhưng Tuppy lắc đầu, không để cảm giác tủi thân lấn lướt.

- Nhưng cháu biết rồi đấy, ta vẫn sống, ta còn có con: Isobel và Tuss. Khi Tuss và Isobel lớn lên, ta không hài lòng về tính cách của chúng cho lắm. Hồi ấy, chúng ta sống ở miền Nam, hai đứa con ta lúc nào cũng lặng lẽ, nước da luôn xanh tái. Mỗi khi nhìn thấy chúng, ta lại cảm giác mình có lỗi. Thế rồi cái vòng luân hồi cứ tiếp tục.

- Chuyện gì thế ạ?

- Cha ta gởi thơ nói với ta rằng chiến tranh đã kết thúc. Ông muốn ta mang con về Fernrigg dự lễ Giáng sinh. Thế là mấy mẹ con lên tàu vào một buổi sáng mùa đông, cha ta ra đón ba mẹ con ở nhà ga Tarbole. Hôm ấy trời lạnh, lại mưa. Cha ta đánh xe ngựa đến tận nơi và cả nhà về Fernrigg trước khi mặt trời mọc. Trên đường đi, chúng ta gặp một ông già quen với cha ta. Ông dừng ngựa lại giới thiệu ông ấy với bọn trẻ. Ta còn nhớ lúc ấy cái lạnh làm tay chân chúng run lên bần bật. Ta nghĩ chỉ về nhà dự lễ Giáng sinh rồi đi, nhưng rồi mẹ con nán lại đến Tết vẫn chưa về. Lần lữa hết tuần này sang tháng khác và ba mẹ con ở lại cho đến tận mùa xuân năm sau. Lúc ấy ta nhận ra bọn trẻ đã gắn bó với nơi này, chính Fernrigg mới là nhà chúng. Ở đây, chúng hồng hào, khỏe mạnh, nô đùa suốt ngày. Trẻ con phải được gần gũi với thiên nhiên, thế mới được. Ta bắt đầu thích khu vườn, ta trồng nhiều cây hồng, chăm sóc chúng cẩn thận và đau lòng thấy thời gian trôi quá nhanh, chỉ sợ đến ngày phải ra đi. Ngôi nhà này rất ấm cúng, cháu biết không. Từ bấy đến nay, nó chẳng thay đổi gì nhiều. Với khung cảnh xưa cũ, nó an ủi ta nhiều lắm. - Bà im lặng, ở dưới nhà có tiếng xe hơi trờ tới, lại thêm tiếng chào hỏi ồn ã át cả tiếng nhạc. Tiệc đã bắt đầu rồi. Bà Tuppy với chiếc li Champagne, uống một ngụm nhỏ. Xong xuôi, bà đặt li xuống cầm tay Flora. - Torquill và Antony đều sinh ra ở đây. Mẹ Torquill phải khó nhọc lắm mới sinh ra được nó và bác sĩ yêu cầu không nên có đứa con thứ hai nhưng con dâu ta vẫn cứ làm liều. Tuss luôn lo lắng cho vợ, nên chúng ta đã đón mẹ của Antony về Fernrigg ở để nghỉ dưỡng thai và chăm sóc khi ở cữ. Tưởng sắp xếp như vậy đã là tốt đẹp, nhưng trước khi Antony ra đời một tháng thì tàu của Tuss bị trúng thủy lôi, khi sinh con xong mẹ nó không còn thiết sống nữa. Tệ nhất là ta hiểu cảm giác ấy của mẹ Antony. Biết thế nào chuyện cũng có kết cục đau buồn ấy, nên ta và Isobel lại phải nuôi thêm hai thằng bé nữa. Ở nhà Fernrigg không lúc nào vắng tiếng trẻ. Nghe tiếng Torquill và Antony ta lại nhớ đến hai người em của mình. Sự hiện diện của hai đứa cháu cho ta cảm giác em ta chưa hề tử nạn. Nếu ta còn ngôi đây nhớ về chúng thì chúng vẫn còn ở mãi bên ta.

Một lần nữa, bà Tuppy lại rơi vào im lặng. Cuối cùng, Flora hỏi:

- Ước gì bà kể cho cháu chuyện này sớm hơn. Cháu rất muốn biết dù có nhiều lúc không nên nói về quá khứ. Những người già thường chôn chặt quá khứ trong lòng. Nhưng Fernrigg là một nơi chốn hạnh phúc. Cháu có cảm giác như vậy ngay từ lần đầu tiên cháu bước chân đến đây.

- Mừng vì cháu thấy như vậy. Thỉnh thoảng ta nghĩ nhà này chẳng khác gì một cái cây xù xì và già cỗi, rễ quấn quýt chống đỡ với gió tuyết. Nhiều cành đã gãy trong những trận cuồng phong.

- Và có những lúc cháu nghĩ rằng cây sẽ chết mất. Nó không thể sống thiếu những cành, những lá thân thương của mình. Nhưng khi mùa xuân đến, từ khắp các cành cây mọc lên chồi non mơn mởn đón lá xuân hệt như một phép lạ.

- Cháu cũng là một trong những cái lá ấy đấy, Rose ạ. Antony cũng vậy, Jason cũng thế. Cần phải cho mọi người biết rằng bọn trẻ tụ họp về đây, dưới mái nhà này, phải cho mọi người biết sự có mặt của cháu.

Flora không biết nói gì. Giọng của bà Tuppy khàn đi vì xúc cảm.

- Ôi, ta đang làm gì thế này? Sao lại giữ cháu ở đây nói những chuyện vớ vẩn ấy, trong khi mọi người ở dưới lầu kia đang đợi gặp cháu. Cháu không hồi hộp đấy chứ?

- Cũng có hơi hơi đấy ạ.

- Không được hồi hộp nghe chưa cháu, cháu đẹp lắm. Không chỉ có Antony đâu, mọi người rồi sẽ yêu quý cháu hết thảy. Nào, bây giờ thì hôn bà đi, rồi xuống lầu cho lẹ. Ngày mai cháu sẽ còn lên đây để kể cho bà nghe về bữa tiệc tối cơ mà. Nhớ kể hết cho đến từng chi tiết nhỏ đấy nhé. Bởi vì ta sẽ nằm đây đợi nghe cháu đấy.

Flora ra khỏi giường, nàng cúi xuống hôn bà Tuppy và bước ra cửa. Khi mở cánh cửa ra nàng nghe thấy bà Tuppy nói.

- Rose. - Flora quay lưng lại. - Dự tiệc vui vẻ nhé, Rose! - Bà Tuppy bảo nàng.

Thế là hết, nàng ra khỏi phòng đóng cửa lại không có thời gian đâu mà thổn thức. Thật trẻ con khi tự nhiên yếu lòng khóc lóc về chuyện một bà già bộc bạch sau một li Champagne. Flora không phải trẻ con, đã rất lâu rồi nàng học cách kiềm chế. Nàng đứng đó bất động, hai tay ôm lấy mặt, nhắm mắt lại, cái cục chặn ngang cổ nàng không chịu xuống, nó phình trướng lên khiến nàng không sao thở nổi. Nước mắt bắt đầu lăn xuống gò má. Nàng không có cách gì chặn lại được nữa. Chắc là nàng đã ngồi với bà Tuppy rất lâu, những âm thanh dưới nhà ngày một lớn thêm. Rõ ràng buổi tiệc đã bắt đầu. Chắc đang chế nhạo nàng chứ gì, nàng phải xuống dưới đó. Nàng không thể đứng đây khóc như thế này đuợc, nàng phải xuống, phải gặp mọi người. Còn Antony đang đợi nàng nữa chứ. Nàng đã hứa với anh rồi. Nhưng nàng hứa gì với anh nhỉ? Cái gì khiến nàng ngu xuẩn hứa một lời ngớ ngẩn đến như vậy? Làm sao họ lại có thể nghĩ chuyện này sẽ êm xuôi mà không hề cảm thấy tổn thương hay không hề làm tổn thương ai? Những câu hỏi tuyệt vọng không có câu trả lời. Cái áo mà nàng mặc cứng nhắc bó chặt lấy người nàng như một minh chứng cho nỗi xấu hổ của nàng, cùng những trách nhiệm mà nàng đã buộc mình vào. Mặc cái áo này như thể bị tra tấn, tay nàng bị bó chặt trong ống tay áo chật cứng, cổ không sao ngúc ngoắc được vì cổ áo quá cao, lại quá chật. Không, Flora không sao thở được nữa rồi. “Rose, dự tiệc vui vẻ nhé!” Nhưng tôi không phải là Rose. Tôi không thể giả đò là Rose thêm được nữa. Nàng bịt miệng nhưng chẳng giải quyết được vấn đề gì bởi nàng đã khóc rồi. Nước mắt giàn giụa, nàng khóc cho Tuppy, khóc cho hai người em đã khuất của bà, khóc cho bản thân mình. Những giọt nước mắt bướng bỉnh mặn đắng đầy trong khóe mắt và theo nhau lăn tròn. Nàng hình dung ra mặt mình lem nhem những chì kẻ mắt lẫn với nước quệt ngang quệt dọc trên má, nhưng không quan trọng nữa rồi. Nàng không đóng vai này thêm nữa, nàng sẽ không dự tiệc, không phải nhìn mặt ai. Theo bản năng, nàng quay lưng lại với thực tế, đi về phòng mình. Và rồi Flora chạy thực sự như một người chạy trốn khỏi hiểm họa bày ra trước mắt. Nàng chạy dọc theo hành lang dài cho tới khi đến trước cửa phòng mình, vào bên trong sập mạnh cửa lại, giờ thì an toàn rồi, giờ thì tiếng nhạc và tiếng cười nói chỉ còn nghe nhỏ xíu. Tiếng khóc nức nở đến khó chịu của nàng át lên tất cả trong căn phòng lạnh cóng, nàng vụng về tháo hết hàng nút áo của cái áo đầm mới, nới cổ áo ra và giờ Flora đã có thể thở được, sau đó nàng cởi luôn hàng nút ở cổ tay. Nàng vùng vẫy tháo áo ra khỏi vai, nó buông xuống nền nhà như một tiếng thở dài. Nàng giở đồ đạc lần tìm mấy cái gói nhỏ lấy ra bộ áo đầm quen thuộc của mình. Không chút khó khăn, nàng cài hết hàng nút, lẹ làng mặc cái áo vào rồi ngã người trên giường. Giờ thì nàng có thể mặc tất cả. Úp mặt xuống giường khóc rưng rức trong cơn mưa nước mắt không sao kìm chế được. Nàng không còn chút ý thức gì về thời gian. Flora không biết mình đã nằm như thế bao nhiêu lâu, trước khi nàng nghe thấy tiếng cửa phòng mình mở ra và rồi có bàn tay nào đó thật nhẹ nhàng khép cửa lại khe khẽ. Lúc ấy nàng vẫn không chắc rằng có ai vào phòng mình hay không. Cho tới khi thực sự cái giường của nàng lún xuống như có ai ngồi lên trên. Sự có mặt ấy mới nồng ấm biết bao, mới vững chãi và êm đềm biết bao. Nàng thôi không úp mặt lên gối nữa. Bàn tay của người đó vuốt nhẹ lên tóc nàng. Vén những lọn tóc khỏi xòa trên má, mắt vẫn còn đẫm lệ, nàng ngước nhìn lên. Đầu tiên là một cái bóng đen to lù lù, rồi chiếc áo sơ mi dần rõ ra, cuối cùng hình ảnh ấy sắc nét dần. Trước mặt nàng là Hugh Kyle. Nàng những tưởng đó là Isobel hay Antony, nhất định không phải là Hugh. Nàng bấm môi cố hết sức ngăn dòng nước mắt lại. Khi nước mắt trên mặt chưa kịp khô, nàng lấy tay chùi vội vã, dụi mắt rồi nhìn lại Hugh một lần nữa. Đúng là Hugh rồi. Nhưng không phải là Hugh của mọi ngày, chỉ bởi vì anh ăn mặc sang trọng hơn bình thường mà còn bởi vẻ kiên nhẫn lạ lẫm của anh lúc này. Hugh đây sao, Hugh mà kiên nhẫn ngồi như thể một người nhàn tản nhất trên đời, chẳng nói năng gì. Và nhìn vẻ mặt cũng biết anh sẵn sàng chờ cho đến khi nào Flora khóc đã mới thôi. Nàng cố cất tiếng nói. Nói đi, nói câu gì đi Flora. Thậm chí có thể nói “Cút đi!” cũng được nữa. Nhưng Hugh đại diện cho tất cả mọi người đang dang rộng cánh tay và giờ thì nàng không thể tự chủ được nữa. Không nghĩ ngợi gì nhiều, Flora ngồi lên rời khỏi đống chăn gối, buông mình vào vòng tay dịu dàng đang dang rộng chờ đón nàng. Hugh dường như không nghĩ đến thứ chì kẻ mắt đen thui có thể làm hỏng chiếc áo trắng của anh. Vòng tay anh ấm áp và mạnh mẽ ôm lấy đôi vai đang rung lên của nàng. Nàng ngửi thấy mùi vải mới và mùi nước hoa cạo râu thoang thoảng trên ngực Hugh. Nàng thấy cằm anh tựa trên đầu nàng và giây lát sau, Hugh dịu dàng hỏi:

- Có chuyện gì thế?